31/10/11

GS Tương Lai : "Phải trưng cầu dân ý về điều 4 Hiến pháp"

Thanh Phương 31/10/2011
 
Sau nhiều lần đình hoãn, Việt Nam bắt đầu chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp 1992. Theo dự kiến, dự thảo Hiến pháp sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2013. Phiên họp thứ nhất của Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã diễn ra vào đầu tháng 8/2011 dưới sự chủ toạ của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Chưa biết Hiến pháp sẽ được sửa đổi như thế nào, nhưng trong phiên họp hôm đầu tháng 8/2011, ông Nguyễn Sinh Hùng đã tuyên bố là việc biên soạn dự thảo phải bám sát thực tế, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, nhưng đồng thời phải “ bám sát Cương lĩnh, đường lối chủ trương của Đảng”. Ông Nguyễn Sinh Hùng còn yêu cầu là hoạt động của ủy ban phải “ bảo đảm nguyên tắc sự lãnh đạo của Đảng”. Trước khi trình cho Quốc hội vào tháng 10 năm 2012, bản dự thảo Hiến pháp còn phải được báo cáo cho Bộ Chính trị.

Trong điều kiện như vậy, việc sửa đổi Hiến pháp liệu có sẽ dẫn đến những thay đổi căn bản về thể chế ở Việt Nam? Hiến pháp cần phải được sửa đổi như thế nào để thật sự có tam quyền phân lập, để Nhà nước thật sự là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân?

Đối với giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, những bản Hiến pháp sau này của Việt Nam coi như đã đi thụt lùi so với bản Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây là bản Hiến pháp được coi là rất dân chủ, nhất là vì nó bảo đảm tam quyền phân lập và quy định quyền phúc quyết Hiến pháp của người dân. Cho nên, theo giáo sư Tương Lai, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 dĩ nhiên phải đáp ứng những yêu cầu mới của thế kỷ 21, nhưng phải dựa trên căn bản là tinh thần của bản Hiến pháp 1946.

Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn với giáo sư Tương Lai từ Sài Gòn:


 

RFI: Kính thưa giáo sư Tương Lai, theo giáo sư, trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992, điều gì là trọng yếu nhất? 

Giáo sư Tương Lai: Việc sửa đổi Hiến pháp là một điều đáng mừng, vì đó là đòi hỏi của đời sống. Vấn đề đặt ra là phải sửa như thế nào để đáp ứng nguyện vọng của dân. Tôi cho là sửa Hiến pháp tương đối dễ, vì đã có một cái chuẩn, đó là Hiến pháp 1946 của Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam DCCH, được thông qua cách đây 65 năm, tháng 11 năm 1946.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Hiến pháp 1946 là Hiến pháp tiến bộ nhất, mẫu mực nhất. Đó là một Hiến pháp dân chủ, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng chính phủ, một ngày sau khi tuyên bố độc lập 2/9:  “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”. Hiến pháp 1946 là làm theo hướng thượng tôn pháp luật để đảm bảo quyền lợi của dân.

Đương nhiên là đã 65 năm rồi, thời cuộc có thay đổi và phải cập nhật với tinh thần của thế kỹ 21 này, nhưng về cơ bản thì phải dựa trên Hiến pháp 1946, theo tinh thần Tuyên ngôn độc lập: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ có những quyền không ai xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Hiến pháp 1992 nếu có được sửa đổi thì phải theo được tinh thần đó.

RFI: Thưa Giáo sư, Hiến pháp 1946 là mẫu mực vì nó phân định rạch ròi tam quyền phân lập: hành pháp, lập pháp và tư pháp?

Giáo sư Tương Lai: Cái mà tôi nói là có một mô hình tương đối chuẩn là Hiến pháp 1946 không phải là ý kiến cá nhân. Tôi có tham dự cuộc họp của hội đồng xét duyệt thẩm định các đề tài sửa đổi Hiến pháp 1992, do Văn phòng QH và Bộ Khoa học Công nghệ triệu tập. Trong Hội đồng đó, tất cả các thành đều nhận định rằng Hiến pháp 1946 là một Hiến pháp mẫu mực, mà những Hiến pháp về sau đó không đạt được. Vậy thì đổi mới có khi lại là quay trở lại cái trước đây. Trước đây làm đúng quy luật, nhưng sau đó người ta lại không làm đúng quy luật, gây nên những trở ngại.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì Hiến pháp 1946 gồm có 70 điều, nội dung có nhiều, nhưng chỉ tập trung vào hai vấn đề: xác lập quyền của công dân, quyền của Nhà nước và quyền giữa các cơ quan Nhà nước với nhau. Mà ở đây nổi bật lên hai điểm quan trọng nhất: ngăn cấm sự lạm quyền của quyền lực Nhà nước và đảm bảo quyền tự do dân chủ của công dân.

Hiến pháp 1946 làm nổi bật lên nguyên tắc cơ bản là đặt pháp quyền lên trên Nhà nước và quyền phúc quyết Hiến pháp là thuộc về dân. Nhà nước pháp quyền phải được tổ chức theo nguyên tắc là tam quyền phân lập, để kiểm tra lẫn nhau. Trong Nhà nước pháp quyền ấy, Nhà nước và công chức chỉ được phép làm những gì luật pháp cho phép, còn người dân thì được làm tất cả những điều gì luật pháp không cấm. Những yếu tố pháp quyền đặt lên trên nguyên tắc quyền lực và tổ chức quyền lực là điều mà các Hiến pháp sau này không làm rõ. Bây giờ sửa đổi thì phải quay trở về với tinh thần, nội dung và những nguyên tắc mà Hiến pháp 1946 đã đạt được.

RFI: Thưa giáo sư, có một điểm trước đây không có trong Hiến pháp 1946, đó là vai trò lãnh đạo của Đảng, như quy định của điều 4 Hiến pháp 1992. Vậy thì khi sửa đổi Hiến pháp, có nên xóa bỏ điều 4 hoặc sửa đổi điều khoản này?

Giáo sư Tương Lai: Về điểm này thì theo tôi, tốt nhất là thực hiện ngay tinh thần mà tôi nêu lên trong Hiến pháp 1946, đó là quyền của người dân được phúc quyết Hiến pháp.

Đảng khẳng định là vai trò lãnh đạo của đảng đã được nhân dân tôn trọng. Tôi nhớ là gần đây, bạn tôi, giáo sư Chu Hảo, trong một bài báo có đặt ra vấn đề như thế này: điều 4 Hiến pháp quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vậy thì để khẳng định một lần nữa là ý đảng hợp với lòng dân, chỉ việc đưa ra trưng cầu dân ý, theo tinh thần quyền phúc quyết thuộc về dân.

Nếu đúng là dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của đảng, thì quyền phúc quyết Hiến pháp ấy của dân sẽ có sức mạnh lớn lao và làm uy tín lãnh đạo của đảng tăng lên, đồng thời trở thành vấn đề mang tính pháp lý nữa. Vậy thì hãy mạnh dạn đưa vấn đề này ra để người dân phúc quyết.

Cho nên, không nên đặt ra vấn đề là xóa bỏ hay không xóa bỏ điều 4. Ai có quyền làm điều đó? Chỉ có dân mới có quyền mà thôi.

RFI: Thưa giáo sư, ở Việt Nam có một số văn bản luật bị xem là trái với Hiến pháp. Trong Hiến pháp có quy định những quyền tự do như quyền tự do ngôn luận, nhưng trong Bộ luật hình sự Việt Nam lại có điều 88 về tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Làm sao phân biệt được ranh gìới giữa tự do ngôn luận và tội danh này?

Giáo sư Tương Lai: Ở đây có vấn đề: Những điều quy định trong Hiến pháp, những điều quy định trong luật, hay là trong nghị quyết, với quá trình thực hiện đó, thì bao giờ cũng có một khoảng cách. Khoảng cách đó có thể ngắn, mà cũng có thể dài.

Vấn đề đặt ra là nếu tinh thần thượng tôn pháp luật, “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, được thực thi một cách nghiêm túc, thì mọi văn bản luật hay dưới luật đều không được mâu thuẩn với bộ luật tối cao nhất, đó là Hiến pháp, vì Hiến pháp là ý chí của dân tuyên bố trước thế giới về thể chế Nhà nước của mình và cũng là tuyên bố khẳng định là dân sẽ chấp hành trên tinh thần đó.

Quá trình đưa những vấn đề đã quy định trong Hiến pháp, trong luật pháp vào thực tế bao giờ cũng có những mâu thuẩn. Chuyện này phải được khắc phục dần. Để khắc phục nó thì không gì khác hơn là phải làm thế nào để ý thức thượng tôn pháp luật được thực thi một cách nghiêm chỉnh, từ trong dân và trước hết là từ những người cầm quyền.

RFI: Thưa giáo sư, Việt Nam có nên thành lập Tòa án Hiến pháp hay Tòa Bảo Hiến để giám sát tính hợp hiến của các văn bản luật?

Giáo sư Tương Lai: Trong phiên họp thẩm định về đề tài sửa đổi Hiến pháp, chúng tôi, những thành viên trong Hội đồng, cũng đã đề xuất vấn đề này. Phải có Tòa án Hiến pháp để kiểm tra việc thực thi Hiến pháp. Đó là điều phù hợp với xu thế chung của thế giới. Vấn đề đặt ra là Việt Nam, nếu muốn đi vào quỹ đạo chung của thế giới, thì phải làm theo điều này. Nếu những gì trước nay chưa làm được, thì bây giờ làm đi! Đơn giản thế thôi. Vấn đề đặt ra là: Người dân Việt Nam và những người cầm quyền có muốn thực thi Hiến pháp theo đúng quỹ đạo của thế giới văn minh này hay không?

RFI: Nhưng nếu những thành viên của Tòa án Hiến pháp này cũng là do đảng chỉ định thì làm sao có thể bảo đảm được tính độc lập của cơ chế này?

Giáo sư Tương Lai: Đây là vấn đề nan giải đây. Nhưng bất cứ cái gì cũng đòi hỏi từng bước quá độ. Một lúc mà đòi hỏi ngay thì tôi cho đó là ảo tưởng. Nhưng xu thế chung là xu thế thực thi dân chủ. Dân chủ đang là đòi hỏi mang tính bức xúc của toàn xã hội và về phía đảng lãnh đạo, những người cầm quyền đều thấy rằng, chỉ trên cơ sở mở rộng dân chủ, thực thi dân chủ thì vận hành xã hội mới có thể thông suốt.

Trong việc thực thi Tòa án Hiến pháp, bao giờ cũng có cách thành lập và đề cử, rồi thông qua. Vấn đề là cái quy trình đó phải bảo đảm tính chất dân chủ. Cái quy trình dân chủ đó buộc đảng lãnh đạo, cũng như Nhà nước quản lý phải theo đúng mô hình đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Đó là cái đã được rao giảng từ rất lâu rồi, bây giờ phải thực thi điều đó. Trong đó, phải nhấn mạnh là nhân dân làm chủ như thế nào. Nhân dân phải làm chủ bằng quyền phúc quyết Hiến pháp, bằng trưng cầu dân ý, bằng việc phản biện và đề đạt nguyện vọng của mình mà không bị xem là lực lượng thù địch hay những phần tử muốn “diễn biến hòa bình”. Những vấn đề đó phải được đặt ra một cách công khai, minh bạch trong đời sống xã hội. Đó là để bảo đảm thành công cho việc sửa đổi Hiến pháp, cũng như cho những việc mà hiện nay Nhà nước đang cố gắng làm.

RFI: Xin cám ơn giáo sư Tương Lai.

30/10/11

Kinh tế Việt Nam gặp khủng hoảng về niềm tin

Thanh Phương 30/10/2011
 
Việt Nam đang nỗ lực kềm chế lạm phát và ngăn chận đà sụt giá của tiền đồng, nhưng ngoài những mất cân đối lớn này, chính quyền Hà Nội còn phải chống một kẻ thù nguy hiểm hơn, đó là sự mất niềm tin của các tác nhân kinh tế. Đó là nhận định chung của hãng tin AFP hôm nay, 30/10/2011, trong bài nhận định về kinh tế Việt Nam.

Vào đầu năm nay, đảng Cộng sản Việt Nam đã thi hành một chính sách khắc khổ nhằm kềm chế lạm phát, mà trong tháng 9 đã lên tới 23% , giảm mức thâm thủng thương mại ( 12,4 tỷ đôla trong năm 2010 ) và giữ vững tiền đồng vốn đã bị phá giá đến 4 lần trong vòng 15 tháng qua.

Với lãi suất tín dụng hiện đã lên tới hơn 20%, các chuyên gia dự báo là tình hình trong 18 tháng tới sẽ rất là phức tạp. AFP trích dẫn một nhà đầu tư ngoại quốc ở Sài Gòn cho rằng : « Vấn đề hiện nay ở Việt Nam là sự khủng hoảng niềm tin. Cái giá phải trả rất lớn ». Theo nhà đầu tư này, chính sách khắc khổ là cần thiết.

Từ 20 năm nay vẫn chú tâm đạt mức tăng trưởng cao, vì ganh tỵ với thành công của nước Trung Quốc láng giềng, Việt Nam đã đối phó với khủng hoảng tài chính 2008 bằng cách bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

Các bong bóng đầu cơ hình thành khắp nơi. Biểu tượng cho sự phá sản của quốc gia, tập đoàn Vinashin đã đầu tư vào đủ mọi lĩnh vực để rồi cuối cùng rơi vào tình trạng gần như phá sản, với món nợ lên tới 4,4 tỷ đôla.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, được khai trương một cách long trọng năm 2000, đã chạm đáy. Tháng 8 vừa qua, chỉ số VN-Index đã rơi xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, thấp hơn ba lần so với mức kỷ lục của năm 2007 khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Ông Jonathan Pincus, hiệu trưởng trường đại học tư Fulbright Economics, được AFP trích dẫn, ghi nhận : « Cũng như đối với các định chế khác, các cải tổ đã không theo kịp nhịp độ của nền kinh tế. Ai cũng thấy là cần phải có một chiến lược mới, nhưng họ không có một cơ cấu chính trị nhất quán ».

Trong một quốc gia mà chuyện gì cũng không minh bạch, khó ai có thể biết được thực trạng của nền kinh tế. Về mặt chính thức, lượng ngoại tệ dự trữ của Việt Nam chỉ đủ bảo đảm hai tháng nhập khẩu. Nhiều ngân hàng quốc doanh hiện đang kẹt rất nhiều nợ xấu và một số nhà quan sát lo ngại về hậu quả của một « Vinashin mới ».

Phòng Thương mại châu Âu vừa công bố chỉ số về môi trường kinh doanh, giảm sụt trong ba quý liên tiếp, cho thấy là « các biện pháp được thi hành để ổn định kinh tế hiện giờ đã không trấn an được giới doanh nghiệp ».

Hãng tin AFP nhắc lại là trong tháng Giêng vừa qua, chính quyền Việt Nam đã thừa nhận là cần phải có một mô hình kinh tế mới, nhưng lại không đưa ra hướng đi cụ thể nào.

Trước đây vẫn được mô tả là « con rồng châu Á » tương lai, Việt Nam đã phát triển kinh tế dựa trên việc khai thác tài nguyên và nguồn nhân công dồi dào. Nhưng cho tới nay Việt Nam vẫn chưa chuyển sang giai đoạn kế tiếp. Chuyên gia Jonathan Pincus phân tích : « Việt Nam vẫn cứ lao vào sản xuất thêm nhiều cà phê, gạo, hạt điều, áo thun và giày dép, nhưng vẫn chưa chuyển đổi sang một nền sản xuất có trị giá gia tăng cao ».

Về phần ông Dominic Scriven, chủ tịch tổng giám đốc quỹ đầu tư Dragon Capital thì cảnh báo : « Trong 5 năm trở lại đây, mô hình kinh tế đã bị mất cân đối. Vấn đề là tất cả mọi người có nhận ra điều đó hay không ».

Theo AFP, người dân Việt Nam thì dường như không mấy tin tưởng vào nền kinh tế và trong những tháng gần đây họ đã đua nhau mua vàng và đôla. Theo một nguồn tin ngoại quốc, ngay cả các ngân hàng nay cũng bán đi đồng tiền quốc gia.

Như nhận định của một nhà doanh nghiệp, xin được miễn nêu tên, « chính quyền Việt Nam nay đã bị dồn vào chân tường trước yêu cầu khôi phục cân đối kinh tế. Họ còn phải làm nhiều việc để chứng tỏ họ xứng đáng với trọng trách được giao ».

Dân số thế giới đạt 7 tỷ người, áp lực gia tăng lên Trái đất

(Ảnh: www.un.org)
(Ảnh: www.un.org)

Thanh Phương 30/10/2011
 
Trong tương lai, con người sẽ phải tìm thêm một hành tinh khác để sống vì Trái đất của chúng ta không còn đủ để nuôi dân số thế giới nữa ? Đây là kịch bản hoàn toàn xảy ra, vào lúc mà dân số toàn cầu, vào ngày mai, sẽ chính thức lên đến 7 tỷ người và theo dự báo có thể đạt 15 tỷ người vào cuối thế kỷ 21 này.


Vào năm 1798, kinh tế gia người Anh Thomas Malthus đã từng cảnh báo là khả năng sinh sản của con người sẽ vượt quá khả năng sản xuất lương thực. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ của nông nghiệp và cách mạng công nghiệp mà lời tiên đoán đó đã không trở thành hiện thực, cho dù dân số thế giới đã tăng gấp đôi.

Nhưng kịch bản của ông Malthus vẫn hoàn toàn có thể xảy ra khi mà ngày mai, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố tại Luân Đôn thứ tư vừa qua, dân số thế giới sẽ đạt 7 tỷ người, tức là chỉ trong vòng chưa tới 25 năm, đã tăng thêm 2 tỷ người. Hiện giờ, mỗi năm dân số thế giới tăng thêm khoảng 80 triệu người, tức là bằng với dân số của nước Đức.

Theo dự báo, dân số thế giới đến cuối thế kỷ 21 này có thể ổn định ở mức 9 hoặc 10 tỷ người, nhưng cũng có thể lên tới 15 tỷ, tuỳ theo tình hình ở các nước đang phát triển mà hiện có mức tăng dân dân số cao nhất.

Nhưng dù dân số tăng ở mức thấp nhất, thì những nguồn tài nguyên của Trái đất ngày càng khó thỏa mãn nhu cầu của thế giới. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, Trái đất cần phải có đến 18 tháng để tái tạo những nguồn tài nguyên thiên nhiên tiêu thụ trong 1 năm. Nguy cơ lớn nhất hiện nay, đó là thiếu nguồn nước. Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc cảnh báo là từ đây đến năm 2030, các nguồn nước hiện có chỉ có thể đáp ứng được 40% nhu cầu của nhân loại.

Theo tính toán của tổ chức Global Footprint Network, cứ theo đà này thì đến năm 2030 phải cần có thêm một hành tinh khác để đáp ứng nhu cầu của nhân loại và hấp thụ những chất thải từ Trái đất chúng ta.

Ông Brice Lalonde, người Pháp, điều phối viên hội nghị sắp tới của Liên hiệp quốc về phát triển bền vững Rio+20 ( 20 năm sau Hội nghị Trái đất năm 1992 ), xác nhận : « Đến năm 2030, với thêm 1 tỷ người trên Trái đất, vấn đề đặt ra sẽ là bảo đảm an ninh lương thực và các dịch vụ thiết yếu cho 1 tỷ người này mà không tiêu tốn thêm đất đai, năng lượng và nguồn nước ».

Theo lời ông Brice Lalonde, Hội nghị Rio+20 sẽ bàn về phương cách tạo ra những thành phố bền vững, thúc đẩy việc khai thác các năng lượng tái sinh, sử dụng tốt hơn nguồn nước, quản lý các đại dương một cách bền vững và phát triển một nền nông nghiệp có năng suất cao mà không cần đến các thuốc trừ sâu, diệt cỏ bằng hoá chất.

Nhưng vấn đề bức thiết hiện nay đối với nhân loại là phải làm sao kềm chế tỷ lệ sinh sản, vì chỉ có làm như thế mới ổn định được dân số thế gìới ở mức 8 tỷ người, đồng thời giúp các nước nghèo thoát khỏi cảnh khốn cùng, giảm bớt căng thẳng về nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ con người khỏi các tác động của biến đổi khí hậu.

Theo cái nhìn của trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson của Mỹ, để hạn chế sinh đẻ, không có cách nào khác hơn là dùng các biện pháp ngừa thai. Đơn cử trường hợp của Somalia, một trong những nước nghèo nhất thế giới, mà lại đang bị nội chiến. Chính vì phụ nữ ở nước này không được tiếp cận các phương tiện tránh thai mà tính trung bình mỗi gia đình ở Somalia hiện có đến 7 con ! Cứ theo đà này thì dân số của Somalia từ 10 triệu hiện nay sẽ lên tới 22,6 triệu người vào năm 2050, theo nhiều dự báo khác nhau.

Tuy nhiên, đối với các nhà kinh tế, giải pháp cho vấn đề dân số trước hết phải bằng xóa đói giảm nghèo và giáo dục, đặc biệt là cho phụ nữ. Theo một nghiên cứu năm 2010, sở dĩ tỷ lệ sinh sản ở Colombia đã giảm đi chủ yếu là nhờ mức sống của người dân được nâng cao, chứ còn yếu tố kế hoạch hóa gia đình chỉ chiếm 10%.

28/10/11

Giáo xứ Thái Hà đòi chính quyền thành phố Hà Nội trả lại tu viện

Giáo dân giáo xứ Thái Hà trước UBND quận Đống Đa, Hà Nội ngày 27/10/2011.
Giáo dân giáo xứ Thái Hà trước UBND quận Đống Đa, Hà Nội ngày 27/10/2011.
Nguồn: giaoxuthaiha.org

Thanh Phương 28/10/2011
 
Theo nguồn tin từ Giáo xứ Thái Hà, chiều hôm qua, nhiều giáo dân, linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế ( DCCT ) Hà Nội đã kéo đến Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa, Hà Hội, để nộp đơn yêu cầu trả lại Tu viện DCCT Hà Nội.

Theo lá đơn này, từ năm 1959, quận Đống Đa đã chiếm, với danh nghĩa là « mượn », ngôi nhà chính của tu viện để làm Bệnh viện Đống Đa, và đến thập niên 1970 đã chiếm tòa nhà còn lại của tu viện cũng để làm bệnh viện này. Đối với Giáo xứ Thái Hà, việc các cơ quan mượn, rồi biến Tu viện DCCT Hà Nội thành Bệnh viện Đống Đa là « hoàn toàn trái với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ».

Mặt khác, theo lá đơn nói trên, kể từ khi bị mượn, cơ sở tu viện này đã bị sử dụng không đúng mục đích, nhiều cơ sở bị biến cải và để hư hỏng xuống cấp nặng nề, thậm chí bị sử dụng làm nơi ăn chơi trụy lạc.

Do nhu cầu phục vụ, nên từ năm 1996, Nhà thờ Thái Hà – DCCT Hà Nội đã nhiều lần đề nghị trả lại tu viện cho Nhà Dòng và Giáo xứ, nhưng chưa được giải quyết. Nay, DCCT – Giáo xứ Thái Hà ngày càng gặp khó khăn trong việc phục vụ một số lượng đông đảo giáo dân và nhân dân. Nhiều dự án, chương trình phục vụ những người nghèo, người kém may mắn trong xã hội đã không thể thực hiện được. Cho nên Giáo xứ Thái Hà làm đơn yêu cầu Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nộì trả lại tu viện này.

Trung Quốc kiểm duyệt thông tin trên Internet về các vụ bạo loạn ở Hồ Châu

Lực lượng công an được điều đến Hồ Châu, Triết Giang để trấn áp biểu tình ngày 28/10/2011.
Lực lượng công an được điều đến Hồ Châu, Triết Giang để trấn áp biểu tình ngày 28/10/2011.
REUTERS/Carlos Barria

Thanh Phương 28/10/2011
 
Chính quyền Trung Quốc hôm nay (28/10) đã kiểm duyệt những thông tin trên mạng Internet về các vụ đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và công an ở thành phố Hồ Châu, thuộc tỉnh Triết Giang, miền Đông Trung Quốc.

Theo tin từ trang thông tin điện tử của tỉnh Triết Giang, nhiều xe hơi đã bị hư hại và nhiều người bị thương trong các vụ bạo loạn kéo dài hơn một ngày trời, từ thứ Tư cho đến hôm qua và có sự tham gia của hàng ngàn người. Nguyên nhân của các vụ bạo loạn này là việc tăng thuế doanh nghiệp đánh vào các công ty dệt may, tập trung rất đông tại thành phố này.

Đây là một trong những vụ biểu tình bạo động lớn nhất tại Trung Quốc trong những tháng vừa qua. Đài truyền hình Hồng Kông tối qua cũng đã chiếu các hình ảnh cảnh sát dã chiến được triển khai trên đường phố và nhiều cửa hàng bị đập nát cửa kính. Theo một trang web của chính quyền địa phương, 28 người đã bị bắt giữ và chính quyền đã thi hành các biện pháp cứng rắn để trấn áp biểu tình.

Đối với chính quyền Bắc Kinh, những thông tin và những hình ảnh về các vụ bạo loạn nói trên là rất nhạy cảm, cho nên họ đã nhanh chóng ngăn không cho những người sử dụng các mạng xã hội phát tán rộng rãi hơn nữa. Trên các công cụ tìm kiếm, địa danh nơi xảy ra bạo loạn, cũng như các từ « thuế » và « biểu tình » đều bị ngăn chận hôm nay.

Trung Quốc trợ giúp châu Âu, một dự án gây nhiều lo ngại

Trung Quốc có thể can thiệp vào việc trợ giúp đồng euro.
Trung Quốc có thể can thiệp vào việc trợ giúp đồng euro.
Getty Images/Cristian Baitg

Thanh Phương 28/10/2011
 
Quyết định của các lãnh đạo khu vực đồng euro nhờ đến sự trợ giúp của các nước đang trỗi dậy như Trung Quốc để giải quyết khủng hoảng nợ công đang gặp nhiều chỉ trích tại châu Âu.

Hiện đã trở thành cường quốc kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới, Trung Quốc vẫn rất quan tâm đến sự ổn định và thịnh vượng của Liên hiệp châu Âu, « nền kinh tế hàng đầu thế giới », theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Hơn nữa, nhóm 27 nước châu Âu hiện là đối tác thương mại hàng đầu, cũng như thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, được ước lượng là khoảng 3.200 tỷ đôla ( 60% dự trữ ngoại tệ thế giới ), mà cho tới nay chủ yếu được giữ bằng đôla.

Cho tới nay, Trung Quốc chưa xác nhận là nước này sẵn sàng, cùng với các nước đang trỗi dậy khác, tham gia vào Quỹ bình ổn tài chính châu Âu ( FESF ), mà các lãnh đạo châu Âu đã quyết định nâng vốn lên thành 1.000 tỷ euro. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bắn đi một số tín hiệu, khi tuyên bố, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, rằng Trung Quốc « ủng hộ các biện pháp của châu Âu để đối phó khủng hoảng tài chính ». Phát ngôn viên này cho biết là Trung Quốc sẽ tìm phương cách để tăng cường hợp tác song phương, « trên cơ sở hai bên cùng có lợi ».

Để tiếp nhận nguồn vốn từ các nước đang trỗi dậy như Trung Quốc, các lãnh đạo khu vực euro dự trù thành lập một quỹ đặc biệt, dựa vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Theo tờ nhật báo Financial Times số ra ngày hôm nay, Trung Quốc có thể đầu tư từ 50 đến 100 tỷ đôla vào Quỹ bình ổn tài chính châu Âu ( FESF ) hoặc vào quỹ đặc biệt nói trên.

Tuy nhiên, tại Bắc Kinh hôm nay, giám đốc Quỹ bình ổn tài chính châu Âu ( FESF ) Klaus Regling cho biết là hiện chưa có thương lượng nào với Trung Quốc về việc góp vốn vào quỹ này. Thứ trưởng Tài chính của Trung Quốc thì tuyên bố là họ chờ biết thêm chi tiết về hoạt động của cơ chế mới trước khi chính thức cam kết trợ giúp châu Âu.

Dầu sao, dự án nhờ Trung Quốc trợ giúp khu vực đồng euro đã bắt đầu gặp nhiều chỉ trích từ chính giới châu Âu, do những nguy cơ về mặt tài chính cũng như về mặt biểu tượng của dự án này. Tại Pháp, cánh tả lo ngại là châu Âu sẽ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Ứng cử viên tổng thống của Đảng Xã hội François Hollande đặt câu hỏi : « Làm sao có thể nghĩ rằng Trung Quốc trợ giúp vùng euro mà không đặt điều kiện gì ? ». Đối với nghị sĩ châu Âu thuộc đảng bảo vệ môi trường Daniel Cohn-Bendit, « Chúng ta đã quyết định tự trói chân, trói tay vào các nước đang trỗi dậy ».

Thật ra thì sự trợ giúp của Bắc Kinh chẳng có gì là mới mẻ, vì hiện giờ Trung Quốc đã nắm trong tay tổng cộng hơn 500 tỷ euro nợ công của châu Âu. Nợ của Hoa Kỳ mà Bắc Kinh đầu tư vào còn lớn hơn rất nhiều.

Sự trợ giúp của Trung Quốc và các nước khác trong nhóm BRICS ( Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi) có thể sẽ được thảo luận tại cuộc họp thượng đỉnh nhóm G20 tuần tới tại Cannes, Pháp.

27/10/11

Các nước khu vực đồng euro thông qua kế hoạch chống khủng hoảng

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy họp báo sau khi kết thúc Thượng đỉnh khu vực đồng euro tại Bruxelles sáng ngày 27/10/2011.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy họp báo sau khi kết thúc Thượng đỉnh khu vực đồng euro tại Bruxelles sáng ngày 27/10/2011.
REUTERS/Thierry Roge

Thanh Phương 27/10/2011
 
Sau một đêm thức trắng, tại cuộc họp thượng đỉnh Bruxelles, các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro cuối cùng đến sáng sớm ngày  27/10/2011 đã thông qua được những nét chính của một kế hoạch chống khủng hoảng, bằng việc giảm rất nhiều nợ của Hy Lạp và huy động 1.000 tỷ euro để ngăn khủng hoảng nợ công lan rộng. Đến phút chót, các lãnh đạo châu Âu  mới giải tỏa được bế tắc về điểm mấu chốt của kế hoạch chống khủng hoảng, đó là xóa một phần nợ của Hy Lạp.

Theo thỏa thuận đạt được, các ngân hàng chấp nhận xóa 50% nợ Hy Lạp mà họ đang nắm, tức là khoảng 100 tỷ euro trên tổng số nợ 350 tỷ euro của Hy Lạp. Từ đây đến cuối năm 2014, Hy Lạp cũng sẽ được châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho vay thêm 100 tỷ euro, trong khuôn khổ một chương trình sẽ thay thế cho kế hoạch 109 tỷ euro được quyết định trong tháng 7 vừa qua.

Để đáp lại nỗ lực của các ngân hàng chủ nợ, cuộc họp thượng đỉnh Bruxelles đã đạt được thoả thuận về việc cấp vốn cho các ngân hàng nào có nhu cầu. Cơ quan ngân hàng châu Âu thẩm định nhu cầu này là khoảng 108 tỷ euro, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng phải cần đến 200 tỷ.

Cũng tại cuộc họp thượng đỉnh Bruxelles, các nước khu vực euro đã quyết định tăng cường khả năng của Quỹ cứu trợ tài chính để giúp các nước đang gặp khó khăn, trước mắt nâng số vốn của quỹ nảy lên 1.000 tỷ euro. Hiện giờ, về mặt lý thuyết, Quỹ cứu trợ tài chính có khoảng 440 tỷ euro, một số tiền được cho là không đủ so với tầm mức của khủng hoảng.

Các nước vùng euro đã tìm ra một cơ chế huy động thêm vốn cho quỹ này mà các quốc gia không cần đóng góp đồng nào. Cụ thể, một hệ thống bảo hiểm-tín dụng sẽ được lập ra để khuyến khích các nhà đầu tư mua nợ công của các nước gặp khó khăn. Quỹ cứu trợ tài chính sẽ bảo đảm một phần nợ trong trường hợp nước vay nợ không có khả năng trả.

Một quỹ đặc biệt sẽ được lập ra để tiếp nhận phần đóng góp của những nước đang trỗi dậy như Trung Quốc và Nga. Nhưng hiện chưa biết quỹ này sẽ có bao nhiêu tiền.

Điểm cuối cùng của kế hoạch chống khủng hoảng, vùng đồng euro trông chờ Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục mua nợ công của Ý và Tây Ban Nha trên các thị trường, để tránh lãi suất trái phiếu tăng vọt, làm trầm trọng hơn gánh nặng nợ của các nước này.

Giải Sakharov dành cho năm gương mặt tiêu biểu của Mùa Xuân Ả Rập

Mẹ và em gái Mohamed Bouazizi và bức hình chân dung anh ,người thanh niên Tunisia mà cái chết đã làm dấy lên "mùa xuân Ả Rập".
Mẹ và em gái Mohamed Bouazizi và bức hình chân dung anh ,người thanh niên Tunisia mà cái chết đã làm dấy lên "mùa xuân Ả Rập".
REUTERS/Jamal Saidi

Thanh Phương 27/10/2011
 
Ngày 27/10/201, Nghị viện châu Âu đã quyết định trao giải thưởng Sakharov về tự do tư tưởng cho năm nhà hoạt động đã có những đóng góp quan trọng cho phong trào dân chủ ở các nước Ả Rập.

Đó là nhà đối kháng Tunisia Mohamed Bouazizi, nhà hoạt động Ai Cập Asamaa Mahfouz, nhà bất đồng chính kiến Libya Ahmed al-Zubair Ahmed al-Sanusi, nữ luật sư Syria Razan Zeitouneh và họa sĩ biếm họa Syria Ali Farzat.

Riêng Mohamed Bouazizi được truy tặng giải thưởng này, vì anh đã tự thiêu chết vào tháng 12 năm ngoái. Cái chết này đã dấy lên phong trào biểu tình rầm rộ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài Ben Ali.
Asmaa Mahfouz là một trong những người sáng lập ra « Phong trào thanh niên 6/4 », phong trào đã ra lời kêu gọi tập hợp biểu tình trên quảng trường Tahir ở Cairo, và chính các cuộc biểu tình này đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Mubarak.

 Về phần ông Ahmed al-Zubair Ahmed al-Sanusi, 77 tuổi, thì đã ngồi tù tổng cộng 31 năm vì đã chống lại chế độ của nhà độc tài Libya Kadhafi.

 Còn luật sư Razan Zeitouch, 34 tuổi, là người lãnh đạo các uỷ ban điều phối phong trào phản kháng ở Syria. Người đồng hương của cô là họa sĩ biếm họa Ali Farzat thì đã bị lực lượng an ninh Syria đáng đập dã man gây thương tích trầm trọng.

Quyết định trao giải Sakharov cho 5 nhà hoạt động nói trên đã được toàn bộ lãnh đạo các nhóm chính trị trong Nghị viện châu Âu nhất trí thông qua. Giải này sẽ được trao trong một buổi lễ vào tháng 12 tới tại Strasbourg.

Giải thưởng Sakharov về tự do tư tưởng, mà nay được xem như là Giải Nobel Hòa bình châu Âu, mỗi năm vẫn được trao tặng cho những nhà đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ trên thế giới.

Năm ngoái, giải này đã được trao tặng cho nhà ly khai Cuba Guillermo Farinas, người đã nhiều lần tuyệt thực phản đối chế độ Cộng sản. Nhưng chính quyền La Habana đã không cho phép ông đến Strasbourg để nhận giải.

Chuyên mục: Thấy mà ngán ngẩm 10/2011

Lạm thu đến mức loạn thu  ( Dân Trí 30/10/11 )

Cứ 10 công nhân thì có 3 người suy dinh dưỡng ( VnExpress 30/10/11 )

Đường Trịnh Công Sơn thành phố nhậu ( VnExpress 27/10/11 )

 

"Ngay cả xe của đội quản lý đô thị thành phố đi dẹp trật tự cũng bị chặn lại ép vào quán nhậu vì nhầm tưởng là thực khách."

 

Phân làn giao thông bằng… điếu cày ( Dân Trí 18/10/11 )


Hàng trăm người dân sống gần kho thuốc độc  ( Lao Động 17/10/11 )


Báo động nạn chửi bậy của giới trẻ ( Dân Trí 17/10/11 )

Bây giờ mới " báo động" thì hơi bị bị trễ rồi đấy.

Người dân phát hoảng khi đi vào hầm bộ hành ( Lao Động 14/10/11 )

 Nơi lý tưởng để quay phim "kinh dị" đây.
 

Văn hóa theo kiểu " ăn xổi ở thì " ở Việt Nam.

Con kiến mà kiện củ khoai....

26/10/11

Khủng hoảng nợ công : Các lãnh đạo khu vực euro buộc phải đạt thỏa thuận

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy tại hội nghị thượng đỉnh khu vực euro, Bruxelles, 23/10/2011.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy tại hội nghị thượng đỉnh khu vực euro, Bruxelles, 23/10/2011.
REUTERS/Yves Herman

Thanh Phương 25/10/2011
 
Ngày mai 26/10/2011, các lãnh đạo châu Âu sẽ họp thượng đỉnh lần thứ hai tại Bruxelles để cố gắng thông qua một kế hoạch cứu nguy khu vực đồng euro, đang có nguy cơ sụp đổ nếu khủng hoảng nợ công lan rộng.

Sau cuộc họp thượng đỉnh lần thứ nhất Chủ nhật vừa qua, các lãnh đạo châu Âu đã vạch ra những nét chính của kế hoạch cứu nguy khu vực euro. Thứ nhất, sẽ yêu cầu các ngân hàng chủ nợ chấp nhận bị lỗ ít nhất 50% trên nợ của Hy Lạp, tức coi như xóa nợ ít nhất 50% cho Hy Lạp, quốc gia đang gánh một món nợ khổng lồ là 350 tỷ euro. Khoảng 108 tỷ euro sẽ được huy động từ các quỹ của Liên hiệp châu Âu để đắp vốn cho các ngân hàng bị lỗ. Hiện giờ, các nước châu Âu còn phải xác định phương thức thực hiện kế hoạch này.

Thứ hai, Pháp và Đức gần như đã đạt đến thỏa hiệp về việc tăng vốn cho Quỹ bình ổn khu vực euro, một cơ chế có tính chất thiết yếu để ngăn chận khủng hoảng. Sau nhiều ngày dằng co với thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã từ bỏ yêu cầu Ngân hàng Trung ương châu Âu tham gia vào việc tăng vốn cho Quỹ này. Thủ tướng Đức vẫn dứt khoát chống lại yêu cầu đó, với lý do là làm như vậy sẽ vi phạm quy định cấm Ngân hàng Trung ương châu Âu trợ giúp các chính phủ về mặt ngân sách.

Nói chung, sau 18 tháng chần chừ, trong cuộc họp thượng đỉnh ngày mai, các lãnh đạo châu Âu bắt buộc phải thông qua được một kế hoạch thoát ra khủng hoảng nợ công, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng này đang có nguy cơ lan sang nước Ý, quốc gia hiện gánh món nợ lên tới hơn 1.900 tỷ euro. Chính phủ Roma bị trách cứ là đã không thực hiện những cam kết về siết chặt ngân sách và cải tổ kinh tế.

Các nước khu vực đồng euro hiện đang nghiên cứu khả năng sử dụng Quỹ bình ổn tài chính để mua lại nợ của Ý, nhằm tránh cho lãi suất vay tiền của nước này tăng vọt. Hiện giờ, Ý đang vay tiền với lãi suất là 6%, nhưng với món nợ hơn 1.900 tỷ euro, về lâu dài rất khó mà tiếp tục được hưởng lãi suất này.

Các nhà lãnh đạo châu Âu càng bắt buộc phải đạt đến thỏa thuận, vì họ đang chịu áp lực từ nhiều phía. Sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, hôm nay đến lượt Nhật Bản, qua lời Bộ trưởng Tài chính Jun Azumi, kêu gọi châu Âu thi hành các biện pháp để tái lập ổn định trên thị trường hối đoái. Do khủng hoảng nợ công của châu Âu, giá trị của đồng yen trong những tháng đã liên tục phá kỷ lục so với đồng euro và đôla, làm giảm giá trị doanh thu của các công ty Nhật ở nước ngoài.

Ngay cả các thành viên không thuộc khu vực euro của Liên hiệp châu Âu, đứng đầu là Anh quốc, nay cũng bắt đầu tỏ vẻ bất bình, vì thấy rằng các nước khu vực euro ngày càng có xu hướng họp riêng với nhau và ra các quyết định quan trọng mà không tham khảo ý kiến của họ.

Thái độ bất bình này phản ánh một thực tế, đó là nguy cơ Liên hiệp châu Âu 27 quốc gia mất dần thực chất, biến thành châu Âu hai vận tốc, một bên là khối euro, mà khủng hoảng nợ công buộc phải liên kết chặt chẽ hơn nữa, và bên kia là những nước nằm ngoài khối euro.

Nói chung, khủng hoảng nợ công đã làm nổi bật tính chất thiếu đồng nhất của Liên hiệp châu Âu, ngay cả trong nội bộ khối euro. Đối với một số nhà kinh tế, chỉ có thành lập một chính phủ kinh tế liên bang mới có thể cứu vãn khu vực này và thúc đẩy tăng trưởng ở châu Âu. Nhưng cho dù đang bị dồn đến đường cùng, vì những lý do chính trị nội bộ, chưa chắc là các lãnh đạo khu vực đồng euro sẽ sẵn sàng tiến thêm một bước đến cơ chế liên bang theo kiểu Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng

Quân đội Nhật Bản hoạt động cứu trợ nhân đạo
Quân đội Nhật Bản hoạt động cứu trợ nhân đạo
Reuters

Thanh Phương 25/10/2011
 
Theo báo chí Nhật Bản và Việt Nam hôm nay 25/10/2011, tại Tokyo hôm qua 24/10, nhân chuyến viếng thăm Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã ký với Bộ trưởng Quốc phòng Yasuo Ichikawa một Bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương.

Theo tờ Quân đội Nhân dân, bản ghi nhớ nêu rõ là Việt Nam và Nhật Bản sẽ tăng cường trao đổi các đoàn cao cấp, tiến hành đối thoại định kỳ ở cấp Thứ trưởng, đào tạo nhân lực, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, cũng như hợp tác tại các diễn đàn quốc phòng và quốc tế khu vực.

Theo hãng tin Kyodo, trích lời các giới chức Nhật Bản, hai bộ trưởng Phùng Quang Thanh và Yasuo Ichikawa đã đồng ý với nhau về tầm quan trọng của việc thắt chặt quan hệ song phương Việt - Nhật, trong bối cảnh mà hai quốc gia đều phải đối phó với Trung Quốc, với việc Bắc Kinh cản trở các hoạt động trên biển của các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Hãng tin Kyodo nhận định, thỏa thuận nói trên phản ánh mong muốn của hai nước kềm chế thái độ xác quyết chủ quyền ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như biển Hoa Đông, nơi mà Tokyo vẫn tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tuyên bố sau cuộc gặp gỡ với đồng nhiệm Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Ichikawa khẳng định Bản ghi nhớ vừa được ký kết có tầm quan trọng rất lớn, vì nó là cơ sở cho Nhật Bản tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng và trao đổi với Việt Nam, một quốc gia lớn ở Đông Nam Á.

Đây là lần đầu tiên từ 13 năm qua, một Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam viếng thăm Nhật Bản.

22/10/11

Thư ngỏ kêu gọi chủ tịch nước Việt Nam trả tự do cho blogger Điếu Cày

Blogger Nguyễn Văn Hải, bút danh Điếu Cày tiếp tục bị giam giữ mặc dù ông đã mãn hạn tù (DR)
Blogger Nguyễn Văn Hải, bút danh Điếu Cày tiếp tục bị giam giữ mặc dù ông đã mãn hạn tù (DR)

Thanh Phương 22/10/2011
 
Đúng một năm kể từ khi blogger Nguyễn Văn Hải, bút danh Điếu Cày, tiếp tục bị giam giữ mặc dù ông đã mãn hạn tù, một thư ngỏ gởi chủ tịch nước Trương Tấn Sang về vụ này đang lan truyền trên Internet. Bức thư có chữ ký của khoảng 40 người đầu tiên, gồm các blogger người Việt trong nước và ở nước ngoài kêu gọi ông Trương Tấn Sang can thiệp đối với việc mà họ xem là « giam giữ trái phép một công dân yêu nước ».

Bức thư ngỏ nhắc lại là ông Nguyễn Văn Hải, một trong những sáng lập viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, đã mãn hạn 30 tháng tù giam về tội « trốn thuế » vào ngày 19/10 năm ngoái, nhưng công an lại tiếp tục giam giữ ông cho đến nay.

Đối với các tác giả bức thư, việc tiếp tục giam giữ ông Nguyễn Văn Hải mà không có phán xét của tòa án, không một thông tin cho thân nhân và cũng không có tuyên bố chính thức về quy trình pháp luật sẽ áp dụng cho ông là một hành động « vi hiến, phạm pháp, vô nhân đạo và không tôn trọng quyền công dân ».
Bức thư ngỏ kêu gọi chủ tịch nước Trương Tấn Sang dùng thẩm quyền của mình để trả tự do ngay lập tức cho ông Nguyễn Văn Hải.

Xin nhắc lại là vợ của ông Nguyễn Văn Hải, bà Dương Thị Tân đã nhiều lần kêu cứu với dư luận trong nước và quốc tế về tình trạng sức khoẻ của chồng, nhất là sau khi một sĩ quan công an nói với bà là ông Hải đã bị « mất tay ».

Cũng về nhân quyền, theo tin báo chí trong nước hôm nay, 3 nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi của những nông dân bị trưng thu đất hôm qua đã bị tòa án tỉnh Đồng Nai kết án tù lên tới 7 năm.

Ông Nguyễn Ngọc Cường, quê ở Gia Lai, bị kết án 7 năm tù giam, con trai là Nguyễn Ngọc Tường Thi, bị kết án 2 năm tù giam và con dâu là Phạm Thị Bích Chi bị kết án 18 tháng tù treo với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam ».

Theo bản cáo trạng, ông Nguyễn Văn Cường từ tháng 10 năm ngoái đã tham gia một diễn đàn trên mạng và có những phát biểu bị xem là có nội dung « chống chính quyền nhân dân, xuyên tạc chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước ».

Bản cáo trạng còn khẳng định ông Cường nhận tiền từ các « đối tượng phản động ở nước ngoài » để cấp cho những người khiếu kiện và phỏng vấn họ theo nội dung « nói xấu chế độ », rồi đưa lên mạng. Ông Nguyễn Văn Cường còn bị cáo buộc đã in truyền đơn để cùng với con trai là Nguyễn Ngọc Tường Thi rải trên quốc lộ 1. Người con dâu là Phạm Thị Bích Chi có trách nhiệm liên đới vì đã tham gia chỉnh sửa truyền đơn.

21/10/11

Biểu tình trước trụ sở Đài Truyền hình Hà Nội

Thanh Phương 21/10/2011
 
Sáng nay 21/10, khoảng hơn 20 người đã tập trung trước trụ sở Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, mà theo họ đã có những bản tin với nội dung bôi nhọ một số nhân sĩ trí thức có tham gia các cuộc tuần hành phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc.

Xin nhắc lại là trong bản tin ngày 22/8, Đài PTTH Hà Nội đã gọi những người biểu tình là « phần tử phản động ». Các nhân sĩ trí thức bị đưa hình ảnh trong bản tin đó của Đài PTTH Hà Nội đã yêu cầu đài này cải chính và xin lỗi. Nhưng do không được đáp ứng yêu cầu đó, nên vào đầu tháng 9 họ đã kiện Đài PTTH Hà Nội lên Tòa án Nhân dân quận Đống Đa Hà Nội.

Sáng hôm nay, Tòa án quận Đống Đa đã ra thông báo trả lại đơn kiện của các nhân sĩ trí thức, với lý do là « Người khởi kiện không có quyền khởi kiện ». Cho nên, khoảng hơn 20 người sáng nay đã tuần hành từ trụ sở Tòa án đến trụ sở Đài PTTH Hà Nội. Một trong những người tham gia cuộc tuần hành này, anh Nguyễn Lân Thắng cho biết :

« Cuộc tuần hành diễn ra từ lúc 10 giờ đến hơn 11 giờ ngay trước cổng đài truyền hình. Có khoảng hơn 20 người. Nội dung các biểu ngữ chủ yếu là phản đối quyết định của tòa án, kêu gọi báo chí hãy đứng về phía nhân dân, các nhà báo hãy tôn trọng sự thực, khách quan, công bằng. Bà con đi bộ khoảng hai cây số. Sau đó mọi người yêu cầu gặp giám đốc Đài Truyền hình Hà Nội Trần Gia Thái, nhưng ông Thái không có ở trụ sở.

Cảnh sát 113 có điều vài xe đến để giữ gìn trật tự vì ở đó là tuyến đường giao thông rất đông. Họ đã cử khoảng 30 cảnh sát quân phục, còn những lực lượng khác mặc thường phục nên tôi không biết là bao nhiêu. Họ có trang bị súng, đứng chặn trước cổng đài truyền hình. Sau đó, khoảng hơn 11 giờ, sau khi không gặp được ông Trần Gia Thái, mọi người tự động giải tán. »

Nhiều thách thức đang chờ đón các lãnh đạo Libya thời kỳ hậu Kadhafi

Thành phố Syrte hoang tàn đổ nát sau những trận đánh dữ dội cuối cùng. Ảnh chụp ngày 21/10/11.
Thành phố Syrte hoang tàn đổ nát sau những trận đánh dữ dội cuối cùng. Ảnh chụp ngày 21/10/11.
REUTERS/Esam Al-Fetori

Thanh Phương 21/10/2011
 
Với cái chết của Kadhafi hôm qua (20/10), lịch sử của Libya sang một trang mới, chấm dứt chế độc độc tài, xây dựng một chính thể dân chủ. Nhưng trên con đường này, nhiều thách thức đang chờ đón các nhà lãnh đạo Libya, đặc biệt là về mặt chính trị và xã hội.

Được Liên Hiệp Quốc và khoảng 60 quốc gia công nhận là đại diện chính đáng của nhân dân Libya, Hội đồng Quốc gia Lâm thời (CNT) vào đầu tháng 9 vừa qua đã công bố lộ trình đi đến một nước « Libya tự do ».

Tài liệu này dự trù thành lập một chính phủ chuyển tiếp trong một thời hạn tối đa là ba tháng sau khi chính thức tuyên bố giải phóng toàn bộ đất nước. Chính phủ chuyển tiếp này sẽ có một nhiệm vụ rất nặng nề là, trong thời hạn 8 tháng, tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên tại một đất nước đã sống dưới chế độ độc tài Kadhafi trong suốt 42 năm qua. Sau đó, chính phủ chuyển tiếp sẽ trao quyền cho Quốc hội lập hiến được bầu lên. Tiếp đến, trong thời hạn 20 tháng, Libya sẽ bầu Tổng thống và Quốc hội.

Kế hoạch là như thế, nhưng có làm được hay không lại là chuyện khác. Trước hết, cho tới nay, ở Libya chưa có ai được tự do phát biểu, chưa hề có văn hóa chính trị. Để tham gia tranh cử, các đảng phái sẽ được thành lập, nhưng ngoài Hội đồng Quốc gia Lâm thời, chưa biết là sẽ có những lực lượng chính trị nào khác.

Khó khăn lớn nhất là làm sao xây dựng một quốc gia thống nhất, dân chủ và tự do, trên một xứ sở được hình thành từ các bộ tộc. Người ta sợ sẽ xảy ra đấu đá tranh giành quyền lực giữa các vùng, các bộ tộc, cũng như giữa phe xu hướng tự do và phe Hồi giáo cực đoan ở Libya.

Truớc mắt, sau 6 tháng xung đột dữ dội, chính quyền mới của Libya nay phải tìm cách vãn hồi hòa bình và công việc đầu tiên của họ là phải thu hồi số vũ khí đang lưu hành gần như tự do trên toàn quốc. Với sự trợ giúp của Mỹ, Hội đồng Quốc gia Lâm thời đã bắt đầu thu hồi vũ khí của lực lượng thân Kadhafi, nhất là các tên lửa địa đối không.

Các nhà lãnh đạo mới của Libya còn phải khôi phục một nền kinh tế, mà theo dự báo của tổ chức OCDE, sẽ bị sụt giảm 19% trong năm nay. Nhưng để tái thiết quốc gia, họ có thể dựa vào nguồn tài nguyên dồi dào của Libya, đặc biệt là dầu hỏa. Chẳng cần mời gọi, các công ty ngoại quốc sẽ tranh nhau thị trường béo bở này. Hơn nữa, cộng đồng quốc tế chắc chắn là sẽ viện trợ ồ ạt để giúp vực dậy nền kinh tế Libya.

Vấn đề là liệu tình hình của Libya có nhanh chóng ổn định để có thể tập trung tái thiết đất nước hay không, vì như đã nói ở trên, nguy cơ xáo trộn đang rình rập quốc gia này sau cái chết của Kadhafi.

Liên Hiệp Quốc yêu cầu điều tra về cái chết của Kadhafi

Người dân Tripoli vui mừng đổ ra quảng trường Martyr ngày 20/10/11sau khi được tin Kadhafi đã chết .
Người dân Tripoli vui mừng đổ ra quảng trường Martyr ngày 20/10/11sau khi được tin Kadhafi đã chết .
REUTERS/Suhaib Salem

Thanh Phương 21/10/2011
 
Hôm nay (21/10) Liên Hiệp Quốc vừa yêu cầu điều tra về cái chết của lãnh đạo Libya bị lật đổ, đại tá Mouammar Kadhafi hôm qua tại Syrte, thành phố cuối cùng rơi vào tay quân nổi dậy. Theo lời phát ngôn viên Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Rupert Coville, hoàn cảnh cái chết của Kadhafi không rõ ràng, cho nên cần phải mở điều tra.

Những hình ảnh chiếu trên đài truyền hình hôm qua cho thấy nhà cựu độc tài, bị thương, nhưng còn sống, thân hình đầy máu, bị một đám đông cuồng nhiệt kéo lê đến một chiếc xe. Tiếp đến, người ta nhìn thấy Kadhafi gương mặt đầy máu, bị xô đẩy, bị giựt tóc, bị tát vào mặt, bị đánh vào vai. Sau đó, ông ta mất hút khỏi màn ảnh giữa tiếng súng nổ vang trời.

Trong cuộc họp báo hôm nay tại Tripoli, lãnh đạo hành pháp Hội đồng Quốc gia Lâm thời CNT Mahmoud Jigril khẳng định là Kadahfi đã chết vì trúng đạn vào đầu trong vụ chạm súng ở Syrte hôm qua.

Theo lời ông Jibril, khi bị bắt, Kadhafi vẫn mạnh khỏe và mang trên người một vũ khí. Sau đó, ông đã được đưa đến một chiếc xe. Ông Jibril kể tiếp : « Khi vừa chuyển bánh, chiếc xe bị kẹt giữa hai lằn đạn do vụ chạm súng giữa lực lượng thân Kadhafi và quân cách mạng. Trong vụ chạm súng này, ông đã đã trúng đạn vào đầu ». Lãnh đạo hành pháp Libya cho biết thêm là khi đến bệnh viện, Kadhafi vẫn còn sống.

Nhưng trước đó, tư lệnh lực lượng CNT vùng Nam Misrata ( Đông Libya ), kể lại rằng : « Khi quân nổi dậy nổ súng, lúc ấy Kadhafi đang ở trong một xe Jeep. Ông ta đã nhảy ra khỏi xe chạy trốn vào một đường ống thoát nước. Khi quân nổi dậy nổ súng lần nữa, ông ta chạy ra khỏi hầm, một tay cầm khẩu kalachnikov và tay kia cầm một khẩu súng lục. Quân nổi dậy lại nổ súng, bắn bị thương Kadhafi ở vai và chân, rồi sau đó ông ta tử thương ».

Về phần Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gérard Longuet hôm qua cho biết là chính một chiến đấu cơ Mirage -2000 của không quân Pháp, theo yêu cầu của bộ tham mưu khối NATO, đã bắn để chặn đường đoàn xe mà trên đó có Kadhafi. Sau đó, quân nổi dậy đã can thiệp, phá hủy những chiếc xe và lôi ông ta ra khỏi xe. Ông Longuet tin rằng đại tá Kadhafi đã không chết do bị NATO oanh kích.

Dầu sao, trên đài truyền thanh Europe 1 hôm nay, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé cho rằng hoàn cảnh cái chết của Kadhafi vẫn còn mù mờ. Cũng trên đài này hôm nay, một đại diện của Hội đồng Quốc gia Lâm thời Mansour Saif al-Nasr loan báo là một ủy ban điều tra sẽ được thành lập để xác định xem nhà độc tài Libya đã chết như thế nào.

 Hiện giờ, chính quyền mới của Libya chưa quyết định ngày giờ cũng như nơi chôn cất Kadhafi. Tối hôm qua, thi thể của ông ta vẫn nằm tại một nhà riêng ở Misrata.

18/10/11

Nợ công của Việt Nam tăng nhanh một cách đáng ngại

Một công trình xây dựng cao ốc tại Hà Nội
Một công trình xây dựng cao ốc tại Hà Nội
Reuters
Thanh Phương 17/10/2011
 
Theo các số liệu do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại ( Bộ Tài chính ) công bố vào đầu tháng 7/2011, nợ công của Việt Nam- bao gồm vay của nước ngoài lẫn trong nước- năm 2010 là 56,7% tổng sản phẩm nội điạ GDP và theo dự kiến, năm nay sẽ tăng lên thành 58,7% GDP.

Đối với chính phủ Hà Nội, nợ công Việt Nam hiện vẫn ở trong mức an toàn, bởi vì chưa vượt qua mức 60% GDP, vốn được một số nhà kinh tế xem là mức giới hạn an toàn.

Vào đầu tháng 8/2011, hãng định mức tín nhiệm Fitch đã loan báo giữ nguyên mức tín nhiệm nợ công dài hạn của Việt Nam ở hạng B+, nhưng cảnh báo là mức hạng này có thể hạ xuống nếu chính phủ Việt Nam không tiếp tục kiên quyết thắt chặt chính sách tiền tệ, kềm chế lạm phát và tái lập sự tín nhiệm vào tiền đồng. Nhất là theo hãng Fitch, những vấn đề trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam cũng là một nguồn rủi ro so với mức hạng tín nhiệm nợ công của Việt Nam.

Hiện giờ, tuy nợ công của Việt Nam đúng là vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng nhìn lại những năm gần đây, món nợ công này đã tăng nhanh một cách đáng ngại, khoảng 25% tính từ năm 2007 đến cuối năm 2011, tức là trung bình tăng 5% mỗi năm. ( Số liệu Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: nợ công 2007:33,8% GDP, 2008: 36,2% GDP, 2009: 41,9%, 2010: 56,7% GDP và 2011 dự báo 58,7% GDP ). Nợ công tăng nhanh trong bối cảnh mà ngân sách của Việt Nam luôn bị thâm hụt, buộc chính phủ phải vay nợ thêm, cho nên nợ nần sẽ chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con.

Ấy là chưa kể, do Việt Nam nay được xếp vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, cho nên điều kiện vay nợ nước ngoài kể từ nay khó khăn hơn, tức là chính phủ phải vay với lãi suất cao hơn, chứ không còn được hưởng những lãi suất ưu đãi như trước đây.

Trong thời gian qua, nhiều chuyên gia đã lên tiếng khuyến cáo chính phủ về nguy cơ nợ công vượt khỏi tầm kiểm soát. Trả lời phỏng vấn tờ Thanh Niên đầu tháng 10 vừa qua, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, giải thích rằng nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ công ngày càng tăng là do “tỷ lệ đầu tư của VN trong những năm qua trung bình từ 40-42% GDP, trong đó khu vực công chiếm khoảng 45%. Tỷ lệ đầu tư lớn, tăng liên tục nhiều năm trong khi ngân sách luôn ở tình trạng thâm hụt “báo động đỏ” (trên 5% GDP) khiến chính phủ phải đi vay nợ. “

Về phần tiến sĩ Nguyễn Quang A, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Hà Nội, thì nhấn mạnh rằng, tốc độ tăng nhanh của nợ công Việt Nam là dấu hiệu đáng ngại:

“Tôi nghĩ là nợ công của Việt Nam trong thời gian qua tăng rất là nhanh. Đấy là một dấu hiệu đáng lo ngại. Tất nhiên là một nước đang phát triển như thế này thì cần đi vay nợ để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nhưng rất tiếc là ở Việt Nam, vấn đề là  đầu tư không hiệu quả và tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào vốn. Cho nên, giữ được một mức tăng trưởng tương đối như những năm vừa qua, Việt Nam đã cần rất nhiều vốn và chính vì thế nợ công tăng nhiều. Chi ngân sách cũng tăng lên nhiều.

Nếu xét về cơ cấu cho đến bây giờ, khả năng trả nợ của Việt Nam, với những khoản vay dài hạn như thế, chưa có vấn đề gì. Nhưng nếu cứ để tiếp tục như thế này và đầu tư vẫn kém hiệu quả, trong tương lai Việt Nam sẽ gặp nhiều vấn đề.

Bản thân khái niệm thế nào là an toàn cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Nói rằng nợ công dưới 60% GDP là an toàn, thì tôi không nghĩ là như vậy. Bởi vì tỷ lệ nợ công có thể thấp hơn mức đó mà không có khả năng trả nợ, tức là có khả năng vỡ nợ, thì như thế là không an toàn. Còn cho dù nó có lên tới 80% GDP mà có khả năng trả nợ thì cũng không sao. Tức là phải xét khả năng trả nợ, bởi vì những khoản vay là có thời hạn. Nếu đó là thời hạn ngắn, lãi suất cao và mỗi năm phải trả nợ lãi và một phần vốn, mà nguồn thu lại không đủ để trả các khoản đó thì thật là gay go. Không xem xét kỹ thì khó có thể đánh giá thế nào là an toàn, thế nào là không an toàn.

Với tình trạng nợ công gia tăng nhanh như vậy, đó là một lời cảnh báo rất nghiêm túc đối với chính phủ là phải hết sức thận trọng với nợ công. Trong bối cảnh mà Hy Lạp, rồi Ý bị hạ mức tín nhiệm và nợ của chính phủ các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đang lan sang hệ thống ngân hàng, chính phủ Việt Nam càng cần phải lưu ý."

Trong bài phỏng vấn với Thanh Niên, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh lưu ý rằng nợ công của Việt Nam chỉ là nợ của chính phủ, trong khi theo thông lệ quốc tế, nợ công phải bao gồm cả nợ của doanh nghiệp Nhà nước ( DNNN ), nhất là ở Việt Nam nợ của DNNN có quy mô xấp xỉ với nợ của chính phủ, nên càng không được loại nó ra khỏi nợ công.

Nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, cần phải phân biệt rạch ròi giữa nợ của chính phủ với nợ của các doanh nghiệp:

“Theo quan điểm riêng của tôi, doanh nghiệp là doanh nghiệp, bất luận nó thuộc sở hữu nào. Vay mà không trả được, đó là chuyện của kinh doanh với nhau. Doanh nghiệp đó có thể là phải phá sản, phải bị bán đi, hoặc làm cách nào đó để trả nợ. Tất nhiên, những khoản vay của các doanh nghiệp Nhà nước mà được Bộ Tài chính bảo lãnh thì là thuộc nghĩa vụ của chính phủ. Nói chung, đều cần phải lưu ý đến cả hai khoản này. Nếu giải quyết theo như đề nghị của các tổ chức quốc tế, tức là tính cả nợ của các doanh nghiệp Nhà nước, thì có thể là nợ công còn cao hơn nữa.

Nếu tính các khoản vay của ngân hàng Việt Nam và của ngoại quốc thì con số có thể lên rất cao. Còn nếu tính toàn bộ nợ của chính phủ trung ương, các chính quyền địa phương, những khoản do Nhà nước bảo lãnh, những khoản của các doanh nghiệp quốc doanh, thì tỷ lệ không còn là năm mươi mấy phần trăm GDP nữa."

Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, nợ công của Việt Nam hiện có nhiều rủi ro: “ Rủi ro lớn nhất xuất phát từ việc chi tiêu và đầu tư công kém hiệu quả. Rủi ro thứ hai là một bộ phận rất lớn nợ công của các DNNN chưa được đưa vào trong các thống kê về nợ công. Khi không đo lường được và không hiểu hết “tảng băng chìm” này, thì cũng không thể quản lý rủi ro mà nó có thể gây ra. Rủi ro thứ ba là nợ công tăng quá nhanh, trong khi thâm hụt ngân sách luôn ở mức rất cao. Điều này vi phạm một nguyên tắc cơ bản của quản lý nợ công, đó là nợ ngày hôm nay phải được trang trải bằng thặng dư ngân sách ngày mai.”

Đối với tiến sĩ Trần Quang A, để giảm được nợ công thì trước hết phải nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư công:

“ Phải rất cẩn trọng với đầu tư công và phải tìm cách nâng cao hiệu quả của nó lên. Có những khoản chắc chắn là Nhà nước phải đầu tư, nhưng có những khoản có thể để cho tư nhân làm được, nên để cho tư nhân nào.

Không còn cách nào khác là phải rất minh bạch trong các khoản đầu tư, trong các khoản vay mượn, thường xuyên cung cấp thông tin, thì lúc đó mới có thể góp ý để có một chính sách phù hợp hơn.
Rất tiếc là người ta có thông báo đã cắt giảm được 10 ngàn tỷ đầu tư công. Đấy là con số thống kê hay con số thực thì chưa rõ. Nhưng thực tế là đầu tư công, đầu tư về ngân sách năm nay tăng khoảng sáu bảy chục ngàn tỷ đồng. Trong khi thu ngân sách thì tăng hơn năm ngoái 80 ngàn tỷ.

Tình hình khó khăn của nền kinh tế, của các doanh nghiệp, của các hộ gia đình, với tình hình lạm phát như thế này, mà nguồn thu vẫn tăng lên đến như vậy, thì đấy không phải là một thành tích, mà là một điều rất dở. Đáng lẽ phải giảm nguồn thu đó đi, đồng thời giảm thâm hụt ngân sách và giảm nguồn chi tiêu, thì lúc đó người ta buộc phải giảm chi tiêu công.

Ở Việt Nam còn có một vấn đề nữa, mà có lẽ cũng gần giống như ở Trung Quốc, tức là chi tiêu công có phần của chính phủ trung ương và phần của các chính phủ địa phương. Có lẽ phải xem xét lại việc phân cấp như thế nào để làm sao có thể kiểm soát được, chứ nếu không, 61 tỉnh thành mà đều nợ tùm lum thì rất là nguy hiểm. Tỷ lệ nợ của các chính quyền địa phương thường là cao hơn trung ương ( con số chi tiết thì tôi không nhớ rõ).

Việc phân cấp phải rõ ràng những phần nào là của địa phương và những phần nào là của trung ương. Hiện nay, rất nhiều dự án đều do địa phương làm chủ đầu tư, nhưng một số dự án đó lẽ ra phải là do chính phủ trung ương làm chủ, để có thể điều phối cả một vùng, một khu vực nào đấy. Không thể để cho mỗi địa phương làm theo kiểu của mình, phục vụ cho lợi ích riêng.

Đó là những căn bệnh đã xảy ra rất nhiều ở Việt Nam. Tỉnh nào cũng có cảng, tỉnh nào cũng muốn xây sân bay, trong khi chỉ cách nhau chưa tới 100 cây số! Làm như thế thì thật vô cùng lãng phí. Tôi nghĩ việc phân cấp như thế là đúng rồi. Nhưng phân cấp cái gì, phân cấp như thế nào, đó là vấn đề lớn cần phải xem xét lại.”

Trên tờ Tiền Phong , số ra vào đầu tháng 10, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cảnh báo là “nợ công tăng cao mà không có khả năng trả nợ thì có thễ dẫn đến vỡ nợ như Hy Lạp bây giờ”. Ông Bùi Kiến Thành nhấn mạnh : “ Ở Việt Nam đang có vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, đó là nạn tham nhũng và rút ruột các công trình đầu tư từ nợ công”. Chuyên gia kinh tế này cho biết, theo báo cáo của Quốc hội, công trình nào cũng bị rút ruột 5, 10, 20%, thậm chí đến 30% !

Mặt khác, ông Bùi Kiến Thành lưu ý là báo cáo của Phòng thương mại và công nghiệp cho thấy là 30% doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản và 50% doanh nghiệp gặp khó khăn. Ông đặt câu hỏi: “ Nếu tình hình kinh tế đình đốn như thế này thì lấy đâu ra nguồn thu để trả nợ công?”

Trong khi đó nhiều tập đoàn Nhà nước lại đang trong tình trạng báo động về nợ. Tờ Dân Trí, số ra tháng 9 vừa qua, có trích dẫn dự thảo báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương về tình hình 8 tháng đầu năm 2011 của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc khối này. Kết quả cho thấy là chỉ trong 8 tháng đầu năm, nhiều đơn vị đã lỗ tới hàng nghìn tỷ đồng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, Vinashin, Petrolimex… Đứng đầu là EVN nợ gần 11,7 nghìn tỷ đồng.

Theo Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, một trong những nguyên nhân của tình trạng nợ nần này là một số doanh nghiệp đang thiếu vốn cho đầu tư phát triển ngành nghề kinh doanh chính, nhưng lại đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Như vậy, trước mắt để giảm bớt tốc độ tăng của nợ công, một mặt Việt Nam phải cắt giảm đầu tư công và mặt khác phải cải thiện hiệu quả của các dự án đầu tư công, cũng như chỉnh đốn lại cung cách làm ăn của các doanh nghiệp Nhà nước.

15/10/11

Việt Nam - Trung Quốc tái khẳng định giải quyết tranh chấp Biển Đông qua hoà đàm

Hai lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và Nguyễn Phú Trọng (Reuters)
Hai lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và Nguyễn Phú Trọng (Reuters)

Thanh Phương 15/10/2011
 
Hôm nay 15/10/2011, tại Bắc Kinh, khi kết thúc chuyến viếng thăm của tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Trung Quốc đã ra một tuyên bố chung về chuyến đi này. Một lần nữa, cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc khẳng định giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán hoà bình.

Bản tuyên bố chung cho biết trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã khẳng định « quyết tâm chính trị » thông qua « đàm phán và hiệp thương hữu nghị » để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Theo bản tuyên bố, lãnh đạo hai Đảng và hai nước sẽ đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển « từ tầm cao chính trị và chiến lược », kịp thời chỉ đạo xử lý các vấn đề trên biển.

Trong bản tuyên bố, hai bên cho rằng, việc hai nước ký kết « Thỏa thuận các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển » là có ý nghĩa « quan trọng » trong việc xử lý và giải quyết vấn đề trên biển. Hai bên cũng cho biết sẽ nghiên cứu và trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển Biển Đông, mà Trung Quốc vẫn khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ. Hai nước còn tuyên bố sẽ thúc đẩy đàm phán về việc phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và về việc cùng khai thác vùng biển này.

Bản tuyên bố chung Việt-Trung cho biết là, trước khi giải quyết tranh chấp trên biển, hai bên cam kết sẽ không có hành động làm phức tạp hóa vấn đề hoặc mở rộng thêm tranh chấp, và nhất là không để « các thế lực thù địch » phá hoại quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.

Một điểm đáng chú ý nữa là theo bản tuyên bố chung, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tăng cưòng hợp tác quân sự, cụ thể là đẩy mạnh hợp tác giữa hai quân đội, tăng cường tiếp xúc giữa các lãnh đạo cấp cao quân đội hai nước, thiết lập đường dây điện thoại nóng giữa hai Bộ Quốc phòng hai nước, tiếp tục tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ và thậm chí dự trù thí điểm tuần tra chung ở biên giới đất liền.

Nhật Bản và ASEAN sẽ thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải

Phái đoàn Nhật - Trung và đối tác ASEAN, hội nghị Bali tháng 7-2011 (Reuters)
Phái đoàn Nhật - Trung và đối tác ASEAN, hội nghị Bali tháng 7-2011 (Reuters)

Thanh Phương 15/10/2011
 
Theo nhật báo Yomiuri Shimbun số ra ngày hôm nay 15/10/2011, Nhật Bản và ASEAN dự trù là trong bản tuyên bố chung nhân cuộc họp thượng đỉnh tổ chức vào giữa tháng tới tại Indonesia, hai bên sẽ cam kết thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải.

Đây sẽ là tuyên bố chung đầu tiên giữa hai bên kể từ Tuyên bố Tokyo năm 2003, kêu gọi đẩy mạnh hợp tác kinh tế, nhưng chưa nói đến an ninh hàng hải. Cam kết về hợp tác an ninh hàng hải Nhật – ASEAN được đưa ra vào lúc căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trên vấn đề chủ quyền lãnh hải Biển Đông.

Theo nhật báo Yomiuri Shimbun, thông qua bản tuyên bố chung nói trên, chính phủ Nhật kêu gọi tự do và an toàn lưu thông hàng hải, cũng như tuân thủ luật quốc tế ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tokyo hy vọng sẽ hợp lực hành động với ASEAN trên vấn đề này. Tuy nhiên, các nước ASEAN lại không có lập trường đồng nhất đối với Bắc Kinh, do nền kinh tế các nước khối này ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Một số nước lại chủ trương giải quyết tranh chấp qua đàm phán song phương hơn là thương lượng đa phương.

Cho nên, theo tờ Yomiuri Shimbun, một số nhà quan sát không tin là bản tuyên bố chung Nhật – ASEAN sẽ buộc được Trung Quốc hành động kềm chế hơn.

Bên cạnh an ninh hàng hải, bản tuyên bố sẽ nêu việc Nhật Bản tăng cường hợp tác phòng chống thiên tai với ASEAN, trong đó có việc cung cấp cho các nước Đông Nam Á những thiết bị báo động sóng thần.

Trung Quốc tăng cường kiểm soát Internet

Các mạng xã hội trong tầm ngắm của Bắc Kinh (RFI /Leang Delux)
Các mạng xã hội trong tầm ngắm của Bắc Kinh (RFI /Leang Delux)

Thanh Phương 15/10/2011
 
Hôm nay 15/10/2011, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc tại Bắc Kinh. Trong bốn ngày họp, các ủy viên Ban Chấp hành sẽ bàn về vấn đề « phát triển văn hóa », trong đó có một phần thảo luận về các phương tiện truyền thông, vào lúc mà Bắc Kinh tăng cường kiểm soát Internet.

Hiện giờ ở Trung Quốc có khoảng nữa tỷ người sử dụng Internet và giới lãnh đạo Bắc Kinh ngày càng lo ngại trước ảnh hưởng to lớn của mạng thông tin toàn cầu lên dư luận xã hội.

Theo hãng tin AFP, trong những tuần qua, Trưởng Ban Tuyên truyền trung ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc Lý Trường Xuân, một nhân vật đứng hàng thứ 5 trong Bộ Chính trị, đã gặp các lãnh đạo của công cụ tìm kiếm lớn nhất của Trung Quốc Baidu.

Ông Lý Trường Xuân cũng đã thúc giục các quan chức cao cấp kiểm soát công luận chặt chẽ hơn, vào lúc mà chính quyền Bắc Kinh ngày càng bối rối sự phát triển ngày càng rộng lớn của mạng xã hội tại Trung Quốc.

Hiện giờ, Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống kiểm soát Internet rất hiệu quả, mệnh danh là Great Firewall, tạm dịch là « Vạn Lý Hoả Thành ». Nhưng bức tường lửa này vẫn không ngăn chận được sự bành trướng của những trang micro-blog ( tương tự như Twitter). Sau vụ tai nạn xe lửa gây chết người vào tháng 7 vừa qua, trên các trang micro-blog này đã tràn ngập hàng triệu phản ứng của người sử dụng Internet, kịch liệt chỉ trích chính quyền về cách thức đối phó với tai nạn này.

Hiện tượng nói trên đã gây bất ngờ cho giới lãnh đạo Bắc Kinh, vì rõ ràng là sự bùng nổ của các trang Twitter kiểu Trung Quốc khiến các nhà kiểm duyệt Internet bó tay. Theo các số liệu của chính phủ, số người sử dụng các trang Twitter này đã tăng gấp ba kể từ cuối năm 2010. Nói chung, các trang micro-blog nay đã trở thành một mạng rộng lớn, mà trên đó thông tin lan truyền cực kỳ nhanh chóng.

Theo một giáo sư trường báo chí Berkeley ở California được hãng tin AFP trích dẫn, đây là một thách thức to lớn đối với việc kiểm soát tư tưởng và xã hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo vị giáo sư này, các vụ rối loạn xã hội nổ ra ngày càng nhiều trong các tầng lớp khác nhau của xã hội và tại hầu hết các tỉnh thành của Trung Quốc. Mặc dù những vụ này chỉ mang tính địa phương, nhưng có thể làm lan truyền những lý do phản kháng sang các tầng lớp xã hội khác thông qua mạng Internet, và nhất là qua các trang micro-blog.

Trước tình hình này, Trưởng Ban Tuyên truyền trung ương Lý Trường Xuân đã yêu cầu các tờ báo Nhà nước, trong có có hai nhật báo gần đây được đặt dưới quyền kiểm soát của chính quyền thành phố Bắc Kinh, phải xem đây là một « trận chiến mới » trước sự phát triển của Internet.

Tuyên bố của ông Lý Trường Xuân được đưa ra vào lúc chính quyền Trung Quốc chứng tỏ quyết tâm ngăn chận những « tin đồn » trên mạng, danh từ thường được dùng để nói về những lời chỉ trích chính phủ.

Theo bà Anne-Marie Brady, chuyên gia nghiên cứu về vấn đề tuyên truyền ở Trung Quốc, trong giai đoạn chuyển tiếp lãnh đạo thượng tầng Nhà nước, và nhất là sau phong trào mùa xuân Ả Rập, Ban Tuyên truyền trung ương sẽ duy trì sự kiểm soát gắt gao trên báo chí Trung Quốc.

Dân Miến Điện được tự do công đoàn và đình công

Thân nhân tù nhân được ân xá chờ đón người nhà được tự do trước nhà tù Rangoon hôm 12/10/2011. Giờ đây người dân Miến Điện lại được nới lỏng thêm tự do lập công đoàn và đình công.
Thân nhân tù nhân được ân xá chờ đón người nhà được tự do trước nhà tù Rangoon hôm 12/10/2011. Giờ đây người dân Miến Điện lại được nới lỏng thêm tự do lập công đoàn và đình công.
REUTERS/Soe Zeya Tun

Thanh Phương 14/10/2011
 
Hôm nay, 14/10/2011, các giới chức Miến Điện cho hãng tin AFP biết là đạo luật mới về công đoàn và đình công, được Quốc hội Miến Điện thông qua gần đây và được tổng thống Thein Sein phê chuẩn hôm thứ ba (11/10) vừa qua, đã bắt đầu có hiệu lực.

Đạo luật mới này xóa bỏ luật về công đoàn năm 1962, cho phép người dân Miến Điện kể từ nay được tự do thành lập các công đoàn và đình công, theo đúng pháp luật. Cụ thể, theo luật này, người lao động, ngoại trừ quân nhân và cảnh sát, được quyền thành lập công đoàn với tối thiểu là 30 thành viên, với danh xưng và logo riêng.

Họ cũng được quyền tổ chức đình công với điều kiện báo trước 14 ngày và nêu rõ số người tham gia. Tuy nhiên, những người làm việc trong các lĩnh vực trọng yếu như điện nước, y tế, viễn thông, cứu hỏa, thì không được phép đình công. Luật mới cũng không cho phép đóng cửa nơi làm việc.
Tuy chưa được coi là hoàn hảo, nhưng luật mới về công đoàn và đình công đã được phe đối lập và Liên hiệp quốc hoan nghênh. Phát ngôn viên Liên đoàn quốc gia vì dân chủ hôm nay cho rằng : « Chúng ta không thể nói là mọi thứ đều tốt trong luật mới, nhưng chúng ta phải hoan nghênh luật này ».

Tổ chức Lao động Quốc tế cũng lên tiếng khen ngợi luật mới về công đoàn và đình công của Miến Điện, xem đây là một « bước tiến quan trọng ». Tuy nhiên, theo ông Steven Marshall, trưởng đại diện của cơ quan này ở Miến Điện, trong một quốc gia mà những nhà bảo vệ quyền lợi người lao động thường bị vào tù, cần phải có thời gian để thay đổi trong luật đì vào thực tế. Hơn nữa, một số người chắc chắc là sẽ vẫn chưa dám đình công.

Dầu sao, đạo luật về tự do công đoàn và đình công tiếp nối nhiều cử chỉ khác, cho thấy chính phủ mới tại Miến Điện đang cố chứng tỏ thực tâm cải tổ dân chủ của họ. Gần đây nhất, hôm thứ tư vừa qua, chính quyền Miến Điện đã thả khoảng 200 tù chính trị, trong khuôn khổ đợt ân xá hàng ngàn phạm nhân.

14/10/11

Báo Trung Quốc đòi ngăn chặn hợp tác khai thác dầu khí Ấn Độ-Việt Nam

Việt Nam và Ấn Độ hôm 12/10/2011 đã  ký hiệp định hợp tác về thăm dò dầu khí ở vùng Biển Đông
Việt Nam và Ấn Độ hôm 12/10/2011 đã ký hiệp định hợp tác về thăm dò dầu khí ở vùng Biển Đông

Thanh Phương 14/10/2011
 
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo ( Global Times ), một tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm nay (14/10/2011) đã có một bài xã luận phản ứng về việc Việt Nam và Ấn Độ hôm thứ tư vừa qua ký hiệp định hợp tác về thăm dò dầu khí ở vùng Biển Đông. Tờ báo này lưu ý là hiệp định nói trên được ký kết chỉ một ngày sau khi Việt Nam và Trung Quốc, nhân chuyến đi Bắc Kinh của tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, đạt thoả thuận về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông.


Theo Hoàn Cầu Thời Báo, khó có thể nói là việc này chứng tỏ thái độ nước đôi của Hà Nội hay nó phản ánh bất đồng trong nội bộ giới lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Theo nhận định của Hoàn Cầu Thời Báo, qua việc ký hiệp định với Việt Nam, Ấn Độ có lẽ có những suy tính sâu xa hơn về chiến lược khu vực, chứ không đơn thuần là tìm nguồn cung cấp dầu khí.

Tờ báo này cũng cho rằng đằng sau các dự án thăm dò dầu khí là mưu đồ chính trị rất rõ của Ấn Độ. Cho nên, không chỉ lên tiếng phản đối, Trung Quốc cần phải có « những hành động kiên quyết » để phá hỏng những dự án đó. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo đề nghị, một khi Ấn Độ và Việt Nam khởi động dự án thăm dò dầu khí chung, Trung Quốc có thể gửi các lực lượng phi quân sự đến phá rối và gây bất hòa giữa hai nước để ngăn chặn việc thăm dò này.

Căng thẳng giữa Trung Quốc với Ấn Độ do vấn đề Biển Đông có thể sẽ gia tăng thêm sau khi hôm thứ tư vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng A.K. Antony tuyên bố rằng các cuộc tập trận chung giữa Hải quân Ấn Độ với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam trên Biển Đông, biển Hoa Đông và vùng Tây Thái Bình Dương « có thể mang lại những lợi ích. ». Ông A.K. Antony tuyên bố như trên nhân một hội nghị với các tư lệnh Hải quân Ấn Độ.

Xin nhắc lại là vào cuối tháng 7 vừa qua, giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã từng có va chạm trên Biển Đông. Cụ thể, một tàu của Hải quân Ấn Độ sau khi ghé thăm cảng Việt Nam trên đường trở về ở khu vực Biển Đông đã bị tàu Trung Quốc nhắc nhở qua làn sóng vô tuyến rằng đây là vùng hải phận của Trung Quốc.

13/10/11

Hàng trăm tù chính trị được thả tại Miến Điện

Diển viên Zarganar tại sân bay Rangoon sau khi được phóng thích ngày 12/10/2011.
Diển viên Zarganar tại sân bay Rangoon sau khi được phóng thích ngày 12/10/2011.
REUTERS/Soe Zeya Tun

Thanh Phương 12/10/2011
 
Phát ngôn viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đảng của nhà đối lập Aung San Suu Kyi, vừa cho biết là khoảng 120 tù chính trị đã được phóng thích hôm nay 12/10/2011, trong khuôn khổ đợt ân xá hàng ngàn tù nhân tại Miến Điện. Còn theo Hiệp hội trợ giúp tù chính trị, trụ sở ở Thái Lan, cho tới nay, số tù chính trị được thả là 70 người.Hãng tin Reuters trích dẫn một quan chức quản lý trại giam, khẳng định là khoảng 300 tù chính trị đã được ân xá.

Phát ngôn viên của Liên đoàn cho biết là họ đang lập danh sách các tù chính trị được thả, bởi vì không có một thông cáo chính thức nào nói rõ danh tánh của khoảng 6.300 phạm nhân được trả tự do trên toàn quốc.

Kể từ khi bà Aung San Suu Kyi được thả ra vào tháng 11/2010, cộng đồng quốc tế vẫn đòi chính quyền Miến Điện phóng thích toàn bộ các tù chính trị ở nước này, mà con số được thẩm định là khoảng 2000 người. Nhưng theo các thông tin từ các trại giam khác nhau ở Miến Điện, số tù chính trị được thả ra lần này rất giới hạn.

Trong số những người được trả tự do, có một trong những nhà đối lập nổi tiếng ở Miến Điện, đó là nhà thơ châm biếm kiêm diễn viên hài Zarganar, bị bắt năm 2008 và bị kết án 59 năm tù, sau đó án tù được giảm xuống còn 35 năm. Zarganar đã chịu cảnh tù đày, vì ông đã tham gia cứu trợ nạn nhân cơn bão Nargis (đã khiến 138.000 người chết và mất tích), cũng như đã chỉ trích chính quyền không để cho quốc tế vào tham gia cứu trợ nạn nhân thiên tai này.

Tên thật là Maung Thura, Zarganar trước đó đã từng bị giam cầm nhiều lần : Năm 1988, vì đã tham gia phong trào nổi dậy chống chế độ quân phiệt Miến Điện; năm 1990, vì đã chỉ trích các tướng lãnh cầm quyền không công nhận kết quả thắng cử của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ; năm 2007, vì đã tham gia xuống đường cùng với các tăng ni Miến Điện.

Năm 2008, tổ chức Phóng viên không biên giới đã trao tặng giải thưởng “Nhà đối lập trên mạng” (cyberdissident) cho Zarganar, người mà tổ chức này mệnh danh là “Charlie Chaplin Miến Điện”.

Sau khi được thả, Zarganar đã về đến sân bay Rangoon hôm nay và được một đám đông gồm thân nhân, các nhà báo và các nghệ sĩ đón tiếp nồng nhiệt. Khi được hỏi là ông muốn nhắn gởi gì đến tổng thống Thein Sein, Zarganar trả lời : “Tôi muốn hỏi ông ta là sao ông keo kiệt như thế. Còn nhiều người khác cần được trả tự do”.

Benjamin Zawacki, một đại diện của Ân xá Quốc tế, hôm nay cho rằng việc trả tự do cho vài chục người trên tổng số 2000 tù chính trị, là một cử chỉ có tính chất tượng trưng nhắm đến cộng đồng quốc tế.

Tuy vậy, quyết định ân xá tù chính trị lần này là nằm trong khuôn khổ một tiến trình rộng lớn hơn. Từ khi lên nắm quyền vào tháng 3 vừa qua sau khi giải thể chế độ quân phiệt, tổng thống Thein Sein đã cố chứng tỏ với phương Tây thực tâm cải tổ dân chủ của ông.

Ông đã mở đối thoại với nhà đối lập Aung San Suu Kyi và cuối tháng 9 vừa qua đã bất ngờ loan báo đình chỉ một dự án xây đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ và xây dựng, vì ông muốn « tôn trọng ý nguyện của nhân dân ».

Đó là những bước tiến mà ngay chính Hoa Kỳ hôm thứ hai vừa qua đã hoan nghênh, qua lời trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Thái Bình Dương Kurt Campbell.

Về phần ông Renaud Egreteau, nhà nghiên cứu thuộc đại học Hồng Kông, tổng thống Thein Sein muốn chứng tỏ ông là một nhà lãnh đạo sáng suốt, cho nên đã nhanh chóng chấp nhận những nhượng bộ lớn. Nhưng theo ông Egreteau, hãy còn quá sớm để dự báo là chính quyền Miến Điện sẽ không quay trở lại đường lối cứng rắn của quân đội.

10/10/11

Đẩy mạnh chính sách "Hướng Đông", Ấn Độ trải thảm đỏ tiếp lãnh đạo Việt Nam

Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (Reuters)
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (Reuters)

Thanh Phương 10/10/2011
 
Ấn Độ đang tăng tốc thực hiện chính sách « Hướng Đông » với việc chuẩn bị đón tiếp hai lãnh đạo Việt Nam và Miến Điện. Vào ngày mai, chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ viếng thăm chính thức Ấn Độ cho đến ngày 14/10/2011.

Sau chuyến viếng thăm của chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, sẽ đến lượt tổng thống Miến Điện Thein Sein đặt chân đến New Delhi, trong chuyến công du ngoại quốc lần thứ hai kể từ khi ông lên nắm quyền tại Miến Điện.

Theo nhận định của nhật báo The Times of India số ra ngày hôm nay, hai chuyến đi nói trên chắc chắn sẽ được Trung Quốc theo dõi sát sao, trong bối cảnh mà quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc tiếp tục bị khấy động bởi vấn đề chủ quyền Biển Đông, còn bang giao giữa Miến Điện với đồng minh Bắc Kinh gần đây cũng đang trong giai đoạn rắc rối, với việc chính quyền nước này bất ngờ đình chỉ một dự án đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ và xây dựng.

Chuyến đi của chủ tịch Trương Tấn Sang đến New Dehli ngày mai còn diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ khẳng định quyết tâm tiếp tục thăm dò dầu khí ở hai lô thuộc lãnh hải của Việt Nam trên Biển Đông, bất chấp phản đối quyết liệt của Trung Quốc. Đối với Ấn Độ cũng như đối với Việt Nam, việc thăm dò dầu khí ở hai lô nói trên hoàn toàn đúng theo luật quốc tế. Hành động này cho thấy là kể từ nay New Delhi không chấp nhận bị cản trở trên con đường « Hướng Đông », đặc biệt là trong việc tăng cường quan hệ về mọi mặt với đối tác chiến lược Việt Nam.

Theo tờ The Times of India, các vấn đề quốc phòng và chiến lược sẽ bao trùm những cuộc hội đàm nhân chuyến viếng thăm Ấn Độ của chủ tịch Trương Tấn Sang. Tờ báo này nhắc lại là Việt Nam đã cho Ấn Độ sử dụng cảng Nha Trang, nằm không xa Vịnh Cam Ranh, một căn cứ có tính chất chiến lược từng được Hoa Kỳ sử dụng trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Ấn Độ hiện đang thúc đẩy quan hệ về hàng hải và hải quân với Việt Nam.

Ngoài ra, từ hơn một thập niên qua, Ấn Độ vẫn bàn đến việc trợ giúp Việt Nam phát triển chương trình hạt nhân dân sự, nhưng nhiều nước khác, đặc biệt là Nga và Nhật đã nhanh chân hơn. Chuyến đi của lãnh đạo Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ là dịp để Ấn Độ bắt kịp các đối thủ kia trong lĩnh vực này. Việt Nam đã dự trù là trong vòng 20 năm tới sẽ xây dựng tổng cộng 8 nhà máy điện hạt nhân. Nhà máy đầu tiên sẽ do Nga xây dựng, nhà máy thứ hai có lẽ sẽ vào tay Nhật Bản. Như vậy, còn tới 6 nhà máy hạt nhân và Ấn Độ có thể hy vọng được nằm trong danh sách kế tiếp.

Về phía Việt Nam, với chuyến công du Ấn Độ của chủ tịch Trương Tấn Sang bắt đầu cùng ngày với chuyến đi Trung Quốc của tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, có lẽ Hà Nội đang tìm cách cân bằng lại quan hệ với hai cường quốc châu Á này.

Trả lời phỏng vấn hãng tin PTI hôm qua, ông Trương Tấn Sang tuyên bố là Việt Nam hoan nghênh các công ty của Ấn Độ và của các nước khác tham gia các dự án dầu khí với Việt Nam trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chủ tịch Việt Nam còn cam kết sẽ bảo vệ lợi ích « chính đáng » của các công ty ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam. Nhưng vấn đề là Hà Nội sẽ phản ứng ra sao nếu các công ty dầu khí Ấn Độ bị Trung Quốc sách nhiễu hoặc hăm dọa trên Biển Đông ?

Chính quyền Miến Điện ân xá tù chính trị

Thanh Phương 10/10/2011
 
Các giới chức chính phủ Miến Điện hôm nay (10/10/2011) cho hãng tin AFP biết rằng trong vài ngày tới chính quyền sẽ ân xá nhiều tù nhân, trong đó có cả tù chính trị. Lệnh ân xá này sẽ được ban hành trước chuyến công du Ấn Độ của tổng thống Thein Sein vào thứ tư tới.

Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu và phe đối lập dân chủ Miến Điện từ lâu vẫn đòi chính quyền Miến Điện trả tự do cho khoảng 2000 tù chính trị để chứng tỏ thực tâm cải tổ chính trị của họ. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để phương Tây bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Miến Điện.

Phát ngôn viên của Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ, đảng của nhà đối lập Aung San Suu Kyi, tuyên bố họ trông chờ là toàn bộ tù chính trị ở Miến Điện được phóng thích. Gia đình các tù chính trị cũng rất mong thân nhân của họ được ân xá sau nhiều năm bị giam cầm. Tháng 8 vừa qua, các dân biểu Quốc hội Miến Điện, mà một phần tư xuất thân từ quân đội, cũng đã yêu cầu chính quyền tổng ân xá tù nhân.

Cựu tướng Thein Sein, lên nắm quyền từ tháng 3 sau khi giải thể tập đoàn quân phiệt, từ mấy tuần qua đã cố chứng tỏ với phe đối lập, cũng như với các nước phương Tây rằng ông quyết tâm cải cách dân chủ Miến Điện.

Ông đã mở đối thoại với nhà đối lập Aung San Suu Kyi và cuối tháng 9 vừa qua đã bất ngờ loan báo đình chỉ một dự án xây đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ và xây dựng, vì ông muốn « tôn trọng ý nguyện của nhân dân ».

Lần đầu tiên, kỳ họp của Quốc hội khóa mới đã được mở cho nhà báo vào đưa tin và lãnh đạo cơ quan kiểm duyệt của Miến Điện vào tuần trước kêu gọi tự do báo chí.

Đó là những bước tiến mà ngay chính Hoa Kỳ hôm nay đã hoan nghênh, qua lời trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Thái Bình Dương Kurt Campbell, đang có mặt ở Thái Lan.

Lãnh đạo cơ quan kiểm duyệt Miến Điện kêu gọi tự do báo chí

Những người bán báo trên đường phố Rangoon (Reuters)
Những người bán báo trên đường phố Rangoon (Reuters)

Thanh Phương 8/10/2011
 
Ông Tint Swe, Cục trưởng Cục Đăng ký và Giám sát Báo chí của Miến Điện hôm qua (7/10/2011) tuyên bố với Đài Á châu Tự do rằng các phương tiện truyền thông Miến Điện cần được tự do, thậm chí ông còn đề nghị đóng cửa cơ quan kiểm duyệt. Nhưng theo Phóng viên không biên giới, Miến Điện là một trong những nước kiểm duyệt báo chí gắt gao nhất thế giới.

Ông Tint Swe tuyên bố : “ Kiểm duyệt báo chí không tồn tại ở phần lớn các nước khác, cũng như ở các nước láng giềng, và nó cũng không hợp với những tập quán dân chủ. Trong tương lai gần, cần phải bãi bỏ kiểm duyệt”.

Nhưng lãnh đạo cơ quan kiểm duyệt Miến Điện cũng nói thêm rằng, các tờ báo và các ấn phẩm khác phải chấp nhận tự do nhưng cũng phải chấp nhận những trách nhiệm. Ông Tint Swe nói rõ là các tờ báo nay không còn bị cấm đưa tin về những hoạt động của nhà đối lập Aung San Suu Kyi và trong tương lai gần báo chí sẽ được tự do hơn, trong bối cảnh Miến Điện đang tiến hành cải tổ dân chủ.

Kể từ khi chính phủ “dân sự” lên nắm quyền sau cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi vào tháng 11 năm ngoái, Miến Điện đã giảm nhẹ các quy định về kiểm duyệt báo chí, tuy vẫn kiểm soát chặt chẽ những tờ báo chính.
Trong tháng sáu vừa qua, các nhà xuất bản được thông báo là kể từ nay, các nhật báo thể thao, các tạp chí về giải trí ... không cần phải được Bộ Thông tin cấp phép rồi mới in.

Trong tháng 9 vừa qua, tuy thông tin không được chính thức loan báo, nhưng người sử dụng Internet tại Miến Điện đã có thể truy cập vào những trang web cho tới nay vẫn bị cấm, trong đó có trang web của đài BBC và của báo chí Miến Điện lưu vong như đài Tiếng nói Dân chủ Miến Điện (DVB).

Nhưng cũng trong khoảng thời gian đó, một tòa án đã tăng án tù thêm 10 năm đối với một phóng viên bị giam vì đã làm việc cho đài DVB. Nhà báo này nay phải thọ án tổng cộng 18 năm.

Cho tới nay, Miến Điện là một trong những quốc gia kiểm duyệt báo chí gắt gao nhất thế giới. Nhiều phóng viên hiện đang bị giam cầm, trong đó có hai người mới bị kết án gần đây. Trong bản xếp hạng về tự do báo chí của Phóng viên không biên giới, Miến Điện đứng hạng gần chót, 174/178.

Vào tháng trước, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đã yêu cầu chính quyền Miến Điện chấm dứt những đạo luật hà khắc trong lĩnh vực báo chí và trả tự do cho các phóng viên bị cầm tù để chứng tỏ thực tâm cải tổ dân chủ.