27/9/11

Lưu Trọng Ninh:"Cần xem điện ảnh như bộ mặt của quốc gia"

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh
Thanh Phương 26/9/2011
 
Bộ phim “Khát vọng Thăng Long” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh vừa được bầu chọn đại diện cho Việt Nam dự giải Oscar 2012 hạng mục Phim tiếng nước ngoài hay nhất. Như vậy là tác phẩm này của đạo diễn Lưu Trọng Ninh sẽ tranh tài cùng hàng chục bộ phim từ nhiều quốc gia để có vinh dự được có tên trong 5 phim được đề cử.

Việt Nam đã bắt đầu gởi phim đi tham dự giải Oscar từ năm 1993, nhưng cho tới nay chỉ mới có một phim được đề cử tranh giải Phim tiếng nước ngoài hay nhất là “Mùa đu đủ xanh” của đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng, một bộ phim thật ra không hoàn toàn là của Việt Nam. Hầu hết các phim khác được chọn tranh Oscar cũng là do các đạo diễn Việt kiều dàn dựng, như "Mùa Len Trâu" của Nguyễn Võ Nghiêm Minh hay "Ba Mùa" của Tony Bui.

Lần này, Hội đồng tuyển phim đã chọn một bộ phim được đánh giá là thuần chất lịch sử Việt Nam, tái hiện cuộc đời của Lý Công Uẩn từ thuở nhỏ đến lúc trưởng thành và sau này trở thành Lý Thái Tổ. Hiện khó có thể dự đoán là “ Khát vọng Thăng Long” có cơ may lọt vào danh sách đề cử Oscar hay không, bởi vì để có thể tranh tài với các nước khác, điện ảnh Việt Nam cần phải được đầu tư đúng chỗ, đúng mức, nhằm tạo điều kiện phát huy tột bực những tài năng trong ngành nghệ thuật thứ bảy. Nói cách khác, cần phải thực sự xem điện ảnh như là bộ mặt của quốc gia. Đó là điều mà đạo diễn Lưu Trọng Ninh nhấn mạnh trong bài phỏng vấn với RFI từ Hà Nội:



 

RFI: Xin chào đạo diễn Lưu Trọng Ninh, trước hết RFI Việt ngữ xin có lời chúc mừng ông có bộ phim được chọn đại diện cho Việt Nam dự giải Oscar. Ông có tâm trạng thế nào khi thấy bộ phim mà mình đã bỏ ra rất nhiều công sức để cố gắng thể hiện tính chất Việt Nam, bây giờ đưọc đại diện cho Việt Nam dự một giải lớn như vậy ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi cũng xin thay mặt đoàn làm phim cám ơn sự nhìn nhận của Hội đồng tuyển chọn phim dự giải Oscar. Bộ phim này đã được làm trong hoàn cảnh tương đối đặc biệt, chỉ trong có ba tháng, từ lúc bấm máy cho đến khi kết thúc, với công sức của rất nhiều người, đặc biệt là lực lượng Việt kiều, chính vì thế mà bộ phim có những chất lượng, đạt được những yếu tố giúp nó có thể hướng tới được Oscar hơn là những bộ phim khác. Tôi không dám so với nước ngoài, nhưng đối với Việt Nam thì nó đạt được một số tiêu chuẩn nào đó.

Đối với tôi đây cũng là bộ phim cam go nhất và quyết liệt nhất trong đời làm phim của mình, bởi vì đứng trước một gánh nặng rất lớn là làm một bộ phim lịch sử để kỷ niệm 1000 năm ( Thăng Long ), để trả lời rất nhiều câu hỏi và đáp ứng rất nhiều yêu cầu của mọi tầng lớp, từ khán giả cho đến Nhà nước, cho đến các nhà nghiên cứu lịch sử.

Tôi rất may mắn là khi bộ phim ra mắt thì được mọi người nhìn nhận với một tình cảm rất là lớn và đều cho đó là một bất ngờ.

RFI: Làm phim lịch sử chắc là phải cần đầu tư rất nhiều về tư liệu, về công sức, về các phương tiện kỹ thuật ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Làm phim lịch sử ở Việt Nam thực sự rất khó khăn. Khó khăn thứ nhất là chúng ta không có văn học sử. Khó khăn thứ hai là chúng ta không có công trình lịch sử. Chỉ làm phim từ thời kỳ Nhà Nguyễn trở về trước thì không còn công trình kiến trúc lịch sử nào.

Một khó khăn nữa là chúng ta không có trường quay. Đó là khó khăn mà tôi đã trải qua : một bối cảnh có khi phải được quay ở ba tỉnh khác nhau, ở ba thời điểm khác nhau.

Nhưng cái khó hơn cả là sự đón nhận của công chúng Việt Nam đối với phim lịch sử. Hiện giờ phim lịch sử chưa được thể hiện nhiều, nên người ta muốn xem lịch sử hơn là xem bộ phim. Họ đòi phải mô tả lịch sử, bớt đi cái nhìn của hôm nay về lịch sử. Trong khi tôi quan niệm là làm phim lịch sử thì phải lấy cái nhin, suy nghĩ của mình hôm nay để mô tả lịch sử, chứ không phải là chứng minh lịch sử.

Tôi chỉ lấy ví dụ đơn giản thôi : bối cảnh và phục trang là hai cái thể hiện yếu tố lịch sử cao nhất. Bối cảnh thì chúng ta đã không có rồi, còn phục trang thì thật ra chỉ là theo trí tưởng tượng của chúng ta thôi, chứ chẳng có những bằng chứng nào về phục trang cả.

Làm phim lịch sử thì thường phải hoành tráng thì mới có giá trị cao, mà hoành tráng thì đòi hỏi một ngân sách rất lớn, nhưng ngân sách lớn thì làm sao có thể thu hồi vốn ? Với hệ thống rạp ở Việt Nam hôm nay, phim nào vượt quá 10 tỷ thì không thể thu hồi vốn. Đó là cái khó nhất. Bây giờ phim phải như là một thứ hàng hóa để người ta thu lợi nhuận hay ít ra bù đắp những món tiền đã bỏ ra.

Cơ bản là lượng khán giả đến rạp không nhiều. Một thành phố như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh có hàng triệu người mà chỉ có vài chục rạp nhỏ .Nguời Việt Nam thực sự là cũng còn thói quen xem truyền hình. Thói quen đó có ảnh hưởng đến điện ảnh rất là lớn.

Một cảnh trong phim "Khát vọng Thăng Long"
DR
 
RFI: Ông đánh giá thế nào về sự đóng góp của nước ngoài, đặc biệt là của các nhà điện ảnh Việt kiều đối với điện ảnh Việt Nam?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh : Điện ảnh có tính chất quốc tế rất cao và sự đóng góp đó theo tôi rất là lớn. Các đạo diễn Việt kiều đã tạo một bầu không khí mới, tạo nên những biến đổi nào đó cho ngành điện ảnh Việt Nam, với cách nhìn của họ, với những kỹ thuật, công nghệ mà họ mang lại.

Các đạo diễn trẻ ở Việt Nam ngày nay cũng tiếp cận rất nhiều và được ra nước ngoài nhiều. Không còn những khoảng cách giống như bọn trẻ chúng tôi ngày xưa. Ngày xưa bọn tôi chỉ có vài người ra nước ngoài, chứ còn nói chung tất cả đều « ếch ngồi đáy giếng », chỉ xem được những bộ phim từ những năm 1960.

RFI: Ông có đặt tin tưởng nhiều vào thế hệ điện ảnh trẻ ngày nay ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Họ có kỹ năng rất tốt, nhưng thực sự tiếc cho họ là họ không có hoàn cảnh tốt. Khi vừa ra nghề, nhiệm vụ đầu tiên của họ để tồn tại là làm sao bộ phim bán được vé.

Thế hệ bọn tôi với họ trái ngược nhau rất nhiều. Bọn tôi thì làm phim ra để mong được giới phê bình, báo chí hay giới chuyên môn khen, còn họ thì ngược lại : làm phim ra là phải bán được vé. Mà thường thì giới phê bình trong nghề và số lượng vé thì trái ngược nhau. Lớp trẻ ngày nay không có điều kiện để bộc lộ được tài năng của họ.

RFI: Đó có phải là lý do khiến điện ảnh Việt Nam chưa thể sánh vai với các nước trên thế giới ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi nghĩ đó là lý do chính và lý do chính đó là thuộc về Nhà nước, vì để điện ảnh có thể vươn ra ngoài thì không thể không có yếu tố quốc gia. Nếu cứ để phát triển tự nhiên như thế này thì không hy vọng có những tác phẩm lớn được.

RFI: Thế thì những cơ quan như Cục Điện ảnh có thể giúp được gì để tạo ra những bộ phim chất lượng cao, có thể tranh tài với thế giới?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Họ cũng đã cố làm nhiều năm nay rồi, nhưng theo tôi do cách làm không đúng, nên không có hiệu quả. Làm phim không giống như trồng lúa, tức là cứ phát giống, phát phân cho nông dân, rồi ra chỉ tiêu mỗi hectare phải được bao nhiêu lúa.

Cục Điện ảnh phải lo cho rất nhiều hãng phim Nhà nước. Có bao nhiêu đó vốn thôi nhưng phải chia đều cho mỗi hãng một ít, rồi tùy mỗi hãng sử dụng. Trong khi đáng lý ra công việc của các ông ấy là tìm ra cái gì hay và ai làm tốt, rồi chỉ đầu tư trực tiếp cho người ấy thôi. Nhưng ở đây không có Bao Công, không có những người biết đón nhận tài năng, thiếu những mạnh thường quân, nói nôm na là thiếu những nhà sản xuất giỏi. Cục Điện ảnh phải là nhà sản xuất giỏi.

RFI: Tức là chúng ta thiếu điều kiện để thử nghiệm những tài năng ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Không phải thiếu điều kiện, mà là thiếu một cách nhìn. Bởi vì tài năng thì thật ra không phải là cần nhiều tiền. Có thể làm những bộ phim chỉ cần 3 tỷ, 5 tỷ ( đồng ), nhưng quan trọng nhất là phải tìm ra ai để làm và làm ra cái gì, chứ không phải là đem tiền ra chia đều cho các hãng để họ trả lương.

Ở Việt Nam thật ra có một không gian của những vấn đề làm phim rất là hay. Ở đây không phải vấn đề về điều kiện, bởi vì ở Việt Nam điều kiện máy móc thiết bị cũng rất tốt, đội ngũ cũng đông đảo. Ở Việt Nam cũng có cả trường điện ảnh và viện nọ viện kia. Nhưng lại thiếu một cách nhìn và một đường lối tốt.

RFI: Đường lối tốt đó phải là gì ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Đầu tiên, phải coi điện ảnh là bộ mặt của quốc gia, làm sao thành một chính sách để đưa nó ra thế giới, bởi vì theo tôi, điện ảnh là phương tiện rất tốt để truyền bá hình ảnh của một quốc gia.
Phải có chính sách đã, rồi mới đến bước thứ hai là đào tạo. Cả 5 năm đi học điện ảnh mà chỉ làm những bài tập ngắn thôi, mà không được tiếp xúc với những đạo diễn giỏi của nước ngoài, thì cũng rất là khó.

Phải làm giống như Hàn Quốc, tức là bỏ ra một ngân sách nào đó để cử những người yêu thích điện ảnh và có năng lực sang học bên đó. Và cả một thế hệ được học như vậy, chứ không phải chỉ có một hai người học.

Hàn Quốc đã tạo ra cuộc cách mạng, đưa nền điện ảnh của họ đi những bước rất là lớn. Tôi nghĩ là Việt Nam có thể làm điều đó. Giải pháp trước mắt là tìm trong những cái đang có, để tập trung làm cho thật tốt, mỗi năm 1 hoặc 2 bộ phim thôi. Nếu Nhà nước biết chăm chút nó thì bộ phim đó có thể ra nước ngoài được.

RFI: Ở Việt Nam chắc là không thiếu những chủ đề hay về xã hội, về cuộc sống để khai thác thành bộ phim sát với tâm tư của người dân. Nhưng trong điều kiện hiện nay, liệu có thể làm được điều đó ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Rõ ràng chúng ta có những cái khó của chúng ta bởi vì có những vấn đề mà bản chất nó chúng ta không dám đụng chạm đến.

Nhưng theo tôi nghĩ thì không hẳn là như vậy. Iran là một ví dụ điển hình. Ở nước này cũng có khó khăn về mọi phương diện, nhưng phim của họ cũng rất là hay. Tôi thấy hình như là những người làm điện ảnh của Việt Nam đang xa rời chủ nghĩa nhân văn. Nếu đi theo con đường nhân văn thì ta vẫn có thể nói lên được một khía cạnh nào đó và sẽ dễ được chấp nhận. Chứ nếu chúng ta đưa ra vấn đề ra thôi và đưa ra một cách hằn học, thì tính thuyết phục không cao. Tất nhiên làm nghệ sĩ là phải biết thích nghi để tồn tại, nhưng đứng trước một sự kiện nào đó, nếu anh biết mô tả nó bằng tấm lòng, thì dễ thành công hơn, dễ được chấp nhận hơn và đem ra nước ngoài thì họ cũng dễ nhìn nhận hơn.

RFI: Trong thâm tâm ông có dám tin rằng phim « Khát vọng Thăng Long » sẽ lọt được vào danh sách để cử giải Oscar ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi chỉ mới tự hào một điều duy nhất là phim được đại diện cho Việt Nam thôi. Thế còn hy vọng trong một đấu trường lớn như thế, thì thực sự tôi không không có suy nghĩ gì nhiều. Tôi chỉ mong muốn thế này, tức là nhà sản xuất muốn bộ phim được chiếu cho bà con ngưòi Việt ở bên Mỹ. Họ đã lên một chương trình chiếu ở năm trường đại học Mỹ.

Bước đầu tiên là như thế đã, chứ còn bản thân chúng tôi không dàm kỳ vọng gì nhiều. Bộ phim cứ có mặt đi đã, rồi nó sẽ làm những việc mà nó phải làm.

RFI
: Sau « Khát vọng Thăng Long » ông có những dự án nào khác ?

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh : Tuy là đạo diễn trong biên chế Hãng phim truyền hình Việt Nam, nhưng tôi thường làm phim do tư nhân bỏ tiền. Trong 7 phim nhựa của tôi thì có 4 bộ phim do tư nhân bỏ tiền.
Bộ phim tới của tôi cũng do một nhóm điện ảnh trẻ người Việt ở nước ngoài, muốn bỏ ra một ngân sách nào đó để tôi làm phim. Đây là dự án má tôi đang triển khai, nhưng có đi đến đích hay không là chuyện khác, vì nó không đơn giản như ta nói.

RFI: Xin cám ơn đạo diễn Lưu Trọng Ninh

Không có nhận xét nào: