3/3/11

Việt Nam bị Hoa Kỳ đặt vào danh sách cần theo dõi về nạn buôn người


Đợt vận động thông tin chống nạn buôn người của tổ chức Stop Human Trafficking (DR)
Đợt vận động thông tin chống nạn buôn người của tổ chức Stop Human Trafficking (DR)
Thanh Phương 15/6/2010

Trong bản báo cáo thường niên về nạn buôn người trên thế giới vừa được công bố, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa vào danh sách cần theo dõi một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, Singapore và Thái Lan.

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố bản báo cáo thường niên về nạn buôn người trên thế giới. Theo thẩm định của báo cáo này, trong thời gian 2009-2010, khoảng 12,3 triệu người trên thế giới đã là nạn nhân của các đường dây buôn người, mặc dù trong thập niên qua đã có những tiến bộ.

Trong báo cáo năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào danh sách cần theo dõi về nạn buôn người một số nước châu Á, như Việt Nam, Afghanistan, Brunei, Lào, Maldives, Singapore và Thái Lan. Danh sách này từ năm ngoái đã có tên Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Microniesia, Philippines và Sri Lanka. Còn Bắc Triều Tiên, Miến Điện và Papua New Guinea vẫn nằm chót bảng.

Trên lý thuyết, việc xếp vào danh sách cần theo dõi về nạn buôn người có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ cắt một số viện trợ dân sự, nhưng trên thực tế, đây là một phương cách có tính chất biểu tượng để áp lực buộc các nước đó phải có hành động.

Trường hợp của Việt Nam

Riêng về Việt Nam, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định rằng Việt Nam vẫn là nơi xuất phát và là điểm đến của nạn buôn người, cụ thể là nhiều người vẫn ra nước ngoài thông qua các công ty môi giới để làm việc trong ngành xây dựng, đánh cá và sản xuất hàng hóa, chủ yếu tại những nước Malaisia, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, cũng như Thái Lan, Indonesia, Anh quốc, Cộng hòa Séc, Nga và Trung Đông và một số người làm việc trong những điều kiện như nô lệ. Nhiều phụ nữ và trẻ em Việt Nam vẫn bị dụ dỗ và bị bán sang các ổ chứa ở Cam Bốt, Trung Quốc, Lào và một số sau đó bị bán sang một nước thứ ba như Thái Lan và Malaisia.

Báo của của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc lại rằng, các công ty môi giới lao động, đa số do Nhà nước quản lý, thưòng bắt công nhân trả chi phí cao hơn rất nhiều so với với luật định, đôi khi lên tới 10 ngàn đôla. Điều này khiến các công nhân đó dễ rơi vào tình trạng bị siết nợ và cưỡng bực lao động, một số phải làm việc trong những điều kiện hết sức tồi tệ mà không hề được trả lương hoặc được trả rất ít.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chính phủ Việt Nam vẫn không đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiều về diệt trừ nạn buôn người, tuy nước này đã có những nỗ lực. Trong khi tiếp tục nỗ lực chống buôn gái mãi dâm qua biên giới, chính phủ Việt Nam vẫn chưa có tiến bộ gì trong việc trừng trị về mặt hình sự những kẻ phạm tội buôn người và bảo vệ các nạn nhân của nạn buôn người. Chính vì những lý do đó mà Việt Nam bị đưa vào Tier 2 Watch List, tức là danh sách những nước cần theo dõi.

Cũng liên quan đến Mỹ và Việt Nam, hôm qua, dân biểu Cộng hòa của bang California Ed Royce đã hoan ngênh đề nghị của Uỷ ban tự do tôn giáo quốc tế xếp Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo( CPC ). Để chính phủ Mỹ chú ý đến vấn đề này, ông Ed Royce, một thành viên cao cấp của tiểu ban châu Á, ủy ban ngoại giao Hạ Viện Mỹ, đã đệ trình một nghị quyết kêu gọi Bộ Ngoại giao kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ xếp Việt Nam trở lại danh sách CPC.

Không có nhận xét nào: