Thanh Phương
Bài đăng ngày 16/03/2009 Cập nhật lần cuối ngày 17/03/2009 15:12 TU
Trước hết, cuộc đụng độ Mỹ - Trung trên biển Đông không chỉ là một cuộc đối đầu giữa hai đại cường, mà qua hành động xách nhiễu tàu Hoa Kỳ, Bắc Kinh còn muốn khẳng định lại chủ quyền của ở khu vực mà họ gọi là biển Nam Trung Hoa. Trên tờ báo điện tử TuanVietnamNet ngày 13/3, tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên chuyên gia cao cấp thống kê Liên hiệp quốc, đã nhắc lại rằng:
" Trung Quốc tuyên bố nhiều lần là chủ quyền của họ là trên toàn biển Đông Nam Á, được xác định như một lưỡi bò, kéo dài từ Hải Nam đến tận Mã Lai. Với việc xác định như thế, toàn biển Đông Nam Á ( danh từ mà ông Vũ Quang Việt đề nghị đặt cho biển Đông ) là lãnh hải Trung Quốc, không còn phân biệt đâu là lãnh hải kể từ đường cơ sở xác định từ đất liền, đâu là vùng đặc quyền kinh tế và tất nhiên là không còn hải phận quốc tế nằm ngoài hai khu vực trên trên biển Đông Nam Á.
Nếu như thế, Việt Nam, Philippines và các nước khác mỗi lần đi qua biển Đông Nam Á trên nguyên tắc đều phải đặt dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Việc xác định chủ quyền trên toàn biển Đông Nam Á của Trung Quốc đi ngược lại hoàn toàn Luật biển Liên Hợp Quốc và những hành động của họ đã và đang trở thành mối đe dọa thường xuyên cho an ninh của các nước trong vùng và của tất cả các nước phải đi lại qua vùng Đông Nam Á."
Đối với tiến sĩ Vũ Quang Việt, vụ đụng độ nói trên càng cho thấy sự cần thiết phải liên kết với các nước Đông Nam Á và Mỹ để " phát huy ba quan điểm liên quan đến tự do lưu thông ở biển Đông Nam Á, chống lại việc dùng bạo lực xác định chủ quyền, và cổ vũ dùng thương thảo hòa bình đa phương để giải quyết tranh chấp. Không những thế, cần thành lập cơ chế hợp tác giữa ASEAN và Mỹ để phát huy, cổ vũ cho chiến lược trên."
Bên cạnh việc tìm thế liên kết với Mỹ và ASEAN, Việt Nam còn phải tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi hơn của quốc tế trong việc đòi chủ quyền trên biển Đông. Nhưng những người tích cực vận động nhất lại là ở hải ngoại, như giáo sư Nguyễn Văn Canh, nguyên là Thành Viên của Viện Nghiên Cứu Hoover tại Đại Học Stanford, Hoa Kỳ và là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam ở California, Hoa Kỳ. Hôm 11 tháng 3 vừa qua, giáo sư Nguyễn Văn Canh đã đến Nghị viện châu Âu để trình một Bạch thư về âm mưu của Trung Quốc chiếm đoạt Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Truớc đó, giáo sư Nguyễn Văn Canh đã ghe qua Paris để thuyết trình về Bạch thư này, nhân lễ truy điệu các chiến sĩ Hải quân VNCH đã hy sinh trong trận Hoàng Sa 1974, được tổ chức tại phòng họp của nhà thờ Saint-Hippolyte, quận 13. Tại đây, RFI đã có dịp phỏng vấn giáo sư Nguyễn Văn Canh. Mời quý vị bấm vào link dưới đây để nghe:
Tuy nhiên, việc vận động dư luận quốc tế chủ yếu phải xuất phát từ Việt Nam, mà nhất là giới học giả trong nước phải tích cực nghiên cứu về Trường Sa và Hoàng Sa, rồi phổ biến ra thế giới. Thế mà, theo như ghi nhận của tờ VietnamNet ngày 16/3, trong "cuộc chiến" này, giới học giả Việt Nam cũng bị giới học giả Trung Quốc lấn lướt. Cụ thể, bài báo cho biết:
"Hiện tại, Việt Nam chỉ có ba cơ quan nhà nước từng đặt vấn đề nghiên cứu chính thức về lãnh hải và luật biển (Vụ Biển thuộc Ủy ban Biên giới Quốc gia, Trung tâm Luật Biển và Hàng hải Quốc tế, Tổng cục Quản lý Biển và Hải đảo). Đếm số lượng các nhà nghiên cứu chuyên sâu vào vấn đề lãnh hải và Hoàng Sa - Trường Sa, tính cả người đã mất, thì “vét” trong cả nước được gần một chục người.
Còn Trung Quốc đã có hàng chục cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về tranh chấp lãnh hải và HS-TS từ hơn nửa thế kỷ qua. Ít nhất, có thể kể tới trung tâm nghiên cứu trực thuộc các trường đại học Bắc Kinh, Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Sơn, hoặc trực thuộc Ủy ban Nghiên cứu Biên cương, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, v.v…"
Hồ sơ thềm lục điạ mở rộng
Nhưng trước mắt, sự kiện tổng thống Phillippines ký ban hành luật về đường cơ sở đang đặt ra một vấn đề cấp thiết hơn, vì các nước ký kết Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS ) từ đây đến ngày 13/5/2009 phải nộp bản đăng ký thềm lục điạ mở rộng. Theo Công ước LHQ về Luật Biển, mỗi nước ven biển được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa là 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước đó. Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước ven biển có đặc quyền khai thác kinh tế đối với biển và đáy biển. UNCLOS cũng quy định là nếu thềm lục địa của nước ven biển kéo dài ra xa hơn 200 hải lý thì nước đó có đặc quyền khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong một vùng bên ngoài 200 hải lý gọi là thềm lục địa mở rộng.
Luật sư Lê Hữu Thống, thay mặt cho Uỷ ban luật gia bảo vệ dân quyền, một tổ chức ở hải ngoại, trong bài viết đề ngày 20/2, cho biết là họ đã nhiều lần khuyến cáo chính quyền Việt Nam là phải nhanh chóng lập hồ sơ mở rộng thềm lục địa để nộp cho LHQ nhưng Hà Nội vẫn chưa có động tĩnh gì. Trong bài này, luật sư Lê Hữu Thống nhắc lại rằng :
" Năm 1995, nhân kỳ Đại Hội Khu Vực Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) họp tại Brunei, Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Bảo Vệ Dân Quyền đã gửi 7 vị nguyên thủ quốc gia thuộc tổ chức ASEAN một bản tường trình về vụ tranh chấp tại Hoàng Sa Trường Sa trên bình diện công pháp quốc tế. (Lúc này Việt Nam đã gia nhập ASEAN). Trong phần kết luận, Ủy Ban Luật Gia yêu cầu Khối ASEAN đổi danh xưng Biển Nam Hoa (South China Sea) thành Biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea). Đồng thời đề nghị Khối ASEAN triệu tập những cuộc đàm phán đa phương để giải quyết toàn bộ vấn đề tranh chấp tại Biển Đông Nam Á giữa các Quốc Gia hội viên của Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á.
Riêng đối với Việt Nam, Ủy Ban Luật Gia cũng đề nghị nhà cầm quyền triệu dụng các luật gia và chuyên gia trong các tổ chức hải dương quốc tế (như Viện Hải Dương Đông Tây tại Hawaii) để lập bản tường trình về những yếu tố đặc thù liên quan đến địa lý, địa hình và địa chất tại Hoàng Sa và Trường Sa theo các tiêu chuẩn hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc. Mục đích để kiện toàn hồ sơ yêu cầu Ủy Ban Phân Định Thềm Lục Địa chấp thuận cho Việt Nam được mở rộng thềm lục địa từ 200 hải lý cho đến mức 350 hải lý.
Từ đó đến nay đã 14 năm, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn im lìm bất động. Hơn nữa, năm 2000, Chính phủ Hà Nội còn ký một hiệp ước bất bình đẳng về Hợp Tác Nghề Cá với Trung Quốc. Trong hiệp ước này có điều khoản quy định rằng, khi dầu khí được phát hiện, hai bên sẽ khởi sự khai thác dầu khí chung tại thềm lục địa đồng thời với sự hợp tác đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế tại Vịnh Bắc Bộ.
Theo những tin tức mới đây, căn cứ vào thỉnh nguyện của một số quốc gia hội viên, Ủy Ban Phân Định Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc đã đồng ý triển hạn cho các quốc gia kết ước hay gia nhập Công Ước trước ngày 13-5-1999 (như Việt Nam) được có thời hạn 10 năm nghĩa là đến ngày 13-5-2009 để đệ đơn yêu cầu mở rộng thềm lục địa từ 200 hải lý đến 350 hải lý.
Vì những lý do nêu trên, cũng như năm 1995, một lần nữa, Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Bảo Vệ Dân Quyền cảnh giác và khuyến cáo nhà cầm quyền Hà Nội đệ đơn thỉnh nguyện tại Ủy Ban Phân Định Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc trong thời hạn luật định, nghĩa là trước ngày 13-5-2009."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét