31/12/11

Quân đội vẫn là chỗ dựa của chế độ Bắc Triều Tiên

Kim Jong Un và các sĩ quan lãnh đạo quân đội Bắc Triều Tiên (Reuters)
Kim Jong Un và các sĩ quan lãnh đạo quân đội Bắc Triều Tiên (Reuters)

Thanh Phương 29/12/2011
 
Sự kiện Kim Jong-Un được tuyên bố là « lãnh đạo tối cao » trước hàng chục ngàn binh lính hôm nay 29/12/2011 trên quảng trường Kim Nhật Thành cho thấy là tại Bắc Triều Tiên hiện nay, quân đội vẫn là chỗ dựa vững chắc của chế độ Bình Nhưỡng.


Trên khán đài hôm nay, đứng bên cạnh Kim Jong-Un là các lãnh đạo quân sự cao cấp của Bắc Triều Tiên, đặc biệt là tổng tham mưu trưởng Ri Yong-Ho, bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Kim Yong-Chun và phó tổng cục thứ nhất Tổng cục Chính trị của quân đội Kim Jong-Gak. Những tướng lãnh cao cấp này cũng đã từng cùng với Kim Jong-Un đi theo xe tang chở linh cữu Kim Jong-Il hôm nay.

Hai hình ảnh nói trên cho thấy vai trò chính trị ngày càng lớn của quân đội Bắc Triều Tiên kể từ khi chính quyền Bình Nhưỡng thi hành chính sách « songun » ( « quân đội trên hết » ). Chính sách này do ông Kim Jong-Il đề ra vào những năm 1990 nhằm duy trì sự tồn tại của chế độ, lúc ấy phải đối đầu với nhiều khó khăn kinh tế nghiêm trọng sau khi Liên Xô tan rã. Ông Kim Jong-Il đã buộc phải làm như vậy cho dù chính sách đó đụng đến những qưyền lực của Đảng Lao Động Triều Tiên, đảng độc quyền lãnh đạo tại nước này.

Như giải thích của giáo sư Andrei Lankov, thuộc Đại học Kookmin ở Seoul, « sau khi khối Cộng sản sụp đổ, Kim Jong-Il thấy rằng một đảng theo kiểu Lêninít không còn đủ để duy trì chế độ. Cho nên, ông đã phải dựa vào giới quân sự ».

Kể từ đó, chính quyền Bình Nhưỡng dành mọi thứ tốt nhất cho quân đội, được bộ máy tuyên truyền ca ngợi như là bức tường thành vững chắc bảo vệ đất nước bị đe dọa từ mọi phía. Ngay cả trong những lúc mà Bắc Triều Tiên đang bị nạn đói nghiêm trọng nhất, khiến hàng chục ngàn người chết, binh lính nước này vẫn nhận được đầy đủ lương thực, điện nước, máy móc thiết bị. Đến bây giờ, trong khi người dân các tỉnh lẻ, vùng nông thôn ăn không đủ no, thì quân đội Bắc Triều Tiên, với quân số 1,2 triệu người trên tổng dân cố 24 triệu, vẫn sống sướng hơn dân.

Sau khi Kim Jong-Il qua đời, chế độ Bình Nhưỡng đã có nhiều dấu hiệu cho thấy họ sẽ giữ nguyên những đặc quyền đặc lợi cho quân đội. Người dượng rể của Kim Jong-Un, ông Jang Song-Thaek, được coi là « nhiềp chính » của tân lãnh đạo trẻ, lần đầu tiên đã xuất hiện trên đài truyền hình Bắc Triều Tiên trong bộ quân phục, khi ông đến viếng cố lãnh tụ Kim Jong-Il.

Một điểm đáng chú ý khác, đó là báo chí Bắc Triều Tiên đã gọi Kim Jong-Un là « tư lệnh tối cao » của quân đội ngay từ ngày 24/12, trước khi tuyên bố nhân vật này là lãnh đạo Đảng Lao động Triều Tiên. Như vậy là chức vụ lãnh đạo quân đội có vẻ quan trọng hơn lãnh đạo Đảng.

Tuy vậy, vào những năm cuối đời, Kim Jong-Il đã sửa đổi cơ cấu quyền lực, trả lại cho Đảng một số quyền hạn mà ông đã trao cho quân đội. Theo nhà phân tích Hàn Quốc Paik Hak-Soon, để bảo vệ con trai Kim Jong-Un, ông Kim Jong-Il đã trả lại thực quyền cho Đảng và kiểm soát một quân đội nay có thế lực quá lớn.

Tờ nhật báo Korea JoongAng Daily thì lưu ý là trong những năm cuối của thời Kim Jong-Il, trong các tuyên bố chính thức, chế độ Bình Nhưỡng đã bớt sử dụng khẩu hiệu « songun » ( « quân đội trên hết » ), thay vào đó là những khẩu hiệu kêu gọi phát triển công nghiệp nhẹ để cải thiện đời sống của người dân. Bài xã luận của tờ báo này viết : « Bình Nhưỡng phải hiểu rằng, không thể cải thiện đời sống của người dân nếu họ cứ dồn mọi nguồn lực vào quốc phòng. »

Tuy nhiên, việc nêu bật vai trò của quân đội Bắc Triều Tiên trong những ngày quốc tang vừa qua cho thấy là tại nước này, tiến trình chuyển tiếp sang một thể chế mang tính dân sự hơn sẽ diễn ra theo từng bước và rất hạn chế.

Ẩn số Kim Jong Un

Kim Jong Un (phải) bên xe tang lãnh tụ Bắc Triều Tiên
Kim Jong Un (phải) bên xe tang lãnh tụ Bắc Triều Tiên
Reuters

Thanh Phương 28/12/2011
 
Thay cha lên lãnh đạo vương triều Cộng sản duy nhất trên thế giới, nắm trong tay vũ khí nguyên tử trong khi chưa đầy 30 tuổi, Kim Jong Un là một nhân vật còn đầy bí ẩn.


Tuy chẳng có chút kinh nghiệm gì về chính trị hay quân sự, nhưng Kim Jong Un đã được báo chí chính thức gọi là “ Tư lệnh tối cao” quân đội và lãnh đạo đảng độc quyền ở Bắc Triều Tiên. Trong suốt 9 ngày kể từ khi cái chết của Kim Jong Il được loan báo, Kim Jong Un có mặt trên mọi phương tiện thông tin Bắc Triều Tiên, như hình ảnh nhân vật này mắt đẫm lệ, đằng sau là các lãnh đạo cao cấp khác của Bắc Triều Tiên, nghiêng mình trước linh cữu của cha đặt trong một quan tài bằng kính tại lăng Kumsusan- Bình Nhưỡng.

Lãnh đạo kế nhiệm của Bắc Triều Tiên còn được ca ngợi là một con người có tấm lòng nhân hậu bao la. Chẳng hạn như Kim Jong Un đã ra lệnh phân phối cá tươi, một món “xa xi phẩm” cho người dân Bình Nhưỡng, để gọi là “thực hiện ước nguyện cuối đời” của cố lãnh tụ Kim Jong Il, hoặc gởi thức uống nóng đến phục vụ những người đến viếng trong khí trời giá rét.

Nay Kim Jong Un đã yên vị trong chiếc ghế lãnh đạo tối cao, nhưng đây vẫn là một nhân vật mà không ai biết rõ cá tính, thậm chí mãi đến cách đây một năm, ở nước ngoài người ta mới nhìn thấy gương mặt Kim Jong Un qua báo chí chính thức của Bình Nhưỡng.

Kim Jong Un là con người vợ thứ ba của Kim Jong Il, vốn là một nghệ sĩ múa Triều Tiên sinh tại Nhật Bản. Lãnh đạo kế nhiệm Bắc Triều Tiên đã được đào tạo trong các trường ở Thụy Sĩ. Được mô tả là một chàng trai đầy tham vọng, Kim Jong Un rất thích môn bóng rổ, trượt tuyết và rất mê các bộ phim của Jean Claude Van Damme. Trong khi người cha Kim Jong Il chưa bao giờ đặt chân đến một quốc gia “ thù địch”, Kim Jong-Un lại được tiếp xúc với một nước Tây phương, kinh tế thị trường tự do. Cho nên, các nhà phân tích cho rằng có thể là Kim Jong Un sẽ có một cái nhìn thực dụng hơn.

Nhưng vì còn trẻ tuổi, nên có thể lúc đầu Kim Jong Un phải cần có sự yểm trợ của người dượng rể, Jang Song Thaek. Nhưng liệu Kim Jong Un có thể dần dần một mình nắm hết thực quyền hay không? Hiện chưa có lời giải đáp cho câu hỏi này.

Bắc Triều Tiên có thể gia tăng trấn áp những người vượt biên

Giới tuyến liên Triều, ở Paju, 55 km bắc Séoul
Giới tuyến liên Triều, ở Paju, 55 km bắc Séoul
REUTERS/Lee Jae-Won

Thanh Phương
Những nhà hoạt động giúp người tỵ nạn Bắc Triều Tiên đang sợ là sau cái chết của Kim Jong Il, chế độ Bình Nhưỡng sẽ gia tăng trấn áp những người tìm cách đào thoát khỏi quốc gia Cộng sản này.

Có thông tin cho rằng Bắc Triều Tiên đã tăng cường tuần tra ở biên giới với Trung Quốc, cũng như gia tăng kiểm soát những nơi công cộng để ngăn chận những vụ đào thoát, sau khi Kim Jong Il qua đời ngày 17/12.
Theo lời Kim Seung-Eun, một mục sư chuyên giúp người tỵ nạn Bắc Triều Tiên, cả Trung Quốc lẫn Bắc Triều Tiên đều đã tăng cường lực lượng biên phòng. Vị mục sư này cũng cho hãng tin AFP biết, ông không thể gọi điện cho phần lớn những liên lạc viên ở miền Bắc. Điện thoại di động của họ đều tắt, có thể là để tránh bị công an theo dõi.

Những nhà hoạt động giúp người tỵ nạn Bắc Triều Tiên dự báo, chế độ Bình Nhưỡng sẽ hạn chế nghiêm ngặt hơn sự đi lại của dân chúng trong thời gian chuyển giao quyền hành cho Kim Jong-Un.
Những thông tin từ các trang web của những người đào thoát hiện sống ở Seoul cho biết là ngay cả trước khi ông Kim Jong-Il qua đời, đích thân con trai Kim Jong-Un đã chỉ đạo quân đội và công an tăng cường kiểm soát biên giới và gia tăng trấn áp những người vượt biên.

Kể từ sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, tổng cộng đã có khoảng 230 ngàn người Bắc Triều Tiên đào thoát để sang Hàn Quốc. Đại đa số những người tỵ nạn này đã vượt biên trong những năm gần đây.

Vì không thể vượt qua biên giới giữa hai miền, những người đào thoát thường tìm đường sang Trung Quốc, trốn ở đây một thời gian, rồi tìm cách sang một nước thứ ba, chẳng hạn như Thái Lan hay Việt Nam, để từ đó xin tỵ nạn ở Hàn Quốc.
Đi tiên phong trong việc cứu trợ những người đào thoát từ Bắc Triều Tiên là các tổ chức Tin Lành của Hàn Quốc. Các mạng lưới nhà truyền giáo hoạt động ở Trung Quốc giúp người đào thoát vượt biên theo một đường dây bí mật.

Nhưng vấn đề là, Trung Quốc xem những người Bắc Triều Tiên đào thoát là di dân kinh tế hơn tỵ nạn chính trị, cho nên vẫn trả họ về nước, bất chấp những chỉ trích của các tổ chức nhân quyền rằng những người bị cưỡng bức hồi hương sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Theo thẩm định của Liên minh Công dân vì Nhân quyền Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh đã hồi hương mỗi năm khoảng 5.000 người tỵ nạn Bắc Triều Tiên.

Các nhà hoạt động lo ngại là, vì muốn củng cố quan hệ với chế độ Kim Jong-Un và ngăn ngừa bất ổn định ở biên giới, Trung Quốc cũng sẽ tỏ ra cứng rắn hơn đối với người tỵ nạn Bắc Triều Tiên, mà con số hiện được ước lượng là khoảng 100 ngàn. Như vậy, những người này càng có nguy cơ bị bắt giữ và bị trả về Bắc Triều Tiên.

Theo lời mục sư Chun Ki-Won, thuộc tổ chức Durihana chuyên giúp đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên, các nhà truyền giáo của họ đang hoạt động ở Trung Quốc cũng đang phải lẩn trốn để tránh bị bắt.

20 năm sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga bắt đầu một cuộc cách mạng mới ?

Toàn cảnh cuộc biểu tình  tại Matxcơva ngày 24/12/2011 để phản đối kết quả bầu cử Quốc hội hôm 4/12/201.
Toàn cảnh cuộc biểu tình tại Matxcơva ngày 24/12/2011 để phản đối kết quả bầu cử Quốc hội hôm 4/12/201.
REUTERS/Denis Sinyakov

Thanh Phương 25/12/2011
 
Nhìn vào những cuộc biểu tình  với quy mô lớn chưa từng có kể từ khi ông Putin lên nắm quyền trong tháng 12 này, người ta có cảm giác dường như lịch sử nước Nga đang tái diễn vào đúng thời điểm kỷ niệm 20 năm chế độ Liên Xô sụp đổ hoàn toàn, với việc tổng thống Mikhail Gorbachov tuyên bố từ chức ngày 25/12/1991.

Lần đầu tiên kể từ khi ông Vladimir Putin lên nắm quyền cuối năm 1999, đã có hàng chục ngàn người xuống đường trong tháng 12 này để phản đối những gian lận bầu cử đã giúp cho đảng cầm quyền « Nước Nga thống nhất » giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 4/12 vừa qua. Lịch sử nước Nga có vẻ như đang tái diễn vào đúng thời điểm kỷ niệm 20 năm chế độ Liên Xô sụp đổ hoàn toàn, với việc tổng thống Mikhail Gorbachov tuyên bố từ chức ngày 25/12/1991.

Là người đã góp phần quan trọng làm tan rã Liên Xô, tổng thống đầu tiên của nước Nga Boris Eltsine đã khai mào cho tự do chính trị ở nước này. Nhưng trong thời gian cầm quyền sau đó, ông Eltsine đã bị cuốn vào những đấu đá chính trị, phải thỏa hiệp với một Quốc hội bất trị, báo chí thì lại được tự do quá mức. Hậu quả là nước Nga dưới thời Eltsine đã gần như rơi vào hỗn loạn.

Lên cầm quyền thay ông Eltsine, tổng thống Putin, nguyên là một sĩ quan KGB, đã lập lại kỷ cương theo kiểu của ông. Với danh nghĩa ổn định đất nước, ông đã hạn chế mọi quyền tự do và luôn rao giảng rằng chính thể chế đa đảng đã đưa nước Nga đến hỗn loạn trong những năm 1990.

Chính sách bóp nghẹt tự do ngôn luận của ông Putin đã được thể hiện qua việc Nhà nước nắm quyền kiểm soát trở lại các kênh truyền hình chính ở Nga. Trên các kênh này, những chương trình châm biếm, tranh luận chính trị đã dần dần bị xóa bỏ. Còn tại Quốc hội, cho tới nay mọi đạo luật đều được thông qua mà hầu như không có tranh luận gì, do đảng cầm quyền « Nước Nga thống nhất » vẫn chiếm đa số áp đảo. Mọi cuộc xuống đường phản kháng, mọi cuộc tập hợp của các nhà đối lập đều bị giải tán một cách thô bạo.

Tạm thời giữ chức thủ tướng vì không thể ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ ba, ông Putin gần như chắc chắc sẽ giành lại chức tổng thống Nga trong cuộc bầu cử năm tới và như vậy đã khoá chặt quyền của cử tri Nga tự do chọn người lãnh đạo. Nói tóm lại, về mặt chính trị, nước Nga dưới thời ông Putin đã trở lại gần giống như thời Liên Xô.

Nhưng nay, tình thế nước Nga có vẻ như đang xoay chiều, với phong trào biểu tình phản đối gian lận bầu cử đang gia tăng cường độ. Sau khi đàn áp những cuộc xuống đường đầu tiên, chính quyền Matxcơva nay đã phải cho tổ chức những cuộc tuần hành, cho dù một trong những khẩu hiệu của những người biểu tình là : « Nước Nga không Putin ».

Theo phe đối lập Nga, hôm qua, đã có đến 120 ngàn người tham gia biểu tình tại Matxcơva (cảnh sát thẩm định chỉ có 29 ngàn người). Đây là cuộc biểu tình lớn nhất chống chế độ Putin kể từ khi ông lên cầm quyền cách đây 12 năm và đặc biệt lần này những người biểu tình nhắm thẳng vào nhân vật nắm thực quyền của nước Nga hiện nay.

Trên đài phát thanh Tiếng vọng Matxcơva hôm qua, cựu tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachov đã kêu gọi ông Putin hãy làm giống như ông cách đây 20 năm, đó là từ chức ngay lập tức. Ngay cả cựu bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin, mà mới tuần trước ông Putin còn xem là « một người bạn », hôm qua đã tham gia biểu tình và đòi tổ chức « bầu cử Quốc hội trước thời hạn ». Ông còn cảnh báo, nếu không có đối thoại giữa chính quyền với đối lập, một cuộc « cách mạng » sẽ bùng nổ ở Nga.

Trước phong trào phản kháng ngày càng lớn mạnh này, ông Putin có vẻ dứt khoát không nhân nhượng. Phát ngôn viên của ông hôm nay khẳng định là thủ tướng Putin vẫn được sự ủng hộ của đa số ở Nga. Nhưng theo nhà phân tích thuộc trung tâm Carnegie, Nikolai Petrov, cho dù cơ may đắc cử tổng thống của ông Putin rất cao, ông sẽ không thể chặn đứng đà sụt giảm uy tín.

Dầu sao, diễn biến tình hình tùy thuộc vào tầm mức của phong trào biểu tình. Hiện giờ phe đối lập chưa ấn định ngày tổ chức các cuộc xuống đường mới. Trên mạng xã hội Facebook đã có những lời kêu gọi tham gia một cuộc tập hợp ngày 14/1. Nhưng nhà đối lập Boris Nemtsov thì cho rằng nên tổ chức biểu tình vào tháng hai, cho gần thời điểm bầu cử tổng thống tháng 3.

Sau hơn 50 năm, người dân Cuba mới bắt đầu được tự do xuất ngoại

Chủ tịch Cuba Raul Castro (Reuters)
Chủ tịch Cuba Raul Castro (Reuters)

Thanh Phương 24/12/2011
 
Hôm qua 23/12/2011, khi bế mạc kỳ họp thường niên thứ hai của Quốc hội Cuba, chủ tịch Raul Castro đã xác nhận sẽ « dần dần » cải tổ luật di trú để giảm bớt những hạn chế về đi lại, vẫn được áp dụng đối với người dân Cuba từ hơn nữa thế kỷ nay.

Sau việc mở cửa thị trường xe cộ và địa ốc, việc cải tổ luật di trú đang rất được người dân Cuba trông đợi, vì ai cũng mong là sau hơn 50 năm bị hạn chế nghiêm ngặt, họ sẽ được tự do xuất ngoại.

Cho tới nay, để có thể ra nước ngoài, người dân Cuba cần phải có một hộ chiếu, một thư mời và nhất là giấy phép xuất cảnh. Giấy phép này được cấp một cách rất tùy tiện, với thời hạn 30 ngày, có thể được triển hạn tổng cộng 10 lần, nhưng cũng có thể bị từ chối mà không cần nêu lý do. Những thủ tục nói trên rất tốn kém và cộng thêm với tiền vé máy bay, đây là những chi phí rất cao so với phần lớn người dân Cuba, mà mức lương trung bình chỉ vào khoảng 20 đôla/ tháng.

Vấn đề là hiện nay chưa ai biết cụ thể là luật di trú Cuba sẽ được sửa đổi như thế nào. Theo dự đoán của các chuyên gia, chính phủ La Habana có thể sẽ hũy bỏ giấy phép xuất nhập cảnh, cũng như khái niệm di cư « vĩnh viễn » (Những người nào bị xem là « đào ngũ », vì đã rời Cuba mà không xin phép hoặc ở nước ngoài quá hạn cho phép, đều sẽ bị Nhà nước tịch biên tài sản và bị cấm trở về nước). Ngược lại, những người Cuba nào đã lấy quốc tịch nước khác, khi trở về nước bắt buộc phải có một hộ chiếu Cuba và một giấy phép đặc biệt. Giấy phép này cũng có thể bị từ chối mà không nêu lý do.

Nói chung, việc cải tổ các luật liên quan đến xuất nhập cảnh năm trong khuôn khổ tiến trình gọi là « cập nhật hóa » mô hình kinh tế Cuba. Vừa qua, chính phủ La Habana đã thông qua hai cải tổ quan trọng : lần đầu tiên kể từ Cách mạng 1959, người dân Cuba được tự do mua bán xe cộ và nhà cửa.

Nhưng việc sửa đổi luật di trú không chỉ mang lại những thay đổi trong nước, mà còn có thể tác động đến quan hệ giữa Cuba với Hoa Kỳ, nơi có khoảng 1,5 triệu người Cuba lưu vong và con cháu của họ đang sinh sống. Chính ông Raoul Castro vào đầu tháng 8 vừa qua cũng đã nói rằng việc cải tổ luật di trú sẽ «góp phần cải thiện quan hệ giữa đất nước với cộng đồng Cuba hải ngoại».

Nhưng lúc đó, ông Raoul Castro cũng đã lưu ý rằng, một trong những trở ngại cho việc cải tổ luật di trú Cuba đó là yêu cầu bảo tồn đội ngủ nhân lực, vốn là thành quả của Cách mạng, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ được đào tạo ở Cuba, có trình độ chuyên môn rất cao và nếu ra nước ngoài chắc chắn sẽ được biệt đãi. Trong những tháng đầu sau Cách mạng, bác sĩ Cuba đã ồ ạt di tản ra nước ngoài.

Cho nên đến đầu thập niên 1960, chỉ còn khoảng 3000 bác sĩ ở nước này. Nay, số bác sĩ ở Cuba là hơn 76 ngàn người và nhờ « xuất khẩu » các kỹ năng của đội ngũ này mà mỗi năm Cuba thu được một nguồn ngoại tệ 6 tỷ đôla mỗi năm. Cho nên chắc là các bác sĩ Cuba sẽ vẫn phải có giấy phép đặc biệt mỗi khi muốn xuất ngoại.

Nói chung, kể từ khi thay anh là Fidel Castro lên cầm quyền tháng 6/2006, ông Raoul Castro đã bắt đầu đưa Cuba vào con đường đổi mới, nhưng một cách rất thận trọng. Tốc độ thay đổi có lẽ đang tăng thêm với việc chủ tịch Cuba hôm qua cũng đã loan báo lệnh ân xá cho gần 3000 phạm nhân, trong đó có 86 người nước ngoài. Đây là số tù nhân được ân xá lớn chưa từng có tại Cuba.

Việt Nam : vụ cờ Trung Quốc có 6 ngôi sao là "sai sót kỹ thuật"

Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tiếp đón tại Trung tâm hội nghị quốc tế Hà Nội  ngày 22/12/2011.
Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tiếp đón tại Trung tâm hội nghị quốc tế Hà Nội ngày 22/12/2011.
REUTERS/Na Son Nguyen

Thanh Phương 24/12/2011
 
Trong buổi lễ đón tiếp phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viếng thăm Việt Nam trong tuần này, người ta đã thấy các em thiếu nhi vẫy những lá cờ có đến 6 ngôi sao, trong khi quốc kỳ chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chỉ có 5 ngôi sao, một ngôi sao lớn, bao quanh là 4 ngôi sao nhỏ.


Theo giải thích của Bộ Ngoại giao Việt Nam, sự kiện cờ Trung Quốc có đến 6 ngôi sao là do « sai sót kỹ thuật ». Điều đáng nói là lá cờ với 6 ngôi sao đã từng xuất hiện trong một chương trình thời sự của đài truyền hình Việt Nam (VTV) vào tháng 10 vừa qua, khi tường thuật chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Vụ lá cờ với 6 ngôi sao đã gây nhiều phản ứng trong nước cũng như trên các trang web, trang blog của người Việt hải ngoại. Mãi đến hôm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam, qua lời phát ngôn viên, mới giải thích rằng đây là một « sai sót kỹ thuật ».

Cụ thể phát ngôn viên nói : « Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã được thông báo đây là sai sót mang tính kỹ thuật. Cục Lễ tân Nhà nước đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và kỷ luật các cán bộ có liên quan ». Tuy nhiên, cho đến nay, báo chí chính thức của Trung Quốc cũng như Việt Nam vẫn không hề nhắc đến sự cố này.

Việt Nam đón tiếp phó chủ tịch Tập Cận Bình với lá cờ Trung Quốc có thêm một ngôi sao

Cờ Trung Quốc có thêm một ngôi sao
Cờ Trung Quốc có thêm một ngôi sao
Reuters

Thanh Phương 23/12/2011
Theo hãng tin AFP, báo chí chính thức của Trung Quốc và Việt Nam đã không hề nhắc đến sự cố này, nhưng chuyện lá cờ với 6 ngôi sao đã được bàn tán sôi nổi trên các trang web và trang blog của người Việt hải ngoại.

Phó chủ tịch Tập Cận Bình, nhân vật trên nguyên tắc sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào ở chức chủ tịch Trung Quốc và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa viếng thăm Việt Nam trong tuần này. Chuyến đi của ông Tập Cận Bình nhằm sưởi ấm quan hệ Bắc Kinh-Hà Nội sau những căng thẳng do tranh chấp lãnh hải ở vùng Biển Đông.

Nhưng ngày 21/12/2011 Việt Nam đã đón tiếp ông Tập Cận Bình với những lá cờ có đến 6 ngôi sao. Trong khi quốc kỳ chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chỉ có 5 ngôi sao : một ngôi sao lớn, bao quanh là 4 ngôi sao nhỏ.

Điều đáng nói là lá cờ với 6 ngôi sao đã từng xuất hiện trong một chương trình thời sự của đài truyền hình Việt Nam ( VTV ) vào tháng 10 vừa qua, khi tường thuật chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Nguyên thủy, trong năm ngôi sao trên quốc kỳ Trung Quốc, ngôi sao lớn nhất tượng trưng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, bốn ngôi sao nhỏ tượng trưng cho các thành phần công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Nhưng cách diễn giải hiện nay thì cho rằng, trên quốc kỳ Trung Quốc, năm ngôi sao nằm xòe ra như cánh hoa Thu hải đường thể hiện lãnh thổ Trung Quốc ( kể cả vùng Nội Mông ).

Cũng có người cho rằng, trên quốc kỳ Trung Quốc, năm ngôi sao tượng trưng cho năm nhóm dân tộc lớn nhất ở nước này, đầu tiên là dân tộc Hán, được đại diện bởi ngôi sao lớn nhất, 4 ngôi sao kia tiêu biểu cho các dân tộc Mãn Châu, Mông Cổ, Hồi và Tây Tạng.

Theo hãng tin AFP, báo chí chính thức của Trung Quốc cũng như Việt Nam đã không hề nhắc đến sự cố này. Nhưng chuyện lá cờ với 6 ngôi sao đã được bàn tán sôi nổi trên các trang web và trang blog của người Việt hải ngoại. Chẳng hạn như trên trang « Dân Làm Báo », có người xem đây là bằng chứng cho thấy ban lãnh đạo Việt Nam đã bán nước : Việt Nam là ngôi sao  nhỏ thứ 5 của Trung Quốc. Lại có người thì cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam muốn trở thành công dân hạng hai của Trung Quốc.

Hôm qua 22/12/2011, nhân chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc và Việt Nam đã hứa sẽ « củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai Đảng, hai quốc gia và hai dân tộc ». Hai bên cũng đồng ý sẽ « nghiêm chỉnh thực hiện đồng thuận và duy trì ổn định ở vùng Biển Đông »

Hệ thống ngân hàng Việt Nam cần được tái cơ cấu để đạt chuẩn quốc tế

Tại một ngân hàng ở Hà Nội. Hệ thống ngân hàng Việt Nam cần được tái cơ cấu để thu hút đầu tư ngoại quốc.
Tại một ngân hàng ở Hà Nội. Hệ thống ngân hàng Việt Nam cần được tái cơ cấu để thu hút đầu tư ngoại quốc.
Reuters
Thanh Phương 19/12/2011
 
Nhân hội nghị các nhà tài trợ 2011 diễn ra tại Hà Nội, ngày 6/12 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã loan báo việc hợp nhất ba ngân hàng thương mại cổ phần là Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn. Việc loan báo sự hợp nhất ba ngân hàng nói trên một phần cũng là nhằm đáp lại một trong những khuyến cáo của các nhà tài trợ tại hội nghị ở Hà Nội, đó là Việt Nam phải nhanh chóng tái cơ cấu ngành tài chính, trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài như hiện nay.

Tại hội nghị các nhà tài trợ, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa nhận định một thực trạng, đó là: "Các ngân hàng Việt Nam hiện đang không có đủ vốn để cho vay, trong khi đó tỉ lệ nợ xấu và mức độ rủi ro tăng, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Cải cách khu vực này là phải giải quyết các vấn đề mang tính cơ cấu, làm sao để hệ thống ngân hàng Việt Nam có đủ vốn, đáng tin cậy, hoạt động nghiêm túc, giảm nợ xấu và các nguy cơ rủi ro được quản lý trên các cơ sở vững chắc".

Nói chung, các nhà tài trợ cho rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam cần nâng cấp các tiêu chuẩn lên cho ngang bằng với tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về kế toán và kiểm toán và minh bạch.

Trong báo Báo cáo chương trình tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2011-2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, Việt Nam sẽ phấn đấu trong 5 năm tới có từ 1-2 ngân hàng lớn “đủ sức cạnh tranh với khu vực” và có 10-15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột cho hệ thống ngân hàng quốc gia. Đồng thời, Việt Nam vẫn duy trì phát huy những ngân hàng có qui mô vừa và nhỏ, những tổ chức tín dụng nhỏ “hoạt động lành mạnh”.

Nhưng việc tái cơ cấu phải được tiến hành như thế nào để bảo đảm tính vững chắc của hệ thống ngân hàng Việt Nam để ngân hàng thật sự là động lực cho tái cơ cấu nền kinh tế và qua đó thu hút đầu tư ngoại quốc vào khu vực này. Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từ Hà Nội.


Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

 
 
RFI: Xin kính chào ông Lê Đăng Doanh, trước hết, ông có nhận định như thế nào về thực trạng của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay?

Ông Lê Đăng Doanh: Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có một bước phát triển vượt bực trong quá trình cải cách và phát triển kinh tế. Cụ thể là hiện nay, tổng mức tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã lên tới 125 đến 135% GDP. Đấy là một mức tín dụng tương đối lớn.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay có khoảng 80 ngân hàng lớn nhỏ. Đó là một con số tương đối lớn so với hệ thống ngân hàng trên thế giới, mặc dù là trong số đó có khoảng 30 ngân hàng quốc gia, nhưng các ngân hàng nhỏ cũng rất nhiều. Tuy số ngân hàng nhiều như vậy, nhưng các chỉ tiêu về phát triển ngân hàng lại chưa cao. Cụ thể là hệ số sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế cũng còn rất cao. Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng cũng còn thấp. Hệ số giao dịch qua ngân hàng chưa cao.

Quan trọng hơn nữa, chất lượng và công nghệ của ngân hàng Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của quốc tế. Việt Nam vẫn còn áp dụng những chuẩn mức ngân hàng riêng biệt, chưa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

RFI: Thưa ông Lê Đăng Doanh, tình trạng lạm phát tăng nhanh, thâm thủng mậu dịch vẫn ở mức cao và tiền đồng sụt giá đã có tác động như thế nào đến hệ thống ngân hàng Việt Nam ?

Ông Lê Đăng Doanh: Trong một thời gian khá dài, hệ thống ngân hàng của Việt Nam đã phát triển rất nhanh, tức là hàng năm, mức tăng tiền tệ lên tới 32% và mức tăng tín dụng lên tới 37%, có năm tăng lên tới 40%. Có nghĩa là chúng ta đã sử dụng ( nguồn tiền đó ) quá nhiều để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều đó khiến lạm phát tăng cao, bởi vì số tiền đó được huy động, nhưng đầu tư trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước lại kém hiệu quả. Vì vậy, hệ thống ngân hàng đã bị tổn thương.

Thứ hai, do ở Việt Nam, hệ số lạm phát thì cao, niềm tin vào đồng tiền thì thấp. Cho nên, người dân Việt Nam đang có trong tay, theo ước đoán, khoảng 300 đến 500 tấn vàng và từ 12 đến 14 tỷ ngoại tệ tiền mặt. Số ngoại tệ mà người dân và doanh nghiệp đang gởi ở ngân hàng cũng lên đến khoảng 21 tỷ đôla. Đầy là một số ngoại tệ tương đối lớn.

Trong tình hình lạm phát cao, lãi suất ngân hàng cũng tăng cao và vì vậy, người ta đã chuyển sang vay bằng đôla với lãi suất 6%, thay vì vay bằng tiền đồng Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam sử dụng tiền đồng, nhưng số vay bằng đồng đôla nay lên tới 7,6 tỷ đôla và số tiền đó phải được trả lại trong thời gian tới. Cho nên tỷ giá đồng Việt Nam chịu một sức ép tương đối lớn, do nhập siêu của Việt Nam hàng năm vẫn là từ 10 đến 12 tỷ đôla, một tỷ lệ rất cao và trong nhiều năm vẫn có thâm hụt trong cán cân thanh toán. Điều này đã được cải thiện trong năm 2011. Lần đầu tiên, Việt Nam sẽ có cán cân thanh toán đương là 3,3 tỷ đôla. Đó là một tiến bộ đáng ghi nhận.

RFI: Việc sáp nhập ba ngân hàng cổ phần có phải là một yếu tố tích cực thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng?

Ông Lê Đăng Doanh: Trong tháng 12 này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải trình lên chính phủ một dự án tái cấu trúc các ngân hàng thương mại. Vấn đề mấu chốt là giải quyết các nợ xấu. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, số nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam đã tăng từ 2,8% lên đến 3,4%. Có người cho rằng tỷ lệ này đã lên tới 5%. Trong khi đó hãng Fitch đánh giá rằng tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể đã lên tới 13%.

Điều này cũng dễ hiểu vì trong thời gian qua, thị trường chứng khoán của Việt Nam đã giảm khoảng 18%. Thị trường chứng khoán Hà Nội thì giảm đến 40%. Có lẽ đây là mức sụt giảm lớn nhất ở châu Á-TBD.

Thị trường bất động sản cũng đóng băng. Trong khi đó, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán thu hút một số lượng vốn khá lớn của hệ thống ngân hàng thương mại. Vì vậy nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại đều có liên quan đến sự trì trệ của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Với tình hình như vậy, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam phải bao gồm, một là, giải quyết các nợ xấu, hai là, bảo đảm tiền gởi của người dân, ba là, bảo đảm nguồn thanh khoản cho các ngân hàng, bốn là, xây dựng các ngân hàng mạnh.

Dự án hiện nay chưa hoàn tất, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã làm mạnh tay với việc sát nhập ba ngân hàng nhỏ ở TP HCM, với sự trợ lực của ngân hàng BIDV. Khi nghe tin đó, người ta đã bắt đầu rút tiền ra. Nhờ có sự trợ lực của BIDV, việc rút tiền đã diễn ra suông sẻ, không gây đổ vỡ cho hệ thống ngân hàng. Thống đốc NHNN cũng nói là sẽ không có ngân hàng nào phá sản. Có nghĩa là Việt Nam sẽ tìm cách sáp nhập và bảo đảm sự an toàn của hệ thống ngân hàng, để tránh giảm sút niềm tin, dẫn đến sự rối loạn của hệ thống ngân hàng.
Chúng ta còn phải chờ xem vào đầu tuần này ba ngân hàng được sáp nhập ấy, với sự trợ lực của ngân hàng BIDV, sẽ có tên gì, được tổ chức ra sao, việc sáp nhập diễn biến ra sao. Cũng như chúng ta cũng chờ xem Việt Nam muốn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng từ điểm A hiện nay đến điểm B, thì cái điểm B ấy có hình thù như thế nào. Nó sẽ có tiêu chí Basel 3 hay có tiêu chí gì, công nghệ nào, mức độ an toàn ra sao và đặc biệt số ngân hàng được rút gọn xuống còn bao nhiêu.

RFI: Theo ông độ minh bạch của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay được bảo đảm như thế nào?

Ông Lê Đăng Doanh: Như tôi đã nói, hệ thống tiêu chí của Việt Nam khác với hệ thống tiêu chí của Ngân hàng Thế giới cũng như của hệ thống ngân hàng quốc tế. Ví dụ theo tiêu chí của NHTG, khi ông vay 5 tỷ đồng Việt Nam, nếu ông không trả được 500 triệu, thì cả 5 tỷ đồng là nợ xấu. Nhưng Việt Nam chỉ xem 500 triệu là nợ xấu, còn 4 tỷ 500 triệu còn lại là nợ chưa xấu. Thế thì tiêu chí của Việt Nam hiện nay còn khác với thế giới. Các con số và sự công khai minh bạch cũng còn khác.

Theo các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động của NHNN quy định là 14%, trong khi mức lạm phát là 18%, tức là lãi suất âm. Vì vậy, rất nhiều ngân hàng đã tìm cách lách luật. Ghi trên sổ lãi suất tiết kiệm là 14%, nhưng thực chất là có tiền thưởng, có những khoản này, khoản khác, để tăng lên đến khoảng 16, 17%.

Nếu anh có số tiền gởi lớn thì anh có thể đạt mức cao như vậy. để bảo đảm để thu hút tiền, để bảo đảm thanh khoản cho mình. Cho nên, tôi không loại trừ khả năng có tình trạng có hai sổ sách và báo cáo chưa được minh bạch.

Điều này chỉ có thể giải quyết được nếu kinh tế vĩ mô ổn định, nếu lạm phát giảm xuống và lãi suất là thực dương. Lúc ấy mới tránh được tình trạng ngân hàng lách luật như vậy để tồn tại.

RFI: Nhân việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Việt Nam nên có những bước gì đề khu vực này thật sự thu hút đầu tư của các ngân hàng ngoại quốc?

Ông Lê Đăng Doanh: Một là, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay cần phải được phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, chúng ta có tổng cộng 4 triệu hộ kinh doanh, 10 triệu hộ nông dân và khoảng 630 ngàn doanh nghiệp đã đăng ký. Các hộ doanh nghiệp này rất cần những tín dụng nhỏ.

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam chỉ phát triển chủ yếu ở thành phố, chứ chưa phát triển được bao nhiêu về nông thôn. Vì vậy, tỷ lệ giao dịch ngân hàng ở nông thôn và trong số các hộ kinh doanh nhỏ là còn rất thấp.

Các ngân hàng Việt Nam chưa vươn ra được bên ngoài. Cho nên, Việt Nam rất cần phát triển những ngân hàng lớn, có khả năng tài chính cỡ quốc tế. Việc tái cơ cấu này chính là một cơ hội để chúng ta thu hút các ngân hàng quốc tế lớn, các nhà đầu tư chiến lược, thành các cổ đông của các ngân hàng Việt Nam, và qua đó giúp hiện đại hóa các ngân hàng Việt Nam. Tiến trình này đã bắt đầu. Ví dụ như ngân hàng Mizuho của Nhật đã mua cổ phần của Vietcombank.

RFI: Xin cám ơn ông Lê Đăng Doanh.

Hoa Kỳ dự trù đặt các chiến hạm ở Singapore

Đô đốc Jonhathan Greenert
Đô đốc Jonhathan Greenert
defensemedianetwork.com

Thanh Phương 17/12/2011
 
Theo hãng tin AFP ngày 16/12/2011, trong một bài viết dự báo về thực lực Hải quân Hoa Kỳ năm 2025, đăng trên tạp chí Proceeding của Học viện Hải quân Mỹ, số báo tháng 12, đô đốc Jonathan Greenert, tư lệnh tác chiến của Hải quân Hoa Kỳ, đã viết : « Chúng ta sẽ đưa một số chiến hạm bảo vệ bờ biển mới nhất đến đóng ở Singapore ».


Đô đốc Greenert viết thêm : Hoa Kỳ cũng có thể sẽ đẩy nhanh việc triển khai theo định kỳ những phi cơ như P-8A Poseidon, chuyên dùng để truy kích tàu ngầm, đến các đồng minh quân sự khu vực như Philippines và Thái Lan.

Theo lời đô đốc Greenert, Hải quân Mỹ cần phải tìm cách duy trì « vị thế tiền phong » trên thế giới để đáp ứng những mỗi quan ngại ngày càng tăng về tự do lưu thông hàng hải, nhưng không quá tiêu tốn nguồn lực của Hoa Kỳ.

Ông viết : « Do chúng ta rất có thể sẽ không gánh nổi những hao tổn về ngoại giao và tài chính của những căn cứ tác chiến mới ở nước ngoài, nên hạm đội của năm 2025 sẽ dựa nhiều hơn vào các hải cảng và các cơ sở khác của nước chủ nhà để các chiến hạm, phi cơ và thủy thủy đoàn, phi hành đoàn có thể được tiếp liệu, sửa chữa và nghỉ ngơi trong thời gian được triển khai ».
Tư lệnh tác chiến của Hải quân Mỹ không trực tiếp nhắc tên Trung Quốc, nhưng thông tin nói trên được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á, trước thế lớn mạnh ngày càng đáng ngại của Trung Quốc.

Vào tháng trước, tổng thống Barack Obama vừa loan báo là Hoa Kỳ sẽ triển khai đến 2.500 lính thủy quân lục chiến ở Darwin, miền Bắc nước Úc trước những năm 2016-2017. Bắc Kinh chỉ trích kịch liệt kế hoạch của Mỹ.

Hoa Kỳ hiện có khoảng 70 ngàn quân đóng tại Nhật Bản và Hàn Quốc và đã cam kết hỗ trợ Philippines về mặt quân sự. Singapore cũng là một đồng minh lâu đời của Mỹ. Quân đội Mỹ hiện đang sử dụng một cảng nhỏ của Singapore để hỗ trợ về mặt hậu cầu và tập luyện cho các lực lượng ở Đông Nam Á.

Chính quyền Obama đã xác định châu Á là ưu tiên chủ chốt của Hoa Kỳ. Ngoài tổng thống Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã công du châu Á trong những tháng gân đây để nhấn mạnh rằng Washington sẽ không bỏ rơi khu vực này mặc dù trong nước đang gặp nhiều khó khăn kinh tế.

16/12/11

Bản án tù treo đối với cựu tổng thống Chirac củng cố nền dân chủ Pháp

Cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac bị tuyên án 2 năm tù treo (AFP)
Cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac bị tuyên án 2 năm tù treo (AFP)

Thanh Phương 16/12/2011 )
 
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, cho dù người ấy là một cựu nguyên thủ quốc gia, hôm qua 15/12/2011, tòa tiểu hình Paris đã xác định điều đó khi tuyên án 2 năm tù treo cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac trong một vụ việc đã xảy ra từ hơn 20 năm.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, một cựu tổng thống bị tuyên án như vậy. Nguyên là đô trưởng Paris từ năm 1977 đến năm 1995, ông Chirac đã bị đưa ra xử với các tội danh : biển thủ công quỹ, lạm dụng tín nhiệm, thủ lợi bất hợp pháp, trong vụ gọi là vụ án « việc làm khống » ở tòa đô chính Paris.

Cụ thể là ông Chirac đã sử dụng 19 nhân viên, hưởng lương của tòa đô chính, nhưng lại phục vụ cho sự nghiệp chính trị của ông. Từ năm 1990 đến năm 1995, những người này đã tham gia vào các sinh hoạt trong đảng cánh hữu RPR của ông Chirac, cũng như vào chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 1995, đưa ông Chirac lên cầm quyền.

Câu hỏi được đặt ra là vì sao cho tới nay tòa mới tuyên án cựu tổng thống Chirac ? Lý do là vì Hiến pháp của Pháp bảo đảm quyền miễn tố cho vị nguyên thủ quốc gia trong thời gian vị này cầm quyền. Cho nên, trong suốt hai nhiệm kỳ làm tổng thống, ông Chirac vẫn bình chân như vại, không hề sợ bị truy tố.

Trở lại thành một thường dân như bao người khác, bây giờ ông Chirac, năm nay đã 79 tuổi, mới lãnh án tù treo hai năm. Cựu tổng thống Pháp đã báo trước là ông sẽ không kháng án, nhưng vẫn bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc đối với ông.

Thật ra, khi tuyên bản án hôm qua, tòa tiểu hình Paris cũng đã tính đến những yếu tố như : không có việc làm giàu cho cá nhân, vụ việc đã xảy ra từ lâu, bị cáo tuổi cao sức yếu, cũng như những trọng trách to lớn mà ông đã đảm nhận trong suốt 12 năm làm tổng thống. Nhưng các vị thẩm phán đã đặc biệt trách cứ ông Chirac là đã không thể hiện tính liêm khiết của một vị dân cử.

Tòa tiểu hình Paris đã mạnh dạn tuyên bản án 2 năm tù treo, cho dù ông Jacques Chirac hiện là chính khách được dân Pháp mến mộ nhất hiện nay. Cho nên, báo chí Pháp hôm nay tôn vinh những vị thẩm phán đã thể hiện sự độc lập khi tuyên một bản án mang tính chất làm gương, như một lời cảnh báo cho toàn bộ chính giới nước Pháp.

Trong chính giới nước Pháp, cánh hữu dĩ nhiên là rất buồn phiền khi thấy ông Chirac bị tuyên án như vậy, còn cánh tả thì vui mừng khi thấy là công lý đã được thực thi. Ứng cử viên tổng thống của Đảng Xã hội François Hollande tuy vậy đã bày tỏ sự cảm thông đối với ông Chirac, hiện đang gặp nhiều vấn đề về sức khoẻ.

Như vậy là ông Chirac nay đã đi vào lịch sử nước Pháp như là cựu tổng thống đầu tiên trong nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp bị buộc tội ở cấp toà tiểu hình. Bản án này được xem như là một bước quan trọng củng cố nền dân chủ Pháp, vì nó cho thấy là kể từ nay không ai có thể đứng bên trên pháp luật.

Trong chiều hướng đó, ứng cử viên tổng thống của đảng Xã hội François Hollande đã cam kết là nếu thắng cử trong cuộc bầu cử vào năm tới, ông sẽ đề nghị Quốc hội cải tổ Hiến pháp, để làm sao vị nguyên thủ quốc gia, ngay trong thời gian cầm quyền, có thể bị đưa ra xét xử như bất cứ một công dân nào khác, về những hành vi trước khi lên làm tổng thống.

Việt Nam qua báo chí nước ngoài ( tiếng Anh )

Vietnam's Development Dilemma  Asia Sentinel (blog ) 3/1/12 

“Vietnam needs energy to support its economic growth” is the refrain. With economic and industrial growth second only to China, Vietnam’s economic targets are linked to significant increases in air pollution and environmental problems.


Vietnam: looking vulnerable ( Financial Times (blog ) 16/12/11 )

" As the economic outlook in the US and Europe deteriorates by the day, investors are asking which countries in southeast Asia would be hardest hit by the knock-on effects of a double-dip recession."

Opinion: Can Vietnam Change? ( Asia Sentinel  16/12/11 )

"The greatest obstacle to democratic reform in Vietnam comes from its government."



13/12/11

Báo chí Miến Điện bắt đầu được hưởng làn gió tự do

Một người dân ở Yangon cầm tờ báo ngày 3/12/2011 có in hình lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi ôm hôn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Một người dân ở Yangon cầm tờ báo ngày 3/12/2011 có in hình lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi ôm hôn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Reuters

Thanh Phương 13/12/2011
 
Chỉ cách đây vài tháng, không ai dám ngờ là báo chí ở Miến Điện có thể đăng trên trang nhất ảnh của nhà đối lập Aung San Suu Kyi. Cùng với việc đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ được hợp pháp hóa hôm nay, báo chí Miến Điện bắt đầu tận hưởng làn gió tự do, tuy vẫn còn hạn chế.


Trong một bài phóng sự đăng tải hôm nay, hãng tin AFP trích lời một phụ nữ bán báo ở Rangun : “Chúng tôi nhìn thấy bóng của dân chủ và chúng tôi muốn tự do. Chúng tôi được tự do hơn trước đây, báo chí được tự do hơn.”

Cách đây sáu tháng, người bán báo này đã không dám công khai nói lên chữ “ dân chủ”. Nhưng nay, trên sạp báo của cô đầy những bức ảnh chụp bà Aung San Suu Kyi với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Hiện giờ, Miến Điện vẫn còn duy trì một trong những đạo luật báo chí khắt khe nhất thế giới, cho nên nước này đã bị tổ chức Phóng viên không biên giới xếp hạng 174 trên 178 quốc gia trong bảng xếp hạng về tự do báo chí.

Theo Uỷ ban bảo vệ nhà báo ( CPJ ) của Mỹ, hiện vẫn còn 18 phóng viên đang ngồi tù ở Miến Điện. Một số người cũng đang bị giam vì đã nói chuyện với giới báo chí khi xảy ra cơn bão Nargis năm 2008, đã khiến 138 ngàn người thiệt mạng.

Trả lời AFP, ông Than Htut Aung, chủ tịch hệ thống truyền thông Eleven Media, cho biết: “Chúng tôi có thể viết tự do về một số chủ đề. Nhưng chúng tôi chưa có quyền bày tỏ những chính kiến khác biệt. Chúng tôi không được chuyển tải tiếng nói của các gia đình tù chính trị, cũng như bàn về việc trả tự do cho họ”.

Ngay chính trong hệ thống truyền thông của ông, một chủ biên đã từng bị tuyên án tử hình về tội “phản quốc” vào năm 2003 chỉ vì hai bài báo về bóng đá. Sau đó, bản án đã được giảm xuống còn 3 năm tù. Vào tháng 11 năm ngoái, tuần báo thể thao “First Eleven Sport” cũng đã bị đình bản trong 15 ngày.

Theo các nhà quan sát, trong giới lãnh đạo Miến Điện hiện đang có sự đối đầu quyết liệt giữa một bên là các thành phần bảo thủ và bên kia là các thành phần cấp tiến, đang muốn mở rộng hơn nữa không gian truyền thông.

Cho nên, đã có những dấu hiệu mâu thuẫn nhau: trong tháng 9, các trang web của đài BBC và đài Tiếng nói Dân chủ Miến Điện DVB đã có thể được truy cập trở lại, nhưng trong cùng thời gian đó, một nhà làm phim của đài DVB lại bị thêm 10 năm tù. Môt thành viên của Uỷ ban bảo vệ nhà báo CPJ nhắc lại là ở Miến Điện, các đạo luật cho phép cầm tù phóng viên vẫn chưa được bãi bỏ.

Tuy vậy, tình hình đã thay đổi đáng kể, nhất là kể từ khi chính người lãnh đạo cơ quan kiểm duyệt Tint Swe đã tuyên bố cách đây vài tuần là việc kiểm duyệt  “không phù hợp với những cách hành xử dân chủ”  và cần phải được dẹp bỏ. Việc kiểm duyệt vừa được bãi bỏ đối với tổng cộng 54 nhật báo, tạp chí. Còn các tờ báo thời sự tổng quát thì sẽ được hưởng chế độ “ tự kiểm duyệt”

Đảng của nhà đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi được hợp pháp hóa

Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi phát biểu tại Rangoon ngày 10/12/2011 trong lễ kỷ niệm 20 năm được trao giải Nobel hòa bình.
Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi phát biểu tại Rangoon ngày 10/12/2011 trong lễ kỷ niệm 20 năm được trao giải Nobel hòa bình.
REUTERS/Soe Zeya Tun

Thanh Phương 13/12/2011
 
Tờ nhật báo chính thức New Light of Myanmar hôm nay 13/12/2011, cho biết là Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đảng của nhà đối lập Aung San Suu Kyi đã được công nhận là một tổ chức hợp pháp. Hệ quả tất yếu của sự kiện này là Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ kể có thể đưa các ứng cử viênra tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung tới đây.

Vốn đã tẩy chay cuộc tuyển cử tháng 11 năm ngoái, như vậy là Liên đoàn quốc gia vì dân chủ kể từ nay có thể đưa các ứng cử viên, trong đó có bản thân bà Aung San Suu Kyi, ra tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung, sẽ diễn ra trong vòng vài tháng tới, nhưng ngày giờ chưa được thông báo.

Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã bị tập đoàn quân sự giải tán vào tháng 5/2010, do đảng này tẩy chay cuộc bầu cử tháng 11. Sau bầu cử, giới quân sự đã chuyển giao quyền hành cho một chính phủ « dân sự ». Tuy chính phủ này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội, nhưng tổng thống Thein Sein, vì muốn đưa Miến Điện thoát ra khỏi thế cô lập trên trường quốc tế, đã thực hiện nhiều cải tổ. Trong bối cảnh chính trị đó, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ngày 25/11 đã nộp đơn đăng ký hoạt động.

Vào năm 1990, đảng của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đã từng thắng cử một cách áp đảo với 392 trên tổng số 485 ghế Quốc hội. Nhưng các tướng lãnh cầm quyền lúc đó đã không chịu công nhận kết quả bầu cử.

Riêng bà Aung San Suu Kyi thì đã bị giam giữ hoặc quản thúc tại gia tổng cộng 15 năm cho đến khi được trả tự do cách đây hơn một năm, ngày 13/11/2010

Một nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo bị kết án tù ở Việt Nam

Cổng vào ngôi chùa Phật giáo Hòa Hảo An Hòa Tự ở An Giang.
Cổng vào ngôi chùa Phật giáo Hòa Hảo An Hòa Tự ở An Giang.
DR

Thanh Phương 13/12/2011
 
Một tòa án ở tỉnh An Giang (miền nam Việt Nam) vào hôm nay, 13/12/2011, đã tuyên án 5 năm tù ông Nguyễn Văn Lía, với tội danh « lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước ». Trong một bản thông báo, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch đã yêu cầu chính quyền trả tự do ngay lập tức cho bị cáo và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông.

Theo hãng tin AFP, Tòa án Nhân dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã tuyên án tù đối với ông Nguyễn Văn Lía, với tội danh « lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước », chiếu theo điều 258 bộ luật Hình sự Việt Nam. Tòa đã tuyên án như trên mặc dù trong bản thông báo công bố hôm nay, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch đã yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Nguyễn Văn Lía và hũy bỏ các cáo buộc đối với ông.

Bản thông cáo của Human Rights Watch nhắc lại là ông Nguyễn Văn Lía đã bị bắt cùng với vợ ngày 24/4 khi trên đường đi dự đám giỗ của một đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo, trong một vụ có vẻ như được dàn dựng thành vi phạm giao thông. Vợ ông được thả đêm hôm đó, còn ông bị giam từ đó cho đến nay, mà trong suốt năm tháng sau khi bị bắt, gia đình không được gặp mặt. Sau khi thăm nuôi vào ngày 30/11, gia đình ông Nguyễn Văn Lía đã báo động về tình trạng sức khỏe suy sụp nặng nề của ông.

Trong bản thông cáo hôm nay, Phó giám đốc đặc trách châu Á của Human Rights Watch Phil Robertson tuyên bố : « Giam giữ một người già cả, bệnh tật, chỉ có tội duy nhất là vận động ôn hòa cho tín ngưỡng của mình, là việc làm vô nhân đạo. Chính quyền Việt Nam cần trả tự do vô điều kiện cho ông Nguyễn Văn Lía và cho phép ông được điều trị chu đáo ».

Ông Nguyễn Văn Lía đã từng bị kết án 18 tháng tù vào năm 2003 vì đã kỷ niệm ngày giỗ của Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ. Cũng theo Human Rights Watch, ông Nguyễn Văn Lía là thành viên một nhóm tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tiếp xúc với phái đoàn Uỷ ban Tự do Tôn giáo vào tháng 5/2009 tại Sài Gòn. Sau cuộc gặp đó, ông bị theo dõi gắt gao và liên tục bị công an sách nhiễu. Đến tháng 12/2010, ông Nguyễn Văn Lía cùng với ba nhà vận động Phật giáo Hòa Hảo khác gặp đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Bốn tháng sau đó thì ông bị bắt.

Cho nên, Human Rights Watch cũng kêu gọi Hoa Kỳ gây áp lực buộc Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Văn Lía và chấm dứt việc trừng phạt các nhà vận động tôn giáo ôn hòa.

Phật giáo Hòa Hảo đã được giáo chủ Huỳnh Phú Sổ sáng lập vào năm 1939 tại miền Tây. Một phái của Giáo hội PGHH đã được chính quyền công nhận vào năm 1999, nhưng các nhóm, phái khác không chấp nhận ban lãnh đạo chính thức và vẫn đối đầu với chính quyền. Theo Human Rights Watch, khoảng 13 nhà vận động Phật giáo Hòa Hảo khác đang ngồi tù với mức án nặng nề.

Trung Quốc triển khai tàu tuần tra trên sông Mêkông

Trung Quốc triển khai lính tuần tra trên sông Mêkông 10/12/2011 (DR)
Trung Quốc triển khai lính tuần tra trên sông Mêkông 10/12/2011 (DR)

Thanh Phương 10/12/2011
 
Hôm nay 10/12/2011, tờ nhật báo chính thức của Trung Quốc China Daily vừa loan báo là nước này đã triển khai trên 300 cảnh sát võ trang để tuần tra trên sông Mêkông, với sự hợp tác của Miến Điện, Thái Lan và Lào, sau một vụ tấn công gây chết người vào tháng 10 vừa qua.

Trích nguồn tìn từ các quan chức Trung Quốc, tờ China Daily cho biết là cảnh sát Trung Quốc sẽ hộ tống 10 tàu chở hàng của tư nhân, trong đó có những chiếc tàu đã bị tấn công ngày 5/10/2011, mà thủ phạm được cho là một băng đảng buôn ma túy.

Cách đây hai tháng, 13 thủy thủ Trung Quốc đã bị hạ sát tại một đoạn sông Mêkông phía Nam biên giới Trung Quốc. Vụ tấn công này khiến Bắc Kinh quan ngại về sự an toàn của các thủy thủ đoàn và hàng hoá vận chuyển về phía Nam, ngang qua một khu vực thường nổ ra các vụ đụng độ liên quan đến buôn lậu ma túy.

Sau vụ tấn công đó, Trung Quốc đã điều động tàu tuần tra đến sông Mekong để giải cứu 164 thủy thủ và 28 tàu chở hàng, đồng thời yêu cầu các nhà ngoại giao Thái Lan, Lào và Miến Điện đẩy nhanh việc điêu tra truy tìm thủ phạm.

Sau đó, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ 9 binh lính bị tình nghi đã sát hại các thủy thủ Trung Quốc và cũng có quan hệ với một trùm ma túy Miến Điện.

Chảy qua tỉnh Vân Nam, miền Nam Trung Quốc, sông Mêkông hiện là một đường giao thương lớn của Trung Quốc và của một số nước Đông Nam Á.

Luật về tội phạm thượng ngày càng bị phản đối tại Thái Lan

Cảnh sát Bangkok bắt giam ông Ampon Tangnoppakul (Reuters)
Cảnh sát Bangkok bắt giam ông Ampon Tangnoppakul (Reuters)

Thanh Phương 10/12/2011
 
Hôm qua 9/12/2011, khoảng 100 người đã biểu tình tại thủ đô Bangkok để phản đối việc toà án đã kết án tù một người lớn tuổi về tội phỉ báng Hoàng gia Thái Lan, vốn vẫn được bảo vệ bởi một trong những luật khắt khe nhất thế giới. Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc đã lên án Bangkok.

Những người biểu tình đã tập trung trước toà án nơi mà ông Ampon Tangnoppakul, 61 tuổi, đã bị kết án vào tháng trước. Ông bị Ampon tuyên án 20 năm tù do vào tháng 5 năm ngoái đã gởi cho thư ký riêng của thủ tướng lúc đó là Abhisit Vejjajiva 4 tin nhắn SMS có nội dung bị xem là nhục mạ Hoàng gia.

Tại Thái Lan, tuy Hoàng gia không có vai trò chính trị chính thức nào, nhưng cho tới nay, đây vẫn là một chủ đề cực kỳ nhạy cảm. Năm nay 84 tuổi, quốc vương Bhumibol Adulyadej vẫn được một bộ phận thần dân tôn thờ. Ông đã nằm viện từ tháng 9 năm 2009, nhưng việc nối ngôi vua chưa bao giờ được công khai đề cập đến ở Thái Lan.

Chiếu theo luật hiện hành, những ai bị quy tội xúc phạm quốc vương, hoàng hậu và các thành viên khác trong Hoàng gia đều có thể bị kết án tù lên tới 15 năm cho mỗi hành vi. Nhưng toàn bộ các điều luật được sử dụng để trừng trị tội « phạm thượng » đối với Hoàng gia đang ngày càng bị chống đối tại Thái Lan, thể hiện qua cuộc biểu tình hôm qua ở Bangkok.

Cuộc biểu tình này đã diễn ra đúng 112 phút, ám chỉ điều 112 của luật hình sự Thái Lan, một trong những điều luật thường được sử dụng để trừng trị tội phạm thượng, theo như lời giải thích một thành viên ban tổ chức biểu tình, Kwanravee Wangudom.

Ngày 8/12 vừa qua, một người Mỹ gốc Thái Lan, Joe Wichai Commart Gordon, vừa bị tuyên án 30 tháng tù, do ông này, từ Hoa Kỳ, đã dịch sang tiếng Thái một cuốn tiểu sử quốc vương bị cấm phát hành ở Thái Lan, rồi đăng cuốn sách này trên Internet. Ông đã bị bắt vào tháng 5 vừa qua khi về thăm Thái Lan.

Các vụ truy tố và kết án tù về tội phạm thượng đã gia tăng kể từ sau cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng Thaksin Shinawatra. Hiện đang sống lưu vong, ông Thaksin vẫn bị xem là mối nguy cho chế độ quân chủ Thái Lan.

Vấn đề là theo các nhà quan sát, chính phủ mới của bà Yingluck Shinawatra, em gái của ông Thaksin, cho tới nay vẫn không cải thiện được tình hình. Mặc dù bị phản đối như vậy, chính phủ Thái Lan ngày 7/12 vừa qua đã thông báo sẽ lập một ủy ban để dẹp những trang web có nội dung bị xem là phỉ báng Hoàng gia.

Từ nhiều năm qua, quốc tế vẫn thường xuyên chỉ trích Thái Lan về các điều luật trừng trị tội khi quân. Sau vụ tuyên án 30 tháng tù công dân Mỹ gốc Thái Lan ngày 8/12, hôm qua, Tổng lãnh sự Mỹ ỏ Thái Lan Elizabeth Pratt đã cho rằng bản án nói trên là « quá nặng nề », vì theo bà, trên thực tế ông Gordon chỉ hành xử quyền tự do ngôn luận.

Cũng hôm qua, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc Navi Pillay lên án Bangkok không tôn trọng các cam kết quốc tế khi vẫn duy trì các điều luật quá khắt khe về tội phạm thượng, cho rằng điều này gây tác hại đến quyền tự do ngôn luận ở Thái Lan. Phát ngôn viên Cao ủy Nhân quyền LHQ thúc giục Thái Lan nhanh chóng sửa đổi các điều luật nói trên.

6/12/11

Việc ban hành Luật biểu tình ngày càng cấp thiết

Những cuộc tuần hành tại Hà Nội phản đối Trung Quốc đã khiến việc ban hành Luật biểu tình càng thêm cấp thiết.
Những cuộc tuần hành tại Hà Nội phản đối Trung Quốc đã khiến việc ban hành Luật biểu tình càng thêm cấp thiết.
Reuters
Thanh Phương 5/12/2011
 
Trong thời gian qua, Luật biểu tình đã trở thành chủ đề tranh cãi ngày càng nóng ở Việt Nam, đặc biệt là tại Quốc hội, người thì cho là phải nhanh chóng thông qua luật này, kẻ thì nói là dân Việt Nam chưa cần đến luật biểu tình. RFI phỏng vấn đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Các cuộc “ tụ tập đông người”, đặc biệt là của dân khiếu kiện kéo lên thủ đô, thành phố đòi giải quyết các vụ cướp đất, tham nhũng, đã xảy ra từ lâu ở Việt Nam. Nhưng vấn đề Luật biểu tình đã được đặt ra ngày càng cấp thiết kể từ sau các cuộc tuần hành trong tháng 6, 7 và 8 năm nay tại Hà Nội và Sài Gòn nhằm phản đối Trung Quốc gây hấn và xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Sau những tuần đầu để yên, chính quyền sau đó đã thẳng tay trấn áp những người biểu tình đó, thậm chí gọi họ là những kẻ “phản động”.

Sau các cuộc biểu tình đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất xây dựng Luật Biểu tình và đã giao cho Bộ Công an chuẩn bị dự thảo luật để “cụ thể hóa quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận, cũng như đáp ứng đòi hỏi thực tế, để sinh hoạt chính trị này diễn ra nề nếp, trật tự”.

Nhưng qua cuộc thảo luận tại Quốc hội vừa qua, một số đại biểu Quốc hội lại không đồng ý với luật biểu tình, thậm chí đại biểu Hoàng Hữu Phước, không biết căn cứ vào đâu, đã tuyên bố :” Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình”, cho nên ông đề nghị loại bỏ luật này ra khỏi danh sách luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 8. Sau đó, trả lời tở Tuổi Trẻ, ông Hoàng Hữu Phưóc còn khẳng định là “ khi nào trình độ dân trí cao hơn” thì mới có thể ban hành Luật biểu tình.

Trong khi đó, nhiều đại biểu khác, mà đặc biệt là đại biểu Dương Trung Quốc, thì cho rằng cần phải có Luật biểu tình, vì luật này sẽ có tác dụng tích cực cho xã hội. Hơn nữa, đây chỉ là cụ thể hóa một trong những quyền tự do đã được ghi từ lâu trong Hiến pháp Việt Nam.

Dầu sao quyết định là tùy thuộc vào Thủ tướng, chứ không phải các đại biểu Quốc hội. Trả lời các câu hỏi của đại biểu ngày 25/11, ông Nguyễn Tấn Dũng đã gián tiếp áp đặt Luật biểu tình khi khẳng định : “Làm Luật biểu tình là phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân”. Ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rằng Luật biểu tình cũng là nhằm “ ngăn chận những việc làm, hành vi gây xâm hại an ninh trật tự, lợi ích của xã hội, nhân dân”.

Cho nên, cuối cùng Luật biểu tình đã được đưa vào thảo luận về chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa 13.

Chưa biết là luật này có sẽ thật sự bảo đảm quyền tự do biểu tình của người dân, hay nó sẽ là một công cụ để kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền này, với lý do ngăn chận “ những kẻ “phản động”, lợi dụng biểu tình để “gây phương hại cho xã hội”. Một điều chắc chắc là Luật biểu tình sẽ đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến các quyền tự do dân chủ khác ở Việt Nam, đặc biệt là quyền tự do lập hội hay quyền tự do ngôn luận, mà cho tới nay vẫn bị hạn chế gắt gao ở Việt Nam.

Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn với đại biểu Dương Trung Quốc về vấn đề Luật biểu tình ở Việt Nam:


Đại biểu Dương Trung Quốc
05/12/2011
by Thanh Phương
RFI: Xin chào đại biểu Dương Trung Quốc. Trước hết xin được hỏi là vì sao cho đến nay chúng ta mới nghĩ đến chuyện làm Luật biểu tình, trong khi quyền biểu tình đã được quy định từ lâu trong Hiến pháp?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Không chỉ có Luật biểu tình mà còn có nhiều nội dung khác của Hiến pháp chưa được thực thi trong thực tế, ví dụ như quyền lập hội. Vấn đề Luật biểu tình đã nhiều lần được đặt ra, kể cả những vị lãnh đạo cao cấp, ngay trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng có lẽ theo thời gian, người ta cũng quên rằng đó là điều cần thiết. Cho nên không phải tự nhiên mà gần đây và đặc biệt là trong Quốc hội khóa mới này, vấn đề đó được nêu ra một cách trực diện hơn.

Ngay trong kỳ họp đầu tiên, khi đề cập đến chương trình hoạt động của Quốc hội khóa này, đã có những ý kiến đầu tiên. Tôi cũng là một trong những người đầu tiên đặt vấn đề về Luật biểu tình. Nó liên quan đến thực tiễn đang diễn ra rất sôi động. Tôi không nói đến tác động, tiếng vang từ những cuộc biểu tình tại những nơi xa xôi, mà ngay ở Việt Nam, đặc biệt là với những sự kiện liên quan đến Biển Đông.

Cá nhân tôi thì nhận xét là chính phủ đã rất lúng túng khi giải quyết việc này. Một mặt thì rất muốn chia sẻ với đồng bào về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, nhưng mặt khác thì cho rằng cách biểu hiện như thế là không có lợi cho cách giải quyết với Trung Quốc.

Chính vì thế mà đã xảy ra nhiều chuyện có thể nói là cười ra nước mắt được. Không biết đó là “ người yêu nước”, hay người “ phá rối trật tự”; không biết là cách ứng xử của cơ quan bảo vệ pháp luật như thế là đúng hay không đúng...

Chính vì thế chúng tôi nghĩ rằng cần phải có Luật biểu tình, nhìn từ cả hai phía. Thứ nhất, đây là quyền của người dân. Thứ hai, đây là công cụ để Nhà nuớc điều chỉnh. Có lẽ từ trong thực tiễn ấy mà vấn đề được đặt ra một cách sát sườn hơn, để ứng phó với hiện tượng xã hội đang diễn ra và theo xu thế, chắc chắc sẽ ngày càng phổ biến hơn. Có luật còn hơn là không có luật. Có quan điểm rõ ràng về cách hành xử của công dân, cũng như của cơ quan bảo vệ pháp luật còn hơn là lúng túng không biết xử lý như thế nào cho phải.

RFI: Khi nói đến Luật biểu tình thì chắc chắn là các nhà làm luật phải nghĩ đến chuyện chúng ta được phép biểu tình để làm gì. Ở Việt Nam cho đến nay, khi nói đến biểu tình là người ta nghĩ ngay đến chuyện chống đối. Theo ông, luật có nên quy định những điều được làm hay không được làm khi tổ chức biểu tình?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Nếu chỉ nghĩ rằng biểu tình là chống chính phủ, thì đó là một cái nhìn phiến diện. Có thể là do một mặc cảm về lịch sử nào đó chăng? Chỉ nhìn trong lịch sử Việt Nam, hiện tượng biểu tình đã có từ rất sớm. Ngay từ năm 1919, khi những người yêu nước Việt Nam ký chung một văn kiện với tên chung là Nguyễn Ái Quốc gởi cho hội nghị Versailles, họ cũng đã xác định rất rõ đó là những quyền cơ bản, quyền phổ quát của con người.

Vào lúc đó, thực dân Pháp giải thích rằng người Việt chưa đủ trình độ dân trí để nắm được công cụ ấy. Nhưng chỉ hơn 25 năm sau, với Cách mạng tháng 8, Nhà nước Việt Nam ra đời. Chỉ hơn 10 ngày sau, ngày 13/9, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động ký một sắc lệnh về quyền biểu tình và đã giải thích rất rõ rằng biểu tình là một dạng thái của quyền hội họp.

Trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp như lúc ấy, cần có luật để làm cho tình hình có thể kiểm soát được, để yếu tố tích cực tác động vào đời sống xã hội, vào nền độc lập vừa mới hình thành. Và nếu xem kỹ lịch sử, thì Luật biểu tình cuối cùng là công cụ rất mạnh của những người cách mạng, của Nhà nước cách mạng.

Chúng ta đã có thể huy động hàng chục vạn người ra Nhà hát lớn Hà Nội để nghe chính phủ giải thích và ủng hộ hiệp định sơ bộ mùng 6 tháng 3. Hiệp ước này đã bị phê phán rất nhiều, nhưng khi đã được công khai, minh bạch ra, thì được dân ủng hộ. Ngoài ra còn có những cuộc biểu tình thể hiện tinh thần độc lập dân tộc chằng hạn. Biểu tình không phải chỉ là chống chính phủ. Chống hay không chống là do chính cái chính phủ ấy. Nếu chính phủ ấy hợp lòng dân thì sẽ có những cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ và ngược lại.

Ngay từ cuối năm 1946, bản Hiến pháp đã ghi rõ quyền hội họp và đến năm 1959 được cụ thể hoá thành quyền biểu tình. Thế thì điều đó đã được ngay chính Nhà nước cách mạng xác lập rồi. Đương nhiên, sau đó chúng ta có thể lấy lý do một thời kỳ chiến tranh rất dài, nhiều quan niệm về xã hội, về tổ chức xã hội, về công dân chưa được định hình lại. Nhưng không thể để kéo dài mãi được. Cho nên đến bây giờ tôi cho rằng Luật biểu tình là cần thiết, nhìn từ cả hai phía: quyền của người dân và công cụ pháp luật để Nhà nước giữ gìn trật tự.

Đương nhiên Nhà nước nào cũng muốn định hướng hành vi biểu tình ấy có lợi cho Nhà nước. Nhưng ngược lại cũng phải thấy rằng khi người dân biểu tình chính là họ bức xúc, họ phản đối một cái gì đó. Phải xem cái phản đối ấy đúng hay sai. Rất nhiều cuộc biểu tình tưởng là chống chính phủ, nhưng thật ra là họ ủng hộ chính phủ, nhưng vì có những người làm sai chính sách của chính phủ,

Tôi lấy ví dụ những cuộc biểu tình ở Thái Bình đã diễn ra cách đây mấy chục năm rồi, vào thời kỳ bắt đầu đổi mới. Nếu nhìn bề ngoài thì rõ ràng là một cuộc bạo loạn của nông dân. Nhưng sau khi đi sâu sát thực tế, chính các nhà lãnh đạo thời đó thấy rõ hai mặt của vấn đề: có vấn đề về tổ chức xã hội, có vấn đề kích động, có vấn đề do người dân chưa được tuyên truyền đầy đủ, nhưng ngược lại cũng phát hiện nhiều sai sót trong bộ máy cầm quyền. Đương nhiên Nhà nước phải làm sao để triệt tiêu những yếu tố tiêu cực, hiểu theo nghĩa là có hại cho Nhà nước, để từ đó kích thích, tổ chức lại xã hội theo hướng có lợi cho mình.

Những cuộc biểu tình ở các nước phát triển chính là góp phần sắp xếp lại xã hội: người dân vẫn được thỏa mãn điều của họ, nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ. Người cầm quyền nào mà khôn ngoan thì họ sẽ triệt tiêu dần những yếu tố không có lợi và phát huy những mặt có lợi cho họ.

Đến lúc này, biểu tình là quyền phổ quát của thế giới, chúng ta không thể không thừa nhận được. Không lẽ ở trong nước đang đấu tranh chống hiện tượng luật treo, tức là luật không đi vào đời sống được vì không có văn bản hướng dẫn, không lẽ để cả Hiến pháp treo à? Hiến pháp 65 năm nay đã đề rõ quyền ấy, mà lại chưa được cụ thể hóa bằng một văn bản nào để người dân vừa thực thi quyền đó, nhưng thực thi trong khuôn khổ pháp luật. Và Nhà nước cũng có căn cứ pháp luật để ứng phó với các cuộc biểu tình.

RFI: Thưa ông Dương Trung Quốc, nếu nhìn kỹ thì quyền biểu tình này có liên quan đến những quyền khác, chẳng hạn như quyền lập hội, vì thường biểu tình là theo lời kêu gọi của một tổ chức, một công đoàn hay một hiệp hội. Cùng một lúc với Luật biểu tình, chúng ta có cần phải bàn về quyền lập hội?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Quyền lập hội cũng đã được soạn thảo và được đem ra bàn thảo ở Quốc hội từ rất lâu rồi, nhưng đương nhiên những người lãnh đạo ý thức được tính chất nhạy cảm của nó, nhất là trong thời kỳ thế giới rất phức tạp như hiện nay, Việt Nam hội nhập thế giới về rất nhiều yếu tố. Nhưng không phải vì lý do ấy mà chúng ta không làm. Có điều phải có một lộ trình đúng, có một giải pháp tốt. Tôi nghĩ nhà cầm quyền Việt Nam đã kế thừa được cả một truyền thống khá lâu dài, được thể hiện trong thời kỳ chiến tranh, tức là biết đoàn kết, tổ chức mọi lực lượng xã hội. Nếu biết khai thác những tổ chức chính trị và biết tin vào dân thì có thể tìm ra giải pháp tốt ngay trong bối cảnh hiện nay. Ở Quốc hội cũng đã có đại biểu nói là chưa cần có luật về hội, nhưng trên thực tế đã có hàng trăm hội rồi, cho dù vẫn còn nằm trong khuôn khổ của một tổ chức chính trị là Mặt trận Tổ quốc. Nếu có luật thì có phải là hội sẽ được phát triển một cách lành mạnh hơn không?

Đương nhiên khi nói vấn đề đó thì tôi cũng ý thức được tính nhạy cảm, nhạy cảm từ trong nhận thức, từ người dân cho đến lãnh đạo, nhạy cảm từ trong thực tiễn, diễn biến xã hội ngày càng phức tạp, trong một thế giới ngày càng biến động như hiện nay. Nhưng không phải vì thế mà bảo rằng chúng ta chưa đủ trình độ để được hưởng quyền này, mà phải bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu thấu đáo, để làm sao đạt mục tiêu thực thi quyền này, những vẫn bảo đảm lợi ích của xã hội, kể cả của chế độ nữa.

RFI: Thưa ông Dương Trung Quốc, Luật biểu tình cũng đặt ra vấn đề về quyền tự do ngôn luận, bởi vì khi người dân biểu tình thì thường là để phản đối một chính sách, hoặc phản đối chính phủ về một vấn nào đó. Trong khi ở Việt Nam thì quyền tự do ngôn luận còn bị hạn chế bởi những điều khoản trong luật hình sự, cụ thể là điều 88 về tội “ tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam ”. Làm sao có thể dung hoà quyền tự do ngôn luận liên quan đến quyền biểu tình với những điều khoản đó của luật hình sự.

Đại biểu Dương Trung Quốc: Có lẽ chúng ta đang bàn đến những luật chưa có và kể cả khi có luật rồi thì phải hiểu luật đó như thế nào. Luật báo chí đã có rồi, nhưng vận dụng như thế nào thì có những vấn đề của mỗi một thời kỳ lịch sử. Bây giờ chúng ta đừng liên hệ quyền biểu tình với quyền tự do báo chí. Tự do báo chí thì ít nhất đã có luật rồi, còn vận dụng như thế nào thì là cả một quá trình vận động của nó, kể cả từ nhận thức của Nhà nước về quyền của người dân, như thế nào là quyền tự do báo chí, nói như thế nào, có “lề phải” “lề trái” hay không, cho đến ý thức của người làm báo. Tôi nghĩ đây là hai việc rất khác nhau. Ta đang bàn đến chuyện là có Luật biểu tình hay không, chứ không bàn về Luật báo chí.

RFI: Thật ra đây không phải là nói về tự do báo chí mà là quyền được phát biểu, vì khi biểu tình thì người ta sẽ hô các khẩu hiệu, giuơng các biểu ngữ...

Đại biểu Dương Trung Quốc: Tôi xin nhắc lại vấn đề đây là vận dụng luật pháp, cả phía Nhà nước là cơ quan quản lý và bản thân người làm báo. Anh cũng thừa hiểu là hệ thống báo chí ở Việt Nam theo truyền thống là một vũ khí tuyên truyền. Bước sang thời kỳ hiện nay, những tiêu chí nào để xác định thế nào là tự do báo chí thí đó là cả một quá trình vận động. Ai cũng mong muốn là nó ngày càng nới rộng hơn, nhưng mỗi quốc gia có những nét đặc thù, có hoàn cảnh riêng. Cón quốc gia đó có hội nhập với tiêu chí chung của thế giới chưa, đó là cả một quá trình phấn đấu.

RFI: Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người đã đề xuất Luật biểu tình, nhưng ông lại giao cho Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Điều đó có đáng quan ngại hay không, vì Luật biểu tình liên quan đến các tổ chức quần chúng, mà trên hết là Mặt trận Tổ quốc. 

Đại biểu Dương Trung Quốc: Việc giao cho các cơ quan hành pháp soạn thảo luật đã trở thành thông lệ ở Việt Nam từ lâu rồi, mặc dù là bây giờ Quốc hội cũng khuyến khích các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp hoặc các cá nhân đưa ra sáng kiến luật pháp. Nhưng làm được điều đó là cả một quá trình, liên quan đến nhân lực, nghiệp vụ.

Dù cho cơ quan công an là nơi có liên hệ trực tiếp nhất về vấn đề này, họ có nhiều kinh nghiệm. Đương nhiên người ta sẽ e ngại rằng họ sẽ đứng về phía một lợi ích nào đó. Điều đó có thể xảy ra. Nhưng quan trọng là Quốc hội. Quốc hội có thể hiện được vai trò của mình hay không.

Trong quá trình soạn thảo đương nhiên là cần có sự tham khảo của những tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp có liên quan, như Mặt trận Tổ quốc. Thế còn Quốc hội tham gia đến mức độ nào, thể hiện đến mức độ nào bản lĩnh, nhận thức, sự đồng thuận của mình trong quyết định cuối cùng hay không. Đó lại là vấn đề tiếp theo.
RFI: Theo ông, Luật biểu tình khi nào mới có thể được thông qua?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Về thời gian thì tôi không thể nói được vì nhất là cơ quan soạn thảo do chính phủ chủ động tổ chức. Tôi chỉ mong muốn là quá trình ấy thu hút được nhiều ý kiến, càng rộng rãi bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, thông qua các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, để luật đi sát với đời sống hơn và gần với những giá trị phổ quát hơn. Cuối cùng vẫn là trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội là những người thông qua luật.

Luật này chắc chắn là rất nhạy cảm, cho nên nó rất cần thiết, nhưng cũng phải có một lộ trình, có sự thận trọng nhất định. Cả về phía nhu cầu người dân, cả về phía nhu cầu Nhà nước sẽ quyết định khi nào luật này ra đời.

RFI: Xin cám ơn ông Dương Trung Quốc.

5/12/11

Chuyên mục: Thấy mà ngán ngẩm 12/2011



Người mẹ ngất lịm tiễn đưa 2 con chết đuối ( VietnamNet 6/12/2011 )


"Buổi chiều định mệnh ngày 5/12, cũng như bao lần khác, hai chị em Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Thị Hà lại chở nhau bằng xe đạp qua cây cầu Long Giang rộng chưa đầy 2m. Trên cầu không có một thanh ngang chắn bảo vệ.

Rồi tai hoạ bỗng dưng ập đến khi hai cô bé phải tránh chiếc xe ngược chiều và rơi xuống sông"

Chế biến thức ăn cho học sinh trong bụi bẩn ( VnExpress 6.12.11 )
 “Tôi không thể ngờ nơi nấu ăn cho các cháu lại đặt trên khu đất mà ở đó có cả nhà máy chế biến đá hoa cương, cửa hàng bán dầu nhớt và một xưởng sản xuất phân bón, thuốc tăng trưởng cây trồng, thuốc trừ sâu và thức ăn gia súc... Mỗi khi các khu xưởng này hoạt động thì bụi bặm và mùi hôi theo gió bay khắp nơi”, vị phụ huynh bức xúc.

Phát sợ với cơm sinh viên ôi thiu ở làng Đại học ( VietnamNet 6/12/11 )

Nhiều bạn sinh viên phản ánh với chúng tôi sau khi ăn những bữa cơm bẩn như thế này: “Trước đây, khi còn tự nấu ăn cho riêng mình thì ăn cảm thấy rất ngon. Nhưng đôi lúc việc học chồng chéo, tụi em phải ghé quán ăn cho qua ngày. Nhưng ngày chưa qua mà họa đã đến…đang buổi học bụng sôi sùng sục và tiếp đó bị “tào tháo” rượt đuổi gần chết”.

Biển báo đánh đố tại hầm Thủ Thiêm ( VnExpress 5.12.11 )

"Theo người dân, biển báo cấm này có quá nhiều chữ trong khi chữ viết lại khá nhỏ nên người đi đường nếu muốn đọc hết nội dung thì phải dừng lại ít nhất một phút. "

Thực phẩm bẩn dồn dập về thành phố   ( Dân Trí 5.12.11 )

Theo bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật ATVSTP VN - cho biết: “Gần đây có nhiều thông tin về những sản phẩm nội tạng động vật đông lạnh không rõ xuất xứ được vận chuyển trên thị trường. Cần phải làm rõ nguồn gốc những sản phẩm nội tạng động vật có xuất xứ từ đâu. Vì những bộ đồ lòng, nội tạng, chân móng động vật nhiều nước không sử dụng, bỏ đi. Món ăn chế biến từ những sản phẩm động vật bị hư, hôi thối rất độc hại, nhất là các sản phẩm động vật có hóa chất bảo quản”.

Thịt thối tràn vào bữa ăn  ( Lao Động 5.12.11 )

Ông Tâm cho biết, số thịt trên mua lại từ các chủ hàng ở các tỉnh, sau đó ngâm tẩm lại hóa chất Sunfua dioxit. “Hóa chất này còn làm cho thịt bị hư thành thịt đỏ tươi như vừa mới ra lò sau khi được ngâm khoảng 20 phút”- Ông Khương Trần Phúc Nguyên- Trưởng Trạm Thú y huyện Bình Chánh cho biết.

 Khám bệnh siêu tốc ở VN: 1 phút 1 người! ( VietnamNet 5.12.11 )


Từng đưa con đi khám bệnh về đường tiêu hóa tại bệnh viện Nhi TW, chị Oanh cho biết, chị rất lo lắng về cách khám chữa bệnh hiện nay: “Bác sỹ gặp cháu hỏi sơ sơ là cháu bị làm sao, vừa hỏi bác sỹ vừa ghi chép điều gì đó, thi thoảng mới quay sang nhìn. Nói chuyện được vài câu thì bác sỹ chỉ định đi xét nghiệm, siêu âm ổ bụng mà không có giải thích gì để gia đình biết là cháu có thể bị bệnh gì”.

Lấy đường phố làm… sân trường ( Thanh Niên 5.12.11 )

" Anh Nguyễn Văn Bình làm nghề xe ôm ở trước cổng trường cho biết, đã nhiều lần chứng kiến các em gặp tai nạn giao thông khi ra đường chơi trong giờ nghỉ giải lao, nhẹ thì xây xát, nặng thì đi cấp cứu."

Sách chuẩn không chuẩn ( Tiền Phong Online 5.12.11 )

"Ở môn hóa học bậc THPT, thầy Phạm Văn Trường, giáo viên Trường THPT QL, Nghệ An, băn khoăn: “Khi làm một số thí nghiệm theo yêu cầu của SGK, tôi cũng như nhiều giáo viên khác cứ tự hỏi không rõ là các tác giả viết SGK đã làm hay chưa! Một vài thí nghiệm chúng tôi và HS làm đi làm lại vẫn không thành công, gây mất thời gian."