DR
Có thể nói là các mạng xã hội và điện thoại di động đã đóng góp vào việc lật đổ các chế độ độc tài Tunisia và Ai Cập, cũng như trong việc dấy lên phong trào phản kháng chưa từng có ở Libya và một số nước khác.
Nhờ những hình ảnh được quay bằng điện thoại di động ở Tunis, Cairo, Bahrain,. . . , được tải lên các mạng Facebook, Twitter, Flickr, YouTube, rồi sao đó được các đài truyền hình quốc tế như CNN hay Al-Jazira lấy lại để phát, mà cả thế giới biết được tầm mức của phong trào phản kháng tại những nước đó.
Riêng mạng YouTube nay đang có rất nhiều đoạn phim do một người sử dụng Internet có bí danh là « enoughgaddafi » ( Kadhafi, thế là đủ rồi ). Những hình ảnh về các vụ đàn áp biểu tình đẫm máu ở Bahrain và Libya đã gây phẫn nộ cho cả thế giới và càng khiến cho người dân các nước này thêm căm thù chế độ.
Micah Sifry, đồng sáng lập viên trang blog techPresident, chuyên về chính trị và các công nghệ thông tin, trong một bài báo gần đây có viết rằng, tại vùng Trung Đông, điện thoại di động còn phổ biến hơn cả Internet. Theo ông Sifry, đang hình thành quyền lực của một thế hệ trẻ, sống ở đô thị và được trang bị điện thoại di động. Đây là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy các phong trào phản kháng.
Theo lời anh Wael Ghonim, nhân viên của tập đoàn Internet Google và là một trong những gương mặt tiêu biểu của cuộc nổi dậy tại Ai Cập vừa qua, các mạng xã hội đã đóng vai trò chủ yếu trong việc lật đổ Mubarak. Phát biểu trên đài truyền hình Mỹ CBS, anh nói rằng : « Không có Facebook, Twitter, Google, YouTube, chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. »
Ông Alec Ross, cố vấn cho Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về các công nghệ mới, gần đây cũng nhìn nhận rằng, các mạng xã hội đã đóng một « vai trò quan trọng » trong các sự kiện ở Tunisia và Ai Cập, nhưng « công nghệ không tạo ra các phong trào ». Đúng hơn là, theo ông Alec Ross, công nghệ thông tin đã đẩy nhanh những biến chuyển. Bình thường, những phong trào đó có thể kéo dài hàng tháng hay hàng năm, nhưng nay được thu ngắn lại rất nhiều, nhờ các mạng xã hội. Ông so sánh mạng thông tin toàn cầu như là Che Guevara của thế kỷ 21.
Trong nỗ lực nhằm tiếp tục bưng bít thông tin, lãnh tụ Libya Kadhafi đã ngăn chận truy cập Internet trong nước. Cựu tổng thống Aicập Mubarak cũng đã làm như vậy, nhưng cuối cùng cũng đã bị lật đổ. Dĩ nhiên là tình hình của hai nước không hoàn toàn giống nhau. Khác với Mubarak, Kadhafi tỏ vẻ cương quyết dìm phong trào biểu tình trong biển máu. Nhưng phong trào được nuôi dưỡng bằng Internet và điện thoại di động chắc chắn sẽ khó mà bị dập tắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét