24/11/11

Giáo dân Thái Hà phản đối việc dân phòng phá rối thánh lễ Chủ nhật

Đoàn biểu tình của giáo dân Thái Hà đòi chính quyền trả lại khu đất mượn của nhà dòng, đang đi qua trước nhà thờ Thánh Giuse, Hà Nội ngày 18/11/2011.
Đoàn biểu tình của giáo dân Thái Hà đòi chính quyền trả lại khu đất mượn của nhà dòng, đang đi qua trước nhà thờ Thánh Giuse, Hà Nội ngày 18/11/2011.
REUTERS/ Peter Nguyen

Thanh Phương 24/11/2011
 
Theo tin từ trang web của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, chiều hôm qua (23/11) hơn 100 giáo dân giáo xứ Thái Hà đã tuần hành đến Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội để phản đối việc dân phòng của quận này đã xông vào nhà thờ Thái Hà hôm Chủ nhật vừa qua, đúng vào ngày lễ Chúa Kitô Vua, một lễ rất trọng của người Công giáo.


Theo tin của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, quận Đống Đa đã huy động nhiều công an, an ninh ra ngăn không cho giáo dân vào ủy ban nhân dân, nên các giáo dân đã sang bên tiếp dân cách đó một đoạn để kiến nghị.

Theo tường trình của linh mục chánh xứ Thái Hà Nguyễn Văn Phượng gởi lên Tổng giám mục Hà Nội và Cha Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, trong thánh lễ ngày 20/11 vừa qua, một người mặc sắc phục dân phòng, tay cầm dùi cui, tay cầm điếu thuốc lá, đã xông vào nhà thờ, lăng mạ các linh mục và giáo dân, gây hoảng sợ cho các em thiếu nhi, trước sự ngỡ ngàng của cả ngàn giáo dân đang dự lễ.

Sự việc xảy ra từ hôm Chủ nhật, nhưng chính quyền địa phương vẫn không có hành động gì để ngăn chận những vụ gây rối ở nhà thờ Thái Hà.

Trước đó, ngày 18/11, giáo dân giáo xứ Thái Hà cũng đã xuống đường ở Hà Nội để đòi chính quyền trả lại khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, bị trưng dụng để làm bệnh viện, nhưng một phần lại bị sử dụng sai mục đích, thậm chí làm nơi ăn chơi, nhảy nhót.

Tình hình ở khu vực giáo xứ Thái Hà đã trở nên căng thẳng kể từ ngày 3/11, khi một nhóm người, được mô tả là « quần chúng tự phát », xông vào sân nhà thờ Thái Hà, đập phá cổng, gây rối và hăm dọa các linh mục, tu sĩ.
 

Miến Điện thông qua luật biểu tình

Công chúng đứng xem các nhà sư ở tu viện Maha Mya Muni, Mandalay biểu tình phản kháng ngày 15/11/2011.
Công chúng đứng xem các nhà sư ở tu viện Maha Mya Muni, Mandalay biểu tình phản kháng ngày 15/11/2011.
(Photo: Mandalay Breeze Facebook)

Thanh Phương 24/11/2011
 
Trong khi ở Việt Nam vẫn còn tranh cãi với nhau là nên hay không nên có luật biểu tình, thì tại Miến Điện, Quốc hội nước này vừa thông qua luật cho phép người dân biểu tình ôn hòa, tiến thêm một bước trên con đường dân chủ hóa.


Hôm nay, 24/11/2011, Quốc hội Miến Điện đã thông qua Luật biểu tình, cho phép người dân kể từ nay được biểu tình ôn hòa. Luật này quy định là những người biểu tình phải báo cho chính quyền trước 5 ngày và không được phép tập hợp trước các trụ sở chính phủ, trường học, bệnh viện và các tòa đại sứ. Theo lời một dân biểu Miến Điện được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, một điều khoản cấm người biểu tình hô khẩu hiệu cuối cùng đã bị bác.

Luật Biểu tình hiện còn chờ được Tổng thống Thein Sein ký phê chuẩn để có hiệu lực. Theo nhận định của trang thông tin của người Miến Điện lưu vong Tiếng nói Dân chủ Miến Điện (DVB), nếu luật này được ban hành, như vậy là lần đầu tiên từ một thế kỷ qua tại Miến Điện, các cuộc biểu tình được hợp pháp hóa.

Cho tới nay, rất hiếm khi xảy ra biểu tình ở Miến Điện và phần lớn các cuộc biểu tình đều bị đàn áp. Vào tháng trước, nhiều người đã bị bắt giữ ở Miến Điện trong một cuộc tập hợp của nông dân có đất đai bị trưng thu. Tuy nhiên, vào tuần trước, 5 nhà sư đã biểu tình suốt hai ngày để đòi trả tự do cho toàn bộ tù chính trị, nhưng lực lượng an ninh đã không can thiệp.

Phải trở ngược đến năm 2007 mới thấy có những cuộc biểu tình lớn ở Miến Điện. Vào năm đó, các cuộc biểu tình, do các nhà sư Miến Điện chủ xướng, đã thu hút đến 100.000 người trên đường phố Rangoon, tạo thành một phong trào phản kháng lớn nhất kể từ khi giới tướng lãnh lên nắm quyền năm 1988. Phong trào đã bị chính quyền quân sự Miến Điện dìm trong biển máu, khiến ít nhất 31 người thiệt mạng.

Tháng ba vừa qua, tập đoàn quân sự đã chuyển giao quyền lực cho một chính phủ gọi là « dân sự », nhưng thực tế vẫn do quân đội kiểm soát. Tuy vậy, chính quyền mới trong những tháng gần đây đã có liên tiếp nhiều hành động theo hướng dân chủ hóa chính trị, có lẽ để nhằm phá vỡ thế bị cô lập trên trường quốc tế.

Ngoài quyền tự do biểu tình, cách đây một tháng, người dân Miến Điện cũng đã bắt đầu được hưởng quyền tự do công đoàn và tự do đình công, những quyền mà họ đã bị tước đoạt từ nửa thế kỷ qua. Việc kiểm duyệt báo chí cũng đã được giảm nhẹ. Thậm chí, chính quyền Miến Điện, vì muốn tuân theo « ý nguyện của nhân dân », đã không ngần ngại đình chỉ một công trình đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ và xây dựng, mà không sợ làm mích lòng đồng minh Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, giới lãnh đạo mới của Miến Điện đã bắt đầu đối thoại trực tìếp với nhà đối lập Aung San Suu Kyi và cho phép đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, được đăng ký hoạt động trở lại. Là một người đã từng ngồi tù và quản thúc tại gia nhiều năm, nay bà Aung San Suu Kyi có thể sẽ ra tranh chức dân biểu trong cuộc bầu cử Quốc hội một phần.

Những nỗ lực dân chủ hóa nói trên đã được quốc tế nhìn nhận, cụ thể qua việc Miến Điện sẽ được giao giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2014. Về phía Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ Obama quyết định gởi Ngoại trưởng Hillary Clinton đến thăm Miến Điện vào đầu tháng 12 tới để khuyến khích chính quyền nước này tiếp tục cải tổ chính trị. Đây sẽ là lần đầu tiên một người đứng đầu ngành ngoại giao của Hoa Kỳ đến thăm Miến Điện từ nửa thế kỷ qua. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng sẽ đến Miến Điện trong những ngày tới.

Nhật Bản còn đi xa hơn khi hôm nay loan báo sẽ cử các quan chức đến Miến Điện vào tuần tới để bàn về việc tái lập viện trợ phát triển cho nước này, vốn đã bị đình chỉ vào năm 2003, do việc bà Aung San Suu Kyi bị bắt giam.

Tuy nhiên, hiện giờ, cánh cửa của quốc tế vẫn chưa thật sự rộng mở đối với Miến Điện, vì một trong những đòi hỏi chủ yếu của các nước phương Tây là trả tự do cho toàn bộ tù chính trị vẫn chưa được đáp ứng.

23/11/11

Quân đội Ai Cập mất uy tín vì muốn bám giữ quyền lực

Một người biểu tình phản đối, gần Bộ Nội vụ Ai Cập, Cairo, 21/11/2011
Một người biểu tình phản đối, gần Bộ Nội vụ Ai Cập, Cairo, 21/11/2011
REUTERS/Asmaa Waguih

Thanh Phương 22/11/2011
 
Hàng chục người chết trong vòng ba ngày xung đột giữa người biểu tình và lực lượng an ninh ở Cairo, chính phủ xin từ chức, đó là những hệ quả tất yếu của việc người dân Ai Cập nay không còn tin tưởng vào quân đội, mà họ đã giao phó trọng trách bảo vệ thành quả cách mạng sau khi lật đổ nhà độc tài Hosni Mubarak.


Việc các quân nhân lên nắm quyền sau khi lật đổ Mubarak vào tháng 2 năm nay đã được đa số người dân Ai Cập hoan nghênh, vì họ biết ơn quân đội đã giữ đúng lời hứa không bắn vào dân. Vào lúc đó, ai cũng nghĩ rằng quân đội là thành trì vững chắc nhất để bảo đảm cho tiến trình dân chủ hóa diễn ra tốt đẹp. Sau khi cách mạng thành công, Ai Cập nằm dưới sự lãnh đạo tạm thời của Hội đồng tối cao quân lực và theo dự kiến sau bầu cử tổng thống ( thời điểm chưa được ấn định ), quyền lực sẽ được trao lại cho một chính phủ dân sự.

Nhưng gần 10 tháng sau, người dân Ai cập đã mất hết tin tưởng vào quân đội, vì họ cho rằng Hội đồng tối cao quân lực muốn bám giữ quyền lực, không tôn trọng những cam kết cải tổ dân chủ và tiếp tục chính sách đàn áp như dưới thời Mubarak. Thay vì giữ đúng lời hứa đứng bên trên mọi tính toán chính trị, chính phủ do các tướng lãnh chỉ định lại gây bất bình dư luận, khi đề nghị những điều khoản Hiến pháp, mà nếu được thông qua, sẽ giúp cho quân đội nằm ngoài mọi kiểm soát của chính phủ dân sự.

Thật ra, theo lời một nhà ngoại giao được hãng tin Reuters trích dẫn, vấn đề là quân đội Ai Cập, trước khi từ bỏ quyền lãnh đạo, muốn đặt ba điều kiện. Thứ nhất, vốn là một định chế của chế độ Mubarak, họ muốn được bảo đảm là sẽ không bị đưa ra tòa như nhà cựu độc tài. Thứ hai, quân đội muốn bảo vệ những quyền lợi kinh tế bao trùm mọi lĩnh vực, từ các nhà máy vũ khí cho đến sản xuất đồ gia dụng. Thứ ba, họ muốn duy trì những đặc quyền và quy chế riêng của quân đội.

Theo nhà ngoại giao nói trên, « từ bỏ quyền lực là cách tốt nhất để duy trì những quyền lợi, nhưng nếu từ bỏ quyền lực mà không có những bảo đảm vững chắc, thì những quyền lợi đó sẽ bị đe doạ. »

Nhưng đối với đa số người dân Ai Cập bây giờ, cách hành xử của quân đội khiến người ta có cảm tưởng là việc lật đổ chế độ Mubarak là một cuộc đảo chính quân sự hơn là một cuộc cách mạng. Nói cách khác, đó chỉ là một cuộc cách mạng nửa vời.

Chính cái tính chất nửa vời này khiến Ai Cập rơi vào khủng hoảng như hiện nay, trong khi chỉ còn chưa tới một tuần nữa là diễn ra bầu cử Quốc hội đầu tiên kể từ khi chế độ Mubarak sụp đổ, bắt đầu từ ngày 28/11.
Trong tình hình này, nhiều nhân vật tên tuổi ở Ai Cập, trong đó có ông Mohamed ElBaradei, đã một lần nữa kêu gọi thành lập một « chính phủ cứu nguy dân tộc ». Đồng thời, họ thúc giục quân đội sửa đổi lịch trình chuyển giao quyền lực cho thành phần dân sự.

Hôm nay 22/11/2011, lần đầu tiên Hội đồng tối cao quân lực đã thừa nhận là đất nước đang khủng hoảng, kêu gọi các lực lượng chính trị cấp tốc đối thoại với nhau để tìm phương cách nhanh chóng thoát ra khủng hoảng. Nhưng quảng trường Tahir hôm nay vẫn tiếp tục vang lên những khẩu hiệu đòi Hội đồng tối cao quân lực từ chức, giống như thời điểm mà người dân Ai Cập đồng loạt đứng dậy xóa sổ chế độ độc tài Mubarak.

Như vậy, có thể nói là cách mạng Ai Cập đang đi vào một bước ngoặc, với nguy cơ là nước này rơi vào hỗn loạn, thay vì tiếp bước trên con đường dân chủ hóa.

21/11/11

Thị trường bất động sản đóng băng, nguy cơ nợ xấu gia tăng

Tại một ngân hàng ở Hà Nội tháng 10/2010. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam gia tăng do khủng hoảng thị trường bất động sản.
Tại một ngân hàng ở Hà Nội tháng 10/2010. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam gia tăng do khủng hoảng thị trường bất động sản.
Reuters
 
Thanh Phương 21/1/2011
 
Theo báo cáo gần đây của một công ty dịch vụ địa ốc của Anh, CB Richard Ellis, trong khi ở các nước châu Á khác thị trường văn phòng cho thuê đang tiếp tục hồi phục từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì ở Việt Nam giá của loại địa ốc này tiếp tục giảm.

Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy bong bóng đầu cơ bất động sản ở Việt Nam đang tiếp tục xì hơi, thậm chí đã xì hết hơi, sau mấy năm tăng cao quá mức, và nay không biết bao giờ mới thoát khỏi nguy cơ phá sản. Tình trạng” đóng băng” của thị trường này làm gia tăng nguy cơ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn RFI từ Sài Gòn, chuyên gia tài chính ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng nguyên nhân khiến bong bóng bất động sản bị “xì hơi “ như vậy trước hết là do những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu:

" Từ khoảng 5 năm trở lại đây, tức là từ khoảng những năm 2004, 2005, 2006, thị trường bất động sản Việt Nam đã phát triển rất nóng, giá nhà đất tăng rất nhanh. Bong bóng bất động sản đã căng phồng từ những năm đó. Nhưng đến năm 2008, khi tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu khủng hoảng và suy thoái, thị trường bất động sản Việt Nam đã bị ảnh hưởng và bắt đầu chựng lại từ đó.
Đến cuối năm 2010 và sang năm 2011, dấu hiệu bóng bóng xì hơi trên thực tế là có xảy ra. Hiện nay có thể nói là thị trường bất động sản ở Việt Nam nay rất là im ắng và các nhà đầu tư bất động sản đang rất lo, vì họ phải giải quyết bài toán nợ ngân hàng.

Vào những năm 2005,2006 và 2007, đầu tư nước ngoài, trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam đã tăng rất cao, nên nhu cầu về văn phòng, nhà cho thuê rất lớn. Do đó, các nhà đầu tư cũng tính toán rằng trong tương lai, nhu cầu bất động sản sẽ tăng rất nhanh. Bên cạnh đó, có một lớp nhà giàu mới nổi lên rất đông, nên nhu cầu mua nhà cửa hoặc đất đai tăng theo.

Thị trường bất động sản những năm đó tăng rất nhanh, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu nước ngoài, và cũng vừa dựa trên dự báo là trong tương lai thị trường này sẽ còn tăng hơn nữa.

Đến thời điểm 2008, một phần dĩ nhiên là có tác động của khủng hoảng kinh tế, nhưng một phần cũng là nhu cầu trong nước, cũng như của nước ngoài đã giảm sụt. Do đó những dự án đang xây dựng nữa chừng đã không có đủ vốn để triển khai tiếp, hoặc những dự án đã xây dựng xong thì rất khó tìm người mua, khi tình hình khủng hoảng bất động sản kéo dài, khi mà lãi suất ngân hàng tăng khá nhanh. Cho nên nó dẫn đến tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản Việt Nam.

Chính đó là một khó khăn lớn cho các nhà đầu tư bất động sản ở Việt Nam, cũng như là khó khăn cho các ngân hàng đã cấp phát tín dụng cho lĩnh vực này."

Như vậy, bên cạnh tác động của khủng hoảng toàn cầu, giá nhà đất ở Việt Nam tuột dốc còn là do lạm phát tăng vọt, lãi suất quá cao và mức vốn cho vay giảm mạnh.

Để kềm chế mức lạm phát cao thuộc loại cao nhất châu Á, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm nay đã tăng các lãi suất và ra lệnh cho các ngân hàng phải khống chế tỷ lệ nợ trong những ngành “ phi sản xuất”, trong đó có ngành địa ốc, ở mức 16% trên tổng số vốn cho vay.

Quyết định này đã làm cạn kiệt nguồn tín dụng mà nhiều nhà kinh doanh bất động sản rất cần, bởi vì nhu cầu tiêu thụ thì xuống thấp, trong khi số tiền mà khách hàng ứng trước cũng bớt đi nhiều.

Vào thời điểm mà thị trường nhà đất ở Việt Nam lên đến đỉnh cao, khoảng 20% vốn kinh doanh là mượn từ ngân hàng, 80% còn lại là tiền ứng trước của khách hàng. Nhưng theo lời ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chính sách công, Chương trình giảng dạy Fullbright, sang đến năm 2010, tỷ lệ nói trên đã đảo ngược lại.

Trong bài nhận định về thị trường bất động sản Việt Nam, hãng tin Reuters ngày 30/09/2011 đã nêu trường hợp điển hình của công ty Hoàng Anh Gia Lai, một trong những công ty lớn nhất Việt Nam. Công ty này bị tác động nặng nề đến mức đã phải đình hoãn ít nhất ba dự án bất động sản và nay tính đến chuyện giảm bớt phần kinh doanh bất động sản. Năm 2010, 90% thu nhập của Hoàng Anh Gia Lai là từ ngành địa ốc. Theo lời chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức, công ty này dự trù là đến năm 2014 sẽ giảm phần kinh doanh bất động sản xuống còn 20%.

Tình trạng này ảnh hưởng nặng nề đến ngành ngân hàng. Về mặt chính thức, 10% số nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam hiện nay là vốn vay kinh doanh địa ốc. Nhưng trên thực tế, số nợ xấu cao hơn nhiều, ấy là chưa kể hàng tỷ đôla của các khoản vay khác bị ảnh hưởng lây bởi ngành địa ốc.

Theo hãng tin Reuters, trong 4 năm qua, mức tăng tín dụng ở Việt Nam trung bình là 35%, với tổng số tín dụng mới là 100 tỷ đôla, gần bằng với sản lượng kinh tế năm 2010 của Việt Nam. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, tình hình đó cũng đã khiến tỷ lệ tín dụng so với GDP đã tăng lên mức 125%.

Nợ xấu cũng tăng theo đà tăng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu từ 2,16% cuối năm ngoái đã tăng lên thành 3,04% tháng bảy vừa qua và theo dự báo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ này có thể lên tới 5% cuối năm nay. Nhưng ngày 1/9 vừa qua, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã cho rằng tình trạng nợ xấu của ngành ngân hàng tồi tệ hơn là con số chính thức.

Vấn đề các công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất chẳng có gì là mới mẻ ở Việt Nam, tiêu biểu là tập đoàn Vinashin, đã gần như bị phá sản. Nhưng vào thời kỳ mà bong bóng bất động sản phình to hết cỡ, nhiều doanh nghiệp Nhà nước cũng đã đua nhau lập các công ty con để kinh doanh bất động sản. Hậu quả là nợ về nhà đất đã trở thành nợ xấu nhất hiện nay.

Vào tháng 9 vừa qua, ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia cho biết là rất nhiều ngân hàng nhỏ có tỷ lệ nợ bất động sản lên tới 30-40%, thậm chí có ngân hàng vượt hơn 50%.

Cho nên, theo nhận định của chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn, hiện giờ các ngân hàng lớn có thể chống cự được, nhưng nhiều ngân hàng nhỏ chắc chắn sẽ gặp khó khăn do tình trạng thị trường bất động sản đóng băng.

Nhưng theo hãng tin Reuters, có hai vấn đề đáng quan ngại về chuyện nợ xấu ngân hàng ở Việt Nam: tình trạng thiếu minh bạch tài chính và việc các nhiều ngân hàng che dấu cách thức mà họ cắt giảm tỷ lệ nợ xấu bất động sản

Ngân hàng nào không đáp ứng chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đề ra là khống chế nợ trong các lĩnh vực “phi sản xuất” ở mức 16%, ngân hàng đó sẽ bị buộc phải tăng gấp đôi vốn pháp định và sẽ không được phép mở thêm các chi nhánh. Các nhà phân tích sợ rằng, vì biết là không thể đạt được mục tiêu đó một cách hợp pháp, một số ngân hàng sẽ tìm cách lách luật hoặc “phù phép” để chuyển nợ bất động sản ( mà không ai biết chính xác là bao nhiêu ) thành loại nợ khác, chẳng hạn như thành cổ phiếu công ty.

Hãng tin Reuters cho biết, vào cuối tháng 8 vừa qua, một báo cáo của ngân hàng Crédit Suisse đã nêu lên những rũi ro đối với các công ty và ngân hàng, và đã đi đến kết luận nhắn gởi đến các nhà đầu tư nào muốn vào thị trường Việt Nam: “ Chúng tôi khuyến cáo nên tránh các lĩnh vực dịch vụ tài chính và bất động sản, vì đây là những lĩnh vực nằm ở trung tâm điểm tình trạng nợ xấu hiện nay ở Việt Nam”.

Nếu nhìn vấn đề một cách lạc quan thì tình trạng “đóng băng” của thị trường bất động sản phải chăng cũng có cái hay là nó kéo giá nhà đất xuống đến mức hợp lý hơn, đúng với thực tế và vừa với túi tiền của đa số dân chúng, trong bối cảnh mà nhu cầu địa ốc, nhất là nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam rất lớn.

Vấn đề là tình trạng đóng băng của ngành bất động sản và hệ quả nợ xấu ngân hàng rất có thể cản trở tiến trình hồi phục kinh tế Việt Nam sau gần 1 năm bị lạm phát ở mức hai con số.

19/11/11

Phóng viên không biên giới kêu gọi yểm trợ blogger Nguyễn Tiến Trung

Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Tiến Trung (DR)
Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Tiến Trung (DR)

Thanh Phương 19/11/2011
 
Hôm qua, tổ chức Phóng viên không biên giới, trụ sở tại Paris đã ra thông cáo bày tỏ mối quan ngại về số phận của blogger và cũng là nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Tiến Trung, bị kết án 7 năm tù và ba năm quản chế với tội danh « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền » vào tháng 1/2010.

Tốt nghiệp Thạc sĩ Công nghệ tin học tại trường INSA ở Rennes (Pháp), Nguyễn Tiến Trung đã bị bắt tại nhà bố mẹ ở Sài Gòn ngày 7/7/2009 với tội danh ban đầu là « tuyên truyền chống Nhà nước ».

Trong bản thông cáo, Phóng viên không biên giới kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Nguyễn Tiến Trung, vì theo tổ chức này, những cáo buộc đối với Nguyễn Tiến Trung là hoàn toàn được ngụy tạo. Theo Phóng viên không biên giới, Nguyễn Tiến Trung chưa bao giờ gây nguy hại cho Nhà nước Việt Nam, mà chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, một quyền được bảo đảm trong Hiến pháp Việt Nam. Tổ chức này cho rằng chính quyền Hà Nội muốn dùng trường hợp Nguyễn Tiến Trung để hù doạ những du học sinh Việt Nam, sau khi học tập ở nước ngoài, trở về Việt Nam và đòi có thêm tự do.

Theo thông báo của Ủy ban vận động trả tự do cho Nguyễn Tiến Trung, vào lúc 2 giờ chiều hôm nay sẽ diễn ra cuộc biểu tình tại Quảng trường Toà Thị chính (Place de la Mairie), thành phố Rennes với sự tham gia của thầy cô giáo và sinh viên trường INSA ở Rennes, cũng như tất cả những ai ủng hộ những hành động của Tiến Trung.

Trong khuôn khổ « Tuần đoàn kết quốc tế » tại Pháp (Semaine de la solidarité internationale), hôm qua, 18/11/2011, ở thành phố Rennes, giáo sư Philippe Echard, chủ tịch của Ủy Ban Vận Động trả tự do cho Nguyễn Tiến Trung và cũng là thầy giáo cũ của Tiến Trung, đã thuyết trình về tình hình các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam, và đặc biệt là trường hợp của Nguyễn Tiến Trung.

Để đẩy mạnh trở lại chiến dịch vận động trả tự do cho Nguyễn Tiến Trung, bạn bè và người thân của anh đã kêu gọi ký kiến nghị ở địa chỉ http://freetrung.tk

16/11/11

Tổng thống Obama tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Úc

Barack Obama and Julia Gillard USA  Australia (Reuters)
Barack Obama and Julia Gillard USA Australia (Reuters)

Thanh Phương 16/11/2011
 
Tổng thống Barack Obama đã loan báo như trên nhân chuyến viếng thăm nước Úc trong hai ngày, bắt đầu từ hôm nay 16/11/2011. Trong cuộc họp báo chung với ông Obama, thủ tướng Úc Julia Gillard cho biết là trong thời gian đầu, Mỹ sẽ gởi 250 lính thủy quân lục chiến đến miền Bắc nước Úc kể từ giữa năm 2012.

Theo thủ tướng Úc Julia Gillard, việc Hoa Kỳ gởi lính thủy quân lục chiến đến miền Bắc nước Úc là nhằm tăng cường liên minh quân sự giữa hai nước. Số lính Mỹ có thể dần dần được tăng từ 250 lên tới 2.500. Lực lượng Mỹ sẽ được phân bổ theo thời hạn mỗi 6 tháng đến căn cứ quân sự của Úc và sẽ cùng tập luyện với binh lính Úc.

Trong cuộc họp báo, tổng thống Obama nhấn mạnh việc phát triển hợp tác quân sự Mỹ - Úc và chuyến công du của ông đến châu Á - Thái Bình Dương là nhằm phát một tín hiệu rõ ràng đến các nước đồng minh trong khu vực này. Ông tuyên bố : « Vùng này có tầm quan trọng chiến lược rất lớn đối với chúng tôi. Cho dù chúng tôi đang phải thông qua nhiều quyết định về ngân sách ở Mỹ, hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương vẫn là ưu tiên hàng đầu của tôi ».

Tổng thống Obama nhấn mạnh là Hoa Kỳ không sợ sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc và không tìm cách loại trừ nước này. Nhưng theo ông, Bắc Kinh phải tuân thủ những luật chơi, chẳng hạn như phải xét lạì thái độ về vấn đề thương mại nếu Trung Quốc muốn gia nhập khối « Đối tác xuyên Thái Bình Dương », dự án vùng tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, với tổng cộng 13 quốc gia đã tham gia đàm phán hoặc tỏ ý định tham gia.

Nhưng Bắc Kinh đã ngay lập tức chỉ trích việc Hoa Kỳ tăng cường hiện diện quân sự ở Úc. Trong cuộc họp báo hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã tuyên bố : « Đây có lẽ không phải là lúc thích hợp để tăng cường và mở rộng các liên minh quân sự và điều này không có lợi gì cho toàn bộ khu vực ». Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes đã đáp lại ngay, cho rằng việc tăng cường hiện dận quân sự của Mỹ tại Úc là hoàn toàn « đúng lúc ».

Tranh chấp chủ quyền Biển Đông lại gây căng thẳng Mỹ - Trung

Tổng thống Mỹ Obama và chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Diễn đàn APEC, Hawai (REUTERS)
Tổng thống Mỹ Obama và chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Diễn đàn APEC, Hawai (REUTERS)

Thanh Phương 16/11/2011
 
Vào ngày thứ bảy tới 19/11/2011, tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Bali (Indonesia), để tìm cách làm đối trọng với Trung Quốc và trấn an các quốc gia đồng minh về sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Tại cuộc họp thượng đỉnh Đông Á này, Hoa Kỳ dự trù sẽ đề cập đến vấn đề tranh chấp biển đảo giữa một số nước châu Á với Trung Quốc, trong đó dĩ nhiên là có tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Ngay từ hôm qua, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân, Bắc Kinh đã gián tiếp chỉ trích Mỹ khi tuyên bố rằng, vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông chỉ nên được giải quyết trên cơ sở song phương. Phát ngôn viên này nói : « Sự can thiệp của các thế lực bên ngoài không giúp giải quyết tranh chấp, mà trái lại, chỉ làm phức tạp thêm vấn đề và gây tổn hại đến hòa bình và an ninh trong vùng ».

Đáp lại lời chỉ trích nói trên của Trung Quốc, hôm qua, khi nói chuyện với các phóng viên trên chiếc chuyên cơ Air Force One chở tổng thống Obama đến Úc, phó cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ Mỹ Ben Rhodes đã tuyên bố : « Chúng tôi nghĩ rằng vấn đề an ninh hàng hải phải được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á và trong khuôn khổ các cuộc thảo luận này, Biển Đông dĩ nhiên là một vấn đề đáng quan tâm ».

Tuy nhiên, ông Ben Rodhes nhấn mạnh rằng hội nghị thượng đỉnh Đông Á không phải là một « tòa án ». Ông nói : « Đây không phải là một diễn đàn để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, mà đúng hơn là một diễn đàn thảo luận về những nguyên tắc mà chúng tôi đề ra cho những vấn đề đó. Biển Đông sẽ nằm trong các cuộc thảo luận về an ninh hàng hải và chúng tôi sẻ tập trung bàn về những nguyên tắc tự do thông thương ».

Không chỉ ở hội nghị thượng đỉnh Đông Á, mà vấn đề Biển Đông có thể cũng sẽ được đề cập đến trong hội nghị thượng đỉnh thường niên của ASEAN ngày mai 17/11/2011 tại Bali.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino dự trù sẽ đề nghị tất cà các bên có liên quan đến tranh chấp họp lại với nhau để thảo luận về những đòi hỏi chủ quyền của mỗi bên và phân định vùng nào là tranh chấp, vùng nào là không tranh chấp, để từ đó phát triển một vùng hợp tác phát triển.

Nhưng hiện ít có quốc gia nào trong khối ASEAN dám ủng hộ sáng kiến táo bạo của Manila, nhất là sau khi Trung Quốc cảnh báo về sáng kiến đó.

Tuy vậy, phát ngôn tổng thống Philipines hôm nay tuyên bố là Manila vẫn không từ bỏ nỗ lực lập một mặt trận đoàn kết trong khối ASEAN để đối lại với tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, khẳng định là Philippines có sự ủng hộ của Mỹ cho sáng kiến này.

Chính là nhờ có thể dựa vào đồng minh thân cận Hoa Kỳ mà Philippines dám đương đầu với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Hôm nay, nhân chuyến viếng thăm tại Manila, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã một lần nữa bảo đảm là Hoa Kỳ sẽ luôn đứng bên cạnh và « cùng chiến đấu » với Philippines. Tuy không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, nhưng bà Clinton tuyên bố Washington sẽ giúp Manila bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

Cũng để nhằm đối lại với những tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực, Hoa Kỳ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở nước Úc, với việc triển khai đến 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ ở Úc để cùng tập luyện với binh lính của nước này.

Nói chung, việc Hoa Kỳ can dự vào vấn đề Biển Đông chỉ là hệ quả hợp lý của việc Washington tăng cường sự hiện diện trên toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương, bởi vì chính tại Biển Đông mà Mỹ sẽ thể hiện quyết tâm ngăn chận đà bành trướng của Trung Quốc tại khu vực này.

Thái Lan lụt, Nhật Bản có thể chuyển đầu tư sang Việt Nam

Hảng sản xuất linh kiện Honda tại Ayutthaya bị ngập nước
Hảng sản xuất linh kiện Honda tại Ayutthaya bị ngập nước
REUTERS/Kyodo

Thanh Phương 15/11/2011
 
Theo hãng tin Bloomberg News hôm nay, 15/11/2011, sau trận lụt trầm trọng nhất từ 70 năm nay tại Thái Lan làm ảnh hưởng đến sản xuất toàn cầu, các công ty Nhật Bản, vốn là những nhà đầu tư ngoại quốc lớn nhất ở Thái Lan, có thể bỏ thêm vốn ra để xây các nhà máy tại những nước láng giềng như Việt Nam và Indonesia.


Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã đề nghị chi ra 130 tỷ baht ( 4,2 tỷ đôla ) cho việc tái thiết và ngăn ngừa lũ lụt trong tương lai, nhằm qua đó thuyết phục các nhà đầu tư ngoại quốc rằng Thái Lan vẫn là địa điểm kinh doanh an toàn, vào lúc mà các công ty Nhật như Pioneer, Honda và Toyota hạ thấp dự báo lợi nhuận sau khi phải đóng cửa nhiều nhà máy ở Thái Lan do lụt lội.

Nhưng theo lời ông Takahiro Sekido, một kinh tế gia tại ngân hàng Credit Agricole CIB ở Tokyo, xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào Thái Lan sẽ giảm bớt, mặc dù nước này vẫn là một địa điểm lý tưởng. Kinh tế gia Tohru Nishihama, thuộc Viện nghiên cứu Dai-ichi Life ở Tokyo cho biết là Việt Nam và Indonesia, vốn đã thu hút đầu tư ngoại quốc nhiều hơn Thái Lan trong năm ngoái, nay đang tìm cách thu hút thêm đầu tư của Nhật Bản.

Theo lời ông Nishihama, Indonesia có dân số đông và nhu cầu tiêu thụ nội địa rất mạnh, trong khi dân số Việt Nam cũng tăng nhanh. Chỉ riêng hai nước đã chiếm hơn phân nữa của tổng dân số 591 triệu người trong khối ASEAN.

Nhưng vấn đề là hai nước đó có sẵn sàng để tiếp nhận thêm đầu tư của Nhật Bản hay không ? Theo lời ông Maman Rusdi, chủ tịch Hiệp hội công nghiệp xe hơi của Indonesia, nước này cần phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện hệ thống đường xá, điện, hải cảng, sân bay để có thể thu hút các nhà đầu tư Nhật.

Cho nên, ông Yoichi Yajima, một quan chức thuộc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản Jetro, dự báo là sẽ không có việc các công ty Nhật ồ ạt rút đầu tư ra khỏi Thái Lan, vì cơ sở hạ tầng và hệ thống công nghiệp của nước này vẫn là những yếu tố thuận lợi cho hoạt động của các công ty Nhật.

Vào tuần trước, chủ tịch của Toyota Akio Ayoda cho biết là tập đoàn này không tính đến chuyện giảm đầu tư ở Thái Lan, mặc dầu họ đã phải ngưng sản xuất ở 3 nhà máy từ ngày 10/10 do thiếu linh kiện.
Theo thống kê từ ngân hàng Credit Agricole và bộ Tài chính Thái Lan, trong hai năm qua, Thái Lan chiếm 3,2% tổng đầu tư nước ngoài của Nhật Bản, đứng hàng thứ hai, chỉ sau Trung Quốc ( 12,6% ).

Hy Lạp, Ý thay chính phủ, các thị trường vẫn chưa an tâm

Nhân viên trên thị trường hối đoái New York, Hoa Kỳ, 14/11/2011
Nhân viên trên thị trường hối đoái New York, Hoa Kỳ, 14/11/2011
REUTERS

Thanh Phương 15/11/2011
 
Khu vực đồng euro vẫn chưa trấn an được các thị trường tài chính mặc dù hai nưóc Ý và Hy Lạp đã chỉ định tân thủ tướng. Sự xáo động của các thị trường được thể hiện qua những tấn công mới nhắm vào Tây Ban Nha.


Hôm qua, 14/11/2011, trong bài diễn văn trước Quốc hội Hy Lạp trình bày chính sách của chính phủ, tân thủ tướng Lucas Papademos đã dự báo là trước mắt Hy Lạp sẽ trải qua một giai đoạn rất khó khăn để nước này có thể thực hiện kế hoạch của châu Âu nhằm tránh bị phá sản và tiếp tục ở trong khu vực đồng euro.

Trong khi đó, tại Ý, thủ tướng tương lai Mario Monti hôm nay tiếp tục tham khảo ý kiến các chính đảng để thành lập tân nội các. Hôm qua, ông Monti đã kêu gọi các thị trường tài chính dành cho ông ít thời gian để thành lập chính phủ và thực hiện một chương trình nhằm vãn hồi sự tín nhiệm của nước Ý, đã bị mất trong những tháng cuối cùng của chính phủ Berlusconi. Ông Monti báo trước là dân Ý sẽ phải chấp nhận nhiều « hy sinh » để nước này cắt giảm món nợ công khổng lồ, lên tới 1.900 tỷ euro ( 120% GDP ).

Nhưng việc từ chức của thủ tướng Ý Berlusconi và bài diễn văn đầu tiên của tân thủ tướng Hy Lạp chỉ làm dịu các thị trường tài chính trong một thời gian ngắn. Hôm qua, sau khi đồng loạt tăng điểm vào buổi sáng, các thị trường chứng khoán châu Âu đã đều sụt điểm trở lại, nặng nhất là Milan và Madrid. Sáng nay, các thị trường châu Âu tiếp tục sụt điểm.

Một dấu hiệu khác cho thấy các thị trường vẫn chưa tin tưởng vào nước Ý, đó là lãi suất trái phiếu 10 năm của nước này hôm nay đã một lần nữa vượt ngưỡng 7%. Nhưng điều đáng ngại là nay đến lượt Tây Ban Nha rơi trở lại vào tằm ngắm của giới đầu cơ. Vào lúc mà nưóc này dự trù trong tuần này sẽ vay đến 7,5 tỷ euro trước khi bầu Quốc hội vào Chủ nhật, lãi suất trái phiếu thời hạn 10 năm của Tây Ban Nha hôm qua đã tăng mạnh, lên đến mức 6,028% ( so với mức 5,851% vào thứ sáu tuần trước ). Mặt khác, mức cách biệt lãi suất giữa trái phiếu 10 năm của Tây Ban Nha với lãi suất trái phiếu của Đức ( chỉ số « chuẩn » đối với các thị trường châu Âu ) hôm qua đã tăng lên mức kỷ lục mới.

Hôm qua, Ủy ban châu Âu tiếp tục duy trì áp lực không chỉ lên Hy Lạp, mà lên cả Ý, để buộc những nước này thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết cải tổ và giảm thâm thủng ngân sách. Một phát ngôn viên Ủy ban châu Âu tuyên bố là đánh giá của họ về kinh tế Ý vẫn không có gì thay đổi mặc dù ông Berlusconi đã từ chức.

Về phần Hy Lạp, Ủy ban châu Âu vẫn đòi là đảng Xã hội và phe đối lập cánh hữu phải ghi trên giấy trắng mực đen lời cam kết sẽ thực hiện kế hoạch cứu vãn Hy Lạp được châu Âu thông qua ngày 27/10.

Nói chung, theo các nhà phân tích, tình hình chính trị vô định của nhiều nước châu Âu tiếp tục gây quan ngại cho các thị trường. Nhất là tình hình của nước Pháp nay cũng đáng lo, vì theo một báo cáo của trung tâm nghiên cứu châu Âu The Lisbon Council vừa được công bố hôm nay, chưa chắc nước này giữ được hạng điểm AAA về nợ công. Cụ thể là trong số 6 nước hiện có hạng điểm AAA, Pháp bị chấm điểm thấp nhất và tính trên 17 nước khu vực euro, Pháp đứng hạng thứ 13, thua cả Tây Ban Nha ( hạng 12 ).

Theo báo cáo này, để nước Pháp có thể tiếp tục là một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Âu, Paris phải nhanh chóng tiến hành những cải tổ quan trọng, tốt nhất là trước cuộc bầu cử tổng thống mùa xuân năm tới.

15/11/11

Việt Nam chưa đủ khả năng quản lý nhiều nhà máy hạt nhân

Thanh Phương 14/11/2011
 
Sau thảm hoạ hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản, do mối lo ngại của công luận về sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, một số nước Đông Nam Á đã xét lại các dự án nhà máy này . Thái Lan đã đình chỉ vĩnh viễn kế hoạch xây 5 nhà máy điện hạt nhân trước năm 2025. Malaysia, quốc gia dự trù xây nhà máy hạt nhân đầu tiên trước năm 2021 nay cũng do dự, tương tự như Indonesia, cũng có kế hoạch xây 4 nhà máy điện hạt nhân truớc năm 2025. Singapore thì đặc biệt rất thận trọng, hiện giờ chỉ mới quyết định tiến hành nghiên cứu khả thi về việc sử dụng điện nguyên tử.

Chỉ có riêng Việt Nam là vẫn không thay đổi lập trường, nhất quyết thực hiện kế hoạch xây dựng tổng cộng đến 8 nhà máy điện hạt nhân và như vậy là sẽ trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có điện hạt nhân. Nhà máy đầu tiên sẽ do Nga xây dựng và theo dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020. Nhà máy thứ hai sẽ sử dụng công nghệ của Nhật Bản.

Nhân chuyến viếng thăm Nhật Bản của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cuối tháng 10 vừa qua, hai nước đã nhắc lại quyết định của chính phủ Việt Nam chọn Nhật Bản là đối tác để xây hai lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân số 2 ở tỉnh Ninh Thuận. Trong bản thông cáo chung sau cuộc hội đàm giữa hai thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Yoshihiko Noda, phía Nhật đã cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam “những công nghệ bảo đảm mức an toàn hạt nhân cao nhất thế giới”.

Chưa biết là chừng nào sẽ khởi công xây dựng nhà máy số 2 này, nhưng chưa gì Việt Nam đã quyết định sẽ tăng cường hợp tác với Hàn Quốc về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ ba, cũng bao gồm 2 lò phản ứng.

Nhưng trong khi đó, đối với những chuyên gia hạt nhân như giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt, Việt Nam chưa đủ điều kiện về nhân lực, trình độ, cơ sở hạ tầng để có thể quản lý nhiều nhà máy điện hạt nhân như thế. Theo giáo sư Phạm Duy Hiển, trước khi làm điện hạt nhân, lẽ ra Việt Nam nên tập trung vào việc tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và phát triển các loại năng lượng tái tạo. Sau đây mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn:

Giáo sư Phạm Duy Hiển
 
12/11/2011
by Thanh Phương
 
 
RFI : Thưa giáo sư, nhân chuyến đi Nhật Bản vừa qua của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai nước đã khẳng định là Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai và phía Nhật Bản cũng cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam công nghệ hạt nhân « an toàn nhất thế giới”, cho dù bản thân nước Nhật vừa gặp sự cố ở Fukushima. Lời cam kết đó có thật sự trấn an các chuyên gia hạt nhân như giáo sư hay không ?

Giáo sư Phạm Duy Hiển : Tôi không hào hứng lắm khi nghe thông tin như anh vừa nói. Vì sao ? Thứ nhất, phía Nhật bảo rằng họ cung cấp cho ta những công nghệ hiện đại nhất, an toàn nhất, thì khái niệm này nói chung rất là mơ hồ. Thứ hai là nó không thích hợp gì với điều kiện của Việt Nam. Việt Nam chưa đủ điều kiện để tiếp thu bất cứ công nghệ nào. Tuyên bố đó là công nghệ an toàn nhất là điều mà các nhà chuyên môn không thể chấp nhận được.

Nước Nhật đã bị thảm họa Fukushima mà cả thế giới đều biết. Trong thời gian vừa qua cũng đã có hai thủ tướng đều tuyên bố rằng tương lai sẽ không phụ thuộc nhiều vào năng lượng hạt nhân nữa. Người ta đặt câu hỏi là nước Nhật sẽ từ bỏ dần dần sự phụ thuộc đấy, sao lại xuất khẩu năng lượng hạt nhân sang các nước khác ? Đó là điều không lô gích chút nào cả. Tại sao người Nhật không chấp nhận năng lượng hạt nhân,mà họ lại đẩy năng lượng đó sang nước khác ? Tôi thấy điều đó không đàng hoàng chút nào.

Tất nhiên ở Việt Nam cũng có những luồng ý kiến cho rằng là chúng ta sẽ có công nghệ an toàn nhất. Nhưng, như tôi nói ở trên, thế nào là an toàn nhất ? Chưa có gì có thể khẳng định chuyện ấy cả. Trên thế giới, tại sao ở Đức người ta bỏ hạt nhân, trong khi Pháp vẫn làm hạt nhân. Gần đây nhất, Bỉ cũng vừa tuyên bố sẽ bỏ hạt nhân. Mỗi nước có những hoàn cảnh của nó và Việt Nam không giống gì với những nước đó cả.

Thứ nhất, Việt Nam chưa có những người hiểu biết, chưa có chuyên gia, chưa có đội ngũ để làm hạt nhân. Hệ thống tổ chức, quản lý về an toàn, pháp lý cũng chưa đủ điều kiện để làm bất cứ công nghệ nào. Chúng ta làm nhà máy thứ nhất, với sự trợ giúp của Nga và nhà máy ấy sẽ có hai lò phản ứng, nhưng bây giờ lò đầu tiên vẫn chưa bắt đầu và đội ngũ nhân lực cũng chưa đâu vào đâu. Thế thì đến lò thứ hai, ai sẽ làm ? Người Việt Nam làm hay tất cả sẽ do người nước ngoài làm ? Tôi thấy chính phủ vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng. Rồi đây sẽ có đàm phán với những nước khác để làm những lò phản ứng khác nữa.

Thứ hai, việc chọn đối tác không chỉ đơn thuần là vấn đề chính trị, mà còn phải tính đến vấn đề công nghệ. Ở Việt Nam, đội ngủ nhân lực không có, cơ sở hạ tầng không có. Bây giờ dùng công nghệ của Nga, rồi dùng công nghệ của Nhật, vài hôm biết đâu lại dùng tới công nghệ của một nước khác nữa. Lực lượng của chúng ta làm sao có thể trải ra để mà tiếp thu hết, nếu chúng ta thực sự muốn làm chủ những công nghệ đó.

Còn một điểm nữa, đó là tiền bạc của chúng ta cũng không đủ. Theo báo chí thì hai lò của Nhật thì sẽ là khoảng 13 tỷ đôla, trong khi vào lúc đưa ra Quốc hội cách đây một năm, người ta chỉ dự trù khoảng 5 tỷ rưỡi đôla. Bây giờ đã lên tới 13 tỷ và sau này không biết có còn tăng lên nữa hay không.

RFI : Thưa giáo sư Phạm Duy Hiển, Việt Nam không chỉ dự trù xây 2 nhà máy hạt nhân, mà sẽ xây đến 8 nhà máy, với lý do là nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng theo đà phát triển kinh tế. Theo giáo sư thì Việt Nam có cần đến 8 nhà máy hạt nhân hay không ?

Giáo sư Phạm Duy Hiển : Tôi cho là không cần. Việt Nam hiện quá lãng phí năng lượng và không chịu giải quyết vấn đề sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả, mà cứ nghĩ đến chuyện thiếu đâu thì làm đấy. Tôi có thể cam đoan điều này, mà sau này nhiều người sẽ thấy rõ : nếu đến những năm 2020-2030 mà Việt Nam tiếp tục sử dụng năng lượng với tốc độ như hiện nay và sử dụng một cách vô hiệu quả như thế thì nền kinh tế đó sẽ gặp bế tắc. Và tất nhiên là sẽ không có đủ tiền để làm. Riêng hai lò của Nhật đã là 13 tỷ đôla rồi, lấy tiền đâu ra mà làm đến 16 lò ?

Việt Nam phải nghĩ đến những nguồn năng lượng khác, đến chuyện tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng có hiệu quả. Hiện nay, tốc độ tăng điện năng vẫn cao hơn gấp đôi tốc độ tăng GDP. Cho nên tôi không hiểu cách hoạch định là như thế nào và làm sao lại có chuyện lạ như thế. Nhưng tựu trung lại vấn đề vẫn là chúng ta không đủ sức để tiêu hóa tất cả những công nghệ đớ. Chính sách đó sẽ dẫn đến những chỗ rất không tốt. Cần phải cân nhắc lại, chứ không thể cứ thế mà làm. Làm điện hạt nhân khác với việc xây một nhà máy bình thường.

Việc xảy ra ở Fukushima ai cũng thấy rõ rồi. Không thể không nghĩ đến những bài học từ Fukushima, cho dù nước nào cũng hứa sẽ cung cấp cho Việt Nam công nghệ tiên tiến nhất. Tất cả đều phụ thuộc về phía Việt Nam : nhân lực chưa đủ, tổ chức chưa thich hợp. Những tai nạn giao thông, những vấn đề vệ sinh thực phẩm chứng tỏ là trình độ của chúng ta chưa quản lý được nhà máy điện hạt nhân, mà lại là quản lý cả chục lò phản ứng.

Cũng cần phải xem xét lại những đối tác vẫn cam kết sẽ cung cấp công nghệ hạt nhân an toàn nhất, bởi vì điện hạt nhân phụ thuộc vào văn hóa an toàn. Việt Nam chưa có văn hóa an toàn công nghiệp nói chung, còn nước ngoài cũng có vấn đề về văn hóa an toàn, cho nên mới tuyên bố những câu ngạo mạn như thế. Những vụ Tchernobyl hay Fukushima cho thấy là vẫn chưa có văn hóa an toàn ở những nưóc đó.
Cụ thể trong vụ Fukushima, tập đoàn Tepco, mà cũng sẽ giúp Việt Nam xây nhà máy hạt nhân, đã dấu giếm mọi thứ. Rồi trong chính phủ Nhật cũng có những người cấu kết với tập đoàn này. Những chuyện đó báo chí Nhật đã nêu lên rất rõ. Và cái đấy là rất nguy hiểm. Nếu họ đem cái tác phong làm việc như thế, cái văn hóa như thế sang Việt Nam, thì tôi không biết hậu quả sẽ như thế nào.
Cho nên ở đây cần phải xem lại vấn đề một cách rất nghiêm chỉnh. Tôi vẫn cho rằng cần phải lùi lại 10 năm nữa, kể cả nhà máy do Nga xây dựng, vì ta chưa đủ điều kiện để làm. Bây giờ thì đã lỡ rồi, cũng phải bắt đầu làm một cái gì đó, nhưng không thể làm một lúc nhiều cái nhà máy như thế, lực lượng ở đâu ra mà làm và trình độ thì chưa có.

RFI : Năng lượng hạt nhân rõ ràng có những hạn chế về mặt an toàn, cho nên cũng phải nghĩ đến việc phát triển các năng lượng tái tạo. Nhưng phát triển năng lượng tái tạo có quá tốn kém so với lượng năng lượng tạo ra ?

Giáo sư Phạm Duy Hiển : Rất may là gần đây ở trong nước việc này đã được đẩy mạnh. Tôi cũng tham gia nhiều diễn đàn trên mạng và đi nói chuyện các nơi với các em sinh viên thì tôi thấy là sự hào hứng về năng lượng tái tạo đang lên rất cao và tôi tin là có thể làm được.

Hiện giờ số nhà máy điện gió được đăng ký đã có khá nhiều và chính phủ cũng có những chính sách khuyến khích chuyện này. Một số người nghĩ rằng chuyện này chẳng đáng là bao nhiêu cả. Nhưng tôi nghĩ là cũng nên mạnh dạn làm chuyện này. Nhất là nếu nước Nhật cũng chuẩn bị bỏ dần năng lượng hạt nhân, chuyển sang năng lượng tái và nhiều nước khác cũng làm như vậy thì dần dần giá của năng lượng này sẽ rẻ hơn và có thể chấp nhận được.

Hiện nay mặc dù là sự hào hứng trong xã hội về năng lượng tái tạo đang lên rất cao trong thời gian gần đây ở Việt Nam, nhưng nó vẫn chưa trở thành một cao trào lớn để thu hút các ngành công nghiệp. Hướng về những năng lượng tái tạo thì an toàn hơn, người dân đỡ lo hơn.

Bây giờ cứ tính là 2 lò phản ứng 2000 megawatt của Nhật là 13 tỷ đôla. Nếu bỏ 13 tỷ đôla ấy để làm năng lượng tái tạo ( trước mắt là năng lượng gíó thôi, vì năng lượng Mặt trời còn khó), thì chúng ta cũng làm được rất nhiều. Cho nên cần phải cân nhắc lại và theo tôi không nên coi thường khả năng làm năng lượng tái tạo của Việt Nam và trên thế giới nói chung. Cả Trung Quốc và nhiều nước khác đang làm rất mạnh, còn Việt Nam mình cứ nghĩ là làm một nhà máy hạt nhân cho nó tiện, một lúc sản xuất được hàng ngàn megawatt. Đó là cách tư duy không còn phù hợp, trong khi xu thế chung trên thế giới là ngày càng bớt phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân.

RFI : Ngoài những năng lượng tái tạo, Việt Nam có nên đẩy mạnh phát triển thủy điện như là giải pháp thay thế cho hạt nhân ?

Giáo sư Phạm Duy Hiển : Thủy điện ở Việt Nam cũng đã gần đến mức bão hòa và cũng không còn nhiều nữa. Các đập thủy điện cũng tàn phá môi trường. Trong những năm gần đây ở Tây Nguyên đã xảy ra những vụ lũ lụt, lũ quét. Một phần đó cũng là hậu quả của việc chúng ta đã xây những đập thủy điện không đúng quy hoạch về môi trường.

Theo tôi, tốt hơn hết là thứ nhất, phải tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Dư lượng ở Việt Nam vẫn còn rất lớn và Nhà nước cần quyết tâm làm việc này để giảm tốc độ tăng điện năng xuống. Chỉ cần xuống bằng các nước láng giềng thôi, chứ cũng chẵng đòi hỏi gì cao. Hiện giờ tốc độ tăng của mình cao gấp đôi các nước chung quanh, vậy thì cứ làm cho nó bằng các nước đó đi.

Thứ hai phải đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, trước hết là năng lượng gió, mà hiện chưa được khai thác nhiều. Tất nhiên là giá thành của năng lượng này vẫn còn cao, nhưng có thể chọn giải pháp là nâng giá điện lên cho bằng với mức của thế giới. Khi đẩy giá điện lên thì người dân cũng phải lo tiết kiệm điện, chứ không tiếp tục dùng bừa bãi được. Thứ ba mới nghĩ đến những nguồn năng lượng khác. Hiện nay, đối với ta dễ chịu nhất vẫn là những nguồn năng lượng cũ, ví dụ như than hoặc dầu. Than và dầu ta đều có. Dầu nếu có nhập thì cũng nhập một mức nào đó thôi, còn hơn là làm điện hạt nhân, phải nhập toàn bộ, vì ta chẳng có gì. Sử dụng những năng lượng đó thì đội ngũ nhân lực của chúng ta cũng sẳn sàng rồi, chẳng cần phải chuẩn bị gì đặc biệt cả. Giá thành thì cũng vẫn còn rẻ.

Gần đây, trong một cuộc giao lưu với sinh viên, tôi có đề nghị là Việt Nam nên ra một Sách trắng về năng lượng, đặc biệt là về điện năng. Trong quyển sách trắng đó sẽ nói rất rõ những gì mà chúng ta bàn vừa rồi, căn nhắc, xem xét và chọn lựa những con đường tối ưu nhất cho Việt Nam. Không thể nghĩ rằng đã quyết định từ mấy năm nay rồi thì cứ thế mà làm. Cách tư duy như thế bây giờ không hợp nữa.

Kinh tế Việt Nam cũng đang ngày càng khó khăn, mất cân bằng, tăng trưởng không có bao nhiêu, lạm phát thì rất cao. Đó là hậu quả việc không tính toán những đầu tư. Gần đây chính phủ nói rất nhiều việc tái cơ cấu đầu tư công, nhưng qua việc làm điện hạt nhân thì tôi thấy là thực chất chính phủ chưa đi theo con đường đó. Nếu thực sư đi theo con đường đó thì phải đem vấn đề ra mổ xẻ phân tích tìm ra giải pháp tối ưu.

RFI : Xin cám ơn giáo sư Phạm Duy Hiển.

12/11/11

Tình hình giáo xứ Thái Hà vẫn căng thẳng

Giáo dân giáo xứ Thái Hà trước UBND quận Đống Đa, Hà Nội ngày 27/10/2011
Giáo dân giáo xứ Thái Hà trước UBND quận Đống Đa, Hà Nội ngày 27/10/2011
Nguồn: giaoxuthaiha.org

Thanh Phương 12/11/2011
 
Sau vụ những người tự nhận là « quần chúng tự phát » kéo đến phá cổng, gây hấn, uy hiếp các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong sân nhà thờ Thái Hà, Hà Nội ngày 3/11 vừa qua, tình hình tại giáo xứ này hiện rất căng thẳng. Theo linh mục Nguyễn Văn Phượng, chánh xứ nhà thờ Thái Hà, công an, mặc sắc phục lẫn thường phục, hiện đang bao quanh nhà thờ, trong khi giáo dân từ các nơi trở về đây để bảo vệ nhà thờ cũng như các linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội.

Cho đến nay, vấn đề trao trả cơ sở tu viện cho giáo xứ Thái Hà vẫn không có tiến triển gì mới sau các cuộc gặp giữa đại diện giáo xứ với đại diện Bệnh Viện Đống Đa và Sở Y tế Hà Nội.

Giáo xứ Thái Hà cũng đang xem xét khả năng khởi kiện những người đã tham gia gây rối tại nhà thờ ngày 3/11, đặc biệt là những người đã có những lời lẽ sỉ vả và hăm dọa các linh mục, tu sĩ.

Trả lời RFI hôm nay, cha Nguyễn Văn Phượng, chánh xứ nhà thờ Thái Hà cho biết :

Cha NguyễnVăn Phượng Nghe (03:42)
More
 
 
 

Dự án TPP sẽ được cụ thể hóa tại Thượng đỉnh APEC

Lãnh đạo các nước tham gia đàm phán TPP
Lãnh đạo các nước tham gia đàm phán TPP
AFP

Thanh Phương 12/11/2011
 
Nhân Hội nghị Thượng đỉnh APEC khai mạc hôm nay, 12/11/2011, ở Honolulu, Hawai, 10 quốc gia vùng Thái Bình Dương sẽ cụ thể hóa dự án khu vực tự do mậu dịch do Mỹ chủ xướng, một khối sẽ không có sự tham gia của Trung Quốc, cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới.

Tại Honululu hôm nay, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ loan báo những nét chính của dự án « Đối tác xuyên Thái Bình Dương » ( TPP ) trong cuộc họp giữa 10 nước có liên quan, bao gồm Úc, Brunei, Chilê, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Riêng Nhật Bản, cường quốc kinh tế thứ ba thế giới, chỉ mới vừa bày tỏ ý định tham gia TPP hôm qua. Sự kiện này được xem là tác nhân quan trọng thúc đẩy việc hình thành khu vực tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương, mặc dù chưa ai biết là lịch trình thương lượng của Nhật Bản cụ thể sẽ diễn ra như thế nào. Ngay cả Canada, một thành viên quan trọng của APEC, hôm qua cũng cho biết đang nghiên cứu dự án TPP, tuy chưa quyết định là có sẽ tham gia thương lượng hay không.

Khi đề ra dự án TPP, tham vọng của Hoa Kỳ là thuyết phục các nước tham gia chấp nhận những chuẩn mực về xã hội và môi trường, đổi lại việc tự do hóa mậu dịch. Đối với đại diện thương mại của Mỹ Ron Kirk, TPP sẽ là « hiệp ước cho thế kỷ 21 ».

Nhưng còn nhiều trở ngại đang chờ đón khu vực tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương. Trước hết, với việc Nhật Bản tỏ ý định tham gia TPP, dự án này càng cô lập thêm Trung Quốc, quốc gia vẫn chưa được mời tham gia và như vậy Bắc Kinh lại càng xem TPP là mưu toan của Hoa Kỳ nhằm tạo vành đai bao vây Trung Quốc về mặt kinh tế, gạt nước này ra khỏi mậu dịch quốc tế.

Sau khi Nhật Bản loan báo ý định tham gia thương lượng gia nhập TPP, hôm qua, trợ lý bộ trưởng Thương mại Du Kiến Hoa tuyên bố là Trung Quốc sẽ xem xét việc tham gia dự án này nếu được mời.

Thật ra thì Hoa Kỳ không bao giờ nói thẳng là muốn loại trừ Trung Quốc trong dự án TPP, nhưng Washington vẫn nhấn mạnh rằng gia nhập khu vực tự do mậu dịch này đòi hỏi phải tuân thủ những tiêu chuẩn rất gắt gao về minh bạch và môi trường, hai lĩnh vực mà Bắc Kinh thường xuyên bị chỉ trích.

Một số quốc gia khác cũng chưa chắc sẽ hội đủ các tiêu chuẩn gia nhập TPP. Ngay cả Nhật Bản chưa biết là có sẵn sàng sửa đổi chính sách thương mại hay không, vì nước này cho tới nay vẫn bảo vệ rất chặt chẽ thị trường nội địa của mình. Theo một quan chức cao cấp của Mỹ, Tokyo phải đáp ứng những quan ngại của Mỹ về hàng rào thuế quan trong các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và công nghiệp.

Về lâu dài, dự án TPP có nguy cơ làm trầm trọng thêm thế đối đầu Mỹ - Trung. Bắc Kinh đã ký hiệp định tự do mậu dịch với ASEAN và Ấn Độ và để cạnh tranh với TPP. Trung Quốc có thể mở rộng khối tự do mậu dịch này sang Hàn Quốc và Nhật Bản. Như vậy, vùng châu Á - Thái Bình Dương sẽ lại càng bị chia thành hai khu vực ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc - Hoa Kỳ, một hiểm họa mà Washington đang tìm cách ngăn chận.

Gần đây, trên tạp chí Foreign Policy, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã bảo đảm rằng Hoa Kỳ quyết tâm củng cố APEC để diễn đàn này thật sự là đinh chế kinh tế bao trùm toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Kurt Campbell, chủ tịch VN Trương Tấn Sang và bà Clinton
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Kurt Campbell, chủ tịch VN Trương Tấn Sang và bà Clinton
Reuters

Thanh Phương 11/11/2011
 
Ngày 10/11/2011,  tuyên bố tại Trung tâm Đông –Tây ( East- West Center ) - Hawai, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết : « Chúng tôi đã nói rõ cho Việt Nam rằng nếu muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược, như mong muốn của hai nước, Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong việc tôn trọng và bảo vệ các quyền của công dân ».


Ngoại trưởng Clinton tuyên bố như trên trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ( APEC ) tại Honolulu, Hawai. Trên nguyên tắc ngày 10/11/2011, bà Clinton đã gặp chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, hiện có mặt ở Hawai để dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Mỹ và Việt Nam cũng vừa kết thúc hai ngày đối thoại thường kỳ về nhân quyền tại Washington.

Một giới chức tham dự cuộc đối thoại về nhân quyền này ( xin được giấu tên vì tính chất tế nhị về ngoại giao ) mô tả các cuộc thảo luận là « tôn trọng, nhưng rất thẳng thắng ». Hai phái đoàn đã nói về vấn đề các tù chính trị, quyền tự do tôn giáo đối với các tín đồ Phật giáo và Thiên chúa giáo, những hạn chế đối với giới luật sư và xã hội dân sự nói chung.

Phía Mỹ cũng đã nêu lên những hạn chế về truy cập Internet ở Việt Nam cũng như các vụ tấn công tin học nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền. Phái đoàn Hoa Kỳ còn đề cập đến những trường hợp cụ thể các tù chính trị như linh mục Nguyễn Văn Lý, đã trở vào tù tháng 7/2011, sau khi được tạm hoãn thi hành án để chữa bệnh. Giới chức Mỹ nói trên cho biết là phái đoàn Việt Nam đã không trả lời một cách thỏa đáng những điểm mà phía Hoa Kỳ nêu lên về trường hợp của cha Lý.

Chính quyền tổng thống Barack Obama vẫn thường xuyên thúc giục Việt Nam có những tiến bộ về nhân quyền, nhưng vẫn tăng cường nhanh chóng quan hệ với Hà Nội, điều mà cả hai nước đều cần, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Công an lại thẩm vấn, câu lưu một số người tại Hà Nội

Công an Việt Nam đối mặt với người biểu tình chống Trung Quốc
Công an Việt Nam đối mặt với người biểu tình chống Trung Quốc
DR

Thanh Phương 11/11/2011
 
Theo các nguồn tin từ trong nước, ngày 11/11/2011, công an Việt Nam triệu tập blogger Lê Dũng, nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh và luật sư Lê Quốc Quân lên cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội để thẩm vấn.


Ngoài ra, lực lượng an ninh đã dùng vũ lực để bắt về trụ sở công an quận Hà Đông các anh Lã Việt Dũng, Phạm Chính, Nguyễn Lân Thắng. Theo blogger Nguyễn Xuân Diện, trong lúc bị công an bắt, anh Nguyễn Lân Thắng đã bị va chạm và choáng ngất, phải đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và tình trạng dường như đang rất nguy kịch. Từ Hà Nội, tiến sĩ Diện cho biết : Nghe (03:20)


Cũng về nhân quyền, chiều ngày 10/11/2011, tại Hà Nội, nhà giáo Vũ Hùng đã bị công an sách nhiễu và bắt đưa về phường làm việc, với lý do vi phạm lệnh quản chế sau khi mãn hạn tù, nhưng ông đã không ký vào các biên bản của công an.

Vì đã tham gia đấu tranh dân chủ, treo biểu ngữ chống tham nhũng, phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, nên ông Vũ Hùng đã bị bắt vào năm 2008 và bị kết án 3 năm tù giam. Đến tháng 9/2011, thầy giáo Vũ Hùng mãn hạn tù, nhưng phải bị quản chế ở địa phương.

Trước đó, ngày 08/11/2011, công an đã đến khám xét, thu giữ máy móc và tài liệu của gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Hôm qua, ông Huỳnh Ngọc Tuấn và hai người con là Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu đã bị mời lên Sở Thông tin - Truyền thông Quảng Nam để làm việc về việc « tàng trữ tài liệu chống phá Nhà nước". Thế nhưng, ba cha con ông Huỳnh Ngọc Tuấn đã từ chối lên làm việc. Theo tờ Người Lao Động, dù không có mặt các đương sự, công an đã mở các « tang chứng » là những cuốn vở và máy tính, trong đó có nhiều tài liệu, hình ảnh bị coi là có nội dung « bôi nhọ, phản động, chống phá Nhà nước ».

Vào năm 1992, ông Huỳnh Ngọc Tuấn đã từng bị phạt tù 10 năm với tội danh « Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam ».

7/11/11

Thái Hà lại trở thành tâm điểm của tranh chấp đất đai Giáo hội-Nhà nước

Thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình, chủ quyền của Việt Nam và ủng hộ các nhà dân chủ, Nhà thờ Thái Hà, Hà Nội, 30/7/2011.
Thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình, chủ quyền của Việt Nam và ủng hộ các nhà dân chủ, Nhà thờ Thái Hà, Hà Nội, 30/7/2011.

Thanh Phương 7/11/2011
 
Trong những ngày qua, tình hình tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội lại nóng lên, sau vụ một đám đông cả trăm người, được mô tả là « quần chúng tự phát », xông vào uy hiếp, hành hung các linh mục, tu sĩ trong sân nhà thờ ngày 3/11 vừa qua. Vụ này là diễn biến mới của tranh chấp nhà đất đã kéo dài từ nhiều năm qua giữa Dòng Chúa Cứu thế ( DCCT ) Hà Nội với chính quyền địa phương.


Vụ việc xảy ra sau khi các linh mục, tu sĩ giáo xứ Thái Hà ngày 27/10 vừa qua nộp đơn đòi trả lại cơ sở của tu viện DCCT Hà Nội mà theo họ, chính quyền thành phố Hà Nội đã mượn từ 40 năm nay để làm bệnh viện Đống Đa, nhưng đã sử dụng sai mục đích, thậm chí trái với tâm linh, đạo đức tôn giáo.

Ngoài việc nộp đơn, DCCT đã lắp trên nóc Tu viện trong nhà thờ Thái Hà một bản điện tử với hàng chữ : « Yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội trả lại tu viện đang mượn làm bệnh viện Đống Đa ». Yêu cầu này càng bức thiết vì bệnh viện này đang chuẩn bị thực hiện dự án trạm xử lý nước thải ngay trên đất của giáo xứ Thái Hà.

Nhưng báo chí chính thức ở Việt Nam thì lại không nhắc gì đến yêu cầu nói trên của DCCT, mà trình bày sự việc như là « vụ cản trở xây dựng Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Đống Đa », một công trình « phúc lợi xã hội ». Riêng tờ Hà Nội mới, trong hai ngày 2 và 3/11 đã đăng liên tiếp những ý kiến của một số « bạn đọc », tất cả đều « bất bình » với « hành vi vi phạm pháp luật » của các linh mục Giáo xứ Thái Hà và đều yêu cầu chính quyền phải nghiêm trị các linh mục đó.

Theo tường thuật của đài truyền hình Hà Nội, chính là do « cực kỳ bức xúc » trước việc « cản trở xây dựng Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Đống Đa », nên chiều ngày 3/1, nhân dân phường Quang Trung, quận Đống Đa, gồm các « cựu chiến binh, đại diện Mặt trận Tổ quốc, phụ nữ cơ sở » đã kéo đến nhà thờ Thái Hà để « đối thoại » với linh mục chánh xứ Nguyễn Văn Phượng. Nhưng các linh mục và một giáo dân đã đáp lại bằng những « hành vi hung hãn ».

Tuy nhiên, theo báo cáo của linh mục chánh xứ Nguyễn Văn Phượng với Tổng giám mục Hà Nội thì chính những người dân đó đã cầm loa tay chửi bới các tu sĩ, linh mục và xô xát với các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Những hình ảnh được phổ biến trên mạng Internet về sự việc ngày 3/11 cũng cho thấy là đi kèm theo đám « quần chúng tự phát » nói trên là một số người quay phim, chụp ảnh, mà trong đó nghe nói có một số công an mặc thường phục, chứng tỏ là hành động của đám đông này đã được chuẩn bị trước.

Bên cạnh việc huy động « quần chúng tự phát », theo tin của tờ Người Lao Động ngày 31/10, chính quyền quận Đống Đa còn ra quyết định xử phạt hành chính đối với linh mục Nguyễn Văn Phượng về « hành vi vi phạm trật tự công cộng » và xem việc lắp đặt bảng điện tử trên nóc tu viện là sai phạm vì « không có giấy phép quảng cáo và lợi dụng quảng cáo để xúc phạm danh dự lợi ích của tổ chức ».

Nhưng vụ việc nay không chỉ liên hệ đến quận Đống Đa và giáo xứ Thái Hà, vì Tòa Tổng giám mục Hà Nội ngày 4/11 vừa qua bày tỏ sự ủng hộ với tu viện và giáo xứ Thái Hà, tuyên bố « không chấp nhận những hành vi thiếu văn hóa và vi phạm pháp luật » của những người đã xâm nhập khuôn viên nhà thờ với những lời lẽ, xúc phạm và gây hấn. Đặc biệt, Tổng giáo phận Hà Nội khẳng định quyền sở hữu của DCCT trên khu đất của tu viện, « bao gồm cả cơ sở và những phần đất mà cơ quan Nhà nước đang sử dụng trên diện tích này ».

Không chỉ ở Thái Hà, mà tranh chấp nhà đất giữa Giáo hội Công giáo với Nhà nước vẫn còn dai dẳng ở nhiều nơi khác, nhưng có lẽ là do ở Hà Nội áp lực về nhà đất rất lớn, cho nên tranh chấp tại đây gay gắt hơn hết, thêm vào đó là thái độ kiên quyết của các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà, cho nên giáo xứ này lại trở thành trung tâm điểm của những tranh chấp này. Trong cuộc chiến không cân sức đó, truyền thông vẫn đóng vai trò trọng yếu, vì rõ ràng là nhờ mạng Internet mà giáo xứ Thái Hà có thể nhanh chóng phổ biến thông tin đáp lại những tuyên truyền trên báo chí chính thức.

5/11/11

Hoa kỳ tuyên bố sẽ đáp lại những cải tổ ở Miến Điện

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách nhân quyền Michael Posner (AFP)
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách nhân quyền Michael Posner (AFP)

Thanh Phương 5/11/2011
 
Sau chuyến đi kéo dài bốn ngày tại Miến Điện, hôm qua 4/11/2011, các quan chức cao cấp của Mỹ đã khen ngợi những nỗ lực cải tổ của chính phủ mới ở Miến Điện và cho biết Hoa Kỳ đang suy nghĩ về cách thức đáp lại những cải tổ này. Đến thăm Miến Điện trong cùng thời điểm, đại diện Liên Hiệp Quốc cũng hoan nghênh các cải tổ của chính quyền mới.


Trong đợt ân xá tù nhân vào giữa tháng 10 vừa qua, chính quyền Miến Điện đã trả tự do cho 200 tù chính trị trên tổng số được ước lượng khoảng 2000 người bị giam vì lý do chính kiến tại nước này. Nói chung, kể từ khi lên cầm quyền vào tháng 3, chính quyền mới của Miến Điện đã có nhiều cử chỉ thể hiện sự đoạn tuyệt với cách cai trị bảo thủ, mang tính trấn áp của tập đoàn quân phiệt từ hơn 20 năm qua.

Lần đầu tiên viếng thăm Miến Điện, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách nhân quyền Michael Posner hôm qua tuyên bố : « Đã có những bước tiến và những dấu hiệu đáng khích lệ. Chúng ta phải làm sao nhận biết được những gì đã làm được và những gì làm được là tích cực, để từ đó xây dựng những cái mới. »

Tháp tùng ông Posner, đặc sứ Mỹ về Miến Điện Derek Mitchell thì bảo đảm là Hoa Kỳ sẳn sàng đáp lại những tiến bộ của Miến Điện. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh là việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Miến Điện phải do Quốc hội quyết định. Ông Mitchell tuyên bố là chính phủ Hoa Kỳ có thể hỗ trợ các cải tổ hiện hành và khuyến khích những cải tổ mới ».

Đặc sứ Mỹ cho biết ông đã thảo luận với nhà đối lập Aung San Suu Kyi về khả năng phát triển vi tín dụng ở Miến Điện, tức là các khoản vay nhỏ để tạo vốn làm ăn, đặc biệt là cho nông dân. Cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ hiện đã có một chương trình như vậy ở Miến Điện, nhưng muốn mở rộng chương trình này cho các vùng sắc tộc thiểu số.

Chuyến đi của hai quan chức cao cấp Mỹ trùng hợp với chuyến viếng thăm Miến Điện của cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông Vijay Nambiar. Kết thúc năm ngày viếng thăm, hôm qua, ông Nambiar đã cho rằng các cải tổ hiện nay ở Miến Điện tạo ra một « cơ hội lịch sử » cho nước này.

Ông Nambiar cho biết Tổng thư ký Liên hiệp quốc được khích lệ bởi « những bước quan trọng trong những tháng qua để thực hiện chương trình cải tổ của tổng thống Thein Sein, cũng như bởi những nổ lực của toàn bộ những người quan tâm đến đối thoại và hoà giải ».

Tuy nhiên, cả Hoa Kỳ lẫn Liên hiệp quốc đều yêu cầu Miến Điện phải có thêm những cải tổ mới, đặc biệt là trả tự do cho toàn bộ các tù chính trị, yêu cầu mà cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký LHQ đã nhắc lại ngày hôm qua. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách nhân quyền Michael Posner hôm qua cũng đòi chính quyền Miến Điện trả tự do cho toàn bộ tù chính trị, đồng thời bày tỏ sự quan ngại về cách đối xử với các sắc tộc thiểu số ở nước này.

Dầu sao, xu thế cải tổ dân chủ ở Miến Điện có vẻ như ngày càng không thể đảo ngược được, nhất là hôm nay, luật sửa đổi về các chính đảng bắt đầu có hiệu lực, mở đường cho Liên đoàn quốc gia vì dân chủ, đảng của bà Aung San Suu Kyi, trở lại sân khấu chính trị ở nước này. Do tẩy chay cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm ngoái, Liên đoàn quốc gia vì dân chủ đã bị giải tán.

Chính quyền mới của Miến Điện, vốn đã mở đối thoại với bà Aung San Suu Kyi, đã tuyên bố sẳn sàng làm việc với Liên đoàn, nếu đảng này đăng ký hoạt động trở lại. Luật sửa đổi còn xóa bỏ một điều khoản quy định những người đang ngồi tù không được là đảng viên của một chính đảng.

WWF : Cần phá vỡ đường dây buôn sừng tê giác từ Nam Phi về Việt Nam

WWF-Canon/Martin Harvey

Thanh Phương 4/11/2011
 
Tổ chức Quỹ Thế giới Bảo tồn Thiên nhiên ( WWF ) hôm qua ra thông cáo cho biết là số tê giác bị sát hại ở Nam Phi đã đạt mức kỷ lục mới, với 341 con bị triệt hạ từ đầu năm đến nay, so với 333 con toàn bộ năm 2010.


Nạn săn bắt tê giác sở dĩ lan tràn như vậy là vì tại châu Á, sừng tê giác rất được ưa chuộng trong Đông y. Nhất là tại Việt Nam, nhiều người tin rằng sừng tê giác có thể chữa bệnh ung thư, cho dù điều này hoàn toàn không có cơ sở về mặt y khoa.

Theo tổ chức Công ước về buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới ( CITES ), giá sừng tê giác có thể lên tới nửa triệu đôla một sừng. Trong bản thông cáo của WWF, ông Joseph Okori, điều phối viên chương trình châu Phi của WWF về tê giác, cho là để cứu tê giác khỏi nạn tuyệt chủng, các tổ chức tội phạm hoạt động giữa Nam Phi với Việt Nam phải bị phát hiện và triệt tiêu vĩnh viễn. Ông Okori nói thêm, Việt Nam phải theo gương Nam Phi, tức là bỏ tù những người săn bắt và buôn bán sừng tê giác.

Tổ chức WWF nhắc lại rằng loài tê giác Java kể từ nay đã tuyệt chủng ở Việt Nam, sau khi con cuối cùng được tìm thấy bị chết, sừng bị cắt tại Vườn quốc gia Cát Tiên vào tháng 4/2010. Trong khi đó, Nam Phi, quốc gia hiện có khoảng 20 ngàn tê giác, chỉ mất 13 con trong năm 2007.

Chính quyền nước này đã đối phó bằng cách điều động các đơn vị quân đội chống tệ nạn hiện đang đe doạ về ngắn hạn sự sống còn của loài tê giác hoang dã. Nhưng các toán săn bắt, cũng được tổ chức rất chặt chẽ, sử dụng trực thăng, thiết bị nhìn ban đêm và súng cỡ lớn.

4/11/11

Chuyên mục: Thấy mà ngán ngẩm 11/2011

Nữ sinh lớp 8 hỗn chiến, 2 em nhập viện cấp cứu ( Lao Dong 21/11/11 )
 

Trưởng công an xã bị tố đánh dân đa chấn thương ( VnExpress 21/11/11 )


Phó chánh án âu yếm nữ nhân viên để 'an ủi' ( VnExpress 16/11/11 )


CSGT bị tố đánh gãy mũi người dân ( VietnamNet 5/11/11 )


  Hà Nội: Diễn tập chống khủng bố tấn công trụ sở ủy ban  ( Dân Trí 4/11/1 )

"Không đồng ý với chính quyền địa phương và Ban quản lý dự án trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng để làm đường, bọn khủng bố đã kích động nhân dân. 5 tên tấn công vào trụ sở UBND phường, bắn chết bảo vệ, khống chế con tin."

Chỉ mới " không đồng ý" mà đã biến thành " khủng bố" rồi!

 Luật cần không có, lại thò ra luật nhà thơ ( Pháp luật TPHCM 3/11/11 )

Rồi sẽ có cả luật nhà đòn?

Kỹ sư đứng đường phân luồng giao thông ( VnExpress 2/11/11 )

Độc đáo chỉ ở Việt Nam mới có.

3/11/11

Khu vực euro chuẩn bị cho khả năng chia tay Hy Lạp

Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou.
REUTERS/Thierry Roge

Thanh Phương 3/11/2011
 
Cho tới nay là đề tài tuyệt đối cấm kỵ, việc Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro là một khả năng mà các nước sử dụng đồng tiền chung nay phải dự trù tới, cho dù nó sẽ gây những hậu quả trầm trọng cho toàn bộ khu vực euro.


Trong cuộc trưng cầu dân ý trên nguyên tắc diễn ra ngày 4/12 tới, người dân Hy Lạp sẽ cho biết ý kiến về kế hoạch cứu vãn nước này và coi như là qua đó, quyết định Hy Lạp có tiếp tục nằm trong khu vực đồng euro hay không.

Vì quá chán ngán với những biện pháp thắt lưng buộc bụng, cử tri Hy Lạp rất có thể sẽ bỏ phiếu chống và như vậy là nước này sẽ bị vỡ nợ vì không còn nhận được bất cứ nguồn tài trợ nào từ khu vực euro cũng như từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Cụ thể hơn, Hy Lạp sẽ rơi vào tình trạng gọi là « phá sản vô trật tự », tức là phá sản mà không có thương lượng trước với các ngân hàng chủ nợ, giống như trường hợp của Achentina trước đây, đã tự giảm 75% nợ của mình. Trong kịch bản đó, Hy Lạp sẽ phải rời khỏi Liên hiệp tiền tệ, cho dù các hiệp ước không dự trù đến khả năng này.

Một khi ra khỏi khu vực euro, Hy Lạp sẽ sử dụng trở lại đồng tiền quốc gia, đồng drachme. Nhưng theo ông Partick Artus, kinh tế gia thuộc ngân hàng Natixis, để cân đối lại cán cân thương mại, Hy Lạp cần phải phá giá 55% đơn vị tiền tệ nước này. Hậu quả sẽ là lạm phát phi mã, thất nghiệp tăng cao, đẩy nền kinh tế Hy Lạp vào suy thoái. Thành ra, như lời ông Pascal Lamy, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới, đối với dân Hy Lạp, bỏ euro sẽ còn « đau đớn hơn » toàn bộ các kế hoạch khắc khổ được thi hành từ trước đến nay ở nước này.

Mặt khác, ra khỏi khu vực đồng euro cũng chẳng giải quyết được gì cho vấn đề nợ công của Hy Lạp, bởi về món nợ này sẽ tăng gấp bội do việc phá giá đồng drachme. Trong trường hợp này không thể loại trừ khả năng Hy Lạp bị vỡ nợ hoàn toàn và thiệt hại đối với các ngân hàng chủ nợ được dự đoán sẽ là khoảng 300 tỷ euro.

Bộ trưởng Pháp đặc trách các vấn đề châu Âu, ông Jean Leonetti nhắc lại rằng, trước đây, sau khi bị vỡ nợ, Achentina đã phải mất 10 năm mới gượng dậy được. Nhưng Achentina có nhiều khả năng xuất khẩu, trong khi Hy Lạp thì không có gì, cho nên không biết bao giờ mới nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Không chỉ có Hy Lạp, mà việc nước này từ bỏ đồng tiền chung sẽ gây tác hại đến toàn khu vực euro, vì nếu những nước khác cũng làm theo Hy Lạp, khối euro sẽ dần dần tan rã, chỉ hơn 10 năm sau khi ra đời. Trước mắt, việc này sẽ làm tăng thêm nguy cơ khủng hoảng nợ công lan sang các nước suy yếu khác như Tây Ban Nha, Ý, Bỉ. Thậm chí cả Pháp cũng khó tránh khỏi bị kéo vào vòng xoáy.

Cho nên, theo nhận định của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, khối euro cần phải nhanh chóng có những tiến bộ về việc tăng cường sức can thiệp của Quỹ cứu trợ các nước gặp khó khăn FESF. Việc tăng vốn cho quỹ này đã được thông qua trong cuộc họp thượng đỉnh vừa qua của khối euro cách đây chưa tới một tuần, để ngăn không cho khủng hoảng lan sang Ý và Tây Ban Nha, hai nước đang trong tầm ngắm của các thị trường.