30/5/11

Lạm phát và thâm thủng mậu dịch, hai vấn đề nan giải của Việt Nam

 
Một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở huyện Quế Võ, gần Hà Nội.
Một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở huyện Quế Võ, gần Hà Nội.
Reuters
Thanh Phương 30/5/2011
 
Theo các số liệu do Tổng Cục Thống kê công bố ngày 24/5 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5 ở Việt Nam được dự báo sẽ lên tới gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo cơ quan Liên hiệp quốc ở Việt Nam, hiện nay Việt Nam là một trong 5 nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới và hậu quả sẽ là nạn nghèo đói tăng theo.
Trước mắt, vào tháng 2 vừa qua, chính phủ Hà Nội đã phá giá 9,3% tiền đồng Việt Nam, khiến giá nhiên liệu tăng cao. Với lý do là giá dầu hỏa trên thị trường thế giới đang cao, chính phủ Việt Nam vào cuối tháng 3 lại tăng giá nhiên liệu thêm 10%. Cộng thêm với việc tăng giá điện 15%, đời sống của người dân Việt Nam thêm khó khăn.

Để kềm chế lạm phát, chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 11, bao gồm nhiều biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, hạn chế mức tăng tín dụng và giảm đầu tư công. Nhưng dường như là những biện pháp đó đã không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có dấu hiệu gì cho thấy lạm phát trong năm nay sẽ ngưng ở mức 20%.

Nhưng bên cạnh lạm phát, Việt Nam còn phải đối đầu với một căn bệnh trầm kha khác đó là thâm thủng mậu dịch. Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm 25/5, trong tháng 5, thậm thủng mậu dịch của Việt Nam đã lên tới 1,7 tỷ đôla, mức cao nhất từ 17 tháng qua, tức là từ tháng 12/2009. Như vậy là tổng thâm hụt thương mại của Việt Nam năm nay chưa gì đã là 6,6 tỷ đôla, nhiều hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.
Tờ nhật báo The Wall Street Journal số ra ngày 25/5 trích lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên là cố vấn của thủ tướng Việt Nam, cho rằng những biện pháp chính phủ thi hành để cắt giảm thâm thủng mậu dịch « là không đủ ».

Để hạ thấp mức thâm hụt thương mại, chính phù Hà Nội đã quyết định cắt giảm 10% đầu tư công và giảm nhập khẩu những mặt hàng như xe hơi, mỹ phẩm và điện thoại di động. Theo bà Phạm Chi Lan, hạn chế nhập những mặt hàng nói trên chẳng có tác dụng gì đáng kể, vì chúng chỉ chiếm khoảng từ 10 đến 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cũng theo bà Phạm Chi Lan, cắt giảm đầu tư công đúng là sẽ giúp giảm bớt nhập khẩu, nhưng phải kiểm tra xem các dự án đầu tư công có đã thật sự được đình hoãn hay không. Sản lượng công nghiệp vẫn tăng có nghĩa là rất ít dự án bị dừng lại.

Tờ Wall Street Journal cho biết là một quan chức Bộ Công Thương Việt Nam đã dự báo là thâm thủng mậu dịch có thể sẽ giảm xuống kể từ tháng 6 hoặc tháng 7, vì lúc đó các nỗ lực của chính phủ cắt giảm đầu tư công mới phát huy hiệu quả. Chính phủ Hà Nội đã đề ra mục tiêu giữ mức thâm hụt thương mại năm 2011 dưới 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhưng để thúc đẩy xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước sẽ lại phá giá đồng bạc Việt Nam một lần nữa, mà phá giá tiền tệ thì lại càng làm cho lạm phát tăng thêm.

Việt Nam lại càng khó mà thoát khỏi cái vòng lẫn quẩn đó, vì còn hai yếu tố khác phải tính đến đó là số tiền gởi về nước của người Việt hải ngoại đang tiếp tục giảm và dự trữ ngoại tệ của Việt Nam cũng ngày càng ít đi. Ngân hàng Phát triển châu Á vào tháng 3 vừa qua đã thẩm định dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tính đến cuối năm ngoái chỉ còn 12,4 tỷ đôla, đủ bảo đảm nhập khẩu cho gần hai tháng, so với mức 24 tỷ đôla của năm 2008.

Ngân hàng trung ương Việt Nam cũng đang nỗ lực chống xu thế đôla hóa và « vàng hóa » nền kinh tế . Việt Nam hiện đang có một lượng rất lớn đôla và một lượng vàng đáng kể. Trong tháng 4 vừa qua, chính phủ đã cắt giảm lãi suất tiền tiết kiệm ký gởi bằng đôla xuống còn 3%, trong khi lãi suất ký gởi bằng tiền đồng là 14%, đồng thời hạn chế tối đa việc mua bán vàng trên thị trường.

Nhưng theo tạp chí The Economist số đề ngày 5/5, để phục hồi sự tin cậy vào tiền đồng, chính phủ Việt Nam phải làm trong sạch tài chính công. Giới chuyên gia vẫn nghi ngờ hiệu quả của các dự án đầu tư công, nhất là sau vụ gần như phá sản của tập đoàn Vinashin.

29/5/11

Các dân biểu Mỹ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho 7 nhà hoạt động nhân quyền

Bảy nhà hoạt động nhân quyền sẽ bị đưa ra tòa ngày 30/5/11.
Bảy nhà hoạt động nhân quyền sẽ bị đưa ra tòa ngày 30/5/11.
DR
Thanh Phương 28/5/2011
 
Vào ngày thứ Hai tuần tới, 30/5, Tòa án tỉnh Bến Tre sẽ đưa ra xét xử bảy người, gồm Mục sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thúy, ông Nguyễn Thành Tâm, ông Phạm Văn Thông, ông Nguyễn Chí Thành, bà Phạm Ngọc Hoa và ông Cao Văn Tỉnh.

Theo đảng Việt Tân, bảy người nói trên đều là dân oan đi khiếu kiện từ nhiều năm qua và hầu hết là tín đồ của Hội thánh Tin Lành Mennonite. Riêng ba người là mục Sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thúy và ông Nguyễn Thành Tâm là đảng viên Vìệt Tân, một đảng đấu tranh cho dân chủ, nhưng bị Việt Nam xem là tổ chức khủng bố.

Họ sẽ ra tòa với tội danh « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân » chiếu theo điều 79 Luật Hình sự Việt Nam. Bảy nhà hoạt động nói trên đã bị giam giữ nhiều tháng mà vẫn không được gặp gia đình và luật sư. Cho đến hôm nay, các luật sư bào chữa vẫn chưa nhận được bản cáo trạng.

Trong một bức thư đề ngày 26/5 gởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm dân biểu Hoa Kỳ, Edward Royce, Dana Rohrabacher, Loretta Sanchez, Frank R.Wolf và Zoe Lofgren đã yêu cầu trả tự do cho bảy nhà hoạt động. Bức thư nhắc lại rằng mục sư Dương Kim Khải là một tù chính trị lâu năm và là một nhà hoạt động tôn giáo.

Theo các dân biểu này, việc đàn áp mục sư Khải và các tín đồ Menonite là một « vết nhơ » trong hồ sơ tôn giáo ngày càng tệ hại của chính phủ Hà Nội, và cho thấy là Việt Nam đáng bị đưa vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về những vi phạm về tự do tôn giáo. Các dân biểu Mỹ còn nhắc nhở rằng Việt Nam đã ký Công ước về các quyền dân sự và chính trị, trong đó có quyền tự do lập hội. Việc các cá nhân nói trên có thể có quan hệ với đảng Việt Tân là quyền cơ bản của họ.

28/5/11

Biển Đông : Trung Quốc leo thang gây hấn với Việt Nam

Dây cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 bị tàu Trung Quốc xâm nhập vào lãnh hải Việt Nam ngang nhiên cắt đứt;
Dây cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 bị tàu Trung Quốc xâm nhập vào lãnh hải Việt Nam ngang nhiên cắt đứt;
DR
Thanh Phương 28/5/11
 
Hôm qua 27/5, một quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết là đại diện của Bộ này đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để trao công hàm phản đối hành động của tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của một tàu Việt Nam trên Biển Đông.

Vụ việc xảy ra vào sáng sớm ngày 26/5 ở một nơi nằm cách mũi Đại Lãnh ( Phú Yên ) 120 hải lý, mà theo Hà Nội, hoàn toàn nằm trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chiếc tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khi đang khảo sát địa chấn tại lô 148 đã bị ba chiếc tàu hải giám của Trung Quốc cản trở hoạt động và cắt đứt cáp thăm dò.

Trong bản công hàm trao cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc, Việt Nam cho rằng hành động nói trên của Trung Quốc « Vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, trái với tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông ( COC ) ». Hà Nội yêu cầu Bắc Kinh « Không để tái diễn những hành động tương tự và bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam».

Cho tới nay, Trung Quốc thường xuyên bắt giữ các ngư dân Việt Nam đánh cá ở vùng biển đang tranh chấp, nhưng đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây mà tàu tuần tra của Trung Quốc đụng độ với một tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, ở một địa điểm nằm sâu trong lãnh hải Việt Nam. Vào tháng 3 vừa qua, đã từng xảy ra đụng độ tương tự giữa tàu thăm dò của Philippines với tàu tuần tra Trung Quốc trên Biển Đông.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, thuộc Học Viện Quốc phòng Úc, được hãng tin Reuters nêu hôm qua, nhận định rằng vụ mới xảy ra thể hiện sự leo thang của Trung Quốc trong hành động gây hấn với Việt Nam. Theo ông Carl Thayer, « Trung Quốc xác quyết một cách trơ trẽn chủ quyền của họ bằng những hành động như vậy, và họ có ưu thế về đội tàu để thực hiện điều đó».

Theo nhận định của hãng tin Reuters, vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc với tàu Việt Nam càng khiến cho các nước láng giềng Đông Nam Á thêm lo ngại về thái độ ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trong việc xác quyết chủ quyền trên Biển Đông.

Vụ này xảy ra chỉ một tuần sau khi Trung Quốc và Philippines vừa cam kết là sẽ « hành xử có trách nhiệm » tại những vùng biển tranh chấp và tìm một giải pháp hoà bình cho các đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông. Sau chuyến viếng thăm Manila của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã cảnh báo những vụ xâm nhập và đụng độ ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Theo các chuyên gia về an ninh, trên thực tế cuộc chạy đua vũ trang này đã diễn ra rồi. Nhiều nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan đang tăng cường lực lượng hải không quân, mua thêm hoặc đặt mua thêm chiến hạm, chiến đấu cơ và tàu ngầm.

Vụ tàu Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Việt Nam diễn ra trong bối cảnh mà Trung Quốc đang đẩy mạnh thăm dò và khai thác dầu khí vùng Biển Đông để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gay gắt của nước này. Theo báo chí Trung Quốc, ngày 23/5 vừa qua, một dàn khoan khổng lồ hoạt động ở vùng nước sâu 3.000 m đã được bàn giao cho Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc ( CNOOC ). Dàn khoan này sẽ được lắp đặt trên Biển Đông và sẽ bắt đầu thăm dò dầu khí vào tháng 7. Nhưng hai nước Việt Nam và Philippines cũng đang đẩy mạnh thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông, kể cả tại những vùng đang tranh chấp với Trung Quốc. Khả năng tái diễn các vụ đụng độ ngày càng lớn.

Qua hành động xâm nhập hải phận Việt Nam và cắt đứt dây cáp của tàu Việt Nam, có lẽ Trung Quốc muốn « nắn gân » để xem phản ứng của Việt Nam như thế nào. Nhưng mục đích cũng có thể là gây tâm trạng bất an cho các nhà đầu tư ngoại quốc đang hoặc có ý định hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông.

27/5/11

Tàu Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Việt Nam trên Biển Đông

Tàu hải giám của Trung Quốc trên Biển Đông (DR)
Tàu hải giám của Trung Quốc trên Biển Đông (DR)
Thanh Phương 27/5/2011
 
Theo báo chí trong nước, ông Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng giám đốc PetroVietnam, tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, hôm nay vừa cho biết là sáng sớm hôm qua, một tàu khảo sát địa chất, tàu Bình Minh 02 đang hoạt động ở thềm lục điạ miền Trung Việt Nam, thì ba chiếc tàu hải giám của Trung Quốc chạy vào khu vực đang khảo sát và cắt đứt dây cáp thăm dò của tàu Bình Minh.

Sau khi phá họai các thiết bị thăm dò, ba chiếc tàu của Trung Quốc sau đó tiếp tục uy hiếp tàu Bình Minh, cản trở hoạt động của tàu này cho đến 9 giờ sáng, giừo địa phương. Họ còn cho rằng tàu Việt Nam xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc, điều mà tàu Bình Minh bác bỏ hoàn toàn.

Theo thông tấn xã Việt Nam, vụ nói trên xảy ra tại khu vực lô 148 ngoài khơi bờ biển Nha Trang, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, tức là nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ông Đỗ Văn Hậu cho biết ông đã báo cáo vụ này và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phản đối mạnh mẽ Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc ngưng cản trở hoạt động của PetroVietnam và hỗ trợ cho công ty này trong việc thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông. Hiện giờ, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có phản ứng , phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chưa lên tiếng.

Nguy cơ xung đột vũ trang gia tăng ở Biển Đông

Petro Việt Nam khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam (DR)
Petro Việt Nam khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam (DR)
Thanh Phương 27/5/2011
 
Cũng như Philippines, Việt Nam đang đẩy mạnh thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Điều đó có thể dẫn đến nguy cơ xung đột với Trung Quốc ở khu vực này. Theo Bloomberg News hôm qua, công ty Talisman Ernergy của Canada, tức là đối tác của tập đoàn dầu khí Petro Vietnam, dự tính vào năm tới sẽ tiến hành khoan thăm dò tại một lô mà Trung Quốc đã ký hợp đồng với một công ty Mỹ và đang được bảo vệ bằng tàu võ trang.

Trong khi đó, theo lời phát ngôn viên của tổng thống Benigno Aquino, Philippines cũng dự tính khai thác dầu khí tại một khu vực mà tàu tuần tra của Trung Quốc đã quấy nhiễu tàu Philippines vào tháng 3 vừa qua.

Theo hãng tin Bloomberg News, công ty Exxon Mobil của Mỹ cũng có kế hoạch thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam trong năm nay. Tờ Vietnam News ngày 31/3 vừa qua cho biết là công ty Mỹ đang hoạt động ở lô 119, nhưng không cho biết là lấy nguồn tin từ đâu. Một phần của lô này là nằm trong vùng biển mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền.

Một cựu tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ và nay là chủ tịch một công ty tư vấn doanh nghiệp ở bang Virginia, ông James Lyons, nhận định là, với giá dầu tăng vọt lên gần 100 đôla/thùng, Việt Nam và Philippines buộc phải kiếm thêm nguồn dầu khí đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất 7% trong năm nay.

Theo thẩm định của Ngân hàng Thế giới, nhu cầu khí đốt ở Việt Nam sẽ tăng gấp ba vào năm 2025. Còn Philipìnes thì có kế hoạch tăng nguồn dự trữ dầu khí thêm 40% trong hai thập niên tới để giảm mức độ phụ thuộc gần như hoàn toàn của nước này vào nhiên liệu nhập khẩu.

Về phía Trung Quốc, theo các số liệu do Bloomberg tổng hợp, nguồn dự trữ dầu của nước này đã sụt giảm gần như 40% kể từ năm 2001. Cho nên, nhu cầu khai thác dầu khí Biển Đông càng thêm cấp thiết.

Bắc Kinh đã xác quyết chủ quyền trên phần lớn khu vực Biển Đông, bao gồm cả những mỏ dầu khí nằm cách xa bờ biển Trung Quốc gấp hơn ba lần so với bờ biển Việt Nam. Ngày 12/5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố xem việc thăm dò dầu khí trong vùng lãnh hải của Trung Quốc là « xâm phạm chủ quyền và quyền lợi » của nước này, và là « bất hợp pháp ».

Các tranh chấp chủ quyền trên biển có thể sẽ được thảo luận tại diễn đàm an ninh thường niên ở Singapore khai mạc ngày 3/6 tới. Tại hội nghị này vào năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã từng tuyên bố Hoa Kỳ chống lại mọi hành động hù doạ các công ty hoạt động ở vùng biển này. Còn tại diễn đàn an ninh khu vực ở Hà Nội tháng 10 năm ngoái, Ngoại truởng Hillary Clinton đã khẳng định rằng bảo đảm tự do lưu thông hàng hải ở vùng Biển Đông là vấn đề « quyền lợi quốc gia » của Hoa Kỳ.

Theo lời ông Michael Green, nguyên là một chuyên gia của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, tuyên bố nói trên của bà Clinton đã khiến các nước Đông Nam Á « tự tin hơn một chút ». Nhưng Trung Quốc trong thập niên qua đã tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự và đặc biệt là hải quân, để tuần tra thường xuyên hơn, nhằm bảo vệ chủ quyền mà họ xác quyết trên Biển Đông.

Vụ các tàu tuần tra của Trung Quốc gây hư hại thiết bị của tàu điạ chấn Bình Minh ngay trong lãnh hải của Việt Nam hôm qua có thể sẽ chỉ là khúc dạo đầu cho những hành động quyết liệt hơn của Bắc Kinh đối với các nước tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và như vậy, nguy cơ xung đột vũ trang ở khu vực này ngày càng lớn.

25/5/11

Chuyên mục : Thấy mà ngán ngẩm 5/11

Bình thường thôi. Hồ đâu có làm ra tiền.

Đại lộ hiện đại nhất VN như đường làng ( VietnamNet 28/5/11 )
Khỏi cần đọc, xem các bức ảnh cũng đủ rồi.

Lại nhức mắt mặc váy truyền thống múa nhạc hiện đại ( Dân Trí 26/5/11 )
Chắc là một kiểu "Văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Có dấu hiệu tham nhũng ở Vinashin ( Pháp Luật TPHCM 26/5/11 )
Đại biểu Quốc hội khóa XII yêu cầu được tiếp cận các kết luận thanh tra VNS nhưng chưa được chấp nhận. Đến kỳ họp đầu của Quốc hội khóa XIII, vấn đề này có được đáp ứng không?
+ Nói chung, báo cáo của thanh tra không đóng dấu mật nhưng có những vấn đề đang trong quá trình thanh tra thì chưa thể đưa thông tin ra được. Đưa ra sớm có thể rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”: Ban đầu nói sai phạm lớn, sau kiểm tra, đối chiếu thấy nhỏ… Tuy nhiên, khi kết luận thanh tra đã công bố công khai rồi thì đại biểu nào tiếp cận cũng được cả.

Họp chợ trên đường tàu ( VnExpress 25/5/11 )
Thay cho lời bình: " Và khi có đoàn tàu chở hàng đi qua (tốc độ chừng 60 km/h), những người buôn bán lại chạy dạt sang hai bên. Theo anh Nguyễn Đức Tiến, công nhân gác chắn tại chốt Cổ Nhuế (gần khu vực chợ hoạt động), nơi đây từng xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người do tàu hỏa đâm. Các trường hợp bị tai nạn hầu hết là khách mua hàng vì thiếu "kinh nghiệm". "

Vụ lật tàu Dìn Ký: Tạp vụ lên lái tàu  ( Dân Trí 25/5/11 )
Hết biết bình luận thế nào!

Hiểm họa "thòng lọng" trên đầu ( TT Online 20/5/11 )
Thế cũng tiện, khỏi cần vào trụ sở công an để treo cổ.

“Rùng rợn” cây cầu treo có một không hai ( Dân Trí 17/5/11 ),
Để xây xong mấy cái sân golf đã, rồi sẽ tính.

Chất thải xả thẳng xuống sông Nhật Lệ  ( TT Online 16/5/11 )
Một đất nước sống không cần đến ngày mai?

Bảo mẫu dùng thanh củi đánh liên tiếp bé trai 20 tháng tuổi ( Dân Trí 14/5/11 )
Không hiểu nổi cái xã hội này!

'Anh Nhựt tình nguyện ở lại trụ sở công an và tự tử' ( VnExpress 10/5/11 )
Trụ sở công an sao lắm chuyện ly kỳ thế?

Đâm chết người vì tiếng nẹt pô xe ( TT Online 10/5/11 )
 Khỏi bình luận

Tiểu thương bán cá, bán rau bị “ép” làm... giám đốc (  Dân Trí 10/5/11 )
Muốn xây dựng " kinh tế thị trường XHCN" thì phải chịu hy sinh chứ!


Việt Nam qua báo chí nước ngoài 5/2011 ( tiếng Anh )

Vietnam Trade Deficit Widens ( WSJ 25/5/1 )

"Vietnam's persistent trade deficit widened to its largest point in 17 months in May, putting further pressure on authorities to address imbalances in the economy."

Vietnam Stocks Tumble, Lead Decline in Asia on Inflation Concern ( San Francisco Chronicle 25/5/1 )

"Vietnam's stocks tumbled, dragging the benchmark index down by the most in Asia, after government data showed inflation accelerated to a 29-month high in May."

 Thais consider investment in Vietnam ( Bangkok Post 23/5/11 )

"As Vietnam continues to remain a hotbed for foreign investment, Thai companies are now starting to look at their neighbour in a different light, with delegations of business executives flocking to the country."

 Vietnamese investors left in limbo ( Asia Property Report  23/5/11 )

"Real estate investors in Vietnam have been forced to seek further financial assistance after commercial banks have restricted loans for developments."

 Meditations of a detained monk in Vietnam ( Asia Times Online 24/5/11 )


In recent weeks, street loudspeakers have urged Vietnamese people to vote in National Assembly elections with propaganda art and posters around the city extolling the virtues of the Communist Party of Vietnam (CPV). ( ... ). It's not the type of democracy Thich Quang Do - who has been jailed several times over the years for his pro-democracy advocacy and once accused by authorities of working for the US Central Intelligence Agency - has been fighting for.

Vietnam: Voters Cast Ballots for Parliament ( TIME  23/5/11 )

" Though the fanfare leading up to the polling was grand, with parades and red banners streaming across roadways proclaiming, "Long live the glorious Communist Party of Vietnam," the 500 members elected to the lawmaking National Assembly will not alter the country's direction regardless of who's selected."

Vietnam's State Sector Should Not Dictate the Trans-Pacific Partnership ( Heritage.org 23/5/11 )

" It seems like Vietnam has been the next big thing for quite a while. Vietnam did very well in the 1990s and through the turn of the century. For the past two years, however, despite all the advantages it possesses, the Vietnamese government has managed only to destabilize a promising economy. "


Vietnam rulers reach out to business people ( F.T. 20/5/11 )

"A decade after China’s Communist party decided to embrace business chiefs, there are tentative signs that the more cautious Communist leadership in neighbouring Vietnam is starting to reach out to the business community amid efforts to stabilise the fast-expanding but unbalanced economy."

Vietnam Treads China's Path ( The Diplomat 19/5/11 )

"While international attention has been focused on China’s crackdown on activists, Vietnam has also been tightening the noose around dissent."

 Vietnam: Hanoi, bishop and nuns left powerless before government. ( Asia News 18/5/11 )

"The city government wants to demolish the house of the Sisters of Saint Paul wiping out all their charitable activities. Many Church properties, which should be returned to their rightful owner are seized and made out as private property of members of the party, fuelling real estate speculation."

 Vietnam's supply chain challenge ( Bangkok Post 17/5/11 )

" Vietnam has been one of the world's most impressive growth stories over the last two decades. Over the last 10 years in particular it has integrated into the global economy, becoming an attractive business location. Yet the economy faces internal weaknesses and challenges, reflected in low competitiveness in different aspects. Moreover, rapid and complex external changes are affecting Vietnam's open economy in increasingly significant ways. "

24/5/11

Lạm phát của Việt Nam sẽ lên tới gần 20% trong tháng 5

Thanh Phương 24/5/2011
 
Theo các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm nay 24/5, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5 ở Việt Nam được dự báo sẽ lên tới 19,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 8 năm ngoái đến nay, lạm phát ở Việt Nam đã tăng mỗi tháng, nhưng hiện vẫn còn thấp hơn mức kỷ lục 28,3% vào tháng 8/2008.

Để chống lạm phát, chính phủ Hà Nội đã thắt chặt chính sách tiền tệ và đề ra nhiều mục tiêu, trong đó việc yêu cầu các ngân hàng thương mại kềm chế mức tăng tín dụng dưới 20% trong năm nay và giảm đầu tư công.
Tuy nhiên, theo lời tiến sĩ Lê Đăng Doanh, được hãng tin AFP trích dẫn, lạm phát ở Việt Nam nay đã lên đến mức đáng lo ngại và đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Lê Đăng Doanh cho rằng chính phủ cần xét lại các biện pháp chống tham nhũng.

Vào tháng 2 vừa qua, chính phủ Hà Nội đã phá giá 9,3% tiền đồng Việt Nam, khiến giá nhiên liệu tăng cao. Với lý do là giá dầu hỏa trên thị trường thế giới đang cao, chính phủ Việt Nam vào cuối tháng 3 lại tăng giá nhiên liệu thêm 10%. Cộng thêm với việc tăng giá điện 15%, đời sống của người dân Việt Nam thêm khó khăn. Hãng tin AFP trích lời một chuyên gia kinh tế của công ty tư vấn Capital Economics, ông Vishnu Varathan, cho rằng Ngân hàng Nhà nước muốn tránh phá giá tiền tệ một lần nữa vì sợ giá các mặt hàng nhập khẩu lại tăng thêm nữa.

Theo cơ quan Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam, hiện nay Việt Nam là một trong 5 nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới và hậu quả sẽ là nạn nghèo đói tăng theo.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên dứt khoát không cải tổ kinh tế theo kiểu Trung Quốc

Thanh Phương 24/5/2011
 
Cũng như mọi khi, chuyến viếng thăm Trung Quốc của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il diễn ra rất kín đáo. Nhưng dường như chuyến viếng thăm lần này chính là nhằm tìm kiếm sự trợ giúp của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, ông Kim Jong Il vẫn tỏ vẻ quan tâm đến kinh nghiệm phát triển của nước láng giềng, nhưng không có gì bảo đảm là ông sẽ mở cửa kinh tế theo kiểu Trung Quốc.

Ông Kim Jong Il đã đến Trung Quốc từ thứ Sáu tuần trước trên một đoàn tàu đặc biệt, nhưng đến Chủ nhật vừa qua, Thủ tướng Ôn Gia Bảo mới chính thức xác nhận chuyến viếng thăm của lãnh tụ Bắc Triều Tiên. Đây là chuyến công du Trung Quốc lần thứ ba của ông Kim Jong Il chỉ trong khoảng hơn 1 năm. Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, chuyến đi lần này sẽ kéo dài một tuần.

Bình thường, chương trình viếng thăm của lãnh tụ Bắc Triều Tiên chỉ được hai bên tiết lộ sau khi ông đã trở về nước. Nhưng theo những nguồn tin do hãng Yonhap trích dẫn, người ta được biết là sau hai chặng dừng chân ở miền Đông Bắc Trung Quốc, hôm qua, ông Kim Jong Il đã tham quan một khu công nghệ cao của thành phố Dương Châu, gần Thượng Hải, thủ đô kinh tế và tài chính của Trung Quốc. Theo nhật báo Hàn Quốc JoongAng Ilbo, lãnh tụ Bắc Triều Tiên có thể sẽ đi thăm Thượng Hải, trước khi đến Bắc Kinh để hội đàm với chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Nói chung là lần này ông Kim Jong Il ghé thăm rất nhiều nơi, cho nên báo chí mô tả đây là một chuyến viếng thăm « marathon ».

Chuyến viếng thăm Trung Quốc lần này diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang rất cần viện trợ của Bắc Kinh, do Bắc Triều Tiên đang thiếu lương thực trầm trọng, vì lũ lụt và thời tiết lạnh năm ngoái làm mất mùa. Nước này cũng đang bị quốc tế trừng phạt vì không chịu từ bỏ chương trình hạt nhân. Kể từ khi Hàn Quốc và các nước phương Tây ngưng viện trợ cho Bắc Triều Tiên, ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh trên Bình Nhưỡng đã gia tăng. Ông Kim Jong Il trở lại thăm Trung Quốc cũng là nhằm thắt chặt quan hệ kinh tế song phương.

Trong chuyến viếng thăm lần này, lãnh tụ Bắc Triều Tiên cũng tỏ vẻ quan tâm đến kinh nghiệm cải tổ kinh tế của Trung Quốc. Tờ nhật báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc hôm nay nhắc lại là ngay từ tháng 5, khi đến thăm một khu công nghệ gần Bắc Kinh, ông Kim Jong Il đã từng tuyên bố rằng : « Nhờ cải tổ và mở cửa mà sức mạnh của Trung Quốc đã gia tăng. Đường lối của Đặng Tiểu Bình là đúng đắn ». Trong những chuyến viếng thăm Trung Quốc sau đó, lãnh tụ Bắc Triều Tiên cũng đã có những phát biểu tỏ vẻ thán phục những thành quả kinh tế của đồng minh Bắc Kinh.

Nhưng trên thực tế, ông Kim Jong Il chẳng những không đi theo mô hình Trung Quốc, mà còn đi ngược lại xu thế mở cửa kinh tế. Sau khi gạt ông Pak Pong Ju, một nhân vật có đầu óc cải tổ, ra khỏi chức Thủ tướng Bắc Triều Tiên vào tháng 4/2007, họ Kim đã đẩy mạnh trấn áp những người buôn bán tự do và tiến hành đổi tiền vào tháng 12/2009, nhằm mục đích làm sạt nghiệp thành phần trung lưu mới nổi lên.

Theo báo chí Hàn Quốc, chế độ Bình Nhưỡng dường như muốn hợp tác với Trung Quốc để phát triển thêm hai khu công nghiệp nữa. Nhưng đó cũng sẽ chỉ là những « ốc đảo » tư bản chủ nghĩa, giống như khu công nghiệp Kaesong hợp tác với Hàn Quốc, tức là nằm ở những nơi xa xôi hẻo lánh và bao quanh là hàng rào kẽm gai gắn điện cao thế, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Thành ra, theo lời một giáo sư của trường đại học Chungang, ông Kim Jong Il tỏ vẻ quan tâm đến chính sách mở cửa kinh tế Trung Quốc chỉ để nhằm đạt mục tiêu là đẩy mạnh hợp tác song phương và nhận được viện trợ của Bắc Kinh, chứ lãnh tụ Bắc Triều Tiên dứt khoát không cải tổ kinh tế. Ông vẫn sợ rằng mở cửa theo hướng thị trường tự do sẽ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ Cộng sản cha truyền con nối duy nhất trên thế giới này.

21/5/11

Việt Nam bị tố cáo dùng trực thăng tấn công để đàn áp người Hmong

Thanh Phương 21/5/2011
 
Hôm qua, Trung tâm Phân tích Chính sách Công ( CPPA ) trụ sở tại Washington, Hoa Kỳ, vừa ra một thông cáo báo chí tố cáo Việt Nam đã sử dụng trực thăng tấn công để đàn áp người sắc tộc Hmong ở tỉnh Điện Biên.

Các thông tin của trung tâm này, cũng như các nguồn tin Hmong và Việt Nam cho biết là hôm qua, quân đội Việt Nam đã huy động trực thăng MI-24 « Hind » sản xuất từ thời Liên Xô để truy kích những người bị tình nghi đã tham gia vào cuộc biểu tình vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 của hàng ngàn người Hmong, trong đó có nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo. Các đơn vị đặc nhiệm của Quân đội Nhân dân Việt Nam, bao gồm các đơn vị Đặc Công, cùng với các thông dịch viên Việt-Hmong đã được huy động để yểm trợ lực lượng trực thăng vận trong việc truy tìm, bắt giữ, thẩm vấn và hành quyết những người biểu tình Hmong đang chạy trốn vào sâu trong tỉnh Điện Biên.

Trong bản thông cáo báo chí, Giám đốc Điều hành của CPPA, ông Philip Smith cho biết là số người Việt Hmong bị chết và bị bắt tăng mỗi ngày, vì quân đội Việt Nam tiếp tục cuộc đàn áp và chiến dịch an ninh ở tỉnh Điện Biên đã được tăng cường.

Trung tâm CPPA còn trích lời một đại diện của Liên đoàn Đoàn kết vì Dân chủ ở Lào tố cáo là binh lính Việt Nam, cùng với các cố vấn đặc biệt và công an đang phối hợp với quân đội Lào để giúp phong tỏa vùng biên giới Việt-Lào, cũng như để giúp truy bắt những người định vượt biên sang Lào để lánh nạn.

Những thông tin nói trên thật ra rất khó kiểm chứng bằng những nguồn tin độc lập, vì phóng viên nước ngoài và các nhà ngoại giao ngoại quốc không được vào khu vực Mường Nhé, Điện Biên. Một người dân hôm qua cho hãng tin AFP biết là hàng trăm người sắc tộc Hmong vẫn đang lẫn trốn trong rừng vì sợ bị bằt, trái với những tuyên bố của chính quyền cho rằng tình hình đã trở lại bình thường và mọi người đã trở về nhà. Cũng theo người dân nói trên, quân đội đã nói với dân chúng là họ sẽ ở lại đây cho đến cuối tháng 5. Còn theo một tổ chức bảo vệ tự do tôn giáo của Anh quốc Christian Solidarity Worldwide, nhiều tín đồ Hmong từ những nơi khác hiện vẫn còn ở Điện Biên để chờ ngày tận thế.

Theo nhận định của ông Philip Smith, Giám đốc Điều hành của CPPA, " Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, cũng như các lãnh đạo khác trong quân đội và trong Bộ Chính trị rất lo ngại là các cuộc biểu tình ở Điện Biên sẽ lan sang những nơi khác, với yêu sách đòi cải tổ dân chủ, đòi tự do hơn và đòi thay đổi chế độ ở Việt Nam và Lào".

Cho tới nay, chính quyền Việt Nam vẫn cho rằng một số người Hmong nhẹ dạ đã tin vào những « thông tin lừa bịp của kẻ xấu » để chờ đón sự xuất hiện của « Thế lực siêu nhiên ». Hà Nội cũng khẳng định là các « phần tử xấu » đã lợi dụng tình hình đó để kích động, vận động đòi thành lập « vương quốc Hmong ».

Thực tế là cuộc tập hợp ở Mường Nhé ban đầu mang tính tôn giáo hơn là chính trị. Hàng ngàn người Hmong, không chỉ ở Điện Biên, mà ở các những nơi khác ở Việt Nam, đã kéo đến Mường Nhé từ cuối tháng 4, sau khi nghe các chương trình phát thanh Tin Lành của Mỹ, theo đó Chúa Giêsu sẽ hiện ra đúng ngày hôm nay 21/5, được cho là Ngày Phán Xét Cuối Cùng. Các vụ xung đột đã nổ ra giữa người biểu tình Hmong với quân đội và chính quyền loan báo đã bắt giữ nhiều người.

Tổ chức Human Rights Watch hôm thứ ba vừa qua đã lên án việc chính quyền Việt Nam bưng bít thông tin về vụ Mường Nhé và yêu cầu Hà Nội mở một cuộc điều tra minh bạch những cáo buộc về việc sử dụng vũ lực quá đáng từ phía chính quyền và từ phía những người biểu tình.

20/5/11

Hai ngư dân Quảng Ngãi bị bắn trên vùng Biển Đông

Thanh Phương 20/5/2011
 
Theo nguồn tin từ công an xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hôm nay, Chủ nhật vừa qua, một nhóm vũ trang đã nhảy lên một tàu đánh cá của Việt Nam trên Biển Đông, vùng quần đảo Trường Sa, nổ súng vào các ngư dân làm bị thương hai người, trước khi tẩu thoát trên tàu của nhóm này.

Hai người bị thương đã được các thuyền viên khác đưa đến Malaysia để chữa trị. Chiếc tàu nói trên đánh cá theo hợp đồng ở vùng lãnh hải Malaysia và khi đang trên đường trở về Việt Nam thì bị tấn công ở khu vực nằm giữa Malaysia và Philippines, nơi mà hai nước đều giành chủ quyền.

Hiện chưa rõ nhóm vũ trang tấn công tàu Việt Nam là thuộc nước nào. Theo thân nhân của các thuyền viên, nhóm vũ trang mặc quân phục Philippines, nhưng một phát ngôn viên quân sự ở Manila nói không hề được báo các về một sự số nào ở Biển Đông.

Vụ tấn công xảy ra vào lúc mà chính quyền thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam Trung Quốc gần đây đã thông báo về “ mùa nghỉ đánh bắt cá “, tức là lệnh cấm đánh bắt cá, từ ngày 16/5 đến 1/8, với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam.

Còn theo tờ báo mạng VietnamNet hôm qua đưa tin là mới đây, Cục Hải dương Trung Quốc đã công bố Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc năm 2011, trong đó có một số bản đồ vẽ hình “ đường lưỡi bò” ở Biển Đông, nêu kế hoạch thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực quần đảo Trường Sa và mở tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa. Còn Tân Hoa Xã ngày 16/5 vừa qua loan tin là công ty China Mobile vừa thông báo mở rộng cung cấp dịch vụ điện thoại di động tại quẩn đảo Trường Sa.

ASEAN ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông

Thanh Phương 20/5/2011
 
Hôm qua, 19/05/2011, các Bộ trưởng Quốc phòng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã họp tại thủ đô Jakarta của Indonesia. Vào cuối buổi họp, các bộ trưởng ASEAN đã ra tuyên bố chung khẳng định lại rằng: ” Các quốc gia thành viên ASEAN cam kết thực thi đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC)  và làm việc hướng tới việc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.”

Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cũng khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông theo quy định của công pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc 1982 về Luật Biển. Tờ Jakarta Post hôm qua trích dẫn lời một trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cho rằng việc nêu lên vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung nói trên là một “ tiến bộ”.

Cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, mà năm nay là họp lần thứ 5, là cơ chế cao cấp nhất về mặt quốc phòng của hiệp hội này. Được tổ chức thường niên, đây là dịp để trao đổi quan điểm vể các vấn đề quốc phòng và an ninh, cũng như những thách đố đối với 10 nước thành viên ASEAN.

Cho tới nay, ASEAN vẫn thương lượng với Trung Quốc về bản hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông ( DOC ), trước khi nâng văn bản này lên thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông ( COC ), có tính chất bó buộc về mặt pháp lý hơn.

Theo tờ Jakarta Post, hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purmono Yusgiantoro đã hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Jakarta. Sau cuộc hội đàm này, ông Purmono cho biết là đã không có phản ứng tiêu cực từ phía Trung Quốc về bản tuyên bố chung của ASEAN liên quan đến Biển Đông, được công bố trước cuộc hội đàm giữa hai bộ trưởng.

19/5/11

Đình công gia tăng ở Việt Nam do lạm phát

Thanh Phương 18/5/2011
 
Hiện nay, 80% số vụ đình công, bãi công tại Việt Nam đều bắt nguồn từ vấn đề lương của công nhân và chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp da giày, may mặc. Trong khi đó, mức lạm phát trong tháng 4 đã lên tới 17,51% so với cùng kỳ năm ngoái. Cho dù với mức lương 1,6 hay 1,7 triệu đồng, trong bối cảnh giá các mặt hàng thiết yếu đồng loạt tăng vọt, cuộc sống người lao động rất khó khăn. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân làm gia tăng đình công.

Theo báo chí trong nước hôm nay (18/5), chỉ trong ba tháng đầu năm nay, đã xảy ra 220 vụ đình công, so với 216 vụ cả năm 2009 và 424 vụ cả năm 2010. Tờ Vietnam News trích dẫn lời ông Mai Đức Chính, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nhìn nhận là mức lương hiện nay của công nhân không theo kịp đà leo thang của vật giá và đây là nguyên nhân chính khiến con số các vụ đình công tăng vọt.

Theo các số liệu do chính phủ công bố vào năm ngoái, mức lương bình quân hàng tháng ở Việt Nam là 1.365.000 đồng, tức là tương đương 65 đôla. Trong khi đó, mức lạm phát trong tháng 4 đã lên tới 17,51% so với cùng kỳ năm ngoái. Cho dù với mức lương 1,6 hay 1,7 triệu đồng, trong bối cảnh giá các mặt hàng thiết yếu đồng loạt tăng vọt, cuộc sống người lao động rất khó khăn. Theo VnEconomy, hiện nay 80% số vụ đình công, bãi công đều bắt nguồn từ vấn đề lương của công nhân và chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp da giày, may mặc.

Nhưng bên cạnh lạm phát và lương thấp, các cuộc đình công xảy ra còn là do điều kiện làm việc tồi tệ. Theo lời ông Lê Thanh Hà, phó viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn, cho biết là nhiều chủ xí nghiệp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của công nhân để bóc lột họ. Ông Mai Đức Chính, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng cho rằng, đình công sẽ chỉ giảm đi một khi quyền của người lao động được tôn trọng.

Theo hãng tin DPA của Đức, một cuộc thăm dò gần đây của Viện Công nhân-Công đoàn cho thấy là chỉ có khoảng 60% số hợp đồng làm việc với công ty có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp là tuân theo đúng luật Việt Nam.

Vào tháng trước, chính thứ trưởng Lao động Phạm Minh Huân cũng đã nhìn nhận rằng các quy định hiện hành không bảo đảm được quyền của người lao động; cho nên không thể ngăn chận được các vụ đình công. Ông Huân đã kêu gọi chính phủ đơn giản hóa các quy định, tôn trọng quyền của người lao động và đưa các quyền này vào một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ.

17/5/11

Sự sụp đổ của một trong những nhân vật sáng chói nhất trên chính trường nước Pháp

Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn tại Tòa án hình sự Manhattan, New York ngày 16/5/11.
Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn tại Tòa án hình sự Manhattan, New York ngày 16/5/11.
Reuters
Thanh Phương 17/5/2011
 
Bị còng hai tay sau lưng và bị hai cảnh sát xốc nách đi, rồi bây giờ bị tống giam với những cáo buộc nặng nề về cưỡng bức tình dục. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, Dominique Strauss-Kahn, một trong những nhân vật sáng chói nhất trên chính trường nước Pháp, một trong những nhân vật có thế lực nhất toàn cầu, đã rơi xuống tận đáy, tiêu tan hoàn toàn tham vọng trở thành Tổng thống tương lai của nước Pháp.

Cho tới hôm qua, các luật sư của cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp vẫn hy vọng là ông sẽ được tại ngoại hầu tra và trong thời gian đó, họ sẽ tìm ra đủ bằng chứng để minh oan cho ông. Đó cũng là hy vọng của gia đình, của Đảng Xã hội Pháp và dư luận Pháp nói chung, bởi vì vụ này đang làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của nước Pháp. Nhưng trước đề nghị nộp tiền thế chân 1 triệu đôla, nữ thẩm phán Melissa Jackson vẫn giữ thái độ kiên quyết, ra lệnh tống giam ông Dominque Strauss-Kahn, khởi đầu cho một thủ tục tố tụng hình sự chắc chắn sẽ kéo dài. Cho dù cuối cùng ông có được trắng án thì công danh sự nghiệp của Dominque Strauss-Kahn coi như chấm dứt ở đây.

Năm nay 62 tuổi, ông Dominique Strauss Kahn, một kinh tế gia lỗi lạc, đã góp phần nâng cao uy tín của Quỹ Tiền tệ Quốc tế kể từ khi ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của định chế này năm 2007, một chức vụ coi như ngang hàng với các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Với trình độ, kinh nghiệm nhiều lần làm bộ trưởng của ông, từ nhiều tháng qua, Dominique Strauss-Kahn vẫn được đa số dân Pháp xem là một trong những ứng cử viên Tổng thống có khả năng giải quyết các vấn nạn của nước Pháp, đặc biệt là thất nghiệp.

Trong nội bộ Đảng Xã hội, đảng đối lập cánh tả, tuy có nhiều nhân vật khác sẽ tham gia bầu cử sơ bộ chọn người đại diện cho Đảng ra tranh cử Tổng thống năm 2012, nhưng trước khi xảy ra vụ New York, mọi người coi như đã chấp nhận ông Dominique Strauss-Kahn như là ứng cử viên đương nhiên, bởi vì chỉ có ông mới chắc chắn đánh bại được ứng cử viên cánh hữu Nicolas Sarkozy. Nay, bàn cờ chính trị phải được sắp lại, với viễn cảnh là Đảng Xã hội sẽ lại để vuột mất cơ hội giành chiếc ghế lãnh đạo tối cao.

Rơi xuống tận đáy như vậy, chính là vì Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế vẫn có một điểm yếu, đó là phụ nữ, điều mà chính bản thân ông vẫn thừa nhận. Từ nhiều năm qua, thói trăng hoa của ông không còn là chuyện bí mật đối với giới báo chí Pháp, nhưng hầu như không ai nói đến trên mặt báo, với lý do không muốn đụng chạm đến đời tư của các chính trị gia. Nhưng ngay cả khi đã sang Washington làm việc, tại một quốc gia rất kỵ những vụ bê bối tình dục, ông Dominique Strauss-Kahn vẫn « ngựa quen đường cũ ». Ông lại dan díu với nhân viên cấp dưới, một nữ kinh tế gia người Hungary và suýt nữa đã bị mất chức vì vụ này. Vào lúc đó, người vợ thứ ba của ông, bà Anne Sinclair, một nhà báo nổi tiếng của Pháp, đã công khai tuyên bố tha thứ cho chồng. Lần này, sau khi ông Dominique Strauss-Kahn bị bắt ở New York hôm thứ bảy, bà Anne Sinclair cũng đã tuyên bố « không tin chút nào » những lời cáo buộc đối với chồng bà.

Nhưng vụ New York không phải chỉ là cuộc tình vụng trộm qua đêm, mà là một vụ án hình sự nghiêm trọng, vì với những tội danh bị cáo buộc, cựu Bộ trưởng Pháp có thể lãnh án tổng cộng đến tới 74 năm tù. Việc cảnh sát Mỹ để cho ống kính toàn thế giới chụp và quay cảnh ông Dominique Strauss-Kahn bị còng hai tay dẫn đi hôm chủ nhật đã gây sốc dư luận Pháp, nhất là vì luật pháp của Pháp không cho phép điều này. Nhiều nhân vật trong Đảng Xã hội cánh tả hôm nay đã nhất loạt chỉ trích hệ thống tư pháp Mỹ. Nhưng dù muốn dù không thì Tổng giám đốc IMF sẽ được xử theo luật pháp Hoa Kỳ. Quá trình rơi xuống địa ngục của ông Dominique Strauss-Kahn chỉ mới bắt đầu.

Hướng đạo Việt Nam cần được chính thức phục hồi hoạt động trên toàn quốc

Ngày họp mặt truyền thống Hướng đạo Việt Nam 31/ 5/1993 tại Hà Nội (Hoàng Đạo Thúy là người mặc áo trắng, ngồi giữa)
Ngày họp mặt truyền thống Hướng đạo Việt Nam 31/ 5/1993 tại Hà Nội (Hoàng Đạo Thúy là người mặc áo trắng, ngồi giữa)
DR
Thanh Phương 16/5/11
 
Nhiều cựu huynh trưởng và hướng đạo sinh từ những năm đầu tiên của Hướng đạo Việt Nam, mà một số nay đã quá tuổi 90, vẫn rất mong nhìn thấy phong trào được phục hồi và chính thức được công nhận trên toàn quốc. Thay mặt cho nhóm này, ông Đặng Văn Việt, nguyên cựu trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã viết đơn gởi các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước để xin phục hồi phong trào Hướng đạo.
 More
Được thành lập từ năm 1930 dưới thời Pháp thuộc, Hướng đạo Việt Nam, đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Sau năm 1945 và nhất là sau khi nổ ra chiến tranh Việt – Pháp 1946, Hướng đạo Việt Nam đã ngưng hoạt động một thời gian. Cho đến năm 1954, khi đất nước bị chia đôi theo Hiệp định Genève, Hướng đạo Việt Nam ở miền Bắc bị đình chỉ hoàn toàn, trong khi tại miền Nam, phong trào phát triển mạnh mẽ.

Ngay từ năm 1957, Hội Hướng đạo Vìệt Nam đã được công nhận là hội viên của Phong trào Hướng đạo Thế giới. Sau ngày 30/4/ 1975, Hội Hướng đạo Việt Nam bị giải tán, một số huynh trưởng và hướng đạo sinh di tản ra nước ngoài, gầy dựng phong trào ở nhiều nước. Đến năm 1983, Hội đồng Trung ương Hướng đạo đã được thành lập để thống nhất hoạt động ở hải ngoại.

Hiện nay, ở miền Nam, một số đơn vị Hướng đạo Việt Nam đã được thành lập và hoạt động tuy chưa được chính phủ công nhận, nhưng trong khi đó ở miền Bắc, phong trào Hướng đạo vẫn bị cấm ngặt hoàn toàn.

Nhiều cựu huynh trưởng và hướng đạo sinh từ những năm đầu tiên của Hướng đạo Việt Nam, mà một số nay đã quá tuổi 90, vẫn rất mong nhìn thấy phong trào được phục hồi và chính thức được công nhận trên toàn quốc. Họ đã tập hợp lại trong một Ban chấp hành lâm thời xin phục hồi Hướng đạo.

Thay mặt cho nhóm này, ông Đặng Văn Việt, nguyên cựu trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, nổi tiếng với nhiều thành tích lẫy lừng trong thời kháng chiến chống Pháp, đã viết đơn đề ngày 01/03/2011 gởi các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước để xin phục hồi phong trào Hướng đạo.

Vì sao Hội Hướng đạo Việt Nam chưa được Nhà nước cho tái lập ?

Trong một bài viết gởi riêng cho trang mạng Bauxite Việt Nam, luật sư Nguyễn Lệnh, nguyên là một cựu hướng đạo sinh, đã nhắc lại rằng, mặc dù đã có Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 qui định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, tức là trên nguyên tắc có cơ sở pháp lý để Hội Hướng đạo Việt Nam được thành lập, nhưng trong một thông báo đề ngày 20/4/2004, gởi đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lại ngăn cản, không cho đặt vấn đề tái lập tổ chức Hướng đạo. Trong một thông báo khác, đưa ra vào năm 2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nhắc lại chủ trương cấm đoán ấy.

Theo luật sư Nguyễn Lệnh, chính chủ trương này đã gây nên tình trạng sinh hoạt tự phát và chia rẽ ngày càng trầm trọng giữa các nhóm Hướng đạo. Mỗi nhóm chọn cách thức sinh hoạt khác nhau, có nhóm Hướng đạo chỉ sinh hoạt tại nhà, không tham gia với một đơn vị Hướng đạo nào cả, để được yên thân. Có nhóm Hướng đạo tự nhận mình chỉ là một "Gia đình" để Nhà nước không để ý, nhưng có tham gia vận động xin Nhà nước công nhận Hướng đạo. Có nhóm Hướng đạo mới hình thành 5, 6 năm, nhưng có số đoàn sinh khá đông và chọn cách sinh hoạt truyền thống, bài bản như ở miền Nam Việt Nam trước 1975. Họ dựa vào những Nhà thờ, dòng tu để sinh hoạt, vừa tiết kiệm chi phí, vừa ít bị chú ý. Có nhóm Hướng đạo may lá quốc kỳ Việt Nam trên ngực áo như một hình thức tạo niềm tin cho phía Nhà nước để sinh hoạt công khai và tham dự huấn luyện, họp bạn ở nước ngoài. Có nhóm Hướng đạo gần như công khai trong sinh hoạt và vận động Nhà nước công nhận Hướng đạo. Nhóm này có nhiều huynh trưởng là đảng viên Cộng sản và chủ trương lấy quy trình (điều lệ) đầu tiên 1946 làm căn cứ pháp lý duy nhất, không thừa nhận các quy trình đã được sửa đổi bổ sung sau năm 1946.

Thật ra thì việc tái lập hoạt động của Hội Hướng đạo Việt Nam gặp cản trở không phải là về mặt pháp lý, nhưng là về mặt chính trị, bởi lẽ, như luật sư Nguyễn Lệnh có nêu lên trong bài viết nói trên, trong các thông báo, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã cho rằng nhiều nhóm Huớng đạo « có quan hệ móc nối với các phần tử phản động và số cầm đầu các nhóm Hướng đạo ở hải ngoại và với tổ chức Hướng đạo thế giới, với sứ quán, lãnh sự quán ở Việt Nam để tuồn thông tin, vu cáo chế độ ta, xin chỉ đạo và tài trợ cho hoạt động của mình ». Thông báo của Ban Bí thư còn khẳng định là « Các tổ chức Hướng đạo Công giáo, Cao đài, Tin lành công khai dùng phương pháp hoạt động Hướng đạo để giáo dục tôn giáo, thực hiện tôn chỉ của các Giáo hội được các Giáo xứ và Nhà nhờ ủng hộ mạnh mẽ về vật chất và tinh thần. ».

Thay vì cho phục hồi Hội Hướng đạo, các thông báo của Ban Bí thư Trung ương chỉ đạo cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam « tiếp thu có chọn lọc hình thức, phương pháp của Hướng đạo trong giáo dục và tổ chức hoạt động của thanh thiếu niên...". Điều này cho thấy là Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn nhận những mặt tốt của Hướng đạo, vì rõ ràng lịch sử đã chứng minh Hướng đạo chính là môi trường tốt nhất để đào tạo những công dân có ích, sẳn sàng xả thân vì đất nước, cứu giúp kẻ hoạn nạn, có tâm hồn trong sáng. Trong bối cảnh mà ở Việt Nam, giáo dục khủng hoảng, đạo đức suy đồi, xã hội đầy rẫy bạo lực, phong trào Hướng đạo càng cần phải được nhanh chóng chính thức phục hồi, đó là điều mà những vị cựu huynh trưởng, cựu hướng đạo sinh như ông Đặng Văn Việt mong muốn nhìn thấy.

15/5/11

Nhiều người bị sách nhiễu vì ký kiến nghị đòi tự do cho Cù Huy Hà Vũ

Thanh Phương 14/5/2011
 
Trang mạng Bauxite Việt Nam cho biết : nhiều người ký tên thỉnh nguyện thư trả tự do cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong những ngày qua đã bị sách nhiễu dưới nhiều hình thức. Trong số này có tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM.

Theo thông tin từ Trang mạng Bauxitte Việt Nam ngày 14/05/11, nhiều người ký tên thỉnh nguyện thư trả tự do cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cho biết trong những ngày qua họ đã bị sách nhiễu dưới nhiều hình thức như : tra hỏi để biết người ký tên là tự nguyện ký hay bị người khác mượn tên ; nói công khai hoặc úp mở rằng ký tên thỉnh nguyện thư này là trái pháp luật ; gây áp lực để cơ quan hoặc công ty sa thải nhân viên đã ký vào thỉnh nguyện thư ; đòi phải viết đơn nói rõ tại sao hoặc ai xúi giục ký tên thỉnh nguyện thư.

Cũng theo trang mạng Bauxite Việt Nam, một số kẻ còn có hành động « xúc phạm các bậc lão thành cách mạng bằng cách đi dò hỏi xem ai viết văn bản hộ các cụ, chữ ký của các cụ có chính xác hay không, có ai đứng đằng sau “ký hộ” các cụ không ! » 

Qua vụ này, ban điều hành trang mạng Bauxite Việt Nam khẳng định là : « Việc các công dân nhận thấy một vụ án oan sai và cùng nhau ký thỉnh nguyện trả tự do cho bị cáo – trường hợp tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ – là một hoạt động bình thường của một xã hội dân chủ, văn minh, pháp trị. Pháp luật Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyệt nhiên không có điều khoản nào cấm công dân ký thỉnh nguyện thư loại đó. »

Bauxite Việt Nam tuyên bố không tán thành « cách hành xử bạo lực, kể cả hành xử theo lối đe dọa việc tự do biểu đạt ý kiến của các công dân. »

Trong số những người bị sách nhiễu vì ký tên thỉnh nguyện thư trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ, có tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM và là tác giả nhiều công trình nghiên cứu và dịch thuật có giá trị về văn học và triết học phương Tây.

Trong các trang nhật ký gởi cho Bauxite Việt Nam, Nguyễn Thị Từ Huy cho biết theo lệnh của công an, một cán bộ quản lý trường đã liên lạc với cô và yêu cầu viết một đơn gởi lên trường, trong đó nói rõ là cô đã ký vào kiến nghị, nhưng Từ Huy đã từ chối gặp viên cán bộ đó và cũng không viết đơn.

Bản kiến nghị trả tự do cho tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ do Bauxite Việt Nam khởi xướng và phát đi từ ngày 9/4/2011. Tính đến này 30/04/11, bản kiến nghị này đã thu được gần 1900 chữ ký.

Việc Đan Mạch tái lập kiểm tra hải quan ở biên giới đe dọa Không gian Schengen

Thanh Phương 14/5/2011
 
Ngày 11/05/11, không hề tham khảo trước với các nước thành viên khác trong Liên Hiệp Châu Âu, Đan Mạch đã loan báo quyết định tái lập việc kiểm tra hải quan thường trực ở các cửa khẩu biên giới chung với Đức và Thụy Điển. Biện pháp này, theo dự kiến, sẽ bắt đầu được thực hiện từ đây đến 2 hoặc 3 tuần nữa.
Nhưng như vậy là chính phủ Copenhagen hành động trái với những hiệp ước của Liên Hiệp Châu Âu, bởi vì các biên giới bên trong khối 27 nước thành viên đã hoàn toàn bị xóa bỏ đối với hàng hoá, dịch vụ và vốn.

Nếu có kiểm tra hải quan thì chỉ là kiểm tra một cách đột xuất thôi, chứ không kiểm tra một cách thường trục. Riêng đối với 22 quốc gia trong Không gian Schengen, công dân có quyền tự do đi lại giữa các nước này mà không cần xuất trình hộ chiếu hoặc thẻ căn cước.

Chính phủ Đan Mạch biết rõ những điều đó, nhưng họ vẫn quyết định tái lập kiểm tra hải quan thường trực ở biên giới giáp với Đức và Thụy Điển, để « chống nạn nhập cư bất hợp pháp và tội phạm có tổ chức ».
Quyết định này đã được đưa ra dưới áp lực của Đảng Nhân dân Đan Mạch, đảng cực hữu nằm trong liên minh cầm quyền và là đảng vẫn chống lại việc nhập cư vào Đan Mạch. Quyết định của Đan Mạch đã gây phản ứng mạnh từ phía một số nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, như Pháp và Đức.

Còn Uỷ ban châu Âu hôm qua đã phạt « thẻ vàng » Đan Mạch và đã doạ đưa Copenhague ra trước toà án châu Âu, nếu chính phủ nước này nhất quyết thực hiện quyết định nói trên.

Thật ra thì hành động của Đan Mạch cũng chẳng có gì là khó hiểu, bởi vì Không gian Schengen, một trong những biểu tượng của châu Âu hợp nhất, đã bắt đầu bị đe doạ kể từ vụ cãi vã giữa Pháp với Ý liên quan đến số phận của hàng ngàn thuyền nhân Tunisia, đổ vào châu Âu qua đảo Lampedusa của Ý, nhưng phần lớn muốn sang Pháp.

Theo yêu cầu của Paris và Roma, Liên Hiệp Châu Âu đã dự trù cho phép các nước thành viên tái lập một cách dễ dàng hơn việc kiểm tra hộ chiếu, trong trường hợp có những làn sóng nhập cư ồ ạt hoặc trong trường hợp một quốc gia nào đó không còn khả năng kiểm soát biên giới.

Trong cuộc họp ở Bruxelles vừa qua, các bộ trưởng Nội vụ Liên Hiệp Châu Âu đã đồng ý với nhau là sẽ tăng cường kiểm soát các biên giới bên ngoài khối này và cấm việc tái lập kiểm soát biên giới giữa các nước thành viên, ngoại trừ trong những điều kiện rất nghiêm ngặt.

Nhưng tại Nghị viện châu Âu, nhiều người đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ các đảng cực hữu dân túy ở một số nước khai thác lỗ hổng vừa được mở ra để siết chặt trở lại kiểm soát biên giới.

Quyết định của Đan Mạch hôm thứ tư vừa qua càng chứng minh cho nguy cơ đó. Tương lai của Không gian Schengen kể từ nay tùy thuộc vào thái độ cứng rắn của Ủy ban châu Âu đối với Đan Mạch, vì nếu để cho một chính phủ có quyền sửa đổi những quy định chung, thì châu Âu sẽ không còn là một khối thống nhất nữa.