31/12/11

Bắc Triều Tiên có thể gia tăng trấn áp những người vượt biên

Giới tuyến liên Triều, ở Paju, 55 km bắc Séoul
Giới tuyến liên Triều, ở Paju, 55 km bắc Séoul
REUTERS/Lee Jae-Won

Thanh Phương
Những nhà hoạt động giúp người tỵ nạn Bắc Triều Tiên đang sợ là sau cái chết của Kim Jong Il, chế độ Bình Nhưỡng sẽ gia tăng trấn áp những người tìm cách đào thoát khỏi quốc gia Cộng sản này.

Có thông tin cho rằng Bắc Triều Tiên đã tăng cường tuần tra ở biên giới với Trung Quốc, cũng như gia tăng kiểm soát những nơi công cộng để ngăn chận những vụ đào thoát, sau khi Kim Jong Il qua đời ngày 17/12.
Theo lời Kim Seung-Eun, một mục sư chuyên giúp người tỵ nạn Bắc Triều Tiên, cả Trung Quốc lẫn Bắc Triều Tiên đều đã tăng cường lực lượng biên phòng. Vị mục sư này cũng cho hãng tin AFP biết, ông không thể gọi điện cho phần lớn những liên lạc viên ở miền Bắc. Điện thoại di động của họ đều tắt, có thể là để tránh bị công an theo dõi.

Những nhà hoạt động giúp người tỵ nạn Bắc Triều Tiên dự báo, chế độ Bình Nhưỡng sẽ hạn chế nghiêm ngặt hơn sự đi lại của dân chúng trong thời gian chuyển giao quyền hành cho Kim Jong-Un.
Những thông tin từ các trang web của những người đào thoát hiện sống ở Seoul cho biết là ngay cả trước khi ông Kim Jong-Il qua đời, đích thân con trai Kim Jong-Un đã chỉ đạo quân đội và công an tăng cường kiểm soát biên giới và gia tăng trấn áp những người vượt biên.

Kể từ sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, tổng cộng đã có khoảng 230 ngàn người Bắc Triều Tiên đào thoát để sang Hàn Quốc. Đại đa số những người tỵ nạn này đã vượt biên trong những năm gần đây.

Vì không thể vượt qua biên giới giữa hai miền, những người đào thoát thường tìm đường sang Trung Quốc, trốn ở đây một thời gian, rồi tìm cách sang một nước thứ ba, chẳng hạn như Thái Lan hay Việt Nam, để từ đó xin tỵ nạn ở Hàn Quốc.
Đi tiên phong trong việc cứu trợ những người đào thoát từ Bắc Triều Tiên là các tổ chức Tin Lành của Hàn Quốc. Các mạng lưới nhà truyền giáo hoạt động ở Trung Quốc giúp người đào thoát vượt biên theo một đường dây bí mật.

Nhưng vấn đề là, Trung Quốc xem những người Bắc Triều Tiên đào thoát là di dân kinh tế hơn tỵ nạn chính trị, cho nên vẫn trả họ về nước, bất chấp những chỉ trích của các tổ chức nhân quyền rằng những người bị cưỡng bức hồi hương sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Theo thẩm định của Liên minh Công dân vì Nhân quyền Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh đã hồi hương mỗi năm khoảng 5.000 người tỵ nạn Bắc Triều Tiên.

Các nhà hoạt động lo ngại là, vì muốn củng cố quan hệ với chế độ Kim Jong-Un và ngăn ngừa bất ổn định ở biên giới, Trung Quốc cũng sẽ tỏ ra cứng rắn hơn đối với người tỵ nạn Bắc Triều Tiên, mà con số hiện được ước lượng là khoảng 100 ngàn. Như vậy, những người này càng có nguy cơ bị bắt giữ và bị trả về Bắc Triều Tiên.

Theo lời mục sư Chun Ki-Won, thuộc tổ chức Durihana chuyên giúp đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên, các nhà truyền giáo của họ đang hoạt động ở Trung Quốc cũng đang phải lẩn trốn để tránh bị bắt.

Không có nhận xét nào: