12/11/12

Từ Ecopark đến Thủ Thiêm : Chính quyền làm trái Luật đất đai


Cựu chiến binh tham gia biểu tình ngày 07/11/2012 ở Hà Nội phản đối những vụ cướp đất ở Hà Tĩnh (Reuters)
Cựu chiến binh tham gia biểu tình ngày 07/11/2012 ở Hà Nội phản đối những vụ cướp đất ở Hà Tĩnh (Reuters)
Thanh Phương
 
Sau 8 năm kiên trì đấu tranh, cuối cùng người nông dân ở huyện Văn Giang đã giành được thắng lợi ban đầu, đó là trong cuộc gặp gỡ với nông dân ba xã Xuân Quan, Cửu Cao và Phụng Công ngày 8/11 vừa qua, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên-Môi trường, đã xin lỗi nông dân, vì ông nhìn nhận đã không làm đúng thẩm quyền trong vấn đề thu hồi đất cho dự án đường cao tốc Hưng Yên – Hà Nội và dự án khu đô thị sinh thái Ecopark ở Văn Giang.

Cụ thể, ông Đặng Hùng Vũ công nhận đã không trình đúng thẩm quyền hai văn bản gởi thủ tướng năm 2004 về việc thu hồi đất, trong khi chỉ trước đó vài ngày, vị cựu thứ trưởng này còn khẳng định ngược tại, tức là ông đã hành xử hoàn toàn đúng luật trong việc thu hồi đất ở Văn Giang.
Sau lời nhận lỗi của ông Đặng Hùng Võ với nông dân Văn Giang ngày 8/11, hồ sơ này có thể được giải quyết ra sao, luật sư Trần Vũ Hải, người bảo vệ quyền lợi cho các nông dân Văn Giang, giải thích:

Khi nhìn nhận đã bản thân mình đã làm trái luật, phải chăng mặc nhiên ông Đặng Hùng Võ cũng thừa nhận là ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là Phó thủ tướng, cũng làm trái luật? Và như vậy cả chính phủ cũng đã không tuân thủ Luật đất đai?

Như tiến sĩ Nguyễn Quang A đã nhắc lại trong bài viết tựa đề “Chính phủ cố ý làm trái luật đất đai?”, “luật đất đai 1993 đã giao cho thủ tướng chính phủ quyết định; nhưng sau đó do thấy tập trung quyền lực vào tay một người dễ gây ra sự lạm dụng hay quyết định thiếu cơ sở, nên Quốc hội (trong đợt sửa 1998 và 2001) đã chuyển quyền đó sang cho Chính phủ, chứ không phải thủ tướng.

Thế nhưng trong tờ trình số 99/Ttr –BTNMT Gs. Võ đã ghi “kính gửi Thủ tướng Chính phủ” chứ không phải Chính phủ và khiến cho phó Thủ tướng đã ký Quyết định 742/QĐ-Ttg (chứ không phải Chính phủ có một nghị quyết rồi trên cơ sở đó Thủ tướng thay mặt Chính phủ ra Quyết định).

Sau khi đã xin lỗi người dân Văn Giang, ông Đặng Hùng Võ tuyên bố với trang mạng VnExpress ngày 09/11 rằng ông đã làm việc với nông dân Văn Giang “hoàn toàn trên tư cách cách cá nhân”. Ông Võ cho biết ông sẽ “suy xét lại mọi vấn đề để có kết luận cuối cùng trước khi gửi kiến nghị tới Bộ Tài nguyên – Môi trường.
Theo ông Đặng Hùng Võ, mấu chốt đối với vụ này là xác định thẩm quyền là của chính phủ hay thủ tướng trong quyết định giao đất ở Văn Giang. Nhân dịp này, ông tiết lộ là trong giai đoạn từ năm 1993 đến 2004, số lượng quyết định của thủ tướng về đất đai trên cơ sở thẩm quyền của chính phủ là trên ... 3.000 văn bản. Như vậy theo lời cựu thứ trưởng Tài nguyên - Môi trường, trong giai đoạn đó, thủ tướng Việt Nam không chỉ đã làm trái luật mà còn làm trái đến 3000 lần! Chính ông Võ cũng nhận xét :” Vi phạm đất đai ở Việt Nam là chuyện cơm bữa”.

Quả thật Văn Giang cũng chỉ là một trong vô số ví dụ về việc chính phủ hay các chính quyền địa phương làm trái pháp luật về đất đai, chẳng hạn như trường hợp ở quận 2, Sài Gòn. Người dân ở ba phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh quận 2 đang bị chính quyền quận cưỡng bức phá vỡ nhà nằm ngoài phạm vi quy hoạch Đô thị mới Thủ Thiêm quận 2. Họ đã đã nhiều lần kêu cứu, tố cáo đến các cơ quan trung ương từ những năm 2007 đến nay, nhưng không được ai xem xét.

Mãi đến ngày 27/06/2012, tại buổi tiếp xúc cử tri, chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố kiêm đại biểu quốc hội, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, mới hứa hẹn sẽ xúc tiến đối thoại giữa chính quyền địa phương với người dân ba phường nói trên.

Nhưng thay vì đối thoại với dân, chính quyền quận 2 lại đẩy nhanh việc cưỡng chế phá vỡ nhà. Quá tuyệt vọng, những người dân bị cưỡng chế phá nhà đã nhờ đến sự trợ giúp của luật sư Trần Vũ Hải và đã cho đăng lên mạng kiến nghị của họ yêu cầu mở đối thoại về vấn đề này. Trả lời qua điện thoại với RFI Việt ngữ hôm thứ bảy tuần trước, 10/11/2012, ông Lê Văn Lung, một trong ba người đại diện ký kiến nghị nói trên, cho biết:
 

10/11/12

Trung Quốc, cường quốc kinh tế số một thế giới năm 2016

Theo dự báo, tổng sản phẩm nội địa GDP của Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ (Reuters)
Theo dự báo, tổng sản phẩm nội địa GDP của Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ (Reuters)

Thanh Phương
 
Hoa Kỳ sẽ để lọt vị trí cường quốc kinh tế số một thế giới vào tay Trung Quốc kể từ năm 2016, rồi sau đó sẽ bị Ấn Độ qua mặt. Đó là dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) trong bản báo cáo công bố vào ngày hôm qua 09/11/2012 tại Paris.

Trong báo cáo về tăng trưởng thế giới vào năm 2060, OCDE, một tổ chức quy tụ những nước giàu nhất thế giới, dự báo là kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 3%, nhưng với những cách biệt đáng kể giữa các nền kinh tế đang trỗi dậy với các nước phát triển. Các nước đang trỗi dậy sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn và các nước phát triển sẽ tăng trưởng chậm hơn và thậm chí bị suy giảm.

Tại châu Âu, chẳng hạn như Pháp được dự báo sẽ chỉ lên đến mức tối đa là 2% từ đây đến năm 2030, sau đó lại rơi xuống mức 1,4% trong khoảng thời gian từ 2030 đến 2060.

Với xu hướng như trên, OCDE nhận định là cán cân sức mạnh kinh tế trên thế giới sẽ bị đảo lộn rất nhiều trong 50 năm tới. Cụ thể, ngay từ năm 2016, Hoa Kỳ sẽ để lọt vị trí cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới vào tay Trung Quốc.

Trong dài hạn, sẽ đến lượt tổng sản phẩm nội địa GDP của Ấn Độ sẽ qua mặt GDP của Hoa Kỳ. Trong khoảng 1 năm nữa, kinh tế Trung Quốc cũng sẽ vượt hơn các nước khu vực đồng euro. Ấn Độ cũng được dự báo sẽ qua mặt Nhật Bản trong 1 hoặc 2 năm tới và cũng sẽ là nền kinh tế lớn hơn toàn bộ vùng euro trong 20 năm tới.

Theo báo cáo của OCDE, với mức tăng trưởng cao, tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc và Ấn Độ gộp lại sẽ cao hơn tổng sản phẩm nội địa của 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới ( G7 ) từ đây đến năm 2025. Đến năm 2060, nền kinh tế của hai nước Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại cũng sẽ qua mặt toàn bộ các quốc gia thành viên hiện nay của OCDE. Những nền kinh tế có dân số đang già đi như Nhật Bản và các nước vùng euro sẽ dần dần nhường chỗ cho các nước có dân số trẻ hơn, như Indonesia và Braxin.

Bản báo cáo trích lời của tổng thư ký OCDE, Angel Gurria, dự báo rằng, « khủng hoảng kinh tế kéo dài từ 5 năm qua sẽ chấm dứt, nhưng thế giới của con, cháu chúng ta có thể sẽ khác xa thế giới của chúng ta ». Nói chung, theo OCDE, sự cách biệt hiện nay về mức sống của các nền kinh tế đang trỗi dậy và các nền kinh tế phát triển sẽ thu ngắn lại vào năm 2060.

Tóm lại, trong 50 năm tới, các nước đang trỗi dậy sẽ làm thay đổi diện mạo thế giới. Nhưng khi trình bày báo cáo hôm qua, tổng thư ký OCDE xem đây là một hồi chuông cảnh báo rằng chúng ta « sẽ đối diện với những thách thức mới trong việc bảo đảm một thế giới thịnh vượng và bền vững cho mọi người ».

Báo cáo của OCDE được đưa ra vào lúc khủng hoảng nợ công vùng euro vẫn gây lo ngại cho toàn cầu. Hoa Kỳ thì đang gặp bế tắc về ngân sách và đây được coi là một trong những mối đe doạ trong ngắn hạn đối với tăng trưởng toàn cầu. Ngay cả tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng đang chậm lại.

Trung Quốc sắp có khả năng răn đe hạt nhân trên biển

Tàu ngầm thế hệ mới (lớp Tấn) được trang bị tên lửa liên lục địa (REUTERS)
Tàu ngầm thế hệ mới (lớp Tấn) được trang bị tên lửa liên lục địa (REUTERS)

Thanh Phương
 
Theo một dự thảo báo cáo thường niên của Ủy ban đánh giá quan hệ kinh tế và an ninh Mỹ-Trung ( USCC ), mà hãng tin AFP có được ngày hôm qua, 09/11/2012, Trung Quốc sắp sửa lần đầu tiên có khả năng răn đe hạt nhân thật sự trên biển, nhờ có thêm các tàu ngầm và tên lửa mới. Tuy nhiên, bí mật vẫn bao trùm kho vũ khí của Trung Quốc và chính sách quốc phòng của Bắc Kinh vẫn còn là ẩn số.

Trong báo cáo sẽ được chính thức đệ trình lên Quốc hội Mỹ hôm thứ tư tuần tới (14/11/2012), Ủy ban nói trên ghi nhận : « Trung Quốc sắp sửa có được bộ ba hạt nhân gồm các tên lửa liên lục địa, tàu ngầm phóng tên lửa và bom nguyên tử ném từ oanh tạc cơ ».

Từ nhiều thập niên qua, hải quân Trung Quốc đã có một khả năng hạt nhân trên biển mang tính « tượng trưng », với một tàu ngầm cũ và các tên lửa. Nhưng theo USCC, lực lượng này sắp tới đây sẽ có khả năng hoạt động thật sự. Hiện giờ, 2 trong số 5 tàu ngầm thế hệ mới ( Jin-class , lớp Tấn ) đã được giao và một tên lửa liên lục địa mới trang bị cho những tàu ngầm đó, loại JL-2, có thể đạt khả năng tác chiến ban đầu trong vòng hai năm tới.

Là cường quốc hạt nhân từ năm 1964, Bắc Kinh chủ yếu dựa trên số lượng từ 50 đến 75 tên lửa liên lục địa đặt trên bộ và đang tiếp tục hoàn thiện những tên lửa đó, với một hệ thống ngụy trang và gây nhiễu. Trung Quốc hiện cũng có khoảng 20 oanh tạc cơ chiến lược có thể ném bom nguyên tử, theo như báo cáo của USCC.

USCC cho biết là Bắc Kinh cung cấp rất ít thông tin về quy mô, thành phần và sự bố trí của các lực lượng hạt nhân của nước này. Các nhà quan sát phương Tây hiện chỉ có thể phỏng đoán con số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc là từ 100 đến 500. Mặt khác, tiến trình cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân ở Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số.

Các giới chức quốc phòng của Mỹ cũng quan ngại về mối quan hệ giữa chính phủ Bắc Kinh với giới quân sự. Bản báo cáo của USCC nên lên vụ thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh năm 2007 và vụ cho bay thử chiến đấu cơ J-20 năm 2011, đúng vào lúc Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates thăm Trung Quốc. Trong cả hai vụ thử này, giới lãnh đạo dân sự của Trung Quốc đều hoàn toàn bị bất ngờ.

9/11/12

Trung Quốc thay lãnh đạo, nhưng không đổi chính sách

Lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đảo (T) và Tập Cận Bình
Lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đảo (T) và Tập Cận Bình
REUTERS

Lưu Tường Quang / Thanh Phương
 
Trong bài diễn văn khai mạc Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc hôm qua, 08/11/2012, Tổng bí thư, kiêm Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi quyết liệt chống tham nhũng, mà ông xem là mối đe doạ đối với sự tồn vong của chế độ Bắc Kinh.

Ông Hồ Cẩm Đào cũng nói đến cải tổ chính trị, nhưng vẫn giữ độc quyền lãnh đạo của Đảng. Cho dù thay đổi lãnh đạo, với việc ông Tập Cận Bình lên làm Tổng bí thư, đảng Cộng sản Trung Quốc có lẽ sẽ không thay đổi nhiều về chính sách.

Từ Sydney, nhà báo Lưu Tường Quang nhận định:
 

Việt Nam không còn chống dự án đập Xayaburi của Lào

Trang bìa dự án công trình thủy điện Xayaburi do nhà thầu thực hiện.
Trang bìa dự án công trình thủy điện Xayaburi do nhà thầu thực hiện.
DR

Thanh Phương
 
Hôm qua, 08/11/2012, sau một năm rưỡi đình hoãn, Lào xác nhận đã khởi công xây dựng đập Xayaburi trên sông Mêkông, một công trình đã gây rất nhiều tranh cãi, do mối quan ngại về những tác hại của đập lên môi trường và sự đa dạng sinh thái của vùng Mêkông.

Thứ trưởng Năng lượng Lào Viraphonh Viravong cho hãng tin AFP biết là trong lễ khởi công đập thủy điện Xayaburi hôm thứ Tư có sự tham dự của hai đại sứ Việt Nam và Cam Bốt.

Sau khi phản đối quyết liệt việc Lào xây đập Xayabrui, Việt Nam dường như không còn chống dự án này nữa. Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã tuyên bố là chính phủ Lào quyết định khởi công xây dựng thủy điện Xayaburi « sau khi đã điều chỉnh thiết kế của công trình để giảm thiểu tác động đối với hạ du và trong quá trình xây dựng, nếu phát hiện công trình gây tác hại lớn sẽ dừng ngay dự án ».

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản đối việc Viên Chăn khởi công dự án này, mà chỉ nói là Việt Nam hy vọng rằng Lào « sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu tác động môi trường và hoàn thiện thiết kế của đập Xayaburi ».

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen cũng đã đồng ý « trên nguyên tắc » việc xây đập Xayaburi, sau khi hội đàm với Chủ tịch Lào Choummaly Sayasone.

Tháng 5 năm ngoái, Ủy hội sông Mêkông ( bao gồm bốn nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan ) đã đình chỉ dự án Xayaburi, do tập đoàn Thái Lan Ch Karnchang thực hiện với chi phí tổng cộng 3,8 tỷ đôla. Sau đó, chính phủ Viên Chăn khẳng định đã sửa đổi thiết kế dự án để đáp ứng những mối quan ngại của hai nước vùng hạ lưu Mêkông là Việt Nam và Cam Bốt.

Theo các nhà bảo vệ môi trường, đập thủy điện Xayaburi với công suất 1.260 megawatt, sẽ gây tác hại rất nặng nề đối với 60 triệu dân vẫn sống nhờ vào con sông Mêkông về mặt vận chuyển, lương thực và kinh tế.

7/11/12

Tổng thống Obama củng cố vị thế của ông trong lịch sử

Ông Obama cùg với gia đình tại Chicago trong đêm 07/11/2012 (REUTERS)
Ông Obama cùg với gia đình tại Chicago trong đêm 07/11/2012 (REUTERS)

Thanh Phương
 
Tái đắc cử sau một nhiệm kỳ đầy cam go và sau một chiến dịch tranh cử quyết liệt, Barack Obama như vậy đã củng cố vị thế của ông trong lịch sử với tư cách vị tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ. Tính từ năm 1945 cho đến nay, trước ông Obama, chỉ có một tổng thống Dân chủ duy nhất nắm quyền lãnh đạo Hoa Kỳ trong hai nhiệm kỳ, đó là Bill Clinton.

Nhưng vào thời ông Bill Clinton, tình hình kinh tế Mỹ khá hơn nhiều so với hiện nay, với mức thất nghiệp lên tới 7,9%. Trong lịch sử nước Mỹ, chưa có vị tổng thống nào tái đắc cử khi tỷ lệ thất nghiệp vượt quá mức 7,2%.

Đắc cử tổng thống lần đầu tiên năm 2008 với những khẩu hiệu « hy vọng » và « thay đổi », lần này, vị tổng thống Dân chủ cũng đã thuyết phục người dân Mỹ rằng ông sẽ làm tốt hơn đối thủ Cộng hoà Mitt Romney trong việc hồi phục nền kinh tế Hoa Kỳ, mặc dù nước ngày còn đang gượng dậy sau 4 năm khủng hoảng.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Obama đã thực hiện được dự án đầy tham vọng đó là cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế của nước Mỹ, nhưng về mặt kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp nay vẫn còn cao hơn 2,9 điểm so với thời kỳ trước khủng hoảng.

Nợ của Nhà nước liên bang thì đã tăng thêm hơn phân nửa kể từ năm 2009. Vị tổng thống Dân chủ cũng đã chưa thông qua được luật cải tổ về nhập cư, cũng như chưa thực hiện được kế hoạch chuyển tiếp sang các năng lượng xanh.

Thật ra, không thể đổ hết trách nhiệm lên đầu ông Obama, vì trong hai năm qua, tổng thống Mỹ luôn gặp cản lực từ phe Cộng hòa, đặc biệt kể từ khi đảng này giành được đa số ở Hạ viện cuối năm 2010. Các dân biểu Cộng hòa vẫn luôn tìm cách cắt giảm chi tiêu Nhà nước, nhưng dứt khoát không tăng thuế, khiến ông Obama bị bó tay.

Hậu quả của cuộc chung sống đầy xung khắc này là chính trường nước Mỹ đã mấy lần gặp bế tắc. Sau bầu cừ hôm qua, tổng thống Obama sẽ phải chịu đựng thêm ít nhất hai năm nữa cuộc chung sống này. Trước mắt, từ đây đến cuối năm, các dân biểu Dân chủ và Cộng hòa sẽ phải thoả thuận được với nhau về vấn đề ngân sách.

Nếu không đạt được thoả thuận, kể từ ngày 1 tháng Giêng năm tới, các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thuế sẽ tự động có hiệu lực, có nguy cơ khiến kinh tế Mỹ rơi trở lại vào suy thoái. Quốc hội Mỹ cũng phải nhanh chóng đạt thoả thuận về nợ công để tránh cho Hoa Kỳ rơi vào tình trạng vỡ nợ. Hồ sơ này vẫn gây xáo động chính trường nước Mỹ kể từ khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poors đánh rớt hạng điểm AAA đối với Hoa Kỳ.

Về mặt đối ngoại, điểm đáng chú ý trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Obama, đó là Hoa Kỳ đã chuyển hẳn trọng tâm sang châu Á, khác hẳn với thời George W. Bush. Ông Obama cũng đã thực hiện lời hứa rút quân khỏi Irak, nhưng lại tăng thêm quân ở Afghanistan, với mục tiêu tận diệt quân khủng bố Al Qaida. Trong cuộc chiến này, tổng thống Mỹ đã giành thắng lợi vang dội, với việc hạ sát trùm khủng bố Ben Laden. Ông cũng đã bắt đầu triệt thoái quân dần khỏi Afghanistan.

Nhưng tại Trung Đông, ông Obama đã không thúc đẩy được tiến trình hòa bình Israel - Palestine và đã tỏ ra hơi bị động trước phong trào dân chủ « mùa xuân Ả Rập ». Chính quyền Obama cũng vất vả đối phó với hiểm hoạ hạt nhân Iran, trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc và Nga không được hoàn toàn êm thắm.
Sau nhiệm kỳ đầy khó khăn vừa qua và cho dù đã gây thất vọng cho nhiều cử tri, ông Obama nay tiếp tục muốn là biểu tượng của sự thay đổi. Nhưng con đường bốn năm tới sẽ vẫn còn rất nhiều chông gai đối với vị tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ.

6/11/12

Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam giải quyết nhanh chóng vụ bắt giữ ông Nguyễn Quốc Quân

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân  bị cáo buộc « âm mưu tổ chức biểu tình và hoạt động khủng bố » nhân ngày 30/04 (DR)
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân bị cáo buộc « âm mưu tổ chức biểu tình và hoạt động khủng bố » nhân ngày 30/04 (DR)

Thanh Phương
 
Theo tờ The Modesto Bee, một tờ báo địa phương ở bang California, hôm nay, các giới chức Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn cho biết đã năm lần vào thăm nhà hoạt động chính trị Nguyễn Quốc Quân kể từ khi ông bị công an Việt Nam bắt giam cách đây hơn 6 tháng với tội danh khủng bố.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, tên Mỹ là Richard Nguyen, đã bị bắt ngày 17/04 năm nay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ông bị cáo buộc « âm mưu tổ chức biểu tình và hoạt động khủng bố » nhân ngày 30/04. Sau đó, tội danh của ông Nguyễn Quốc Quân được đổi thành « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền » và ông sắp sửa ra tòa với tội danh này. Đây là lần thứ hai trong vòng 5 năm tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân bị bắt vì hoạt động chính trị ở Việt Nam.

Phát ngôn viên của Tòa đại sứ Mỹ Christopher Hodges tuyên bố : « Chúng tôi nghĩ rằng không một ai đáng bị giam giữ vì đã bày tỏ một cách ôn hòa chính kiến của họ hoặc khát vọng của họ về một tương lai tự do hơn, dân chủ hơn và thịnh vượng hơn. Chúng tôi tiết tục kêu gọi chính phủ Việt Nam giải quyết vụ này một cách nhanh chóng và minh bạch ».

Theo lời ông Hodges, nhân chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Ngoại trưởng Hillary Clinton, các giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu lên trường hợp của tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân với các quan chức Việt Nam. Đại sứ Mỹ David Shear cũng đã nhiều lần nêu vụ này với các giới chức Việt Nam.

5/11/12

Chính quyền gia tăng đàn áp những tiếng nói phản đối Trung Quốc

 
Người biểu tình chống Trung Quốc  tại Hà Nội bị bắt lên xe bus ngày 21/8/2011
Người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội bị bắt lên xe bus ngày 21/8/2011
REUTERS/Tu Quang
 
Thanh Phương
 
Vụ xử ba blogger Điếu Cày, Anhbasg, Tạ Phong Tần, tiếp đến là vụ xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình và bây giờ là vụ bắt giữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên đều có mẫu số chung, đó việc bóp nghẹt những tiếng nói phản đối những hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngày 03/11/2012, tức là ba tuần sau khi gần như là bắt cóc nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên, Công an tỉnh Long An cùng với Công an Thành phố Hồ Chí Minh mới tổ chức họp báo công bố việc bắt và khởi tố sinh viên Nguyễn Phương Uyên vì “ hành vi rải truyền đơn, tuyên truyền chống phá Nhà nước”.

Cùng bị khởi tố với Nguyễn Phương Uyên, còn có anh Đinh Nguyên Kha, người mà công an cho là đã “cấu kết” với Nguyễn Phương Uyên, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thiện Thành, được mô tả là “đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam trốn ra nước ngoài”, để tiến hành các hoạt động “tuyên truyền chống Nhà nước”. Công an Long An còn khẳng định là nhóm người nói trên “đã chuẩn bị thuốc nỗ để tiến hành hoạt động phá hoại ở một số nơi”. Nói cách khác, cô nữ sinh viên chân yếu tay mềm Phương Uyên được mô tả như là một tay khủng bố nguy hiểm.

Như vậy là có vẻ như chính quyền Việt Nam sẽ rất nặng tay với những người như Phương Uyên, cho dù vụ bắt giữ cô nữ sinh viên Đại học Công nghệ Thực phẩm Thành phố HCM đã gây rất nhiều phản ứng bất bình.
Sau khi nghe tin Phương Uyên bị bắt giữ, một tập thể sinh viên trường Đại học Công nghệ Thực phẩm Thành phố HCM, đã gởi thư đề ngày 20/10, cầu cứu lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về vụ bắt giữ người bạn của họ. Một nhóm gồm 144 nhân sĩ trí thức tên tuổi trong và ngoài nước cũng đã ký một bức thư khẩn đề ngày 30/10 gởi lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để yêu cầu ông can thiệp trả tự do cho Nguyễn Phương Uyên.

Trong bức thư, các nhân sĩ trí thức này đề nghị Chủ tịch nước « chỉ thị cho các cơ quan có trách nhiệm trả tự do ngay cho Nguyễn Phương Uyên, cũng như xem xét lại những bản án đã xử rất nặng những người yêu nước biểu tỏ sự bất đồng chính kiến bằng tư tưởng mà không có hành vi bạo động nào nguy hại đến lợi ích quốc gia như người ta đã quy kết ». Theo bức thư của các nhân sĩ, trí thức, những bản án đó « phá hoại uy tín của Nhà nước, bôi xấu hình ảnh của Việt Nam trước thế giới hơn bất cứ hành động phá hoại nào mà công an đang ra sức truy lùng và đàn áp ».

Trong số những người ký tên vào bức thư nói trên, có nhà thơ Hoàng Hưng ở Sài Gòn. Trả lời RFI Việt Ngữ qua điện thoại ngày 02/11 vừa qua, ông Hoàng Hưng nêu lên những suy nghĩ của ông về vụ này :

RFI : Kính chào nhà thơ Hoàng Hưng, trước hết xin ông cho biết lý do nào đã thúc đẩy ông ký tên vào bức thư gởi chủ tịch nước Trương Tấn Sang về vụ Phương Uyên ?

Nhà thơ Hoàng Hưng : Ngay sau khi cháu Phương Uyên bị bắt và nhất là sau khi có bức thư của hơn một trăm em, bạn của Phương Uyên, gởi lên chủ tịch nước, chính tôi cũng đã viết lên mạng, đề nghị là những người lớn tuổi nên có một bức thư để hưởng ứng việc này và tôi sẽ là một trong những người ký tên ngay lập tức. Sau đó tôi nhận được thư do một số trí thức khởi xướng và tôi đã ký ngay.

Trong thời gian gần đây, việc trấn áp những người yêu nước biểu tình và những người bất đồng chính kiến , bất chấp đạo lý, thậm chí bất chấp cả pháp luật, tăng lên rất nhiều, ngày càng trắng trợn rõ rệt. Điều đó rất nguy hiểm.

Thật ra tôi cũng đã cao tuổi nên không thể nào mà cái gì cũng lên tiếng được, nhưng đây là lần thứ hai tôi lên tiếng về việc bắt người với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước ».Lần đầu tiên tôi lên tiếng là về vụ Cù Huy Hà Vũ, vì đó là một trí thức đã có những hành động mà tôi cho là can đảm. Ông là một người có thể nói là rất đủ điều kiện để được vinh thân phì gia, nhưng đã chấp nhận con đường đấu tranh rất thẳng thắng và kiên trì, cho nên tôi rất cảm phục. Việc bắt ông Cù Huy Hà Vũ cũng đã diễn ra một cách rất là trái đạo lý.
Lần này là lần thứ hai tôi lên tiếng. Đây là một nữ sinh viên rất là trong sáng, hồn nhiên, nhưng lòng yêu nước của em rất là rõ. Việc bắt Phương Uyên cũng diễn ra hết sức là tùy tiện, không theo luật pháp gì cả. Việc này thách thức lương tri của một người dân bình thường. Mức độ bất chấp luật pháp ngày càng tăng lên. Cho nên tôi không thể không lên tiếng.

RFI: Ông có thể lý giải được phần nào việc chính quyền Việt Nam gia tăng trấn áp không chỉ đối với những người chỉ trích chính quyền, mà ngay cả đối với những người có những hành động, biểu hiện phản đối hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông ?

Nhà thơ Hoàng Hưng: Có nhiều cái thật ra tôi rất khó hiểu. Tôi chỉ là một người dân bình thường, không phải là nhà nghiên cứu, cũng như không tham gia các hoạt động chính trị, nhưng tôi cũng có suy nghĩ, cũng có tham khảo các thông tin, vậy mà tôi cũng không hiểu nổi tại sao Nhà nước lại hành xử như thế.

Trước tình hình càng ngày càng cần phải dựa vào dân và tạo khối đoàn kết chặt chẽ giữa người dân với chính quyền, họ lại tăng cường những hành động làm do dân xa chính quyền, không tin vào chính quyền và oán ghét những lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tức là lực lượng công an.

Quả thật là một lương tri bình thường cũng không thể hiểu nổi. Tôi chỉ có thể lý giải là có thể có một bộ phận, không biết chiếm tỷ lệ là bao nhiêu, cảm thấy quá lúng túng và sợ hãi trước việc những cái xấu xa, vô lý trong cách điều hành của họ, trong chủ trương của họ, bị phơi bày mà không gì có thể lý giải và biện minh được với nhân dân. Cho nên họ còn một cách là đàn áp, với sự lo sợ là nếu ngày càng có nhiều người lên tiếng, đối kháng, bất đồng, thì sẽ dẫn đến nguy cơ sụp đổ quyền thống trị của họ.

Nhưng tôi cho là cách suy nghĩ như thế cũng cực kỳ phi lý, bởi vì lịch sử xưa nay, cũng như hiện tình thế giới, cho thấy là càng trấn áp thì càng dễ dẫn đến bạo loạn, cũng giống như giải khát bằng thuốc độc. Quả thật là tôi cũng không hiểu nổi vì sao họ lại hành xử như vậy.

RFI: Thưa nhà thơ Hoàng Hưng, phải chẳng việc bắt giữ một nữ sinh chân yếu tay mềm như Phương Uyên cho thấy chính quyền muốn răn đe những người nào có ý định tập hợp thành những phong trào, tổ chức dần dần đe doạ đến độc quyền lãnh đạo của Đảng ?

Nhà thơ Hoàng Hưng: Đương nhiên tôi nghĩ là họ nghĩ như thế, nhưng như tôi đã nói như trên, cách suy nghĩ như vậy không mang tính biện chứng một chút nào cả. Những hành động như thế chỉ càng thúc đẩy nhanh sự đối kháng. Từ những ý kiến cá nhân, người ta tập hợp lại thành tổ chức, thành phong trào, đó là lẽ đương nhiên của sự phát triển lịch sử. Chúng tôi phải lên tiếng bởi vì nếu họ làm một cách đàng hoàng, minh bạch, đúng luật pháp thì còn là khả dĩ. Đằng này họ lại bắt bớ và xét xử hết sức tùy tiện, trái với cả chính luật pháp của họ. Tôi cho là đầu óc của họ cũng không bình thường.

RFI: Khi tham gia ký tên vào bức thư gởi Chủ tịch nước, trong thâm tâm ông có nghĩ là ông Trương Tấn Sang có thể làm được gì để cứu Phương Uyên khỏi lao tù, hay là bức thư đó cũng sẽ chẳng có tác dụng gì đối với chính quyền ?

Nhà thơ Hoàng Hưng: Tôi đã là người từng tham gia hoặc chủ động thảo một số kiến nghị và thỉnh nguyện thư trước đây. Đến nay tôi cũng vẫn sẳn sàng ký tên vào những kiến nghị nào hợp với ý kiến của tôi. Cũng có những bạn bè nói với tôi rằng làm những việc này cũng vô ích, vì họ chẳng thèm nghe đâu, như nước đổ lá khoai thôi, mà có khi lại mang hoạ vào thân. Nhưng tôi nghĩ rằng mình trước hết là một nhà trí thức, một người cầm bút, ít nhiều cũng có người biết đến. Trước hiện tình của đất nước, trước những bất công, phi lý, mình không lên tiếng tức là mình đồng loã.

Trước hết, lương tâm không cho phép tôi im tiếng. Thứ hai, tôi không bao giờ tuyệt vọng đến mức nghĩ rằng những điều mình làm là vô ích, bởi vì tôi nghĩ rằng, chỉ một giọt nước chảy cũng đủ làm đá mòn. Bất cứ việc làm nào của mình dù nhỏ nhất, nhưng đứng về phía chính nghĩa, về phía tích cực, thì nó sẽ có tác động không ít thì nhiều.

Việc gởi thư hay kiến nghị lên các lãnh đạo Nhà nước cũng vậy thôi. Nó không có tác động ngay bây giờ, không đạt thành công cụ thể, thì cũng sẽ có tác động dần dần, lâu dài. Cụ thể trong việc này, tại sao tôi lại ký vào thử gởi ông Trương Tấn Sang ? Lâu nay tôi cũng tự hỏi và hỏi nhiều bạn bè rằng : trong số những người Cộng sản đang nắm chính quyền các cấp, nhiều người xưa kia đã thể hiện lòng yêu nước, đã hy sinh gia đình, bản thân họ, chẳng lẽ không còn những người vẫn đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên hết, sẳn sàng hy sinh vì dân tộc hay sao ? Chẳng lẽ tất cả trong số họ hay con cháu họ đều đã biến chất, thoái hóa thành những kẻ hại dân, sẳn sàng bán rẻ quyền lợi Tổ quốc để bảo vệ lợi ích cá nhân của mình. Tôi không tin vào điều đó. Tôi nghĩ là trong số họ vẫn còn những người giữ được cái mà thiền sư Nhất Hạnh gọi rất hay là « cái tâm ban đầu ». Có điều là họ chưa làm đuợc, họ chưa đủ mạnh, hoặc bị một sai lầm nào đó.

Cho nên,chúng tôi lên tiếng kiên trì, không mỏi mệt, để thúc giục họ suy nghĩ, để họ có quyết tâm sửa những cái sai. Có những cái sai gây tổn thất rất lớn. Nhưng tôi không cho cái gì là quá chậm hay quá muộn, cái gì là vô ích.

Tất nhiên thư này không phải chỉ gởi đích danh ông Trương Tấn Sang, mà cũng là tiếng nói để tất cả những người đang nắm trách nhiệm trong chính quyền phải suy nghĩ. Hành động này cũng nhắm vào những người cũng đang chịu sự lãnh đạo, nhưng chưa chắc đã có suy nghĩ thấu đáo, mà còn rất mơ hồ về hiện tình của đất nước. Lâu nay, cách tuyên truyền của chính quyền làm cho khá nhiều người vẫn còn rất là mơ hồ về tình hình chính trị, xã hội, thậm chí ngại ngùng, né tránh. Những lá thư kiến nghị như thế này, ngoài việc gởi trực tiếp cho các nhà lãnh đạo, cũng sẽ có tác động đến suy nghĩ, ý thức về chính trị xã hội của người dân nói chung.

RFI: Xin cám ơn nhà thơ Hoàng Hưng.

Vụ bắt giữ và khởi tố Nguyễn Phương Uyên xảy ra trong bối cảnh chính quyền Việt Nam gia tăng trấn áp những người tham gia biểu tình hoặc hoạt động phản đối Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Mới đây nhất, hai nhạc sĩ Việt Khang ( tên thật Võ Minh Trí ) và Trần Vũ Anh Bình đã bị kết án tù 4 năm và 6 năm cũng với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”, chỉ vì hai nhạc sĩ này là tác giả những bài hát thể hiện lòng yêu nước và bày tỏ thái độ phẩn nộ trước các hành vi xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như bày tỏ sự bất bình về chính sách của chính phủ Việt Nam trên vấn đề này.

Vụ xử hai nhạc sĩ nói trên đã gặp sự phản đối từ các tổ chức nhân quyền quốc tế, cũng như từ các chính phủ phương Tây như Mỹ và Pháp. Trong một bản thông cáo báo chí đề ngày 01/11, Phó phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho rằng bản án đó là biểu hiện mới nhất của “một loạt các vụ bắt giữ và kết án tại Việt Nam nhắm vào những người chỉ muốn bày tỏ ý kiến của mình một cách ôn hòa”. Theo ông Toner, đó cũng là ví dụ mới nhất về tình hình “nhân quyền ngày càng xấu đi tại Việt Nam”.

Trước đó, trong một thông cáo đề ngày 31/10/2012, đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Pháp, Paris cũng đã chỉ trích việc kết án tù hai nhạc sĩ Việt Nam và nhắc lại là Pháp vẫn ủng hộ quyền tự do báo chí. Bản thông cáo của Bộ Ngoại giao Pháp cũng nhắc lại rằng vụ xử hai nhạc sĩ Việt Khkang và Trần Vũ Anh Bình diễn ra sau vụ kết án tù nặng nề ba blogger ngày 24/09, đó là các blogger Điếu Cày ( Nguyễn Văn Hải ) Anhbasg ( Phan Thanh Hải ) và Tạ Phong Tần.

Ba blogger nói trên cũng là những người đã tích cực tham gia các phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc hoặc có những bài viết theo nội dung đó.

Báo chí chính thức của Việt Nam trong thời gian qua cũng đã có nhiều bài khẳng định là « các thế lực thù địch » đang lợi dụng lòng yêu nước để kích động dân chúng chống Đảng, chống Nhà nước, như bài viết « Phản động nhân danh Nhà nước » đăng trên tờ Nhân Dân ngày 16/10.