16/8/11

Vinashin hay sự phá sản của kinh tế thị trường định hướng XHCN ( đã phát ngày 20/122010 )

Thanh Phương 20/12/2010
 
Nhìn lại thời sự Việt Nam trong năm 2010, về mặt kinh tế, bên cạnh việc đồng bạc Việt Nam bị mất giá và lạm phát tăng cao trở lại, sự kiện đáng chú ý nhất đó là tình trạng gần như phá sản của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin. Nhưng đây không chỉ là sự phá sản của riêng tập đoàn này, mà là sự phá sản khu vực kinh tế Nhà nước, nói rộng hơn là của cái gọi là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Nợ của Vinashin hiện được thẩm định lên tới 86 ngàn tỷ đồng, tức là khoảng 4,4 tỷ đôla, tương đương với 4,5 % GDP của Việt Nam. Trên nguyên tắc, hôm nay, 20/12/2010, Vinashin phải trả món nợ đáo hạn đầu tiên trong tổng số 600 triệu đôla vay của các chủ nợ, đứng đầu là ngân hàng Thụy Sĩ Crédit Suisse. Vì không còn tiền, ban lãnh đạo mới của tập đoàn đã xin hoãn trả nợ. Nhưng các chủ nợ đã không đồng ý. Mặc dù chính phủ đã tuyên bố sẽ không đứng ra trả nợ thay cho Vinashin, nhưng ngày càng có nhiều tin đồn về khả năng chính phủ sẽ buộc phải can thiệp để cứu sống Vinashin.

Chưa biết chuyện nợ nần sẽ được giải quyết ra sao, nhưng trước mắt, theo cảnh báo của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm, giới chuyên gia tài chính quốc tế, tình trạng của Vinashin có nguy cơ gây tác hại đến toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam và khả năng của Việt Nam vay tiền của quốc tế cho các dự án cơ sở hạ tầng, như nhận định của tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu ở Việt Nam. Nhìn vấn đề rộng hơn, theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, Vinashin chính là biểu tượng sự thất bại của của mô hình tập đoàn kinh tế.

Về phần nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Thanh Giang cũng có nhận định tương tự, nhưng ông đặt vấn đề trong một bối cảnh chung của cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo ông Nguyễn Thanh Giang, nếu cứ duy trì đường lối kinh té như hiện nay, lấy kinh tế Nhà nước làm chủ đạo, sẽ có nhiều Vinashin khác lộ ra.

Nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, sỡ dĩ giới lãnh đạo Việt Nam cố duy trì mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chủ yếu đó là do vấn đề quyền lợi hơn là ý thức hệ.

Như ông Nguyễn Thanh Giang đã nhắc ở trên, vụ Vinashin đã gây bất bình trong dư luận đến mức một số đại biểu Quốc hội, như ông Nguyễn Minh Thuyết, đã lên tiếng đòi thành lập ủy ban điều tra để làm rõ trách nhiệm của các thành viên chính phủ có liên quan, thậm chí yêu cầu tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hành động của các đại biểu đó đã rất được hoan nghênh, nhưng dĩ nhiên ủy ban thường vụ Quốc hội đã không dám làm theo yêu cầu đó, bởi vì ở Việt Nam, tuy mang tiếng là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, Quốc hội chẳng có thực quyền gì cả, mọi việc đều do Bộ Chính trị quyết định. Trong vấn đề nhân sự lãnh đạo cũng vậy, Đại hội Đảng vào tháng Giêng tới không chỉ sẽ bầu ra Tổng bí thư, mà còn chọn luôn cả chức thủ tướng và chủ tịch Nước, mà trên nguyên tắc do Quốc hội bầu ra.

Theo chiều hướng đó, có thể đặt Vinashin trong bối cảnh các vụ đấu đá tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm trong Đảng, vì có dư luận cho rằng, chính ông Nguyễn Tấn Dũng là người bị nhắm tới trong vụ này. Trong những ngày qua, đã có nhiều lời đồn đoán khác nhau về kết quả hội nghị Ban Chấp hành Trung ương bàn chuyện nhân sự, nhưng hiện chưa có gì chắc chắn.

Một điều chắc chắn là càng gần đến Đại hội Đảng, chính quyền Hà Nội càng gia tăng trấn áp những tiếng nói đối lập, mà gần đây nhất là vụ bắt giữ và truy tố tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, người đã dám kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về quyết định khai thác bauxite Tây Nguyên.

Đại sứ mãn nhiệm của Mỹ, Michael Michalak vào ngày 9/12 vừa qua đã cho rằng, năm 2010 đã là năm mà không gian dành cho tranh luận công khai đã bị thu hẹp toàn diện ở Việt Nam. Theo đại sứ Mỹ, từ việc ngăn chận truy cập mạng xã hội Facebook, các vụ tấn công những trang mạng chỉ trích chính quyền, cho đến những quy định kiểm soát chặt chẽ hơn các quán cà phê Internet và các trang blog, năm nay, quyền tự do trên Internet đã có một bước thụt lùi đáng kể ở Việt Nam.

Tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, đại sứ Thụy Sĩ Jean-Hubert Lebet cũng cho rằng chính quyền không nên trừng phạt những người bày tỏ chính kiến một cách ôn hoà. Nhưng những lời khuyến cáo này dĩ nhiên sẽ không có tác dụng gì, vì cho tới nay, chính quyền Hà Nội vẫn khẳng định rằng những tố cáo về đàn áp tự do ngôn luận là không có cơ sở.

Dầu sao, nhìn lại năm 2010, rõ ràng nhiều tiếng nói bất đồng với chính phủ đã cất lên ngày càng nhiều và không chỉ từ phía những người có thể dễ quy chụp là phản động hay đảng viên Việt Tân, mà ngay chính những nhà cách mạng lão thành, những cựu lãnh đạo, các chuyên gia kinh tế nay cũng công khai đòi hỏi phải có thay đổi một cách căn bản về kinh tế lẫn chính trị để đất nước khỏi rơi vào bế tắc.

15/8/11

Chuyên mục : Thấy mà ngán ngẩm 8/11

Phát huy sức mạnh đội ngũ trí thức để xây dựng đất nước ( PL TPHCM 15/8/11 )
Để "xây dựng đất nước" chứ không phải để đi biểu tình linh tinh đấy nhé!

Tạm giam thượng sĩ công an nghi đánh người tử vong (15/08)
Cứ đà này chẳng lẻ bắt nhốt hết công an?

Một công an Nha Trang bị tố cáo đánh dân ( TT Online 15/8/11 )
Thì công an Nha Trang cũng phải cố gắng thi đua với đồng nghiệp các địa phương khác chứ!

Chưa hết, đọc thử đoạn này: "Ngày 1-8, thượng tá Nguyễn Văn Ngàn, trưởng Công an TP Nha Trang, cho biết đã yêu cầu trung úy Lang Thành Dũng (người bị tố cáo đánh đập anh Vũ) viết bản kiểm điểm trình bày mức độ đúng sai để xem xét."


4 em nhỏ chết thảm dưới ao công trình ( VnExpress 15/8/11)
 'Bẫy' trên đường phố đất Mũi ( VnExpress  13/8/11 )
Miễn bình luận.

Lại xảy ra án mạng vì va chạm giao thông  ( VietnamNet 7/8/2011 )
Cái chữ "lại" ấy đầy ý nghĩa biết bao!

Nhà máy xử lý nước thải 'đầu độc' sông Đồng Nai ( VnExpress 6/8/11 )
Thêm một vụ Vedan thứ hai đây

Hàng chục người sập "hố trâu" phải cấp cứu ( CAND 6/8/11 )
"Sau hơn 1 năm sử dụng, tuyến QL91B đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường nhiều đoạn bong tróc, xuất hiện hàng chục "ổ gà, ổ voi" đã trở thành những cái bẫy "tử thần" đối với người tham gia giao thông."
Coi bộ còn nguy hiểm hơn cả chiến trường Afghanistan!

 Những cột điện dọa đổ trên phố   ( VnExpress 4/8/11 )
" Sau đại lễ 1000 năm Thăng Long, một loạt tuyến phố thủ đô đã hạ ngầm đường dây điện, dây cáp, nhưng hiện vẫn còn nhiều tuyến dây của ngành viễn thông, điện lực kéo nghiêng cả cột điện, gây nguy hiểm cho người dân."
Cũng may là 1000 năm mới có Đại Lễ một lần!

13/8/11

Nghĩa địa Père-Lachaise, nơi yên nhất ngàn thu của nhiều danh nhân

Mộ của Chopin trong nghĩa địa Père Lachaise. Photo: Thanh Phương

Nếu có dịp đến Paris, quý vị nên bỏ chút thời giờ ghé thăm nghĩa địa Père Lachaise, một trong những nghĩa địa nổi tiếng nhất thế giới, nằm ở quận 20 và nay đã trở thành một trong những di tích lịch sử của thủ đô nước Pháp.

Vào giữa thế kỹ 18, các nghĩa địa trong nội đô Paris đã quá tải, gây nhiều vấn đề về vệ sinh môi trường, cho nên chính quyền địa phương đã quyết định không xây nghĩa địa nữa và chuyển các thi hài xuống các hầm mộ. Nhưng để có nơi tiếp nhận những người chết sau này, chính quyền Paris thời ấy quyết định xây thêm những nghĩa địa mới, nằm cách xa thủ đô nhiều km. ( Paris thời xưa chỉ bao gồm khu trung tâm thủ đô Pháp bây giờ).

Ba nghĩa địa hình thành, một ở phía Bắc, tức là khu Montmartre, một ở phía Nam, tức là khu Montparnasse và một ở phía Đông, tức là nghĩa địa Père Lachaise. Nghĩa địa này nằm tại đồi Louis, trên một khu đất trước đây thuộc quyền sở hữu của các tu sĩ dòng Tên. Nghĩa địa được đặt tên là Père Lachaise, tức là Cha Lachaise, vị linh mục dòng Tên, mà Vua Louis vẫn xưng tội.

Khánh thành từ ngày 21/5/1804, nhưng nghĩa địa có diện tích rộng đến 11 hectare này lại chẳng thu hút được bao nhiêu « khách hàng », bởi lẻ dân Paris lúc ấy đâu có thích chôn người thân ở một nơi « xa xôi hẻo lánh » như vậy. Thành ra, 3 năm sau khi nghĩa địa Père Lachaise được khánh thành, chỉ mới có 106 mảnh đất được mua nhượng quyền.

Thấy vậy, vua Napoléon Bonaparte bèn tung ra một chiến dịch « quảng cáo » rầm rộ cho nghĩa địa Père Lachaise, bằng cách chuyển về đây mộ phần của nhà thơ, tác giả các truyện ngụ ngôn La Fontaine và nhà viết kịch Molière, cùng một số danh nhân khác. Từ đó, dân Paris mới tranh nhau mua quyền chôn cất tại Père Lachaise để vĩnh viễn được làm « bà con hàng xóm » với những danh nhân nước Pháp.

Đến năm 1830, có đến 33 ngàn mảnh đất nhượng quyền được bán ra. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, nghĩa địa Père Lachaise đã được mở rộng 6 lần và nay có diện tích lên tới 44 hectare với tổng cộng 77 ngàn mảnh đất nhượng quyền vĩnh viễn. Nhanh tay thì còn, chậm tay thì hết, từ cách đây sáu năm, nghĩa địa Père Lachaise không còn đất để bán nữa.

Thi hài của nhà soạn nhạc Ý Rossini đã được chuyển về Florence từ lâu, nhưng mộ của ông vẫn còn ở Père Lachaise. Photo:Thah Phương

Hai thế kỹ sau khi được khánh thành, nghĩa địa Père Lachaise nay đã trở thành một trong địa điểm du lịch không thể bỏ qua đối với du khách, không thua gì tháp Eiffel hay Khải Hoàn Môn. Mỗi năm, có đến khoảng 2 triệu du khách đến tham quan nghĩa địa này.

Cũng như nhiều thắng cảnh khác của Paris, nghĩa địa Père La Chaise nằm kế bên trạm métro ( trạm Père Lachaise ) nên rất tiện lợi về giao thông công cộng. Bước vào nghĩa địa, ta có cảm giác như lạc vào thế giới khác, bỏ lại đằng sau đuờng phố Paris náo nhiệt, để đắm mình vào chốn tĩnh lặng vĩnh hằng. Cho dù không có từng đoàn du khách lũ lượt kéo nhau đi, ta cũng không cảm thấy bầu khí u ám cố hữu của các nghĩa địa, mà tưởng mình như đang đi trong một công viên, được trang điểm bằng những công trình kiến trúc độc đáo.

Được thiết kế như là một công viên và được coi là một trong những khu vực cây xanh rộng và đẹp nhất Paris, nghĩa địa Père Lachaise được chia thành 97 khu ( division ) và xen kẽ vào đó là nhiều đài tưởng niệm. Vào đây tham quan, tốt hơn là quý vị nên mua một bản đồ, được bán ngoài cổng, cầm theo tay, để khỏi phải đi lòng vòng mất thời giờ, vì nghĩa địa Père Lachaise giống như là một khu phố lớn.

Phần lớn các ngôi mộ nằm ở « mặt tiền » là mộ của các gia đình dân Paris, nhiều mộ được xây rất đẹp và vẫn còn được bảo quản tốt, nhưng khá nhiều ngôi mộ có vẻ hoang phế. Xen lẫn vào những ngôi mộ « thường dân », là nơi an nghĩ của một nhân vật nổi tiếng nào đó, như mộ của nhà soạn nhạc vĩ đại người Ba Lan Frédéric Chopin. Ông được chôn cất ở Père Lachaise đúng theo ý nguyện của ông trước khi mất. ( Trái tim của ông thì được đem về đặt trong một nhà thờ ở Vacxava ).

Một trong những ngôi mộ gây sự chú ý của khách tham quan, dù chưa biết đó là của ai, đó là mộ tổng thống Pháp Felix Faure, vì trên mộ có một bức tượng được điêu khắc đúng dáng nằm của ông khi ông chết đột ngột vào năm 1899, lúc còn trong nhiệm kỳ. Mộ của tổng thống Felix Faure nằm bên cạnh Đài tưởng niệm những người đã khuất ( Monument aux morts ). Ngôi mộ của nhà thơ La Fontaine, khá đơn giản, thì nằm kế bên nhà soạn kịch Molière. Nhà văn Honoré de Balzac thì tốt số hơn, vì ông được chôn cất cùng với người tình là nữ bá tước Ewelina Hanska.

Nhưng có lẽ ngôi mộ thu hút nhiều người nhất đó là mộ của thần tượng nhạc rock Jim Morrison, ca sĩ chính của ban nhạc The Doors. Mộ của Jim Morrison cũng rất đơn giản, nằm lọt giữa những mộ lớn khác. Trên mộ của anh lúc nào cũng đầy hoa và không bao giờ thiếu những lon bia, chai rượu.

Mộ của Jim Morrison trong nghĩa địa Père Lachaise.
Photo: Thanh Phương 

Jim Morrison đã qua đời ( dường như là do dùng ma túy quá liều ) tại Paris ngày 3/7/1971, tức là cách đây đúng 40 năm, nhưng cho đến bây giờ, những người ái mộ chàng ca sĩ này mỗi năm vẫn đến tận nơi an nghĩ cuối cùng của anh để tưởng niệm. Trong những người kéo đến mộ của Morrison tại nghĩa địa Père Lachaise ngày 3/7 vừa qua, nhân ngày giỗ thứ 40, đa số lại là những người mà khi Morrison trút hơi thở cuối cùng vẫn chưa sinh ra đời, tức là những người còn trẻ, nhưng vẫn xem anh là thần tượng.

Cách đây 10 năm, ngày giỗ thứ 30 của Jim Morrison đã từng xảy ra bạo động tại đây, nhân viên bảo vệ nghĩa địa đã phải canh giữ ngôi mộ suốt ngày đêm. Thậm chí người ta đã gắn một camera để giám sát chặt chẽ khu vực này. Và nay một hàng rào bao quanh ngôi mộ, ngăn chận mọi hành động quá khích của những fan cuồng nhiệt. Cũng như đối những nhân vật huyền thoại khác, một số người vẫn còn tin rằng Jim Morrison thật ra chưa chết, mà chỉ biến mất khỏi đời sống xã hội, hoặc có tin đồn rằng, thật ra thi hài của Jim Morrison đã được chuyển về Mỹ từ lâu rồi.

Giống như đối với Jim Morrison, có không biết bao nhiêu người đã đến nghĩa địa Père Lachaise chỉ để nghiêng mình trước ngôi mộ của thần tượng Edith Piaf. Nữ danh ca này qua đời ngày 10/10/1963 tại vùng Alpes-Maritimes và xác của bà được bí mật chuyển về Paris để có thể khai tử chính thức ngày 11/10, cùng ngày chết của người bạn thân, nhà thơ Jean Cocteau. ( Đúng hơn là khi nghe tin Edith Piaf qua đời, ông Jean Cocteau đã đau buồn đến mức lên cơn đau tim vài giờ sau đó. )

Mộ của Edith Piaf trong nghĩa điạ Père Lachaise

Trong lễ mai táng Edith Piaf ngày 14/10 năm đó, 40 ngàn người đã kéo đến nghĩa địa Père Lachaise để tiễn đưa bà sang thế giới bên kia. Lực lượng cảnh sát đã cố sức ngăn cản, nhưng đám đông vẫn tràn vào bên trong, ồ ạt chạy vội đến tận nơi, đến mức một số người suýt nữa là rơi xuống hố, thế chỗ cho bà Edith Piaf!
Bà được chôn cùng với cha, người chồng cuối cùng Théo Sarapo và con gái Marcelle, chết yễu vào năm 1933 lúc mới vừa 2 tuổi. Mộ của bà Edith Piaf lúc nào cũng đầy hoa, nhất là hoa hồng và nơi đây khách tham quan tưởng như nghe văng vẳng đâu đây bài hát bất hủ La vie en rose mà bà đã trình bày lần đầu tiên từ năm 1946.

Mộ của Victor Noir

Là nơi yên nghĩ vĩnh viễn của nhiều danh nhân, nghĩa địa Père Lachaise cũng chứa đựng nhiều huyền thoại và một trong những huyền thoại đó là Victor Noir, phóng viên trẻ bị bắn chết trong một cuộc đấu súng khi vừa 22 tuổi vào tháng 1/1870, một cái chết đã gây nên làn sóng phẩn nộ vào thời ấy, làm rung chuyển Đế chế Napoléon đệ tam. Ngôi mộ của Victor Noir là một trong những « địa chi » được nhiều người viếng thăm nhất. Dưới chân bức tượng của anh, có một cái nón lúc nào cũng chứa đầy những mẫu giấy, mà trên đó người ta ghi những lời ước. Một số người còn sờ tay vào hạ bộ của Victor Noir, vì tin rằng làm như thế, phụ nữ thì sẽ dễ có con và đàn ông thì sẽ được cường dương !

Danh sách ngôi mộ của những gương mặt đầy huyền thoại trong nghĩa điạ Père Lachaise còn rất dài : các nhà thơ Guillaume Apollinaire, Alfred Musset, giải Nobel Văn học đầu tiên, nhà văn Pháp Sully Prudhomme, nhà văn và nhà biên kịch Ireland Oscar Wilde, ca sĩ opéra người Hy Lạp Maria Calas, ngôi sao điện ảnh Yves Montand..., thôi thì quý vị cứ tùy theo ý thích mỗi người mà khám phá Père Lachaise, nay đã trở thành một trong những di tích lịch sử của Paris.

Pháp nhắc lại yêu cầu Việt Nam trả tự do cho ông Phạm Minh Hoàng

Giáo sư Phạm Minh Hoàng tại phiên xử 10/8/2011 (VNA - AFP)
Giáo sư Phạm Minh Hoàng tại phiên xử 10/8/2011 (VNA - AFP)
Thanh Phương 13/8/2011
 
Phát ngôn viên phó của Bộ Ngoại giao Pháp Christine Pages hôm qua thông báo là đại sứ Việt Nam tại Paris Dương Chí Dũng đã được tiếp hôm thứ 5 (11/8) tại Bộ Ngoại giao, để nghe phía Pháp bày tỏ mối quan ngại về việc kết án tù giáo sư Phạm Minh Hoàng, tức blogger Phan Kiến Quốc, mang hai quốc tịch Pháp - Việt.
Bà Christine Pages, phát ngôn viên phó Bộ Ngoại giao Pháp nhắc lại yêu cầu của Paris là tòa án Việt Nam xét lại phán quyết để ông Phạm Minh Hoàng được tự do sớm nhất.

Trong phiên xử sơ thẩm hôm thứ tư 10/8 vừa qua tại Sài Gòn, ông Phạm Minh Hoàng đã bị tuyên án 3 năm tù và 3 năm quản chế với tội danh « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân », do ông là đảng viên đảng Việt Tân và đã viết trên trang blog của ông những bài có nội dung bị coi là « xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước », cũng như đã tổ chức các lớp học về « kỹ năng mềm » cho sinh viên, một hoạt động bị cho là nhằm « tuyên truyền, xây dựng lực lượng nòng cốt cho Việt Tân ».

Ngay sau khi kết thúc phiên toà hôm thứ tư, Bộ Ngoại giao Pháp đã ra thông cáo chỉ trích việc tuyên án tù blogger Phạm Minh Hoàng, chỉ vì ông đã bày tỏ những ý kiến phê phán chính phủ. Theo bản thông cáo, nước Pháp vẫn rất mong muốn quyền tự do ngôn luận được tôn trọng, kể cả trên Internet.

Paris lại còn quan ngại hơn nữa, vì trong thời gian gần đây, có những người khác đã bị kết án tù ở Việt Nam, trong những hoàn cảnh tương tự, vì kêu gọi tự do dân chủ. Liên hiệp châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đặc biệt là Phóng viên không biên giới RSF đã cực lực chỉ trích bản án đối với ông Phạm Minh Hoàng và kêu gọi trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện.

Đến lượt nước Pháp nằm trong tầm ngắm của các thị trường

Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin (Reuters)
Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin (Reuters)
Thanh Phương 13/8/2011
 
Theo các số liệu được công bố hôm qua, trong quý 2 vừa qua, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Pháp là 0,0%, tức là không giảm, mà cũng không tăng, một kết quả làm phức tạp hơn các nỗ lực của chính phủ nhằm cắt giảm thâm thủng ngân sách và nợ công của nền kinh tế đứng hàng thứ hai của khu vực đồng euro, mà kể từ nay nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư.

Bộ trưởng Tài chính của Pháp François Baroin hôm qua (12/8/2011) đã phải nhìn nhận là kết quả nói trên « hơi đáng thất vọng ». Tuy nhiên, ông vẫn tỏ vẻ tin tưởng vào nền kinh tế Pháp và vẫn giữ nguyên dự báo của chính phủ là tăng trưởng đạt 2% trong toàn năm 2011.

Nhưng dù có trấn an như thế nào đi nữa thì kể từ nay, Pháp đã bị đẩy lên tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng nợ công đã làm rung chuyển khu vực đồng euro từ nhiều tháng qua và đã buộc các nước châu Âu phải đề ra những kế hoạch cứu giúp Hy Lạp, Ai Len và Bồ Đào Nha.

Tổng thống Nicolas Sarkozy đã hẹn với các nhà đầu tư là đến ngày 24/8/2011 tới, chính phủ sẽ trình bày những biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm đạt mục tiêu cắt giảm thâm thủng ngân sách từ 5,7% GDP năm nay xuống còn 4,6% năm 2012 và 3% 2013. Nhưng chính phủ đã báo trước là họ sẽ chỉ bỏ bớt một số biện pháp miễn giảm thuế, chứ sẽ không tăng thuế toàn diện.

Tuy nhiên, một số chuyên gia sợ rằng, trong bối cảnh nước Pháp sắp bước vào kỳ vận động tranh cử cho bầu cử tổng thống tháng 4 năm tới, khuôn khổ hành động của tổng thống Sarkozy sẽ rất hạn chế, nhất là từ tháng 5, thất nghiệp tại Pháp đã tăng trở lại với tỷ lệ lúc nào cũng trên 9%. Trong những điều kiện như vậy, rất khó mà thực hiện những biện pháp khắc khổ cần thiết để thuyết phục các thị trường.

Số liệu về tăng trưởng kinh tế trong quý 2 vừa qua có thể khiến cho các nhà đầu tư thêm lo ngại về khả năng Pháp bị đánh sụt điểm tín nhiệm về nợ công, tức là không giữ điểm AAA, điểm cao nhất mà các các công ty xếp hạng tín nhiệm dành cho những quốc vay nợ. Hiện giờ, nợ công của Pháp đã lên tới mức rất cao là 84,5% GDP. Cứ theo đà này, thì tên của nước Pháp chẳng bao lâu nữa sẽ được thêm vào danh sách đã khá dài : Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ai Len, Ý và Tây Ban Nha, tức là những nước mà nợ công bị các thị trường tài chính xem là « độc hại », tức là có nhiều rủi ro.

Những quan ngại về điểm tín nhiệm của Pháp càng khiến các thị trường thêm nghi ngờ về tính vững chắc của các ngân hàng Pháp, đặc biệt là ngân hàng Société Générale, với tin đồn là ngân hàng này sắp phá sản. Do tin đồn này mà trong ngày thứ tư vừa qua, có lúc cổ phiếu của Société Générale bị sụt giảm đến 20% giá trị
Trước tình hình đó, phe đối lập cánh tả đã kêu gọi chính phủ Pháp loan báo ngay lập tức những biện pháp để cắt giảm thâm thủng ngân sách, cũng như bãi bỏ các biện pháp miễn hoặc giảm thuế đối với người giàu và doanh nghiệp.

Nhưng dầu sao thì mọi giải pháp hiệu quả đều phải là ở cấp độ châu Âu, chứ không chỉ ở riêng từng nước. Cho nên, mọi người đang chờ đợi cuộc gặp gỡ ngày thứ ba tuần tới (16/8/2011) tại Paris giữa tổng thống Nicolas Sarkozy với thủ tướng Đức Angela Merkel, để xem hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc kinh tế hàng đầu châu Âu có sẽ đưa ra những sáng kiến gì mới để ngăn chận khủng hoảng nợ lan ra thêm trong khu vực đồng euro.

10/8/11

Ông Phạm Minh Hoàng bị kết án 3 năm tù với tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền"

Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh được canh chừng cẩn mật.
Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh được canh chừng cẩn mật.
AFP
Thanh Phương 10/8/2011
 
Sau một phiên toà kéo dài chỉ vài tiếng đồng hồ ngày hôm nay 10/08/2011, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt ông Phạm Minh Hoàng, giảng viên đại học mang hai quốc tịch Pháp-Việt, 3 năm tù và 3 năm quản chế với tội danh « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ». Ông đã nhận là thành viên của đảng Việt Tân, một tổ chức đấu tranh dân chủ, nhưng bị chính quyền Việt Nam xem là một tổ chức « khủng bố ». Pháp đã lên tiếng ngay lập tức, rất lấy làm tiếc về bản án này và kêu gọi trả tự do cho ông Phạm Minh Hoàng.

Ông Phạm Minh Hoàng cũng bị cáo buộc đã viết trên trang blog với bút danh Phan Kiến Quốc những bài có nội dung bị coi là « xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước ». Ông còn bị cáo buộc là đã tổ chức các lớp học về « kỹ năng mềm », một hoạt động bị cho là nhằm « tuyên truyền, xây dựng lực lượng nòng cốt cho Việt Tân ».

Định cư tại Pháp từ năm 1973, ông Phạm Minh Hoàng đã trở về Việt Nam vào năm 2000 và đã bị bắt ngày 13/08/2010. Tại Tòa, ông Phạm Minh Hoàng thừa nhận ông có tham gia đảng Việt Tân khi còn ở bên Pháp, nhưng về 33 bài viết, ông cho rằng đó chỉ là những ý kiến cá nhân, không gây phương hại đến an ninh chính trị. Ông Hoàng nói : « Nếu biết sẽ bị truy tố như thế này tôi không bao giờ dám làm ». Ông Phạm Minh Hoàng xin được sự khoan hồng của Tòa. Luật sư Trần Vũ Hải, người bào chữa cho ông, thì đề nghị Tòa trả tự do cho thân chủ của ông ngay tại phiên tòa, vì cho rằng ông Hoàng không hề có hoạt động chống phá chính quyền.

Đối với Viện Kiểm sát, « có đầy đủ căn cứ » cho thấy bị cáo phạm tội « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền », nhưng đã đề nghị một bản án thấp hơn khung hình phạt quy định, đó là 3 đến 4 năm tù và 3 năm quản chế. Cuối cùng, Hội đồng xét xử đã tuyên án 3 năm tù và 3 năm quản chế.

Trả lời phỏng vấn RFI hôm nay, luật sư Trần Vũ Hải công nhận là phiên xử ông Phạm Minh Hoàng đã diễn ra đúng trình tự quy định của một phiên toà công khai, luật sư và bị cáo đều được trình bày đầy đủ quan điểm của mình. Nhưng luật sư Trần Vũ Hải cho rằng việc ông Hoàng tham gia đảng Việt Tân khi còn ở bên Pháp là quyền tự do của ông ấy và kể từ khi về Việt Nam vào năm 2000, ông Hoàng không hề có hoạt động gì cho Việt Tân, cũng như những bài viết đăng trên trang blog của ông cũng không hề có nội dung gây phương hại cho an ninh quốc gia, cũng như nhằm lật đổ chính quyền.

Ngay sau khi phiên toà kết thúc, Bộ Ngoại giao Pháp đã ra thông cáo rất lấy làm tiếc về việc tuyên án 3 năm tù và 3 năm quản chế đối với ông Phạm Minh Hoàng chỉ vì ông đã bày tỏ những ý kiến phê phán chính phủ. Bản thông cáo cho biết Pháp mong muốn Việt Nam xét lại phán quyết nói trên để ông Phạm Minh Hoàng nhanh chóng được tự do. Theo bản thông cáo, nước Pháp vẫn rất muốn quyền tự do ngôn luận được tôn trọng, kể cả trên Internet. Paris lại còn quan ngại hơn nữa, vì trong thời gian gần đây, có những người khác đã bị kết án tù ở Việt Nam, trong những hoàn cảnh tương tự, vì đã kêu gọi có thêm tự do.

Xin nhắc lại là sau khi ông Phạm Minh Hoàng bị bắt vào tháng 8 năm ngoái, Pháp đã tuyên bố « rất quan ngại » về trường hợp của ông và Paris đã kêu gọi Việt Nam tiến hành các thủ tục tư pháp một cách công khai và tôn trọng quyền bào chữa của bị cáo. Trong thời gian, ông Hoàng bị giam, đại diện lãnh sự của Pháp đã thường xuyên vào tù thăm ông.

Hôm nay, đảng Việt Tân vừa ra thông cáo cực lực phản đối bản án đối với ông Phạm Minh Hoàng, vì theo đảng này, ông Hoàng « chỉ làm đúng với lương tâm và bổn phận của một người dân Việt Nam đối với Tổ quốc ».

Hôm thứ hai vừa qua, tổ chức Phóng viên không biên giới, trụ sở tại Paris, cho biết đã gởi một bức thư đề ngày 03/08 đến thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng để kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Phạm Minh Hoàng. Theo Phóng viên không biên giới, những hoạt động của ông Phạm Minh Hoàng là hoàn toàn đúng theo Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, cũng như Hiến pháp Việt Nam.

Phiên xử ông Phạm Minh Hoàng diễn ra chỉ vài ngày sau phiên xử phúc thẩm tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ ngày 02/08, với phán quyết y án sơ thẩm 7 năm tù vì tội « tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam », một phán quyết đã bị Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu chỉ trích nặng nề.

Nhưng hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã bác bỏ những chỉ trích nói trên, xem đó là « những phát biểu can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam ». Bà Nga khẳng định là toà án Việt Nam đã xử ông Cù Huy Hà Vũ « đúng người, đúng tội », đồng thời nhắc lại quan điểm của Hà Nội là ở Việt Nam không hề có các « tù nhân lương tâm », mà chỉ có những người vi phạm pháp luật, bị xử lý theo pháp luật.

9/8/11

Luật sư Trần Đình Triển bị hành hung vì tố cáo tham nhũng

Luật sư Trần Đình Triển (DR)
Thanh Phương 9/8/2011
 
Luật sư Trần Đình Triển, một trong những người đã tham gia bào chữa cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, hôm qua 8/8/2011 vừa tố cáo việc ông bị một nhóm "thương binh" hành hung để trả đũa về việc ông tố cáo hành vi tham nhũng của bà Đặng Thị Bích Hòa, Bí thư đảng uỷ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh Bưu Điện.

Trong kiến nghị gởi các lãnh đạo Nhà nước và chính phủ Việt Nan, Văn phòng luật sư Vì Dân của luật sư Trần Đình Triển nhắc lại là vào tháng 2 vừa qua, họ đã gởi đến các cơ quan có thẩm quyền những tài liệu, chứng cứ về hành vi tham nhũng của bà Bích Hoà và vụ này đang được công an điều tra, báo chí Việt Nam cũng đã loan tin.

Nhưng cho tới nay, 6 tháng sau, bà Bích Hoa vẫn yên vị, thậm chí đã sa thải những cán bộ, công nhân viên của công ty đã dám tố cáo bà, đồng thời thuê một số người tự nhận là « thương binh » kéo đến Văn phòng Luật sư Vì Dân để đe doạ và hành hung luật sư Trần Đình Triển hai lần, lần thứ nhất là vào đầu tháng 4 và lần thứ hai là ngày hôm qua.

Trong lần thứ hai này, nhóm « thương binh » tỏ ra hung bạo đến mức hàng xóm và khách hàng của Văn phòng Luật sư đã phải gọi cảnh sát 113 và Công an phương đến can thiệp.

Trong bản kiến nghị, luật sư Trần Đình Triển yêu cầu truy tố và bắt tạm giam bà Đặng Thị Bích Hòa, điều tra và xử lý theo pháp luật những người bao che cho bà Bích Hòa và xác minh lý lịch những người tự nhận « thương binh » đã đến đe dọa, khống chế và đánh đập luật sư Triển và những nhân viên khác của Văn phòng Luật sư Vì Dân.

Phóng viên không biên giới kêu gọi trả tự do cho ông Phạm Minh Hoàng

Giáo sư Phạm Minh Hoàng (DR)
Giáo sư Phạm Minh Hoàng (DR)
Thanh Phương 9/8/2011
 
Hôm qua 8/8/2011, tổ chức Phóng viên không biên giới RSF, trụ sở tại Paris, cho biết đã gởi một bức thư đề ngày 3/8/2011 tới thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng để kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do cho blogger mang hai quốc tịch Pháp Việt Phạm Minh Hoàng.

Bị tạm giam một năm nay, giảng viên đại học Phạm Minh Hoàng sẽ ra tòa tại Sài Gòn ngày mai 10/8/2011 với tội danh « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân », vì ông là đảng viên đảng Việt Tân và vì ông đã viết nhiều bài trên trang blog của ông, với bút danh Phan Kiến Quốc về các vấn đề môi trường, giáo dục và chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa. Ông Phạm Minh Hoàng củng đã tham gia ký tên vào kiến nghị yêu cầu dừng dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Theo tổ chức Phóng viên không biên giới, những hoạt động nói trên của ông Phạm Minh Hoàng là hoàn toàn đúng theo Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, cũng như Hiến pháp Việt Nam. Cho nên, theo tổ chức này, phán quyết duy nhất đối với ông Phạm Minh Hoàng phải là tha bổng và trả tự do vô điều kiện cho ông.

Nhân dịp này, tổ chức Phóng viên không biên giới cũng kêu gọi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấm dứt các vụ bắt bớ và vụ án chính trị, để đảo ngược xu hướng của Việt Nam, quốc gia thường bị chỉ trích về những vi phạm nhân quyền.

Nạn bạo hành gia đình ở Việt Nam ngày càng trầm trọng

Ảnh minh họa. Chồng đốt vợ, thậm chí đốt cả con: bạo hành gia đình ở Việt Nam lên đến mức báo động?
Ảnh minh họa. Chồng đốt vợ, thậm chí đốt cả con: bạo hành gia đình ở Việt Nam lên đến mức báo động?
Thanh Phương 8/8/2011
 
Vào tháng trước, dư luận Việt Nam đã rất phẫn nộ về vụ một người chồng tại Hà Nội hành hạ vợ một cách cực kỳ dã man. Sau một cơn ghen, ông ta đã xích vợ lại, dùng búa, đinh, chai bia ... hành hạ vợ trong suốt 15 tiếng đồng hồ ngày 18/7.

Gã chồng mất hết nhân tính này thậm chí khi thấy vợ bị rách tay đã dùng kim chỉ “khâu sống” vết thương. Điều đáng nói là hai người này đã sống với nhau từ gần 20 năm nay và người vợ thường xuyên bị chồng đánh đập, mà chị vẫn giữ kín, không cho ai biết.

Nhưng có những người chồng còn dã man hơn cả, tức là dùng xăng đốt cả vợ và con, như vụ xảy ra trong đêm 23/7 rạng sáng ngày 24/7 vừa qua tại Đà Nẳng. Đêm hôm đó, người chồng đã rưới xăng lên giường, đốt vợ và ba con nhỏ nằm chung, hậu quả là đứa con gái út tử vong, người mẹ và hai đứa con kia, mới 10 tuổi và 11 tuổi, bị bỏng nặng phải đưa vào bệnh viện. Gã chồng điên rồ cũng bị bỏng hai cánh tay. Được biết người chồng thường uống rượu, cho nên hay có lời qua tiếng lại với vợ.

Chỉ mới đây thôi, tại Đắc Lắc, ngày 3/8, một người chồng đã đổ xăng ôm vợ và đứa con 5 tuổi rồi châm lửa. Hậu quả là chính ông này tử vong, vợ và con thì bị bỏng nặng. Trước đó, vì khăng khăng đòi về quê, người vợ đã bị chồng đánh đập, nhốt trong nhà nhiều ngày.

Ở xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa ngày 27/4 năm nay, một người chồng, chỉ vì giận vợ đã bế con bỏ về nhà mẹ, đã đốt con trai 3 tuổi bị bỏng rất nặng. Thấy con quằn quại trong đống lửa, người cha vẫn lên xe máy thản nhiên bỏ đi. Vụ giận vợ, đốt con cũng đã từng xảy ra ở quận Gò Vấp, Sài Gòn, ngày 20/11 năm ngoái. Do có xích mích với người mẹ, người cha đã nhốt con gái trong phòng, rồi tưới xăng, châm lửa đốt. Mặc cho con kêu la thảm thiết trong căn phòng ngập chìm khói lửa, người cha vẫn thản nhiên ngồi nhìn.

Trong tháng 7 vừa qua, Tòa án Hà Nội cũng đã vừa tuyên án 18 năm tù ông Nguyễn Hữu Thành về tội giết người vì đã rưới xăng đốt vợ, khiến bà này bị tổn hại đến 77% sức khoẻ. Nguyên nhân của hành động này cũng là vì ông chồng này cứ ghen tuông, nghi ngờ vợ ngoại tình khiến bà đã phải ly dị về nhà bố mẹ ở. Ông ta đã đốt vợ cho hả cơn giận.

Vì sao những vụ bạo hành gia đình ở Việt Nam lại lên đến mức như vậy? Đây là câu hỏi mà không dễ gì có được lời giải đáp đầy đủ. Theo một nghiên cứu của chính phủ Việt Nam và Liên hiệp quốc, công bố vào tháng 11 năm ngoái, bạo lực gia đình ở Việt Nam đang gia tăng một cách đáng ngại: cứ trong ba người vợ, thì có một người cho biết đã từng là nạn nhân bạo lực về thể xác và tinh thần từ người chồng.

Như vậy là những luật lệ về phòng chống bạo lực gia đình đã không ngăn chận được tệ nạn này. Chính quyền bị chê trách là đã thất bại trong việc bảo vệ phụ nữ. Phụ nữ ở Việt Nam vẫn thường bị đối xử như công dân hạng hai, như là một tài sản. Cộng thêm truyền thống Khổng giáo, tam tòng tứ đức, khiến nhiều người phụ nữ nạn nhân bạo hành của chồng vẫn không dám hé răng, không dám bỏ chồng.

Theo hãng tin DPA của Đức ( 1/8/2011 ), một số chuyên gia về giới cho rằng, những cách làm theo kiểu phương Tây, chẳng hạn giúp phụ nữ tạm lánh đi nơi khác, không có hiệu quả trong một xã hội như Việt Nam, nơi mà tin tức lan truyền nhanh chóng và các mối liên hệ xã hội còn quá chặt chẽ, bất lợi cho các nạn nhân. Theo các chuyên gia này, để chống nạn bạo hành gia đình, cần phải làm sao cho các nhân chứng và luật sư có thể can thiệp giúp phụ nữ nạn nhân.

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã hướng dẫn cho người vợ nào muốn ly dị làm các bước hòa giải với chồng, với sự giám sát của công an và nhân viên xã hội. Sau ba lần hòa giải bất thành thì sẽ ly dị. Nhưng các thủ tục này quá phức tạp và nhiều người vợ sau khi tỏ ý định ly dị lại càng bị chồng đánh đập tàn tệ hơn. Mặt khác, dù bị đánh đập, hành hạ, nhưng nhiều người vợ lại không muốn chồng vào tù, bởi lẽ họ sợ con cái buồn khổ và sợ mất đi lao động chính trong gia đình. Một số người còn sợ khi chồng ra tù sẽ còn hung bạo hơn nữa.

6/8/11

Liên hiệp châu Âu chỉ trích Việt Nam giữ nguyên bản án đối với tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ

Ông Cù Huy Hà Vũ trong phiên xử phúc thẩm 2/8 (Reuters - VNA)
Ông Cù Huy Hà Vũ trong phiên xử phúc thẩm 2/8 (Reuters - VNA)
Thanh Phương 6/8/2011
 
Hôm qua 5/8/2011 tại Bruxelles, bà Catherine Ashton, đại diện ngoại giao cao cấp của Liên hiệp châu Âu, đã ra một thông cáo chỉ trích Việt Nam về kết quả phiên xử phúc thẩm đối với ông Cù Huy Hà Vũ. Theo bà Ashton, về mặt nhân quyền, thái độ của Việt Nam "đáng thất vọng"  vì không tương xứng với những thành quả rất tốt về kinh tế.

Trong phiên xử phúc thẩm ngày 2/8 vừa qua ở Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ra phán quyết y án sơ thẩm 7 năm tù giam đối với tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, với tội danh « Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam », do những bài viết, bài trả lời phỏng vấn của ông, với nội dung kêu gọi đa nguyên đa đảng, hoà giải hòa hợp dân tộc.

Trong một thông cáo đưa ra ngày hôm qua tại Bruxelles, bà Catherine Ashton, đại diện ngoại giao cao cấp của Liên hiệp châu Âu, đã chỉ trích Việt Nam về kết quả phiên xử phúc thẩm. Bản thông cáo viết : « Đại diện Ngoại giao cao cấp của Liên hiệp châu Âu rất quan ngại trước cách đối xử đối với ông Cù Huy Hà Vũ ». Bà Ashton đánh giá thái độ của chính quyền Việt Nam về mặt nhân quyền là « đáng thất vọng », vì nó không tương xứng với những thành quả rất tốt về kinh tế.

Trong khi đó, chính quyền Việt Nam đang mở chiến dịch trên các phương tiện truyền thông nhằm hạ uy tín của ông Cù Huy Hà Vũ, cũng như đả kích những người ủng hộ ông. Ngày 4/8/2011, tức là chỉ 2 ngày sau phiên xử phúc thẩm, tờ Công an Nhân dân đã đăng bài viết của tác giả Quý Thanh tựa đề « Cù Huy Hà Vũ và chiêu bài nhân cách », mô tả ông Cù Huy Hà Vũ như một « kẻ hoạt ngôn », một người « tầm thường và nhỏ mọn », « tính toán cá nhân », nói chung là một người không có « nhân cách », bị kẻ khác lợi dụng, và những kẻ lợi dụng ông Vũ « đã phản bội chính danh dự và trí tuệ của mình ».

Ngay tối hôm đó, kênh truyền hình VTV1 cũng đã dành gần 15 phút cho một bài phóng sự tựa đề : « Sự thật về hành vi vi phạm của Cù Huy Hà Vũ ». Phóng sự này trích lời các viên chức chính quyền địa phương và « người dân » thuật lại phiên xử, mà họ cho là « công bằng và khách quan ». Nhưng ngoài diễn biến xung quanh phiên toà, bài phóng sự còn khai thác cuộc sống riêng tư của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ để bài bác nhân vật này.

Phóng sự của VTV1 cũng lên án những người ủng hộ ông Cù Huy Hà Vũ và đặc biệt đã nêu đích danh một số trang mạng, trong đó có trang Bauxite Việt Nam, bị coi là trang mạng « phản động ». Trang Bauxite Vietnam là nơi đã khởi xướng bản « Kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ », hiện đã nhận được gần 2 ngàn chữ ký. Bài phóng sự trích lời hai nhân vật được cho là đã phản đối Bauxite Việt Nam về việc họ bị « mạo danh » trong danh sách ký tên, đó là tướng Nguyễn Nam Khánh và nhà lão thành cách mạng Trần Đức Quế.

Ban biên tập trang Bauxite Việt Nam ngay đêm hôm đó đã ra thông cáo phản bác nội dung bài phóng sự của VTV1, khẳng định là tướng Nguyễn Nam Khánh và ông Trân Đức Quế không hề có tên trong danh sách ký kiến nghị được cập nhật, đúng hơn là tên của họ đã được loại ra sau khi ban biên tập phát hiện có những nhầm lẫn.

Riêng ông Trần Đức Quế hôm qua cũng đã xác nhận khẳng định nói trên của ban biên tập, đồng thời cho biết ông đã quá mệt mỏi sau hai ngày bị công an truy vấn trong tháng 5 vừa qua, nên đã nói với công an rằng : « bây giờ Kiến nghị đã nộp lên các cấp thẩm quyền rồi, rút cũng được, không rút cũng được, nếu rút người ta cũng hiểu không phải do tôi, và vì lý do gì tôi phải rút. »

Tai nạn tàu cao tốc khiến dân Trung Quốc ngày càng mất tin tưởng vào chính quyền

Một phụ nữ ngất xỉu vì gia đình chết trong tai nạn tàu cao tốc (Reuters)
Một phụ nữ ngất xỉu vì gia đình chết trong tai nạn tàu cao tốc (Reuters)
Thanh Phương 6/8/2011
 
Tại nạn tàu cao tốc khiến 40 người và gần 200 người bị thương ngày 23/7/2011 vừa qua đã làm nổi bật hai điều : người dân Trung Quốc ngày càng mất tin tưởng vào chính quyền và giới lãnh đạo Bắc Kinh ngày càng khó mà kiểm soát được thông tin đối với gần nửa tỷ người sử dụng Internet.

Vụ tai nạn xe lửa thảm khốc nói trên đã gây làn sóng phẩn nộ trên các mạng xã hội, vốn thu hút rất nhiều người ở Trung Quốc. Hàng ngàn người đã đòi chính quyền phải làm sáng tỏ nguyên nhân vì sao hệ thống xe lửa cao tốc lại thiếu an toàn như thế.

Báo chí Trung Quốc, vốn bị kiểm soát chặt chẽ, lần này đã chỉ trích nặng nề chính quyền. Thậm chí, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc không cần đến một « GDP dính đầy máu ».

Chỉ trong vòng một tuần, Ban tuyên huấn trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã buộc các báo phải ngưng chỉ trích, nhưng dầu sao thì uy tín của chính phủ Bắc Kinh đã sứt mẻ nghiêm trọng, nhất là vì trước đây họ đã nhiều lần bị xem là chịu trách nhiệm về những vụ tai tiếng gây chết người như vụ sữa nhiễm melamine năm 2008.

Hệ thống xe lửa cao tốc của Trung Quốc thuộc loại dài nhất thế giới, vậy mà chỉ mới bốn năm sau khi được đưa vào hoạt động, hệ thống này đã gặp tai nạn như vậy. Ngay cả trước tai nạn cuối tháng 7, tuyến xe lửa cao tốc mới Thượng Hải - Bắc Kinh, được khánh thành ngày 30/6/2011, đã gặp nhiều trục trặc kỹ thuật. Vào một số thời điểm, số khách đi tuyến đường này chiếm chưa tới một phần ba tổng số ghế. Bản thân Bộ Đường sắt cũng đã gặp nhiều tai tiếng, vì tháng 2 vừa qua người đứng đầu bộ này đã bị cách chức vì tham nhũng.

Sau tại nạn tàu cao tốc cuối tháng 7, chính phủ Trung Quốc đã có xin lỗi qua loa và hứa sẽ cải thiện an toàn đường sắt, nhưng mặt khác lại bịt miệng báo chí. Có điều, Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng khó mà kiểm soát các luồng thông tin và kiểm duyệt mọi thứ trước 485 triệu người sử dụng Internet và vô số các trang blog.

Theo hãng tin AFP, dường như chính một blogger sống gần nơi xảy ra tai nạn đã là người đầu tiên loan tin về vụ đụng tàu và ngay lập tức, trang Weibo đã tràn ngập những phản hồi giận dữ. Sau vụ tai nạn, những đoạn video clip chiếu trên mạng cho thấy những máy xúc đang vội vã đẩy xác những toa tàu xuống một hố. Thậm chí, người ta còn nhin thấy hai thi thể rơi xuống khi các toán cứu hộ đẩy một toa tàu còn treo lơ lững trên cầu. Hình ảnh này đã làm biết bao người dân Trung Quốc kinh khiếp.

Một giáo sư chuyên về truyền thông tại Bắc Kinh được hãng tin AFP trích dẫn cho rằng : « Chúng ta đang trải qua một cuộc cách mạng blog ». Theo ông, xã hội sẽ trở nên minh bạch hơn khi các blog có thể đưa tin nhanh hơn là báo chí truyền thống.

Phóng viên không biên giới lên án vụ bắt giữ blogger Paulus Lê Sơn ở Việt Nam

Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF trương biểu ngữ trước Đại sứ quán Việt Nam tại Paris đòi trả tự do cho các nhà báo và blogger hồi cuối năm 2009
Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF trương biểu ngữ trước Đại sứ quán Việt Nam tại Paris đòi trả tự do cho các nhà báo và blogger hồi cuối năm 2009
DR
 
Thanh Phương 5/8/2011
 Trong những ngày qua, một nhóm Trí Thức và Doanh nhân Công giáo đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ, trong số này có nhà báo tự do, blogger Paulus Lê Sơn, bị bắt ngay trên đường phố Hà Nội ngày 3/8. Sáu người kia gồm các anh Hồ Đức Hoà, Đặng Xuân Diệu và Nguyễn Văn Oai, bị bắt ở sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/7, Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương và Đặng Xuân Tương, bị bắt ở thành phố Vinh trong hai ngày 2/8 và 3/8.
 
Tất cả những người bị bắt đều đã ký tên vào kiến nghị phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên và kiến nghị đòi trả tự do cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, vừa xử bị y án 7 năm tù ngày 2/8 vừa qua trong phiên xử phúc thẩm tại Hà Nội.

Hôm qua 4/8/2011, tổ chức Phóng viên không biên giới, trụ sở tại Paris, đã ra thông cáo lên án vụ bắt giữ anh Paulus Lê Sơn, nhắc lại rằng đây là lần thứ hai anh bị bắt kể từ đầu năm nay.

Phóng viên không biên giới tuyên bố : « Dưới con mắt của chúng tôi, đây rõ ràng là một vụ « bắt cóc của công an » và chúng tôi rất phẫn nộ trước phương pháp thô bạo của chính quyền. Chính phủ Việt Nam dường như không còn tìm cách tô vẽ cho chính sách đàn áp nữa. Bằng chứng của đàn áp ngày càng dữ dội theo kiểu Trung Quốc, các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam không chỉ bị bắt bớ, kiểm duyệt, mà nay còn bị bắt cóc ngay giữa đường phố, trước mặt mọi người ».

Theo thông cáo của Phóng viên không biên giới, trưa ngày 3/8, trên đường đi xe máy về nhà, anh Lê Sơn đã bị công an chặn đường, cố tình làm cho anh ngã, rồi bốn công an khiêng hai tay, hai chân ném anh lên xe chở đi. Hiện giờ không rõ anh Paulus Lê Sơn bị giam ở đâu và bị bắt với tội danh gì, nhưng theo Phóng viên không biên giới, có thể là vụ bắt cóc này có liên quan đến việc anh đã theo dõi và tường trình về phiên xử phúc thẩm tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ ngày 2/8.

Trang blog của Paulus Le Sơn (http://paulusleson.wordpress.com/ ) thường viết về thời sự xã hội và chính trị của Việt Nam, cũng như các vụ biểu tình phản đối Trung Quốc. Trước khi bị bắt, anh đã đăng một số ảnh về phiên xử Cù Huy Hà Vũ.

Trong khi chỉ còn vài ngày nữa là đến phiên xử giảng viên đại học và blogger Phạm Minh Hoàng với tội danh « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân » ngày 10/8 tới tại Sài Gòn, những vụ bắt giữ nói trên gây quan ngại đặc biệt cho Phóng viên không biên giới. Tổ chức này kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do toàn bộ các tù nhân lương thức và tôn trọng các cam kết quốc tế.

5/8/11

Phải tái lập quyền phúc quyết Hiến pháp của người dân. Phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ( đã phát ngày 13/9/2010 )


Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang (DR)
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang (DR)
Thanh Phương 13/9/2010
 
Việc sửa đổi bản Hiến pháp 1992 đã được bàn thảo nhiều lần và một trong những vấn đề mấu chốt được nêu lên, đó là quyền phúc quyết Hiến pháp của người dân, đã được quy định trong bản Hiến pháp 1946. Đây cũng là chủ đề phỏng vấn của RFI với ông Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội.

Trong phiên họp vào cuối tháng 8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam cho biết là việc sửa đổi Hiến pháp có thể diễn ra ngay trong kỳ họp thứ tám Quốc hội Việt Nam, sẽ khai mạc ngày 20/10 tới. Hiện giờ chưa rõ là Hiến pháp sẽ được sửa đổi theo hướng nào. Theo một đại biểu Quốc hội, việc sửa đổi Hiến pháp lần này dường như chỉ mang tính chất “đối phó”, tức là “hợp hiến hóa” quyết định bỏ Hội đồng các cấp quận, huyện, phường, trước khi diễn ra bầu cử vào năm tới. Như vậy, có thể là Hiến pháp Việt Nam sẽ không được sửa đổi sâu rộng, như mong muốn của nhiều người.


3/8/11

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng củng cố thế lực qua việc thành lập chính phủ mới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (AFP)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (AFP)
Thanh Phương 3/8/2011
Hôm nay, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua danh sách thành phần chính phủ mới do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị. Theo giới phân tích, nội các mới này cho thấy quyền lực của ông Nguyễn Tấn Dũng đã được củng cố thêm và chính sách của Hà Nội trong 5 năm tới sẽ không có nhiều thay đổi.

Theo hãng tin Reuters hôm nay 3/8/2011, các nhà phân tích đều nhận thấy là cả bốn phó thủ tướng đều là những người thuộc phe của ông Nguyễn Tấn Dũng. Cụ thể, trong số bốn phó thủ tướng, có hai người cũ là Hoàng Trung Hải và Nguyễn Thiện Nhân. Còn hai phó thủ tướng kia là gương mặt mới : Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh.

Hôm nay, Quốc hội Việt Nam cũng thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Bình làm tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ông Bình được đào tạo ở Nga và từng làm việc chung với ông Nguyễn Tấn Dũng ở Ngân hàng Nhà nước thời kỳ 1997-1998. Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, tức Ngân hàng trung ương, hoàn toàn không độc lập với chính phủ và thống đốc ngân hàng này là một thành viên của chính phủ. Như vậy, coi như là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm soát chặt chẽ Ngân hàng Nhà nước thông qua một nhân vật thân cận.

Hãng tin Reuters trích lời giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Đại học New South Wales, nhận định rằng : « Ông Nguyễn Tấn Dũng là một lãnh đạo đã thành công trong việc biến chiếc ghế thủ tướng thành vị trí có thế lực nhất ở Việt Nam hiện nay ». Theo giáo sư Carl Thayer, trong nhiệm kỳ hai này, ông Dũng sẽ kiểm soát toàn bộ chính phủ với việc đặt những người thuộc phe ông làm phó thủ tướng. Ông Thayer cho rằng, bốn tân phó thủ tướng này sẽ « gắn kết hơn và nhất quán hơn ». Xin nhắc lại là trong chính phủ trước, có đến 5 phó thủ tướng.

Báo chí Việt Nam hôm nay loan tin là trong số 22 bộ trưởng của chính phủ mới, có đến 15 gương mặt mới. Nhưng thật ra, ngoài 7 người được giữ lại là các ông Phùng Quang Thanh ( Quốc phòng ), Vũ Huy Hoàng ( Công thương ), Cao Đức Phát ( Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ), Hoàng Tuấn Anh ( Văn hóa Thể thao Du lịch ), Phạm Vũ Luận ( Giáo dục Đào tạo ), Hà Hùng Cường ( Tư Pháp ), Giàng Seo Phử ( Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc ), nhiều ghế Bộ trưởng được chuyển giao cho các thứ trưởng, như trường hợp của các ông Trần Đại Quang ( Công an ), Phạm Bình Minh ( Ngoại giao ), Bùi Quang Vinh ( Kế Hoạch và Đầu tư ) ... . Chỉ có 7 người là lần đầu tiên có mặt trong chính phủ, đáng chú ý là Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, nguyên là Tổng kiểm toán Nhà nước.

Hãng tin Reuters trích lời ông Alan Pham, kinh tế gia tại công ty VinaSecurities, nhận định là việc bổ nhiệm ông Vương Đình Huệ làm Bộ trưởng Tài chính cho thấy là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn giám sát các tập đoàn Nhà nước, để tránh một vụ Vinashin thứ hai.

Nhưng nói chung, do đa số bộ trưởng chính phủ mới vẫn là những gương mặt cũ, cho nên các nhà phân tích và các nhà ngoại giao không chờ đợi là sẽ có những thay đổi lớn trong chính sách của Việt Nam. Tuy vậy, ông Matt Hildebrandt, kinh tế gia thuộc công ty JP Morgan Chase, hy vọng là nội các mới sẽ vạch một chính sách kinh tế rõ ràng hơn và nhất quán hơn và phục hồi ổn định kinh tế vĩ mô trong trung hạn.

Thách thức lớn nhất đối với chính phủ mới là kềm chế lạm phát, mà trong tháng 7 vừa qua đã tăng lên 22,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiền đồng Việt Nam thì đã mất giá 22% so với đôla kể từ đầu năm 2008, tuy đã ổn định lại trong những tháng gần đây.

Thật ra, theo một nhà ngoại giao ngoại quốc được Reuters trích dẫn, kềm chế lạm phát và ổn định kinh tế chỉ là một phần trọng trách của ông Nguyễn Tấn Dũng và chính phủ của ông. Điều quan trọng là chính phủ này phải có nhiều bước chuẩn bị cho giai đoạn phát triển kế tiếp cho Việt Nam. Vấn đề lớn vẫn là quyết tâm chính trị.

Hoa Kỳ kêu gọi trả tự do cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ

Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà (trái) và cô Cù Thị Xuân Bích (em của ông Cù Huy Hà Vũ) cầm biểu ngữ đến phiên tòa (DR)
Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà (trái) và cô Cù Thị Xuân Bích (em của ông Cù Huy Hà Vũ) cầm biểu ngữ đến phiên tòa (DR)
Thanh Phương 3/8/2011
 
Hôm qua 3/8/2011, trong phiên xử phúc thẩm tại Hà Nội, tòa đã quyết định y án 7 năm tù và 3 năm quản chế đối với ông Cù Huy Hà Vũ với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam ». Ngay sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đã tuyên bố « rất quan ngại » về việc tòa bác đơn kháng cáo của ông Cù Huy Hà Vũ ».

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner nói : « Chúng tôi tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Vũ cũng như toàn bộ các tù nhân lương tâm khác và chúng tôi cho rằng không người nào có thể bị cầm tù vì hành xử quyền tự do ngôn luận. »

Theo hãng tin AFP, chính quyền Obama muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam, nhưng một số dân biểu Quốc hội Mỹ yêu cầu là tổng thống Obama phải gắn liền viện trợ kinh tế với việc cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.

Hôm qua, phát ngôn viên Mark Toner khẳng định là Washington sẽ tiếp tục đề cập đến hồ sơ này, tiếp tục gây áp lực để nhân quyền được tôn trọng ở Việt Nam.

Trong phiên cử phúc thẩm hôm qua, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cáo buộc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo cho Bộ Công an truy tố ông vì những vụ kiện của ông đã làm mất mặt người đứng đầu chính phủ Việt Nam, đặc biệt là đơn kiện ông Nguyễn Tấn Dũng về dự án khai thác bauxite Tây Nguyên.


 

Trong  lời nói sau cùng  trước khi tòa nghị án hôm qua, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tuyên bố là Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, trước hết là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính mạng của ông và nếu ông chết vì bất kỳ lý do nào trong thời gian bị cầm tù thì Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, trước hết là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phải bị nhân dân Việt Nam xét xử theo nguyên tắc « Giết người thì phải đền mạng ! »

Trả lời phỏng vấn của đài RFI hôm nay, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của ông Cù Huy Hà Vũ, cho rằng phiên xử phúc thẩm hôm qua cũng đã không diễn ra đúng luật tố tụng hình sự và thật ra bản án đối với ông đã được định sẵn rồi :

Bố của Trần Huỳnh Duy Thức yêu cầu xét lại bản án

Cũng về nhân quyền, trong một lá đơn đề ngày 27/7, gởi chủ tịch Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và ban lãnh đạo mới của Việt Nam, ông Trần Văn Huỳnh, bố của anh Trần Huỳnh Duy Thức, nhờ họ yêu cầu ngành tư pháp xem xét lại bản án đối với con trai ông. Anh Trần Huỳnh Duy Thức đã bị kết án 16 năm tù và 5 năm quản chế vì tội « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân » trong phiên xử vào năm 2010, cùng với luật sư Lê Công Định, anh Lê Thăng Long và anh Nguyễn Tiến Trung.

Theo lời ông Trần Văn Huỳnh, anh Trần Huỳnh Duy Thức đã chịu cảnh tù tội oan sai vì « đã cảnh báo trước những nguy cơ mà bây giờ đã trở thành hiện thực » và đã « dành trọn tâm huyết nghiên cứu, tìm ra và kiến nghị một con đường để Đảng và Nhà nước phát triển đất nước tốt đẹp ». Ông Huỳnh cũng cho rằng các bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với con trai ông đều cho thấy sự « chủ quan và tùy tiện trong việc áp dụng luật trong hoạt động tư pháp ở Việt Nam ».

2/8/11

Xử phúc thẩm tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Y án 7 năm tù giam

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ trong phiên xử ở Hà Nội (DR)
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ trong phiên xử ở Hà Nội (DR)
Thanh Phương 2/8/2011
 
Hôm nay, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao đã mở phiên xử phúc thẩm Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam ». Kết quả phiên xử là tòa y án sơ thẩm, tức là 7 năm tù và 3 năm quản chế.

Theo những tường thuật trên mạng, ngay từ sáng sớm, hàng trăm người đã kéo đến khu vực chung quanh tòa án để biểu thị sự ủng hộ đối với ông Cù Huy Hà Vũ. Trong số này có nhiều gương mặt nhân sĩ trí thức quen thuộc trong các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc, như tiến sĩ Nguyễn Quang A, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, blogger Người Buôn Gió. . .

Riêng về gia đình tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, vợ ông là luật sư Nguyễn Thị Dương Hà và em gái là Cù Thị Xuân Bích trên đường đến tòa đã giương hai biểu ngữ : « Chồng tôi vô tội » và « Anh tôi vô tội ».

Một lực lượng an ninh hùng hậu đã được bố trí chung quanh tòa án, phong tỏa phạm vi khoảng 200 mét, chặn nhiều ngả đường. Một số người đã bị công an bắt đi. Giống như khi đối phó với biểu tình chống Trung Quốc, công an đã huy động sẵn một số xe bus để chở những người bị bắt.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A tường thuật tình hình bên ngoài phiên tòa:



"Hôm nay tôi đến đó khoảng 6 giờ 30 phút, lúc đó rất là yên tĩnh. Tôi ngồi đến lúc 7 giờ rưỡi thì họ bắt đầu chăng dây. Công an rất nhiều, họ chặn tất cả các đường đến Tòa án Tối cao. Họ chặn thành hai ba lớp, chứ không phải là một lớp.

Tôi đi theo đường Quang Trung vào đường Lý Thường Kiệt để tới Tòa án thì họ không cho vào. Tôi phải đi xuyên qua khách sạn Melia. Sau đó tôi đi qua đường Dã Tượng. Phía bên kia đường, tôi thấy có người nhà anh Cù Huy Hà Vũ, có anh Huệ Chi, chị Hảo (nhà văn Võ Thị Hảo) và một số người đứng ở bên phía đường Lý Thường Kiệt. Một lúc sau, tôi băng qua đội cảnh sát để gia nhập vào đoàn của anh Huệ Chi.

Thực sự là chúng tôi muốn vào bên trong, để tham dự phiên toà, vì người ta nói đây là phiên toà công khai, nhưng rất tiếc là người ta chặn không cho vào. Họ đòi giấy mời. Chúng tôi bảo, xử công khai mà còn yêu cầu giấy mời thì không có nghĩa gì là công khai nữa. Lúc đó, có anh cảnh sát bảo, công khai có nghĩa là về xem tivi.

Ở bên ngoài, họ ngăn rất là xa, cho nên mình không thể tiếp cận được cổng của Tòa án. Cũng không biết người ta có kéo màn hình hay loa ra không, bởi vì không nhìn thấy gì và không thể nghe thấy gì cả.

Giống như những Chủ nhật trước xung quanh Bờ Hồ (vào các dịp biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải), cũng vẫn cái xe của Quận Hoàn Kiếm đỗ ở đó. Xe phát loa nói rất to, về nghị định 38, cấm tụ tập bất hợp pháp. Chúng tôi có tranh luận với mấy anh cảnh sát. Chúng tôi nói, đây là việc Nhà nước đứng ra. Còn nếu bảo ai kêu gọi tụ tập, thì chính là Nhà nước, bởi vì Nhà nước đứng ra xử việc này, chúng tôi chỉ là người đến dự thôi. Nhưng nhìn chung, họ cũng cười trừ thôi, họ cũng chả giải thích gì cho chúng tôi cả. Họ quây lại. Trong số họ có những người mặc thường phục, họ ra lệnh cho những người trong đội cảnh sát, an ninh tìm mọi cách ẩn chúng tôi ra xa và tiếp tục xa mãi đến ngã tư Quán Sứ và Lý Thường Kiệt.

Tôi ở đó một lúc lâu đến 11 giờ thì thấy mình không thể tham gia một cái gì, không nghe được, cũng không theo dõi được tình hình phiên toà như thế nào, vì vậy tôi quay về. Về sau tôi có nghe, hình như người ta bắt gần mười người lên trụ sở công an, nhưng đến giờ, không hiểu tình hình của những người đó như thế nào."

Phiên tòa có 4 luật sư bào chữa cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Đó là các luật sư Trần Quốc Thuận, thuộc đoàn Luật sư TP. HCM, Trần Đình Triển, Trần Vũ Hải và Vương Thị Thanh, thuộc đoàn Luật sư Hà Nội. Về cử tọa, ngoài đa số là công an, chỉ có vài người thân của Cù Huy Hà Vũ là luật sư Cù Huy Thước, Nguyễn Thị Dương Hà.

Phiên xử hôm nay được truyền hình trực tiếp sang phòng bên cạnh, nên báo chí nước ngoài có theo dõi được diễn tiến. Theo AFP, phát biểu trước tòa, ông Cù Huy Hà Vũ khẳng định là chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo cho Bộ Công an bắt giữ và truy tố ông, để trả thù về những vụ kiện làm mất mặt người đứng đầu chính phủ Việt Nam.

Ông Cù Huy Hà Vũ đã nổi tiếng từ vụ kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì đã cho phép khai thác bauxite ở Tây Nguyên, bất chấp những lời cảnh báo về những tác hại trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường, an ninh quốc phòng.

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tuyên bố mục tiêu của ông chỉ là bảo vệ quyền lợi của nhân dân, không chống Đảng, mà chỉ chống ban lãnh đạo hiện nay. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng, con trai của nhà thơ Cù Huy Cận còn tuyên bố « sẳn sàng chấp nhận mọi hy sinh, kể cả hy sinh cuộc đời, thân xác, để đất nước này được tốt đẹp lên ».

Theo tin từ blog Anhbasam, trong phiên xử hôm nay, bị cáo Cù Huy Hà Vũ được các luật sư đặt nhiều câu hỏi, nên có nhiều dịp trình bày quan điểm của ông. Một trong bốn luật sư bào chữa Cù Huy Hà Vũ, luật sư Trần Vũ Hải đã đề nghị tòa triệu tập Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để cho biết ý kiến về các tài liệu buộc tội ông Hà Vũ. Luật sư Vương Thị Thanh thì đề nghị triệu tập Chủ tịch nước với tư cách đại diện cho bên bị xâm phạm lợi ích, cũng như những bên có liên quan khác, như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, phóng viên Trâm Oanh...



Cũng như trong phiên xử sơ thẩm, tòa vẫn không chịu cung cấp 10 bài viết, bài trả lời phỏng vấn làm bằng chứng buộc tội ông Cù Huy Hà Vũ.

Cù Thị Xuân Bích: "Anh tôi là người yêu nước"

Trả lời phỏng vấn RFI sau phiên xử hôm nay, chị Cù Thị Xuân Bích, em gái của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ cho biết :

" Tôi chỉ được biết là Tòa đã y án sơ thẩm. Qua chị Hà, tôi cũng được biết hôm nay là phiên toà tranh tụng tuyệt vời. Dù Tòa có y án, chúng tôi vẫn tiếp tục con đường đòi công lý cho tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, bởi vì anh tôi là người vô tội.

Tôi được biết là khi bước vào phòng xử án, anh tôi đã nói rằng : « Vì Tổ quốc và nhân dân, tôi chấp nhận tất cả ». Câu nói đó cứ âm vang trong suy nghĩ, trong trái tim tôi cho đến giờ phút này.

Tôi không biết gì hơn, vì sáng nay, trên đường đi đến Tòa, tôi đã bị các công an mặc thường phục xô đẩy đến mức bị té xỉu và nôn oẹ, được người dân ở đó sơ cứu. Buổi trưa tôi phải về nhà nghĩ mệt một chút, đến chiều mới trở lại để chờ tiếp ở cách phòng xử án 200 mét.

Sáng nay có rất đông người đã đến, trong đó có những nhân sĩ, trí thức có uy tín ở Việt Nam, nhân dân muốn đến xem phiên tòa xử công khai, cũng như là dân oan từ TP HCM, Đà Nẳng, Nam Định, Hải Phòng.
Tôi nghĩ rằng, trời mỗi ngày mỗi sáng và chân lý sẽ thuộc về anh trai tôi, Cù Huy Hà Vũ, người yêu nước. Không thể nào kết tội một người yêu nước.

Chúng tôi là con nhà thơ Cù Huy Cận, người đã tiếp ký bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước VNDCCH cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và mẹ tôi, Ngô Thị Xuân Như, em gái nhà thơ Xuân Diệu, là y tá trực tiếp chăm sóc sức khoẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh trai tôi là người yêu nước và cũng mong muốn cống hiến trí tuệ của mình cho đất nước, nhưng anh tôi đã bị một oan khuất ngất trời như vậy. Bằng mọi giá, chúng tôi sẽ tìm công lý cho anh tôi.

Anh tôi là người vô tội và nhân dân cũng thấy như vậy, vì khi toà đang xử, bên ngoài đã có nhiều người hô rất to : « Cù Huy Hà Vũ là người vô tội »."

1/8/11

HRW yêu cầu xét xử công bằng đối với ông Cù Huy Hà Vũ

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên xử (ảnh Reuters)
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên xử (ảnh Reuters)
Thanh Phương 1/8/2011
 
Ngày mai 2/8/2011, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ xử phúc thẩm tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ về bản án 7 năm tù với tội danh « Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam ».Trong bản thông cáo đề ngày hôm nay, 1/8/2011, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch cho rằng kết quả phiên xử ngày mai « sẽ có những tác động quan trọng đối với pháp quyền và quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam ».

Tổ chức này nhắc lại là phiên xử sơ thẩm tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ ngày 4/4 vừa qua « đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, vi phạm quyền tự do ngôn luận của ông Hà Vũ ». Theo lời phó giám đốc châu Á của Human Rights Watch, Phil Robertson, « tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã bị giam vì những lý do chính trị sau một phiên xử vi phạm quyền của ông. Bây giờ, chính quyền Việt Nam ít ra nên làm một điều tốt, đó là xử phúc thẩm một cách độc lập và công bằng ».

Nhân đây Human Rights Watch nhắc lại, ở Việt Nam hiện có ít nhất 846 tù chính trị và tôn giáo. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là một trong khoảng 40 nhà hoạt động, nhà văn, blogger và thành viên các tổ chức tôn giáo độc lập, bị kết án tù từ tháng Giêng 2009. Ngoài ra, 38 nhà bất đồng chính kiến ôn hòa khác đã bị bắt ở Việt Nam trong hai năm 2010 và 2011 và đang chờ ngày ra tòa.

Trả lời hãng tin Đức DPA hôm nay, ông Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của Human Rights Watch, nói rằng : ông không nghĩ là phiên xử phúc thẩm sẽ giảm án cho ông Cù Huy Hà Vũ, vì theo ông, « chính quyền muốn xử ông làm gương để cho những người khác thấy là bất cứ ai, dù là có gốc gác, quan hệ đến đâu, nếu dám đòi quyền tự do và thách thức chính quyền, đều sẽ gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng ».

Trước phiên xử phúc thẩm ngày mai, ông Cù Huy Hà Vũ đã nhờ vợ, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, viết lại và chuyển một thư « cám ơn đồng bào », đặc biệt là cám ơn những luật sư đã tình nguyện bào chữa miễn phí cho ông, cám ơn vợ, em gái và những người khác trong gia đình, tộc họ Cù Huy đã yểm trợ hết mình cho ông. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nhắc lại, những việc làm của ông trong những năm qua là « hoàn toàn không vụ lợi, không hề có động cơ riêng tư ». Tiến sĩ Hà Vũ khẳng định ông không có tội, mà đã bị một hệ thống chính trị trả thù.

Vợ giáo sư Phạm Minh Hoàng: «Chồng tôi vô tội»

GS Phạm Minh Hoàng và con gái
GS Phạm Minh Hoàng và con gái
DR
Thanh Phương 1/8/2011
 
Vợ của giáo sư Phạm Minh Hoàng, bà Lê Thị Kiều Oanh, hôm nay 1/8/2011, vừa cho phổ biến trong và ngoài nước một bức thư khẳng định là chồng bà vô tội.

Ngồi tù từ 12 tháng nay, ông Phạm Minh Hoàng sẽ bị đem ra xử ở Sài Gòn ngày 10/8 tới đây với tội danh « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân », chiếu theo điều 79 bộ Luật Hình sự.

Nhưng theo bà Lê Thị Kiều Oanh, ông Hoàng hoàn toàn vô tội, vì trước hết, những bài viết của ông với bút danh là Lê Kiến Quốc đều nêu lên những vấn đề mà cả nước quan tâm như tình trạng biển đảo của Việt Nam, vấn đề khai thác bauxite, các hiện tượng tiêu cực về xã hội, giáo dục, y tế, ..., mà nay báo chí cả nước và dư luận đều đề cập đến.

Bà Lê Thị Kiều Oanh khẳng định, ông Phạm Minh Hoàng cũng không có tội khi đứng ra tổ chức các khoá học kỹ năng mềm cho sinh viên và cũng không có tội khi tham gia các tổ chức, đoàn thể lúc còn sinh sống tại Pháp.

Trong thư, bà Kiều Oanh cho biết là chổng bà đã bị tạm giữ quá thời hạn 4 tháng, mà không hề có văn bản nào chính thức hóa việc giam giữ kéo dài này. Bà Kiều Oanh sợ rằng, nếu chính quyền đã có thể tạm giam ông Phạm Minh Hoàng 12 tháng như vậy, thì họ có thể xử nặng ông trong phiên tòa sắp tới.

Cho nên, bà Kiều Oanh kêu gọi mọi người gia tăng sự can thiệp cho chồng bà, đặc biệt là dư luận và chính phủ Pháp, để chính quyền Việt Nam xem xét lại và trả tự do cho ông Phạm Minh Hoàng.

Quốc hội mới của Thái Lan khai mạc trong một đất nước bị chia rẽ trầm trọng

Nữ thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (thứ ba trái sang) nói chuyện với các thành viên đảng Puea Thai trước lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội, Bangkok 1/8/2011.
Nữ thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (thứ ba trái sang) nói chuyện với các thành viên đảng Puea Thai trước lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội, Bangkok 1/8/2011.
REUTERS/Chaiwat Subprasom
Thanh Phương 1.8.11
 
Hôm nay, hoàng thái tử Maha Vajiralongkorn đã chủ trì phiên khai mạc Quốc hội mới của Thái Lan, với 500 dân biểu, vừa được bầu trong cuộc tuyển cử ngày 3/7 vừa qua, sau 5 năm bất ổn chính trị, gây chia rẽ trầm trọng đất nước này.

Trong cuộc bầu cử này, đảng Puea Thai của bà Yingluck Shinawatra, em gái của thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra hiện sống lưu vong, đã giành đa số tuyệt đối, nhưng đảng này vẫn liên minh với 5 đảng khác và như vậy đang có tới 3/5 tổng số dân biểu trong Quốc hội mới. Các dân biểu mới sẽ bắt tay vào việc ngày mai. Trong vài ngày nữa, trên nguyên tắc Quốc hội sẽ bầu bà Yingluck làm nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan.

Như vậy là, gần 5 năm sau khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào tháng 9 năm 2006, ông Thaksin coi như đã « phục thù » qua thắng lợi của em gái. Bà Yingluck, năm nay 44 tuổi, nguyên là một nhà doanh nghiệp, chưa hề có kinh nghiệm chính trị, nên một số người cho rằng bà chỉ là con rối trong tay ông Thakisn.

Nhưng theo nhận định của ông Pavin Chachavalpongpun, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, bà Yingluck đã chứng tỏ là một nhân vật có sức thu hút mạnh và sẽ là một thủ tướng rất có năng lực. Tuy nhiên, theo nhà phân tích này, có nhiều thách thức rất to lớn đang chờ đón bà.

Trước hết, tân thủ tướng Thái phải làm sao hòa giải thành phần dân nông thôn và dân nghèo thành thị ở miền Bắc và Đông Bắc, vốn ủng hộ ông Thaksin, với thành phần trung lưu và giới tinh hoa, trung thành với Hoàng gia Thái, vốn rất ghét ông Thaksin. Kể từ sau cuộc đảo chính năm 2006, xã hội Thái Lan đã bị phân hóa trầm trọng giữa hai thành phần nói trên. Đường phố Bangkok trong 5 năm qua đã liên tục rung chuyển vì những cuộc biểu tình rầm rộ của phe chống và ủng hộ Thaksin.

Vào mùa xuân 2010, phe chống chính quyền, mệnh danh là phe Áo Đỏ (mà trong đó có nhiều người ủng hộ Thaksin), đã chiếm khu trung tâm Bangkok trong suốt hai tháng, trước khi bị quân đội giải tán, khiến hơn 90 người chết và 1.900 người bị thương. Phe Áo Đỏ nay đang đòi trừng trị những kẻ đã đàn áp biểu tình, tức là các lãnh đạo quân sự. Nhưng làm sao thi hành công lý mà không gây thù hằn với quân đội ? Đó là thách thức rất gay go đối với bà Yingluck.

Theo lời ông Sean Boopracong, nguyên là một phát ngôn viên của phe Áo Đỏ, bà Yingluck đã thấy đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, nên đã tuyên bố là sẽ giữ nguyên Uỷ ban Hòa giải, do cựu thủ tướng Vejjajiva bổ nhiệm trước đây, để giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng hơn. Nhưng Tòa có dám kết án các lãnh đạo quân đội hay không ? Tương lai sẽ trả lời điều này.

Một vấn đề tế nhị khác, đó là trong thời gian tranh cử, đảng Puea Thai, trên thực tế do ông Thaksin lãnh đạo từ nước ngoài, đã nhắc đến khả năng ban hành lệnh ân xá cho toàn bộ các chính khách bị kết án, mở đường cho cựu thủ tướng Thái hồi hương. Nhưng ai cũng sợ rằng, sự trở về của ông Thaksin, bị kết án khiếm diện 2 năm tù, sẽ gây những rối loạn mới ở Thái Lan. Bên cạnh đó, bà Yingluck cũng chịu áp lực từ phía các lãnh đạo phe Áo Đỏ, đòi chia các ghế lãnh đạo cao cấp trong chính phủ mới.

Về mặt kinh tế, những lời hứa của đảng Puea Thai khi tranh cử, đặc biệt là hứa tăng luơng tối thiểu, khiến giới doanh nghiệp lo ngại, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương Thái Lan sợ lạm phát sẽ tăng cao.