11/4/10

Bài phỏng vấn của luật sư Lê Thị Công Nhân với RFI bị ngụy tạo

Ngày 7/4 vừa qua, nhân kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Khối 8406, phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, RFI đã phỏng vấn luật sư Lê Thị Công Nhân, vừa mãn hạn tù 3 năm và hiện đang thi hành án quản chế. Cô đã bị bắt và bị kết án chỉ một thời gian ngắn sau khi tham gia Khối 8406.

Bài phỏng vấn đã được ghi lại thành văn bản và vừa được đăng lên trang web của RFI Việt ngữ hôm qua. Nhưng cùng lúc đó, lại có một bài phỏng vấn Lê Thị Công Nhân được lưu hành trên mạng, với một số đoạn bị sửa đổi hoặc một số đoạn thêm vào, với nội dung là luật sư Lê Thị Công Nhân đả kích, chê bai Khối 8406 và các thành viên của phong trào này, trong khi trên thực tế, trong bài phỏng vấn với RFI, cô đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với những lãnh đạo Khối 8406 và tán thành đường lối đấu tranh của phong trào này.

Luật sư Lê Thị Công Nhân và Khối 8406

RFI, 7/4/2010

Cách đây 4 năm, ngày 8/4/ 2006, một phong trào đấu tranh dân chủ cho Việt Nam đã ra đời, mang tên Khối 8406, mà linh mục Nguyễn Văn Lý là một trong những người sáng lập.
Ban đầu có 118 thành viên, khối 8406 đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ và tham gia của hàng chục ngàn người trong nước lẫn hải ngoại, trong số này có luật sư Lê Thị Công Nhân, nhà bất đồng chính kiến vừa mãn hạn tù 3 năm và nay đang trong thời gian bị quản thúc 3 năm. Hôm nay, chúng tôi xin mời quý nghe phần phỏng vấn với luật sư LS Lê Thị Công Nhân:

RFI : RFI Việt ngữ xin kính chào chị Lê Thị Công Nhân. Thưa chị, hôm nay chúng tôi muốn nói chuyện với chị qua điện thoại nhân dịp kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Khối 8406, coi như phong trào đầu tiên được hình thành một cách có tổ chức để đấu tranh một cách bất bạo động cho dân chủ ở Việt Nam. Nhưng trước khi nói về phong trào này thì hiện nay là chị vẫn tiếp tục thi hành án quản chế trong 3 năm sau khi mãn hạn tù, thế thì cuộc sống hiện nay của chị như thế nào?

LS Lê Thị Công Nhân : Chào quý vị. Sau khi ra tù thì thực ra cái án quản chế 3 năm này đối với tôi nó cũng không phải là quá quan trọng là bởi vì trước khi tôi bị bắt và bị đi tù một cách chính thức, tôi cũng đã bị quản chế một cách không chính thức.
Thậm chí trong thời gian mà APEC diễn ra tại Việt Nam năm 2006, tôi đã bị giam ngay tại nhà của mình, theo đúng nghĩa đen. Công an họ đã vây kín xung quanh nhà tôi, khu nhà tôi và cả phường của tôi. Riêng nhà tôi họ khóa cả cửa vào và nhốt tôi ở trong nhà. Và nếu so với lúc đó thì tâm trạng của tôi bây giờ có khi lại dễ chịu hơn rất là nhiều.

Ngay ngày mà tôi hết hạn tù, công an mật vụ Việt Nam áp tải tôi từ nhà tù số 5 ở Thanh Hóa về đến UBND phường Phương Mai, nơi tôi sống và bắt tôi ký vào một cái bản viết sẵn, nội dung là “giao trả phạm nhân cho địa phương quản lý” ( người hết hạn tù đấy ). Nó có 2 cái ý chính, ý thứ nhất là họ có quyền ra lệnh quản chế đối với tôi và điều thứ hai là tôi phải tuân thủ lệnh quản chế đấy của họ. Và tôi đã ký vào trong cái biên bản đó một câu ngắn gọn như sau : “Tôi không chấp nhận bản án mà tòa đã tuyên, trong đó có bổ sung lệnh quản chế.”, chấm hết và tôi ký tên vào đấy.

Sau khi ở phường, họ áp tải tôi về nhà. Khi tôi xuống xe thì tôi còn mệt tới mức độ tôi bị xỉu luôn, và công an họ xốc nách tôi đưa vào tận cửa nhà. Từ hôm ấy đến nay, họ vẫn canh gác tôi 24/24. Đặc biệt những ngày đầu thì vô cùng chặt chẽ, thậm chí canh gác ngay trong cầu thang luôn, tức là có vòng trong vòng ngoài.

Nhưng sau sự kiện họ bắt lại tôi vào ngày 19-3, vào lúc 1 giờ chiều hơn, tức là chưa đến 72 tiếng sau khi tôi hết hạn tù, việc canh giữ tôi đã thay đổi. Họ canh giữ một cách mà tôi gọi là “tế nhị”, tức là không đứng ngay bên cạnh tôi lúc tôi trả tiền ăn sáng – ví dụ như thế. Họ canh giữ tôi theo kiểu bớt đi cái áp lực khủng bố tinh thần tôi.

Từ phía tôi thì tôi vẫn cố gắng duy trì một cuộc sống bình thường trong mức độ mà tôi có thể, ví dụ như khi cần thiết phải đi đây đi đó, gặp gỡ người nọ người kia, hoặc là đi khám chữa bệnh, hoặc là đi lễ nhà thờ, vân vân, tôi vẫn đi như bình thường. Nhưng trong những chuyến đi đấy của tôi thì công an họ đều đi theo ngay bên cạnh. Còn về phía công an phường thì đã hai lần : một lần họ đến nhà tôi vào ngày 29-3, tôi không mời họ vào nhà, mà tôi mở cửa ra và tôi đi theo họ. Tôi đi ra hành lang và buộc họ cũng phải đi theo, thì họ đã cảnh cáo tôi một cách rất hằn học là tôi đã vi phạm lệnh quản chế này nọ kia. Họ yêu cầu tôi phải chấp hành cái điều đấy, thậm chí họ còn chửi tôi là “con người có học mà như vô học”. Nói chung gần đây tôi thấy họ rất hay sử dụng câu chửi rủa đấy.

Và ngày hôm qua, ngày 6-4, công an phường chặn tôi giữa đường, trên đường tôi ra chợ phiên. Ở Việt Nam, ở Hà Nội hay có những chợ phiên nho nhỏ. Tôi ra đấy để ăn sáng và mua vài thứ lặt vặt, thì họ chặn tôi ngay giữa đường. Họ đánh xe máy chặn ngay trước mặt tôi luôn, yêu cầu tôi quay về nhà, mặc dù nơi đó cách nhà tôi chưa đến 200 mét. Họ nói những câu rất là khó nghe, lại tiếp tục điệp khúc : “chị có học mà như vô học”, “chị có học thì chị phải tuân thủ quy định của pháp luật”, “chị phải chấp hành bản án”. Tôi không nói lại với họ điều gì hết. Sau khi họ nói những câu như vậy khoảng 10 phút, tôi vẫn kiên quyết là tôi đi thì họ vòng xe cản trước mặt tôi lần nữa và tôi đã la lên : “Chú thật là vớ vẩn!”. Tôi gọi ông ta là chú, ông ta lên là ông Sơn, công an ở phường nhà tôi. Và tôi tiếp tục đi thì ông ta trở nên khó khăn bởi vì ông ta đi xe máy còn tôi thì đi bộ, đâm ra ông ta không thể lẻo đẻo theo tôi mãi được. Sau một hồi rủa xả tôi là : “loại người đấu tranh dân chủ gì mà chẳng có nhận thức”, “có học mà như vô học”. Sau khi lải nhải như vậy thì ông ta đi mất.

Nhưng nói chung thì tôi không cảm thấy những việc này có gì là quá ảnh hưởng đến tinh thần của tôi trong việc tôi đấu tranh cho dân chủ cho Việt Nam, bởi vì lý tưởng của tôi không thể nào bị đánh đổi bởi những khó khăn nhỏ nhoi như vậy. Tôi đã hoàn toàn chuẩn bị tinh thần từ trước và đã được truyền đạt ý nguyện từ các thế hệ đi trước rất là nhiều.

RFI : Thưa chị Lê Thị Công Nhân, chị cũng là thành viên Khối 8406 và chính vì tham gia đấu tranh mà chị đã phải chịu án tù 3 năm và hiện nay đang tiếp tục thi hành án quản chế, vậy thì 4 năm nhìn lại chặng đường đã qua thì chị thấy rằng là Khối 8406 và nói chung là phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam đã có những thay đổi nào đáng kể ạ?

LS Lê Thị Công Nhân : Vâng. Khối 8406 là một điều đáng tự hào bởi vì rõ ràng trong lịch sử Việt Nam hiện đại sau năm 1975, Khối 8406 là một tổ chức mà theo tôi là công khai và đã đạt được kết quả rất đáng để khâm phục, trong thời gian rất là ngắn và trong hoàn cảnh đất nước thì ngày càng bị siết chặt bởi chính sách cai trị nhằm nắm giữ sự độc tôn độc quyền của Cộng sản Việt Nam.

Có thể là những hành vi đàn áp của họ khác đi một chút, đó là do thời thế, do sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của kinh tế, của toàn thế giới, chứ còn cái ý thức đàn áp của họ theo tôi thì ngày càng điên cuồng và quyết liệt. Khối 8406 đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy và theo tôi là họ đã có những phương thức, những chính sách đúng đắn ngay từ đầu.

Sau khi Khối ra đời 3 tháng, tôi tình cờ được biết trên trang BBC tiếng Việt và tôi đã tham gia vào Khối. Sau đó thì tôi đã bị bắt đi tù và cho tới ngày hôm nay tôi trở về sau 3 năm. Kỷ niệm Khối 8406 4 năm thì trong đó hơn 3 năm tôi ở trong tù mất rồi ! Nhưng khi tôi về thì tôi thì tôi thực sự kinh ngạc bởi sự phát triển hết sức nhanh, vì chỉ có 4 năm thôi mà Khối đã tạo nên tiếng vang rất lớn về mặt danh tiếng cho phong trào đấu tranh dân chủ cho Việt Nam. So với những nước độc tài cộng sản khác như là Cuba, Bắc Hàn hay là Trung QUốc, thì dấu ấn của Khối 8406 theo tôi là một điều đáng tự hào.

Tôi ngạc nhiên nữa là không những về mặt danh tiếng, về mặt quốc tế, mà cái điều chúng ta cần nhất của phong trào đấu tranh cho dân chủ đó chính là quốc nội, đó chính là nhân dân chúng ta ở trong nước đang sống trong sự lầm than, nghèo khổ và mù mịt về thông tin, về kiến thức. Còn những người mà không quan tâm đến chính trị thì đang say sưa kiếm tiền, làm giàu, như là trong cơn lên đồng tập thể vậy. Mặc dù trong bối cảnh như thế, theo như nhận thức của tôi thì có rất là nhiều người Việt Nam đã bắt đầu biết đến Khối 8406 ở trong nước, và tôi nghĩ rằng đây là điều rất là đáng mừng và cho thấy cái nỗ lực tuyệt vời của một số cá nhân, tuy rất là ít ỏi so với cả dân tộc Việt Nam, hay là so với Đảng Cộng sản với 3 triệu đảng viên. Những người lãnh đạo Khối 8406 đã làm được một việc mà tôi cảm thấy như là không tưởng vậy. Trong vòng 4 năm ngắn ngủi với bao nhiêu sự đàn áp, mà cụ thể như trường hợp anh Đỗ Nam Hải, một người gần như bị giam lỏng hoàn toàn trong suốt những năm tháng vừa qua, thế mà Khối 8406 đã đưa được những chính sách và những cương lĩnh của mình đến với quần chúng nhân dân.

Và như tôi đã nói, những người sáng lập Khối 8406 đã có những chính sách, những đường hướng đúng đắn ngay từ đầu để dẫn dắt phong trào đấu tranh cho dân chủ - nhân quyền Việt Nam tiến về một cái hướng, mà tôi nghĩ rằng sẽ gặt hái được những thành công trong tương lai không phải quá xa. Nhưng mà về cá nhân tôi, tôi bất ngờ sau 3 năm đi tù về thấy kết quả như vậy.

Vâng, tôi cũng mong anh Thanh Phương cũng như quý vị hiểu cho hoàn cảnh của tôi khi mà nói lên cái hiểu biết của mình về Khối 8406 trong thời gian vừa qua, vì kỷ niệm 4 năm thì đã có 3 năm tôi ở trong tù mất rồi. Ở trong tù thì hoàn toàn không có thông tin gì về Khối 8406, ngoại trừ những lúc ôm hôn những người thân trong gia đình thì chỉ có bỏ nhỏ được vài câu, vài câu ngắn gọn vào tai thì tôi mới biết được một chút ít.

RFI : Vâng. Thưa chị Lê Thị Công Nhân, trong hoàn cảnh đó những người lãnh đạo Khối 8406 hoặc những thành viên nòng cốt của phong trào này thì họ cũng gặp khó khăn, như bản thân của chị thì cũng bị tù 3 năm, LM Nguyễn Văn Lý thì cũng bị xử án tù 8 năm và hiện nay được tạm thời thả ra để chữa bệnh nhưng vẫn sẽ tiếp tục phải thi hành bản án cho đến hết. Trong hoàn cảnh mà khi chúng ta xuất hiện công khai, hoặc là chúng ta có những hành động cụ thể, hoặc là có ý định muốn tập hợp lại thành một phong trào thì đều bị bắt bớ hoặc bị quản thúc, trong điều kiện đó chị có cảm thấy lạc quan cho tương lai của phong trào đấu tranh cho dân chủ hay không?

LS Lê Thị Công Nhân : Vâng. Cảm ơn câu hỏi của anh rất là hay. Nếu tôi không nhầm thì có một thông điệp rằng là lựa chọn con đường công khai bất bạo động thì theo tôi là có còn tiếp tục có hiệu quả hay không. Tôi hiểu thế có đúng không ạ?

RFI : Vâng.

LS Lê Thị Công Nhân : Vâng. Nếu nói riêng về cá nhân tôi thì giờ phút này tôi vẫn chưa nghĩ ra được cách thức nào hay hơn, một cái cương lĩnh đúng đắn hơn những điều mà Khối 8406 đã đưa ra. Còn riêng về kinh nghiệm bản thân tôi cũng như là tư tường của tôi đã xác định ngay từ đầu khi tham gia những hoạt động này, đó là khi anh đấu tranh thì phải chấp nhận hy sinh. Mà đã xác định hy sinh thì phải xác định hy sinh đến cùng. Còn hy sinh dang dở thì có lẽ cũng nên xem xét lại là có nên đấu tranh nữa hay không, bởi vì hy sinh dang dở thì sẽ mất rất nhiều, mà chẳng được bao nhiêu và thậm chí còn ngáng đường cho những người khác và giống như một sự phản bội vậy.

Đấu tranh trong bất kỳ một lãnh vực nào cũng vậy thôi chứ đừng nói là đấu tranh chính trị trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. Là một người dân chủ, tôi tự hào và tự tin để nói với quý vị rằng, nếu như có ai đó có thể nghĩ ra, có thể có một sáng kiến nào khác về cách thức đấu tranh trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay để chống lại sự độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi sẵn sàng nghe theo. Nhưng hiện giờ thì tôi thấy rằng con đường mà Khối 8406 đã lựa chọn, kiên định cho đến thời điểm này là hoàn toàn đúng đắn. Và sự hy sinh của những người tham gia trong phong trào, đặc biệt là những người lãnh đạo Khối 8406 và những thành viên nòng cốt. Riêng cá nhân tôi, một thành viên bình thường, tôi nghĩ rằng đó là sự hy sinh cần thiết. Chúng tôi đã xác định điều đó ngay từ đầu.

RFI : Vâng. Thưa chị, phong trào 8406 không chỉ phát triển mạnh trong nước mà nó cũng đã có sự ủng hộ của quốc tế, chủ yếu là từ các tổ chức bảo vệ nhân quyền và từ các nghị sĩ quốc hội của những nước Tây Phương, chẳng hạn như hôm qua thì bà Đại Sứ Canada có gọi điện thoại đến nói chuyện với LM Nguyễn Văn Lý để bày tỏ sự ủng hộ bà đối với LM Nguyễn Văn Lý, nhưng theo chị thấy thì cái áp lực của nước ngoài lên Việt Nam có thể mang lại hiệu quả hay không trong bối cảnh mà đa số các nước đều muốn duy trì mối quan hệ tốt với Việt Nam để bảo vệ các quyền lợi kinh tế của mình?

LS Lê Thị Công Nhân : Câu chuyện đấu tranh dân chủ cho Việt Nam là câu chuyện của chúng ta, còn họ là những con người, là đồng loại của chúng ta về khía cạnh nhân loại trên toàn thế giới. Và đối với những cá nhân như chúng tôi, trong quá trình mà đang tiến đến một sự kiện lớn lao hơn là những cuộc xuống đường, hoặc những việc mà mình có thể gọi là dẫn đến việc thay đổi chính quyền này, tiếng nói của họ là góp phần vào sự an toàn cho chúng tôi, góp phần để đưa các thông tin về phong trào, về Khối 8406 quay trở lại với người dân trong quốc nội, vốn bị bưng bít thông tin hoàn toàn, mặc dù Việt Nam có gần 700 tờ báo.

Tôi vẫn khẳng định ngay từ đầu, những sự ủng hộ đó của các tổ chức nước ngoài, các chính phủ nước ngoài là vô cùng quý báu và tôi tin chắc rằng họ có đủ sự thông minh, có đủ bản lĩnh và tính nhân văn, cũng như sự trung thực, thẳng thắn, để có thể lựa chọn những hành động đúng đắn nhất đối với họ, cũng như mối quan hệ của họ đối với Việt Nam. Tôi tôn trọng những việc làm của họ bởi vì tôi luôn xác định phong trào đấu tranh này là của chúng ta, để giành lấy quyền cho chính chúng ta.

RFI : Chúng tôi xin cảm ơn LS Lê Thị Công Nhân đã trả lời phỏng vấn ngày hôm nay với RFI nhân dịp kỷ niệm 4 năm thành lập Khối 8406.

LS Lê Thị Công Nhân : Vâng. Cảm ơn anh. Xin cảm ơn quý vị.
.

1/2/10

Vụ Jetstar Pacific cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều rủi ro

Thanh Phương

Bài đăng ngày 15/01/2010 Cập nhật lần cuối ngày 23/01/2010 18:52 TU

Hôm qua, giám đốc điều hành hãng hàng không Qantas của Úc, ông Alan Joyce đã bác bỏ bản báo cáo của Tổng cục Hàng không Dân dụng Việt Nam cho rằng hãng Jetstar Pacific, mà Qantas có phần hùn, đã có những sai phạm về mặt an toàn.

Đây là phản ứng mới nhất từ Qantas kể từ khi hãng Jetstar bị đưa vào tầm ngắm của chính quyền Việt Nam với vụ khởi tố và bắt tạm giam ông Lương Hoài Nam, nguyên tổng giám đốc của hãng này. Ông Lương Hoài Nam bị coi là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cụ thể là thiếu trách nhiệm trong việc quản lý giá mua xăng, khiến Jetstar bị thua lỗ đến 564 tỷ đồng, tương đương với 31 triệu đôla.

Ngoài việc bắt tạm giam ông Lương Hoài Nam, công an Việt Nam còn tạm giữ hai nhân viên cao cấp người Úc của Jetstar, không cho họ rời khỏi Việt Nam về Úc thăm gia đình, để thẩm vấn họ về lý do tại sao hãng hàng không này lại bị thua lỗ nhiều đến thế. Theo hãng Qantas, cuộc điều tra về Jetstar có thể kéo dài hàng tháng. Như vậy, hai phó tổng giám đốc của Jetstar, ông Tristan Freeman và bà Daniela Marsilli không biết bao giờ mới có thể rời khỏi Việt Nam.

Tại Việt Nam, rũi ro kinh có thể bị hình sự hóa

Trong một bài báo đăng trên Internet hôm nay, tuần báo Time nhận định rằng vụ Jetstar sẽ buộc các nhà đầu tư ngoại quốc phải suy tính thật kỹ trước khi nhảy vào Việt Nam. Trước hết, Việt Nam có những quy định, luật lệ rất gắt gao về việc quản lý thiếu trách nhiệm gây thua lỗ cho vốn đầu tư của Nhà nước. Như vậy, những rũi ro về kinh doanh có thể bị hình sự hóa.

Hãng Jetstar là công ty liên doanh gồm chủ yếu 70 % vốn của Tổng Công ty kinh doanh và đầu tư vốn Nhà nước, một công ty của chính phủ Việt Nam, còn Jetstar nắm giữ 27% vốn. Ông Lương Hoài Nam cùng với ông Freeman và bà Marsilli bị coi là đã làm thua lỗ vốn của Nhà nước Việt Nam vì họ đã đặt mua xăng dự trữ vào thời điểm giá dầu trên thế giới đang lên cơn sốt, tăng vọt đến 147 đôla/thùng vào tháng 7 năm 2008 và sau đó giá dầu lại tuột dốc xuống chỉ còn 30 đôla/thùng vào tháng 12 năm ngoái, khiến Jetstar bị thua lỗ hàng triệu đôla.

Nhưng như ông Alan Joyce, giám đốc điều hành Qantas, đã nhấn mạnh ngày 11/1, vào thời gian đó, nhiều hãng hàng không khác trong khu vực cũng đã bị thua lỗ như vậy, chứ không riêng gì Jetstar, bởi vì đâu có ai ngờ là giá dầu lại tuột dốc như thế. Nói cách khác, các phó tổng giám đốc người Úc của Jetstar chẳng có làm điều gì sai trái.

Quyền tự do kinh doanh có nguy cơ bị giới hạn

Tuần báo Time cho biết nhiều nhà phân tích sợ rằng vụ Jetstar báo hiệu là đường lối phát triển kinh tế theo hướng thị trường của Việt Nam đang bị đảo chiều. Nói cách khác, trong bối cảnh lạm phát leo thang và xuất khẩu sụt giảm mạnh do khủng hoảng toàn cầu, một số thành phần cứng rắn trong giới lãnh đạo Việt Nam muốn giới hạn trở lại những quyền tự do kinh tế và tự do cá nhân, thể hiện qua vụ bắt giữ và xét xử hàng loạt các nhà đấu tranh dân chủ cũng như việc ngăn chận truy cập mạng xã hội Facebook.

Trong bối cảnh này, Jetstar đã trở thành mục tiêu tấn công của phe bảo thủ, vốn vẫn không muốn từ bỏ sự kiểm soát khu vực tư nhân, nhất là vì Jetstar đang giành thêm thị phần từ tay hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.

Tuần báo Time nhắc lại đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam bắt giữ nhân viên một công ty nước ngoài chỉ vì làm ăn thua lỗ. Vào năm 2006, bốn nhân viên của ngân hàng Hà Lan ABN AMRO đã bị bắt về tội gian lận sau khi chính phủ bị thua lỗ trong một hợp đồng kinh doanh ngoại tệ. Vào lúc đó, ABN AMRO đã phải trả 4,5 triệu đôla cho một ngân hàng quốc doanh để cứu bốn nhân viên Việt Nam khỏi án tử hình.

Vụ Jetstar cũng đã gây rất nhiều bàn tán trên báo chí Úc và nhiều tờ báo đã không ngần ngại khẳng định rằng hai phó giám đốc Freeman và Marsilli chính là nạn nhân của đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ chính quyền Việt Nam.

Hai kịch bản đang chờ đón Trung Quốc và Việt Nam : Thay đổi hoặc sụp đổ

Thanh Phương

Bài đăng ngày 30/01/2010 Cập nhật lần cuối ngày 30/01/2010 19:22 TU

Trên đây là nhận xét của nhà ly khai Trung Quốc Ngụy Kinh Sinh trong một bài tham luận đọc tại một cuộc hội thảo ở Los Angeles về nhân quyền và dân chủ ở Trung Quốc và Việt Nam vào tuần trước. Toàn văn bài tham luận này được đăng trên trang web của hãng tin AsiaNews.it ngày 29/1.

Trong một bài tham luận đọc tại một cuộc hội thảo ở Los Angeles về nhân quyền và dân chủ ở Trung Quốc và Việt Nam vào tuần trước, nhà ly khai nổi tiếng Ngụy Kinh Sinh đã so sánh tình hình giữa hai quốc gia. Toàn văn bài tham luận này hôm qua (29/1) đã được đăng trên trang web của hãng tin AsiaNews.it.

Được coi là '' cha đẻ của phong trào dân chủ'' ở Trung Quốc, ông Ngụy Kinh Sinh, hiện sống lưu vong ở Hoa Kỳ, vẫn cực lực phản bác những người cho rằng có thể phát triển kinh tế mà không cần đến dân chủ, nhân quyền.

Trong bài tham luận, ông Ngụy Kinh Sinh nhận định : '' Mặc dầu cả hai nước đều đã chuyển hóa thành những quốc gia tư bản độc quyền, nhưng có những điểm khác với những nước Đông Âu và Nga. Khác biệt lớn nhất đó Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn sống dưới chế độ độc đảng. Do không có sự tranh đua trong một thể chế đa đảng, cả hai nước đều không có một môi trường thông thoáng hơn cho ngôn luận và báo chí như ở Đông Âu và Nga''.

Theo ông Ngụy Kinh Sinh, '' Ở Việt Nam và Trung Quốc, phe đối lập rất khó tồn tại trong nước, còn phe đối lập ở hải ngoại thì càng khó mà tham gia vào chuyện chính trị quốc nội.''

Nhà ly khai Ngụy Sinh Sinh lưu ý rằng, các cơ quan an ninh của Đảng nay hoạt động rất hiệu quả, tức là gài người khắp nơi để làm chệch hướng đấu tranh, gây chia rẽ và thậm chí gài bẫy các lực lượng.

Cho nên, rất khó mà có một lực lượng đoàn kết, tổ chức chặt chẽ để thúc đẩy chuyển hóa hay cách mạng.

Hiện nay, theo nhà ly khai Trung Quốc, việc huy động nhân dân chỉ có thể thực hiện được nhờ những công cụ truyền thông đại chúng. Chính vì vậy mà chế độ cộng sản Trung Quốc vẫn nỗ lực ngăn chận thông tin cả trên báo chí lẫn trên mạng Internet.

Mặt khác, theo ông Ngụy Kinh Sinh, do thiếu tôn trọng nhân quyền, việc bóc lột, đàn áp từ các giới quan chức cấu kết với giới doanh nghiệp càng trắng trợn hơn và như vậy càng khiến sự phản kháng mạnh mẽ hơn.

Nhưng cũng do các quan chức cấu kết ngày càng chặt chẽ với giới doanh nghiệp, chính phủ nay không thể đóng vai trò trọng tài phân xử các tranh chấp kinh doanh. Cuộc đấu đá trong nội bộ giới lãnh đạo càng dữ dội hơn bao giờ hết.

Ông Ngụy Kinh Sinh nhắc lại : ''Trong những thập niên qua, môi trường quốc tế đã không thuận lợi cho các lực lượng đối lập ở Trung Quốc và Việt Nam''.

Trong khoảng thời gian đó, phương Tây đã hà hơi tiếp sức cho các nước cộng sản, thi hành những chính sách khoan dung và hoà hoãn đối với các đảng cộng sản, mà các đảng này đã biến thái thành một kiểu tư bản đỏ. Quan hệ giữa khối dân chủ phương Tây với các chế độ độc tài châu Âu, từ đối đầu đã chuyển thành hợp tác. Các lực lượng đối lập Trung Quốc và Việt Nam ở hải ngoại bỗng trở thành những cản ngại dưới con mắt các chính khách những nước dân chủ này.

Nay, theo nhà ly khai Ngụy Kinh Sinh, tình hình đang thay đổi.

Mặc dù chính sách hòa hoãn vẫn chiếm ưu thế, các nền kinh tế phương Tây đang rơi vào suy thoái do đã truyền máu cho các nước cộng sản trong hơn một thập kỷ. Ông Ngụy Kinh Sinh cho rằng các nước phương Tây nay phải từ bỏ chính sách hoà hoãn với chế độ cộng sản, phải trở lại chính sách đối đầu và cạnh tranh, mà trước hết là từ chính sách bảo vệ thị trường.

Nhà ly khai Trung Quốc nhận định, ''sự thay đổi này là yếu tố buộc hệ thống tư bản độc quyền của đảng Cộng sản phải cải tổ hoặc sẽ sụp đổ''. Lực lượng đối lập hải ngoại phải tiếp tục sử dụng truyền thông để thúc đẩy dân chủ và tự do trong nước. Đường lối đấu tranh này, đi kèm với chính sách bảo vệ thị trường của các nước dân chủ sẽ là đối trọng với chủ nghĩa dân tộc mà chắc chắn sẽ bị đảng cộng sản khai thác.

Vấn đề thông tin trong vụ đập phá thánh giá ở Đồng Chiêm

Thanh Phương

Trong Thư Hiệp Thông gởi Đức Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt đề ngày 10/1, tức là vài ngày sau khi xảy ra vụ đập phá thánh giá ở giáo xứ Đồng Chiêm, Đức cha Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám mục phụ tá Hà Nội và nguyên Giám mục Thái Bình, đã thẳng thừng viết rằng '' thông cáo của Tòa Tổng giám mục chắc chắn đáng tin cậy hơn là các báo chí '' đi theo đúng lề''.

Linh Mục Nguyễn Văn Liên, Phó Xứ Đồng Chiêm (DR)

Câu này một lần nữa phản ánh sự đối nghịch hoàn toàn giữa báo chí chính thức và với Giáo hội trong cách thông tin về sự kiện Đồng Chiêm cũng như về các vụ đã xảy ra trước đây như ở giáo xứ Thái Hà hay khu vực Tòa Khâm sứ cũ.

Ngay sau vụ đập phá thánh giá trên núi Chẽ ngay giữa đêm rạng sáng ngày 6/1, Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã ra ngay một bản thông cáo ngày 7/1 nêu rõ diễn tiến của vụ này, tức là chính quyền đã huy động hàng trăm công an, cảnh sát cơ động, dân quân, trang bị lựu đạn cay, dùi cui, chó nghiệp vụ và đã dùng vũ lực đối với những giáo dân nào định ngăn cản việc đập phá thánh giá.

Hậu quả là nhiều người bị thương, trong đó có hai người bị thương nặng phải vào bệnh viện. Những bức ảnh chụp các giáo dân máu me đầy người đã được phổ biến rộng rãi trên các trang thông tin ở hải ngoại, đặc biệt là Thông Tấn Xã Công giáo Việt Nam VietCatholic ( http://vietcatholic.net/ ).

Nhưng cũng ngay ngày 7/1, trang điện tử của tờ Hà Nội Mới ( Ha noi moi online ) đã đăng một bài báo tựa đề '' Không ai được phép coi thường kỷ cương'', khẳng định là '' chính quyền xã An Phú và thôn Đồng Chiêm đã huy động công nhân tháo dỡ an toàn công trình xây dựng trái phép trên đỉnh núi Chẽ.''

Theo Hà Nội mới, trong quá trình tháo dỡ thánh giá, một số giáo dân bị kích động đã chửi bới, lăng mạ, ném gạch đá vào lực lượng bảo vệ, nhưng sau khi được vận động thuyết phục, những giáo dân này đã ''tự động giải tán''.

Trong những ngày sau đó, tờ Hà Nội mới đã đăng hàng loạt các bài báo với nội dung giống như các bản cáo trạng : ''Đừng trượt sâu vào con đường sai lầm'' ( 8/1 ), ''Mưu đồ xấu ngày càng lộ rõ'' ( 11/1 ), ''Chính họ đang xúc phạm biểu tượng tôn giáo thiêng liêng '' ( 16/1) và ''Lật mặt những kẻ kích động gây rối ở xứ đạo Đồng Chiêm'' ( 21/1/10 ).

Trong bài báo mới nhất này, tờ Hà Nội mới lên án nặng nề Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt và linh mục Nguyễn Văn Khải, phát ngôn viên Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà.

Nhưng không chỉ có báo chí địa phương, ngay cả Thông Tấn Xã Việt Nam cũng đã nhập cuộc, ra hẳn một tuyên bố ngày 15/1 khẳng định '' Hoàn toàn không có việc chính quyền đàn áp giáo dân xứ Đồng Chiêm''.

Bản tuyên bố này đặc biệt lên án một số trang tin trên Internet, đặc biệt là hãng tin Công giáo AsiaNews ( http://asianews.it/ ) đã '' đăng tải những thông tin với dụng ý vu cáo, với nhiều tình tiết xuyên tạc và những lời bình có tính kích động '' về vụ Đồng Chiêm.

Đáp lại bài báo của thông tấn xã Việt Nam, ngay ngày hôm sau, 16/1, đức cha Nguyễn Văn Sang, nguyên giám mục phụ tá Hà Nội, đã trả lời phỏng vấn phóng viên trang tin của Giáo phận Thái Bình( http://www.tgmtb.net/ ).

Trong bài phỏng vấn này, Đức cha Sang đã khẳng định : "Thánh giá bị đặt mìn, bị đập bằng búa tạ'', chứ không phải chỉ bị '' tháo gỡ '' như Thông tấn xã Việt Nam và báo chí chính thức vẫn nói.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của Internet, nhiều giáo phận, dòng tu ở Việt Nam cũng đã ''lên mạng '', mở trang web riêng để thông tin đến các giáo dân, tu sĩ nam nữ những hoạt động của giáo xứ, dòng tu mình.

Nhưng đặc biệt là kể từ khi xảy ra vụ Tòa Khâm sứ cũ và vụ Thái Hà, các trang web này coi như trở thành những tờ báo trên mạng, cung cấp các thông tin mà theo họ là đúng sự thật, trái ngược hẳn những gì mà báo chí chính thức đăng tải.

Trong vụ Đồng Chiêm, Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã gián tiếp bác bỏ thông tin báo chí chính thức bằng cách chủ động đưa ra những thông báo về diễn tiến tình hình tại đây.

Nhà thờ  Đồng ChiêmẢnh: DCCT.net

Nhà thờ Đồng Chiêm
Ảnh: DCCT.net

Sau bản thông báo đầu tiên, ngày 20/1, Tòa Tổng Giám mục đã ra bản thông báo thứ hai về diễn tiến tình hình tại Đồng Chiêm, trong đó nêu rõ những vụ bắt bớ các giáo dân, đánh đập tàn nhẫn ông Nguyễn Hữu Vinh và thầy Nguyễn Văn Tặng, triệu tập cha xứ và cha phó xứ, tình trạng giáo xứ Đồng Chiêm bị cô lập hoàn toàn.

Nhưng tích cực thông tin hơn cả là trang web của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Hầu như ngày nào, trang <http://dcctvn.net/> đều có bài viết tường trình về những gì xảy ra ở Đồng Chiêm.

Cũng giống như ở Thái Hà trước đây, chính linh mục Nguyễn Văn Khải, thuộc Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà, là người đã không ngại hiểm nguy để đóng vai trò như thông tín viên, đặc phái viên, để tường thuật tại chỗ như gì mà vị linh mục này chứng kiến.

Trong bài phỏng vấn với RFI vào thứ 5 tuần trước, cha Nguyễn Văn Khải chia sẽ với chúng tôi về vấn đề thông tin liên quan đến vụ Đồng Chiêm:

Phỏng vấn Cha Nguyễn Văn Khải

25/01/2010

Không chỉ lên tiếng bênh vực cho những giáo xứ mà theo họ đang bị chính quyền bách hại, trang web của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam còn là nơi mạnh dạn bày tỏ chính kiến về vấn đề khai thác bauxite Tây Nguyên hay chủ quyền biển Đông.

Vào cuối tháng 12 năm ngoái, Uý ban Nhân dân quận 3 đã một công văn đến linh mục Phạm Trung Thành, Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và linh mục Nguyễn Quang Duy, chánh xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cáo buộc là trang web Dòng Chúa Cứu Thế có những bài ''xuyên tạc Nhà nước''''gây mất đoàn kết dân tộc''.

Trang web của Dòng Chúa Cứu Thế cũng đã bị tin tặc tấn công, phải đổi thành một địa chỉ khác ( <http://dcctvn.net/> ).

Tóm lại, trước cách hành xử của các chính quyền địa phương, giáo hội Công giáo bày tỏ thái độ phản kháng bằng hình thức tập hợp cầu nguyện và đối lại với nhưng thông tin mà họ cho là mang tính xuyên tạc, quy chụp, các giáo phận, dòng tu sử dụng các phương tiện có trong tay, chủ yếu là Internet, để chuyển tải những thông tin đúng với những gì mà họ chứng kiến.

Trong thư kiến nghị phản đối vụ đánh đập tu sĩ Nguyễn Văn Tặng, công bố ngày 21/1, Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã một lần nữa yêu cầu là phải chấm dứt việc '' xuyên tạc sự thật '' trên các phương tiện truyền thông chính thức của Việt Nam.