30/9/11

HRW yêu cầu Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động tôn giáo

Logo của tổ chức Human Rights Watch
Logo của tổ chức Human Rights Watch
Reuters

Thanh Phương 30/9/2011
 
Hôm nay, 30/9/2011, tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch ra thông cáo yêu cầu Việt Nam chấm dứt việc đàn áp các nhà hoạt động tôn giáo và trả tự do cho 15 người vừa bị bắt gần đây. Theo Human Rights Watch, các vụ bắt bớ, chủ yếu nhắm vào các tín đồ Công giáo có quan hệ với Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, là một vết đen nữa về mặt tự do tôn giáo của Việt Nam.


Đợt bắt bớ này bắt đầu từ ngày 30/7/2001, với việc công an bắt 3 nhà hoạt động Công giáo tại sân bay Tân Sơn Nhất khi họ vừa từ nước ngoài trở về. Trong 7 tuần tiếp theo, chính quyền đã bắt thêm 12 người. Cho đến thời điểm này, 10 người trong số họ đã bị khởi tố về tội « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền », chiếu theo điều 79 bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Trong số những người đang bị giam, có anh Lê Văn Sơn, tức blogger Paulus Lê Sơn, bị bắt tại Hà Nội một ngày sau vụ xử phúc thẩm tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ ngày 2/8, sự kiện mà anh đã đến tận nơi theo dõi và đã tường thuật trên trang blog của mình.

Một blogger nổi tiếng khác là bà Tạ Phong Tần thì bị bắt ngày 5/9 sau khi đăng bài phân tích tính chất tuỳ tiện và trái pháp luật của việc bắt giữ anh Lê Văn Sơn. Người cuối cùng bị bắt là anh Trần Vũ Anh Bình, bị bắt ngày 19/9 ở Sài Gòn và cho tới giờ vẫn chưa biết lý do của vụ bắt giữ này.

Theo lời ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách châu Á của Human Rights Watch, cho rằng : "Hành động của chính quyền đối với những nhà vận động tự do tôn giáo một cách ôn hòa nói trên là một chỉ dấu khá rõ về tình trạng vi phạm nhân quyền đang gia tăng ở Việt Nam".

Trong bản thông cáo, Human Rights Watch cũng đã nhắc lại vụ Linh mục Phạm Trung Thành, Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, ngày 10/7 vừa qua đã bị cấm xuất cảnh khi ông đến sân bay Tân Sơn Nhất để đi dự một hội nghị tôn giáo ở Singapore, nhưng công an không giải thích lý do vì sao vị linh mục này lại bị xếp vào diện « chưa được xuất cảnh ». Hai ngày sau đó, một lãnh đạo khác của Dòng Chúa Cứu Thế là Linh mục Đinh Hữu Thoại cũng bị cấm xuất cảnh ở cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh.

Tổ chức nhân quyền của Mỹ nhắc lại « tự do đi lại là quyền cơ bản của con người, được ghi rõ trong Hiến pháp Việt Nam và được bảo đảm bằng các công ươc quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia ».

27/9/11

Phillipines và Nhật Bản tăng cường quan hệ để đối đầu với Trung Quốc

Tổng thống Philippines Benigno Aquino tưởng niệm các nạn nhân động đất sóng thần tại Ishinomaki, 26/9/2011
Tổng thống Philippines Benigno Aquino tưởng niệm các nạn nhân động đất sóng thần tại Ishinomaki, 26/9/2011
REUTERS/Kyodo

Thanh Phương 27/9/2011
 
Hiện đang công du Nhật Bản, hôm nay 27/9/2011, tổng thống Philippines Benigno Aquino đã gặp thủ tướng Yoshihiko Noda để bàn về các vấn đề an ninh, trong bối cảnh mà Manila đang tìm hậu thuẫn từ Tokyo, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa một số nước Đông Nam Á với Trung Quốc.


Theo báo chí Nhật hôm nay, Tokyo và Manila chuẩn bị ký một hiệp định hợp tác quân sự để tăng cường quan hệ về an ninh hàng hải.

Trong một bài phỏng vấn đăng hôm qua 26/9, một giới chức cao cấp của văn phòng thủ tướng Noda cho biết, hai nhà lãnh đạo Philipines và Nhật có thể xem xét khả năng tiến hành thường xuyên hơn các cuộc thao dượt chung giữa lực lượng tuần dương của hai nước, cũng như tham vấn thường xuyên hơn giữa các quan chức hải quân hai nước.

Trước đó trong tháng này, các cuộc « tham vấn » đầu tiên về tăng cường hợp tác hàng hải song phương đã diễn ra tại Tokyo. Trong những năm gần đây, quân đội hai nước Nhật và Philippines cũng đã tiến hành vài cuộc tập trận chung.

Hơn cả Hoa Kỳ, cho tới nay, Nhật Bản ngại đứng về phía các nước Đông Nam Á đối lại Trung Quốc. Nhưng theo các nhà quan sát, Tokyo nay có thể theo chân Washington gây áp lực đòi tranh chấp chủ quyền Biển Đông phải được giải quyết trong khuôn khổ đa phương, trong khi Bắc Kinh chỉ muốn thương lượng với riêng từng nước có liên quan.

Về phần Philippines, có thể nói là nước này đã rất tích cực liên kết với các cường quốc khác để tạo thế liên hoàn, đối lại với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Sau khi viếng thăm Trung Quốc vào đầu tháng 9, tổng thống Aquino đã bay sang Hoa Kỳ, hiện vẫn là đồng minh quân sự rất chặt chẽ của Philippines. Trong thời gian gần đây, Manila dựa ngày càng nhiều vào Washington trước những hành động gây hấn và xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc.

Lãnh đạo Philippines có lẽ nhận thức được rằng, nền kinh tế của Nhật cũng như của Mỹ đều rất cần được bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông. Khoảng 90% nguồn cung cấp dầu cho Nhật Bản được chở từ Trung Đông qua ngả Biển Đông.

Chính là theo chiều hướng bảo đảm an toàn hàng hải mà đại sứ Nhật Bản tại Philippines Toshinao Urabe ngày 20/9 vừa qua đã kêu gọi các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông nhanh chóng thông qua một bộ quy tắc ứng xử có tính chất bó buộc thi hành.

Nhưng Bắc Kinh dĩ nhiên là rất bực tức khi thấy Phililippines tìm cách lôi kéo các cường quốc khu vực để đối đầu với Bắc Kinh. Tờ Nhân dân Nhật báo hôm qua đã viết rằng : « Một số nước trong khu vực dường như muốn sử dụng Philippines để làm đối trọng với Trung Quốc. Những nước đó phải biết là có những nguy cơ tiềm tàng nếu can dự vào tranh chấp chủ quyền ( Biển Đông). »

Bản thân Tokyo cũng đang nhức đầu vì tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên quần đảo, mà tiếng Nhật gọi là Senkaku, còn Trung Quốc thì gọi là Điếu Ngư. Chỉ mới ngày Chủ nhật vừa qua 25/9, một tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã bị phát hiện tại vùng biển đang tranh chấp này và lực lượng tuần dương Nhật Bản đã phải phát tín hiện cảnh cáo để đuổi chiếc tàu đó đi.

Tổ chức Phóng viên không biên giới chỉ trích bản án tù đối với blogger Lư Văn Bảy


DR

Thanh Phương 27/9/2011
 
Tổ chức Phóng viên không biên giới, trụ sở tại Paris, hôm qua 26/9/2011, vừa ra thông cáo chỉ trích Việt Nam về việc blogger Lư Văn Bảy ngày 22/8 vừa qua đã bị kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế.


Ông Lư Văn Bảy đã bị Tòa án tỉnh Kiên Giang kết án với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam », vì đã có những bài viết bị xem là « có nội dung nói xấu Đảng, Nhà nước, đòi đa nguyên đa đảng, phục vụ mưu đồ lật đổ chính quyền của các thế lực thù địch phản động ».

Nguyên là cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, ông Lư Văn Bảy là một cây viết được biết dưới nhiều bút danh như: Hoàng Trung Việt, Chánh Trung, Hoàng Trung Chánh, Nguyễn Hoàng, Trần Bảo Việt, đăng trên các trang web như Đàn Chim Việt, Đối Thoại. Ông đã bị công an bắt giữ ngày 26/3 năm 2011.

Trong bản thông cáo nói trên, Phóng viên không biên giới nhắc lại, hiện có 17 công dân mạng và 3 nhà báo bị giam giữ ở Việt Nam. Tổ chức này đặc biệt nhắc đến trường hợp của giảng viên đại học mang hai quốc tịch Pháp - Việt Phạm Minh Hoàng, tức blogger Phan Kiến Quốc, vừa bị tuyên án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế ngày 10/8 vừa qua với tội danh « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền ». Ông Phạm Minh Hoàng gần đây đã loan báo quyết định kháng án và tổ chức Phóng viên không biên giới cho biết họ ủng hộ ông Phạm Minh Hoàng trong thủ tục pháp lý này.

Lưu Trọng Ninh:"Cần xem điện ảnh như bộ mặt của quốc gia"

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh
Thanh Phương 26/9/2011
 
Bộ phim “Khát vọng Thăng Long” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh vừa được bầu chọn đại diện cho Việt Nam dự giải Oscar 2012 hạng mục Phim tiếng nước ngoài hay nhất. Như vậy là tác phẩm này của đạo diễn Lưu Trọng Ninh sẽ tranh tài cùng hàng chục bộ phim từ nhiều quốc gia để có vinh dự được có tên trong 5 phim được đề cử.

Việt Nam đã bắt đầu gởi phim đi tham dự giải Oscar từ năm 1993, nhưng cho tới nay chỉ mới có một phim được đề cử tranh giải Phim tiếng nước ngoài hay nhất là “Mùa đu đủ xanh” của đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng, một bộ phim thật ra không hoàn toàn là của Việt Nam. Hầu hết các phim khác được chọn tranh Oscar cũng là do các đạo diễn Việt kiều dàn dựng, như "Mùa Len Trâu" của Nguyễn Võ Nghiêm Minh hay "Ba Mùa" của Tony Bui.

Lần này, Hội đồng tuyển phim đã chọn một bộ phim được đánh giá là thuần chất lịch sử Việt Nam, tái hiện cuộc đời của Lý Công Uẩn từ thuở nhỏ đến lúc trưởng thành và sau này trở thành Lý Thái Tổ. Hiện khó có thể dự đoán là “ Khát vọng Thăng Long” có cơ may lọt vào danh sách đề cử Oscar hay không, bởi vì để có thể tranh tài với các nước khác, điện ảnh Việt Nam cần phải được đầu tư đúng chỗ, đúng mức, nhằm tạo điều kiện phát huy tột bực những tài năng trong ngành nghệ thuật thứ bảy. Nói cách khác, cần phải thực sự xem điện ảnh như là bộ mặt của quốc gia. Đó là điều mà đạo diễn Lưu Trọng Ninh nhấn mạnh trong bài phỏng vấn với RFI từ Hà Nội:



 

RFI: Xin chào đạo diễn Lưu Trọng Ninh, trước hết RFI Việt ngữ xin có lời chúc mừng ông có bộ phim được chọn đại diện cho Việt Nam dự giải Oscar. Ông có tâm trạng thế nào khi thấy bộ phim mà mình đã bỏ ra rất nhiều công sức để cố gắng thể hiện tính chất Việt Nam, bây giờ đưọc đại diện cho Việt Nam dự một giải lớn như vậy ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi cũng xin thay mặt đoàn làm phim cám ơn sự nhìn nhận của Hội đồng tuyển chọn phim dự giải Oscar. Bộ phim này đã được làm trong hoàn cảnh tương đối đặc biệt, chỉ trong có ba tháng, từ lúc bấm máy cho đến khi kết thúc, với công sức của rất nhiều người, đặc biệt là lực lượng Việt kiều, chính vì thế mà bộ phim có những chất lượng, đạt được những yếu tố giúp nó có thể hướng tới được Oscar hơn là những bộ phim khác. Tôi không dám so với nước ngoài, nhưng đối với Việt Nam thì nó đạt được một số tiêu chuẩn nào đó.

Đối với tôi đây cũng là bộ phim cam go nhất và quyết liệt nhất trong đời làm phim của mình, bởi vì đứng trước một gánh nặng rất lớn là làm một bộ phim lịch sử để kỷ niệm 1000 năm ( Thăng Long ), để trả lời rất nhiều câu hỏi và đáp ứng rất nhiều yêu cầu của mọi tầng lớp, từ khán giả cho đến Nhà nước, cho đến các nhà nghiên cứu lịch sử.

Tôi rất may mắn là khi bộ phim ra mắt thì được mọi người nhìn nhận với một tình cảm rất là lớn và đều cho đó là một bất ngờ.

RFI: Làm phim lịch sử chắc là phải cần đầu tư rất nhiều về tư liệu, về công sức, về các phương tiện kỹ thuật ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Làm phim lịch sử ở Việt Nam thực sự rất khó khăn. Khó khăn thứ nhất là chúng ta không có văn học sử. Khó khăn thứ hai là chúng ta không có công trình lịch sử. Chỉ làm phim từ thời kỳ Nhà Nguyễn trở về trước thì không còn công trình kiến trúc lịch sử nào.

Một khó khăn nữa là chúng ta không có trường quay. Đó là khó khăn mà tôi đã trải qua : một bối cảnh có khi phải được quay ở ba tỉnh khác nhau, ở ba thời điểm khác nhau.

Nhưng cái khó hơn cả là sự đón nhận của công chúng Việt Nam đối với phim lịch sử. Hiện giờ phim lịch sử chưa được thể hiện nhiều, nên người ta muốn xem lịch sử hơn là xem bộ phim. Họ đòi phải mô tả lịch sử, bớt đi cái nhìn của hôm nay về lịch sử. Trong khi tôi quan niệm là làm phim lịch sử thì phải lấy cái nhin, suy nghĩ của mình hôm nay để mô tả lịch sử, chứ không phải là chứng minh lịch sử.

Tôi chỉ lấy ví dụ đơn giản thôi : bối cảnh và phục trang là hai cái thể hiện yếu tố lịch sử cao nhất. Bối cảnh thì chúng ta đã không có rồi, còn phục trang thì thật ra chỉ là theo trí tưởng tượng của chúng ta thôi, chứ chẳng có những bằng chứng nào về phục trang cả.

Làm phim lịch sử thì thường phải hoành tráng thì mới có giá trị cao, mà hoành tráng thì đòi hỏi một ngân sách rất lớn, nhưng ngân sách lớn thì làm sao có thể thu hồi vốn ? Với hệ thống rạp ở Việt Nam hôm nay, phim nào vượt quá 10 tỷ thì không thể thu hồi vốn. Đó là cái khó nhất. Bây giờ phim phải như là một thứ hàng hóa để người ta thu lợi nhuận hay ít ra bù đắp những món tiền đã bỏ ra.

Cơ bản là lượng khán giả đến rạp không nhiều. Một thành phố như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh có hàng triệu người mà chỉ có vài chục rạp nhỏ .Nguời Việt Nam thực sự là cũng còn thói quen xem truyền hình. Thói quen đó có ảnh hưởng đến điện ảnh rất là lớn.

Một cảnh trong phim "Khát vọng Thăng Long"
DR
 
RFI: Ông đánh giá thế nào về sự đóng góp của nước ngoài, đặc biệt là của các nhà điện ảnh Việt kiều đối với điện ảnh Việt Nam?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh : Điện ảnh có tính chất quốc tế rất cao và sự đóng góp đó theo tôi rất là lớn. Các đạo diễn Việt kiều đã tạo một bầu không khí mới, tạo nên những biến đổi nào đó cho ngành điện ảnh Việt Nam, với cách nhìn của họ, với những kỹ thuật, công nghệ mà họ mang lại.

Các đạo diễn trẻ ở Việt Nam ngày nay cũng tiếp cận rất nhiều và được ra nước ngoài nhiều. Không còn những khoảng cách giống như bọn trẻ chúng tôi ngày xưa. Ngày xưa bọn tôi chỉ có vài người ra nước ngoài, chứ còn nói chung tất cả đều « ếch ngồi đáy giếng », chỉ xem được những bộ phim từ những năm 1960.

RFI: Ông có đặt tin tưởng nhiều vào thế hệ điện ảnh trẻ ngày nay ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Họ có kỹ năng rất tốt, nhưng thực sự tiếc cho họ là họ không có hoàn cảnh tốt. Khi vừa ra nghề, nhiệm vụ đầu tiên của họ để tồn tại là làm sao bộ phim bán được vé.

Thế hệ bọn tôi với họ trái ngược nhau rất nhiều. Bọn tôi thì làm phim ra để mong được giới phê bình, báo chí hay giới chuyên môn khen, còn họ thì ngược lại : làm phim ra là phải bán được vé. Mà thường thì giới phê bình trong nghề và số lượng vé thì trái ngược nhau. Lớp trẻ ngày nay không có điều kiện để bộc lộ được tài năng của họ.

RFI: Đó có phải là lý do khiến điện ảnh Việt Nam chưa thể sánh vai với các nước trên thế giới ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi nghĩ đó là lý do chính và lý do chính đó là thuộc về Nhà nước, vì để điện ảnh có thể vươn ra ngoài thì không thể không có yếu tố quốc gia. Nếu cứ để phát triển tự nhiên như thế này thì không hy vọng có những tác phẩm lớn được.

RFI: Thế thì những cơ quan như Cục Điện ảnh có thể giúp được gì để tạo ra những bộ phim chất lượng cao, có thể tranh tài với thế giới?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Họ cũng đã cố làm nhiều năm nay rồi, nhưng theo tôi do cách làm không đúng, nên không có hiệu quả. Làm phim không giống như trồng lúa, tức là cứ phát giống, phát phân cho nông dân, rồi ra chỉ tiêu mỗi hectare phải được bao nhiêu lúa.

Cục Điện ảnh phải lo cho rất nhiều hãng phim Nhà nước. Có bao nhiêu đó vốn thôi nhưng phải chia đều cho mỗi hãng một ít, rồi tùy mỗi hãng sử dụng. Trong khi đáng lý ra công việc của các ông ấy là tìm ra cái gì hay và ai làm tốt, rồi chỉ đầu tư trực tiếp cho người ấy thôi. Nhưng ở đây không có Bao Công, không có những người biết đón nhận tài năng, thiếu những mạnh thường quân, nói nôm na là thiếu những nhà sản xuất giỏi. Cục Điện ảnh phải là nhà sản xuất giỏi.

RFI: Tức là chúng ta thiếu điều kiện để thử nghiệm những tài năng ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Không phải thiếu điều kiện, mà là thiếu một cách nhìn. Bởi vì tài năng thì thật ra không phải là cần nhiều tiền. Có thể làm những bộ phim chỉ cần 3 tỷ, 5 tỷ ( đồng ), nhưng quan trọng nhất là phải tìm ra ai để làm và làm ra cái gì, chứ không phải là đem tiền ra chia đều cho các hãng để họ trả lương.

Ở Việt Nam thật ra có một không gian của những vấn đề làm phim rất là hay. Ở đây không phải vấn đề về điều kiện, bởi vì ở Việt Nam điều kiện máy móc thiết bị cũng rất tốt, đội ngũ cũng đông đảo. Ở Việt Nam cũng có cả trường điện ảnh và viện nọ viện kia. Nhưng lại thiếu một cách nhìn và một đường lối tốt.

RFI: Đường lối tốt đó phải là gì ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Đầu tiên, phải coi điện ảnh là bộ mặt của quốc gia, làm sao thành một chính sách để đưa nó ra thế giới, bởi vì theo tôi, điện ảnh là phương tiện rất tốt để truyền bá hình ảnh của một quốc gia.
Phải có chính sách đã, rồi mới đến bước thứ hai là đào tạo. Cả 5 năm đi học điện ảnh mà chỉ làm những bài tập ngắn thôi, mà không được tiếp xúc với những đạo diễn giỏi của nước ngoài, thì cũng rất là khó.

Phải làm giống như Hàn Quốc, tức là bỏ ra một ngân sách nào đó để cử những người yêu thích điện ảnh và có năng lực sang học bên đó. Và cả một thế hệ được học như vậy, chứ không phải chỉ có một hai người học.

Hàn Quốc đã tạo ra cuộc cách mạng, đưa nền điện ảnh của họ đi những bước rất là lớn. Tôi nghĩ là Việt Nam có thể làm điều đó. Giải pháp trước mắt là tìm trong những cái đang có, để tập trung làm cho thật tốt, mỗi năm 1 hoặc 2 bộ phim thôi. Nếu Nhà nước biết chăm chút nó thì bộ phim đó có thể ra nước ngoài được.

RFI: Ở Việt Nam chắc là không thiếu những chủ đề hay về xã hội, về cuộc sống để khai thác thành bộ phim sát với tâm tư của người dân. Nhưng trong điều kiện hiện nay, liệu có thể làm được điều đó ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Rõ ràng chúng ta có những cái khó của chúng ta bởi vì có những vấn đề mà bản chất nó chúng ta không dám đụng chạm đến.

Nhưng theo tôi nghĩ thì không hẳn là như vậy. Iran là một ví dụ điển hình. Ở nước này cũng có khó khăn về mọi phương diện, nhưng phim của họ cũng rất là hay. Tôi thấy hình như là những người làm điện ảnh của Việt Nam đang xa rời chủ nghĩa nhân văn. Nếu đi theo con đường nhân văn thì ta vẫn có thể nói lên được một khía cạnh nào đó và sẽ dễ được chấp nhận. Chứ nếu chúng ta đưa ra vấn đề ra thôi và đưa ra một cách hằn học, thì tính thuyết phục không cao. Tất nhiên làm nghệ sĩ là phải biết thích nghi để tồn tại, nhưng đứng trước một sự kiện nào đó, nếu anh biết mô tả nó bằng tấm lòng, thì dễ thành công hơn, dễ được chấp nhận hơn và đem ra nước ngoài thì họ cũng dễ nhìn nhận hơn.

RFI: Trong thâm tâm ông có dám tin rằng phim « Khát vọng Thăng Long » sẽ lọt được vào danh sách để cử giải Oscar ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi chỉ mới tự hào một điều duy nhất là phim được đại diện cho Việt Nam thôi. Thế còn hy vọng trong một đấu trường lớn như thế, thì thực sự tôi không không có suy nghĩ gì nhiều. Tôi chỉ mong muốn thế này, tức là nhà sản xuất muốn bộ phim được chiếu cho bà con ngưòi Việt ở bên Mỹ. Họ đã lên một chương trình chiếu ở năm trường đại học Mỹ.

Bước đầu tiên là như thế đã, chứ còn bản thân chúng tôi không dàm kỳ vọng gì nhiều. Bộ phim cứ có mặt đi đã, rồi nó sẽ làm những việc mà nó phải làm.

RFI
: Sau « Khát vọng Thăng Long » ông có những dự án nào khác ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh : Tuy là đạo diễn trong biên chế Hãng phim truyền hình Việt Nam, nhưng tôi thường làm phim do tư nhân bỏ tiền. Trong 7 phim nhựa của tôi thì có 4 bộ phim do tư nhân bỏ tiền.
Bộ phim tới của tôi cũng do một nhóm điện ảnh trẻ người Việt ở nước ngoài, muốn bỏ ra một ngân sách nào đó để tôi làm phim. Đây là dự án má tôi đang triển khai, nhưng có đi đến đích hay không là chuyện khác, vì nó không đơn giản như ta nói.

RFI: Xin cám ơn đạo diễn Lưu Trọng Ninh

25/9/11

Lạm phát ở Việt Nam chậm lại, nhưng tăng trưởng cũng giảm theo

Vật giá gia tăng, người bán dài cổ chờ người mua. Ảnh chụp tại một chợ ở Hà Nội, ngày 25/8/11.
Vật giá gia tăng, người bán dài cổ chờ người mua. Ảnh chụp tại một chợ ở Hà Nội, ngày 25/8/11.
Reuters

Thanh Phương 24/9/2011
 
Theo các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm nay 24/9, tỷ lệ lạm phát trong tháng 9 là 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức 23% của tháng 8. Đây là lần đầu tiên kể từ một năm nay, lạm phát ở Việt Nam chậm lại, sau khi đã tăng liên tục mỗi tháng kể từ tháng 8/2010.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức lạm phát trung bình của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm là 18,6%, chủ yếu là do giá thực phẩm tăng mạnh ( +25,9% ).

Trong khi đó, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng chậm lại, chỉ đạt 5,76% tính trên một năm, so với mức 6,54% cùng kỳ năm ngoái.

Trước tình trạng lạm phát phi mã, cộng thêm thâm thủng mậu dịch lên đến 12,4 tỷ đôla năm 2010 và đồng tiền sụt giá mạnh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã buộc phải tìm một mô hình phát triển khác, đồng thời thi hành nhiều biện pháp thuế khóa và tiền tệ để tìm cách kềm chế lạm phát.

Hãng tin AFP hôm nay trích lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên là một trong những cố vấn của chính phủ Hà Nội, cho rằng : « Hãy còn quá sớm để nói rằng những biện pháp chống lạm phát của chính phủ đã đạt kết quả tốt ». Theo bà Phạm Chi Lan, « Tình hình đang được cải thiện và là một xu hướng tích cực, nhưng trong những năm gần đây, giá cả thường tăng vào cuối năm. »

Ngân hàng Phát triển châu Á gần đây cho rằng Việt Nam có thể bớt chú tâm đến lạm phát, và tỷ lệ lạm phát mà ngân hàng này dự đoán là 19% vào cuối năm nay. Chỉ tiêu mà chính phủ Hà Nội đề ra cho năm nay là kềm chế lạm phát ở mức khoảng 15% và tăng trưởng kinh tế 6%.

Philippines tuyên bố đạt được tiến bộ với ASEAN trên vấn đề Biển Đông

Nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Nguồn:wikipedia

Thanh Phương 24/9/2011
 
Theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Esteban Conejos, trong cuộc hội thảo hai ngày 22 và 23/9 vừa qua tại Manila, các chuyên gia pháp lý của ASEAN đã đồng ý với nhau rằng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là cơ sở để giải quyết các tranh chấp lãnh hải.

Philippines coi hội thảo của các chuyên gia pháp lý ASEAN là một nỗ lực nhằm tạo nên một mặt trận chung giữa các ASEAN để đối phó với những đòi hỏi chủ quyền « bất hợp pháp » của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông .

Cũng theo Thứ trưởng Ngoại giao Philippines, kết thúc cuộc tiếp xúc tại Manila, các đại biểu còn thông qua một kế hoạch tạm thời của Philippines nhằm làm giảm tình trạng căng thẳng, trong đó có lời kêu gọi xác định rõ các khu vực có tranh chấp.

Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia, tức là những nước ASEAN có liên quan trực tiếp tới vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, đều cử đại biểu tới dự hội thảo. Các chuyên gia luật của Indonesia, Myanmar, Singapore và Thái Lan cũng tham dự. Chỉ có Lào và Cam Bốt là không có đại diện tại hội thảo này.

Thứ trưởng Ngoại giao Philippines cho biết báo cáo của các chuyên gia pháp lý sẽ được trình lên Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN, họp tại Indonesia vào tháng tới và sau đó, sẽ được trình tiếp lên cho các Ngoại trưởng ASEAN, và cuối cùng có thể là trình lên các lãnh đạo ASEAN nhân hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 tại Bali, Indonesia, vào tháng 11/2011.

Ông Conejos cũng cho rằng Trung Quốc không nên có phản ứng tiêu cực trước sáng kiến của Philippines, vì đề xuất này là một nỗ lực nhằm tiến tới một thỏa thuận trước đó giữa ASEAN và Trung Quốc, về khả năng thiết lập một bộ quy tắc ứng xử (COC) tại các vùng có tranh chấp trên Biển Đông.

23/9/11

TNS Jim Webb đòi ngưng chương trình tìm kiếm quân nhân tử trận trong chiến tranh Việt Nam

Reuters

Thanh Phương 23/9/2011
 
Theo nhật báo The Virginian-Pilot, ngày 22/09/11, thượng nghị sĩ Jim Webb đã yêu cầu Cơ quan Viện trợ Quốc tế của Mỹ ( USAID ) ngưng thực hiện chương trình 1 triệu đôla cho đến khi nào được bảo đảm là tiền tài trợ được sử dụng để tìm thi hài của binh sĩ của cả hai bên Cộng sản và Quốc gia.

Trong bản tuyên bố, thượng nghị sĩ Jim Webb viết : « Dự án này phải bảo đảm xử lý công bằng đối với các quân nhân mất tích thuộc quân đội Bắc Việt, lực lượng Việt Cộng và quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Thế mà, theo những thông tin mà văn phòng tôi có được, các cuộc thảo luận giữa cơ quan USAID với chính phủ Việt Nam cho thấy là các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa không được tính trong số binh sĩ mất tích và như vậy là sẽ không nằm trong dự án này ». 

Ông Jim Webb, hiện là chủ tịch tiểu ban Đông Á Thái Bình Dương của Uỷ ban Ngoại giao Thượng viện Mỹ, nhắc lại : luật thông qua chương trình nói trên có ghi rõ là tiền tài trợ phải sử dụng để nhận dạng thi hài quân nhân tử trận của cả hai bên.

Các giới chức Việt Nam cho biết họ muốn nhận dạng khoảng 650.000 binh sĩ Bắc Việt và quân Việt Cộng, hiện được chôn trong các nghĩa trang hoặc còn được xem là mất tích. Nhưng theo thượng nghị sĩ Jim Webb, chính phủ Hà Nội cũng cần phải tìm thi hài những binh sĩ miền Nam từng chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ, mà hiện chưa biết con số là bao nhiêu.

Ông Jim Webb còn nhắc lại là Nghĩa trang An Bình, tức nghĩa trang quân đội Biên Hòa trước đây, hiện bị bỏ hoang phế và cần phải được tu bổ lại.

Khi được hỏi về yêu cầu của thượng nghị sĩ Jim Webb, một phát ngôn viên của cơ quan USAID khẳng định là họ sẽ « tìm kiếm và nhận dạng thi hài quân nhân của cả hai bên trong cuộc chiến, để giúp đóng lại vết thương của hàng triệu gia đình Việt Nam cho tới nay vẫn không biết về số phận của người thân bị mất tích ».

21/9/11

Internet tạo thêm sức mạnh cho các nhà bảo vệ môi trường tại Trung Quốc

Thanh Phương 21/9/2011
 
Inernet đã giúp giới bảo vệ môi trường Trung Quốc huy động công luận gây sức ép buộc chính quyền, trong vòng hơn một tháng  phải đóng cửa hai nhà máy gây ô nhiễm.


Lần thứ hai kể từ khoảng hơn 1 tháng, chính quyền Trung Quốc đã buộc phải phản ứng cấp kỳ, ra lệnh đóng cửa một nhà máy sau các cuộc biểu tình phản đối của người dân địa phương. Chính nhờ Internet, hay nói đúng hơn là các mạng xã hội, mà các nhà bảo vệ môi trường đã huy động được dân chúng, gây áp lực lên chính quyền, nhờ vậy mà đã giành thắng lợi trong một số vụ.

Vào tuần trước, hơn 500 người dân sống gần một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời tại Hải Ninh, miền đông Trung Quốc, phẫn nộ vì nạn ô nhiễm, đã biểu tình suốt ba ngày và đã xông vào đập phá cơ xưởng, khiến chính quyền buộc phải đóng cửa nhà máy này, thuộc công ty Jinko Solar, một công ty có niêm yết giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán New York.

Các kết quả phân tích cho thấy là nhà máy nói trên thải ra một khối lượng rất lớn chất fluorure, một chất rất độc hại ở hàm lượng cao. Người dân địa phương đã đòi phải giải thích lý do vì sao ở con sông kế bên có nhiều cá bị chết như thế.

Việc đóng cửa tạm thời nhà máy của Jinko Solar diễn ra ngay sau việc đóng cửa một nhà máy hóa dầu ở Đại Liên, miền đông bắc Trung Quốc, nơi mà vào giữa tháng 8 vừa qua, 12 ngàn người cũng đã biểu tình phản đối tình trạng ô nhiễm do nhà máy này gây ra.

Theo nhận định của hãng tin AFP, trong hai vụ nói trên, phản ứng của chính quyền rất là nhanh chóng, trong bối cảnh mà phong trào chống nạn ô nhiễm, ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc, đang phát triểm mạnh, gây lo ngại cho chính quyền Bắc Kinh.

AFP trích lời ông Phelim Kine, thuộc tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, cho biết: “ Người dân Trung Quốc, đặc biệt là thành phần trung lưu, ngày càng ý thức về tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khoẻ của họ. Họ không còn sẵn sàng chấp nhận một cách thụ động tình trạng hiện nay”.
Thật ra phong trào phản đối nạn ô nhiễm không phải là chuyện mới mẻ gì tại Trung Quốc, quốc gia mà tăng trưởng kinh tế quá nhanh trong 30 năm qua đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về không khí, đất đai và nguồn nước.

Nhưng nhờ các mạng xã hội mà những thông tin về các vấn đề môi trường được phổ biến rộng rãi, làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối những nhà máy gây ô nhiễm. Việc đóng cửa hai nhà máy ở Hải Ninh và Đại Liên chính là do sức mạnh ngày càng tăng của Internet tại Trung Quốc, nơi mà người dân rất hay truy cập các mạng xã hộì.

Tuy rằng người sử dụng Internet ở Trung Quốc ( được thẩm định là gần 500 triệu ) bị kiểm soát chặt chẽ, nhưng với sự bùng nổ về số lượng các trang blog, các nhà kiểm duyệt không thể ngăn chận hết những luồng thông tin.

Chính một blogger sống gần khu vực xảy ra tai nạn xe lửa cao tốc ở Ôn Châu tháng bảy vừa qua dường như là người đầu tiên tiết lộ tai nạn này. Trong những giờ và những ngày sau đó, các trang blog tràn ngập những phản hồi về tai nạn đã khiến gần 40 người chết và 200 người bị thương.

Cũng chính các blogger dường như là những người làm dấy lên các cuộc biểu tình đòi đóng cửa nhà máy hóa dầu ở Đại Liên. Còn tại Hải Ninh, khi các cuộc biểu tình nổ ra vào thứ năm tuần qua, thông tin đã lan truyền nhanh chóng trên mạng. Đến Chủ nhật, Tân Hoa Xã buộc phải đưa tin về vụ này và thứ hai, chính quyền loan báo đóng cửa nhà máy đó.

Nhưng một người đã bị bắt vì tội “phao tin đồn thất thiệt ” trên mạng, một hành động cho thấy chính quyền ngày càng quan ngại về tác động của Internet đối với phong trào chống ô nhiễm môi trường ở nước này.

Nhật Bản ủng hộ Ấn Độ thăm dò dầu khí ở Biển Đông

Thanh Phương 21/9/2011
 
Nhật Bản ủng hộ Ấn Độ thăm dò dầu khí ở Biển Đông và muốn tăng cường hợp tác giữa hải quân hai nước. Trên đây là tuyên bố của cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhân một hội thảo về đề tài “ Hai nền dân chủ trên biển: Vì một châu Á tốt đẹp hơn và an toàn hơn”, tổ chức tại New Dehli, hôm qua, 20/09/2011.

Theo lời cựu thủ tướng Abe, Nhật Bản và Ấn Độ, mà ông gọi là hai đồng minh, phải nỗ lực hết mình để bảo đảm an toàn cho các tuyến hàng hải và duy trì một châu Á ổn định. Chủ trương đẩy mạnh hợp tác giữa hải quân Ấn Độ và Nhật Bản, ông Abe cho rằng hai nước cũng cần làm việc chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ để thực hiện các mục tiêu nói trên.

Theo cựu thủ tướng Nhật, với một lực lượng hải quân sẽ có ba hàng không mẫu hạm, Ấn Độ có đủ khả năng duy trì ổn định các tuyến hàng hải và như thế sẽ làm an tâm các nước Việt Nam, Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Ông Abe cho rằng, Hoa Kỳ vẫn bảo đảm an toàn và ổn định cho các tuyến thông thương hàng hải từ thập niên 1950, nhưng cựu thủ tướng Nhật lo ngại là thế lực của Mỹ trong tương lai có thể sẽ suy giảm.

Về hợp tác giữa hải quân Nhật Bản và Ấn Độ, ông Abe tuyên bố là mỗi khi có dịp đi ngang qua khu vực Ấn Độ Dương, hải quân Nhật có thể tập trận chung với Ấn Độ và Hoa Kỳ, thậm chí Trung Quốc có thể đến quan sát các cuộc tập trận này. Nhật Bản đã từng tập trận chung với Ấn Độ vào năm 2007 ở ngoài khơi bờ biển Malabar.

Tuyên bố của cựu thủ tướng Nhật được đưa ra sau khi Trung Quốc cực lực phản đối việc Ấn Độ tham gia thăm dò dầu khí tại hai lô mà Hà Nội khẳng định là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, nhưng Bắc Kinh lại cho là thuộc chủ quyền lãnh hải của họ.

Bất chấp phản đối của Trung Quốc, chính phủ New Dehli tuyên bố sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí ở khu vực nói trên, cho rằng việc hợp tác với Việt Nam là hoàn toàn đúng theo công pháp quốc tế. Ấn Độ cũng tuyên bố ủng hộ việc tự do lưu thông trên Biển Đông và hy vọng là các bên tranh chấp sẽ tôn trọng bản Tuyên bố 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Hôm qua, đại sứ Nhật Bản tại Philippines Toshinao Urabe tại Manila đã kêu gọi các bên tranh chấp chủ quyền thông qua một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, có tính chất bó buộc hơn bản Tuyên bố hiện nay. Ông Urabe cho biết là chính phủ Tokyo sẽ đề cập vấn đề đó với tổng thống Philippines Begnino Aquino khi ông này đến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 25/9 đến 28/9.

Vào tuần trước, tổng thống Aquino tuyên bố với các phóng viên là trong chuyến viếng thăm Nhật Bản sắp tới, ông sẽ nêu lên vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh đến « lợi ích » chung với Nhật Bản trong việc bảo đảm tự do lưu thông hàng hải ở khu vực này.

20/9/11

Chuyên mục : Thấy mà ngán ngẩm 9/11

Học sinh phải bơi qua sông đến trường ( VnExpress 20/9/11 ) Biết đâu sẽ có em trở thành vô địch bơi lội quốc tế?( Nếu không bị nước cuốn trôi đi )

 

410 tỷ đồng xây tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ( VnExpress 20/9/11 ) Có ai đứng kế bên can dùm mấy ổng đi! 

 

Những giấc ngủ “vật vã” trong bệnh viện ( Dân Trí 20/9/11 ), 

 

 “Chiếu manh, chăn chiên” ở bệnh viện ( Lao Động 19/9/11 )  Một kiểu " xã hội hóa" y tế của Việt Nam?

 

  

 

Một thanh niên tố cáo bị dân phòng đánh dã man ( PL TP HCM 17/9/11 ) Chắc các chú dân phòng này đang phấn đấu lên làm công an.

 

 Tốn hàng trăm triệu USD, nước kênh vẫn đen? ( Lao Động 15/9/11 ) Đen một chút có sao đâu, nước chảy được là mừng rồi.

 

 Học sinh phải đứng để viết ( Thanh Niên 15/9/11 )   Đề nghị phụ huynh đóng góp thêm chút đỉnh.


 Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mất về tay Trung Quốc (VnExpress 14/9/11) Bao giờ cũng vậy, đợi người ta giành mất rồi mới đi kiện.

Những loại quỹ gây bức xúc đầu năm học ( Vn Express 13/9/11 ) Hậu quả của cái gọi là " xã hội hóa" giáo dục ở Việt Nam: phụ huynh đóng luôn cả tìền điện, tiền nước cho trường!

Báo động nợ trong nhiều tập đoàn nhà nước   ( Dân Trí 13/9/11 ) Báo chí mà "báo động" thì chắc là tình hình nguy ngập lắm rồi.

Rơi nước mắt trước cảnh học sinh bơi qua sông đến trường ( Dân Trí  12/9 ) Biết đâu sẽ có em trở thành vô địch bơi lội quốc tế?( Nếu không bị nước cuốn trôi đi )

17/9/11

Bất chấp phản đối của Trung Quốc, Ấn Độ vẫn thăm dò dầu khí ở Biển Đông

Tàu hải quân Ấn Độ trong một cuộc diễn tập ở vịnh Bengal.
Tàu hải quân Ấn Độ trong một cuộc diễn tập ở vịnh Bengal.
Reuters

Thanh Phương 17/9/2011
 
Ngày 15/9, báo chí Ấn Độ loan báo là Trung Quốc mới đây đã yêu cầu tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh đình chỉ dự án thăm dò hai lô dầu khí ở Biển Đông, thuộc khu vực mà Việt Nam khẳng định thuộc chủ quyền của mình, nhưng Bắc Kinh lại cho là lãnh thổ của họ. 

Hôm thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã gián tiếp cảnh cáo Ấn Độ khi tuyên bố rằng Bắc Kinh « Chống lại mọi quốc gia tiến hành thăm dò dầu khí và các hoạt động phát triển trong vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc ». 

Bất chấp những lời cảnh báo đó, trong chuyến viếng thăm Việt Nam ba ngày qua, Ngoại trưởng Ấn SM Krishna đã nói với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh rằng tập đoàn ONGC Videsh sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí ở hai Lô 127, 128, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo nhật báo Ấn Độ Times of India số ra ngày hôm nay, các nguồn tin chính phủ cho biết là phía Việt Nam « Hoàn toàn ủng hộ Ngoại trưởng Krishna khi ông nhấn mạnh là bất chấp phản đối của Trung Quốc, Ấn Độ sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí trong khu vực Biển Đông ». Hai bên đã nhất trí là việc tiếp tục thăm dò dầu khí tại hai lô nói trên không hề vi phạm luật quốc tế. Thậm chí, cuộc họp ngày hôm qua giữa hai Ngoại trưởng Việt - Ấn mở đường cho việc mở rộng thăm dò dầu khí của tập đoàn ONGC Videsh ở Biển Đông.

Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cũng đã tuyên bố rằng « Các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, trong đó có các dự án hợp tác tại Lô 127, 128, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam .... ». Theo ông Nghị, việc Trung Quốc phản đối sự hợp tác đó là « Hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và vô giá trị ».

Quyết tâm của Ấn Độ tiếp tục thăm dò dầu khí trên Biển Đông và sự ủng hộ của Hà Nội đối với New Delhi đã khiến Bắc Kinh giận dữ. Tờ nhật báo China Daily số ra ngày hôm nay đã cảnh báo là nếu Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông, việc này sẽ khiến tình hình ở khu vực này căng thẳng trở lại. Quan hệ giữa hai nước với Trung Quốc cũng sẽ bị tác hại.

Tờ báo này dọa : « Cả hai nước nên biết rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước trong mọi vấn đề liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ. Bắc Kinh quyết tâm bảo vệ chủ quyền không thể tranh cãi trên Biển Đông ».
Nhắn gởi riêng đến Việt Nam, tờ China Daily viết rằng : « Hà Nội phải thực hiện những cam kết đã đưa ra ở cấp song phương và đa phương, và phải thực tâm đi theo hướng này. Mọi mưu toan của Việt Nam nhằm lôi kéo sự yểm trợ của các thế lực bên ngoài sẽ gặp sự chống đối mạnh mẽ của Trung Quốc và khiến cho việc giải quyết tranh chấp thêm khó khăn ».

Như vậy là Biển Đông đang trở thành một đấu trường mới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Cả hai cường quốc châu Á này đều đang cần tìm những nguồn tài nguyên mới để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cùng với đà phát triển kinh tế. Không chỉ có công ty ONGC Videsh, mà các công ty dầu khí tư nhân của Ấn Độ cũng đang bắt đầu tham gia thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam.

Thật ra, không chỉ có vấn đề năng lượng, mà cuộc đối đầu giữa Trung Quốc với Ấn Độ trên Biển Đông còn có ý nghĩa chiến lược. Vì thông qua quyết tâm thăm dò dầu khí ở khu vực này, cũng như qua việc tăng cường quan hệ với Hà Nội, New Delhi muốn chứng tỏ là họ không chấp nhận để Bắc Kinh cản trở chính sách « Hướng Đông » của Ấn Độ.

Người dân Việt Nam lại được kêu gọi biểu tình phản đối Trung Quốc ngày mai

Biểu tình tại Hà Nội ngày 21/8/11 phản đối hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Biểu tình tại Hà Nội ngày 21/8/11 phản đối hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Reuters

Thanh Phương 17/9/2011
 
Một nhóm có tên là Nhóm Ngày Chủ Nhật vừa cho phổ biến trên mạng một lời kêu gọi biểu tình phản đối những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Người dân Hà Nội và Sài Gòn được kêu gọi tham gia biểu tình ngày mai 18/9 tại khu vực Hồ Gươm và Công viên Quách Thị Trang.

Lời kêu gọi biểu tình này được đưa ra sau vụ Trung Quốc cử tàu cá 1.000 tấn đến Trường Sa, ngoài 500 tàu cá thường xuyên hoạt động ở khu vực này, cũng như sau vụ Bắc Kinh phản đối Ấn Độ hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam tại các lô thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo Nhóm Ngày Chủ Nhật, những hành động nói trên cho thấy là mặc dù đã có những lời hứa hẹn và tuyên bố của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc trong chuyến viếng thăm Việt Nam vừa qua, Bắc Kinh vẫn tiếp tục gây hấn, xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã phản đối những hành động nói trên của Trung Quốc, khẳng định « chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ». Theo ông Lương Thanh Nghị, « các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, trong đó có các dự án hợp tác tại Lô 127, 128, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ... Các ý kiến phản đối sự hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài tại thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và vô giá trị ».

16/9/11

Một cuộc tọa đàm về Biển Đông bị hủy bỏ theo lệnh của chính quyền

Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông
Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông

Thanh Phương 16/9/2011
 
Tọa đàm về chủ đề « Công lý và Hòa bình trên Biển Đông », tại Thành phố Hồ Chí Minh do các nhà nghiên cứu trình bày đã phải hủy bỏ do yêu cầu của Ban Tôn giao Chính phủ và Ban Dân tộc và Tôn giáo thành phố. Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình tiếc là cuộc tọa đàm không được diễn ra như dự kiến trong lúc tình hình tại Biển Đông đang căng thẳng.


Theo dự kiến, Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình phối hợp với Nhà xuất bản Trí Thức ngày 17/09/11sẽ tổ chức tại Sài Gòn một cuộc tọa đàm về chủ đề « Công lý và Hòa bình trên Biển Đông », do các nhà nghiên cứu về Biển Đông trình bày.

Nhưng hôm qua 16/09/11, Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình vừa thông báo là « Do yêu cầu của Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Dân tộc và Tôn giáo Thành phố Hồ Chí Minh », cuộc tọa đàm này phải bị hủy bỏ. Tuy nhiên, bản thông báo không nói lý do vì sao chính quyền yêu cầu hủy bỏ cuộc toạ đàm.

Bản thông báo của Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình cho biết họ lấy làm tiếc là « Một cơ hội góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông » đã bị hủy bỏ, trong bối cảnh mà tình hình trên Biển Đông ngày càng căng thẳng do những hành động gây hấn của Trung Quốc.

Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình được thành lập ngày 30/12/2006, do sáng kiến của linh mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, (nay là Giám mục Giáo phận Vinh và chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hòa bình), quy tụ một số trí thức Công giáo, gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân đang hoạt động trong các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau.

Câu lạc bộ này đã từng tổ chức một cuộc toạ đàm về Biển Đông vào tháng 7/2009, với chủ đề “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” và lần đó cũng đã bị nhiều áp lực từ phía chính quyền buộc phải thay đổi chương trình và thành phần diễn giả.

13/9/11

Kế hoạch trợ giá gạo của Thái Lan sẽ khiến giá thị trường thế giới tăng cao

Đợt gạo xuất khẩu hơn 42 nghìn tấn từ Thái Lan sang Jakarta ngày 25/1/2011.
Đợt gạo xuất khẩu hơn 42 nghìn tấn từ Thái Lan sang Jakarta ngày 25/1/2011.
Reuters

Thanh Phương 13/9/2011
 
Chính phủ mới của Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã hứa sẽ mua gạo của nông dân trong nước với giá cao hơn thị trường. Nhưng kế hoạch này có nguy cơ đẩy giá gạo trên thế giới cao hơn và làm xáo trộn thị trường.

Trong thời gian vận động tranh cử, để lôi kéo cử tri vùng nông thôn, đảng Puea Thai đã cam kết sẽ mua gạo của nông dân với giá lên tới 15 ngàn baht/tấn, tương đương với 497 đôla, trong khi giá hiện nay ở thị trường là khoảng 8 ngàn baht/tấn. Gạo sẽ được thu mua với giá này với khối lượng vô giới hạn, tức là bao nhiêu tấn Nhà nước cũng mua hết !

Phần lớn nhờ vào lời hứa hẹn nói trên mà đảng Puea Thai đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 3/7 vừa qua và bà Yingluck Shinawatra, em gái của cựu thủ tướng hiện sống lưu vong Thaksin, lên nắm quyền. Kế hoạch mua gạo với giá cao hơn thị trường trên nguyên tắc sẽ được thực hiện kể từ ngày 7/10 tới.

Vấn đề đặt ra đối với chính phủ Thái Lan bây giờ là về mặt tài chính. Theo thẩm định, chi phí để thực hiện kế hoạch mua gạo với giá cao hơn thị trường là 190 tỷ baht trong năm đầu tiên thực hiện kế hoạch này. Nhưng Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp, tức là ngân hàng được giao trách nhiệm mua gạo của nông dân, hiện chỉ có trong tay 50 tỷ baht và như vậy sẽ phải mượn thêm tiền của các ngân hàng khác. Mặt khác, cơ chế thực hiện kế hoạch này cũng chưa rõ ràng. Nhưng cho dù với bất cứ giá nào, chính phủ của bà Yingluck có vẻ quyết tâm thực hiện lời cam kết, vì sợ sẽ mất uy tín với nông dân.

Nếu như kế hoạch này sẽ có lợi cho nông dân Thái Lan, thì ngược lại nó sẽ gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Thái Lan, vì theo dự báo, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan có thể vượt qua mức 750 đôla/ tấn. Sẽ không có ai mua gạo của Thái Lan với giá cao hơn 200 đôla/tấn so với gạo của Việt Nam hay của Ấn Độ ( quốc gia mà sau ba năm ngưng xuất khẩu, nay đã quay trở lại thị trường gạo thế giới). Các cơ quan độc lập của Thái Lan cũng đã cảnh báo chính phủ về khả năng sẽ ứ đọng hàng triệu tấn gạo không người mua.

Bộ Nông nghiệp Mỹ gần đây đã thẩm định là kế hoạch mua gạo với giá cao của Thái Lan sẽ khiến khối lượng xuất khẩu gạo của nước này sụt giảm 20% xuống còn 8 triệu tấn trong năm 2012 và như vậy Thái Lan sẽ để lọt vị trí quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới vào tay Việt Nam. Do lượng gạo xuất khẩu từ Thái Lan giảm đi, giá gạo trên thị trường thế giới sẽ leo thang, gây thêm khó khăn cho dân nghèo ở những nước châu Á khác, vốn đang rất vất vả vì giá lương thực tăng cao. Theo dự báo của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo trắng 5% tấm có thể lên tới 830 đôla/tấn so với mức hiện nay là 613 đôla.

Một số chiến lược gia trong đảng Puea Thai đang đề nghị Thái Lan thành lập một liên minh với Việt Nam và các nước khác để cùng nhau ấn định giá gạo. Nhưng các nhà xuất khẩu Thái Lan cho rằng với lượng gạo sẽ ứ đọng nhiều như thế, làm sao có thể lập một liên minh như vậy được ?

Dẫu sao thì cho tới nay, chính phủ Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đề nghị của Thái Lan lập một liên minh giữa các nước xuất khẩu gạo theo kiểu OPEC. Vấn đề đặt ra bây giờ là Hà Nội sẽ đối phó ra sao khi kế hoạch của Thái Lan mua gạo giá cao bắt đầu được thực hiện ? Hay là chính phủ sẽ tiếp tục khống chế giá lúa gạo trong nước như đã làm vào năm 2008, khiến nông dân không được hưởng lợi từ việc giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao?

9/9/11

Trung Quốc gây sức ép lên Việt Nam và Philippines trên vấn đề Biển Đông

Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông
Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông
DR

Thanh Phương 9/9/2011
 
Kết thúc phiên họp lần thứ năm của Uỷ ban Chỉ đạo Hợp tác song phương Việt Nam -Trung Quốc ngày 06/09/11, hai nước cam kết sẽ tăng cường đàm phán để sớm ký kết « Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam -Trung Quốc ».

Kết quả phiên họp nói trên cần phải được đặt trong bối cảnh mà Trung Quốc đang tìm cách gây áp lực lên Việt Nam cũng như Philippines để áp đặt giải pháp của họ trên vấn đề Biển Đông.

Trước chuyến viếng thăm cấp Nhà nước của tổng thống Benigno Aquino gần đây, Tân Hoa Xã đã từng nhấn mạnh : muốn có quan hệ song phương ổn định và lành mạnh, Trung Quốc và Philippines không chỉ cần tăng cường thương mại, mà còn phải giải quyết tốt các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng Tân Hoa Xã cũng nói rõ là Bắc Kinh có chủ quyền « không thể tranh cãi được » trên các đảo ở Biển Đông và các vùng biển bao quanh, khu vực mà Trung Quốc xem là « quyền lợi cốt lõi » của họ.

Kể từ khi các giới chức Trung Quốc vào năm ngoái tuyên bố Biển Đông là « quyền lợi cốt lõi », tình hình tại khu vực này đã căng thẳng lên. Riêng căng thẳng giữa Bắc Kinh với Hà Nội lên đến tột đỉnh vào tháng 5 và tháng 6 , khi tàu hải giám của Trung Quốc gây hấn và cắt dây cáp các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những sự kiện này đã gây làn sóng phẫn nộ trong dư luận Việt Nam, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, đặc biệt là ở Hà Nội.

Nhưng sau các cuộc hội đàm cấp cao, vào tháng 6/2011, Bắc Kinh khẳng định đã đạt được đồng thuận với Hà Nội để giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông thông qua đàm phán hữu nghị và tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình.

Trong một bài viết đăng trên tờ Japan Times ngày 08/09/11, ông Michel Richardson, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng, trong nỗ lực nhằm áp đặt giải pháp về Biển Đông lên các nước Đông Nam Á, Trung Quốc đang dồn áp lực ngoại giao lên Việt Nam và Philippines, vì đây là hai quốc gia cản trở Bắc Kinh nhiều nhất trên con đường vươn ra biển phía Nam.

Theo ông Richardson, để đạt được mục tiêu đó, Bắc Kinh đang thực hiện chính sách ngoại giao « chi phiếu » ( checkbook diplomacy ) hứa giúp đỡ Việt Nam và Philippines bằng cách tăng cường mậu dịch, đầu tư vào du lịch vào hai nền kinh tế hiện đang gặp nhiều khó khăn này.

Đối với Philippines, Trung Quốc tìm cách khai thác ảnh hưởng về thương mại của cộng đồng người Philippines gốc Hoa, cũng như lay động tình cảm của tổng thống Aquino, vốn có tổ tiên là người Trung Quốc.
Trong trường hợp của Việt Nam, Bắc Kinh nhấn mạnh đến sự đồng nhất về chính trị và ý thức hệ với giới lãnh đạo Hà Nội, « vừa là đồng chí, vừa là anh em ».

Tuy nhiên, hiện chưa biết là Việt Nam và Trung Quốc sẽ đẩy nhanh đàm phán như thế nào, bởi vì bất đồng lớn nhất giữa hai nước vẫn là Bắc Kinh vẫn đòi giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở song phương, trong khi Việt Nam vẫn đòi là một số khía cạnh của vấn đề cần phải được giải quyết trên cơ sở đa phương.

Theo chuyên gia Richardson, nếu Trung Quốc thuyết phục được Việt Nam và Philippines chấp nhận cách thức của Bắc Kinh giải quyết vấn đề chủ quyền Biển Đông, thì họ sẽ thương lượng dễ dàng hơn với hai quốc gia khác cũng tranh chấp chủ quyền là Malaysia và Brunei, cũng như với Indonesia, hiện là chủ tịch luân phiên của ASEAN. Tuy Indonesia không có tranh chấp chủ quyền đảo nào trên Biển Đông, nhưng một phần vùng đặc quyền kinh tế của đảo Natuma của Indonesia bị Trung Quốc xem là thuộc lãnh thổ của họ.

Việt Nam bác bỏ tố cáo về cưỡng bức lao động trong các trại cai nghiện

HRW quan ngại về tình trạng tại các trại cai nghiện ở Việt Nam
HRW quan ngại về tình trạng tại các trại cai nghiện ở Việt Nam
Human Rights Watch

Thanh Phương 9/9/2011
 
Ngày 09/09/11,phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã bác bỏ những tố cáo của tổ chức Human Rights Watch về việc nhiều trại viên các trại cai nghiện ở miền Nam Việt Nam bị tra tấn hoặc cưỡng bức lao động.

Những cáo buộc này được đưa ra trong bản báo cáo tựa đề « Quần đảo cải tạo : lao động cưỡng bức và những lạm dụng khác trong các trại cai nghiện ở miền Nam Việt Nam », công bố ngày 07/09/11. Báo cáo ghi lại trải nghiệm của những người từng bị quản chế trong 14 trung tâm cai nghiện thuộc quyền quản lý của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, báo cáo nói trên của Human Rights Watch là « không có cơ sở, xuyên tạc thực tế công tác cai nghiện ở Việt Nam với dụng ý xấu ». Bà Nguyễn Phương Nga khẳng định là điều trị cai nghiện cho người nghiện ma tuý ở Việt Nam được thực hiện đúng « theo pháp luật » và việc cai nghiện bắt buộc là một biện pháp mang tính « nhân văn ».

Nhưng không chỉ có Human Rights Watch mà các cơ quan Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam ngày 06/09/11cũng đã yêu cầu Hà Nội xem xét lại biện pháp quản chế hành chính, tức là giam giữ bắt buộc người hành nghề mại dâm và người nghiện ma túy, đồng thời kêu gọi Hà Nội phải tôn trọng quyền của những người mà cho tới nay vẫn bị xếp là « tệ nạn xã hội ».

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay cũng bác bỏ yêu cầu nói trên của Liên hiệp quốc, khẳng định việc đưa ngươi hành nghề mại dâm và người nghiện ma túy vào các trung tâm giáo dục và trại cai nghiện là một biện pháp « mang tính nhân văn », « hiệu quả ». Theo bà Nguyễn Phương Nga, Việt Nam và Liên Hiệp Quốc đã hợp tác tích cực trong phòng chống ma túy và mại dâm, « phù hợp với những yêu cầu và đặc thù của Việt Nam ».

Hoa Kỳ chưa sẵn sàng bán vũ khí cho Việt Nam do những lo ngại về nhân quyền

Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam
Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam
Reuters

Thanh Phương 9/9/2011
 
Theo hãng tin AFP, ngày 09/09/11 trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức đại sứ Mỹ tại Hà Nội, ông David Shear tuyên bố : « Chúng ta vẫn còn trong giai đoạn đầu của tiến trình thiết lập mối quan hệ quốc phòng vững chắc và còn phải vượt qua một đoạn đường dài trước khi Hoa Kỳ lấy quyết định bán vũ khí cho Việt Nam ».

Theo ông David Shear, để Mỹ có thể bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, cần phải giải quyết nhiều chuyện, đặc biệt là về mặt nhân quyền. Hiện giờ Hoa Kỳ có thể bán các thiết bị quân sự không sát thương theo từng trường hợp.

Đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ nhấn mạnh là quan hệ quốc phòng song phương Mỹ-Việt đã được cải thiện đáng kể từ hai năm qua. Ông nhắc lại là nhiều chiến hạm của Mỹ đã ghé thăm các bến cảng Việt Nam và hai nước đã mở đối thoại cấp cao về quốc phòng đầu tiên vào năm 2010.

Việt Nam hướng ngày càng nhiều về phía Hoa Kỳ để cân bằng chính sách ngoại giao và tìm đối trọng với tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Sau khi tái lập bang giao vào năm 1995, Ha Nội và Washington đã gia tăng các chương trình hợp tác, kể cả về mặt quân sự, tuy rằng ở cả hai bên, ban đầu đều có những người còn ngần ngại.

Về mặt tôn giáo, đại sứ David Shear đã khen ngợi những cải thiện về tự do tín ngưỡng ở Việt Nam, ông muốn nói đến trường hợp của nhiều hội thánh Tin lành. Nhưng trong khí đó, đại sứ Mỹ quan ngại về « một số xu hướng tiêu cực », như về mặt tự do ngôn luận và kiểm soát Internet.

7/9/11

Việt Nam bị tố cáo tra tấn, cưỡng bức lao động trong các trại cai nghiện

Ban đêm, những người cai nghiện đều bị nhốt lại trong phòng ngủ có chấn song sắt kiên cố. © 2011 Private
Ban đêm, những người cai nghiện đều bị nhốt lại trong phòng ngủ có chấn song sắt kiên cố. © 2011 Private
Human Rights Watch

Thanh Phương 7/9/2011
 
Trong báo cáo “Quần đảo cai nghiện : Cưỡng bức lao động và những lạm dụng khác trong các trung tâm cai nghiện ở miền Nam Việt Nam”, công bố hôm nay 07/09/2011, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch đã tố cáo tình trạng tra tấn và cưỡng bức lao động trong các trung tâm cai nghiện ở Việt Nam. Theo HRW, trên nguyên tắc, đây là những nơi có chức năng “ chữa trị “ và “cai nghiện” ma túy, nhưng trong thực tế, các trung tâm này chẳng khác gì trại lao động cưỡng bức.

Hôm nay, tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch vừa công bố một báo cáo về việc các trung tâm cai nghiện ở Việt Nam tra tấn và cưỡng bức lao động các trại viên. Theo Human Rights Watch, những trung tâm do chính quyền quản lý có chức năng “ chữa trị “ và “cai nghiện” ma túy, nhưng thật ra chẳng hơn gì các trại lao động cưỡng bức, nơi mà các trại viên phải làm việc 6 ngày trên 7, với các công việc như: chế biến hạt điều, sản xuất hàng may mặc hay các hàng hóa khác.

Báo cáo có tựa đề “Quần đảo cai nghiện: Cưỡng bức lao động và những lạm dụng khác trong các trung tâm cai nghiện ở miền Nam Việt Nam”, ghi lại trải nghiệm của những người từng bị quản chế trong 14 trung tâm cai nghiện thuộc quyền quản lý của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Những người nào từ chối lao động hoặc không tuân thủ nội quy trại đều bị kỷ luật và trong một số trường hợp, bị tra tấn.

Giám đốc đặc trách Y tế và Nhân quyền của Human Rights Watch Joe Amon tuyên bố : “Hàng chục ngàn người, nam, nữ và trẻ em bị giam giữ trái với ý muốn của họ trong các trung tâm cưỡng bức lao động. Đó không phải là điều trị cai nghiện, cần đóng cửa những trung tâm này và trả tự do cho những người đó”.

Theo bản báo cáo, các cựu trại viên cho biết họ bị đưa vào trung tâm mà không qua một quy trình tư pháp nào và cũng không được tiếp xúc với luật sư hoặc thẩm phán. Nhiều trại viên làm việc không công suốt nhiều năm Những người khác thì được trả lương thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu theo luật định ở Việt Nam.

Theo Human Rights Watch, sự hỗ trợ của các nhà tài trợ cho những trung tâm cai nghiện và cho Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội Việt Nam, cơ quan chủ quản các trung tâm này, có thể có tác động ngược lại, vì tạo điều kiện cho chính phủ tiếp tục giam giữ những người nghiện bị nhiễm HIV. Theo luật pháp Việt Nam, những người bị quản chế nhiễm HIV phải được phóng thích nếu trung tâm cai nghiện không có đủ điều kiện chữa trị, chăm sóc cho họ.

Các cơ quan Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam hôm qua cũng đã vừa yêu cầu Việt Nam khẩn cấp sửa đổi các nguyên tắc về việc giam giữ bắt buộc gái mại dâm và người nghiện ma túy, đồng thời kêu gọi Hà Nội phải tôn trọng quyền của những người mà cho tới nay vẫn bị xếp là “tệ nạn xã hội”.

Theo các số liệu chính thức, ở Việt Nam hiện có khoảng 150.000 người nghiện ma túy và 30.000 gái mãi dâm. Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng, tỷ lệ tái phạm rất cao nơi những người hành nghề mãi dâm bị giam, rồi được thả ra.

Theo Liên Hiệp Quốc, “những trung tâm giam giữ gái mãi dâm và người nghiện ma tuý không chữa trị được gì và không cai nghiện được ai, cho nên Liên Hiệp Quốc không ủng hộ những trung tâm đó”.

6/9/11

Một nhóm nhân sĩ kiện đài phát thanh và truyền hình Hà Nội

Những người biểu tình phản đối Trung Quốc  bị xem là "những tấm bia che chắn cho các thế lực thù địch (DR)
Những người biểu tình phản đối Trung Quốc bị xem là "những tấm bia che chắn cho các thế lực thù địch (DR)

Thanh Phương 6/9/2011
 
Trong lá đơn đề ngày 5/9/2011 gởi Tòa án Nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội, 10 nhân sĩ trí thức đã kiện Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội. Đứng nguyên đơn là các nhà trí thức Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Văn Khải, Ngô Đức Thọ, Vũ Ngọc Tiến, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang A, Lê Dũng, Nguyễn Đăng Quang và Nguyễn Xuân Diện.


Theo lá đơn kiện này, hai buổi phát sóng ngày 21 và 22/8 của Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội đã có những nội dung « vu khống, xuyên tạc, xúc phạm », những người biểu tình phản đối Trung Quốc, trong đó có các vị nhân sĩ nói trên. 

Cụ thể, những người biểu tình bị xem là những « tấm bia che chắn cho các thế lực thù địch phản động » hoặc là những người « bị các thế lực phản động trong nước và ngoài nước kích động », thậm chí bị coi là « chà đạp lên tình cảm yêu nước chân chính của người dân thủ đô ». Kèm theo các lời bình nói trên là bức ảnh minh học chụp các ông Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi và Nguyễn Văn Khải. Theo các nhân sĩ trí thức đứng nguyên đơn, như vậy là Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội đã vi phạm Luật báo chí và Bộ Luật dân sự Việt Nam. 

Trong đơn kiện, các nhân sĩ trí thức nhắc lại là ngày 26/8 họ đã yêu cầu Đài PT-TH Hà Nội đăng phát biểu của họ về những nội dung nói trên, cũng như xin lỗi và cải chính, nhưng đài này đã không thực hiện yêu cầu đó. Cho nên, họ làm đơn kiện này để yêu cầu xử lý về mặt pháp luật Đài PT-TH Hà Nội và nhóm phóng viên liên quan, dựa trên Luật báo chí và Bộ Luật dân sự Việt Nam. 

Về phần ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng vừa cho công bố một bức thư ngỏ đề ngày hôm nay, 6/9/2011 gởi các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam để chất vấn về hai việc : Thứ nhất là việc bắt bớ, đàn áp những người biểu tình phản đối Trung Quốc, bôi xấu, chụp mũ họ là « phản động ». Thứ hai là việc thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh gần đây đã cam kết với Trung Quốc sẽ « kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam ». 

Trong thư ngỏ, ông Lê Hiếu Đằng đặt câu hỏi là hai sự việc nói trên có phải là chủ trương của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam hay không ? Nếu không thì phải có biện pháp để xử lý những người đã lạm quyền, có những hành động và tuyên bố như trên. 

Việc ngăn chận các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra trước chuyến viếng thăm Việt Nam của Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, bắt đầu hôm qua và kéo dài đến ngày 9/9. Theo Tân Hoa Xã, trong chuyến viếng thăm lần này, ông Đới Bỉnh Quốc sẽ đồng chủ trì cuộc họp lần thứ năm của Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc cùng với Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Chuyến viếng thăm của ông Đới Bỉnh Quốc diễn ra trong bối cảnh giữa hai nước còn căng thẳng do vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã hôm qua, đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, Nguyễn Văn Thơ khẳng định là quan hệ Việt- Trung vẫn "nồng ấm". 

Về tôn giáo, trong chuyến đi Việt Nam lần thứ ba, đại diện không thường trú của Giáo hoàng, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli đã lần đầu tiên đến thăm Tổng giáo phận Huế và Giáo tỉnh Huế. Đức cha Girelli đã đặt chân đến sân bay Phú Bài, Huế ngày 3/9 và đã mở chuyến thăm mục vụ ở Tổng giám phận Huế cho đến ngày Chủ nhật 4/9, trước khi đi thăm các giáo phận khác thuộc Giáo tỉnh Huế đó là Đà Nẵng, Quy Nhơn, Kon Tum, Ban Mê Thuột và Nha Trang, cho đến ngày 16/9.