18/4/09

Trung Quốc gia tăng sự hiện diện kinh tế ở các nước ASEAN

Trung Quốc gia tăng sự hiện diện kinh tế ở các nước ASEAN

Không chỉ gia tăng sức mạnh quân sự, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh sự hiện diện kinh tế ở khu vực Đông Nam Á. Bắc Kinh đã hy vọng ký kết một hiệp định tự do mậu dịch vớI ASEAN nhân cuộc họp thượng đỉnh tại Pattaya vào cuối tuần trước. Hiệp định này nếu được ký kết sẽ tạo thành một vùng tự do mậu dịch lớn nhất thế giới. Nhưng do tình hình bạo động, cuộc họp giữa các lãnh đạo Trung Quốc và Đông Nam Á đã bị dờI lại.

Trước mắt, nhân Diễn đàn Bác Ngao khai mạc 18/04/09, thủ tướng Ôn Gia Bảo loan báo là Trung Quốc sẽ lập một quỹ 10 tỷ đôla để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước Đông Nam Á. Bắc Kinh thừa biết rằng, ngoại trừ Singapore, toàn bộ các nước ASEAN đều rất cần nguồn tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay. Cho tới nay, một số dự án này là do Ngân hàng phát triển châu Á tài trợ, nhưng Ngân hàng này nằm trong vòng ảnh hưởng của Nhật. Nay Trung Quốc muốn lập một cơ chế tài trợ khác mà trong đó Bắc Kinh nắm vai trò chủ động. Thông qua số tiền 10 tỷ đôla nói trên, Trung Quốc sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế với các nước Đông Nam Á. Không những thế, Bắc Kinh còn đề nghị một khoản tín dụng 15 tỷ đôla cho các nước ASEAN, trong đó bao gồm cả những khoản vay với lãi suất ưu đãi dành cho các dự án hợp tác. Ấy là chưa kể những kế hoạch tổng cộng gần 40 triệu đôla để giúp Cam Bốt, Lào, Miến Điện, ba nước bị tác động nặng nề nhất bởi tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, Bắc Kinh còn loan báo sẽ bơm thêm 5 tỷ đôla cho Quỹ hợp tác Trung Quốc-ASEAN.

Rõ ràng là Trung Quốc đang nỗ lực tranh giành ảnh hưởng vớI Nhật Bản tại vùng Đông Nam Á, một thị trường với hơn 500 triệu dân. Theo lời một giáo sư của Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc trường Đại học Hạ Môn, hiện giờ, ảnh hưởng của Nhật Bản vẫn còn rất lớn ở Đông Nam Á. Nhật Bản vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của các nước ASEAN và vẫn là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho vùng này. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới vào tháng giêng năm nay, thủ tướng Taro Aso đã loan báo khoản viện trợ 15 tỷ đôla cho châu Á. Nhân hội nghị nhóm G20 tại Luân Đôn vừa qua, thủ tướng Taro Aso đã hứa sẽ bỏ ra thêm khoảng 5 tỷ đôla để hỗ trợ các nước đang phát triển trong khu vực châu Á chống đở với khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Cuộc tranh giành ảnh hưởng Trung- Nhật dĩ nhiên là có lợi cho các nước ASEAN, vì như vậy khối này có thể tranh thủ các nguồn tài trợ của hai cường quốc châu Á. Nhưng cũng cần phải thấy rằng việc Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng kinh tế và sức mạnh quân sự cũng chính là nhằm tích tụ thêm nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho sự phát triển nhanh chóng của quốc gia hơn một tỷ dân này. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Miến Điện, một nước có các tài nguyên rất dồi dào và dần dần Bắc Kinh đã trở thành một trong những đồng minh thân cận nhất của chế độ quân phiệt và nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu cho nước này. Việc Trung Quốc đầu tư vào các dự án bauxit Tây Nguyên cũng là theo chiều hướng đó. Nhưng những dự án này đang bị dư luận Việt Nam phản đối vì nó gây tác hại không chỉ về mặt môi trường mà còn gây lo ngại về mặt an ninh quốc phòng. Tranh thủ sự hỗ trợ của láng giềng phương Bắc, nhưng phải làm sao bảo toàn được chủ quyền quốc gia, đó là thách đố đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay.

Không có nhận xét nào: