Cựu chiến binh tham gia biểu tình ngày 07/11/2012 ở Hà Nội phản đối những vụ cướp đất ở Hà Tĩnh (Reuters)
Sau lời nhận lỗi của ông Đặng Hùng Võ với nông dân Văn Giang ngày 8/11, hồ sơ này có thể được giải quyết ra sao, luật sư Trần Vũ Hải, người bảo vệ quyền lợi cho các nông dân Văn Giang, giải thích:
Như tiến sĩ Nguyễn Quang A đã nhắc lại trong bài viết tựa đề “Chính phủ cố ý làm trái luật đất đai?”, “luật đất đai 1993 đã giao cho thủ tướng chính phủ quyết định; nhưng sau đó do thấy tập trung quyền lực vào tay một người dễ gây ra sự lạm dụng hay quyết định thiếu cơ sở, nên Quốc hội (trong đợt sửa 1998 và 2001) đã chuyển quyền đó sang cho Chính phủ, chứ không phải thủ tướng.
Thế nhưng trong tờ trình số 99/Ttr –BTNMT Gs. Võ đã ghi “kính gửi Thủ tướng Chính phủ” chứ không phải Chính phủ và khiến cho phó Thủ tướng đã ký Quyết định 742/QĐ-Ttg (chứ không phải Chính phủ có một nghị quyết rồi trên cơ sở đó Thủ tướng thay mặt Chính phủ ra Quyết định).
Sau khi đã xin lỗi người dân Văn Giang, ông Đặng Hùng Võ tuyên bố với trang mạng VnExpress ngày 09/11 rằng ông đã làm việc với nông dân Văn Giang “hoàn toàn trên tư cách cách cá nhân”. Ông Võ cho biết ông sẽ “suy xét lại mọi vấn đề để có kết luận cuối cùng trước khi gửi kiến nghị tới Bộ Tài nguyên – Môi trường.
Theo ông Đặng Hùng Võ, mấu chốt đối với vụ này là xác định thẩm quyền là của chính phủ hay thủ tướng trong quyết định giao đất ở Văn Giang. Nhân dịp này, ông tiết lộ là trong giai đoạn từ năm 1993 đến 2004, số lượng quyết định của thủ tướng về đất đai trên cơ sở thẩm quyền của chính phủ là trên ... 3.000 văn bản. Như vậy theo lời cựu thứ trưởng Tài nguyên - Môi trường, trong giai đoạn đó, thủ tướng Việt Nam không chỉ đã làm trái luật mà còn làm trái đến 3000 lần! Chính ông Võ cũng nhận xét :” Vi phạm đất đai ở Việt Nam là chuyện cơm bữa”.
Quả thật Văn Giang cũng chỉ là một trong vô số ví dụ về việc chính phủ hay các chính quyền địa phương làm trái pháp luật về đất đai, chẳng hạn như trường hợp ở quận 2, Sài Gòn. Người dân ở ba phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh quận 2 đang bị chính quyền quận cưỡng bức phá vỡ nhà nằm ngoài phạm vi quy hoạch Đô thị mới Thủ Thiêm quận 2. Họ đã đã nhiều lần kêu cứu, tố cáo đến các cơ quan trung ương từ những năm 2007 đến nay, nhưng không được ai xem xét.
Mãi đến ngày 27/06/2012, tại buổi tiếp xúc cử tri, chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố kiêm đại biểu quốc hội, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, mới hứa hẹn sẽ xúc tiến đối thoại giữa chính quyền địa phương với người dân ba phường nói trên.
Nhưng thay vì đối thoại với dân, chính quyền quận 2 lại đẩy nhanh việc cưỡng chế phá vỡ nhà. Quá tuyệt vọng, những người dân bị cưỡng chế phá nhà đã nhờ đến sự trợ giúp của luật sư Trần Vũ Hải và đã cho đăng lên mạng kiến nghị của họ yêu cầu mở đối thoại về vấn đề này. Trả lời qua điện thoại với RFI Việt ngữ hôm thứ bảy tuần trước, 10/11/2012, ông Lê Văn Lung, một trong ba người đại diện ký kiến nghị nói trên, cho biết: