3/3/11

Việt Nam bác bỏ chỉ trích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Tiền đồng trên quầy của Ngân hàng Việt Nam VIB ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 22/04/2010
REUTERS/Kham
Thanh Phương 10/9/2010
 
Trong báo cáo hàng năm về kinh tế Việt Nam, được công bố hôm thứ tư 8/9 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, IMF, đã chỉ trích sự thiếu nhất quán và thiếu minh bạch trong chính sách kinh tế của Việt Nam và cho rằng điều này có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng, hệ thống tài chính, cũng như sự tin cậy của thị trường.
Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia IMF, chính phủ Việt Nam đề ra quá nhiều mục tiêu đã làm cho thị trường nghi ngờ về khả năng thực hiện những mục tiêu này.

Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times hôm qua, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã bác bỏ những lời chỉ trích nói trên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho rằng đây là một báo cáo « thiếu chính xác » . Ông Phạm Gia Khiêm khẳng định rằng : « Khi xảy ra khủng hoảng toàn cầu, một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và ưu tiên thứ hai là bảo đảm sự minh bạch ».

Về phần các chuyên gia kinh tế, trả lời phỏng vấn của Anh Vũ hôm nay từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định về những chỉ trích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về chính sách kinh tế Việt Nam :

" Tôi cho rằng ý kiến của IMF có cơ sở, bởi vì trong thời gian vừa qua chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam thường thay đổi một cách khá đột ngột. Chuyện hiệu chỉnh chính sách là cần thiết, nhưng nói một đằng, sau một ít thời gian lại làm ngược lại, thì đó không phải là biện pháp tốt để cải thiện lòng tin. Mà lòng tin đối với giới doanh nghiệp cũng như những người kiến tạo thì thường rất quan trọng. Người ta phàn nàn rằng chính phủ Việt Nam đặt ra quá nhiều mục tiêu. 

Thực sự có nhiều vấn đề phức tạp, mà những mục tiêu có khi mâu thuẫn với nhau. Và khi những mục tiêu mâu thuẫn với nhau, lẽ ra phải đặt ra một số mục tiêu căn bản thôi, và nhất quán bám theo những mục tiêu đó. Mình đề ra quá nhiều mục tiêu, và đến khi thấy một mục tiêu này không đạt được thì đúng ra lúc đó phải thay đổi chính sách. Hoặc là có chuyện tiền hậu bất nhất, cái đó đúng là nó làm cho thị trường rất khó phán đoán, và tính minh bạch của chính sách và tính tiên đoán được những quy định không được tốt. Điều đó sẽ làm cho nền kinh tế lại càng khó khăn hơn."

Về phản ứng của phía Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét :

" Tôi nghĩ đấy cũng không có gì là lạ, vì quan niệm về minh bạch của các bên có thể rất khác nhau. Cũng như quan niệm về dân chủ thì ở đây người ta nói người ta rất là dân chủ, dân chủ gấp ngàn lần ở những nơi khác. Việt Nam muốn phát triển, muốn hội nhập vào quốc tế, muốn cho nền kinh tế Việt Nam thực sự phát triển bền vững ; thì tôi nghĩ không chỉ những doanh nghiệp Việt Nam mà kể cả các quan chức Việt Nam cũng phải nói chung một ngôn ngữ. Tức là cùng một khái niệm, thì ở Mỹ, ở bên Tây Âu, ở Đông Nam Á cũng phải hiểu theo một nghĩa như nhau. Rất đáng tiếc là khá nhiều các quan niệm, khái niệm ở Việt Nam không giống như những nơi khác. 

Chuyện minh bạch về chính sách, minh bạch về thông tin, hiểu theo nghĩa chung của nhân loại thì tôi nghĩ là Việt Nam cũng đã làm được khá nhiều. Cũng phải ghi nhận thành tích của chính quyền là đã làm được khá nhiều, minh bạch hơn trước rất nhiều. Nhưng minh bạch so với nhu cầu phát triển của đất nước, minh bạch so với hoàn cảnh chung của quốc tế thì còn rất kém. Cho nên nói Việt Nam rất là minh bạch thì tôi nghĩ đó chẳng qua chỉ là một sự biện bạch mà thôi."

Không có nhận xét nào: