Một người dân ở Yangon cầm tờ báo ngày 3/12/2011 có in hình lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi ôm hôn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Reuters
Trong một bài phóng sự đăng tải hôm nay, hãng tin AFP trích lời một phụ nữ bán báo ở Rangun : “Chúng tôi nhìn thấy bóng của dân chủ và chúng tôi muốn tự do. Chúng tôi được tự do hơn trước đây, báo chí được tự do hơn.”
Cách đây sáu tháng, người bán báo này đã không dám công khai nói lên chữ “ dân chủ”. Nhưng nay, trên sạp báo của cô đầy những bức ảnh chụp bà Aung San Suu Kyi với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Hiện giờ, Miến Điện vẫn còn duy trì một trong những đạo luật báo chí khắt khe nhất thế giới, cho nên nước này đã bị tổ chức Phóng viên không biên giới xếp hạng 174 trên 178 quốc gia trong bảng xếp hạng về tự do báo chí.
Theo Uỷ ban bảo vệ nhà báo ( CPJ ) của Mỹ, hiện vẫn còn 18 phóng viên đang ngồi tù ở Miến Điện. Một số người cũng đang bị giam vì đã nói chuyện với giới báo chí khi xảy ra cơn bão Nargis năm 2008, đã khiến 138 ngàn người thiệt mạng.
Trả lời AFP, ông Than Htut Aung, chủ tịch hệ thống truyền thông Eleven Media, cho biết: “Chúng tôi có thể viết tự do về một số chủ đề. Nhưng chúng tôi chưa có quyền bày tỏ những chính kiến khác biệt. Chúng tôi không được chuyển tải tiếng nói của các gia đình tù chính trị, cũng như bàn về việc trả tự do cho họ”.
Ngay chính trong hệ thống truyền thông của ông, một chủ biên đã từng bị tuyên án tử hình về tội “phản quốc” vào năm 2003 chỉ vì hai bài báo về bóng đá. Sau đó, bản án đã được giảm xuống còn 3 năm tù. Vào tháng 11 năm ngoái, tuần báo thể thao “First Eleven Sport” cũng đã bị đình bản trong 15 ngày.
Theo các nhà quan sát, trong giới lãnh đạo Miến Điện hiện đang có sự đối đầu quyết liệt giữa một bên là các thành phần bảo thủ và bên kia là các thành phần cấp tiến, đang muốn mở rộng hơn nữa không gian truyền thông.
Cho nên, đã có những dấu hiệu mâu thuẫn nhau: trong tháng 9, các trang web của đài BBC và đài Tiếng nói Dân chủ Miến Điện DVB đã có thể được truy cập trở lại, nhưng trong cùng thời gian đó, một nhà làm phim của đài DVB lại bị thêm 10 năm tù. Môt thành viên của Uỷ ban bảo vệ nhà báo CPJ nhắc lại là ở Miến Điện, các đạo luật cho phép cầm tù phóng viên vẫn chưa được bãi bỏ.
Tuy vậy, tình hình đã thay đổi đáng kể, nhất là kể từ khi chính người lãnh đạo cơ quan kiểm duyệt Tint Swe đã tuyên bố cách đây vài tuần là việc kiểm duyệt “không phù hợp với những cách hành xử dân chủ” và cần phải được dẹp bỏ. Việc kiểm duyệt vừa được bãi bỏ đối với tổng cộng 54 nhật báo, tạp chí. Còn các tờ báo thời sự tổng quát thì sẽ được hưởng chế độ “ tự kiểm duyệt”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét