10/5/09

VIỆT NAM-TRUNG QUỐC Tranh chấp mới : ranh giới ngoài thềm lục điạ

Bài đăng ngày 09/05/2009 Cập nhật lần cuối ngày 09/05/2009 13:34 TU

Bản đồ Biển Đông

Bản đồ Biển Đông

Tranh chấp chủ quyền trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc lại nổi lên trong tuần này với việc chính phủ Hà Nội nộp bản báo cáo về Ranh giới ngoài thềm lục điạ.

Bản báo cáo này đã được nộp cho Uỷ ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc ngày 7/5. Hạn chót để nộp bản báo cáo này là 13/5.

Như vậy là Việt Nam đã đợi đến những ngày cuối mới nộp báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục điạ, có lẽ để tránh tối đa phản ứng của phía Trung Quốc. Để không có vẻ như hành động đơn lẻ, trước đó một ngày, Việt Nam cũng đã phối hợp với Malaysia trình Liên Hiệp Quốc bản báo chung về khu vực thềm lục điạ kéo dài liên quan đến hai nước.

Theo Công ước Luật Biển, nếu rìa lục điạ của một quốc gia ven biển nhỏ hơn 200 hải lý tính từ đường cơ sở, thì thềm lục địa của quốc gia đó là 200 hải lý, còn nếu rìa lục điạ của một quốc gia ven biển rộng hơn 200 hải lý, thì quốc gia đó có quyền mở rộng thềm lục điạ ra khỏi phạm vi 200 hải lý, nhưng tối đa không quá 350 hải lý.

Muốn xác định thềm lục điạ mở rộng thì quốc gia đó phải nộp báo cáo trước ngày 13/5. Đây là trường hợp của Việt Nam.

Có điều, thềm lục địa mở rộng như vậy sẽ lấn sang đường ranh giới, gọi là ranh giới lưỡi bò mà Trung Quốc đã tự vạch ra để xác định lãnh hải của mình trên vùng biển Đông. Cho nên, Bắc Kinh đã phản ứng ngay lập tức.

Ngay trong ngày 7/5, phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã gởi một công hàm phản đối việc Việt Nam nộp báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục địa và yêu cầu Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc không xem xét báo cáo này.

Trong cuộc họp báo ngày hôm qua (08/05) tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Mã Chiêu Húc, cũng đã tuyên bố rằng báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam '' đã xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền và quyền quản lý của Trung Quốc'' ở vùng biển mà họ gọi là Nam Trung Hoa.

Cũng trong ngày hôm qua, tại Hà Nội, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Lê Dũng đã phản bác công hàm của phía Trung Quốc, cho rằng nội dung bản công hàm này « đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông ». Theo ông Lê Dũng, bản đồ mà Trung Quốc gởi kèm theo bản công hàm nói trên là ''không có giá trị vì không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn''.

Trước khi nộp báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục điạ, Việt Nam cũng đã có một hành động đáng chú ý, đó là bổ nhiệm một chủ tịch cho huyện đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm giữ từ năm 1974 cho đến nay, một hành động đã đã bị Bắc Kinh cho là ''bất hợp pháp và không có giá trị''.

Mặc dù quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang ngày càng chặt chẽ hơn, thể hiện qua việc thiết lập đường dây điện thoại nóng giữa lãnh đạo hai nước, nhưng rõ ràng Hà Nội vẫn phải dè chừng láng giềng phương Bắc, vào lúc mà Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là binh chủng Hải quân. Đáng lo ngại hơn cả là Bắc Kinh đã thiết lập một căn cứ tàu ngầm trên đảo Hải Nam.

Để tăng cường khả năng phòng thủ, gần đây, Việt Nam đã đặt mua sáu tàu ngầm tấn công của Nga, trị giá tổng cộng 1,8 tỷ đôla, một món tiền rất lớn so với ngân sách quân sự hàng năm của Việt Nam mà hiện được thẩm định là chỉ vào khoảng 3,6 tỷ đôla, theo tạp chí Jane Intelligence Review.

Hiểm họa phương Bắc không chỉ đến từ đường biển, mà nay còn đến từ đường bộ, thể hiện qua việc hàng chục ngàn kỹ sư, chuyên viên, công nhân Trung Quốc đang có mặt ở vùng Tây Nguyên để làm việc cho dự án khai thác bauxite, một dự án bị xem là chẳng có lợi gì về mặt kinh tế, mà chỉ gây tác hại nghiêm trọng về môi trường và nhất là rất nguy hiểm về mặt an ninh quốc phòng.

Theo hãng tin Reuters, khi tiếp thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm hôm thứ năm vùa qua nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc lại quan điểm của ông là phải ngưng ngay lập tức các dự án bauxite, vì Tây Nguyên là một vùng có tầm chiến lược quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, mà cả đối với toàn bộ Đông Dương.

Nhưng cho tới giờ, giới lãnh đạo Hà Nội vẫn không nghe theo lời kêu gọi đó và chính vì thế họ vẫn tiếp tục bị dư luận xem là nhân nhượng Trung Quốc quá mức.

3/5/09

Giới trí thức, văn nghệ sĩ đồng thanh yêu cầu ngừng dự án khai thác bauxit Tây Nguyên

Bài đăng ngày 27/04/2009 Cập nhật lần cuối ngày 28/04/2009 15:11 TU

Khai thác bauxit Tây Nguyên
Vào lúc dư luận Việt Nam phản đối ngày càng mạnh dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên, một nhóm trí thức gồm giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nguyên chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn học, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và nhà văn Phạm Toàn đã khởi xướng một bản kiến nghị đề ngày 12/4.

Bản kiến nghị với chữ ký của hơn 130 người đầu tiên, đa số là các nhà trí thức, văn nghệ sĩ có tên tuổi trong và ngoài nước, đã bày tỏ mối quan ngại của họ về dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên.

Thứ nhất là kế hoạch khai thác bauxit được công khai hóa vào cuối năm 2008, nhưng thật ra đã được ký tắt với Trung Quốc cách đây nhiều năm mà không hề được thông qua ở Quốc hội.

Thứ hai, Trung Quốc đóng cửa các mỏ bauxit trong nước để chuyển sang khai thác ở Việt Nam, đem theo gánh nặng môi trường cho các thế hệ hôm nay và mai sau ở Việt Nam, như họ đã làm ở châu Phi với sự giúp đỡ của những chế độ cai trị tham nhũng tại đây.

Thứ ba, Trung Quốc không chỉ đem theo kỹ thuật, công nghệ, mà còn đưa nhân công vào Việt Nam.

Những người ký tên vào bản kiến nghị khẳng định rằng đất nước là của chung của cả dân tộc, chứ không là của riêng của một nhóm người nào, cho nên, họ đề nghị phải đưa vấn đề dự án bauxit Tây Nguyên ra trước Quốc hội và phải dừng ngay dự án này với sự giám sát chặt chẽ, cho tới khi nào Quốc hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và phê chuẩn. Các tác giả bản kiến nghị còn đòi là những nghiên cứu tiền khả thi về bauxit Tây Nguyên phải được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi.

Sau khi ba ông Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Thế Hùng và Phạm Toàn nộp bản kiến nghị cho Quốc hội, họ tiếp tục thu thập chữ ký và chỉ vài ngày sau số người tham gia ký tên đã lên tới hơn 1.100.

Đến mức mà nhóm soạn thảo kiến nghị đã phải lập ra một blog riêng mang tên Bauxite Việt Nam ở điạ chỉ : http://vn.myblog.yahoo.com/huechivn2009 để có thể nhận thêm chữ ký. Nhưng chỉ sau vài ngày, do số người truy cập quá đông, nhóm đề xuất kiến nghị đã phải chuyển blog này thành website, http://bauxitevietnam.info/.

Một kết quả thật không ngờ, như ông Hà Si Phu đã viết trong bài phổ biến trên mạng, tựa đề '' Thấp thoáng Diên Hồng'': '' Con số một ngàn chưa có ý nghĩa gì về số lượng, nhưng là dấu hiệu chuyển biến về chất, từ vô cảm đến trách nhiệm, từ ly tán đến hợp quần, từ lo sợ kinh niên sang một xã hội dân sự tự tin, vô úy''.

Thật vậy, có lẽ đây là lần đầu tiên ở Việt Nam mà giới trí thức văn nghệ sĩ góp chung tiếng nói một cách mạnh mẽ như thế để bày tỏ thái độ bất đồng với cách hành xử của chính quyền. Cho tới nay, nói chung các nhà trí thức, văn nghệ sĩ thường chỉ lên tiếng lẻ tẻ, hoặc không dám lên tiếng vị sợ đụng chạm.

Nhà văn Xuân Đức, trong bức thư gởi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 4/3 nói về dự án bauxit, viết rằng : '' Khi chúng tôi bày tỏ suy nghĩ của mình đến một vấn đề hệ trọng của đất nước mà không thuận chiều với ý chỉ đạo của trên thì thường chúng tôi chỉ nhận được lời khuyên có tính chất răn đe.''


Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Hiện giờ, những áp lực từ dư luận có lẽ đã phần nào có tác động lên giới lãnh đạo Việt Nam, vì Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam tuy vẫn xem khai thác bauxit là chủ trương nhất quán của Đảng, nhưng đã ra lệnh rà soát lại dự án bauxit Nhân Cơ, một trong hai dự án đầu tiên hiện đang được triển khai. Nhất là đánh giá về hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, cũng như phải quan tâm đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên.

Tuy nhiên, để đối phó với phản ứng bất bình ngày càng lan rộng, Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu Ban tuyên giáo trung ương chỉ đạo công tác tuyên truyền phổ biến kết luận nói trên để gọi là tạo sự '' thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội''.

Nói cách khác, những ý kiến đi ngược lại quyết định của Bộ Chính trị rất có thể sẽ không còn xuất hiện trên các trang báo chính thức.