27/10/11

Các nước khu vực đồng euro thông qua kế hoạch chống khủng hoảng

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy họp báo sau khi kết thúc Thượng đỉnh khu vực đồng euro tại Bruxelles sáng ngày 27/10/2011.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy họp báo sau khi kết thúc Thượng đỉnh khu vực đồng euro tại Bruxelles sáng ngày 27/10/2011.
REUTERS/Thierry Roge

Thanh Phương 27/10/2011
 
Sau một đêm thức trắng, tại cuộc họp thượng đỉnh Bruxelles, các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro cuối cùng đến sáng sớm ngày  27/10/2011 đã thông qua được những nét chính của một kế hoạch chống khủng hoảng, bằng việc giảm rất nhiều nợ của Hy Lạp và huy động 1.000 tỷ euro để ngăn khủng hoảng nợ công lan rộng. Đến phút chót, các lãnh đạo châu Âu  mới giải tỏa được bế tắc về điểm mấu chốt của kế hoạch chống khủng hoảng, đó là xóa một phần nợ của Hy Lạp.

Theo thỏa thuận đạt được, các ngân hàng chấp nhận xóa 50% nợ Hy Lạp mà họ đang nắm, tức là khoảng 100 tỷ euro trên tổng số nợ 350 tỷ euro của Hy Lạp. Từ đây đến cuối năm 2014, Hy Lạp cũng sẽ được châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho vay thêm 100 tỷ euro, trong khuôn khổ một chương trình sẽ thay thế cho kế hoạch 109 tỷ euro được quyết định trong tháng 7 vừa qua.

Để đáp lại nỗ lực của các ngân hàng chủ nợ, cuộc họp thượng đỉnh Bruxelles đã đạt được thoả thuận về việc cấp vốn cho các ngân hàng nào có nhu cầu. Cơ quan ngân hàng châu Âu thẩm định nhu cầu này là khoảng 108 tỷ euro, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng phải cần đến 200 tỷ.

Cũng tại cuộc họp thượng đỉnh Bruxelles, các nước khu vực euro đã quyết định tăng cường khả năng của Quỹ cứu trợ tài chính để giúp các nước đang gặp khó khăn, trước mắt nâng số vốn của quỹ nảy lên 1.000 tỷ euro. Hiện giờ, về mặt lý thuyết, Quỹ cứu trợ tài chính có khoảng 440 tỷ euro, một số tiền được cho là không đủ so với tầm mức của khủng hoảng.

Các nước vùng euro đã tìm ra một cơ chế huy động thêm vốn cho quỹ này mà các quốc gia không cần đóng góp đồng nào. Cụ thể, một hệ thống bảo hiểm-tín dụng sẽ được lập ra để khuyến khích các nhà đầu tư mua nợ công của các nước gặp khó khăn. Quỹ cứu trợ tài chính sẽ bảo đảm một phần nợ trong trường hợp nước vay nợ không có khả năng trả.

Một quỹ đặc biệt sẽ được lập ra để tiếp nhận phần đóng góp của những nước đang trỗi dậy như Trung Quốc và Nga. Nhưng hiện chưa biết quỹ này sẽ có bao nhiêu tiền.

Điểm cuối cùng của kế hoạch chống khủng hoảng, vùng đồng euro trông chờ Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục mua nợ công của Ý và Tây Ban Nha trên các thị trường, để tránh lãi suất trái phiếu tăng vọt, làm trầm trọng hơn gánh nặng nợ của các nước này.

Không có nhận xét nào: