12/11/12

Từ Ecopark đến Thủ Thiêm : Chính quyền làm trái Luật đất đai


Cựu chiến binh tham gia biểu tình ngày 07/11/2012 ở Hà Nội phản đối những vụ cướp đất ở Hà Tĩnh (Reuters)
Cựu chiến binh tham gia biểu tình ngày 07/11/2012 ở Hà Nội phản đối những vụ cướp đất ở Hà Tĩnh (Reuters)
Thanh Phương
 
Sau 8 năm kiên trì đấu tranh, cuối cùng người nông dân ở huyện Văn Giang đã giành được thắng lợi ban đầu, đó là trong cuộc gặp gỡ với nông dân ba xã Xuân Quan, Cửu Cao và Phụng Công ngày 8/11 vừa qua, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên-Môi trường, đã xin lỗi nông dân, vì ông nhìn nhận đã không làm đúng thẩm quyền trong vấn đề thu hồi đất cho dự án đường cao tốc Hưng Yên – Hà Nội và dự án khu đô thị sinh thái Ecopark ở Văn Giang.

Cụ thể, ông Đặng Hùng Vũ công nhận đã không trình đúng thẩm quyền hai văn bản gởi thủ tướng năm 2004 về việc thu hồi đất, trong khi chỉ trước đó vài ngày, vị cựu thứ trưởng này còn khẳng định ngược tại, tức là ông đã hành xử hoàn toàn đúng luật trong việc thu hồi đất ở Văn Giang.
Sau lời nhận lỗi của ông Đặng Hùng Võ với nông dân Văn Giang ngày 8/11, hồ sơ này có thể được giải quyết ra sao, luật sư Trần Vũ Hải, người bảo vệ quyền lợi cho các nông dân Văn Giang, giải thích:

Khi nhìn nhận đã bản thân mình đã làm trái luật, phải chăng mặc nhiên ông Đặng Hùng Võ cũng thừa nhận là ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là Phó thủ tướng, cũng làm trái luật? Và như vậy cả chính phủ cũng đã không tuân thủ Luật đất đai?

Như tiến sĩ Nguyễn Quang A đã nhắc lại trong bài viết tựa đề “Chính phủ cố ý làm trái luật đất đai?”, “luật đất đai 1993 đã giao cho thủ tướng chính phủ quyết định; nhưng sau đó do thấy tập trung quyền lực vào tay một người dễ gây ra sự lạm dụng hay quyết định thiếu cơ sở, nên Quốc hội (trong đợt sửa 1998 và 2001) đã chuyển quyền đó sang cho Chính phủ, chứ không phải thủ tướng.

Thế nhưng trong tờ trình số 99/Ttr –BTNMT Gs. Võ đã ghi “kính gửi Thủ tướng Chính phủ” chứ không phải Chính phủ và khiến cho phó Thủ tướng đã ký Quyết định 742/QĐ-Ttg (chứ không phải Chính phủ có một nghị quyết rồi trên cơ sở đó Thủ tướng thay mặt Chính phủ ra Quyết định).

Sau khi đã xin lỗi người dân Văn Giang, ông Đặng Hùng Võ tuyên bố với trang mạng VnExpress ngày 09/11 rằng ông đã làm việc với nông dân Văn Giang “hoàn toàn trên tư cách cách cá nhân”. Ông Võ cho biết ông sẽ “suy xét lại mọi vấn đề để có kết luận cuối cùng trước khi gửi kiến nghị tới Bộ Tài nguyên – Môi trường.
Theo ông Đặng Hùng Võ, mấu chốt đối với vụ này là xác định thẩm quyền là của chính phủ hay thủ tướng trong quyết định giao đất ở Văn Giang. Nhân dịp này, ông tiết lộ là trong giai đoạn từ năm 1993 đến 2004, số lượng quyết định của thủ tướng về đất đai trên cơ sở thẩm quyền của chính phủ là trên ... 3.000 văn bản. Như vậy theo lời cựu thứ trưởng Tài nguyên - Môi trường, trong giai đoạn đó, thủ tướng Việt Nam không chỉ đã làm trái luật mà còn làm trái đến 3000 lần! Chính ông Võ cũng nhận xét :” Vi phạm đất đai ở Việt Nam là chuyện cơm bữa”.

Quả thật Văn Giang cũng chỉ là một trong vô số ví dụ về việc chính phủ hay các chính quyền địa phương làm trái pháp luật về đất đai, chẳng hạn như trường hợp ở quận 2, Sài Gòn. Người dân ở ba phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh quận 2 đang bị chính quyền quận cưỡng bức phá vỡ nhà nằm ngoài phạm vi quy hoạch Đô thị mới Thủ Thiêm quận 2. Họ đã đã nhiều lần kêu cứu, tố cáo đến các cơ quan trung ương từ những năm 2007 đến nay, nhưng không được ai xem xét.

Mãi đến ngày 27/06/2012, tại buổi tiếp xúc cử tri, chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố kiêm đại biểu quốc hội, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, mới hứa hẹn sẽ xúc tiến đối thoại giữa chính quyền địa phương với người dân ba phường nói trên.

Nhưng thay vì đối thoại với dân, chính quyền quận 2 lại đẩy nhanh việc cưỡng chế phá vỡ nhà. Quá tuyệt vọng, những người dân bị cưỡng chế phá nhà đã nhờ đến sự trợ giúp của luật sư Trần Vũ Hải và đã cho đăng lên mạng kiến nghị của họ yêu cầu mở đối thoại về vấn đề này. Trả lời qua điện thoại với RFI Việt ngữ hôm thứ bảy tuần trước, 10/11/2012, ông Lê Văn Lung, một trong ba người đại diện ký kiến nghị nói trên, cho biết:
 

10/11/12

Trung Quốc, cường quốc kinh tế số một thế giới năm 2016

Theo dự báo, tổng sản phẩm nội địa GDP của Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ (Reuters)
Theo dự báo, tổng sản phẩm nội địa GDP của Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ (Reuters)

Thanh Phương
 
Hoa Kỳ sẽ để lọt vị trí cường quốc kinh tế số một thế giới vào tay Trung Quốc kể từ năm 2016, rồi sau đó sẽ bị Ấn Độ qua mặt. Đó là dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) trong bản báo cáo công bố vào ngày hôm qua 09/11/2012 tại Paris.

Trong báo cáo về tăng trưởng thế giới vào năm 2060, OCDE, một tổ chức quy tụ những nước giàu nhất thế giới, dự báo là kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 3%, nhưng với những cách biệt đáng kể giữa các nền kinh tế đang trỗi dậy với các nước phát triển. Các nước đang trỗi dậy sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn và các nước phát triển sẽ tăng trưởng chậm hơn và thậm chí bị suy giảm.

Tại châu Âu, chẳng hạn như Pháp được dự báo sẽ chỉ lên đến mức tối đa là 2% từ đây đến năm 2030, sau đó lại rơi xuống mức 1,4% trong khoảng thời gian từ 2030 đến 2060.

Với xu hướng như trên, OCDE nhận định là cán cân sức mạnh kinh tế trên thế giới sẽ bị đảo lộn rất nhiều trong 50 năm tới. Cụ thể, ngay từ năm 2016, Hoa Kỳ sẽ để lọt vị trí cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới vào tay Trung Quốc.

Trong dài hạn, sẽ đến lượt tổng sản phẩm nội địa GDP của Ấn Độ sẽ qua mặt GDP của Hoa Kỳ. Trong khoảng 1 năm nữa, kinh tế Trung Quốc cũng sẽ vượt hơn các nước khu vực đồng euro. Ấn Độ cũng được dự báo sẽ qua mặt Nhật Bản trong 1 hoặc 2 năm tới và cũng sẽ là nền kinh tế lớn hơn toàn bộ vùng euro trong 20 năm tới.

Theo báo cáo của OCDE, với mức tăng trưởng cao, tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc và Ấn Độ gộp lại sẽ cao hơn tổng sản phẩm nội địa của 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới ( G7 ) từ đây đến năm 2025. Đến năm 2060, nền kinh tế của hai nước Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại cũng sẽ qua mặt toàn bộ các quốc gia thành viên hiện nay của OCDE. Những nền kinh tế có dân số đang già đi như Nhật Bản và các nước vùng euro sẽ dần dần nhường chỗ cho các nước có dân số trẻ hơn, như Indonesia và Braxin.

Bản báo cáo trích lời của tổng thư ký OCDE, Angel Gurria, dự báo rằng, « khủng hoảng kinh tế kéo dài từ 5 năm qua sẽ chấm dứt, nhưng thế giới của con, cháu chúng ta có thể sẽ khác xa thế giới của chúng ta ». Nói chung, theo OCDE, sự cách biệt hiện nay về mức sống của các nền kinh tế đang trỗi dậy và các nền kinh tế phát triển sẽ thu ngắn lại vào năm 2060.

Tóm lại, trong 50 năm tới, các nước đang trỗi dậy sẽ làm thay đổi diện mạo thế giới. Nhưng khi trình bày báo cáo hôm qua, tổng thư ký OCDE xem đây là một hồi chuông cảnh báo rằng chúng ta « sẽ đối diện với những thách thức mới trong việc bảo đảm một thế giới thịnh vượng và bền vững cho mọi người ».

Báo cáo của OCDE được đưa ra vào lúc khủng hoảng nợ công vùng euro vẫn gây lo ngại cho toàn cầu. Hoa Kỳ thì đang gặp bế tắc về ngân sách và đây được coi là một trong những mối đe doạ trong ngắn hạn đối với tăng trưởng toàn cầu. Ngay cả tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng đang chậm lại.

Trung Quốc sắp có khả năng răn đe hạt nhân trên biển

Tàu ngầm thế hệ mới (lớp Tấn) được trang bị tên lửa liên lục địa (REUTERS)
Tàu ngầm thế hệ mới (lớp Tấn) được trang bị tên lửa liên lục địa (REUTERS)

Thanh Phương
 
Theo một dự thảo báo cáo thường niên của Ủy ban đánh giá quan hệ kinh tế và an ninh Mỹ-Trung ( USCC ), mà hãng tin AFP có được ngày hôm qua, 09/11/2012, Trung Quốc sắp sửa lần đầu tiên có khả năng răn đe hạt nhân thật sự trên biển, nhờ có thêm các tàu ngầm và tên lửa mới. Tuy nhiên, bí mật vẫn bao trùm kho vũ khí của Trung Quốc và chính sách quốc phòng của Bắc Kinh vẫn còn là ẩn số.

Trong báo cáo sẽ được chính thức đệ trình lên Quốc hội Mỹ hôm thứ tư tuần tới (14/11/2012), Ủy ban nói trên ghi nhận : « Trung Quốc sắp sửa có được bộ ba hạt nhân gồm các tên lửa liên lục địa, tàu ngầm phóng tên lửa và bom nguyên tử ném từ oanh tạc cơ ».

Từ nhiều thập niên qua, hải quân Trung Quốc đã có một khả năng hạt nhân trên biển mang tính « tượng trưng », với một tàu ngầm cũ và các tên lửa. Nhưng theo USCC, lực lượng này sắp tới đây sẽ có khả năng hoạt động thật sự. Hiện giờ, 2 trong số 5 tàu ngầm thế hệ mới ( Jin-class , lớp Tấn ) đã được giao và một tên lửa liên lục địa mới trang bị cho những tàu ngầm đó, loại JL-2, có thể đạt khả năng tác chiến ban đầu trong vòng hai năm tới.

Là cường quốc hạt nhân từ năm 1964, Bắc Kinh chủ yếu dựa trên số lượng từ 50 đến 75 tên lửa liên lục địa đặt trên bộ và đang tiếp tục hoàn thiện những tên lửa đó, với một hệ thống ngụy trang và gây nhiễu. Trung Quốc hiện cũng có khoảng 20 oanh tạc cơ chiến lược có thể ném bom nguyên tử, theo như báo cáo của USCC.

USCC cho biết là Bắc Kinh cung cấp rất ít thông tin về quy mô, thành phần và sự bố trí của các lực lượng hạt nhân của nước này. Các nhà quan sát phương Tây hiện chỉ có thể phỏng đoán con số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc là từ 100 đến 500. Mặt khác, tiến trình cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân ở Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số.

Các giới chức quốc phòng của Mỹ cũng quan ngại về mối quan hệ giữa chính phủ Bắc Kinh với giới quân sự. Bản báo cáo của USCC nên lên vụ thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh năm 2007 và vụ cho bay thử chiến đấu cơ J-20 năm 2011, đúng vào lúc Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates thăm Trung Quốc. Trong cả hai vụ thử này, giới lãnh đạo dân sự của Trung Quốc đều hoàn toàn bị bất ngờ.

9/11/12

Trung Quốc thay lãnh đạo, nhưng không đổi chính sách

Lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đảo (T) và Tập Cận Bình
Lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đảo (T) và Tập Cận Bình
REUTERS

Lưu Tường Quang / Thanh Phương
 
Trong bài diễn văn khai mạc Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc hôm qua, 08/11/2012, Tổng bí thư, kiêm Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi quyết liệt chống tham nhũng, mà ông xem là mối đe doạ đối với sự tồn vong của chế độ Bắc Kinh.

Ông Hồ Cẩm Đào cũng nói đến cải tổ chính trị, nhưng vẫn giữ độc quyền lãnh đạo của Đảng. Cho dù thay đổi lãnh đạo, với việc ông Tập Cận Bình lên làm Tổng bí thư, đảng Cộng sản Trung Quốc có lẽ sẽ không thay đổi nhiều về chính sách.

Từ Sydney, nhà báo Lưu Tường Quang nhận định:
 

Việt Nam không còn chống dự án đập Xayaburi của Lào

Trang bìa dự án công trình thủy điện Xayaburi do nhà thầu thực hiện.
Trang bìa dự án công trình thủy điện Xayaburi do nhà thầu thực hiện.
DR

Thanh Phương
 
Hôm qua, 08/11/2012, sau một năm rưỡi đình hoãn, Lào xác nhận đã khởi công xây dựng đập Xayaburi trên sông Mêkông, một công trình đã gây rất nhiều tranh cãi, do mối quan ngại về những tác hại của đập lên môi trường và sự đa dạng sinh thái của vùng Mêkông.

Thứ trưởng Năng lượng Lào Viraphonh Viravong cho hãng tin AFP biết là trong lễ khởi công đập thủy điện Xayaburi hôm thứ Tư có sự tham dự của hai đại sứ Việt Nam và Cam Bốt.

Sau khi phản đối quyết liệt việc Lào xây đập Xayabrui, Việt Nam dường như không còn chống dự án này nữa. Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã tuyên bố là chính phủ Lào quyết định khởi công xây dựng thủy điện Xayaburi « sau khi đã điều chỉnh thiết kế của công trình để giảm thiểu tác động đối với hạ du và trong quá trình xây dựng, nếu phát hiện công trình gây tác hại lớn sẽ dừng ngay dự án ».

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản đối việc Viên Chăn khởi công dự án này, mà chỉ nói là Việt Nam hy vọng rằng Lào « sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu tác động môi trường và hoàn thiện thiết kế của đập Xayaburi ».

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen cũng đã đồng ý « trên nguyên tắc » việc xây đập Xayaburi, sau khi hội đàm với Chủ tịch Lào Choummaly Sayasone.

Tháng 5 năm ngoái, Ủy hội sông Mêkông ( bao gồm bốn nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan ) đã đình chỉ dự án Xayaburi, do tập đoàn Thái Lan Ch Karnchang thực hiện với chi phí tổng cộng 3,8 tỷ đôla. Sau đó, chính phủ Viên Chăn khẳng định đã sửa đổi thiết kế dự án để đáp ứng những mối quan ngại của hai nước vùng hạ lưu Mêkông là Việt Nam và Cam Bốt.

Theo các nhà bảo vệ môi trường, đập thủy điện Xayaburi với công suất 1.260 megawatt, sẽ gây tác hại rất nặng nề đối với 60 triệu dân vẫn sống nhờ vào con sông Mêkông về mặt vận chuyển, lương thực và kinh tế.

7/11/12

Tổng thống Obama củng cố vị thế của ông trong lịch sử

Ông Obama cùg với gia đình tại Chicago trong đêm 07/11/2012 (REUTERS)
Ông Obama cùg với gia đình tại Chicago trong đêm 07/11/2012 (REUTERS)

Thanh Phương
 
Tái đắc cử sau một nhiệm kỳ đầy cam go và sau một chiến dịch tranh cử quyết liệt, Barack Obama như vậy đã củng cố vị thế của ông trong lịch sử với tư cách vị tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ. Tính từ năm 1945 cho đến nay, trước ông Obama, chỉ có một tổng thống Dân chủ duy nhất nắm quyền lãnh đạo Hoa Kỳ trong hai nhiệm kỳ, đó là Bill Clinton.

Nhưng vào thời ông Bill Clinton, tình hình kinh tế Mỹ khá hơn nhiều so với hiện nay, với mức thất nghiệp lên tới 7,9%. Trong lịch sử nước Mỹ, chưa có vị tổng thống nào tái đắc cử khi tỷ lệ thất nghiệp vượt quá mức 7,2%.

Đắc cử tổng thống lần đầu tiên năm 2008 với những khẩu hiệu « hy vọng » và « thay đổi », lần này, vị tổng thống Dân chủ cũng đã thuyết phục người dân Mỹ rằng ông sẽ làm tốt hơn đối thủ Cộng hoà Mitt Romney trong việc hồi phục nền kinh tế Hoa Kỳ, mặc dù nước ngày còn đang gượng dậy sau 4 năm khủng hoảng.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Obama đã thực hiện được dự án đầy tham vọng đó là cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế của nước Mỹ, nhưng về mặt kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp nay vẫn còn cao hơn 2,9 điểm so với thời kỳ trước khủng hoảng.

Nợ của Nhà nước liên bang thì đã tăng thêm hơn phân nửa kể từ năm 2009. Vị tổng thống Dân chủ cũng đã chưa thông qua được luật cải tổ về nhập cư, cũng như chưa thực hiện được kế hoạch chuyển tiếp sang các năng lượng xanh.

Thật ra, không thể đổ hết trách nhiệm lên đầu ông Obama, vì trong hai năm qua, tổng thống Mỹ luôn gặp cản lực từ phe Cộng hòa, đặc biệt kể từ khi đảng này giành được đa số ở Hạ viện cuối năm 2010. Các dân biểu Cộng hòa vẫn luôn tìm cách cắt giảm chi tiêu Nhà nước, nhưng dứt khoát không tăng thuế, khiến ông Obama bị bó tay.

Hậu quả của cuộc chung sống đầy xung khắc này là chính trường nước Mỹ đã mấy lần gặp bế tắc. Sau bầu cừ hôm qua, tổng thống Obama sẽ phải chịu đựng thêm ít nhất hai năm nữa cuộc chung sống này. Trước mắt, từ đây đến cuối năm, các dân biểu Dân chủ và Cộng hòa sẽ phải thoả thuận được với nhau về vấn đề ngân sách.

Nếu không đạt được thoả thuận, kể từ ngày 1 tháng Giêng năm tới, các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thuế sẽ tự động có hiệu lực, có nguy cơ khiến kinh tế Mỹ rơi trở lại vào suy thoái. Quốc hội Mỹ cũng phải nhanh chóng đạt thoả thuận về nợ công để tránh cho Hoa Kỳ rơi vào tình trạng vỡ nợ. Hồ sơ này vẫn gây xáo động chính trường nước Mỹ kể từ khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poors đánh rớt hạng điểm AAA đối với Hoa Kỳ.

Về mặt đối ngoại, điểm đáng chú ý trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Obama, đó là Hoa Kỳ đã chuyển hẳn trọng tâm sang châu Á, khác hẳn với thời George W. Bush. Ông Obama cũng đã thực hiện lời hứa rút quân khỏi Irak, nhưng lại tăng thêm quân ở Afghanistan, với mục tiêu tận diệt quân khủng bố Al Qaida. Trong cuộc chiến này, tổng thống Mỹ đã giành thắng lợi vang dội, với việc hạ sát trùm khủng bố Ben Laden. Ông cũng đã bắt đầu triệt thoái quân dần khỏi Afghanistan.

Nhưng tại Trung Đông, ông Obama đã không thúc đẩy được tiến trình hòa bình Israel - Palestine và đã tỏ ra hơi bị động trước phong trào dân chủ « mùa xuân Ả Rập ». Chính quyền Obama cũng vất vả đối phó với hiểm hoạ hạt nhân Iran, trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc và Nga không được hoàn toàn êm thắm.
Sau nhiệm kỳ đầy khó khăn vừa qua và cho dù đã gây thất vọng cho nhiều cử tri, ông Obama nay tiếp tục muốn là biểu tượng của sự thay đổi. Nhưng con đường bốn năm tới sẽ vẫn còn rất nhiều chông gai đối với vị tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ.

6/11/12

Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam giải quyết nhanh chóng vụ bắt giữ ông Nguyễn Quốc Quân

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân  bị cáo buộc « âm mưu tổ chức biểu tình và hoạt động khủng bố » nhân ngày 30/04 (DR)
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân bị cáo buộc « âm mưu tổ chức biểu tình và hoạt động khủng bố » nhân ngày 30/04 (DR)

Thanh Phương
 
Theo tờ The Modesto Bee, một tờ báo địa phương ở bang California, hôm nay, các giới chức Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn cho biết đã năm lần vào thăm nhà hoạt động chính trị Nguyễn Quốc Quân kể từ khi ông bị công an Việt Nam bắt giam cách đây hơn 6 tháng với tội danh khủng bố.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, tên Mỹ là Richard Nguyen, đã bị bắt ngày 17/04 năm nay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ông bị cáo buộc « âm mưu tổ chức biểu tình và hoạt động khủng bố » nhân ngày 30/04. Sau đó, tội danh của ông Nguyễn Quốc Quân được đổi thành « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền » và ông sắp sửa ra tòa với tội danh này. Đây là lần thứ hai trong vòng 5 năm tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân bị bắt vì hoạt động chính trị ở Việt Nam.

Phát ngôn viên của Tòa đại sứ Mỹ Christopher Hodges tuyên bố : « Chúng tôi nghĩ rằng không một ai đáng bị giam giữ vì đã bày tỏ một cách ôn hòa chính kiến của họ hoặc khát vọng của họ về một tương lai tự do hơn, dân chủ hơn và thịnh vượng hơn. Chúng tôi tiết tục kêu gọi chính phủ Việt Nam giải quyết vụ này một cách nhanh chóng và minh bạch ».

Theo lời ông Hodges, nhân chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Ngoại trưởng Hillary Clinton, các giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu lên trường hợp của tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân với các quan chức Việt Nam. Đại sứ Mỹ David Shear cũng đã nhiều lần nêu vụ này với các giới chức Việt Nam.

5/11/12

Chính quyền gia tăng đàn áp những tiếng nói phản đối Trung Quốc

 
Người biểu tình chống Trung Quốc  tại Hà Nội bị bắt lên xe bus ngày 21/8/2011
Người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội bị bắt lên xe bus ngày 21/8/2011
REUTERS/Tu Quang
 
Thanh Phương
 
Vụ xử ba blogger Điếu Cày, Anhbasg, Tạ Phong Tần, tiếp đến là vụ xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình và bây giờ là vụ bắt giữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên đều có mẫu số chung, đó việc bóp nghẹt những tiếng nói phản đối những hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngày 03/11/2012, tức là ba tuần sau khi gần như là bắt cóc nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên, Công an tỉnh Long An cùng với Công an Thành phố Hồ Chí Minh mới tổ chức họp báo công bố việc bắt và khởi tố sinh viên Nguyễn Phương Uyên vì “ hành vi rải truyền đơn, tuyên truyền chống phá Nhà nước”.

Cùng bị khởi tố với Nguyễn Phương Uyên, còn có anh Đinh Nguyên Kha, người mà công an cho là đã “cấu kết” với Nguyễn Phương Uyên, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thiện Thành, được mô tả là “đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam trốn ra nước ngoài”, để tiến hành các hoạt động “tuyên truyền chống Nhà nước”. Công an Long An còn khẳng định là nhóm người nói trên “đã chuẩn bị thuốc nỗ để tiến hành hoạt động phá hoại ở một số nơi”. Nói cách khác, cô nữ sinh viên chân yếu tay mềm Phương Uyên được mô tả như là một tay khủng bố nguy hiểm.

Như vậy là có vẻ như chính quyền Việt Nam sẽ rất nặng tay với những người như Phương Uyên, cho dù vụ bắt giữ cô nữ sinh viên Đại học Công nghệ Thực phẩm Thành phố HCM đã gây rất nhiều phản ứng bất bình.
Sau khi nghe tin Phương Uyên bị bắt giữ, một tập thể sinh viên trường Đại học Công nghệ Thực phẩm Thành phố HCM, đã gởi thư đề ngày 20/10, cầu cứu lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về vụ bắt giữ người bạn của họ. Một nhóm gồm 144 nhân sĩ trí thức tên tuổi trong và ngoài nước cũng đã ký một bức thư khẩn đề ngày 30/10 gởi lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để yêu cầu ông can thiệp trả tự do cho Nguyễn Phương Uyên.

Trong bức thư, các nhân sĩ trí thức này đề nghị Chủ tịch nước « chỉ thị cho các cơ quan có trách nhiệm trả tự do ngay cho Nguyễn Phương Uyên, cũng như xem xét lại những bản án đã xử rất nặng những người yêu nước biểu tỏ sự bất đồng chính kiến bằng tư tưởng mà không có hành vi bạo động nào nguy hại đến lợi ích quốc gia như người ta đã quy kết ». Theo bức thư của các nhân sĩ, trí thức, những bản án đó « phá hoại uy tín của Nhà nước, bôi xấu hình ảnh của Việt Nam trước thế giới hơn bất cứ hành động phá hoại nào mà công an đang ra sức truy lùng và đàn áp ».

Trong số những người ký tên vào bức thư nói trên, có nhà thơ Hoàng Hưng ở Sài Gòn. Trả lời RFI Việt Ngữ qua điện thoại ngày 02/11 vừa qua, ông Hoàng Hưng nêu lên những suy nghĩ của ông về vụ này :

RFI : Kính chào nhà thơ Hoàng Hưng, trước hết xin ông cho biết lý do nào đã thúc đẩy ông ký tên vào bức thư gởi chủ tịch nước Trương Tấn Sang về vụ Phương Uyên ?

Nhà thơ Hoàng Hưng : Ngay sau khi cháu Phương Uyên bị bắt và nhất là sau khi có bức thư của hơn một trăm em, bạn của Phương Uyên, gởi lên chủ tịch nước, chính tôi cũng đã viết lên mạng, đề nghị là những người lớn tuổi nên có một bức thư để hưởng ứng việc này và tôi sẽ là một trong những người ký tên ngay lập tức. Sau đó tôi nhận được thư do một số trí thức khởi xướng và tôi đã ký ngay.

Trong thời gian gần đây, việc trấn áp những người yêu nước biểu tình và những người bất đồng chính kiến , bất chấp đạo lý, thậm chí bất chấp cả pháp luật, tăng lên rất nhiều, ngày càng trắng trợn rõ rệt. Điều đó rất nguy hiểm.

Thật ra tôi cũng đã cao tuổi nên không thể nào mà cái gì cũng lên tiếng được, nhưng đây là lần thứ hai tôi lên tiếng về việc bắt người với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước ».Lần đầu tiên tôi lên tiếng là về vụ Cù Huy Hà Vũ, vì đó là một trí thức đã có những hành động mà tôi cho là can đảm. Ông là một người có thể nói là rất đủ điều kiện để được vinh thân phì gia, nhưng đã chấp nhận con đường đấu tranh rất thẳng thắng và kiên trì, cho nên tôi rất cảm phục. Việc bắt ông Cù Huy Hà Vũ cũng đã diễn ra một cách rất là trái đạo lý.
Lần này là lần thứ hai tôi lên tiếng. Đây là một nữ sinh viên rất là trong sáng, hồn nhiên, nhưng lòng yêu nước của em rất là rõ. Việc bắt Phương Uyên cũng diễn ra hết sức là tùy tiện, không theo luật pháp gì cả. Việc này thách thức lương tri của một người dân bình thường. Mức độ bất chấp luật pháp ngày càng tăng lên. Cho nên tôi không thể không lên tiếng.

RFI: Ông có thể lý giải được phần nào việc chính quyền Việt Nam gia tăng trấn áp không chỉ đối với những người chỉ trích chính quyền, mà ngay cả đối với những người có những hành động, biểu hiện phản đối hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông ?

Nhà thơ Hoàng Hưng: Có nhiều cái thật ra tôi rất khó hiểu. Tôi chỉ là một người dân bình thường, không phải là nhà nghiên cứu, cũng như không tham gia các hoạt động chính trị, nhưng tôi cũng có suy nghĩ, cũng có tham khảo các thông tin, vậy mà tôi cũng không hiểu nổi tại sao Nhà nước lại hành xử như thế.

Trước tình hình càng ngày càng cần phải dựa vào dân và tạo khối đoàn kết chặt chẽ giữa người dân với chính quyền, họ lại tăng cường những hành động làm do dân xa chính quyền, không tin vào chính quyền và oán ghét những lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tức là lực lượng công an.

Quả thật là một lương tri bình thường cũng không thể hiểu nổi. Tôi chỉ có thể lý giải là có thể có một bộ phận, không biết chiếm tỷ lệ là bao nhiêu, cảm thấy quá lúng túng và sợ hãi trước việc những cái xấu xa, vô lý trong cách điều hành của họ, trong chủ trương của họ, bị phơi bày mà không gì có thể lý giải và biện minh được với nhân dân. Cho nên họ còn một cách là đàn áp, với sự lo sợ là nếu ngày càng có nhiều người lên tiếng, đối kháng, bất đồng, thì sẽ dẫn đến nguy cơ sụp đổ quyền thống trị của họ.

Nhưng tôi cho là cách suy nghĩ như thế cũng cực kỳ phi lý, bởi vì lịch sử xưa nay, cũng như hiện tình thế giới, cho thấy là càng trấn áp thì càng dễ dẫn đến bạo loạn, cũng giống như giải khát bằng thuốc độc. Quả thật là tôi cũng không hiểu nổi vì sao họ lại hành xử như vậy.

RFI: Thưa nhà thơ Hoàng Hưng, phải chẳng việc bắt giữ một nữ sinh chân yếu tay mềm như Phương Uyên cho thấy chính quyền muốn răn đe những người nào có ý định tập hợp thành những phong trào, tổ chức dần dần đe doạ đến độc quyền lãnh đạo của Đảng ?

Nhà thơ Hoàng Hưng: Đương nhiên tôi nghĩ là họ nghĩ như thế, nhưng như tôi đã nói như trên, cách suy nghĩ như vậy không mang tính biện chứng một chút nào cả. Những hành động như thế chỉ càng thúc đẩy nhanh sự đối kháng. Từ những ý kiến cá nhân, người ta tập hợp lại thành tổ chức, thành phong trào, đó là lẽ đương nhiên của sự phát triển lịch sử. Chúng tôi phải lên tiếng bởi vì nếu họ làm một cách đàng hoàng, minh bạch, đúng luật pháp thì còn là khả dĩ. Đằng này họ lại bắt bớ và xét xử hết sức tùy tiện, trái với cả chính luật pháp của họ. Tôi cho là đầu óc của họ cũng không bình thường.

RFI: Khi tham gia ký tên vào bức thư gởi Chủ tịch nước, trong thâm tâm ông có nghĩ là ông Trương Tấn Sang có thể làm được gì để cứu Phương Uyên khỏi lao tù, hay là bức thư đó cũng sẽ chẳng có tác dụng gì đối với chính quyền ?

Nhà thơ Hoàng Hưng: Tôi đã là người từng tham gia hoặc chủ động thảo một số kiến nghị và thỉnh nguyện thư trước đây. Đến nay tôi cũng vẫn sẳn sàng ký tên vào những kiến nghị nào hợp với ý kiến của tôi. Cũng có những bạn bè nói với tôi rằng làm những việc này cũng vô ích, vì họ chẳng thèm nghe đâu, như nước đổ lá khoai thôi, mà có khi lại mang hoạ vào thân. Nhưng tôi nghĩ rằng mình trước hết là một nhà trí thức, một người cầm bút, ít nhiều cũng có người biết đến. Trước hiện tình của đất nước, trước những bất công, phi lý, mình không lên tiếng tức là mình đồng loã.

Trước hết, lương tâm không cho phép tôi im tiếng. Thứ hai, tôi không bao giờ tuyệt vọng đến mức nghĩ rằng những điều mình làm là vô ích, bởi vì tôi nghĩ rằng, chỉ một giọt nước chảy cũng đủ làm đá mòn. Bất cứ việc làm nào của mình dù nhỏ nhất, nhưng đứng về phía chính nghĩa, về phía tích cực, thì nó sẽ có tác động không ít thì nhiều.

Việc gởi thư hay kiến nghị lên các lãnh đạo Nhà nước cũng vậy thôi. Nó không có tác động ngay bây giờ, không đạt thành công cụ thể, thì cũng sẽ có tác động dần dần, lâu dài. Cụ thể trong việc này, tại sao tôi lại ký vào thử gởi ông Trương Tấn Sang ? Lâu nay tôi cũng tự hỏi và hỏi nhiều bạn bè rằng : trong số những người Cộng sản đang nắm chính quyền các cấp, nhiều người xưa kia đã thể hiện lòng yêu nước, đã hy sinh gia đình, bản thân họ, chẳng lẽ không còn những người vẫn đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên hết, sẳn sàng hy sinh vì dân tộc hay sao ? Chẳng lẽ tất cả trong số họ hay con cháu họ đều đã biến chất, thoái hóa thành những kẻ hại dân, sẳn sàng bán rẻ quyền lợi Tổ quốc để bảo vệ lợi ích cá nhân của mình. Tôi không tin vào điều đó. Tôi nghĩ là trong số họ vẫn còn những người giữ được cái mà thiền sư Nhất Hạnh gọi rất hay là « cái tâm ban đầu ». Có điều là họ chưa làm đuợc, họ chưa đủ mạnh, hoặc bị một sai lầm nào đó.

Cho nên,chúng tôi lên tiếng kiên trì, không mỏi mệt, để thúc giục họ suy nghĩ, để họ có quyết tâm sửa những cái sai. Có những cái sai gây tổn thất rất lớn. Nhưng tôi không cho cái gì là quá chậm hay quá muộn, cái gì là vô ích.

Tất nhiên thư này không phải chỉ gởi đích danh ông Trương Tấn Sang, mà cũng là tiếng nói để tất cả những người đang nắm trách nhiệm trong chính quyền phải suy nghĩ. Hành động này cũng nhắm vào những người cũng đang chịu sự lãnh đạo, nhưng chưa chắc đã có suy nghĩ thấu đáo, mà còn rất mơ hồ về hiện tình của đất nước. Lâu nay, cách tuyên truyền của chính quyền làm cho khá nhiều người vẫn còn rất là mơ hồ về tình hình chính trị, xã hội, thậm chí ngại ngùng, né tránh. Những lá thư kiến nghị như thế này, ngoài việc gởi trực tiếp cho các nhà lãnh đạo, cũng sẽ có tác động đến suy nghĩ, ý thức về chính trị xã hội của người dân nói chung.

RFI: Xin cám ơn nhà thơ Hoàng Hưng.

Vụ bắt giữ và khởi tố Nguyễn Phương Uyên xảy ra trong bối cảnh chính quyền Việt Nam gia tăng trấn áp những người tham gia biểu tình hoặc hoạt động phản đối Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Mới đây nhất, hai nhạc sĩ Việt Khang ( tên thật Võ Minh Trí ) và Trần Vũ Anh Bình đã bị kết án tù 4 năm và 6 năm cũng với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”, chỉ vì hai nhạc sĩ này là tác giả những bài hát thể hiện lòng yêu nước và bày tỏ thái độ phẩn nộ trước các hành vi xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như bày tỏ sự bất bình về chính sách của chính phủ Việt Nam trên vấn đề này.

Vụ xử hai nhạc sĩ nói trên đã gặp sự phản đối từ các tổ chức nhân quyền quốc tế, cũng như từ các chính phủ phương Tây như Mỹ và Pháp. Trong một bản thông cáo báo chí đề ngày 01/11, Phó phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho rằng bản án đó là biểu hiện mới nhất của “một loạt các vụ bắt giữ và kết án tại Việt Nam nhắm vào những người chỉ muốn bày tỏ ý kiến của mình một cách ôn hòa”. Theo ông Toner, đó cũng là ví dụ mới nhất về tình hình “nhân quyền ngày càng xấu đi tại Việt Nam”.

Trước đó, trong một thông cáo đề ngày 31/10/2012, đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Pháp, Paris cũng đã chỉ trích việc kết án tù hai nhạc sĩ Việt Nam và nhắc lại là Pháp vẫn ủng hộ quyền tự do báo chí. Bản thông cáo của Bộ Ngoại giao Pháp cũng nhắc lại rằng vụ xử hai nhạc sĩ Việt Khkang và Trần Vũ Anh Bình diễn ra sau vụ kết án tù nặng nề ba blogger ngày 24/09, đó là các blogger Điếu Cày ( Nguyễn Văn Hải ) Anhbasg ( Phan Thanh Hải ) và Tạ Phong Tần.

Ba blogger nói trên cũng là những người đã tích cực tham gia các phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc hoặc có những bài viết theo nội dung đó.

Báo chí chính thức của Việt Nam trong thời gian qua cũng đã có nhiều bài khẳng định là « các thế lực thù địch » đang lợi dụng lòng yêu nước để kích động dân chúng chống Đảng, chống Nhà nước, như bài viết « Phản động nhân danh Nhà nước » đăng trên tờ Nhân Dân ngày 16/10.

31/10/12

Việt Nam kết án tù 2 nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình với tội danh ''tuyên tuyền chống Nhà nước ( Trung Quốc )''

Hai nhạc sĩ Việt Khang (phải) và Trần Vũ Anh Bình (trái)
Hai nhạc sĩ Việt Khang (phải) và Trần Vũ Anh Bình (trái)

Thanh Phương / Trọng Thành
 
Hôm nay, 30/10/2012, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa tuyên án 4 năm tù giam và 2 năm quản thúc đối với nhạc sĩ Việt Khang và 6 năm tù giam và 2 năm quản thúc đối với nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình. Cả hai đều ra toà với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước », vì là tác giả những bài hát thể hiện lòng yêu nước, phản đối những hành động xâm lấn của Trung Quốc.

Hai nhạc sĩ Việt Khang (tức Võ Minh Trí) và Trần Vũ Anh Bình (còn có tên là Hoàng Nhật Thông) đã bị bắt từ cuối năm 2011, trong bối cảnh chính quyền gia tăng đàn áp phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc. Tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước » vẫn thường được chính quyền Hà Nội sử dụng để bỏ tù các nhà đối lập, nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam.

Nhạc sĩ Việt Khang được nhiều người biết đến qua một số nhạc phẩm thể hiện lòng yêu nước trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa như “Anh là ai ?” và “Việt Nam tôi đâu ?”. Anh đã từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vào mùa hè năm 2011.

Còn nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình là thành viên một ca đoàn thuộc Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, do các cha Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách. Theo Truyền thông Chúa Cứu Thế, những tác phẩm của Trần Vũ Anh Bình được nhiều bạn trẻ yêu thích, như "Người Việt Nam", "Rạng Ngời Nước Nam". . .

Trả lời RFI Việt ngữ sau phiên tòa, luật sư Trần Vũ Hải, người bào chữa cho nhạc sĩ Việt Khang, khẳng định rằng không thể xem những sáng tác của anh là hành động chống Nhà nước và cho biết ông sẽ tiếp tục yêu cầu trả tự do cho Việt Khang, để anh được đoàn tụ với vợ con :

Luật sư Trần Vũ Hải
30/10/2012

Luật sư Trần Vũ Hải : Phiên tòa diễn ra từ 8 giờ đến 12 giờ 30, cuối cùng Tòa kết án anh Trần Vũ Anh Bình 6 năm tù giam và 2 năm quản chế, còn anh Võ Mạnh Trí, tức là nhạc sĩ Việt Khang là 4 năm tù giam và 2 năm quản chế. Điều khoản áp dụng là điều 88 Bộ Luật hình sự khoản 1, như vậy có thay đổi một chút, so với đề nghị của Viện kiểm sát, là điều 88, khoản 2. Khoản 2 là từ 10 đến 20 năm tù. Còn khoản 1 là từ 3 đến 12 năm tù.


RFI : Theo luật sư, việc tòa án quy kết anh Việt Khang như vậy có bảo đảm tính chất pháp lý không ? 

LS Trần Vũ Hải : Khi tôi yêu cầu triệu tập giám định viên văn hóa, liên quan đến các bài hát của các bị cáo, trong đó có của anh Võ Minh Trí (tức nhạc sĩ Việt Khang), thì Tòa có triệu tập, nhưng họ chưa đến. Chúng tôi thấy rằng, như vậy cũng chưa được nghiêm túc. Tuy nhiên, Tòa án và Viện kiểm soát cho rằng kết luận giám định chỉ là tham khảo, không phải là bắt buộc trong các phiên tòa. Nhưng tôi cũng nói rằng, dù thế nào thì Tòa và Viện kiểm sát cũng dựa vào kết luận giám định ấy để truy cứu, xét xử các bị cáo, nên (giám định viên) cũng cần phải có mặt. Đấy là một cái mà về mặt tố tụng tôi thấy là chưa hài lòng.

Anh Việt Khang nói rằng, hai bài hát mà anh ấy viết, (anh ấy) thừa nhận rằng có hai ý thức (tức là hai nhận thức khác nhau về bài hát này) mà anh biết được. Ý thức thứ nhất là thể hiện lòng yêu nước. Thì thực ra anh ấy biết rằng, nếu hát bài này lên, thì nhiều người hiểu rằng, nội dung này là cũng « chống Nhà nước », tức là anh ấy thừa nhận, có hai ý thức từ hai bài hát này. Anh ấy nói như vậy tại phiên tòa, cũng như tại cơ quan điều tra.

Còn tôi, với tư cách là luật sư, tôi cũng nói rằng là, nếu xem bài đó một cách khách quan, thì ngay cả chỗ giám định viên văn hóa cũng nói rằng, hầu hết các bài đều có nội dung chống Nhà nước « ở mức độ này hay mức độ khác ». Như vậy, tôi nói rằng không phải tất cả các bài đều có nội dung chống Nhà nước. « Ở mức độ này hay mức độ khác » thì có thể rút kinh nghiệm, xử lý hành chính… chứ không phải ở mức độ hình sự. Như vậy, ngay trong nội dung kết luận giám định cũng mờ mờ, ảo ảo. Tôi có nói thêm là riêng bài hát « Anh là ai ? », thì chỗ giám định có nói rằng : (bài hát này) chỉ phản kháng lại việc giải quyết của chính quyền. Tức là có một số vụ biểu tình được coi là trái phép và chính quyền giải tán, thì bài hát này phản kháng lại việc đó.

Tôi nói rằng, phản kháng và phản đối các cách (hành xử) của chính quyền thì không phải là chống Nhà nước. Bởi vì chính quyền cũng có thể làm đúng, làm sai, và người ta cũng có quyền phê phán, và cái chuyện đó cũng là chuyện bình thường. Và hôm nay tôi chưa nói, nhưng tương lai, tôi sẽ nói là, ngay cả việc đó (việc giải tán biểu tình bằng bạo lực), thì chính quyền cũng thừa nhận là sai. Ví dụ vụ anh (Nguyễn Chí) Đức, biểu tình viên bị đạp vào mặt. Thì rõ ràng người ta cũng thừa nhận là sai cơ mà. Như vậy, bài hát này không thể coi là chống (Nhà nước), mà chỉ có thể nói là phản kháng thôi. Tất nhiên là nghe cái bài hát này có thể không tốt cho chính quyền, nhưng đó là chuyện khác.

Bài hát thứ hai, Viện kiểm sát có nói và anh Việt Khang có nói là : Có một cái câu, một cụm từ, anh (Việt Khang) không ghi, nhưng một người bạn ở bên Mỹ, một chủ trang mạng, họ sửa lại, nhưng anh ấy, với tư cách là tác giả, anh ấy phải chịu trách nhiệm. Tức là có nói đến « Chống quân xâm lược phương Bắc, chống bè lũ bán nước ». Anh ấy nói rằng, thực tế là anh viết « Chống quân xâm lược phương Bắc cướp nước Việt Nam », chứ anh không nói phần còn lại. Thế thì, anh cũng thừa nhận rằng, nếu viết theo người sửa chữa kia, thì (có thể) được hiểu là phỉ báng Nhà nước, thì anh cũng hiểu như vậy, nhưng thực ra không phải là câu xuất phát từ anh. Thì Viện Kiểm sát cũng nói cái đoạn thêm bớt từ, Việt Khang có thể không có ý thức được điều đó, nhưng để cho người khác lợi dụng, và từ đó mà dẫn tới nói xấu chính quyền Việt Nam. Chúng tôi cũng nói rằng, trách nhiệm đó cũng cần phải tranh cãi. Cái này cũng chỉ là nói ám chỉ thôi, chứ không phải là đích danh. Bởi vì nếu chống ai, thì phải nói rõ là chống người đó, kể tên đích danh, còn nếu ám chỉ thì hiện nay trong văn học, có rất nhiều tác phẩm ám chỉ, có thể đúng, có thể sai. Nhưng nếu chúng ta kết tội tất cả các tác phẩm văn hóa nghệ thuật có ám chỉ, thì rất là không hay.

Phản ứng của các tổ chức nhân quyền

Theo AFP, trước khi phiên tòa diễn ra hôm nay, nhiều tổ chức nhân quyền đã kêu gọi trả tự do cho hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình. Ông Rupert Abbot, thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế tuyên bố : « Đối xứ như vậy với những người chỉ sáng tác các bài hát thì thật là lố bịch ». Đối với ông Abbot, hai nhạc sĩ nói trên là những « tù nhân lương thức ». Về phần ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách châu Á của Human Rights Watch thì lên án « sự đàn áp ngày càng tăng đối với quyền tự do ngôn luận ». Theo ông Robertson, « đầu tiên là những người chỉ trích chính quyền, tiếp đến là các blogger, rồi đến các nhà thơ, bây giờ là các nhạc sĩ ( cũng bị bỏ tù) ».

Vào cuối tháng 9 vừa qua, ba blogger nổi tiếng ở Việt Nam, Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày, Phan Thanh Hải, tức Anhbasaigon và Tạ Phong Tần đã bị kết án tù nặng nề cũng với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước », những bản án đã bị quốc tế phản đối kịch liệt, đặc biệt là Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu.

Cô Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố HCM, cũng đã bị bắt giữ từ ngày 14/10 và cũng bị cáo buộc tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước », do đã tham gia vào việc rải truyền đơn chống Trung Quốc.

Công an bắt giữ em trai LS Lê Quốc Quân

Theo tin từ mạng xã hội Facebook, sáng sớm hôm nay, 30/10/2012, gần 70 an ninh thành phố Hà Nội đã ập vào nhà riêng của doanh nhân Lê Đình Quản, giám đốc công ty VietnamCredit và là em trai của luật sư Lê Quốc Quân. Anh Lê Đình Quản bị còng tay, bắt đi, với cáo buộc trốn thuế và sẽ bị tạm giam 3 tháng để điều tra.

26/10/12

Việt Nam: Thủ tướng sẽ không làm Trưởng ban phòng chống tham nhũng

Ba lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (T), Nguyễn Tấn Dũng (G) và Trương Tấn Sang trước buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội ngày 22/10/2012
Ba lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (T), Nguyễn Tấn Dũng (G) và Trương Tấn Sang trước buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội ngày 22/10/2012
Reuters

Thanh Phương
 
Theo báo chí trong nước, hôm nay, 26/10/2012, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng đã được trình lên Quốc hội Việt Nam với nhiều điểm sửa đổi, trong đó có việc bỏ quy định Thủ tướng là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Dự luật Phòng, chống tham nhũng trên nguyên tắc sẽ được biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp của Quốc hội.

Thật ra thì điểm sửa đổi nói trên đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 5 vào tháng 5 vừa qua, tức là Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sẽ trực thuộc Bộ Chính trị, chứ không còn thuộc chính phủ nữa. Trưởng Ban chỉ đạo sẽ là Tổng bí thư Đảng. Hội nghị Trung ương 5 cũng đã quyết định sẽ lập lại Ban Nội chính Trung ương, với chức năng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng.

Theo lời Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị là « để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ».

Vấn đề Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã gây rất nhiều tranh luận trong thời gian qua, đến mức mà trong phiên họp vào tháng trước Ủy ban thường vụ Quốc hội đã không chọn được phương án và phải chờ đến kỳ họp Quốc hội lần này mới quyết định.

Việc bỏ quy định Thủ tướng là Trưởng ban chỉ đạo tham nhũng được đưa vào dự luật sau khi Hội nghị Trung ương 6 đã không ra được biện pháp kỷ luật nào đối với ông Nguyễn Tấn Dũng, mà trong thời gian qua đã bị chỉ trích rất nhiều về tham nhũng, lạm quyền và quản lý kinh tế yếu kém. Trong bối cảnh đấu đá trong nội bộ ban lãnh đạo diễn ra gay gắt, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng có thể trở thành một vũ khí để phe này kềm chế phe kia.

24/10/12

Việt Nam: Công an xác nhận bắt giữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên vì tội tuyên truyền chống Nhà nước

Sinh viên Nguyễn Phương Uyên (http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com)
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên (http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com)

Thanh Phương / Thụy My
 
Hôm qua, 23/10 Công an tỉnh Long An đã thông báo cho bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ của nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên, là con gái của bà đang bị tạm giam vì bị cáo buộc vi phạm điều 88 Bộ Luật hình sự Việt Nam về tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước ».

Một bản sao thông cáo của Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Long An, đề ngày 20/10, về việc bắt tạm giam cô Phương Uyên đã được đăng trên trang mạng Truyền thông Chúa Cứu Thế hôm nay.

Cô Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố HCM, đã bị công an bắt tại nhà trọ ở Sài Gòn từ ngày 14/10, cùng với 3 người bạn cùng trọ, để điều tra về vụ truyền đơn chống Trung Quốc xâm lược. Ba người bạn này sau đó được thả ra, nhưng Phương Uyên thì bị giam biệt tích cho đến nay, khiến gia đình của cô rất lo lắng trong những ngày qua. Gia đình của Phương Uyên sinh sống ở tỉnh Bình Thuận, nhưng không hiểu sao lại nữ sinh viên này bị đưa về tạm giam ở tỉnh Long An.

Một tập thể sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố HCM đã viết đơn đề ngày 20/10 cầu cứu lên chủ tịch nước Trương Tấn Sang về vụ bắt giữ Nguyễn Phương Uyên.

Vụ bắt giữ Nguyễn Phương Uyên xảy ra vào lúc chính quyền Việt Nam chuẩn bị đưa ra xét xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, cũng với tội danh “ tuyên truyền chống Nhà nước”. Hai nhạc sĩ này là tác giả nhiều bài hát thể hiện lòng yêu nước trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Cả hai đều đã bị bắt giam từ tháng 12 năm 2011.

Trả lời RFI Việt ngữ, bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ của Nguyễn Phương Uyên cho biết:

Bà Nhung: Sáng hôm qua là ngày 23/10 tôi tiếp tục đến thành phố Tân An, tỉnh Long An để tìm con. Lúc 10 giờ15 tôi đến nơi, gặp cơ quan an ninh điều tra tỉnh Long An, ở đó gặp ông Nguyễn Văn Hớn. Tôi cũng có hỏi tại sao mà con tôi bị chuyển về đây, thì ông nói « chuyện đó là chuyện của chúng tôi ». Tôi hỏi tại sao bắt con tôi mà không thông báo cho gia đình, làm gia đình hết sức điêu đứng. Ông mới nói là tôi có gởi giấy thông báo cho gia đình rồi, nhưng có lẽ là xa nên không tới. Tôi hỏi ngược lại, ông gởi từ khi nào, thì ông nói gởi từ ngày 20. Sau đó tôi cầm tờ thông báo ấy đi đến địa chỉ 159 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 3 thành phố Tân An, tỉnh Long An để tìm con, vì con tôi hiện tại là giam ở trại giam đó. 

RFI: Bà có gặp được không ạ ?

Bà Nhung: Xin thưa với quý Đài, đến nơi là 11giờ 5 phút, người ta nói là hết giờ làm việc, và tôi đợi đến 1 giờ rưỡi mới được vào bên trong. Đợi 15 phút sau thì gặp ông Giang. Ông Giang nói là bây giờ không cho gặp, đặc biệt không cho gặp, chỉ cho gởi chăn màn với một ít quần áo thôi, với lại gởi ít tiền.

Thì tôi cũng ra chợ mua vội cho con một cái chăn, một cái màn với hai bộ quần áo ngắn, một cái khăn lau mặt, và gởi cho cháu một triệu đồng tiền mặt. Nhưng khi gởi tôi hỏi là gởi quà cho con thì con tôi có được gởi lại mấy chữ là con có nhận quà hay không, thì ông ấy nói là không. 

Tôi hỏi nếu vậy thì tôi có nhận được giấy biên nhận là tôi gởi tiền với quà, ông nói cũng không ! Tôi nói nếu như xin gặp không được thì anh có thể cho tôi nhìn thấy con tôi từ xa được không ? Ông nói cũng không được. Không còn nước nào nữa hết trơn ! Cuối cùng là tôi năn nỉ ông ấy cho tôi gởi ba chữ trên cái tờ giấy gởi quà, rằng là «
Bà Nguyễn Thị Nhung
24/10/2012
Mẹ yêu con » - có ba từ - mà ông hết sức vô cảm. Ông ấy tuyệt đối không cho ! Và tôi chỉ gởi được cho cháu có mấy món quà đó, mà cũng không biết có đến tay cháu hay không, thì tôi thật sự cũng rất là hoang mang. Vì tôi không có nắm giữ một cái gì được gọi là chắc chắn là con mình nhận được số quà mình gởi. Lúc mà ông Nguyễn Văn Hớn trao cho tôi tờ giấy thông báo, ông có nói rằng chị cứ lên đó gởi tiền cho nó đi, vì khi bắt trong mình nó không có một đồng bạc nào đâu ! Mà tôi không biết là con tôi có được nhận hay không.

RFI: Bây giờ thì gia đình tính như thế nào ?

Bà Nhung: Gia đình ở dưới quê thì chỉ trồng lúa với chăn nuôi các thứ. Còn bây giờ trong lúc mà con tôi gặp trường hợp như thế này thì rất là khó khăn, rất là bế tắc. Thật sự rất là rối, chưa biết tính như thế nào, tính chỉ đi tìm luật sư cho con.

RFI: Thưa bà tính cách của Phương Uyên như thế nào, liệu có vượt qua được những thử thách này không ?

Bà Nhung:Xin thưa với Đài, Uyên là một đứa con gái ở dưới quê, tính cách của cháu theo tôi thì cháu cũng rất là mạnh mẽ. Cũng biết những gì mình nên làm và những gì không nên làm. Và tôi tin chắc một điều rằng con tôi nó không làm điều gì xấu. Nếu việc nó làm thì chắc chắn là việc phải có ích, chứ nếu không có ích thì chắc chắn là nó không làm. Là một người mẹ thì tôi nghĩ như thế.

RFI: Xin rất cám ơn bà Nguyễn Thị Nhung.

22/10/12

GS Tương Lai : "Việt Nam phải có một Nhà nước pháp quyền thật sự"

Ba lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang trước buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội ngày 22/10/2012
Ba lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang trước buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội ngày 22/10/2012
Reuters
Thanh Phương
 
Hội nghị Trung ương 6 đã kết thúc từ cách đây một tuần, nhưng sự kiện này tiếp tục được bàn tán sôi nổi trong dư luận. Báo chí chính thức thì dĩ nhiên đã đăng rất nhiều ý kiến hoan nghênh “sự thành thật” hay “thái độ quyết liệt” của Bộ Chính trị. Nhưng các báo lề trái thì phản ánh sự thất vọng của nhiều người về kết quả của hội nghị này, nhất là khi thấy là cuối cùng cũng chẳng có ai bị kỷ luật, kể cả “một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị” mà ai cũng thừa biết đó là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Việc ông Dũng không bị kỷ luật mặc dù bị xem là tham nhũng, quản lý kinh tế kém cỏi và lạm quyền cho thấy là đấu đá trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng chưa chấm dứt. Chỉ cần đọc báo chí chính thức cũng đủ thấy là phe Nguyễn Phú Trọng-Trương Tấn Sang còn rất cay cú.

Theo VietnamNet, khi tiếp xúc cử tri ở Sài Gòn ngày 18/10/2012, ông Trương Tấn Sang đã tuyên bố “Nhân dân đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, còn thấy mình không hoàn thành thì rút lui”. Về quyết định không kỷ luật thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mà ông Sang gọi là “đồng chí X”, chủ tịch nước của Việt Nam thanh minh: "Chỉ có cân nhắc tình hình hiện nay, cân nhắc lợi hại thì quyết nghị là không thi hành kỷ luật. Như vậy không có nghĩa là Bộ Chính trị không có lỗi, không phải là cá nhân đồng chí ‘X’ không có lỗi”. Tìm cách trấn an những người sợ bị trù dập khi tố cáo tham nhũng, ông Sang còn hùng hồn tuyên bố: “ Người ta có thể trù úm một người, một nhóm người nhưng không thể trù úm cả dân tộc này”.

Về phần tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, cũng theo VietnamNet, khi tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 16/10, tức là ngay sau khi hội nghị trung ương kết thúc, ông Trọng đã nói rằng hội nghị này “cơ bản đạt yêu cầu nhưng chưa phải là xong”. Theo ông, việc phê bình, kiểm điểm sẽ làm lâu dài, thường xuyên, "làm như rửa mặt hàng ngày".

Riêng ông Nguyễn Tấn Dũng, đại biểu Hải Phòng thì không thấy báo chí đưa tin ông tiếp xúc cử tri trong đơn vị bầu cử của ông, trong khi Quốc hội chuẩn bị khai mạc kỳ họp hôm nay (22/10/2012). Hôm qua, mới thấy tờ Nhân Dân đăng tin là ông Dũng đã “tiếp xúc cử tri theo chuyên đề tại Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trên địa bàn quận Thủ Ðức, TP Hồ Chí Minh và xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương”, nhưng không thấy ông bình luận gì cụ thể về kết quả hội nghị trung ương 6.

Hôm nay, trước Quốc hội, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã “nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn” của người đứng đầu Chính phủ và xin “thành thật nhận lỗi” về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, như Vinashin và Vinalines. Nhưng ông Dũng vẫn rất hận những trang blog mà gần đây đã liên tục đả kích cá nhân ông, nhất là trong thời gian trước và trong khi diễn ra hội nghị trung ương. Thủ tướng Việt Nam tuyên bố là “công tác quản lý thông tin, nhất là thông tin mạng, blog cá nhân chưa tốt, còn bị các thế lực thù địch lợi dụng, bịa đặt, xuyên tạc, gây tác hại xấu “. Điều này cho thấy là sau khi suýt nữa bị mất chức thủ tướng, nay ông Dũng sẽ tiếp tục chiến dịch trấn áp các trang blog nào tiếp tục chỉ trích ông.

Như vậy, rõ ràng là cuộc đấu đá, mà trên mạng có người gọi mỉa là trận chiến Ba – Tư ( Ba Dũng và Tư Sang ), vẫn chưa chấm dứt, nhưng cho dù hội nghị trung ương lần tới có kỷ luật được một ủy viên nào đi nữa, thì cũng sẽ chẳng có gì thay đổi trong một cơ chế mà Đảng Cộng sản vẫn đứng bên trên pháp luật và khi nào mà Việt Nam chưa thay đổi đường lối, định hướng, khi nào Việt Nam chưa có Nhà nước pháp quyền thật sự, thì vẫn chưa giải quyết được tận gốc rễ những vấn đề tham nhũng, lạm quyền, quản lý kinh tế yếu kém. Đó là nhận định chung của Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học trong phần trả lời phỏng vấn với RFI Việt ngữ sau đây :


Phỏng vấn Giáo sư Tương Lai
 
22/10/2012
 
 
RFI : Thưa Giáo sư, sau hội nghị trung ương 6, đã có nhiều dư luận bàn tán sôi nổi về kết quả hội nghị này. Điều người ta chú ý đó là lần đầu tiên Bộ Chính trị công khai thừa nhận những khuyết điểm, sai lầm của mình, nhưng rốt cuộc không có chuyện gì xảy ra tức là không có ai bị kỷ luật. Giáo sư có nhận định như thế nào về kết quả hội nghị này?

Giáo sư Tương Lai : Sau ngày 15/10, nghe bài diễn văn bế mạc của ông Tổng bí thư, rồi đọc thông cáo của hội nghị trung ương, thì đã có nhiều phản ứng. Trên TV, người ta cũng đã đưa lên ý kiến của rất nhiều cán bộ về hưu, cán bộ lão thành, cựu chiến binh, tỏ ra rất xúc động và tin tưởng. Rồi đến ông bí thư thứ nhất trung ương Đoàn Thanh niên thì phát biểu rằng ông “vô cùng khâm phục” trước “thái độ vô cùng dũng cảm” của Bộ Chính trị đã tự phê bình và nhận kỷ luật, ...

Nhưng dư luận thứ hai mà tôi nghe được lại là dư luận phẫn nộ và thất vọng, vì thấy đã mất bao nhiêu công của, bao nhiêu sự chuẩn bị kéo dài hàng bao nhiêu tháng, để rồi kết quả là không giải quyết được vấn đề gì.
Nhưng nhận thức của tôi thì khác. Tôi cho rằng nếu như kết luận “nhất trí 100%” của Bộ Chính trị mà được thực thi ở hội nghị trung ương, thì nó cũng chỉ dẫn đến kết quả là xả xú-páp, tức là “chém tế cờ” một nhân vật nào đó, để làm dịu bớt đi sự phẫn nộ của quần chúng nhân dân, để mà vớt vát chút uy tín của ông Tổng bí thư và Bộ Chính trị, mà quá trình tuyên truyền quảng cáo thì rất là rầm rộ. Nếu được như thế đi chăng nữa, thì kết quả cũng chỉ đến thế mà thôi, chứ không giải quyết được cái gốc của vấn đề.

Chống được tham nhũng thì tốt quá, nhưng cân nhắc, suy nghĩ kỹ thì ta sẽ thấy đó chỉ là cái ngọn. Vì sao? Vì gốc của vấn đề là đường lối, định hướng. Xác định kinh tế Nhà nước là chủ đạo, mất kinh tế Nhà nước là mất chủ nghĩa xã hội, cho nên cần phải có những “quả đấm thép”, những tổng công ty. Càng mở rộng những tổng công ty đó bao nhiêu, thì càng chứng tỏ là nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” càng vững vàng. Chính từ đó mới có những chuyện như Vinalines, Vinashin, . .
.
Đương nhiên việc quản lý những tổng công ty này là hư hỏng rồi, nhưng vấn đề dù anh có là một nhà quản lý giỏi đi nữa thì anh cũng phải thực hiện theo đường lối ấy, không giải quyết được gì cho nền kinh tế cả. Cơ cấu lại nền kinh tế ấy không phải là làm theo kiểu giật gấu vá vai, mà phải đi lại từ gốc.

Chuyện cướp đất đai gây nên sự phẫn nộ của nông dân khiếu kiện khắp nơi đâu phải chỉ là do cá nhân các ông quan địa phương, những cường hào ác bá kiểu mới, tha hồ chiếm đoạt đất đai. Họ làm được điều đó, vì sở hữu đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý. Quyền sở hữu không được xác lập rõ ràng. Khái niệm Nhà nước là khái niệm trừu tượng, cho nên chuyện cướp đất làm sao mà tránh được? Vì dân không được pháp luật bảo vệ. Luật pháp của ta trong thời gian qua biểu hiện sự yếu kém một cách không thể nói gì thêm được nữa. Mà gốc rễ vấn đề không phải là do ông chánh án này, ông thẩm phán kia, ông viện kiểm sát nọ làm việc kém.

Ngay trong hội nghị trung ương, ông Tổng bí thư đã khẳng định, Nhà nước của ta là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, nghĩa là không công nhận tam quyền phân lập. Mà không công nhận tam quyền phân lập thì làm sao thì gọi là Nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa của nó được!

Nhà nước pháp quyền không phải là thành tựu của tư sản. Đó chính là kết quả của thế kỷ ánh sáng, là thành tựu của trí tuệ loài người. Ngay khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Hồ Chí Minh đã khẳng định điều đó, bằng cách mở đầu tuyên ngôn độc lập với trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ và Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp. Đó là thành tựu của nền văn minh, của trí tuệ cả loài người. Anh không công nhận điều này thì làm sao có được một Nhà nước pháp quyền đúng nghĩa. Một xã hội không thượng tôn pháp luật, mà chỉ được điều khiển bằng các nghị quyết, thì làm sao tránh khỏi những sai lầm, tùy tiện như vừa qua?

RFI : Thưa Giáo sư Tương Lai, gốc rễ vấn đề phải chăng cũng là vì cho tới nay Đảng vẫn đứng bên trên pháp luật, không bị ràng buộc bởi bất cứ một cơ chế nào, cho nên mới có chuyện là Bộ Chính trị “ xin được kỷ luật”, mà Ban chấp hành trung ương lại không dám kỷ luật?

Giáo sư Tương Lai : Ở đây cần tách ra hai vấn đề. Nếu những người điều hành Đảng mà nắm vững điều lệ Đảng thì sẽ thấy là vừa qua có những xử lý sai với nguyên tắc, điều lệ Đảng. Điều lệ Đảng ghi rõ Đại hội Đảng là cơ quan cao nhất của Đảng, họp định kỳ để quyết định chủ trương, đường lối. Giữa hai kỳ Đại hội, Ban Chấp hành trung ương là cơ quan cao nhất của Đảng điều hành mọi vấn đề. Bộ Chính trị và Ban Bí thư là cơ quan thực thi trách nhiệm do Ban Chấp hành trung ương giao phó. Nhưng từ lâu, người ta đã biến Bộ Chính trị thành quyền lực cao nhất, ngồi lên trên đầu cả Đảng, cả Ban Chấp hành trung ương và cả Đại hội.
Bây giờ nói đến chuyện kỷ luật cả Bộ Chính trị thì tôi thấy chuyện này là vô duyên, vì tập thể Bộ Chính trị là cơ quan điều hành do Ban Chấp hành trung ương giao, vậy thì nếu có kỷ luật thì kỷ luật một cá nhân, ví dụ như cá nhân Tổng bí thư, người đứng đầu Bộ Chính trị, hay là kỷ luật ông ủy viên phụ trách Quốc hội, phụ trách Bộ Công an, ... Tức là những cá nhân đó bị kỷ luật vì trách nhiệm của họ trước Đảng, trước dân. Chứ làm sao có thể kỷ luật tập thể Bộ chính trị được! Nếu có thì chỉ có thể giải tán cả tập thể đó thôi.

Đài báo cứ nói là từ xưa tới nay chưa có chuyện đó. Nói như thế là không hiểu bìết gì hết. Đã từng có chuyện kỷ luật đấy. Ví dụ, hồi Cải cách ruộng đất, ông Tổng bí thư Trường Chinh đã bị kỷ luật và thôi chức. Ông Lê Văn Lương, ủy viên Bộ Chính trị phụ trách tổ chức, cũng đã bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị.

Chỉ có bây giờ là họ nhập nhằng nói tập thể chung chung, mà không nói cụ thể là, trong tập thể Bộ Chính trị, ai là người chịu trách nhiệm điều hành mà để gây ra những sự rối ren đó. Rồi còn nói “một ủy viên Bộ Chính trị”, tức là đối với Đảng cũng như đối với dân, vẫn cứ nói mập mờ, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Điều đó đủ nói lên cái “sức mạnh” của Bộ Chính trị đó như thế nào.

Trong nội bộ đảng là như thế rồi. Còn chuyện pháp luật đối với dân thì đem ra pháp luật mà bàn sau. Vừa qua chỉ mới là Bộ Chính trị đưa ( vấn đề kỷ luật ) ra, nhưng Ban Chấp hành phủ quyết. Điều đó cho thấy là cuộc đấu tranh giữa những thế lực trong Ban Chấp hành và trong Bộ Chính trị đang còn rất nhiều rắc rối. Thế mà lại nói là đoàn kết nhất trí ! Nói như thế là nói lấy được thôi. Chứ còn người nào tỉnh táo thì đều thấy không đúng như thế.

Bây giờ nếu dám nói đúng vào sự thật, thì phải gọi mặt chỉ tên, chỉ ra những sai lầm A, B, C. Ai phụ trách cái này, ai chịu trách nhiệm cái này và những người ấy phải bị kỷ luật. Không chỉ riêng “một uỷ viên Bộ Chính trị”, mà vừa qua có vấn đề về nhiều mặt lắm : mặt xây dựng Đảng, mặt xây dựng nước. Đây là những vấn đề tù mù, không rạch ròi, không minh bạch, chứng tỏ là về mặt nhận thức thì không thông thoáng và về mặt đoàn kết nội bộ thì không có. Cho nên mới có hiện tượng là Ban Chấp hành trung ương phủ quyết ý kiến của Bộ Chính trị. Tôi cho rằng chuyện phủ quyết chẳng có gì là không bình thường. Đó là một thực tế cần phải ghi nhận để xử lý vấn đề trong thời gian tới, để tỏ rõ là Đảng có sức mạnh, có kỷ luật, có đoàn kết thật, chứ không phải chỉ là đoàn kết trên khẩu hiệu, trên diễn văn.

RFI : Thưa Giáo sư, qua hội nghị trung ương vừa rồi, người dân đóng vai trò như những khán giả, không có tiếng nói gì trong các vấn đề quan trọng của đất nước. Ngay cả Quốc hội cũng chẳng có tiếng nói gì đối với người đứng đầu chính phủ, mà trên nguyên tắc phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Giáo sư Tương Lai : Vấn đề anh đặt ra là đúng thôi, nhưng nó cũng không đúng ở chỗ, đây là hội nghị trung ương, chỉ bàn chuyện thuần túy nội bộ Đảng và người ta lại họp kín. Đã họp kín thì làm sao mà dân làm sao mà tham dự được !

Cũng đã có những ý kiến đóng góp và tôi cũng đã nghe những người được mời đóng góp ý kiến kể nhiều chuyện như là chuyện dài nhiều tập, rất là khôi hài. Đóng góp thì chỉ là đảng viên đóng góp cho Đảng. Còn về phía người dân, thì sau hội nghị trung ương, có một số vị lãnh đạo đi tiếp xúc với các cử tri được coi là đại diện cho dân. Nhưng mọi người ai cũng biết những “đại cử tri” ấy đã được tuyển lựa rất chặt chẽ. Đến những cuộc họp mặt cử tri ấy, họ nói được đến bao nhiêu phần trăm ý kiến của người dân thật? Phải ngồi trên xe ôm hay taxi, nghe ông lái xe nói chuyện, hay ra ngoài chợ nghe lời bình của các bà bán thịt, bán rau, thì đấy mới là ý kiến thật sự của dân. Còn những người đã được tuyển lựa qua bộ lọc của chính quyền, của Đảng, rồi đến họp mặt cử tri thì làm sao có thể là ý kiến của dân? Nếu các đồng chí lãnh đạo tin tưởng vững chắc, “cảm động”, “ thấm thía”, nghĩ rằng đó là ý kiến của dân, thì tôi e rằng họ đang bị lừa đấy.

RFI : Thưa Giáo sư, trong hội nghị trung ương vừa qua thì người ta cũng đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm các lãnh đạo chính phủ trong khóa họp Quốc hội sắp tới. Trong hoàn cảnh hiện nay, mọi việc đều do Bộ Chính trị quyết định, thì có thể thực hiện được việc đó hay không?

Giáo sư Tương Lai : Đương nhiên là nó sẽ có một vài cải tiến nào đó, một vài “biến tấu” nào đó và chắc chúng ta sẽ phải chờ đợi. Bao giờ chúng ta cũng phải hy vọng để mà sống chứ! Nhưng nếu quá lạc quan nghĩ rằng sẽ có bỏ phiếu tín nhiệm thật, để từ đó đi đến những quyết định mang tính công khai, minh bạch, thì kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy chưa đủ dữ liệu để tin rằng chuyện này là thật. Nói như nhân vật trong phim “ Hãy đợi đấy”.

RFI : Chúng tôi xin cám ơn Giáo sư Tương Lai.

20/10/12

Việt Nam không được chọn tổ chức Thượng đỉnh khối Pháp ngữ 2014

Lãnh đạo các quốc gia khối Pháp ngữ chụp hình kỷ niệm trong dịp khai mạc Hội nghị thượng đỉnh thứ 14 tại Kinshasa ngày 13/10/2012.
Lãnh đạo các quốc gia khối Pháp ngữ chụp hình kỷ niệm trong dịp khai mạc Hội nghị thượng đỉnh thứ 14 tại Kinshasa ngày 13/10/2012.
REUTERS/Noor Khamis

Thanh Phương
Hội nghị thượng đỉnh khối Pháp ngữ lần thứ 14 tại Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo, đã kết thúc ngày 14/10/2012 sau khi thông qua Tuyên bố Kinshasa và một số văn kiện khác. Nhưng lần này Việt Nam đã thất bại trong việc vận động đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh khối Pháp ngữ lần thứ 15 vào năm 2014, vì cuối cùng hội nghị đã quyết định giao cho một nước châu Phi khác là Senegal, tổ chức thượng đỉnh lần tới.

Từ mấy năm qua, Việt Nam đã tỏ ý muốn đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ và Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ của Pháp vào thời chính phủ của Tổng thống Nicolas Sarkozy. Khi đến thăm Canada đầu tháng 10 vừa qua, Đặc phái viên đặc trách về Pháp ngữ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Ngọc Sơn đã tuyên bố là Việt Nam “có đủ điều kiện vật chất, cũng như uy tín quốc tế và kinh nghiệm” để tổ chức hội nghị này.

Tuy có những lý do khách quan giải thích cho việc Sénégal được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh khối Pháp ngữ năm 2014, nhưng đây cũng là một bài học về vận động ngoại giao đối với Việt Nam. Sau đây mời quý vị nghe ý kiến của ông Nguyễn Thái Sơn, chủ tịch tổ chức Interface Francophone và cũng là tác giả bài viết tựa đề: “Tiến tới một không gian địa văn hóa Pháp ngữ ở châu Á-Thái Bình Dương”, đăng trong tạp chí “Địa chiến lược” số 36 của Học viện Địa chính trị Paris ( Académie de Géopolitique de Paris ).
Ông Nguyễn Thái Sơn
 

17/10/12

Việt Nam: Nhạc sĩ Việt Khang ra tòa ngày 30/10

Nhạc sĩ Việt Khang.
Nhạc sĩ Việt Khang.
Nguồn: facebook

Thanh Phương
 
Theo tin từ trang mạng Truyền thông Chúa Cứu Thế, hôm qua, 16/10/2012, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông báo là ngày 30/10 tới sẽ đưa ra xét xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, với tội danh “ tuyên truyền chống Nhà nước”.

Nhạc sĩ Việt Khang được nhiều người biết đến qua một số nhạc phẩm thể hiện lòng yêu nước trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa “ Anh là ai” và “ Việt Nam tôi đâu”. Anh đã từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vào mùa hè năm 2011.

Còn nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình là thành viên một ca đoàn thuộc Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, do các cha Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách. Theo Truyền thông Chúa Cứu Thế, những tác phẩm của Trần Vũ Anh Bình được nhiều bạn trẻ yêu thích, như Người Việt Nam, Rạng Ngời Nước Nam, . . .

Cả hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đều bị bắt giam từ tháng 12 năm 2011. Nếu bị tuyên án vì tội “ tuyên truyền chống Nhà nước”, hai nhạc sĩ này có thể lãnh án tù từ 10 đến 20 năm.

Vụ bắt giữ nhạc sĩ Việt Khang đã làm dấy lên làn sóng phản đối từ cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, với chiến dịch "Thỉnh nguyện thư" đòi trả tự do cho anh và các tù chính trị khác, gởi lên chính phủ các nước như Mỹ, Canada,... từ đầu năm nay.

16/10/12

Việt Nam : Sau Hội nghị Trung ương, đấu đá trong nội bộ lãnh đạo Đảng có thể còn tiếp diễn

Hội nghị Trung ương 6 của đảng Cộng sản Việt Nam bế mạc ngày 16/10/2012 (DR)
Hội nghị Trung ương 6 của đảng Cộng sản Việt Nam bế mạc ngày 16/10/2012 (DR)

Thanh Phương
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương vừa bế mạc ngày hôm qua 16/10/2012, với kết quả là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không bị kỷ luật, như dự đoán của một số người. Thế nhưng, cuộc họp vừa qua cho thấy là đấu đá trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng có thể còn tiếp diễn, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang gặp nhiểu khó khăn và áp lực ngày càng tăng lên chính phủ Hà Nội.

Trong lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng, lại công khai thừa nhận những « khuyết điểm » như thế. Trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương hôm qua, tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã « nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương về những yếu kém », đồng thời Bộ Chính trị xin được « nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị ».

Tuy ông Nguyễn Phú Trọng không nêu tên cụ thể, nhưng ai cũng thừa biết « đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị » đó chính là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đang bị chỉ trích rất nặng nề về tham nhũng, quản lý kinh tế yếu kém và lạm quyền.

Hội nghị Trung ương đã được triệu tập bất ngờ và kéo dài đến hai tuần chính là nhằm bàn về số phận của ông Nguyễn Tấn Dũng, nói đúng hơn lẽ ra đó đã là dịp để phe Nguyễn Phú Trọng -Trương Tấn Sang gạt ông Dũng ra. Nhưng cuối cùng, Ban Chấp hành Trung ương lại không làm theo yêu cầu của Bộ Chính trị, quyết định không kỷ luật tập thể Bộ Chính trị, mà cũng không kỷ luật riêng ông Nguyễn Tấn Dũng. Ban Chấp hành Trung ương chỉ yêu cầu Bộ Chính trị « có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, không để các thế lực thù địch, xuyên tạc, chống phá ».

Kết quả này đã gây thất vọng cho nhiều người, đặc biệt là cho giới blogger chính trị, mà trong thời gian qua đã liên tục đả kích Thủ tướng Việt Nam. Sau hội nghị, thế lực của ông Dũng có sẽ suy yếu hơn, hay trên thực tế, chính ông là người thắng cuộc ? Hiện giờ khó có thể khẳng định dứt khoát, vì không ai biết hết những gì xảy ra trong hậu trường trong hai tuần hội nghị vừa qua. Nhưng một điều chắc chắn là việc Bộ Chính trị phải công khai thừa nhận « những khuyết điểm » cho thấy là ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam chịu áp lực ngày càng mạnh, nhưng lại chỉ lo đấu đá nội bộ, hơn là đối phó với những thách thức lớn lao về kinh tế. Hiện giờ, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang rất èo uột, lạm phát tăng trở lại, đầu tư trực tiếp của nước ngoài sụt giảm mạnh, trong khi hệ thống ngân hàng thì đầy nợ xấu.

Theo nhận định của giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia Úc về Việt Nam, qua kết quả Hội nghị Trung ương, có thể dự báo là Việt Nam sẽ còn gặp nhiều xáo trộn. Ông nhắc lại rằng, chế độ Hà Nội bao giờ cũng cố duy trì sự ổn định. Đẩy ông Nguyễn Tấn Dũng đi sẽ gây mất ổn định rất lớn và sẽ khiến tình hình kinh tế thêm tồi tệ. Thành ra, không ai dám đi đến một giải pháp cực đoan, mà chọn một giải pháp trung dung.
Ông Joshua Matthews, một nhà phân tích đầu tư ở Hồng Kông cũng cho rằng, quyết định hôm qua của Hội nghị Trung ương cho thấy, đấu đá giữa ông Dũng và các đối thủ của ông sẽ tiếp diễn, gây khó khăn thêm cho những nỗ lực cải tổ hệ thống tài chính ở Việt Nam.

Về phần ông Rajif Biswas, kinh tế gia thuộc công ty IHS Global Insight, thì nhận định là kể từ nay, có một áp lực đáng kể lên chính phủ buộc phải có biện pháp ổn định kinh tế và giải quyết khủng hoảng ngân hàng. Nhưng theo ông Biswas, đấu đá chính trị trong nội bộ ban lãnh đạo Việt Nam có thể ảnh hưởng đến nhịp độ cải tổ kinh tế, vì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn được xem là một lãnh đạo nắm vai trò chủ chốt trong tiến trình cải tổ.

Theo AFP, những người chỉ trích chính quyền thì sợ rằng mọi việc sẽ vẫn như cũ và điều đó sẽ gây tổn hại cho chế độ cũng như cho người dân và sẽ không có gì ngăn chận được nạn tham nhũng tràn lan. AFP trích lời một quan chức cao cấp nói rằng : « Cho dù ai thắng cuộc sau những đấu đá chính trị, vẫn chính là người dân gánh chịu các hậu quả ».

13/10/12

LS Dương Hà muốn kháng nghị xử giám đốc thẩm vụ án Cù Huy Hà Vũ

TS Cù Huy Hà Vũ và vợ là luật sư Dương Hà tại trại giam số 5, Yên Định, Thanh Hóa. Ảnh chụp từ trong xe, ngày 24/02/2012.
TS Cù Huy Hà Vũ và vợ là luật sư Dương Hà tại trại giam số 5, Yên Định, Thanh Hóa. Ảnh chụp từ trong xe, ngày 24/02/2012.
REUTERS/Stringer

Thanh Phương
Trong kiến nghị đề ngày 10/10/2012, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà yêu cầu Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải thích Điều 88, Bộ Luật Hình sự Việt Nam về tội danh « Tuyên truyền chống Nhà nước ». Đây là tội danh mà toà án đã gán cho Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ để kết án ông 7 năm tù vào năm ngoái.

Việc yêu cầu giải thích điều 88, Bộ Luật Hình sự là một bước để luật sư Dương Hà tiến đến việc kháng nghị xử giám đốc thẩm vụ án Cù Huy Hà Vũ. Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn luật sự Nguyễn Thị Dương Hà.
Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà- Hà Nội
 

 
 

8/10/12

Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

 
Một buổi họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Một buổi họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Reuters
Thanh Phương
 
Việt Nam đã chính thức ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ( UNHRC ) cho nhiệm kỳ 2014-2016 và đang vận động các nước ủng hộ việc ứng cử này. Nhưng sau vụ xử ba blogger bị quốc tế lên án mạnh mẽ, cũng như sau nhiều vụ vi phạm nhân quyền khác, liệu Việt Nam có cơ may trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hay không, và nếu trúng cử thì Việt Nam phải thực hiện những nghĩa vụ gì về mặt nhân quyền? Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn ông Vũ Quốc Dụng,Tổng thư ký Hiệp hội Quốc tế Nhân quyền tại Đức.
RFI: Trước hết xin ông nhắc lại về sự hình thành của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Hoạt động của cơ chế này như thế nào?
Vũ Quốc Dụng: Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (Human Rights Council, UNHRC) là một cơ cấu liên chính phủ (inter-governmental body) của LHQ ra đời năm 2006, với nhiệm vụ chính là xem xét các vụ vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Tùy mức độ vi phạm, UNHRC sẽ đưa ra cách giải quyết mà cao nhất là yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ can thiệp. Trên danh nghĩa, UNHRC là một trong ba hội đồng của LHQ ngang hàng với Hội đồng Bảo an và Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Văn Hóa (ECOSOC). Ba Hội đồng này đảm trách ba nhiệm vụ cột trụ của LHQ là gìn giữ hòa bình, phát triển hợp tác kinh tế và bảo vệ nhân quyền.
UNHRC có một đặc điểm mà nhiều người ít chú ý đến đó là UNHRC có quyền cứu xét đến tất cả các loại vi phạm nhân quyền xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Cho nên, dù có một quốc gia cố tình tránh né không ký kết tham gia vào một công ước nhân quyền quốc tế nào đó, thì nước đó vẫn có thể bị đưa ra phê phán trước UNHRC. UNHRC được xem như là một thứ tòa án công luận cho nên đã gây khó chịu rất nhiều cho quốc gia liên hệ. Nhiều quốc gia xem việc làm này đã bêu xấu họ về mặt chính trị trên trường quốc tế.
Về mặt lịch sử, UNHRC là hậu thân của Ủy hội Nhân quyền LHQ (UN Commission on Human Rights), là cơ chế đã có công soạn thảo ra bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế lịch sử hồi năm 1948. Những năm về sau, vì nạn bè phái, nên ủy hội này không còn hoạt động hữu hiệu được nữa.
Trong ủy hội trước đây, số quốc gia vi phạm nhân quyền chiếm đa số, nên họ đã cấu kết với nhau để cản chặn mọi hoạt động lên án chúng. Họ cho rằng những nước phương Tây dùng tiêu chuẩn kép, nghĩa là khi có cùng loại vi phạm nhân quyền xảy ra, thì chỉ có những quốc gia thù nghịch là bị đưa lên bàn mổ, còn những quốc gia thân Tây phương thì được bao che. Sự thực không hoàn toàn là như vậy, nhưng thực tế là hoạt động của Ủy hội Nhân quyền LHQ đã bị tê liệt và LHQ phải khai sinh ra UNHRC để thay thế nó.
RFI: Như vậy, UNHCR có những cải tiến gì so với Ủy hội Nhân quyền trước đây?

Vũ Quốc Dụng: So với tiền thân của nó thì UNHRC có nhiều cải thiện để giới hạn cái nạn đưa bè đảng vào Hội đồng Nhân quyền. Tuy nhiên hội đồng này cũng không thể tránh khỏi một thủ tục bầu cử chung của LHQ là việc bầu theo danh sách khu vực địa lý. Một cải thiện khác là UNHRC nhóm họp ít nhất ba lần trong năm ở tại Genève (như vậy là nhiều hơn ủy hội cũ chỉ họp một lần mỗi năm) nên có thể đối phó nhanh hơn với tình hình thời sự.
Ngoài ra UNHRC cũng đặt ra một thủ tục mới là „Thủ tục Xem xét Định kỳ Tình trạng Nhân quyền của Tất cả mọi Quốc gia Trên Thế giới ”, gọi tắt là UPR. Với thủ tục UPR này tình trạng nhân quyền tại tất cả các quốc gia thành viên của LHQ sẽ bị lần lượt đưa ra mổ xẻ. Cho nên sẽ không có quốc gia nào có thể cho là mình bị xử ép.
RFI: Thủ tục bầu cử vào UNHRC thế nào?
Vũ Quốc Dụng: UNHRC có tổng cộng 47 thành viên, mỗi thành viên có nhiệm kỳ 3 năm. Số thành viên được thay thế từng phần để bảo đảm cho UNHRC có hoạt động liên tục. Ngày 12/11/2012 này sẽ có 18 ghế được bầu lại, chia thành 5 ghế cho khối Phi Châu, 5 cho khối Á Châu, 2 cho khối Đông Âu, 3 cho khối Nam Trung Mỹ, cũng như 3 cho khối Tây Âu và các quốc gia khác. Thể thức bầu là các quốc gia thành viên LHQ sẽ ứng cử vào một trong các ghế dành cho khối của mình. Thí dụ Việt Nam có thể xin ứng cử vào 1 trong 5 ghế khuyết của khối Á Châu lần này.
Muốn trúng cử, mỗi ứng cử viên phải đạt được số phiếu tuyệt đối trên tổng số 192 thành viên LHQ, nghĩa là phải có 97 phiếu thuận. Trong quá khứ các khối khu vực thường dùng một thủ thuật để bảo đảm cho gà nhà. Nghĩa là họ đưa ra số ứng cử viên vừa khít với số ghế, thí dụ khối Á Châu chỉ đưa ra 5 ứng cử viên cho 5 ghế khuyết lần này, khiến cho Đại hội đồng LHQ rất khó xử. Nếu bỏ phiếu thuận thì mang tiếng là bị xỏ mũi. Nếu bỏ phiếu chống, thì sẽ tạo ra rắc rối là phải bầu đi bầu lại hoặc chất vấn lại các ứng cử viên.
Gần đây, các thành viên của Đại hội đồng đã cứng rắn hơn. Nếu thấy một ứng cử viên quá bất xứng thì họ nhất định không bầu cho và bắt khối khu vực liên hệ phải đưa ra ứng cử viên mới. Mô hình bầu cử mà tôi cho là dân chủ nhất là mỗi khối nên đưa ra một số lượng ứng cử viên cao hơn số ghế khuyết để cho Đại hội đồng LHQ chọn lựa. Thí dụ lần này, tôi thấy có khối „Tây Âu và các Quốc gia khác“ đưa ra 5 ứng cử viên là Đức, Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan, Thụy Điển, Hoa Kỳ cho 3 ghế khuyết. Tuy nhiên đến nay cũng chỉ có khối này là làm như vậy còn các khối khác vẫn bám vào cách thức chia chác ghế như cũ.
RFI: Sau những vụ xử các blogger và nhiều vụ đàn áp khác, liệu Việt Nam có cơ may được vào Hội đồng Nhân quyền hay không?
Vũ Quốc Dụng: Quả thật trong thời gian gần đây Việt Nam đã bị thế giới chỉ trích nặng nề về những hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng. Vụ mới đây nhất là vụ xử án tù thật nặng ba blogger thuộc nhóm Câu lạc bộ Nhà báo Tự do là blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, blogger Công lý Sự thật - Tạ Phong Tần và blogger AnhBaSg - Phan Thanh Hải.
Theo tôi, trong những năm gần đây, vụ này là vụ mà quốc tế đồng lòng chỉ trích nhất vì Việt Nam đã tỏ thái độ coi thường nhân quyền một cách nghiêm trọng, nổi bật nhất là đối với trường hợp blogger Điếu Cày. Mới đầu ông này bị kết án hai năm rưỡi tù vì tội trốn thuế. Ai cũng thấy rõ đây một vụ trả thù các hành động đấu tranh ôn hòa của ông. Khi mãn án ông lại bị giam tiếp gần hai năm mà không được đem ra xét xử.
Phải nói rằng ngay từ đầu cộng đồng quốc tế đã rất quan tâm hỏi han chỗ giam và sức khoẻ của ông. Ngay cả những thông tin bình thường như thế mà Việt Nam cũng giấu không cho các tòa đại sứ Tây phương ở Việt Nam biết trong cả hơn năm trời. Bằng nhiều cách, các quốc gia Tây phương đã yêu cầu Việt Nam nên cân nhắc thật kỹ vụ xử các blogger này. Cuối cùng, bản án tổng cộng 26 năm tù và 11 năm quản chế dành cho ba blogger nói trên không chỉ là bản án nặng nề nhất đối với những người viết báo, mà còn là một thách thức đối với tất cả những cố gắng đối thoại của cộng đồng quốc tế.
Cho nên, chúng ta không ngạc nhiên khi cả Hoa Kỳ lẫn Liên minh Âu Châu (EU) cùng mạnh mẽ lên tiếng đòi trả tự do cho ba blogger này ở cấp cao nhất. Đáng chú ý là lần đầu tiên ta thấy EU công khai lên tiếng ngay sau phiên xử và đòi Việt Nam phải trả tự do cho những tù nhân chính trị này. Trước đây, EU cho rằng phải nói khéo, không nên đốp chát để Việt Nam khỏi mất mặt nên luôn tìm cách chỉ trích nhẹ nhàng và gián tiếp. Lần này có EU và Hoa Kỳ, là hai thành viên nặng ký của UNHRC, lên tiếng thì chắc chắn họ cũng sẽ kéo theo nhiều phiếu phản đối Việt Nam.
Nhưng có lẽ quan trọng hơn nữa tiếng phản đối của bà Navi Pillay, Cao ủy trưởng Cao ủy Nhân quyền LHQ và là người đứng đầu bộ máy thực hiện các chính sách bảo vệ nhân quyền của LHQ. Tiếng nói của bà Pillay được xem là chuẩn mực của LHQ. Bà Pillay nói rằng bản án nặng nề đối với ba blogger, ’’đã đi ngược với những cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về việc khuyến khích và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, trong dịp Việt Nam bị đưa ra xem xét trong Thủ tục Định kỳ (UPR)“. Thủ tục UPR là một thủ tục quan trọng của UNHRC. Lời hứa sẽ hợp tác với UNHRC của một ứng cử viên có còn đáng tin không khi bà Pillay đã tuyên bố nó vi phạm thủ tục UPR? Lời phê phán của viên chức cao cấp nhất trong bộ máy bảo vệ nhân quyền LHQ này chắc chắn sẽ được các thành viên của Đại hội đồng LHQ lưu ý trong cuộc bầu cử sắp tới.
Nhưng chúng ta cũng biết những quốc gia như Việt Nam sẽ dùng ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao của mình để tìm kiếm sự ủng hộ trong cuộc bầu cử sắp tới.
RFI: Nếu trúng cử thì Việt Nam có cần phải cải thiện vấn đề nhân quyền nữa không?
Vũ Quốc Dụng: Rút kinh nghiệm của tiền thân của nó là Ủy hội Nhân quyền LHQ, UNHRC đưa ra các đòi hỏi khá cao đối với những ứng cử viên. Nói chung, có ba điều kiện và khuyến cáo. Thứ nhất, ứng cử viên phải chứng minh được thành tích bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền của mình. Thứ hai, ứng cử viên phải tự nguyện nộp trước những điều mà họ hứa hẹn hoặc cam kết sẽ làm trong nhiệm kỳ. Thứ ba, nếu trúng cử họ phải tuân thủ những tiêu chuẩn cao nhất về mặt bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, phải hợp tác toàn diện với UNHRC và phải chấp nhận tham gia. ’’Thủ tục Xem xét Định kỳ Tình trạng Nhân quyền“ (UPR) của nước mình trong nhiệm kỳ tại chức.
Cho nên, nếu trúng cử vào UNHRC thì Việt Nam chưa thể xem là mình đã tìm được lá bùa hộ mệnh cho các hành vi vi phạm nhân quyền đâu. Ngược lại, thế giới sẽ chú ý xem Việt Nam có đáp ứng đúng vai trò gương mẫu của một thành viên UNHRC hay không. Thế giới sẽ dùng những tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá khi theo dõi về những thành tích bảo vệ hoặc vi phạm nhân quyền của quốc gia thành viên Việt Nam. Thế giới sẽ chất vấn quốc gia thành viên Việt Nam về việc không tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Thế giới sẽ hỏi tại sao Việt Nam tiếp tục từ chối lời yêu cầu viếng thăm của các Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về các vấn đề tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, v.v… Trong Thủ tục Xem xét Định kỳ UPR sắp tới quốc gia thành viên Việt Nam sẽ không thể bác bỏ dễ dàng những đề nghị cải thiện nhân quyền như Việt Nam đã làm trong kỳ phúc trình năm 2009 vừa qua.
Có người đã hỏi tôi rằng nếu Việt Nam không hợp tác thì sao? Tôi trả lời rằng đây sẽ là lần cuối mà thế giới bị lừa. Chúng ta biết rằng việc chuyển đổi từ Ủy hội Nhân quyền LHQ sang UNHRC cũng kéo theo một cuộc cách mạng về thông tin trong LHQ. Hệ thống thông tin về nhân quyền của LHQ không còn rối ren và khó hiểu như xưa nữa. Hệ thống này bây giờ có một trí nhớ rất tốt, rất đầy đủ, có cấu trúc rất đơn giản và rõ ràng nên sẽ giúp cho mỗi quốc gia thành viên của LHQ có thể tham khảo dễ dàng về mức độ khả tín của các ứng cử viên trước khi bước vào phòng họp.
Chúng ta biết bây giờ LHQ cũng đã can đảm hơn trước nhiều. Hồi tháng 3/2011 Đại hội đồng LHQ đã truất quyền thành viên UNHRC của nước Lybia dưới thời Gaddafi cho đến tháng 11/2011 mới cho tái lập lại. Cho nên nếu Việt Nam được bầu vào UNHRC thì đó cũng là cơ hội để những đề nghị cải thiện nhân quyền của các tổ chức dân sự Việt Nam được quốc tế chú ý hơn trước.
RFI: Xin cám ơn ông Vũ Quốc Dụng.