18/1/12

Hiệp hội Xuất bản Quốc tế ra báo cáo về vấn đề kiểm duyệt ở Việt Nam

Nhà thơ Bùi Chát thuyết trình tại hội nghị IPA năm 2008 (DR)
Nhà thơ Bùi Chát thuyết trình tại hội nghị IPA năm 2008 (DR)

Thanh Phương 18/1/2011
 
Sau khi nhận giải thưởng Tự do Xuất bản 2011 ở Buenos Aires, Achentina trở về nước ngày 30/4/2011, nhà thơ Bùi Chát đã bị công an Việt Nam câu lưu để thẩm vấn và sau đó liên tục bị sách nhiễu. Sau sự kiện này, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế IPA đã cử phái đoàn đến tại chỗ vào tháng 11 nhằm tìm hiểu về tình hình xuất bản ở Việt Nam.

Dựa trên kết quả tìm hiểu trong chuyến đi đó, hôm qua 17/01/2012, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế đã công bố một bản báo cáo về tình trạng kiểm duyệt xuất bản ở Việt Nam.

Bản báo cáo cho biết, trong thời gian ở Việt Nam, phái đoàn IPA đã gặp nhà thơ Bùi Chát hai lần. Hiện giờ, hộ chiếu, máy tính xách tay cũng như giấy chứng nhận giải thưởng của ông vẫn còn bị tịch thu. Nhà thơ vẫn thường xuyên bị công an mặc thường phục theo dõi.

Trong bản báo cáo, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế ghi nhận rằng, ở Việt Nam, do hệ thống xuất bản phức tạp của Nhà nước, một số nhà xuất bản phải hoạt động không có giấy phép. Tiếp theo sau nhà xuất bản Giấy Vụn, ra đời cách đây 10 năm, hiện có khoảng 30 nhà xuất bản "chui" ở Việt Nam.

Cũng theo IPA, ở Việt Nam, việc kiểm duyệt sách là một quy trình rất phức tạp, không rõ ràng và rất quan liêu, trước khi và kể cả sau khi sách đã được xuất bản. Ví dụ gần đây nhất là một truyện tranh về thành ngữ Việt Nam - "Sát thủ đầu mưng mủ" - đã bị thu hồi vì nội dung và ngôn từ bị cho là xúc phạm.

Cũng theo báo cáo của IPA, các nhà xuất bản chui là đối tượng bị thẩm vấn và bị đe doạ thường xuyên. Tuy nhiên, cho đến nay không ai chính thức bị kết án tù. Các tác giả đã phát hành qua những nhà xuất bản chui thì cũng bị theo dõi thường xuyên. Một số đang ngồi tù vì những tội danh được tạo dựng nên.

Trong bản báo cáo, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế đề nghị một lộ đồ đến tự do xuất bản ở Việt Nam, mà trước hết là chính quyền phải trả vô điều kiện và ngay lập tức hộ chiếu cho Bùi Chát, cũng như giấy chứng nhận giải thưởng và máy tính xách tay của ông.

Thứ hai, IPA kêu gọi Việt Nam cấp tốc sửa đổi Luật Xuất bản năm 2004 để luật này phù hợp với Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, chẳng hạn : Chấm dứt độc quyền của Nhà nước về xuất bản, bãi bỏ Điều 10 của Luật xuất bản ( liệt kê danh sách những điều cấp kỵ trong hoạt động xuất bản, như Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phá hoại đoàn kết nhân dân ), . . .

Thứ ba, chiếu theo Nghị quyết được thông qua tại Đại hội lần thứ 28 ở Seoul vào tháng 5/2008, IPA kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho những nhà xuất bản, nhà văn, nhà báo và blogger đang bị cầm tù hoặc bị quản thúc chỉ vì đã hành xử quyền tự do ngôn luận theo quy định của Hiến pháp.

Nói chung, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế kêu gọi Việt Nam loại bỏ tất cả những hạn chế về quyền tự do xuất bản và tự do ngôn luận.

Không có nhận xét nào: