Bài đăng ngày 01/12/2008 Cập nhật lần cuối ngày 03/12/2008 14:07 TU
Thế nhưng, thay vì khuyến khích và khen thưởng các các nhân không khoan nhượng với tham nhũng, Việt Nam lại kết án tù hai phóng viên đã đi hàng đầu trong việc loan tin về vụ tham nhũng PMU 18, một vụ tham nhũng có liên hệ đến viện trợ ODA ( hỗ trợ tài chính phát triển ) của quốc tế.
Vào tháng 10 vừa qua, hai phóng viên của tờ Thanh Niên, Nguyễn Việt Chiến và Tuổi Trẻ, Nguyễn Văn Hải đã ra tòa với tội danh '' lợi dụng quyền tự do dân chủ '' vì đã tham gia điều tra về vụ tham nhũng PMU 18. Nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã bị tuyên án 2 năm tù giam, còn Nguyễn Văn Hải được trả tự do, nhưng bị phạt hai năm cải tạo. Phiên xử này đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế và các chính phủ phương Tây cực lực chỉ trích.
Hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến (T) và Nguyễn Văn Hải (P) ở phiên tòa ngày 14/10/2008 tại Hà Nội.
(Ảnh chụp từ màn ảnh truyền hình : Reuters)
Trong cuộc đối thoại về chống tham nhũng diễn ra ngày 28 tháng 11 vừa qua với chính phủ Việt Nam, các nhà tài trợ đã một lần nữa bày tỏ sự bất bình của họ trước việc các phóng viên chống tham nhũng bị kết án như những tội phạm. Cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng mỗi năm vẫn được tổ chức trước Hội nghị tư vấn nhóm các nhà tài trợ ( mà năm nay sẽ diễn ra trong hai ngày 4 và 5 tháng 12 ).
Cuộc đối thoại năm nay đã chọn chủ đề ''Vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng'', bởi vì ai cũng thấy rõ báo chí được coi là một yếu tố trọng tâm trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nhưng theo lời đại sứ Thụy Sĩ, Jean-Hubert Lebert, được hãng tin AFP trích dẫn, vụ kết án hai phóng viên Tuổi Trẻ và Thanh Niên ''không chỉ có tác động rất nặng nề đối với giới nhà báo trong nước, mà còn gây tác hại cho hình ảnh của Việt Nam đối với thế giới, bởi vì nó khiến cho người ta có cảm tưởng rằng ở Việt Nam, hễ ai mà viết về tham nhũng đều có thể vào tù''.
Về phần đại biện của sứ quán Hà Lan, ông Bengt Van Loosdrecht, thì cho rằng nếu hoạt động của truyền thông dể bị quy kết thành tội hình sự, có thể là họ sẽ không thể tác nghiệp một cách thoải mái. Theo nhà ngoại giao này, ''các nhà báo cần được tiếp cận thông tin dễ dàng và có đủ tự tin để có thể tự do bày tỏ quan điểm mà không sự bị trừng phạt ''.
Đại diện của đại sứ quán Na Uy, Kjell Storlokker khẳng định : '' Không thể nhằm bắn vào người đưa tin chống tham tham nhũng''. Nói chung, theo hãng tin AFP, các nhà tài trợ rất lo ngại trước việc hình sự hóa hoạt động báo chí, trong khi mà môi trường pháp lý của Việt Nam chưa đủ chặt chẻ để bảo vệ giới nhà báo.
Cũng trong cuộc đối thoại đó, ông Pascal Fabie, đặc trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Transparency International, nhấn mạnh là, trong việc chống tham nhũng, tổ chức này muốn '' thấy những con cá lớn cũng bị trừng trị như những con cá nhỏ''. Hiện giờ, Transparency International vẫn xếp Việt Nam vào hạng chưa tớI 3 điểm trên 10, tức là tham nhũng nặng nề.
Đáp lại những lời chỉ trích, những thắc mắc nói trên của các nhà tài trợ, Tổng thanh tra Trần Văn Truyền khẳng định rằng không hề có chuyện quyết tâm chống tham nhũng bị chùng xuống và các nhà báo nói trên đã bị xử lý chỉ vì họ có "sai phạm'. Ông Truyền nhìn nhận rằng sau vụ này, các nhà báo ngán ngại, không còn hăng hái chống tham nhũng như trước nữa. Ông Tổng thanh tra cam kết là trong thời gian tới, chính phủ sẽ giảm bớt danh mục thông tin mật, tức là chỉ những tin tức liên quan đến an minh quốc gia mới được coi là '' mật ''.
Còn chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến thì giải thích hiện tượng ''chùng xuống'' là do việc phòng chống tham nhũng đang đi vào ''chiều sâu'' ( ! ). Về phần thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn thì khẳng định là không có văn bản, quy định nào hạn chế hay cản trở việc đưa tin về chống tham nhũng, mà đó là phụ vào ''trình độ và năng lực của nhà báo''. Ông cũng thừa nhận là ''đôi khi có sự ngại ngần của một số cán bộ công chức khi tiếp cận với báo chí ''.
Trong cuộc phỏng vấn với báo điện tử VietnamNet bên lề cuộc đối thoại chống tham nhũng, đại sứ Mỹ tại Hà Nội Michael Michalak đã nhấn mạnh rằng : '' Càng minh bạch, cơ hội dành cho tham nhũng sẽ càng giảm. Minh bạch thông tin là một trong những chìa khóa thực chất để chống tham nhũng ở Việt Nam.'' Theo ông Michalak, ''bảo vệ người tiết lộ thông tin cũng là một cách để chính phủ tăng cường sự minh bạch thông tin ; cho phép mọi người có thể sẳng sàng tiết lộ thông tin cũng là một cách chống tham nhũng hiệu quả.'' Đại sứ Mỹ cam kết là Hoa Kỳ sẳn sàng tư vấn kỹ thuật cho Việt Nam về những chuẩn mực quốc tế trong việc soạn thảo luật bảo vệ người tiết lộ thông tin về tham nhũng.
Dưới con mắt của các nhà tài trợ, Việt Nam tuy đã ban hành nhiều luật phòng chống tham nhũng, đã lập Ban chỉ đạo trung ương, nhưng đó chỉ mới là hoàn thiện về thể chế, chứ chưa đi vào những việc cụ thể. Ví dụ như đã có quy định các quan chức phải kê khai tài sản, nhưng lại không công khai cho dân chúng biết; chỉ có các quan chức cấp thấp mới bị xử lý về tham nhũng; vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong phòng chống tham nhũng còn mờ nhạt; trưởng ban phòng chống tham nhũng lại là lãnh đạo của điạ phương.
Âm vang của vụ PMU 18 chưa dứt thì lại có thêm một vụ tham nhũng khác liên quan đến viện trợ ngoại quốc, đó là vụ PCI. Các quan chức của công ty Nhật Bản đã hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ, giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây, để nhận được các hợp động tư vấn cho dự án này. Tổng số tiền PCI hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ lên tới lên tới 820 ngàn đôla. Phía Nhật đã bắt bốn cựu quan chức của PCI liên quan đến vụ hối lộ này. Vấn đề ở chổ là vụ án đã được báo chí Nhật Bản đăng tải từ tháng sáu, nhưng mãi đến tháng 11, phía Việt Nam mới có phản ứng bằng cách đình chỉ công tác ông Huỳnh Ngọc Sĩ '' để phục vụ điều tra''.
Tuy phía Việt Nam vẫn cho rằng đây '' chỉ là trường hợp cá biệt '', nhưng rõ ràng là vụ PCI một lần nữa đã gây tác hại đến hình ảnh của Việt Nam đối với quốc tế. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ VietnamNet, tham tán đại sứ quán Thụy Điển, bà Molly Lien, đã tuyên bố thẳng thừng rằng: '' Tham nhũng trong các dự án có sử dụng nguồn vốn ODA là điều không thể chấp nhận được''. Bà Molly Lien nói rằng tiền viện trợ của Thụy Điển là tiền người dân Thụy Điển đóng thuế. Những khoản tiền đó được sử dụng để giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo, xây dựng xã hội dân chủ và không có tham nhũng. Các nhà tài trợ chắc chắn là rất lo ngại khi thấy vốn ODA đã không được sử dụng vào những mục đích nêu trên. Cho nên, phòng chống tham nhũng một lần nữa sẽ là một trong những chủ đề trọng tâm của Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ khai mạc ngày mai tại Hà Nội và sẽ diễn ra trong hai ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét