Nhóm Công tác hỗn hợp Vatican-Việt Nam trong cuộc họp ngày 27/2 tại Hà Nội. (Reuters)
Như vậy là quan hệ Vatican-Hà Nội có vẻ chưa có tiến triển gì rõ rệt theo hướng thiết lập bang giao, trong bối cảnh mà giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam với chính quyền còn rất nhiều vấn đề, đặc biệt là liên quan đến các tranh chấp nhà đất. Gần đây nhất có thể đơn cử việc chính quyền muốn phá hủy hoàn toàn cơ sở Đại chủng viện Vĩnh Long để xây Trung tâm thanh thiếu niên mới, một hành động bị coi là xóa dấu vết tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo mà Nhà nước đã mượn, mặc dù Tòa Giám mục Vĩnh Long đã viết thư khẩn thiết kêu gọi chính quyền quan tâm đến nhu cầu tôn giáo.
Tại một số địa phương, các giám mục, linh mục vẫn thường bị cản trở khi làm công việc mục vụ, thậm chí bị hành hung, như trường hợp của cha Nguyễn Quang Hoa, cha phó của Giáo xứ Kon Hring, tỉnh Kontum. Ngày 23/2, sau khi cử hành một tang lễ tại làng Kon Hnong trở về, vị linh mục này đã bị ba thanh niên lạ mặt đánh đập dã man đến trọng thương, thậm chí bị dập phổi bên phải. Người dân địa phương nghĩ rằng ba thanh niên đó là do công an xã chỉ đạo hành hung cha Hòa. Không biết điều đó có đúng hay không, chỉ thấy là ba thủ phạm cho tới nay vẫn chưa bị chính quyền bắt giữ và xử lý theo pháp luật.
Trong bối cảnh như vậy, làm sao có thể đạt được công lý và hòa bình như mong muốn của các vị giám mục Việt Nam khi thành lập Uỷ ban Công lý và Hòa bình, mà chủ tịch đương nhiệm là Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh? Nhân cuộc họp giữa Vatican và Việt Nam trong tuần qua, sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn Đức Cha Nguyễn Thái Hợp:
RFI: Kính thưa Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, trước hết Đức Cha có nhận định như thế nào về kết quả cuộc họp vừa qua giữa Vatican với Việt Nam?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp : Bản thông cáo chung của cuộc họp có nhiều điểm tích cực đối với cả hai bên, về mặt ngôn ngữ cũng như về thành quả. Đây cũng là bước đi tiếp của một quá trình đã được đề ra trong cuộc đàm phán giữa hai bên và hy vọng đến cuộc họp thứ tư, được dự định tại Vatican, có thể sẽ có những điểm sáng sủa hơn.
Cuộc họp này đặc biệt nhấn mạnh rằng sẽ tạo cơ hội để Đức Tổng Giám mục Girelli, đại diện không thường trú của Tòa Thánh có điều kiện để Ngài có thể hiện diện và hoạt động ở Việt Nam một cách hiệu quả hơn, vì trong thời gian qua, sự hiện diện của Ngài cũng chỉ là để đi viếng thăm và thăm dò tình hình, sự hiện diện này cũng còn rất giới hạn. Mỗi lần vào như vậy cũng chỉ là một tháng và cũng chỉ đưọc vào những lần nhất định thôi. Chúng tôi hy vọng là trong năm tới, với cuộc họp này, Ngài sẽ hiện diện và đi lại ở Việt Nam dễ dàng hơn.
RFI: Tuy sự hiện diện của Đức cha Girelli còn gìới hạn, nhưng những lần thăm viếng Việt Nam khá là thường xuyên của vị đại diện của Đức Giáo hoàng có mang lại những gì cụ thể cho quan hệ Vatican-Việt Nam?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp : Đối với Nhà nước thi những chuyến viếng thăm đó cũng giúp giảm bớt những nghi ngờ và lo sợ về sự hiện diện của Ngài. Nhưng thật sự là trong năm qua, sự hiện diện này, với con người của Đức Tổng giám mục Girelli, đã tạo ra những nối kết. Đặc biệt, Ngài không chỉ là đại diện không thường trú của Tòa thánh đối với Nhà nước, mà Ngài còn là đại diện của Đức Thánh Cha. Ngài đi gặp gỡ giáo dân như là một vị mục tử đại diện Đức Thánh Cha và Ngài đã đi 26 giáo phận. Rất nhiều nơi giáo dân đã hồ hởi đón tiếp Ngài như đón tiếp một vị đại diện của Đức Thánh Cha và biểu lộ tâm tình của người Việt Nam đối với Đức Thánh Cha, người kế vị Thánh Phêrô ở trần gian. Tôi thấy có nhiều điểm tích cực.
Chúng tôi, hàng giám mục, cũng đã rất nhiều lần đối thoại với Ngài. Lần này, Giáo tỉnh Hà Nội cũng đã gặp gỡ phái đoàn trước khi phái đoàn gặp gỡ và làm việc với Nhà nước. Cuộc gặp gỡ đó cũng đã có nhiều điểm tích cực.
RFI: Thưa Đức Cha, những chuyến đi của Đức Tổng Giám mục Girelli phải chăng cũng đã giúp Vatican hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của Giáo hội Việt Nam hiện nay, nhất là tình hình những giáo phận xa xôi hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, để có một hình thức đối thoại hiệu quả hơn với Nhà nước Việt Nam, hầu giúp cải thiện tình hình của Giáo hội trong nước ?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp : Tôi thấy một số người vẫn nghĩ rằng Vatican không biết gi hoặc không rõ về tình hình Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đó là một cái nhìn hơi phiến diện và vội vàng. Theo tôi biết qua đối thoại với một số nhân vật Vatican, Tòa Thánh có rất nhiều kênh để nắm tình hình và cũng nhận được thông tin từ khá nhiều nguồn.
Nhưng dĩ nhiên, sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Girelli, với quan sát tại chỗ, gặp gỡ tại chổ với nhiều người, cũng bổ túc thông tin của Tòa Thánh về tình hình Việt Nam. Ngài cũng rất là nhạy bén. Ngài nhìn và hiểu rất rõ tình hình muôn màu muôn sắc ở Việt Nam, nhiều khi không phải là do chủ trương chung, mà là lệ thuộc rất nhiều ở địa phương. Mỗi địa phương có một sắc vẻ khác nhau.
RFI: Chuyện vừa xảy rại tại Kontum ( vụ hành hung dã man cha Nguyễn Quang Hoà), đây phải chăng là những sự cố lẻ tẻ, chứ không hẳn là một chính sách chung nhằm cản trở việc thực hiện tự do tôn giáo ở Việt Nam?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp : Có lẻ là cả hai, chứ không hoàn toàn là một. Đối thoại vẫn đang gay go giữa quan niệm hữu thần và vô thần. Hai quan điểm này luôn có những đối kháng đó. Ngoài ra, trên nguyên tắc, Nhà nước cũng tuyên bố tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn trọng các tôn giáo. Nhưng trên thực tế vẫn có những khó khăn và khó khăn đó nhiều hay ít nhiều khi cũng do tình hình địa phương đó nữa.
RFI: Với tư cách là chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hòa bình, “chi nhánh” của Hội đồng Công lý và Hòa bình của Tòa Thánh, theo Đức Cha, việc thực hiện công lý và hòa bình ở Việt Nam còn những vấn đề gì đáng nêu lên?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp : Việc thực hiện công lý và hòa bình là ước mơ và con đường rất dài, khó khăn và diệu vợi ở khắp mọi nơi trên thế giới. Đặc biệt ở Việt Nam thì con đường đó dài và gồ ghề hơn. Chúng ta thấy còn rất nhiều vấn đề phải nêu lên. Tôi nghĩ rằng có lẽ chúng ta chỉ mới đi những bước đầu tiên và mỗi ngày có thêm những thách đố khác nữa.
Vừa rồi chúng tôi vừa có một cuộc họp nội bộ để nhìn lại những hoạt động của chúng tôi và cũng có một sự chuyển đổi, bổ túc nhân sự nhiều hơn và rõ rệt hơn trong Uỷ ban. Chẳng hạn cha cựu Tổng thư ký của Uỷ ban thì sẽ chuyển sang một lĩnh vực khác, bởi vì ở Việt Nam thời hậu chiến, cũng như trong những năm vừa qua có rất nhiều vấn đề về con người, về tâm linh, sức khoẻ tâm thần, cho nên cha Nguyễn Ngọc Sơn sẽ chuyên tâm hơn về vấn đề tâm lý của giới trẻ. Chúng tôi sẽ có một Tổng thư ký mới, lo nhiều hơn cho vấn đề xã hội, công lý.
RFI: Thưa Đức Cha, khi Uỷ ban Công lý và Hòa bình được thành lập, rất nhiều người trông chờ là Uỷ ban này sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn trong những sự việc xảy ra thường xuyên, đặc biệt liên quan đến Gíáo hội Việt Nam, chẳng hạn những vụ tranh chấp đất đai giữa Giáo hội với các chính quyền đị phương. Vai trò của Uỷ ban phải là như thế nào, tức là làm sao có tiếng nói, nhưng không để bị xem như là can thiệp vào lĩnh vực chính trị dưới con mắt của chính quyền?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp : Một số người vẫn nhiều khi vô hình trung biến Uỷ ban thành một thứ uỷ ban đòi đất, hay một thứ bao công. Có lần tôi nói đùa như vậy. Có lẻ do hoàn cảnh của Việt Nam, do cái luật đất đai mà chúng tôi cũng đã nhiều lần lên tiếng rằng nó có quá nhiều vấn đề. Chính vì thế mà hơn 80% các vụ khiếu kiện ở Việt Nam là hậu quả của luật đất đai không phù hợp. Nó không phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, với kinh tế thị trường, đi ngược với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, vì không chấp nhận quyền tư hữu của người dân. Đây cũng là cái luật đem lại thiệt thòi cho nông dân. Nông dân không thể sở hữu đất vĩnh viễn và cũng không có quyền chuyển nhượng lại cái quyền đất đai đó cho con cháu mình. Hơn nữa, luật đất đai cũng là nguồn tham nhũng rất lớn. Trên nguyên tắc, đất đai thuộc về nhân dân, nhưng do Nhà nước quản lý. Làm sao có thể giải thích điều đó? Phải chăng cái nguyên tắc đó trên thực tế không lý tưởng như người ta nói.
Chính vì vậy, từ khi xuất hiện Uỷ ban Công lý thì chúng tôi phải đối diện với vấn đề đó. Một số can thiệp lúc đầu cũng đã đi ngay vào vấn đề này. Nhưng một trong những nhiệm vụ lớn của chúng tôi là phổ biến giáo huấn về Xã hội Công giáo, một cách để loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay. Và để loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay thì phải luôn luôn đi vào mọi lĩnh vực: cuộc sống, xã hội, chính trị kinh tế, trong đó quyền của con người vẫn được đề cao. Chính vì vậy, hoạt động của Uỷ ban Công lý và Hòa bình rộng hơn là chuyện đòi đất.
Nhưng không thể là không can thiệp vào chuyện đòi đất, vì 80% khiếu kiện ở Việt Nam là liên quan đến đất đai và càng ngày khiếu kiện đó càng mang tính chất nổi cộm và nhạy cảm, như vụ của ông Vươn ở Hải Phòng. Chính chúng tôi cũng đã ký tên trong những bản kiến nghị đó.
Chính vì vậy có một số người đòi hỏi quá và biến chúng tôi thành như một cơ quan đòi đất và muốn chúng tôi can thiệp vào chuyện Nhà nước, mà theo quan điểm chung, thì Giáo hội tôn trọng vai trò của chính quyền dân sự. Giáo hội góp ý, chỉ lên tiếng. Chúng tôi chỉ dừng ở chỗ là đưa ra những định hướng, những nhận định, chứ không thể là thay thế hay can thiệp vào chính quyền dân sự, vì đó không phải là mục đích của chúng tôi.
RFI: Thưa Đức Cha, trong cuộc họp vừa qua giữa Vatican với Việt Nam thì hai bên cũng đã nhấn mạnh đến Giáo huấn của Giáo Hoàng Benendicto 16 về việc “ tín hữu Công giáo tốt cũng phải là một công dân tốt”. Đây cũng là lập luận mà chính quyền thường nêu ra để cho rằng người Công giáo cũng phải chấp hành luật lệ như những công dân khác, chứ không nên đòi hỏi những gì cao hơn về tự do tôn giáo. Ý kiến của Đức Cha như thế nào?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Chúng tôi cũng đã có làm hai cuộc hội thảo nhỏ, nhưng vẫn chưa đi đến một kết luận có tính cách nhất thống về điểm đó. Có lẽ trong tương lai còn phải suy nghĩ rất nhiều. Một số cán bộ giải thích rằng trong đất nước hôm nay rất dễ dàng thực hiện việc “ một người Công giáo tốt có thể là một công dân tốt”. Trên nguyên tắc là như vậy, nhưng trên thực tế thì rất khó. Một số anh em Công giáo, những người rất thành tâm thiện chí, thấy rằng trong đất nước, trong xã hội chúng ta, khi mà những giá trị của đạo đức, của luật pháp và giá trị của con người băng hoại như vậy, mà nhiều khi nhưng giá trị đó được một số cơ chế, một số quan chức coi như là chấp nhận, thì không chỉ là một người Công giáo tốt, mà ngay cả một công dân tốt cũng không thể thực hiện được trong một cái cơ chế như thế như vậy. Nói câuu đó một cách không có phân tích và không có nghiên cứu thì nhiều khi trở thành như là tuyên truyền. Chúng tôi thấy rằng sẽ cố gắng để làm sao mà thực hiện được điều đó.
Nhưng Đức Giáo Hoàng cũng yêu cầu rằng để thực hiện điều đó thì người Công giáo phải cộng tác một cách chân thành, nhưng đồng thời cũng thẳng thắng nói lên tiếng nói của lẽ phải, của công bằng. Hai điều đó phải luôn luôn đi đôi với nhau. Trong thực tại của cuộc sống, điều đó là điều rất khó, đòi hỏi phải có đối thoại, đòi hỏi phải có biến đổi rất nhiều. Tôi thấy đây là một thách đố đối với người Công giáo chúng tôi, cũng như đối với tất cả những người công dân Việt Nam trong thực tế hôm nay.
RFI : Xin cám ơn Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hòa bình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét