Thanh Phương
Bài đăng ngày 27/03/2009 Cập nhật lần cuối ngày 27/03/2009 13:56 TU
Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ đầu năm 1999, khi Việt Nam bắt đầu công bố các số liệu về tăng trưởng kinh tế của từng quý. 3,1% cũng là mức thấp hơn dự báo của nhiều nhà kinh tế cho quý đầu của năm 2009.
Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rơi xuống mức thấp như vậy là do xuất khẩu và đầu tư nước ngoài đều sụt giảm, dưới tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo Bộ Kế Hoạch - Đầu Tư, nguồn vốn đăng ký vào Việt Nam trong ba tháng đầu năm chỉ đạt 6 tỷ đôla, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh hai yếu tố nói trên, còn có một yếu tố khác, đó là số tiền của Việt kiều gởi về nước cũng giảm mạnh, do kinh tế các nước sở tại bị suy thoái.
Tuy nhiên, đối với các chuyên gia kinh tế Việt Nam, mức tăng 3,1% đã là một con số rất khả quan, trong bối cảnh mà nhiều nước trong khu vực đang lâm vào suy thoái. Trong tuần này, Thái Lan đã dự báo là kinh tế của họ trong năm nay có thể sẽ sụt giảm 3%. Theo lời giáo sư Đỗ Đức Định, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế và Xã Hội, được hãng tin Đức DPA trích dẫn hôm qua, Việt Nam có thể nâng cao hơn nữa mức tăng trưởng kinh tế bằng cách chuyển hướng xuất khẩu từ các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản và tập trung nhiều hơn vào thị trường châu Phi và Trung Đông.
Tuy nhiên, ông Đỗ Đức Định cho rằng, kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và sẽ không thể nào đạt được chỉ tiêu do chính phủ đề ra là tăng trưởng 6,5% trong năm nay.
Tổng Cục Thống Kê cũng dự báo là tổng sản phẩm nội điạ của Việt Nam cả năm 2009 sẽ chỉ đạt từ 4,8 đến 5,6%. Nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới trước đó cũng đã đưa ra những mức dự báo trong khoảng từ 4 đến 5%. Riêng Economist Intelligence Unit, cơ quan tư vấn và nghiên cứu thuộc tập đoàn báo chí The Economist, thậm chí còn dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam chỉ có 0,3% trong năm nay, một dự báo đã gây rất nhiều tranh cãi.
Thật ra, mức tăng trưởng kinh tế sụt giảm không phải hoàn toàn là do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mà còn là do tình trạng yếu kém của công nghiệp Việt Nam, nhất là ngành sản xuất. Trong nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, chính phủ Hà Nội dự trù đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, như điện năng, viễn thông và giao thông. Để hỗ trợ xuất khẩu, trong tuần này, chính phủ cũng đã mở rộng biên độ tỷ giá tiền đồng, một hình thức phá giá phần nào đơn vị tiền tệ Việt Nam.
Nhưng rõ ràng là sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam nay phải bằng lòng với một mức tăng khiêm tốn. Theo số liệu mới được đưa ra hôm nay, kinh tế của Việt Nam trong năm 2008 chỉ tăng 6,18%, chứ không phải 6,23% như công bố trước đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét