31/12/11

Hệ thống ngân hàng Việt Nam cần được tái cơ cấu để đạt chuẩn quốc tế

Tại một ngân hàng ở Hà Nội. Hệ thống ngân hàng Việt Nam cần được tái cơ cấu để thu hút đầu tư ngoại quốc.
Tại một ngân hàng ở Hà Nội. Hệ thống ngân hàng Việt Nam cần được tái cơ cấu để thu hút đầu tư ngoại quốc.
Reuters
Thanh Phương 19/12/2011
 
Nhân hội nghị các nhà tài trợ 2011 diễn ra tại Hà Nội, ngày 6/12 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã loan báo việc hợp nhất ba ngân hàng thương mại cổ phần là Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn. Việc loan báo sự hợp nhất ba ngân hàng nói trên một phần cũng là nhằm đáp lại một trong những khuyến cáo của các nhà tài trợ tại hội nghị ở Hà Nội, đó là Việt Nam phải nhanh chóng tái cơ cấu ngành tài chính, trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài như hiện nay.

Tại hội nghị các nhà tài trợ, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa nhận định một thực trạng, đó là: "Các ngân hàng Việt Nam hiện đang không có đủ vốn để cho vay, trong khi đó tỉ lệ nợ xấu và mức độ rủi ro tăng, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Cải cách khu vực này là phải giải quyết các vấn đề mang tính cơ cấu, làm sao để hệ thống ngân hàng Việt Nam có đủ vốn, đáng tin cậy, hoạt động nghiêm túc, giảm nợ xấu và các nguy cơ rủi ro được quản lý trên các cơ sở vững chắc".

Nói chung, các nhà tài trợ cho rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam cần nâng cấp các tiêu chuẩn lên cho ngang bằng với tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về kế toán và kiểm toán và minh bạch.

Trong báo Báo cáo chương trình tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2011-2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, Việt Nam sẽ phấn đấu trong 5 năm tới có từ 1-2 ngân hàng lớn “đủ sức cạnh tranh với khu vực” và có 10-15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột cho hệ thống ngân hàng quốc gia. Đồng thời, Việt Nam vẫn duy trì phát huy những ngân hàng có qui mô vừa và nhỏ, những tổ chức tín dụng nhỏ “hoạt động lành mạnh”.

Nhưng việc tái cơ cấu phải được tiến hành như thế nào để bảo đảm tính vững chắc của hệ thống ngân hàng Việt Nam để ngân hàng thật sự là động lực cho tái cơ cấu nền kinh tế và qua đó thu hút đầu tư ngoại quốc vào khu vực này. Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từ Hà Nội.


Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

 
 
RFI: Xin kính chào ông Lê Đăng Doanh, trước hết, ông có nhận định như thế nào về thực trạng của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay?

Ông Lê Đăng Doanh: Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có một bước phát triển vượt bực trong quá trình cải cách và phát triển kinh tế. Cụ thể là hiện nay, tổng mức tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã lên tới 125 đến 135% GDP. Đấy là một mức tín dụng tương đối lớn.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay có khoảng 80 ngân hàng lớn nhỏ. Đó là một con số tương đối lớn so với hệ thống ngân hàng trên thế giới, mặc dù là trong số đó có khoảng 30 ngân hàng quốc gia, nhưng các ngân hàng nhỏ cũng rất nhiều. Tuy số ngân hàng nhiều như vậy, nhưng các chỉ tiêu về phát triển ngân hàng lại chưa cao. Cụ thể là hệ số sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế cũng còn rất cao. Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng cũng còn thấp. Hệ số giao dịch qua ngân hàng chưa cao.

Quan trọng hơn nữa, chất lượng và công nghệ của ngân hàng Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của quốc tế. Việt Nam vẫn còn áp dụng những chuẩn mức ngân hàng riêng biệt, chưa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

RFI: Thưa ông Lê Đăng Doanh, tình trạng lạm phát tăng nhanh, thâm thủng mậu dịch vẫn ở mức cao và tiền đồng sụt giá đã có tác động như thế nào đến hệ thống ngân hàng Việt Nam ?

Ông Lê Đăng Doanh: Trong một thời gian khá dài, hệ thống ngân hàng của Việt Nam đã phát triển rất nhanh, tức là hàng năm, mức tăng tiền tệ lên tới 32% và mức tăng tín dụng lên tới 37%, có năm tăng lên tới 40%. Có nghĩa là chúng ta đã sử dụng ( nguồn tiền đó ) quá nhiều để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều đó khiến lạm phát tăng cao, bởi vì số tiền đó được huy động, nhưng đầu tư trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước lại kém hiệu quả. Vì vậy, hệ thống ngân hàng đã bị tổn thương.

Thứ hai, do ở Việt Nam, hệ số lạm phát thì cao, niềm tin vào đồng tiền thì thấp. Cho nên, người dân Việt Nam đang có trong tay, theo ước đoán, khoảng 300 đến 500 tấn vàng và từ 12 đến 14 tỷ ngoại tệ tiền mặt. Số ngoại tệ mà người dân và doanh nghiệp đang gởi ở ngân hàng cũng lên đến khoảng 21 tỷ đôla. Đầy là một số ngoại tệ tương đối lớn.

Trong tình hình lạm phát cao, lãi suất ngân hàng cũng tăng cao và vì vậy, người ta đã chuyển sang vay bằng đôla với lãi suất 6%, thay vì vay bằng tiền đồng Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam sử dụng tiền đồng, nhưng số vay bằng đồng đôla nay lên tới 7,6 tỷ đôla và số tiền đó phải được trả lại trong thời gian tới. Cho nên tỷ giá đồng Việt Nam chịu một sức ép tương đối lớn, do nhập siêu của Việt Nam hàng năm vẫn là từ 10 đến 12 tỷ đôla, một tỷ lệ rất cao và trong nhiều năm vẫn có thâm hụt trong cán cân thanh toán. Điều này đã được cải thiện trong năm 2011. Lần đầu tiên, Việt Nam sẽ có cán cân thanh toán đương là 3,3 tỷ đôla. Đó là một tiến bộ đáng ghi nhận.

RFI: Việc sáp nhập ba ngân hàng cổ phần có phải là một yếu tố tích cực thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng?

Ông Lê Đăng Doanh: Trong tháng 12 này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải trình lên chính phủ một dự án tái cấu trúc các ngân hàng thương mại. Vấn đề mấu chốt là giải quyết các nợ xấu. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, số nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam đã tăng từ 2,8% lên đến 3,4%. Có người cho rằng tỷ lệ này đã lên tới 5%. Trong khi đó hãng Fitch đánh giá rằng tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể đã lên tới 13%.

Điều này cũng dễ hiểu vì trong thời gian qua, thị trường chứng khoán của Việt Nam đã giảm khoảng 18%. Thị trường chứng khoán Hà Nội thì giảm đến 40%. Có lẽ đây là mức sụt giảm lớn nhất ở châu Á-TBD.

Thị trường bất động sản cũng đóng băng. Trong khi đó, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán thu hút một số lượng vốn khá lớn của hệ thống ngân hàng thương mại. Vì vậy nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại đều có liên quan đến sự trì trệ của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Với tình hình như vậy, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam phải bao gồm, một là, giải quyết các nợ xấu, hai là, bảo đảm tiền gởi của người dân, ba là, bảo đảm nguồn thanh khoản cho các ngân hàng, bốn là, xây dựng các ngân hàng mạnh.

Dự án hiện nay chưa hoàn tất, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã làm mạnh tay với việc sát nhập ba ngân hàng nhỏ ở TP HCM, với sự trợ lực của ngân hàng BIDV. Khi nghe tin đó, người ta đã bắt đầu rút tiền ra. Nhờ có sự trợ lực của BIDV, việc rút tiền đã diễn ra suông sẻ, không gây đổ vỡ cho hệ thống ngân hàng. Thống đốc NHNN cũng nói là sẽ không có ngân hàng nào phá sản. Có nghĩa là Việt Nam sẽ tìm cách sáp nhập và bảo đảm sự an toàn của hệ thống ngân hàng, để tránh giảm sút niềm tin, dẫn đến sự rối loạn của hệ thống ngân hàng.
Chúng ta còn phải chờ xem vào đầu tuần này ba ngân hàng được sáp nhập ấy, với sự trợ lực của ngân hàng BIDV, sẽ có tên gì, được tổ chức ra sao, việc sáp nhập diễn biến ra sao. Cũng như chúng ta cũng chờ xem Việt Nam muốn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng từ điểm A hiện nay đến điểm B, thì cái điểm B ấy có hình thù như thế nào. Nó sẽ có tiêu chí Basel 3 hay có tiêu chí gì, công nghệ nào, mức độ an toàn ra sao và đặc biệt số ngân hàng được rút gọn xuống còn bao nhiêu.

RFI: Theo ông độ minh bạch của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay được bảo đảm như thế nào?

Ông Lê Đăng Doanh: Như tôi đã nói, hệ thống tiêu chí của Việt Nam khác với hệ thống tiêu chí của Ngân hàng Thế giới cũng như của hệ thống ngân hàng quốc tế. Ví dụ theo tiêu chí của NHTG, khi ông vay 5 tỷ đồng Việt Nam, nếu ông không trả được 500 triệu, thì cả 5 tỷ đồng là nợ xấu. Nhưng Việt Nam chỉ xem 500 triệu là nợ xấu, còn 4 tỷ 500 triệu còn lại là nợ chưa xấu. Thế thì tiêu chí của Việt Nam hiện nay còn khác với thế giới. Các con số và sự công khai minh bạch cũng còn khác.

Theo các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động của NHNN quy định là 14%, trong khi mức lạm phát là 18%, tức là lãi suất âm. Vì vậy, rất nhiều ngân hàng đã tìm cách lách luật. Ghi trên sổ lãi suất tiết kiệm là 14%, nhưng thực chất là có tiền thưởng, có những khoản này, khoản khác, để tăng lên đến khoảng 16, 17%.

Nếu anh có số tiền gởi lớn thì anh có thể đạt mức cao như vậy. để bảo đảm để thu hút tiền, để bảo đảm thanh khoản cho mình. Cho nên, tôi không loại trừ khả năng có tình trạng có hai sổ sách và báo cáo chưa được minh bạch.

Điều này chỉ có thể giải quyết được nếu kinh tế vĩ mô ổn định, nếu lạm phát giảm xuống và lãi suất là thực dương. Lúc ấy mới tránh được tình trạng ngân hàng lách luật như vậy để tồn tại.

RFI: Nhân việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Việt Nam nên có những bước gì đề khu vực này thật sự thu hút đầu tư của các ngân hàng ngoại quốc?

Ông Lê Đăng Doanh: Một là, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay cần phải được phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, chúng ta có tổng cộng 4 triệu hộ kinh doanh, 10 triệu hộ nông dân và khoảng 630 ngàn doanh nghiệp đã đăng ký. Các hộ doanh nghiệp này rất cần những tín dụng nhỏ.

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam chỉ phát triển chủ yếu ở thành phố, chứ chưa phát triển được bao nhiêu về nông thôn. Vì vậy, tỷ lệ giao dịch ngân hàng ở nông thôn và trong số các hộ kinh doanh nhỏ là còn rất thấp.

Các ngân hàng Việt Nam chưa vươn ra được bên ngoài. Cho nên, Việt Nam rất cần phát triển những ngân hàng lớn, có khả năng tài chính cỡ quốc tế. Việc tái cơ cấu này chính là một cơ hội để chúng ta thu hút các ngân hàng quốc tế lớn, các nhà đầu tư chiến lược, thành các cổ đông của các ngân hàng Việt Nam, và qua đó giúp hiện đại hóa các ngân hàng Việt Nam. Tiến trình này đã bắt đầu. Ví dụ như ngân hàng Mizuho của Nhật đã mua cổ phần của Vietcombank.

RFI: Xin cám ơn ông Lê Đăng Doanh.

Không có nhận xét nào: