7/10/11

Giải Nobel Hòa bình 2011: Thắng lợi của nữ quyền

Thanh Phương 7/10/2011
 
Ngày 07/10/2011, tại Oslo- Na Uy, Uỷ ban Nobel vừa loan báo trao giải Nobel Hòa bình 2011 cho ba phụ nữ châu Phi : nữ tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, nhà đấu tranh người Liberia Leymah Gbowee và nhà đấu tranh người Yemen Tawakkul Karman.

Theo lời chủ tịch Uỷ ban Giải Nobel Thorbjoern Jagland, ba phụ nữ nói trên được tặng thưởng Giải Nobel Hòa bình 2011 vì « cuộc đấu tranh bất bạo động của họ cho sự an toàn của phụ nữ và cho quyền của phụ nữ được tham gia đầy đủ vào việc kiến tạo hòa bình ». Ông Jagland cho rằng : « Chúng ta không thể đạt đến dân chủ và hòa bình lâu dài trên thế giới nếu phụ nữ không có được những cơ hội như nam giới trong việc tác động đến sự phát triển ở mọi cấp trong xã hội ».

Bà Ellen Johnson Sirleaf, 72 tuổi, là nữ tổng thống dân cử đầu tiên ở châu Phi. Được mệnh danh là « Người đàn bà gan thép », bà Sirleaf được quốc tế đánh giá rất cao về những nỗ lực của bà nhằm tái thiết một đất nước bị tàn phá nặng nề sau 14 năm nội chiến.

Phụ nữ Liberia thứ hai được đồng trao giải Nobel Hòa bình là bà Leymah Gbowee, vốn được mệnh danh là « nữ chiến binh của hòa bình », vì chính bà đã khởi xướng phong trào hòa bình góp phần chấm dứt cuộc nội chiến thứ hai vào năm 2003 ở Liberia .

Phụ nữ thứ ba của Giải Nobel Hòa bình năm nay, bà Tawakkol Karman, người Yemen, cũng là người đã đóng vai trò quyết định trong cuộc đấu tranh cho nữ quyền, cho dân chủ và hòa bình ở Yemen. Bà đã khởi đầu cuộc đấu tranh từ rất lâu trước khi phong trào Mùa Xuân Ả Rập bùng phát.

Cho tới nay, chỉ mới có 12 phụ nữ được trao Giải Nobel Hòa bình trong 110 năm lịch sử giải này. Phụ nữ cuối cùng được trao Giải Nobel Hòa bình là nhà bảo vệ môi sinh Kenya Wangari Maathai.


Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giải Nobel Hoà bình, giải này được đồng trao tặng cho ba phụ nữ. Với việc đồng trao giải Nobel cho ba nhân vật nói trên, Uỷ ban Nobel đặc biệt muốn tuyên dương những nhà đấu tranh cho nữ quyền và qua đó nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ trong việc kiến tạo hòa bình trên thế giới.

Tổng thống Libéria, Johnson Sirleaf
Reuters
Được mệnh danh là « Người đàn bà gan thép » và tuy trong nước thường bị chỉ trích, nhưng dầu sao, bà Ellen Johnson Sirleaf, 72 tuổi, Sirleaf đã đi vào lịch sử, khi vào năm 2005 trở thành phụ nữ được bầu tiên được bầu làm tổng thống ở châu Phi, lãnh đạo một quốc gia bốn triệu dân.

Mười bốn năm nội chiến ( 1989 – 2003 ) đã khiến khoảng 250 ngàn người thiệt mạng, phá hũy hoàn toàn cơ sở hạ tầng và làm suy kiệt nền kinh tế Liberia. Ngay sau khi lên nhậm chức tổng thống vào năm 2006, bà Sirleaf, nguyên là bộ trưởng Tài chính dưới hai đời tổng thống, đã đề ra mục tiêu xóa nợ và thu hút đầu tư ngoại quốc để tái thiết đất nước, mục tiêu mà bà đã đạt được một phần.

Trong suốt cuộc đời đấu tranh chính trị, bà Sirleaf vẫn quyết liệt chống tham nhũng và đòi cải cách sâu rộng các định chế tại Liberia. Vì cuộc đấu tranh này mà bà đã hai lần vào tù trong những năm 1980. Lên làm tổng thống, nhiệm vụ của bà Sirleaf cũng rất cam go, vì ở Liberia tham nhũng lan tràn mọi cấp, trong khi đó cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đã để lại nhiều vết thương khó lành.

Nhưng trong nước, tổng thống Sirleaf lại bị chỉ trích là đã không thực hiện những hứa hẹn về mặt kinh tế và xã hội và nhất là đã không tích cực thúc đẩy hòa giải dân tộc. Tuy vậy, những thành tích của tổng thống Sirleaf nay đã được quốc tế công nhận qua giải Nobel Hòa bình 2001.

Giải Nobel Hòa bình lại còn quan trọng hơn nữa vì trong vài ngày nữa, ngày thứ ba tuần tới 11/10, Liberia sẽ bầu cử tổng thống và Quốc hội và như vậy giải này sẽ củng cố uy tín của bà Sirleaf, ra tái tranh cử cho nhiệm kỳ hai.

Tuyên bố hôm nay tại Monrovia, thủ đô Liberia, bà Sirleaf cho rằng giải Nobel Hòa bình năm nay là « giải thưởng cho cả dân tộc Liberia và nhắc lại đây là một giải đồng trao tặng cho người đồng hương Leymah Gbowee, như vậy là « một giải thưởng cho toàn bộ phụ nữ Liberia ».

Thật vậy, bà Sirleaf đã không thể lên nắm quyền nếu không có công sức là một phụ nữ Liberia khác, đó là bà Leymah Gbowee, vốn được mệnh danh là « nữ chiến binh của hòa bình », vì chính bà đã khởi xướng một phong trào hòa bình góp phần chấm dứt cuộc nội chiến thứ hai ở Liberia vào năm 2003.

Leymah Gbowee
REUTERS/Adam Hunger
Sáng kiến của bà Gbowee, được tung ra vào năm 2002, rất độc đáo : mọi phụ nữ, bất kể thuộc tôn giáo nào, đều từ chối quan hệ tình dục với đàn ông, khi nào mà chiến tranh tiếp diễn. Phong trào này mạnh đến mức Charles Taylor, cựu chiến lãnh, sau này trở thành tổng thống Liberia, phải chấp nhận cho phụ nữ tham gia các cuộc hòa đàm. Cũng chính bà Leymah Gbowee đã có công trong việc giành cho phụ nữ quyền tham gia tuyển cử ở Liberia.

Trả lời AFP hôm nay, bà Gbowee cho rằng giải Nobel Hòa bình năm nay là « Giải thưởng cho toàn bộ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ châu Phi ».

Nự cười rạng rỡ của Tawakkul Karman
REUTERS/Ahmed Jadallah
Là người thứ ba được đồng trao giải Nobel Hòa bình năm nay, bà Tawakkul Karman, một phóng viên người Yemen, như vậy đã trở thành phụ nữ Ả Rập đầu tiên được tặng thưởng giải này. Bà cũng là người đã đóng vai trò quyết định trong cuộc đấu tranh cho nữ quyền, cho dân chủ và hòa bình ở Yemen. Bà Karman đã khởi đầu cuộc đấu tranh từ rất lâu trước khi phong trào Mùa Xuân Ả Rập bùng phát. Từ thủ đô Sanaa, thông tín viên Charlotte Vellut nói về nhân vật Tawakkul Karman :

« Đôi mắt đen nhánh, chiếc mũi hơi khoằm và đôi gò má cao của Tawakkul Karman, đã trở thành biểu tượng cuộc nổi dậy của nữ giới tại Yemen. Bất chấp luật Yemen về y phục của phái đẹp, buộc phụ nữ phải che kín mặt bà Karman là người phụ nữ đầu tiên để mặt trần, đi biểu tình bên cạnh nam giới. 

Từ năm 2007 mỗi buổi sáng thứ Ba, tại quảng trường Tự do ở thủ đô Sanaa, Tawakkul Karman cất tiếng nói bên cạnh các gương mặt nổi tiếng trong hàng ngũ phóng viên hay trí thức Yemen để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí tại quốc gia nhỏ bé này. 

Cuối tháng Giêng vừa qua, khi tổng thống Tunisia phải bỏ chạy khỏi Tunis, bà Karman đã tuyên bố : « Đây là thời cơ mà chúng ta không thể bỏ lỡ ». Vào thời điểm đó, phong trào nổi dậy tại Yemen mới chớm nở, nhưng bà Karman đã dự báo làn gió dân chủ trên quê hương bà sẽ lớn mạnh dần. Theo bà, tất cả chỉ là vấn đề thời gian. 

Sinh trưởng tại Taëz, nơi sản sinh ra nhiều nhà trí thức lớn của Yemen, Tawakkul Karman đã theo học môn quản trị và chỉ sau đó bà mới bước vào lĩnh vực báo chí và tham gia các hoạt động chính trị. Đầu năm nay, bà rút lui khỏi đảng đối lập Islaah để tham gia vào phong trào nổi dậy cùng với thanh niên Yemen. » 

Trả lời hãng tin AFP hôm nay, bà Karman tuyên bố : giải Nobel Hòa bình năm nay là « thắng lợi của cuộc cách mạng » tại Yemen và bà muốn dành tặng giải này cho toàn bộ những người tham gia phong trào Mùa Xuân Ả Rập. Đối với bà Karman, giải thưởng thể hiện sự nhìn nhận của cộng đồng quốc tế đối với cuộc cách mạng trong thế giới Ả Rập và thắng lợi tất yếu của nó.

Giải Nobel Hòa bình 2011 dĩ nhiên là đã được nhiều nhà lãnh đạo nữ trên thế giới hoan nghênh. Tiêu biểu là phản ứng của thủ tuớng Đức Angela Merkel, vốn được coi là phụ nữ có thế lực nhất toàn cầu. Đối với bà Merkel, Uỷ ban Nobel đã có một « quyết định » khôn ngoan và thủ tướng Đức nhắc lại rằng :« Trên khắp thế giới, có nhiều phụ nữ can đảm đứng dậy đòi các quyền và đòi tự do ». 

Còn theo tổ chức Ân xá Quốc tế, giải Nobel Hòa bình năm nay là một sự nhìn nhận « có tính chất sống còn » cuộc đấu tranh giành nữ quyền. Tổ chức này cho rằng : « Giải Nobel Hòa bình nhìn nhận một điều mà giới đấu tranh đã biết từ hàng mấy thập niên qua : thúc đẩy bình đẳng nam nữ là yếu tố then chốt để xây dựng các xã hội hòa bình và công bằng trên thế giới. »

Không có nhận xét nào: