26/10/11

Khủng hoảng nợ công : Các lãnh đạo khu vực euro buộc phải đạt thỏa thuận

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy tại hội nghị thượng đỉnh khu vực euro, Bruxelles, 23/10/2011.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy tại hội nghị thượng đỉnh khu vực euro, Bruxelles, 23/10/2011.
REUTERS/Yves Herman

Thanh Phương 25/10/2011
 
Ngày mai 26/10/2011, các lãnh đạo châu Âu sẽ họp thượng đỉnh lần thứ hai tại Bruxelles để cố gắng thông qua một kế hoạch cứu nguy khu vực đồng euro, đang có nguy cơ sụp đổ nếu khủng hoảng nợ công lan rộng.

Sau cuộc họp thượng đỉnh lần thứ nhất Chủ nhật vừa qua, các lãnh đạo châu Âu đã vạch ra những nét chính của kế hoạch cứu nguy khu vực euro. Thứ nhất, sẽ yêu cầu các ngân hàng chủ nợ chấp nhận bị lỗ ít nhất 50% trên nợ của Hy Lạp, tức coi như xóa nợ ít nhất 50% cho Hy Lạp, quốc gia đang gánh một món nợ khổng lồ là 350 tỷ euro. Khoảng 108 tỷ euro sẽ được huy động từ các quỹ của Liên hiệp châu Âu để đắp vốn cho các ngân hàng bị lỗ. Hiện giờ, các nước châu Âu còn phải xác định phương thức thực hiện kế hoạch này.

Thứ hai, Pháp và Đức gần như đã đạt đến thỏa hiệp về việc tăng vốn cho Quỹ bình ổn khu vực euro, một cơ chế có tính chất thiết yếu để ngăn chận khủng hoảng. Sau nhiều ngày dằng co với thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã từ bỏ yêu cầu Ngân hàng Trung ương châu Âu tham gia vào việc tăng vốn cho Quỹ này. Thủ tướng Đức vẫn dứt khoát chống lại yêu cầu đó, với lý do là làm như vậy sẽ vi phạm quy định cấm Ngân hàng Trung ương châu Âu trợ giúp các chính phủ về mặt ngân sách.

Nói chung, sau 18 tháng chần chừ, trong cuộc họp thượng đỉnh ngày mai, các lãnh đạo châu Âu bắt buộc phải thông qua được một kế hoạch thoát ra khủng hoảng nợ công, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng này đang có nguy cơ lan sang nước Ý, quốc gia hiện gánh món nợ lên tới hơn 1.900 tỷ euro. Chính phủ Roma bị trách cứ là đã không thực hiện những cam kết về siết chặt ngân sách và cải tổ kinh tế.

Các nước khu vực đồng euro hiện đang nghiên cứu khả năng sử dụng Quỹ bình ổn tài chính để mua lại nợ của Ý, nhằm tránh cho lãi suất vay tiền của nước này tăng vọt. Hiện giờ, Ý đang vay tiền với lãi suất là 6%, nhưng với món nợ hơn 1.900 tỷ euro, về lâu dài rất khó mà tiếp tục được hưởng lãi suất này.

Các nhà lãnh đạo châu Âu càng bắt buộc phải đạt đến thỏa thuận, vì họ đang chịu áp lực từ nhiều phía. Sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, hôm nay đến lượt Nhật Bản, qua lời Bộ trưởng Tài chính Jun Azumi, kêu gọi châu Âu thi hành các biện pháp để tái lập ổn định trên thị trường hối đoái. Do khủng hoảng nợ công của châu Âu, giá trị của đồng yen trong những tháng đã liên tục phá kỷ lục so với đồng euro và đôla, làm giảm giá trị doanh thu của các công ty Nhật ở nước ngoài.

Ngay cả các thành viên không thuộc khu vực euro của Liên hiệp châu Âu, đứng đầu là Anh quốc, nay cũng bắt đầu tỏ vẻ bất bình, vì thấy rằng các nước khu vực euro ngày càng có xu hướng họp riêng với nhau và ra các quyết định quan trọng mà không tham khảo ý kiến của họ.

Thái độ bất bình này phản ánh một thực tế, đó là nguy cơ Liên hiệp châu Âu 27 quốc gia mất dần thực chất, biến thành châu Âu hai vận tốc, một bên là khối euro, mà khủng hoảng nợ công buộc phải liên kết chặt chẽ hơn nữa, và bên kia là những nước nằm ngoài khối euro.

Nói chung, khủng hoảng nợ công đã làm nổi bật tính chất thiếu đồng nhất của Liên hiệp châu Âu, ngay cả trong nội bộ khối euro. Đối với một số nhà kinh tế, chỉ có thành lập một chính phủ kinh tế liên bang mới có thể cứu vãn khu vực này và thúc đẩy tăng trưởng ở châu Âu. Nhưng cho dù đang bị dồn đến đường cùng, vì những lý do chính trị nội bộ, chưa chắc là các lãnh đạo khu vực đồng euro sẽ sẵn sàng tiến thêm một bước đến cơ chế liên bang theo kiểu Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào: