16/11/11

Hy Lạp, Ý thay chính phủ, các thị trường vẫn chưa an tâm

Nhân viên trên thị trường hối đoái New York, Hoa Kỳ, 14/11/2011
Nhân viên trên thị trường hối đoái New York, Hoa Kỳ, 14/11/2011
REUTERS

Thanh Phương 15/11/2011
 
Khu vực đồng euro vẫn chưa trấn an được các thị trường tài chính mặc dù hai nưóc Ý và Hy Lạp đã chỉ định tân thủ tướng. Sự xáo động của các thị trường được thể hiện qua những tấn công mới nhắm vào Tây Ban Nha.


Hôm qua, 14/11/2011, trong bài diễn văn trước Quốc hội Hy Lạp trình bày chính sách của chính phủ, tân thủ tướng Lucas Papademos đã dự báo là trước mắt Hy Lạp sẽ trải qua một giai đoạn rất khó khăn để nước này có thể thực hiện kế hoạch của châu Âu nhằm tránh bị phá sản và tiếp tục ở trong khu vực đồng euro.

Trong khi đó, tại Ý, thủ tướng tương lai Mario Monti hôm nay tiếp tục tham khảo ý kiến các chính đảng để thành lập tân nội các. Hôm qua, ông Monti đã kêu gọi các thị trường tài chính dành cho ông ít thời gian để thành lập chính phủ và thực hiện một chương trình nhằm vãn hồi sự tín nhiệm của nước Ý, đã bị mất trong những tháng cuối cùng của chính phủ Berlusconi. Ông Monti báo trước là dân Ý sẽ phải chấp nhận nhiều « hy sinh » để nước này cắt giảm món nợ công khổng lồ, lên tới 1.900 tỷ euro ( 120% GDP ).

Nhưng việc từ chức của thủ tướng Ý Berlusconi và bài diễn văn đầu tiên của tân thủ tướng Hy Lạp chỉ làm dịu các thị trường tài chính trong một thời gian ngắn. Hôm qua, sau khi đồng loạt tăng điểm vào buổi sáng, các thị trường chứng khoán châu Âu đã đều sụt điểm trở lại, nặng nhất là Milan và Madrid. Sáng nay, các thị trường châu Âu tiếp tục sụt điểm.

Một dấu hiệu khác cho thấy các thị trường vẫn chưa tin tưởng vào nước Ý, đó là lãi suất trái phiếu 10 năm của nước này hôm nay đã một lần nữa vượt ngưỡng 7%. Nhưng điều đáng ngại là nay đến lượt Tây Ban Nha rơi trở lại vào tằm ngắm của giới đầu cơ. Vào lúc mà nưóc này dự trù trong tuần này sẽ vay đến 7,5 tỷ euro trước khi bầu Quốc hội vào Chủ nhật, lãi suất trái phiếu thời hạn 10 năm của Tây Ban Nha hôm qua đã tăng mạnh, lên đến mức 6,028% ( so với mức 5,851% vào thứ sáu tuần trước ). Mặt khác, mức cách biệt lãi suất giữa trái phiếu 10 năm của Tây Ban Nha với lãi suất trái phiếu của Đức ( chỉ số « chuẩn » đối với các thị trường châu Âu ) hôm qua đã tăng lên mức kỷ lục mới.

Hôm qua, Ủy ban châu Âu tiếp tục duy trì áp lực không chỉ lên Hy Lạp, mà lên cả Ý, để buộc những nước này thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết cải tổ và giảm thâm thủng ngân sách. Một phát ngôn viên Ủy ban châu Âu tuyên bố là đánh giá của họ về kinh tế Ý vẫn không có gì thay đổi mặc dù ông Berlusconi đã từ chức.

Về phần Hy Lạp, Ủy ban châu Âu vẫn đòi là đảng Xã hội và phe đối lập cánh hữu phải ghi trên giấy trắng mực đen lời cam kết sẽ thực hiện kế hoạch cứu vãn Hy Lạp được châu Âu thông qua ngày 27/10.

Nói chung, theo các nhà phân tích, tình hình chính trị vô định của nhiều nước châu Âu tiếp tục gây quan ngại cho các thị trường. Nhất là tình hình của nước Pháp nay cũng đáng lo, vì theo một báo cáo của trung tâm nghiên cứu châu Âu The Lisbon Council vừa được công bố hôm nay, chưa chắc nước này giữ được hạng điểm AAA về nợ công. Cụ thể là trong số 6 nước hiện có hạng điểm AAA, Pháp bị chấm điểm thấp nhất và tính trên 17 nước khu vực euro, Pháp đứng hạng thứ 13, thua cả Tây Ban Nha ( hạng 12 ).

Theo báo cáo này, để nước Pháp có thể tiếp tục là một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Âu, Paris phải nhanh chóng tiến hành những cải tổ quan trọng, tốt nhất là trước cuộc bầu cử tổng thống mùa xuân năm tới.

Không có nhận xét nào: