19/1/12

Tư pháp Việt Nam đình chỉ điều tra vụ bà Ba Sương

(Courtesy of dddn.com.vn)
(Courtesy of dddn.com.vn)

Thanh Phương 19/1/2011
 
Theo tin từ báo chí trong nước, hôm qua, 18/01/2012, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Cần Thơ đã ra quyết định đình chỉ vụ án « lập quỹ trái phép » đối với và Trần Ngọc Sương, thường được gọi là bà Ba Sương, nguyên giám đốc Nông trường Sông Hậu. Bốn bị can khác trong vụ án này cũng được đình chỉ điều tra.


Nông trường Sông Hậu, mà ban đầu hoạt động theo quy chế một nông trường quốc danh, đã được thành lập từ đầu năm 1979. Trong quá trình hoạt động, bà Ba Sương bị cho là đã « lập quỹ trái phép » trên 8,7 tỷ đồng và đã dùng số tiền này đề mua nhà, quà sinh nhật, quà công tác, quà biếu... trên 8,6 tỷ đồng, tức là bị coi đã có « hành vi phạm tội lập quỹ trái phép gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với số tiền đặc biệt lớn ».

Vụ án bà Ba Sương đã gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam, nhất là khi tòa án tỉnh Cần Thơ vào năm 2009 tuyên án bà 8 năm tù, mặc dù cựu giám đốc Nông trường Sông Hậu vẫn khẳng định mình vô tội. Nhiều luật sư, nhiều cơ quan báo chí và dư luận xã hội nói chung đã bênh vực, minh oan cho bà. Tháng 8 năm ngoái, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có công văn gởi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị đình chỉ vụ án.

Trong quyết định đình chỉ điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Cần Thơ vẫn cho là bà Ba Sương « lập quỹ trái phép » nhưng « xét hoàn cảnh lịch sử xảy ra sai phạm và những tình tiết giảm nhẹ, công lao đóng góp của gia đình và cá nhân bà Ba Sương », nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà.

Trả lời báo chí hôm nay, bà Ba Sương tuy vui mừng vì được đình chỉ điều tra, nhưng bà không đồng ý với lý do đình chỉ vụ án. Về phần luật sư Nguyễn Trường Thành, người bảo vệ quyền lợi cho bà Ba Sương, trả lời RFI Việt ngữ hôm nay, cho biết là với quyết định hôm qua của Viện Kiểm sát Nhân dân Cần Thơ, như vậy là vụ án cựu giám đốc Nông trường Sông Hậu đã hoàn toàn khép lại.

18/1/12

Hiệp hội Xuất bản Quốc tế ra báo cáo về vấn đề kiểm duyệt ở Việt Nam

Nhà thơ Bùi Chát thuyết trình tại hội nghị IPA năm 2008 (DR)
Nhà thơ Bùi Chát thuyết trình tại hội nghị IPA năm 2008 (DR)

Thanh Phương 18/1/2011
 
Sau khi nhận giải thưởng Tự do Xuất bản 2011 ở Buenos Aires, Achentina trở về nước ngày 30/4/2011, nhà thơ Bùi Chát đã bị công an Việt Nam câu lưu để thẩm vấn và sau đó liên tục bị sách nhiễu. Sau sự kiện này, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế IPA đã cử phái đoàn đến tại chỗ vào tháng 11 nhằm tìm hiểu về tình hình xuất bản ở Việt Nam.

Dựa trên kết quả tìm hiểu trong chuyến đi đó, hôm qua 17/01/2012, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế đã công bố một bản báo cáo về tình trạng kiểm duyệt xuất bản ở Việt Nam.

Bản báo cáo cho biết, trong thời gian ở Việt Nam, phái đoàn IPA đã gặp nhà thơ Bùi Chát hai lần. Hiện giờ, hộ chiếu, máy tính xách tay cũng như giấy chứng nhận giải thưởng của ông vẫn còn bị tịch thu. Nhà thơ vẫn thường xuyên bị công an mặc thường phục theo dõi.

Trong bản báo cáo, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế ghi nhận rằng, ở Việt Nam, do hệ thống xuất bản phức tạp của Nhà nước, một số nhà xuất bản phải hoạt động không có giấy phép. Tiếp theo sau nhà xuất bản Giấy Vụn, ra đời cách đây 10 năm, hiện có khoảng 30 nhà xuất bản "chui" ở Việt Nam.

Cũng theo IPA, ở Việt Nam, việc kiểm duyệt sách là một quy trình rất phức tạp, không rõ ràng và rất quan liêu, trước khi và kể cả sau khi sách đã được xuất bản. Ví dụ gần đây nhất là một truyện tranh về thành ngữ Việt Nam - "Sát thủ đầu mưng mủ" - đã bị thu hồi vì nội dung và ngôn từ bị cho là xúc phạm.

Cũng theo báo cáo của IPA, các nhà xuất bản chui là đối tượng bị thẩm vấn và bị đe doạ thường xuyên. Tuy nhiên, cho đến nay không ai chính thức bị kết án tù. Các tác giả đã phát hành qua những nhà xuất bản chui thì cũng bị theo dõi thường xuyên. Một số đang ngồi tù vì những tội danh được tạo dựng nên.

Trong bản báo cáo, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế đề nghị một lộ đồ đến tự do xuất bản ở Việt Nam, mà trước hết là chính quyền phải trả vô điều kiện và ngay lập tức hộ chiếu cho Bùi Chát, cũng như giấy chứng nhận giải thưởng và máy tính xách tay của ông.

Thứ hai, IPA kêu gọi Việt Nam cấp tốc sửa đổi Luật Xuất bản năm 2004 để luật này phù hợp với Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, chẳng hạn : Chấm dứt độc quyền của Nhà nước về xuất bản, bãi bỏ Điều 10 của Luật xuất bản ( liệt kê danh sách những điều cấp kỵ trong hoạt động xuất bản, như Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phá hoại đoàn kết nhân dân ), . . .

Thứ ba, chiếu theo Nghị quyết được thông qua tại Đại hội lần thứ 28 ở Seoul vào tháng 5/2008, IPA kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho những nhà xuất bản, nhà văn, nhà báo và blogger đang bị cầm tù hoặc bị quản thúc chỉ vì đã hành xử quyền tự do ngôn luận theo quy định của Hiến pháp.

Nói chung, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế kêu gọi Việt Nam loại bỏ tất cả những hạn chế về quyền tự do xuất bản và tự do ngôn luận.

17/1/12

Ký ức Hoàng Sa dần dần được tái hiện

 
Bốn trong số các chiến hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã tham gia hải chiến Hoàng Sa 1974.
Bốn trong số các chiến hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã tham gia hải chiến Hoàng Sa 1974.
Thanh Phương 16/1/2012
 
Cách đây gần đúng 38 năm, ngày 19/01/1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc ấy thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra ác liệt. Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa chống trả anh dũng, nhưng vì tương quan lực lượng bất lợi, nên cuối cùng đã không bảo vệ được quần đảo này.

Tổng cộng 74 binh sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh, trong đó có hạm trưởng hộ tống hạm HQ-10 Ngụy Văn Thà. Nhiều binh sĩ khác bị Trung Quốc bắt làm tù binh và sau đó được trao trả cho Việt Nam Cộng Hòa, thông qua Hồng Thập Tự Anh ở Hồng Kông.

Những binh sĩ bảo vệ Hoàng Sa đó đã bỏ mình vì Tổ Quốc cách đây gần 40 năm, nhưng cho tới nay, chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vẫn chưa vinh danh họ, trong khi đây là yêu cầu của ngày càng nhiều người Việt trong và ngoài nước.

Trong một thời gian dài, vấn đề hành xử chủ quyền Hoàng Sa trong giai đoạn trước năm 1975 gần như là một đề tài cấm kỵ, cho nên cả một mảng lịch sử của quần đảo này không được ai nhắc tới. Nếu chỉ học theo các sách giáo khoa lịch sử chính thống, thế hệ trẻ bây giờ ít ai biết được Hoàng Sa đã từng được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý như thế nào, Trung Quốc đã cưỡng chiếm quần đảo này bằng những thủ đoạn gì và Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu anh dũng ra sao để bảo vệ mảnh đất này của Tổ quốc. Lý do đơn giản là Hà Nội chưa bao giờ công nhận Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia, một chính thể, mà chỉ gọi là “ngụy quyền” “chính quyền bù nhìn” hay lịch sự hơn là “chính quyền Sài Gòn”.

Mãi đến gần đây, để biện hộ cho Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 ( "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc"), ngày 20/7/2011, tờ Đại Đoàn Kết buộc phải công nhận rằng, vào thời điểm năm 1958, Hoàng Sa và Trường Sa “tạm thời thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa”, chính phủ này “đã liên tục thực thi” chủ quyền trên hai quần đảo đó và đặc biệt đã quyết liệt chống trả sự xâm lược của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.

Theo lập luận của tờ Đại Đoàn Kết, vào thời điểm đó, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền trên hai quần đảo này. Cho nên, công hàm Phạm Văn Đồng không hề tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa và cách diễn giải của phía Trung Quốc về bức công hàm là “xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý”.

Gần đây, vào cuối tháng 11, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên tuyên bố công khai là năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc ấy thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Ông Dũng nhìn nhận là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp.

Như vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa đã được thực thi liên tục và công lao đó một phần không chỉ là thuộc về những binh sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu và tử trận trên biển, mà còn thuộc về những người đã sống và làm việc trên quần đảo này từ 1956, khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tiếp nhận quyền quản lý Hoàng Sa, cho đến năm 1974 khi Trung Quốc cưỡng chiếm.

Chỉ đến gần đây, ký ức về thời kỳ đó mới bắt đầu được tái hiện. Đáng ghi nhận nhất là Tuổi Trẻ Online vào tháng 9/2009 đã đăng tải một loạt bài “Hoàng Sa, tường trình từ 35 năm sau”, ghi lại lời kể, suy tư của những người đã từng chiến đấu vì Hoàng Sa cách đây gần 40 năm.

Thật thì phải gọi là “Hoàng Sa, tường trình từ 34 năm sau”, vì tác giả Bùi Thanh, nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đã viết và đăng trên blog của ông từ đầu năm 2008. Sau khi biên soạn lại và đăng được 2 kỳ, báo Tuổi Trẻ cáo lỗi độc giả vì không thể đăng tiếp kỳ sau, nhưng không nói rõ lý do. Sau đó, một số trang mạng đăng tiếp hai kỳ còn lại đã được công bố trên blog của nhà báo Bùi Thanh.

Ngày 9/1 vừa qua, một tập “Kỷ yếu Hoàng Sa” vừa được ra mắt độc giả tại Viện Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên có một tài liệu ghi lại lời kể của những nhân chứng từng sống, làm việc ở Hoàng Sa hoặc đã tham gia chiến đấu khi quần đảo này bị Trung Quốc chiếm đoạt bằng vũ lực. Một cử chỉ đáng ghi nhận của chính quyền huyện đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng, nhưng quá muộn màng, vì nhiều nhân chứng lịch sử khác đã không còn trên cõi đời để được an ủi phần nào qua cuốn kỷ yếu này. Một số trích đoạn của “Kỷ yếu Hoàng Sa” đã được tờ Tuổi Trẻ Online bắt đầu đăng tải từ hôm qua.

Nhân đây, chúng tôi xin mời quý vị nghe phần phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Nhã, một người vẫn dồn rất nhiều tâm trí cho việc nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa nói riêng và về Biển Đông nói chung:

RFI: Thưa tiến sĩ Nguyễn Nhã, với tư cách là nhà nghiên cứu về Hoàng Sa nói riêng và Biển Đông nói chung, theo ông biết thì gần đây ở Việt Nam đã có những tư liệu, những nghiên cứu mới về Hoàng Sa?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Tôi có thể xem năm 1975 là một cái mốc quan trọng, khi có Tập san Sử Địa, số đặc biệt về Hoàng Sa. Đến năm 2003, khi làm luận án tiến sĩ về quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa - Trường Sa, tôi đã tổng kết một giai đoạn dài nghiên cứu về Hoàng Sa.

Sau đó đã có rất nhiều tài liệu được phát hiện và theo tôi, một trong những cái quan trọng là phát hiện chính sử thời Lê Trịnh, tức là Đại Việt Sử Ký Tục Biên, với những thông tin về đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải. Gần đây, có nhiều văn bản các chính quyền địa phương cho biết việc thực thi chủ quyền như là ở Quảng Ngãi hay Huế. Chủ yếu là nói đến những hoạt động của thủy quân, nhưng với sự hỗ trợ của những người ở Bình Định hay Quảng Ngãi, tức là dân binh, những người đã đi Hoàng Sa rất nhiều. Tức là ngư dân trước đây họ đi ( Hoàng Sa ) rành hơn là thủy quân, cho nên họ phải nhờ đến những người như là đà công, tức là những người lái tàu, thuyền, quen đi biển. Có khá nhiều văn bản về điều này đã được tìm thấy, như ở Quảng Ngãi vừa rồi.

Ngoài ra, gần đây có rất nhiều những tài liệu của phương Tây, trong đó có cả các bản đồ, được lưu trữ ở các nước đó. Trang mạng hoangsa.org đã lưu trữ khá nhiều những tài liệu đó. Theo những tài liệu phương Tây, vào năm 1816, Hoàng Sa chính thức thuộc về Cochinchine, tức là Đàng Trong. Tôi thấy ngày càng có nhiều tài liệu như thế, nhưng những chi tiết thật là mới thì không có nhiều. Tất cả đều chứng minh cho sự thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.

RFI: Tuy không có những tài liệu thật sự mới, nhưng những tài liệu về Hoàng Sa có vẻ như bắt đầu được hệ thống hóa lại ở Việt Nam để mọi người dễ tiếp cận hơn, chẳng hạn như cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa” vừa được phát hành. Ông nhận định thế nào về nội dung cuốn kỷ yếu này?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Trước đây, người ta đã trưng bày những hình ảnh tài liệu ở số 132 Yên Bái, Đà Nẵng, trụ sở Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa. Vừa rồi người ta công bố chính thức cuốn kỷ yếu đó. Nội dung mới của cuốn này là lời kể của những nhân chứng về những hoạt động làm việc ở Hoàng Sa. Suốt từ thập niên 50 đến 70, có rất nhiều nhân viên làm việc ở đó, dưới các thời Pháp thuộc, thời Bảo Đại, rồi đến thời Việt Nam Cộng Hòa.

Trong một thời gian dài người ta đã thu thập lời kể của những nhân chứng còn sống, qua đó thể hiện Việt Nam đã quản lý như thế nào, nhân viên đã làm việc như thế nào ở Hoàng Sa. Liên quan đến khí tượng thủy văn thì hiện còn rất nhiều tài liệu ở các thư viện hiện nay về hoạt động của Đài Khí tượng Hoàng Sa trước đây.

RFI: Vài ngày nữa là đến dịp kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Theo ông thấy thì gần đây chính quyền đã có những hành động gì để phần nào ghi nhận công lao của những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống khi chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Về sự kiện 1974, cụ thể là hai ngày 19 và 20/01/1974 khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa, ngay từ khi làm luận án tiến sĩ về quá trình xác lập chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa, tôi đã đề nghị phải vinh danh liệt sĩ cho tất cả những ai hy sinh tại Hoàng Sa. Gần đây, báo Đại Đoàn Kết và một số viên chức cũng đã đề cập đến vấn đề đó.

RFI: Gần đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã lần đầu tiên công khai lên án Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa trước đây. Đây có phải là một bước tiến trong lập trường của Việt Nam liên quan đến Hoàng Sa, tức là thừa nhận chính thể Việt Nam Cộng Hòa, chính quyền đã quản lý Hoàng Sa cho đến năm 1975?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Theo tôi, chính trị khác với học thuật, sử học. Sự thật chỉ có một, lịch sử chỉ có một mà thôi. Nhưng về ngoại giao, khi nào đề cập đến thì phải có thời điểm, thời cơ nào đó. Vừa rồi, chúng ta đã có một thời cơ để chính quyền nói rõ hơn. Khi mà đã thừa nhận chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa - Trường Sa, thì không sớm thì muộn cũng phải lên án việc một quốc gia khác dùng vũ lực để chiếm đoạt chủ quyền của Việt Nam. Mà khi đã khẳng định chủ quyền của mình thì phải tìm cách lấy lại.

Hoàng Sa là một vấn đề rất lâu dài. Nhưng tôi vẫn thường nói rằng, Việt Nam đã từng bị 1.000 năm Bắc thuộc, nếu phải chờ đến 1.000 năm thì có thể kiên trì đến thành công. Giáo sư Trần Văn Giàu đã nói rằng thời này là thời điện tử. Tôi cũng tin như vậy. Nhưng lịch sử thì không thể nào biết trước được. Chắc chắn chúng ta sẽ thành công trong việc lấy lại Hoàng Sa, nhưng không biết là khi nào thôi.

RFI: Xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Nhã.

Ngoại trưởng Pháp tuyên bố châu Âu sẽ đáp lại những cải tổ ở Miến Điện

Lãnh đạo đối lập  Miến Điện Aung San Suu Kyi (phải) và Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé gặp các nhà báo ở Rangoon, ngày 15/01/2012
Lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi (phải) và Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé gặp các nhà báo ở Rangoon, ngày 15/01/2012
REUTERS

Thanh Phương 15/1/2012
 
Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé đã tuyên bố như trên sau cuộc gặp gỡ đầu tiên với nhà đối lập Aung San Suu Kyi hôm nay, 15/01/2012,  tại Rangoon. Ông Juppé nói : « Cũng như những thành viên khác của cộng đồng quốc tế, chúng tôi rất quan tâm theo dõi những dấu hiệu tích cực của tổng thống Thein Sein. Pháp và Liên Hiệp Châu Âu sẽ đáp lại tích cực và cụ thể những cử chỉ có ý nghĩa đó ».

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp không nói rõ là châu Âu có sẽ bãi bỏ những biện pháp trừng phạt Miến Điện hay không.

Vào tháng tư năm ngoái, Liên Hiệp Châu Âu đã giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Miến Điện và đầu tháng này loan báo sắp mở một văn phòng đại diện ở Miến Điện.

Trong những tháng qua, chính quyền « dân sự » Miến Điện đã thực hiện nhiều cải tổ quan trọng và nhiều biện pháp theo hướng dân chủ hóa, đặc biệt là đã cho phép bà Aung San Suu Kyi trở lại chính trường.

Gần đây nhất, thứ sáu vừa qua, chính quyền Miến Điện đã phóng thích khoảng 300 tù chính trị, trong có có các lãnh đạo cuộc nổi dậy năm 1988 và phong trào biểu tình do các nhà sư chủ xướng vào năm 2007, bị dìm trong biển máu.

Biện pháp mới này đã được phương Tây hoan nghênh. Riêng Hoa Kỳ đã tuyên bố sẳn sàng trao đổi đại sứ với Miến Điện, nhưng cũng chưa nói đến khả năng bãi bỏ những trừng phạt đối với nước này.

Nhà đối lập Aung San Suu Kyi, hôm nay, cũng đã hoan nghênh những cải tổ mới nhất ở Miến Điện. Phát biểu bằng tiếng Pháp sau khi gặp Ngoại trưởng Alain Juppé, bà Aung San Suu Kyi nói : « Chúng tôi hy vọng là những diễn tiến mới này sẽ tăng cường tiến trình dân chủ hóa và hoà giải dân tộc ».

Trả lời một phóng viên, nhà đối lập Miến Điện không loại trừ khả năng tham gia chính phủ nếu bà đắc cử trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung vào tháng 4 tới. Ngoại trưởng Pháp Juppé đã tỏ ý muốn cuộc bầu cử này sẽ diễn ra một cách « tự do và công bằng, vì cuộc tuyển cử trước vào tháng 11 năm ngoái đã bị phương Tây xem là « trò giả hiệu ». Ngày mai, Ngoại trưởng Pháp sẽ gặp tổng thống Thein Sein.

Như vậy, ông Juppé là Ngoại trưởng phương Tây thứ ba đến Miến Điện, sau chuyến đi của hai lãnh đạo ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đầu tháng 12 và Anh William Hague đầu tháng này.

Pháp và nhiều nước khu vực đồng euro bị hạ điểm tín nhiệm

Bộ trưởng Tài chính Pháp François Baroin trả lời về sự kiện Pháp bị hạ điểm tín nhiệm 13/1/2012 (REUTERS)
Bộ trưởng Tài chính Pháp François Baroin trả lời về sự kiện Pháp bị hạ điểm tín nhiệm 13/1/2012 (REUTERS)

Thanh Phương 14/1/2012
 
Hôm qua 13/1/2012, cơ quan thẩm định tài chính quốc tế Standard and Poor’s đã thực hiện lời đe dọa đưa ra nhiều tháng qua, đó là hạ điểm tín nhiệm tài chính của Pháp, cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực đồng euro, nhưng cơ quan này đã không đụng đến nước Đức.

Trong bản thông cáo, Standard and Poor's cho rằng những biện pháp mà các lãnh đạo châu Âu thi hành trong những tuần qua « vẫn chưa đủ để giải quyết hoàn toàn các vấn đề có tính chất cơ cấu của khu vực đồng euro. »

Cho nên, hãng này đã hạ hai bậc điểm các nước Tây Ban Nha, Ý, Chypre, Bồ Đào Nha và hạ một bậc điểm các nước Pháp, Áo, Malta, Slovaquia và Slovenia. Mức điểm của những nước khác được giữ nguyên, nhưng Standard and Poor's đặt toàn bộ các quốc gia khối euro vào diện « viễn cảnh xấu », ngoại trừ Đức và Slovaquia, được xem là « có viễn cảnh ổn định ».

Bị hạ một bậc, như vậy là nước Pháp bị mất mức điểm AAA, mức điểm cao nhất mà nhờ đó cho tới nay, Pháp vẫn được vay tiền với lãi suất thấp trên các thị trường tài chính. Hiện giờ Pháp vẫn giữ được mức điểm AAA đối với hai công ty xếp hạng tín nhiệm khác là Fitch và Moody’s, nhưng bị Standard and Poor's hạ một bậc điểm, Pháp sẽ vay tiền với lãi suất cao hơn, trong bối cảnh mà năm nay, Paris sẽ phát hành 178 tỷ euro trái phiếu.

Đặc biệt, việc hạ điểm nước Pháp, một trong hai đầu tàu kinh tế của châu Âu cùng với Đức, sẽ có những tác động rất mạnh trong khu vực đồng euro. Quỹ bình ổn tài chính FESF, cơ chế hỗ trợ các nước đang gặp khó khăn, trong những ngày tới cũng có nguy cơ bị mất hạng điểm AAA, khiến cho nhiệm vụ của quỹ này thêm phức tạp.

Nói chung, quyết định ngày hôm qua của Standard and Poor's khiến khủng hoảng khu vực đồng euro nghiêm trọng trở lại, nhất là vì hãng này cảnh báo là từ đây đến cuối năm 2013 có thể sẽ hạ điểm thêm nữa đối với toàn bộ các quốc gia khối euro, ngoại trừ Đức và Slovquia. Thêm vào đó, những cuộc thương lượng về nợ của Hy Lạp hiện đang gặp bế tắc, nguy cơ nước này bị phá sản vẫn còn rất lớn.

Về mặt chính trị nội bộ, việc nước Pháp bị mất điểm tín nhiệm AAA là một vố đau đốì với đương kim tổng thống Nicolas Sarkozy trong khi chỉ còn khoảng 100 ngày nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống 2012. Ông Sarkozy và cánh hữu vẫn đặt ra mục tiêu bảo vệ mức điểm này bằng mọi giá, và qua đó biện minh cho những kế hoạch thắt lưng buộc bụng để cắt giảm nợ công.

Hôm qua 13/1/2012, bộ trưởng Kinh tế François Baroin đã cố giảm nhẹ tầm mức của việc nước Pháp bị hạ điểm, cho rằng « đây không phải là một tin tốt », nhưng cũng không phải là « một thảm hoạ ». Nhưng toàn bộ các đối thủ trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới đều chỉ trích « thất bạì » của ông Sarkozy. Riêng ứng cử viên của Đảng Xã hội, François Hollande, hôm nay tuyên bố rằng, không phải là nước Pháp, mà là chính sách tổng thống Sarkozy đã bị hạ điểm.

Miến Điện bắt đầu gặt hái kết quả từ những cải tổ dân chủ

Blogger kiêm nhà báo Nay Phone (giữa) nằm trong số các tù chính trị được ân xá hôm 13/1/2012 (REUTERS)
Blogger kiêm nhà báo Nay Phone (giữa) nằm trong số các tù chính trị được ân xá hôm 13/1/2012 (REUTERS)

Thanh Phương 14/1/2012
 
Trung thành với chính sách « có qua thì có lại », Hoa Kỳ hôm qua 13/1/2012 tuyên bố sẵn sàng tái lập hoàn toàn bang giao với Miến Điện sau khi chính quyền nước này trả tự do cho hàng trăm tù chính trị. Đối với Washington, quyết định ân xá các tù chính trị là một bước tiến quan trọng cho tiến trình chuyển đổi dân chủ và hoà giải dân tộc ở Miến Điện.

Hôm nay 14/1/2012, một bộ trưởng Miến Điện cho biết trong đợt ân xá hôm qua, có khoảng 300 tù chính trị được trả tự do, tuy rằng đối với chính quyền, những người đó không phải đã bị giam vì lý do chính trị. Việc phóng thích các tù nhân chính trị là điều mà phương Tây vẫn liên tục yêu cầu Miến Điện thực hiện để chứng tỏ thực tâm cải tổ dân chủ chính quyền « dân sự ».

Cho nên, hôm qua 13/1/2012, quyết định ân xá của tổng thống Thein Sein ngay lập tức đã được tổng thống Barack Obama hoan nghênh, xem đây là « một bước tiến quan trọng cho tiến trình chuyển đổi dân chủ và hoà giải dân tộc ở Miến Điện ».

Chính ông Obama là người mà từ năm 2009 đã đề ra chính sách « chìa bàn tay ra » để cắt đứt với chiến lược cô lập Miến Điện, lúc ấy còn nằm dưới sự lãnh đạo của một chế độ quân sự. Washington nhận thấy chiến lược cô lập này đã không mang lại kết quả mong muốn, mà trái lại càng đẩy Miến Điện, một quốc gia rất giàu tài nguyên thiên nhiên, vào vòng tay của Trung Quốc.

Vào tháng 11 năm ngoái, tổng thống Mỹ đã từng tuyên bố rằng « sau những năm tháng đen tối, từ nhiều tuần qua, chúng ta nhìn thấy ánh sáng le lói của tiến bộ.»

Hôm qua, ông Obama nói rằng « ánh sáng le lói ấy đã sáng hơn một chút ». Tổng thống Hoa Kỳ cho biết ông yêu cầu Ngoại trưởng Hillary Clinton có những biện pháp để « nắm lấy cơ hội lịch sử và đầy hy vọng này ».
Ngay sau đó, bà Clinton thông báo là Washington sẽ tiến hành trao đổi đại sứ với Miến Điện. Như vậy, bà sẽ thực hiện đúng lời hứa đã đưa ra vào cuối năm ngoái trong chuyến viếng thăm lịch sử ở nước này, tức là « đáp lại mỗi hành động của chính quyền Miến Điện bằng một hành động ».

Hiện giờ, hai nước vẫn có quan hệ ngoại giao, nhưng từ năm 1990 Hoa Kỳ chỉ duy trì một đại diện ở Miến Điện, tức là thấp hơn một bậc so với đại sứ. Với việc nâng cấp đại diện lên hàng đại sứ, như vậy là Mỹ sẽ tái lập hoàn toàn bang giao với Miến Điện.

Tuy nhiên, cả tổng thống Obama lẫn Ngoại trưởng Clinton đều chưa đề cập đến khả năng bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với chế độ Miến Điện. Các biện pháp này bao gồm việc cấm đầu tư của Mỹ vào Miến Điện, cấm nhập vào Hoa Kỳ những hàng hóa từ Miến Điện, kể cả đá quý, hạn chế việc cấp visa nhập cảnh cho các thành viên chính phủ Miến Điện.

Ngoại trưởng Clinton đã báo trước là tiến trình xích lại gần nhau giữa hai nước sẽ là « một tiến trình rất dài » và tùy thuộc vào những cải tổ của chính phủ Miến Điện. Về phần tổng thống Obama, hôm qua, đã kêu gọi chính quyền Miến Điện bảo đảm cho những tù chính trị vừa được phóng thích và tất cả những người khác được tự do tham gia vào tiến trình chính trị, cũng như thả những tù chính trị còn lại.

Không chỉ trả tự do cho tù chính trị, chính quyền Miến Điện hôm thứ năm vừa qua còn đã ký thỏa thuận ngưng bắn với lực lượng phiến quân Karen, trong nỗ lực hòa giải với các nhóm sắc tộc. Chính quyền Miến Điện cũng đã có những tỏ thái độ hòa giải với phe đối lập. Vào tuần trước, một cố vấn của tổng thống Thein Sein tuyên bố là bà Aung San Suu Kyi sẽ có một « vai trò chính thức », thậm chí có thể được bổ nhiệm vào chính phủ.

Như vậy là chính phủ Miến Điện đã thực hiện gần đúng ba yêu cầu mà phương Tây đưa ra từ 20 năm nay : cho bà Aung San Suu Kyi trở lại chính trường, trả tự cho toàn bộ tù chính trị và tái lập đối thoại giữa các sắc tộc.

Tuy phương Tây vẫn còn thận trọng, nhưng rõ ràng là những cải tổ táo bạo của chính quyền tổng thống Thein Sein đã bắt đầu gặt hái kết quả, đưa nước dần dần thoát khỏi thế cô lập. Chỉ có điều, theo các chuyên gia, đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ giới lãnh đạo Miến Điện vẫn còn rất gay gắt, tuy không lộ rõ. Nguy cơ nước này quay trở lại đằng sau vẫn còn lớn.

Trung Quốc sẽ tìm cách củng cố vị thế của Kim Jong-Un

Kim Jong Un đã trở thành lãnh đạo Triều Tiên với sự sắp đạt từ trước và được Trung Quốc ủng hộ. Ảnh: Kim Jong Un thăm một nhà máy của Bắc Triều Tiên hôm 11/9/2011.
Kim Jong Un đã trở thành lãnh đạo Triều Tiên với sự sắp đạt từ trước và được Trung Quốc ủng hộ. Ảnh: Kim Jong Un thăm một nhà máy của Bắc Triều Tiên hôm 11/9/2011.
REUTERS/KCNA/Files

Thanh Phương 10/1/2012
 
Vốn đã chuẩn bị từ lâu cho việc chuyển giao quyền hành ở Bắc Triều Tiên một khi Kim Jong-Il qua đời, Trung Quốc nay sẽ tìm cách củng cố vị thế của tân lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong-Un, theo nhận định của các nhà phân tích được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay.

Cái chết ngày 17/12 của nhân vật được gọi là « Lãnh tụ kính yêu » hoàn toàn không làm Trung Quốc bất ngờ, bằng chứng là cùng với lời chia buồn « sâu sắc » gởi đến Bình Nhưỡng, Bắc Kinh đã công nhận ngay Kim Jong-Un là tân lãnh đạo, đồng thời bày tỏ mối quan tâm về sự ổn định của Bắc Triều Tiên.

Theo lời nhà phân tích Scott Bruce, thuộc Đại học San Francisco, Trung Quốc đã cùng với Bắc Triều Tiên chuẩn bị hậu sự cho cái chết của Kim Jong-Il. Những chuyến đi của Kim Jong-Il đến Trung Quốc trong ba năm qua dường như một phần là nhằm chuẩn bị cho việc kế nhiệm ông.

Chỉ trong khoảng hơn 1 năm, cho đến mùa hè 2011, ông Kim Jong-Il đã bốn lần sang Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất và cũng là nguồn cung cấp viện trợ hàng đầu cho chế độ Bình Nhưỡng. Theo ông Scott Bruce, dường như là Kim Jong-Un cũng đã gặp một phái đoàn quan chức cao cấp của Trung Quốc tại Bình Nhưỡng vào cuối năm 2010, cho thấy là Bắc Kinh từ lúc đó đã chấp thuận việc chuyển giao quyền hành cho thế hệ họ Kim thứ ba.

Chắc chắn là Trung Quốc sẽ theo dõi sát nhất cử nhất động của ban lãnh đạo mới ở Bắc Triều Tiên. Nhưng các chuyên gia dự báo là Bắc Kinh sẽ tìm cách đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn, vì Trung Quốc muốn kiểm soát chặt chẽ hơn Bắc Triều Tiên để bảo đảm là quốc gia này không sụp đổ.

Theo ông John Feffer, đồng giám đốc dự án Foreign Policy in Focus của Viện Nghiên cứu Chính sách IPS ở Washington, đối với Bắc Kinh, sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên đồng nghĩa với làn sóng người tỵ nạn ồ ạt đổ sang, với những vũ khí nguyên tử không ai kiểm soát, với rối loạn kinh tế khu vực. Chưa kể đến việc lực lượng Hoa Kỳ sẽ được triển khai trên bán đảo Triều Tiên.

Theo lời bà Valérie Niquet, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu chiến lược ở Paris, mối lo ngại chính của Trung Quốc là sự sụp đổ của một chế độ « có tầm quan trọng chiến lược rất lớn ». Nhất là vào lúc mà Hoa Kỳ đang quay trở lại khu vực châu Á và tăng cường các liên minh khu vực, đối lại những quyền lợi của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng muốn tiếp tục đóng vai trò « trung gian không thể thiếu được » trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, cũng như trong đàm phán sáu bên, mà Bắc Kinh đang muốn khởi động lại.

Cũng theo bà Valérie Niquet, Trung Quốc sẽ làm đủ mọi cách để củng cố quyền lực cho Kim Jong-Un, nhất là qua việc giúp phát triển kinh tế của một quốc gia vừa gặp nạn đói, vừa bị quốc tế trừng phạt. Trong những chuyến đi Trung Quốc cuối cùng, cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il đã đến thăm các đặc khu kinh tế và các nhà máy để học hỏi kinh nghiệm mở cửa kinh tế của đồng minh.

Theo chuyên gia John Feffer, đổi lại với việc giúp Bình Nhưỡng phục hồi kinh tế, Trung Quốc đã được hưởng những điều kiện ưu đãi trong các thoả thuận về khai thác các mỏ đồng, than và đất hiếm ở Bắc Triều Tiên, cũng như được quyền sử dụng các hải cảng ở nước này.

Nhưng theo lời một chuyên gia Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh, chính phủ nước này hiện còn rất lo ngại, bởi vì quyền lực của Kim Jong-Un chưa thật vững chắc, cho dù báo chí chính thức của Bắc Triều Tiên đã gọi ông là « tư lệnh tối cao của quân đội » và « lãnh đạo Đảng Lao Động Triều Tiên.»

Luật đất đai phải công nhận quyền sở hữu tư nhân

 
Tại Việt Nam, rất nhiều người là nạn nhân của các vụ trưng thu đất.
Tại Việt Nam, rất nhiều người là nạn nhân của các vụ trưng thu đất.
DR
Thanh Phương 9/1/2012
 
Đất nông nghiệp ngày càng sụt giảm, tranh chấp và khiếu kiện về đất đai bùng nổ, một tầng lớp đại gia hình thành nhờ đầu cơ, kinh doanh bất động sản, khoảng cách giàu nghèo càng tăng thêm. Đó là một số trong nhiều hệ quả của cái gọi là “sở hữu toàn dân” về đất đai ở Việt Nam, một khái niệm hoàn toàn trái với xu thế phát triển kinh tế theo hướng thị trường. Cho nên, ngày càng có nhiều tiếng nói yêu cầu Nhà nước phải công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai.

Là một người từng được báo chí Việt Nam ca ngợi là “Kỳ tài đất Tiên Lãng” vì đã bỏ biết bao công sức tạo dựng đất bồi ven biển để nuôi trồng thủy sản, ông Đoàn Văn Vươn, một cựu chiến binh, kỹ sư nông lâm xuất thân từ gia đình cách mạng, nay bị khởi tố vì tội “giết người”. Ngày 5/1 vừa qua, ông Đoàn Văn Vươn cùng người nhà đã dùng mìn và súng để chống trả lại lực lượng thi hành lệnh cưỡng chế thu hồi đất nuôi trồng thủy sản tại khu Cống Rộc ( xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng ), bắn bị thương bốn công an và hai bộ đội.

Dường như đây lần đầu tiên mà lực lượng an ninh bị thương vong nhiều như vậy trong một vụ cưỡng chế thu hồi đất. Nhưng xét kỹ hơn thì vụ xảy ra tại Hải Phòng cũng chẳng khác gì với vô số các tranh chấp đất đai ở Việt Nam hiện nay, hậu quả của một Luật Đất đai có quá nhiều điểm cần phải được cấp tốc sửa đổi.

Hiện giờ, theo quy định của Hiến pháp cũng như trong Luật Đất đai, ở Việt Nam, đất đai là “sở hữu của toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Nhưng từ lâu, nhiều chuyên gia, học giả, nhà phân tích chính trị, như ông Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội, đã chỉ ra rằng, cái gọi là sở hữu toàn dân là nguồn gốc gây ra nhiều tham nhũng, làm tăng khoảng cách giàu nghèo, làm giảm năng suất nông nghiệp và nói chung là cản trở sự phát triển của đất nước:

"Thực chất sở hữu toàn dân là gì ? Là sở hữu của Nhà nước. Mà sở hữu của Nhà nước là sở hữu của chính phủ. Mà sở hữu của chính phủ là của các quan chức. Cho nên có một thực tế là một giám đốc nhỏ như giám đốc một công ty chế biến cây trồng nông nghiệp đã biếu không 700 hectare đất công ở huyện Bến Cát, Bình Dương. Một ông giám đốc nhỏ như vậy mà có thể biếu 700 hectare đất, vậy thì những ông quan lớn hơn 5, 7 bậc có thể biếu không đến bao nhiêu hectare đất ?

Các địa chủ đỏ ngày nay không chỉ có hàng trăm, mà là hàng chục ngàn hectare đất. Chúng ta nhớ nhiều địa chủ ngày nào chưa có đến một hectare đất mà đã bị trói vào cột trường đấu, để tá điền đốt râu, rồi chết tức tưởi trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Các địa chủ đỏ ngày nay không tốn một giọt mồ hôi mà ung dung, phè phỡn quá !

Trong luật Đất đai 2003 có một thuật ngữ rất mơ hồ là « giá quyền sử dụng đất ». Điều phi lý, quái đản này cũng giống như thuật ngữ « tài sản XHCN », nhưng không hiểu vì sao vẫn tồn tại trong một văn bản Nhà nước. Đất và quyền sử dụng đất là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, cho nên không thể có khái niệm « giá quyền sử dụng đất » được.

Sở dĩ chúng ta không thừa nhận được quyền tư hữu đất đai là vì chúng ta đi theo chủ nghĩa Marx. Marx có một sai lầm cực kỳ cơ bản là chủ trương xóa bỏ tư hữu. Trong thực tế, công hữu làm nghèo đất đai đi, làm cho năng suất thấp.

Hồi cải cách ruộng đất, tuy việc cướp đất của địa chủ chia cho nông dân có những sai lầm tai hại, nhưng nó đã vô tình làm cho việc tư hữu đất đai trở nên sâu hơn. Nhờ vậy mà sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh phần nào. Sản lượng lương thực năm 1957 đạt được đến 4 triệu tấn, cao hơn sản lượng cao nhất tại miền Bắc trước Thế chiến thứ hai ( 2,4 triệu tấn ).

Nhưng oái ăm thay, niềm vui người cày có ruộng chưa được nhen nhúm bao lâu, thì Hiến pháp sửa đổi năm 1980 đã quy định đất đai là sở hữu toàn dân và theo đó, hầu hết đất đai được giao cho các HTX nông nghiệp.

Kể từ khi chính sách này được thực thi từ năm 1976 đến năm 1980, năng suất lúa đã giảm từ 2,23 tấn/hectare xuống chỉ còn 2,08 tấn/hectare. Đảng phải nhìn thẳng vào sự thực đó và thấy được rằng việc tư hữu hóa đất đai là cần thiết, không chỉ để tránh khiếu kiện, tránh phân hóa giàu nghèo cao hơn và còn làm cho năng suất nông nghiệp tăng thêm."

Đáng nói hơn hết là Điều 23 Hiến pháp 1992 quy định “trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường”, nhưng Điều 38 Luật Đất đai ngoài quy định đó còn bổ sung thêm “lợi ích công cộng, phát triển kinh tế”! Tức là điều khoản này hoàn toàn vi hiến. Hơn nữa, “phát triển kinh tế” là một khái niệm rất rộng, có thể diễn giải như thế nào cũng được, bởi vì xây sân golf cũng có thể được hiểu là “phát triển du lịch”, có nghĩa là phát triển kinh tế. Chính vì có thể thu hồi đất một cách vô tội vạ như thế, cho nên đây lại càng là cơ hội tham nhũng cho một số quan chức và nguyên nhân gây bất ổn xã hội.

Trong những năm gần đây, trong số các tranh chấp nhà đất ở Việt Nam , có không ít vụ liên quan đến tài sản của các tôn giáo, đặc biệt là của Giáo hội Công giáo. Ngay từ năm 2008, trong văn kiện “QUAN ĐIỂM CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY”, công bố ngày 27/9, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã từng nêu rõ :” Luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển trong đời sống xã hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân.

Trong văn kiện đó, Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắc lại rằng Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định: "Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác … và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán" . Cho nên, các vị giám mục đề nghị là “thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ".

Vấn đề sở hữu đất đai đã được đưa ra bàn cãi ngày càng nhiều trong bối cảnh mà theo dự kiến, vào năm 2013 Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Đất Đai 2003. Tại hội thảo Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Đất đai 2003 và Luật Kinh doanh bất động sản tại Hà Nội ngày 21-9, được tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tường thuật ngày 22/09/2011, các chuyên gia đã kiến nghị thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai và hướng đến đa dạng hóa sở hữu đất đai.

Phân tích về vấn đề sở hữu đất đai, đại diện nhóm nghiên cứu, TS Trần Quang Huy, Trưởng bộ môn Đất đai (khoa Pháp luật kinh tế ĐH Luật Hà Nội), cho rằng cần làm rõ khái niệm “sở hữu toàn dân” vì khái niệm này trừu tượng, không có chủ thể thực. Theo LS Huy, có thể nên nghiên cứu bỏ khái niệm “sở hữu toàn dân”, thay bằng khái niệm “sở hữu Nhà nước”.

Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hàng hải, cho rằng sở hữu “toàn dân” hay “Nhà nước” thì cũng vẫn chỉ là sách vở, chẳng có gì thay đổi cả. Trong khi lý luận và thực tế cuộc sống đòi hỏi công nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Theo LS Đức, « nếu không thừa nhận vấn đề gốc rễ căn bản đó, thì dù có sửa Luật Đất đai bao nhiêu lần nữa, cũng vẫn không thoát khỏi tù mù, nhập nhằng, bất cập. »

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Công ty Quang và cộng sự, thì đề nghị dạng hóa sở hữu đất đai như: sở hữu quốc gia do trung ương quản lý, sở hữu của chính quyền địa phương, sở hữu của cộng đồng dân cư, sở hữu của pháp nhân và sở hữu của cá nhân.

Trong cuộc hội thảo đó, luật sư Đỗ Trọng Hải, Công ty Luật Bizlink, cũng đồng tình với các ý kiến trên và nhấn mạnh: “Hầu hết các nước trên thế giới đều công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Có đa dạng hóa sở hữu thì mới tránh được những xáo trộn hiện nay và hợp với thông lệ quốc tế. Cho dù có là sở hữu gì, khi đụng đến những vấn đề về an ninh quốc gia, thì Nhà nước vẫn đương nhiên được quyền quyết định”.

Về phần ông Nguyễn Thanh Giang thì đưa một số đề nghị cụ thể để sửa đổi Luật Đất đai theo hướng công nhận quyền tư hữu đất đai:

"Tôi đã từng kiến nghị là đất phải có chủ cụ thể và thời hạn danh điền, phải được tư hữu hóa. Đấy là lẽ đời mà cha ông ta đã nhận ra và thực thi từ nghìn năm trước. Tuy vậy, tôi đề nghị là việc tự hữu hóa ruộng đất phải được tiến hành thận trọng từng bước, nhưng cần hết sức khẩn trương.

Có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia quốc tế về đất đai, đó là cấp giấy chứng nhận sở hữu cá nhân cho người sử dụng đất. Tất cả những người sử dụng đất phải nộp thuế đất hàng năm. Việc định thuế đất là dựa vào giá trị đất với những lợi thế tự nhiên, độ mầu mỡ và vị trí của nó. Giấy chứng nhận sở hữu cá nhân thì được tự do chuyển đổi, với mức phí tương ứng với việc cấp một giấy chứng nhận mới. Sẽ không có bất cứ khoản thuế dựa trên giá trị chuyển dụng nào, vì điều này làm tăng chi phí, ngăn cản sự linh động của thị trường, tạo cơ hội cho các hành vi tham nhũng và trốn thuế. Các mảnh đất chưa có chủ sẽ được đấu giá công khai, dành cho những người sẵn sàng nộp thuế cao nhất. Thông tin về mức thuế ở mỗi khu vực phải được công khai trên Internet. Tại mỗi văn phòng quản lý đất đai, bất kỳ ai muốn tranh cãi về việc định giá sẽ được yêu cầu trình đề án của mình.

Ngay trong lịch sử nước mình, cũng có thể tham khảo cách làm của ông cha xưa. Ví dụ như theo Đại Việt Sử ký toàn thư, từ năm Giáp Dần ( 254 ), vua Trần Thái Tông đã xuống chiếu bán ruộng công, mỗi mẫu là 5 quan tiền, cho dân mua làm ruộng tư. Để tạo điều kiện dễ dàng cho việc mua bán, chuyển nhượng đất đai, tháng Chạp năm 1442, vua Lý Anh Tông đã xuống chiếu, là những người tranh nhau ruộng ao, của cải không được nhờ cậy nhà quyền thế. Làm trái thì đánh 80 trượng, xử tội đồ.

Để việc trưng thư đất đai hoàn toàn thỏa đáng, năm Mậu Thân ( 248 ), vua Trần Thái Tông đã cho phép trưng thu đất để đắp đê. Nhưng quy định rằng chỗ nào đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng đất của dân, rồi đền bù theo thời giá.

Bởi vậy, tôi tha thiết đề nghị Đảng và chính phủ nhìn thấy cái nguy cấp của việc chúng ta chậm biến năm thành phần đất đai và phải sửa Luật Đất đai theo hướng thừa nhận quyền tư hữu và hợp lý. Có như vậy mới dần dần sửa được hai tệ nạn. Thứ nhất là sự phân hóa giàu nghèo quá đáng. Quá đáng đến mức mà bây giờ quan chức chỉ ký một mảnh giấy, từ đất có thể kiếm ra hàng chục, hàng trăm tỷ, nên mới có ông ngồi đánh cờ với nhau mỗi ván 5 tỷ đồng. Trong khi có những người nông dân khốn khổ đến mức mà cháu giết bà nội chỉ để lấy 400 ngàn đồng.

Tệ nạn thứ hai là quan chức tịch thu đất của dân với một cái giá rẻ như bèo, chỉ ký cho nông dân vài trăm ngìn đồng, để bán, chia chác cho nhau lấy hàng chục triệu đồng. Người nông dân oan ức đi khiếu kiện, xã không giải quyết, huyện không giải quyết. Lên trung ương thì lại bị bắt vào đồn công an và bị hành xử rất tàn nhẫn. Trong những người bị hành xử tàn nhẫn, không chỉ có nông dân bình thường, mà có cả những cựu chiến binh từng rơi xương đỗ máu, những bà mẹ anh hùng, ... Những cái đó đau lòng lắm.

Cho nên tôi thấy việc sửa lại Luật Đất đai là việc hết sức khẩn cấp và phải làm với một tinh thần cách mạng thật sự, với một tinh thần vì dân để xóa bò những tệ nạn và cũng là những nguy cấp cho Đảng này. Và chỉ có làm một luật đất đai cho đúng thì mới có thể tạo công bằng xã hội và làm cho đất đai sinh sôi nẩy nở. "

Nhưng dầu sao Luật đất đai không thể được sửa đổi theo hướng thừa nhận quyền sở hữu tư nhân đất đai, nếu Hiến pháp không được sửa đổi, mà việc sửa đổi Hiến pháp tuy đã được dự trù, nhưng không biết bao giờ mới được thực hiện.

Trước mắt, nhận thấy là những bất cập đền trong việc bù đất đai đang kềm hãm sực phát triển kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới trong tháng 12 vừa qua đã ra một báo cáo nhằm trợ giúp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai trong quá trình xây dựng Luật Đất đai mới.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, « vấn đề giá đất để tính bồi thường vẫn là vấn đề bức xúc nhất hiện nay ở các địa phương. Cho đến đầu năm 2010, nhiều địa phương cho rằng lượng khiếu nại hành chính về giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đang chiếm tới 90% tổng lượng khiếu kiện của dân.

Trên 80% ý kiến trả lời đều không hài lòng với giá đất áp dụng vào tính toán bồi thường. Do chưa có quy định cụ thể về quy trình xác định giá đất nên mỗi địa phương cấp tỉnh đưa ra cách giải quyết khác nhau. Đại đa số trường hợp đều có biểu hiện áp đặt giá đất theo quyết định hành chính, thiếu phù hợp với các quy luật của cơ chế thị trường. Chính bất cập trong đền bù dẫn tới tốc độ triển khai các dự án chậm, khiến các dự án đầu tư hạ tầng phải chịu nhiều phí tổn, làm chậm khả năng sinh lời của dự án. Khiếu kiện kéo dài gây thiếu ổn định về xã hội và giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư vào Việt Nam ».

Trong báo cáo, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và chuyên gia nghiên cứu độc lập đã đưa ra những khuyến nghị nhằm khắc phục các hạn chế của hệ thống pháp luật đất đai, đặc biệt là hệ thống định giá đất và hệ thống luật giải quyết khiếu nại đất đai.

10/1/12

Aung San Suu Kyi có thể được bổ nhiệm vào chính phủ Miến Điện

Nhà đối lập Aung San Suu Kyi đến dự một buổi trình diễn ca nhạc vì mục đích từ thiện do Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ tổ chức tại Răngun ngày 30/12/2011.
Nhà đối lập Aung San Suu Kyi đến dự một buổi trình diễn ca nhạc vì mục đích từ thiện do Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ tổ chức tại Răngun ngày 30/12/2011.
REUTERS/Soe Zeya Tun

Thanh Phương 8/1/2012
 
Một cố vấn của Tổng thống Miến Điện, ông Nay Zin Latt, vừa tuyên bố với hãng tin AFP hôm nay (8/1) là nhà đối lập Aung San Suu Kyi có thể sẽ đóng một vai trò trong chính phủ « dân sự », nếu bà đắc cử dân biểu trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung ngày 1/04 tới.


Theo lời ông Nay Zin Latt, giải Nobel Hòa bình năm 1991 có thể sẽ nắm một chức vụ « tương xứng » trong bộ máy công quyền và cũng có khả năng bà được bổ nhiệm vào chính phủ. Nhưng ông nói thêm là điều đó tùy thuộc vào mong muốn của bà Aung San Suu Kyi.

Kể từ năm 1990 đến nay, phần lớn thời gian bà Aung San Suu Kyi bị giam trong tù hoặc bị quản thúc tại gia. Nhưng quan hệ giữa bà với chính quyền Miến Điện đã thay đổi rất nhiều kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11 năm 2010 và kể từ khi bà được trả tự do một tuần sau đó.

Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đảng do bà Aung San Suu Kyi đồng sáng lập cách đây hơn 20 năm và bị giải thể năm 2010, đã được phép hoạt động trở lại và trong tuần này, nhà đối lập Miến Điện đã được chính quyền chấp thuận cho ra tranh ghế dân biểu trong cuộc bầu cử tháng Tư.

Một phát ngôn viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cho biết là bà Aung San Suu Kyi sẽ là ứng cử viên ở đơn vị bầu cử Kawhmuu, gần Rangoon. Phát ngôn viên này nói họ chưa biết là nếu đắc cử, nhà đối lập sẽ làm việc như thế nào và ở đâu, nhưng có thể bà chỉ muốn phục vụ với tư cách một nghị sĩ.

Trung Quốc sẽ tìm cách củng cố vị thế của Kim Jong-Un

Kim Jong Un đã trở thành lãnh đạo Triều Tiên với sự sắp đạt từ trước và được Trung Quốc ủng hộ. Ảnh: Kim Jong Un thăm một nhà máy của Bắc Triều Tiên hôm 11/9/2011.
Kim Jong Un đã trở thành lãnh đạo Triều Tiên với sự sắp đạt từ trước và được Trung Quốc ủng hộ. Ảnh: Kim Jong Un thăm một nhà máy của Bắc Triều Tiên hôm 11/9/2011.
REUTERS/KCNA/Files

Thanh Phương 10/1/2012
 
Vốn đã chuẩn bị từ lâu cho việc chuyển giao quyền hành ở Bắc Triều Tiên một khi Kim Jong-Il qua đời, Trung Quốc nay sẽ tìm cách củng cố vị thế của tân lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong-Un, theo nhận định của các nhà phân tích được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay.

Cái chết ngày 17/12 của nhân vật được gọi là « Lãnh tụ kính yêu » hoàn toàn không làm Trung Quốc bất ngờ, bằng chứng là cùng với lời chia buồn « sâu sắc » gởi đến Bình Nhưỡng, Bắc Kinh đã công nhận ngay Kim Jong-Un là tân lãnh đạo, đồng thời bày tỏ mối quan tâm về sự ổn định của Bắc Triều Tiên.

Theo lời nhà phân tích Scott Bruce, thuộc Đại học San Francisco, Trung Quốc đã cùng với Bắc Triều Tiên chuẩn bị hậu sự cho cái chết của Kim Jong-Il. Những chuyến đi của Kim Jong-Il đến Trung Quốc trong ba năm qua dường như một phần là nhằm chuẩn bị cho việc kế nhiệm ông.

Chỉ trong khoảng hơn 1 năm, cho đến mùa hè 2011, ông Kim Jong-Il đã bốn lần sang Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất và cũng là nguồn cung cấp viện trợ hàng đầu cho chế độ Bình Nhưỡng. Theo ông Scott Bruce, dường như là Kim Jong-Un cũng đã gặp một phái đoàn quan chức cao cấp của Trung Quốc tại Bình Nhưỡng vào cuối năm 2010, cho thấy là Bắc Kinh từ lúc đó đã chấp thuận việc chuyển giao quyền hành cho thế hệ họ Kim thứ ba.

Chắc chắn là Trung Quốc sẽ theo dõi sát nhất cử nhất động của ban lãnh đạo mới ở Bắc Triều Tiên. Nhưng các chuyên gia dự báo là Bắc Kinh sẽ tìm cách đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn, vì Trung Quốc muốn kiểm soát chặt chẽ hơn Bắc Triều Tiên để bảo đảm là quốc gia này không sụp đổ.

Theo ông John Feffer, đồng giám đốc dự án Foreign Policy in Focus của Viện Nghiên cứu Chính sách IPS ở Washington, đối với Bắc Kinh, sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên đồng nghĩa với làn sóng người tỵ nạn ồ ạt đổ sang, với những vũ khí nguyên tử không ai kiểm soát, với rối loạn kinh tế khu vực. Chưa kể đến việc lực lượng Hoa Kỳ sẽ được triển khai trên bán đảo Triều Tiên.

Theo lời bà Valérie Niquet, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu chiến lược ở Paris, mối lo ngại chính của Trung Quốc là sự sụp đổ của một chế độ « có tầm quan trọng chiến lược rất lớn ». Nhất là vào lúc mà Hoa Kỳ đang quay trở lại khu vực châu Âu và tăng cường các liên minh khu vực, đối lại những quyền lợi của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng muốn tiếp tục đóng vai trò « trung gian không thể thiếu được » trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, cũng như trong đàm phán sáu bên, mà Bắc Kinh đang muốn khởi động lại.

Cũng theo bà Valérie Niquet, Trung Quốc sẽ làm đủ mọi cách để củng cố quyền lực cho Kim Jong-Un, nhất là qua việc giúp phát triển kinh tế của một quốc gia vừa gặp nạn đói, vừa bị quốc tế trừng phạt. Trong những chuyến đi Trung Quốc cuối cùng, cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il đã đến thăm các đặc khu kinh tế và các nhà máy để học hỏi kinh nghiệm mở cửa kinh tế của đồng minh.

Theo chuyên gia John Feffer, đổi lại với việc giúp Bình Nhưỡng phục hồi kinh tế, Trung Quốc đã được hưởng những điều kiện ưu đãi trong các thoả thuận về khai thác các mỏ đồng, than và đất hiếm ở Bắc Triều Tiên, cũng như được quyền sử dụng các hải cảng ở nước này.

Nhưng theo lời một chuyên gia Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh, chính phủ nước này hiện còn rất lo ngại, bởi vì quyền lực của Kim Jong-Un chưa thật vững chắc, cho dù báo chí chính thức của Bắc Triều Tiên đã gọi ông là « tư lệnh tối cao của quân đội » và « lãnh đạo Đảng Lao Động Triều Tiên.»

Luật đất đai phải công nhận quyền sở hữu tư nhân

 
Tại Việt Nam, rất nhiều người là nạn nhân của các vụ trưng thu đất.
Tại Việt Nam, rất nhiều người là nạn nhân của các vụ trưng thu đất.
DR
Thanh Phương 9/1/2011
 
Đất nông nghiệp ngày càng sụt giảm, tranh chấp và khiếu kiện về đất đai bùng nổ, một tầng lớp đại gia hình thành nhờ đầu cơ, kinh doanh bất động sản, khoảng cách giàu nghèo càng tăng thêm. Đó là một số trong nhiều hệ quả của cái gọi là “sở hữu toàn dân” về đất đai ở Việt Nam, một khái niệm hoàn toàn trái với xu thế phát triển kinh tế theo hướng thị trường. Cho nên, ngày càng có nhiều tiếng nói yêu cầu Nhà nước phải công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai.

Là một người từng được báo chí Việt Nam ca ngợi là “Kỳ tài đất Tiên Lãng” vì đã bỏ biết bao công sức tạo dựng đất bồi ven biển để nuôi trồng thủy sản, ông Đoàn Văn Vươn, một cựu chiến binh, kỹ sư nông lâm xuất thân từ gia đình cách mạng, nay bị khởi tố vì tội “giết người”. Ngày 5/1 vừa qua, ông Đoàn Văn Vươn cùng người nhà đã dùng mìn và súng để chống trả lại lực lượng thi hành lệnh cưỡng chế thu hồi đất nuôi trồng thủy sản tại khu Cống Rộc ( xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng ), bắn bị thương bốn công an và hai bộ đội.

Dường như đây lần đầu tiên mà lực lượng an ninh bị thương vong nhiều như vậy trong một vụ cưỡng chế thu hồi đất. Nhưng xét kỹ hơn thì vụ xảy ra tại Hải Phòng cũng chẳng khác gì với vô số các tranh chấp đất đai ở Việt Nam hiện nay, hậu quả của một Luật Đất đai có quá nhiều điểm cần phải được cấp tốc sửa đổi.

Hiện giờ, theo quy định của Hiến pháp cũng như trong Luật Đất đai, ở Việt Nam, đất đai là “sở hữu của toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Nhưng từ lâu, nhiều chuyên gia, học giả, nhà phân tích chính trị, như ông Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội, đã chỉ ra rằng, cái gọi là sở hữu toàn dân là nguồn gốc gây ra nhiều tham nhũng, làm tăng khoảng cách giàu nghèo, làm giảm năng suất nông nghiệp và nói chung là cản trở sự phát triển của đất nước:

"Thực chất sở hữu toàn dân là gì ? Là sở hữu của Nhà nước. Mà sở hữu của Nhà nước là sở hữu của chính phủ. Mà sở hữu của chính phủ là của các quan chức. Cho nên có một thực tế là một giám đốc nhỏ như giám đốc một công ty chế biến cây trồng nông nghiệp đã biếu không 700 hectare đất công ở huyện Bến Cát, Bình Dương. Một ông giám đốc nhỏ như vậy mà có thể biếu 700 hectare đất, vậy thì những ông quan lớn hơn 5, 7 bậc có thể biếu không đến bao nhiêu hectare đất ?

Các địa chủ đỏ ngày nay không chỉ có hàng trăm, mà là hàng chục ngàn hectare đất. Chúng ta nhớ nhiều địa chủ ngày nào chưa có đến một hectare đất mà đã bị trói vào cột trường đấu, để tá điền đốt râu, rồi chết tức tưởi trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Các địa chủ đỏ ngày nay không tốn một giọt mồ hôi mà ung dung, phè phỡn quá !

Trong luật Đất đai 2003 có một thuật ngữ rất mơ hồ là « giá quyền sử dụng đất ». Điều phi lý, quái đản này cũng giống như thuật ngữ « tài sản XHCN », nhưng không hiểu vì sao vẫn tồn tại trong một văn bản Nhà nước. Đất và quyền sử dụng đất là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, cho nên không thể có khái niệm « giá quyền sử dụng đất » được.

Sở dĩ chúng ta không thừa nhận được quyền tư hữu đất đai là vì chúng ta đi theo chủ nghĩa Marx. Marx có một sai lầm cực kỳ cơ bản là chủ trương xóa bỏ tư hữu. Trong thực tế, công hữu làm nghèo đất đai đi, làm cho năng suất thấp.

Hồi cải cách ruộng đất, tuy việc cướp đất của địa chủ chia cho nông dân có những sai lầm tai hại, nhưng nó đã vô tình làm cho việc tư hữu đất đai trở nên sâu hơn. Nhờ vậy mà sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh phần nào. Sản lượng lương thực năm 1957 đạt được đến 4 triệu tấn, cao hơn sản lượng cao nhất tại miền Bắc trước Thế chiến thứ hai ( 2,4 triệu tấn ).

Nhưng oái ăm thay, niềm vui người cày có ruộng chưa được nhen nhúm bao lâu, thì Hiến pháp sửa đổi năm 1980 đã quy định đất đai là sở hữu toàn dân và theo đó, hầu hết đất đai được giao cho các HTX nông nghiệp.

Kể từ khi chính sách này được thực thi từ năm 1976 đến năm 1980, năng suất lúa đã giảm từ 2,23 tấn/hectare xuống chỉ còn 2,08 tấn/hectare. Đảng phải nhìn thẳng vào sự thực đó và thấy được rằng việc tư hữu hóa đất đai là cần thiết, không chỉ để tránh khiếu kiện, tránh phân hóa giàu nghèo cao hơn và còn làm cho năng suất nông nghiệp tăng thêm."

Đáng nói hơn hết là Điều 23 Hiến pháp 1992 quy định “trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường”, nhưng Điều 38 Luật Đất đai ngoài quy định đó còn bổ sung thêm “lợi ích công cộng, phát triển kinh tế”! Tức là điều khoản này hoàn toàn vi hiến. Hơn nữa, “phát triển kinh tế” là một khái niệm rất rộng, có thể diễn giải như thế nào cũng được, bởi vì xây sân golf cũng có thể được hiểu là “phát triển du lịch”, có nghĩa là phát triển kinh tế. Chính vì có thể thu hồi đất một cách vô tội vạ như thế, cho nên đây lại càng là cơ hội tham nhũng cho một số quan chức và nguyên nhân gây bất ổn xã hội.

Trong những năm gần đây, trong số các tranh chấp nhà đất ở Việt Nam , có không ít vụ liên quan đến tài sản của các tôn giáo, đặc biệt là của Giáo hội Công giáo. Ngay từ năm 2008, trong văn kiện “QUAN ĐIỂM CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY”, công bố ngày 27/9, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã từng nêu rõ :” Luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển trong đời sống xã hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân.

Trong văn kiện đó, Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắc lại rằng Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định: "Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác … và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán" . Cho nên, các vị giám mục đề nghị là “thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ".

Vấn đề sở hữu đất đai đã được đưa ra bàn cãi ngày càng nhiều trong bối cảnh mà theo dự kiến, vào năm 2013 Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Đất Đai 2003. Tại hội thảo Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Đất đai 2003 và Luật Kinh doanh bất động sản tại Hà Nội ngày 21-9, được tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tường thuật ngày 22/09/2011, các chuyên gia đã kiến nghị thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai và hướng đến đa dạng hóa sở hữu đất đai.

Phân tích về vấn đề sở hữu đất đai, đại diện nhóm nghiên cứu, TS Trần Quang Huy, Trưởng bộ môn Đất đai (khoa Pháp luật kinh tế ĐH Luật Hà Nội), cho rằng cần làm rõ khái niệm “sở hữu toàn dân” vì khái niệm này trừu tượng, không có chủ thể thực. Theo LS Huy, có thể nên nghiên cứu bỏ khái niệm “sở hữu toàn dân”, thay bằng khái niệm “sở hữu Nhà nước”.

Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hàng hải, cho rằng sở hữu “toàn dân” hay “Nhà nước” thì cũng vẫn chỉ là sách vở, chẳng có gì thay đổi cả. Trong khi lý luận và thực tế cuộc sống đòi hỏi công nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Theo LS Đức, « nếu không thừa nhận vấn đề gốc rễ căn bản đó, thì dù có sửa Luật Đất đai bao nhiêu lần nữa, cũng vẫn không thoát khỏi tù mù, nhập nhằng, bất cập. »

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Công ty Quang và cộng sự, thì đề nghị dạng hóa sở hữu đất đai như: sở hữu quốc gia do trung ương quản lý, sở hữu của chính quyền địa phương, sở hữu của cộng đồng dân cư, sở hữu của pháp nhân và sở hữu của cá nhân.

Trong cuộc hội thảo đó, luật sư Đỗ Trọng Hải, Công ty Luật Bizlink, cũng đồng tình với các ý kiến trên và nhấn mạnh: “Hầu hết các nước trên thế giới đều công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Có đa dạng hóa sở hữu thì mới tránh được những xáo trộn hiện nay và hợp với thông lệ quốc tế. Cho dù có là sở hữu gì, khi đụng đến những vấn đề về an ninh quốc gia, thì Nhà nước vẫn đương nhiên được quyền quyết định”.

Về phần ông Nguyễn Thanh Giang thì đưa một số đề nghị cụ thể để sửa đổi Luật Đất đai theo hướng công nhận quyền tư hữu đất đai:

"Tôi đã từng kiến nghị là đất phải có chủ cụ thể và thời hạn danh điền, phải được tư hữu hóa. Đấy là lẽ đời mà cha ông ta đã nhận ra và thực thi từ nghìn năm trước. Tuy vậy, tôi đề nghị là việc tự hữu hóa ruộng đất phải được tiến hành thận trọng từng bước, nhưng cần hết sức khẩn trương.

Có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia quốc tế về đất đai, đó là cấp giấy chứng nhận sở hữu cá nhân cho người sử dụng đất. Tất cả những người sử dụng đất phải nộp thuế đất hàng năm. Việc định thuế đất là dựa vào giá trị đất với những lợi thế tự nhiên, độ mầu mỡ và vị trí của nó. Giấy chứng nhận sở hữu cá nhân thì được tự do chuyển đổi, với mức phí tương ứng với việc cấp một giấy chứng nhận mới. Sẽ không có bất cứ khoản thuế dựa trên giá trị chuyển dụng nào, vì điều này làm tăng chi phí, ngăn cản sự linh động của thị trường, tạo cơ hội cho các hành vi tham nhũng và trốn thuế. Các mảnh đất chưa có chủ sẽ được đấu giá công khai, dành cho những người sẵn sàng nộp thuế cao nhất. Thông tin về mức thuế ở mỗi khu vực phải được công khai trên Internet. Tại mỗi văn phòng quản lý đất đai, bất kỳ ai muốn tranh cãi về việc định giá sẽ được yêu cầu trình đề án của mình.

Ngay trong lịch sử nước mình, cũng có thể tham khảo cách làm của ông cha xưa. Ví dụ như theo Đại Việt Sử ký toàn thư, từ năm Giáp Dần ( 254 ), vua Trần Thái Tông đã xuống chiếu bán ruộng công, mỗi mẫu là 5 quan tiền, cho dân mua làm ruộng tư. Để tạo điều kiện dễ dàng cho việc mua bán, chuyển nhượng đất đai, tháng Chạp năm 1442, vua Lý Anh Tông đã xuống chiếu, là những người tranh nhau ruộng ao, của cải không được nhờ cậy nhà quyền thế. Làm trái thì đánh 80 trượng, xử tội đồ.

Để việc trưng thư đất đai hoàn toàn thỏa đáng, năm Mậu Thân ( 248 ), vua Trần Thái Tông đã cho phép trưng thu đất để đắp đê. Nhưng quy định rằng chỗ nào đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng đất của dân, rồi đền bù theo thời giá.

Bởi vậy, tôi tha thiết đề nghị Đảng và chính phủ nhìn thấy cái nguy cấp của việc chúng ta chậm biến năm thành phần đất đai và phải sửa Luật Đất đai theo hướng thừa nhận quyền tư hữu và hợp lý. Có như vậy mới dần dần sửa được hai tệ nạn. Thứ nhất là sự phân hóa giàu nghèo quá đáng. Quá đáng đến mức mà bây giờ quan chức chỉ ký một mảnh giấy, từ đất có thể kiếm ra hàng chục, hàng trăm tỷ, nên mới có ông ngồi đánh cờ với nhau mỗi ván 5 tỷ đồng. Trong khi có những người nông dân khốn khổ đến mức mà cháu giết bà nội chỉ để lấy 400 ngàn đồng.

Tệ nạn thứ hai là quan chức tịch thu đất của dân với một cái giá rẻ như bèo, chỉ ký cho nông dân vài trăm ngìn đồng, để bán, chia chác cho nhau lấy hàng chục triệu đồng. Người nông dân oan ức đi khiếu kiện, xã không giải quyết, huyện không giải quyết. Lên trung ương thì lại bị bắt vào đồn công an và bị hành xử rất tàn nhẫn. Trong những người bị hành xử tàn nhẫn, không chỉ có nông dân bình thường, mà có cả những cựu chiến binh từng rơi xương đỗ máu, những bà mẹ anh hùng, ... Những cái đó đau lòng lắm.

Cho nên tôi thấy việc sửa lại Luật Đất đai là việc hết sức khẩn cấp và phải làm với một tinh thần cách mạng thật sự, với một tinh thần vì dân để xóa bò những tệ nạn và cũng là những nguy cấp cho Đảng này. Và chỉ có làm một luật đất đai cho đúng thì mới có thể tạo công bằng xã hội và làm cho đất đai sinh sôi nẩy nở. "

Nhưng dầu sao Luật đất đai không thể được sửa đổi theo hướng thừa nhận quyền sở hữu tư nhân đất đai, nếu Hiến pháp không được sửa đổi, mà việc sửa đổi Hiến pháp tuy đã được dự trù, nhưng không biết bao giờ mới được thực hiện.

Trước mắt, nhận thấy là những bất cập đền trong việc bù đất đai đang kềm hãm sực phát triển kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới trong tháng 12 vừa qua đã ra một báo cáo nhằm trợ giúp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai trong quá trình xây dựng Luật Đất đai mới.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, « vấn đề giá đất để tính bồi thường vẫn là vấn đề bức xúc nhất hiện nay ở các địa phương. Cho đến đầu năm 2010, nhiều địa phương cho rằng lượng khiếu nại hành chính về giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đang chiếm tới 90% tổng lượng khiếu kiện của dân.

Trên 80% ý kiến trả lời đều không hài lòng với giá đất áp dụng vào tính toán bồi thường. Do chưa có quy định cụ thể về quy trình xác định giá đất nên mỗi địa phương cấp tỉnh đưa ra cách giải quyết khác nhau. Đại đa số trường hợp đều có biểu hiện áp đặt giá đất theo quyết định hành chính, thiếu phù hợp với các quy luật của cơ chế thị trường. Chính bất cập trong đền bù dẫn tới tốc độ triển khai các dự án chậm, khiến các dự án đầu tư hạ tầng phải chịu nhiều phí tổn, làm chậm khả năng sinh lời của dự án. Khiếu kiện kéo dài gây thiếu ổn định về xã hội và giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư vào Việt Nam ».

Trong báo cáo, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và chuyên gia nghiên cứu độc lập đã đưa ra những khuyến nghị nhằm khắc phục các hạn chế của hệ thống pháp luật đất đai, đặc biệt là hệ thống định giá đất và hệ thống luật giải quyết khiếu nại đất đai.

7/1/12

LS Hà Huy Sơn:” Đưa Bùi Thị Minh Hằng vào cơ sở giáo dục là trái pháp luật”

Bà Bùi Thị Minh Hằng
Bà Bùi Thị Minh Hằng

Thanh Phương 4/1/2012
 
Ngày 27/11/2011, bà Bùi Thị Minh Hằng, 47 tuổi, một trong những người từng tham gia các vụ biểu tình phản đối Trung Quốc, đã bị bắt giữ và ngày hôm sau, bà bị đưa vào Cơ sở Giáo dục Thanh Hà, tỉnh Vĩnh Phúc, với thời gian cải tạo là 24 tháng.

Trả lời phỏng vấn RFI hôm nay, 04/01/2012, luật sư Hà Huy Sơn, người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho bà Bùi Thị Minh Hằng, cho biết là tới nay, ông vẫn chưa được vào thăm thân chủ và theo ông, việc đưa bà Bùi Thị Minh Hằng vào cơ sở giáo dục nói trên là trái với pháp luật Việt Nam, cũng như trái với với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia:

Luật sư Hà Huy Sơn 

Phóng viên Không Biên giới kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà báo Hoàng Khương

Ảnh nhà báo Hoàng Khương trên trang web của Phóng viên Không Biên giới
Ảnh nhà báo Hoàng Khương trên trang web của Phóng viên Không Biên giới

Thanh Phương 4/01/2011
 
Hôm qua, 03/01/2012, tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã ra thông cáo lên án vụ bắt tạm giam nhà báo Nguyễn Văn Khương, tức Hoàng Khương, của báo Tuổi Trẻ và yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho phóng viên này. Cơ quan cảnh sát điều tra công an Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt tạm giam nhà báo Hoàng Khương ngày thứ Hai với tội danh « đưa hối lộ » và hôm qua, đã bắt giữ thêm Nguyễn Đức Đông Anh, em vợ của nhà báo Hoàng Khương, cũng về hành vi « đưa hối lộ ».

Hoàng Khương là tác giả nhiều bài điều tra về tệ nạn ăn hối lộ trong đội ngũ cảnh sát giao thông, trong đó có bài « Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép », đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 10/7/2011. Bài báo tố cáo thượng úy Huỳnh Minh Đức, một cán bộ cảnh sát giao thông quận Bình Thạnh, đã nhận hối lộ 15 triệu đồng để trả lại xe máy một thanh niên tham gia đua xe, vi phạm luật giao thông.

Tờ Tuổi Trẻ cho biết, "theo tường trình của Hoàng Khương, khi thực hiện bài viết trên, phóng viên đã có sơ suất về nghiệp vụ khi can dự vào quá trình chung chi cho ông Huỳnh Minh Đức nhằm tìm kiếm bằng chứng về hành vi tiêu cực. Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã kỷ luật khiển trách và tạm đình chỉ công tác đối với Hoàng Khương".

Trong bản thông cáo đưa ra hôm qua, Phóng viên Không Biên giới tuyên bố: “ Những hành động của Hoàng Khương, trong khuôn khổ công việc điều tra của anh, không thể bị cáo buộc là hành vi đưa hối lộ. Việc điều tra của nhà báo này là nhằm tìm kiếm thông tin, không có tính chất vụ lợi cá nhân. Chính quyền phải trả lại tự do cho anh và bỏ mọi ý định điều tra anh về những việc mà bản thân anh đã công bố. Trái lại, chính quyền phải đánh giá đúng lợi ích chung của công việc điều tra như vậy”.

Vào năm 2008, làng báo Việt Nam cũng đã từng bị rúng động với vụ hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến của tờ Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải của tờ Tuổi Trẻ bị bắt vì đã điều tra về vụ tham nhũng PMU 18. Ông Nguyễn Văn Hải nhận án 24 tháng cải tạo không giam giữ, còn ông Nguyễn Việt Chiến lãnh án 2 năm tù, nhưng đã được đặc xá vào đầu năm 2009.

2012, một năm đầy thách thức đối với kinh tế Việt Nam

 
Do lạm phát, giá sinh hoạt ở Việt Nam trước Tết vẫn tăng (Reuters)
Do lạm phát, giá sinh hoạt ở Việt Nam trước Tết vẫn tăng (Reuters)
Thanh Phương 2/01/2011
 
Kinh tế Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn, và nhất là đã bộc lộ càng rõ những yếu kém căn bản. Cho nên, năm 2012 sẽ là một năm đầy thử thách đối với Việt Nam, đòi hỏi những nhà lãnh đạo Hà Nội phải thực sự có những thay đổi căn bản, chứ không thể tiếp tục duy trì hiện trạng.

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12/2011 vừa qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2011 dự kiến chỉ đạt 5,9%, thấp hơn so với mức 6,8% của năm ngoái. Tổng cục Thống kê Việt Nam cho rằng, nguyên nhân của tình trạng sụt giảm này là do Ngân hàng Nhà nước đã tăng các lãi suất nhằm kềm chế mức lạm phát đã tăng vọt trong năm nay.

Hậu quả của việc tăng lãi suất này là số khoản vay và đầu tư giảm mạnh, làm chậm lại đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam năm nay sụt giảm cũng một phần là do các biện pháp của chính phủ nhằm giảm đầu tư công và thâm hụt ngân sách.

Có thể nói trong năm qua, vấn đề gay go nhất mà Việt Nam đã phải đối phó, đó là lạm phát. Chính phủ Hà Nội ban đầu đề ra chỉ tiêu kềm chế lạm phát 2011 ở mức 7%, sau đó đã điều chỉnh lên thành 17%, nhưng cuối cùng vẫn không đạt được chỉ tiêu này, vì tỷ lệ năm nay lên đến gần 18,6%, mức cao nhất châu Á. Đây là năm thứ hai mà chính phủ Việt Nam thất bại trong việc kềm chế lạm phát ở mức dưới 10%, vì trong năm 2010, tỷ lệ lạm phát đã là 11,8%.

Chỉ có một chỉ số khả quan, đó là thâm thủng mậu dịch của Việt Nam năm 2011 đã giảm mạnh, xuống còn 9,5 tỷ đôla, mức thấp nhất từ một thập niên qua. Kết quả này là do tác động của việc chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ, giảm chi tiêu công và hạn chế nhập khẩu xa xỉ phẩm.

Nhưng trong báo cáo cho Hội nghị Tư vấn Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam đầu tháng 12 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã đặc biệt lưu ý là việc áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài, cộng với những biến động trong và ngoài nước gần đây, đang gây áp lực cho hệ thống ngân hàng. Nhiều ngân hàng đang trong tình trạng thiếu thanh khoản, và tình trạng thiếu vốn vẫn là một vấn đề nổi cộm của hệ thống ngân hàng.

Mức tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam trong những năm qua cao một cách bất thường, lãi suất cho vay cũng tăng, trong khi đó năng lực quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng tương đối yếu. Cho nên, một trong những việc cấp tốc đối với Việt Nam trong năm 2012 này là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cũng khó có thể tránh được nguy cơ nợ công gia tăng, nhất là ở Việt Nam có rất nhiều khoản nợ tiềm ẩn, chưa được phản ánh trong các số liệu thống kê chính thức về nợ của chính phủ và nợ được chính phủ bảo lãnh.

Ngân hàng Thế giới còn nhận định rằng, tại Việt Nam, việc cắt giảm chi tiêu và cải thiện hiệu quả các dự án đầu tư công vẫn chưa có nhiều kết quả như mong muốn. Nhiều cuộc tranh luận đang diễn ra về phương thức cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước song vẫn chưa thật sự rõ ràng về các chính sách cụ thể trong tương lai liên quan tới lĩnh vực này.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã có sự ổn định quan trọng nhờ thực hiện nghị quyết 11, nhưng sự ổn định còn mong manh. Để có thể quay lại một môi trường kinh tế vĩ mô bền vững và đặt nền móng cho hiệu quả cao hơn để tăng trưởng trung hạn, Việt Nam cần giảm thâm hụt ngân sách và tái cơ cấu, bao gồm cả việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và lĩnh vực tài chính.

Trong dài hạn, Việt Nam để có thể duy trì được vị thế là một điểm đến thực sự hấp dẫn đầu tư, Việt Nam là phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong các lĩnh vực như điện, giao thông và kho cảng, là các lĩnh vực mà các nhà đầu tư thường cho là những trở ngại chính.

Nhưng liệu giới lãnh đạo Việt Nam có đủ quyết tâm chính trị để thực hiện những những khuyến cáo nói trên hay không ? Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị các nhà tài trợ, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, nhắc lại rằng, vào tháng 10 năm ngoái, hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực tài chính là các ưu tiên cải cách hàng đầu cho 5 năm tới.

Nhưng bà nhấn mạnh, điều cần thiết lúc này là « ý chí chính trị mạnh mẽ », bởi vì kinh nghiệm cho thấy rằng, « thiếu hành động hoặc hành động chậm chạp sẽ dẫn đến khủng hoảng rất tốn kém. Sẽ dễ dàng hơn nhiều cho Việt Nam để theo đuổi chương trình tái cấu trúc ngay lúc này hơn là chờ đợi tái cấu trúc sau khi đã bị rơi vào khủng hoảng. NGAY BÂY GIỜ chính là thời điểm để hành động. »

Giám đốc Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam còn nhấn mạnh rằng, « thay đổi một cách rời rạc, thiếu hệ thống là không đủ. Cần thiết phải có những hành động quyết liệt để thực sự phá vỡ quá khứ và phác thảo một con đường mới ».


Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ vào tuần trước, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam cũng đã nhấn mạnh rằng đã đến lúc các nhà lãnh đạo phải thay đổi tư duy phát triển, tư duy kinh tế.

RFI : Thưa tiến sĩ Nguyễn Quang A, sau một năm 2011 gặp nhiều khó khăn do lạm phát tăng vọt, thâm thủng mậu dịch vẫn cao, hệ thống ngân hàng chịu áp lực nặng nề, năm 2012 có phải là năm đầy thách thức đối với kinh tế Việt Nam ?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A : Đúng như vậy, nắm tới sẽ là một năm rất nhiều khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam, không chỉ là do tình hình kinh tế thế giới còn đang đầy bất trắc, mà bản thân những căn bệnh kinh niên của nền kinh tế Việt Nam tích tụ lại trong vài chục năm qua đã bộc lộ hết ra, như là những vấn đề mà anh vừa nhắc tới : lạm phát tăng vọt, thâm thủng cán cân mậu dịch lớn, thâm hụt ngân sách luôn ở mức caơ và xét cho cùng là hiệu quả toàn bộ kinh tế không được tốt. Trong hoàn cảnh như thế, năm tới là một năm đầy thách thức.

Trong số những vấn đề cấp bách nhất hiện nay, như các nhà tài trợ tháng 12 vừa qua có khuyến cáo, Việt Nam cần phải chấn chỉnh hệ thống ngân hàng, để tránh bị đỗ vỡ, gây ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế ?
Hệ thống ngân hàng chỉ là một chuyện trong nhiều chuyện lớn mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt và có lẽ cái lớn nhất và khó nhất là bản thân đường hướng hay chính sách đã được thực hiện trong một thời gian tương đối dài.

Trước kia, nền kinh tế Việt Nam đã khởi sắc được trong vòng 10, 15 năm là do đã trả lại quyền tự do kinh doanh cho các tác nhân kinh tế, đó là hộ gia đình và doanh nghiệp. Đó là một sự giải phóng rất là lớn, nhưng thật ra chẳng có gì là khó cả. Về cơ bản thì không phải làm gì nhiều, mà chỉ trả lại cho người ta cái quyền đó. Cái động lực ấy gần như là hết rồi. Bây giờ phải chuyển sang một cách làm ăn bài bản hơn, căn cơ hơn, chứ không phải là như trước nữa. Cái đó mới là cái khó. Vấn đè của hệ thống ngân hàng chỉ là hệ quả của chính sách kinh tế mà thôi.

RFI : Theo ông, làm sao có thể dung hòa nhu cầu đạt mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, nhưng vẫn kềm chế được lạm phát ?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A : Có lẽ điều mấu chốt hơn là phải thay đổi tư duy phát triển, tư duy kinh tế ở Việt Nam. Lạm phát với cái mức mà đầu năm đề ra kế hoạch là chỉ 7% thôi, nhưng sau đó lại điều chỉnh lên 12%, rồi 15, 17%,. Nhưng ngay cả chỉ tiêu được điều chỉnh ba lần như vậy cũng vẫn không đạt được và cuối cùng lạm phát lên tới 18,58%, cao nhất khu vực và thuộc loại cao nhất trên thế giới.
Cái đó là hiện tượng, nhưng còn nguyên nhân sâu xa của nó là vấn đề về tư duy phát triển và tư duy về kinh tế. Chừng nào mà tư duy phát triển và tư duy kinh tế ấy không được thay đổi một cách triệt để thì vấn đề lạm phát chỉ có thể được giải quyết chút ít mà thôi.

RFI : Tức là theo ông, khủng hoảng kinh tế Việt Nam hiện nay là khủng hoảng về cơ cấu, và như ông vừa nói là vấn đề về tư duy phát triển, tư duy kinh tế. Vậy thì, tư duy đó còn những gì chưa ổn ?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A : Cái không ổn nhất là ở chổ người ta chưa hiểu được thấu đáo về chuyện phân công xã hội và về vai trò của các lực lượng chính trị. Nhà nước phải làm gì, ngườ dân phải làm gì, doanh nghiệp phải làm gì. Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp và lại càng không thể làm thay cho người dân. Cách làm hiện nay vẫn còn dư âm của thời xa xưa : những người có chức có quyền vẫn nghĩ rằng tự mình phải vẽ ra thế này, thế kia và chỉ bảo cho những đối tượng khác phải làm cái gì. Trong khi đó, họ không hiểu kỹ nhiệm vụ của họ, với tư cách những người hoạch định chính sách hay cơ quan Nhà nước, chỉ được làm những gì và không được làm những gì. Tôi nghĩ hết đó là vấn đề hết sức mấu chốt.

Chừng nào chưa hiểu được điều đó thì người ta sẽ vẫn tiếp tục đặt kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, mà công cụ để điều tiết chính sách cho Nhà nước, phải thực hiện các chức năng xã hội, thậm chí thực hiện những nghĩa vụ chính trị. Những vấn đề cơ bản như thế trong đầu con người mới là cái cần phải thay đổi và quan trọng.

RFI : Tức là theo ông thì những chính sách được đề ra cho đến nay chẳng hạn như Nghị quyết 11 để đối phó với lạm phát chỉ có tính chất nhất thời, chứ chưa mang lại những thay đổi căn bản về cách phát triển kinh tế của Việt Nam ?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A : Đúng như vậy. Những chính sách như thế không phải là dỡ, những chính sách như thế là tốt, để đối phó với những hiện tượng, những khó khắn đang xảy ra. Nhưng nếu có đối phó được một ít, thì rồi những hiện tượng đó cũng sẽ tái diễn mà không có cách gì cứu chữa được. Kiểu như chữa bệnh, nhưng chữa không tận gốc.

RFI : Tức là theo như một số chuyên gia vẫn khuyến cáo, đó là đã đến lúc Việt Nam phải tiến hành « đổi mới tập 2 » để đưa nền kinh tế thật sự theo hướng thị trường, chứ không mang tính nữa vời như hiện nay, còn mang nhiều dấu ấn của thời kỳ kinh tế chỉ huy ?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A : Đúng như vậy. Đó là một cách trình bày. Tôi không nói rằng khu vực kinh tế Nhà nước là không quan trọng, mà nói rằng, phải nhìn rõ là nó làm được cái gì và chỉ nên làm cái gì. Các cơ quan Nhà nước chỉ làm cái gì. Còn như bây giờ, có lúc cần can thiệp thì lại không can thiệp, có lúc cái đáng can thiệp thì lại không can thiệp. Những vấn đề về tư tưởng, về tư duy phát triển mới là cái chính.

RFI : Như vậy suy cho cùng, vấn đề vẫn là nằm ở chổ cái « định hướng XHCN ». Theo ông, chính cái định hướng đó cản trở sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế Việt Nam ?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A : Chắc chắc là như vậy. Nhưng vấn đề không phải hoàn như vậy. Định hướng XHCN là như thế nào, phải nói thật rõ ràng ra. Nếu nói định hướng XHCN là làm cho dân Việt Nam giàu lên, nước Việt Nam mạnh lên, xã hội dân chủ công bằng văn minh và tất cả những gì ngược lại với cái đó là phản XHCN. Tôi nghĩ về mặt từ ngữ như thế thì cũng chả sao cả.

Nhưng nếu hiểu định hướng XHCN là kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kiểm soát hết tất cả, thì đấy là tư duy hoàn toàn là của một thời xa xưa và thật sự nó đã mất hết tác dụng.

RFI : Theo ông, có phải là các nhà lãnh đạo Việt Nam không nhìn thấy những vấn đề đó, hay là vì họ muốn duy trì một mô hình kinh tế mang dấu ấn của thời bao cấp để có thể duy trì quyền lợi của những nhóm lợi ích ?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ là cách lý giải như anh vừa nói có thể gần với thực tiễn hơn, bởi vì hiện nay, sự gắn kết giữa các lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị đan xen vào nhau hết sức là mạnh. Tôi hơi e ngại là nếu Việt Nam không khéo thì có thể thành một nước giống như Nga hay Philippines, khi mà các nhóm tài phiệt có thể lũng đoạn mọi thứ. Lúc đó, con đường phát triển của Việt Nam sẽ rất khó mà vươn lên được.

RFI : Trước mắt trong năm 2012 này, theo ông chính phủ nên có những biên pháp gì trước mắt để phục hồi ổn định kinh tế vĩ mô?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ là bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã nhìn ra vấn đề đó, nên đã đặt ra vấn đề là tái cấu trúc nền kinh tế, cơ cấu lại đầu tư công, vì đầu tư công cho đến nay là rất kém hiệu quả. Nếu đầu tư công được làm cho có hiệu quả hơn, thì sự phát triển sẽ khá hơn nhiều. Thứ hai là doanh nghiệp Nhà nước, mà chủ yếu là các tập đoàn. Những chuyện đổ vỡ như Vinashin thì khỏi phải bàn đến nữa, nhưng những chuyện lỗ lã như Tập đoàn Điện lực Việt Nam hay các công ty Nhà nước kinh doanh xăng dầu trong thời gian vừa qua và còn bìết bao những tập đoàn như thế nữa. Họ đã thấy là cần phải chấn chỉnh lại, tái cơ cấu những doanh nghiệp này. Thứ ba là phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, như anh đề cập lúc đầu.
Nếu thật sự có quyết tâm chính trị thật cao thì việc tái cơ cấu trên nguyên tắc không phải là khó, nhưng nó sẽ vô cùng khó vì các nhóm lợi ích sẽ cản trở việc tái cơ cấu này. Bởi vì theo cái cách tái cơ cấu mà người ta dự định làm thì sẽ phải minh bạch hóa, sẽ phải đụng đến nhiều lợi ích hiện thời của các nhóm ấy. Mà khi đụng đến những cái đó, thì các nhóm lợi ích sẽ tìm cách cản trở. Cho nên, cái khó nhất là làm sao cho ảnh hưởng của các nhóm lợi ích đó không ngăn sự phát triển tiếp theo của Việt Nam. Bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhận ra điều đó, khi mà tổng bí thư Đảng đã đề cập vấn đề các nhóm lợi ích và tư duy nhiệm kỳ. Nhận ra vấn đề là rất quan trọng, nhưng còn thực hiện như thế nào, thì bây giờ mới đến lúc khó.

RFI : Xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Quang A.

Đối lập Miến Điện thất vọng vì không có thêm tù chính trị được tự do

Tù nhân Miến Điện được ân xá trên đường ra khỏi nhà tù Insein tại Yangon ngày 03/01/2012.
Tù nhân Miến Điện được ân xá trên đường ra khỏi nhà tù Insein tại Yangon ngày 03/01/2012.
REUTERS/Soe Zeya Tun

Thanh Phương 3/01/2011
 
Các nhà hoạt động chính trị và các nhà đối lập Miến Điện hôm nay 03/01/2012 đã tỏ vẻ rất thất vọng, vì trong số những người được ân xá nhân ngày Lễ Quốc khánh 4/1, không có tù chính trị nào được tự do. Hôm qua, tổng thống Thein Sein đã ban hành sắc lệnh ân xá tập thể, một biện pháp vẫn thường được đưa ra nhân ngày Lễ Quốc khánh hàng năm 4/1, giảm án cho những người bị tuyên án trước ngày 2/1/2012.

Theo sắc lệnh này, những người bị kết án tử hình sẽ được giảm án thành chung thân, án tù trên 30 năm xuống còn 30 năm, từ 20 đến 30 năm xuống còn 20 năm, còn tất cả án tù dưới 20 năm được giảm một phần tư số năm.

Theo thông tin chính thức, khoảng 930 phạm nhân sẽ được phóng thích hôm nay chỉ riêng ở thành phố Rangoon. Nhưng không có người nào trong số các luật sư, nhà báo, tu sĩ Phật giáo và các nhà đối lập khác được tự do nhân Lễ Quốc khánh lần thứ 64 của Miến Điện.

Ngày 12/10 vừa qua, khoảng 6.300 phạm nhân đã được thả ra, trong số đó có khoảng 200 tù chính trị. Hiện nay, số người đang bị giam vì lý do chính trị tại Miến Điện được thẩm định khoảng từ 500 đến 1.600.

Vào tuần trước, một nghị sĩ Miến Điện khẳng định là tù chính trị sẽ được trả tự do rất sớm, có thể là nhân ngày 4/1 hoặc 12/2. Nhưng nay, mọi hy vọng đều tiêu tan sau đợt ân xá mới này. Cả Hiệp hội trợ giúp tù chính trị, cũng như đảng đối lập Liên đoàn quốc gia vì dân chủ đều thất vọng.

Ông Aung Thein, cố vấn pháp lý cho nhiều nhà đối lập Miến Điện, tuyên bố với hãng tin AFP hôm nay rằng : « Trong những thời điểm rất quan trọng này, khi mà tình hình chính trị tiến triển như thế, các tù chính trị cần phải được trả tự do ». Ông nói : « Nếu những người thật sự quan tâm đến chính trị mà vẫn ngồi tù, thì cuộc bầu cử sắp tới sẽ chẳng có ý nghĩa gì », ý muốn nói đến cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung vào tháng 4 năm nay.

Trong thời gian qua, chính phủ “ dân sự” Miến Điện đã thực hiện nhiều cải cách chính trị quan trọng, trong đó có việc trả tự do cho nhà đối lập Aung San Suu Kyi và cho phép bà ra tranh cử. Nhưng Liên hiệp quốc, Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ vẫn đòi chính quyền Miến Điện trả tự do cho toàn bộ tù chính trị để chứng tỏ thực tâm dân chủ hóa.

Trong bối cảnh đó, hôm nay, tờ nhật báo chính thức của chính quyền Miến Điện, New Light of Myanmar, lại có một bài báo rất đáng chú ý, vì tờ báo ca ngợi sự chấm dứt chế độ độc đoán ở nước này.

Tờ báo này viết : « Đa số các quan sát viên quốc tế rất ngạc nhiên khi thấy Miến Điện, từng nằm dưới sự lãnh đạo của một chính phủ độc tài quân phiệt, đã bắt đầu tiến hành dân chủ hóa sau khi đã tổ chức bầu cử ». Tờ báo này viết thêm : « Từ 60 năm qua, kể từ khi đất nước giành độc lập, chưa có năm nào có ý nghĩa như năm 2011, với nhiều thay đổi đáng kể và chuyển biến chính trị ».

Nội dung của bài báo này khác hẳn với giọng điệu hàng năm của chính quyền Miến Điện mỗi khi đến ngày Quốc khánh. Cho tới nay, cứ vào dịp này, chính quyền quân sự lại kêu gọi dân chúng phải « đề cao cảnh giác » trước những hiểm họa từ nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Rõ ràng là, chưa biết chính quyền Miến Điện thực tâm dân chủ đến đâu, nhưng ít ra về giọng điệu thì đã có những thay đổi ngoạn mục ở nước này.