10/11/12

Trung Quốc, cường quốc kinh tế số một thế giới năm 2016

Theo dự báo, tổng sản phẩm nội địa GDP của Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ (Reuters)
Theo dự báo, tổng sản phẩm nội địa GDP của Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ (Reuters)

Thanh Phương
 
Hoa Kỳ sẽ để lọt vị trí cường quốc kinh tế số một thế giới vào tay Trung Quốc kể từ năm 2016, rồi sau đó sẽ bị Ấn Độ qua mặt. Đó là dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) trong bản báo cáo công bố vào ngày hôm qua 09/11/2012 tại Paris.

Trong báo cáo về tăng trưởng thế giới vào năm 2060, OCDE, một tổ chức quy tụ những nước giàu nhất thế giới, dự báo là kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 3%, nhưng với những cách biệt đáng kể giữa các nền kinh tế đang trỗi dậy với các nước phát triển. Các nước đang trỗi dậy sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn và các nước phát triển sẽ tăng trưởng chậm hơn và thậm chí bị suy giảm.

Tại châu Âu, chẳng hạn như Pháp được dự báo sẽ chỉ lên đến mức tối đa là 2% từ đây đến năm 2030, sau đó lại rơi xuống mức 1,4% trong khoảng thời gian từ 2030 đến 2060.

Với xu hướng như trên, OCDE nhận định là cán cân sức mạnh kinh tế trên thế giới sẽ bị đảo lộn rất nhiều trong 50 năm tới. Cụ thể, ngay từ năm 2016, Hoa Kỳ sẽ để lọt vị trí cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới vào tay Trung Quốc.

Trong dài hạn, sẽ đến lượt tổng sản phẩm nội địa GDP của Ấn Độ sẽ qua mặt GDP của Hoa Kỳ. Trong khoảng 1 năm nữa, kinh tế Trung Quốc cũng sẽ vượt hơn các nước khu vực đồng euro. Ấn Độ cũng được dự báo sẽ qua mặt Nhật Bản trong 1 hoặc 2 năm tới và cũng sẽ là nền kinh tế lớn hơn toàn bộ vùng euro trong 20 năm tới.

Theo báo cáo của OCDE, với mức tăng trưởng cao, tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc và Ấn Độ gộp lại sẽ cao hơn tổng sản phẩm nội địa của 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới ( G7 ) từ đây đến năm 2025. Đến năm 2060, nền kinh tế của hai nước Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại cũng sẽ qua mặt toàn bộ các quốc gia thành viên hiện nay của OCDE. Những nền kinh tế có dân số đang già đi như Nhật Bản và các nước vùng euro sẽ dần dần nhường chỗ cho các nước có dân số trẻ hơn, như Indonesia và Braxin.

Bản báo cáo trích lời của tổng thư ký OCDE, Angel Gurria, dự báo rằng, « khủng hoảng kinh tế kéo dài từ 5 năm qua sẽ chấm dứt, nhưng thế giới của con, cháu chúng ta có thể sẽ khác xa thế giới của chúng ta ». Nói chung, theo OCDE, sự cách biệt hiện nay về mức sống của các nền kinh tế đang trỗi dậy và các nền kinh tế phát triển sẽ thu ngắn lại vào năm 2060.

Tóm lại, trong 50 năm tới, các nước đang trỗi dậy sẽ làm thay đổi diện mạo thế giới. Nhưng khi trình bày báo cáo hôm qua, tổng thư ký OCDE xem đây là một hồi chuông cảnh báo rằng chúng ta « sẽ đối diện với những thách thức mới trong việc bảo đảm một thế giới thịnh vượng và bền vững cho mọi người ».

Báo cáo của OCDE được đưa ra vào lúc khủng hoảng nợ công vùng euro vẫn gây lo ngại cho toàn cầu. Hoa Kỳ thì đang gặp bế tắc về ngân sách và đây được coi là một trong những mối đe doạ trong ngắn hạn đối với tăng trưởng toàn cầu. Ngay cả tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng đang chậm lại.

Không có nhận xét nào: