30/5/11

Lạm phát và thâm thủng mậu dịch, hai vấn đề nan giải của Việt Nam

 
Một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở huyện Quế Võ, gần Hà Nội.
Một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở huyện Quế Võ, gần Hà Nội.
Reuters
Thanh Phương 30/5/2011
 
Theo các số liệu do Tổng Cục Thống kê công bố ngày 24/5 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5 ở Việt Nam được dự báo sẽ lên tới gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo cơ quan Liên hiệp quốc ở Việt Nam, hiện nay Việt Nam là một trong 5 nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới và hậu quả sẽ là nạn nghèo đói tăng theo.
Trước mắt, vào tháng 2 vừa qua, chính phủ Hà Nội đã phá giá 9,3% tiền đồng Việt Nam, khiến giá nhiên liệu tăng cao. Với lý do là giá dầu hỏa trên thị trường thế giới đang cao, chính phủ Việt Nam vào cuối tháng 3 lại tăng giá nhiên liệu thêm 10%. Cộng thêm với việc tăng giá điện 15%, đời sống của người dân Việt Nam thêm khó khăn.

Để kềm chế lạm phát, chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 11, bao gồm nhiều biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, hạn chế mức tăng tín dụng và giảm đầu tư công. Nhưng dường như là những biện pháp đó đã không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có dấu hiệu gì cho thấy lạm phát trong năm nay sẽ ngưng ở mức 20%.

Nhưng bên cạnh lạm phát, Việt Nam còn phải đối đầu với một căn bệnh trầm kha khác đó là thâm thủng mậu dịch. Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm 25/5, trong tháng 5, thậm thủng mậu dịch của Việt Nam đã lên tới 1,7 tỷ đôla, mức cao nhất từ 17 tháng qua, tức là từ tháng 12/2009. Như vậy là tổng thâm hụt thương mại của Việt Nam năm nay chưa gì đã là 6,6 tỷ đôla, nhiều hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.
Tờ nhật báo The Wall Street Journal số ra ngày 25/5 trích lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên là cố vấn của thủ tướng Việt Nam, cho rằng những biện pháp chính phủ thi hành để cắt giảm thâm thủng mậu dịch « là không đủ ».

Để hạ thấp mức thâm hụt thương mại, chính phù Hà Nội đã quyết định cắt giảm 10% đầu tư công và giảm nhập khẩu những mặt hàng như xe hơi, mỹ phẩm và điện thoại di động. Theo bà Phạm Chi Lan, hạn chế nhập những mặt hàng nói trên chẳng có tác dụng gì đáng kể, vì chúng chỉ chiếm khoảng từ 10 đến 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cũng theo bà Phạm Chi Lan, cắt giảm đầu tư công đúng là sẽ giúp giảm bớt nhập khẩu, nhưng phải kiểm tra xem các dự án đầu tư công có đã thật sự được đình hoãn hay không. Sản lượng công nghiệp vẫn tăng có nghĩa là rất ít dự án bị dừng lại.

Tờ Wall Street Journal cho biết là một quan chức Bộ Công Thương Việt Nam đã dự báo là thâm thủng mậu dịch có thể sẽ giảm xuống kể từ tháng 6 hoặc tháng 7, vì lúc đó các nỗ lực của chính phủ cắt giảm đầu tư công mới phát huy hiệu quả. Chính phủ Hà Nội đã đề ra mục tiêu giữ mức thâm hụt thương mại năm 2011 dưới 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhưng để thúc đẩy xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước sẽ lại phá giá đồng bạc Việt Nam một lần nữa, mà phá giá tiền tệ thì lại càng làm cho lạm phát tăng thêm.

Việt Nam lại càng khó mà thoát khỏi cái vòng lẫn quẩn đó, vì còn hai yếu tố khác phải tính đến đó là số tiền gởi về nước của người Việt hải ngoại đang tiếp tục giảm và dự trữ ngoại tệ của Việt Nam cũng ngày càng ít đi. Ngân hàng Phát triển châu Á vào tháng 3 vừa qua đã thẩm định dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tính đến cuối năm ngoái chỉ còn 12,4 tỷ đôla, đủ bảo đảm nhập khẩu cho gần hai tháng, so với mức 24 tỷ đôla của năm 2008.

Ngân hàng trung ương Việt Nam cũng đang nỗ lực chống xu thế đôla hóa và « vàng hóa » nền kinh tế . Việt Nam hiện đang có một lượng rất lớn đôla và một lượng vàng đáng kể. Trong tháng 4 vừa qua, chính phủ đã cắt giảm lãi suất tiền tiết kiệm ký gởi bằng đôla xuống còn 3%, trong khi lãi suất ký gởi bằng tiền đồng là 14%, đồng thời hạn chế tối đa việc mua bán vàng trên thị trường.

Nhưng theo tạp chí The Economist số đề ngày 5/5, để phục hồi sự tin cậy vào tiền đồng, chính phủ Việt Nam phải làm trong sạch tài chính công. Giới chuyên gia vẫn nghi ngờ hiệu quả của các dự án đầu tư công, nhất là sau vụ gần như phá sản của tập đoàn Vinashin.

Không có nhận xét nào: