24/2/12

Luật sư Dương Hà : «Đừng quên Cù Huy Hà Vũ»

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và vợ là luật sư Dương Hà tại trại giam số 5, Yên Định, Thanh Hóa. Ảnh chụp từ trong xe, ngày 24/02/2012.
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và vợ là luật sư Dương Hà tại trại giam số 5, Yên Định, Thanh Hóa. Ảnh chụp từ trong xe, ngày 24/02/2012.
REUTERS/Stringer

Thanh Phương 24/02/2012
 
Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, hôm nay vừa đi thăm chồng trở về. Ông Cù Huy Hà Vũ hiện đang thọ án tại Trại giam số 5 của Bộ Công An, thuộc huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa, kể từ khi bị tuyên án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước ».

Vừa trở về Hà Nội, luật sư Dương Hà trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ:
 

" Về mặt sức khoẻ thì anh Vũ vẫn như thế, không có gì tiến triển. Anh vẫn than là hay bị đau nữa đầu và thỉnh thoảng vẫn lên cơn đau tim vào ban đêm. Nhưng về mặt tinh thần thì không có gì phải phàn nàn, tuyệt vời, không có gì dao động.

RFI : Qua chuyến thăm lần này chị có biết thêm gì về điều kiện giam giữ anh Hà Vũ ?

LS Dương Hà : Về điều kiện giam giữ thì anh Vũ có nói là họ có cải thiện một chút, tức là họ thay các xí xổm thành xí bệt, nhưng khổ nổi là lại thay một xí bệt rất bẩn, chắc là đã dùng rồi, vứt đi. Anh Vũ cũng phàn nàn về cách cư xử ( của trại giam ). Đặc biệt là hôm Tết, bánh chưng cũng như giò và các thứ khác bị thiu hết, bởi vì họ xé hết cả ra để khám. Thành ra đến khi mang vào thì ăn được chút xíu là thiu hết, phải vứt hết cả.

RFI : Được biết hôm nay cũng có nhiều người, trong đó có giáo sư Nguyễn Huệ Chi đi theo chị để thăm anh Hà Vũ, nhưng dưòng như chỉ có mình chị được vào ?

LS Dương Hà : Đúng thế ạ. Sáng nay, lúc mở cổng ra định đi thăm anh Vũ thì có một số anh em xin đi thăm cùng. Đông quá nên tôi không nhớ rõ tên, chỉ nhớ mặt thôi, nhưng trong đó thì tôi thấy có anh Huệ Chi. Có đến mấy chục người đi theo. Chỉ có mỗi mình tôi được vào vì có sổ thăm gặp. Còn những anh chị em khác thì nghe nói cũng gặp ông phó trại để ghi tên, để ông đề đạt lên cấp trên, nhưng cuối cùng ngoài tôi ra, chẳng ai được vào cả.

RFI : Hiện nay chị có tiếp tục vận động để dư luận vẫn chú đến trường hợp của TS Cù Huy Hà Vũ ?

LS Dương Hà : Lúc nào tôi cũng kêu gọi mọi người là đừng quên tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, đừng để anh ấy ngồi tù một cách uổng công, cũng như đừng quên tất cả những ai đấu tranh cho nhân quyền, tự do, hùng cường của đất nước.

RFI : Chị đã từng viết thư cho chủ tịch Nước Trương Tấn sang để lưu ý ông về trường hợp của Cù Huy Hà Vũ. Chị có đã nhận được hồi âm từ Chủ tịch ?. 

LS Dương Hà : Tôi không chỉ viết cho chủ tịch Trương Tấn Sang, mà còn viết cho tất cả các ủy viên Bộ Chính trị, cho Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao và các ông trong Quốc hội. Nhưng nói chung, từ ngày chồng tôi bị bắt cho đến nay, rất nhiều đơn thư của cá nhân tôi, của em chồng tôi là Cù Thị Xuân Bích, của hai người chú là Cù Huy Thước, Cù Huy Chữ, cũng như của rất nhiều anh chị em khác, quen biết cũng như không quen biết, đều không được trả lời.

RFI: Xin cám ơn luật sư Nguyễn Thị Dương Hà.

20/2/12

Vụ Tiên Lãng buộc Việt Nam phải nhanh chóng sửa đổi Luật đất đai

Một đồng lúa ở Châu Sơn, phía Nam Hà Nội.
Một đồng lúa ở Châu Sơn, phía Nam Hà Nội.
Reuters
Thanh Phương 20/02/2012
 
Vụ cưỡng chế thu hồi đất bị xem là trái pháp luật ở Tiên Lãng, Hải Phòng, dẫn đến hành động chống trả của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã phơi bày thực tế lạm quyền và tham nhũng ở các địa phương, cũng như đặt ra nhiều vấn đề về tam quyền phân lập, về Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Nhưng cấp thiết hơn hết, đó là vấn đề sửa đổi Luật Đất đai 2003, một văn bản luật bị xem là nguồn gốc của các vụ khiếu kiện về đất đai ở Việt Nam.

Ngày 10/2 vừa qua, trong kết luận về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải nhìn nhận rằng : « Trình độ, năng lực cán bộ quản lý đất đai, nhất là ở cơ sở còn nhiều hạn chế trong khi đất đai đang biến động rất nhanh, văn bản pháp luật về đất đai lại rất nhiều và phức tạp, nên công tác quản lý đất đai trong cả nước còn nhiều bất cập. » Ông Dũng yêu cầu « tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai để kiến nghị sửa đổi Luật đất đai cho phù hợp với thực tế tình hình và yêu cầu phát triển mới. »

Thật ra từ mấy năm qua, nhiều người, nhất là trong giới chuyên gia luật pháp, đã lên tiếng về những bất cập trong Luật đất đai của Việt Nam. Nay các lãnh đạo Việt Nam mới nhìn thấy thực tế ấy.

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên TuanVietNam.net ngày 10/02, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng « Vụ việc này càng thúc bách (chứ không chỉ nhắc nhở) phải sớm chỉnh sửa Luật đất đai ». Theo ông Vũ Khoan, « trong số các đạo luật về kinh tế ở Việt Nam, Luật đất đai có tầm quan trọng hàng đầu vì dù sao nước ta vẫn là nước nông nghiệp, trên 70% dân số sống ở nông thôn; quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang được đẩy mạnh ảnh hưởng rất nhiều tới đất đai; đây cũng là nơi phát sinh nhiều tệ nạn tiêu cực, tham nhũng ».

Ông Vũ Khoan cho rằng trong việc sửa đổi Luật Đất đai, có hai điểm mấu chốt nhất : "Thứ nhất là mối quan hệ giữa khái niệm “đất đai là sở hữu toàn dân” (một khái niệm quá rộng và khá trừu tượng) và các quyền của người dân nói chung và người nông dân nói riêng (là những con người cụ thể). Thứ hai là, sự phân cấp thế nào cho các cấp chính quyền địa phương để thực thi quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện cho sở hữu toàn dân. Bên cạnh đó có chuyện giải quyết tranh chấp đất đai theo cơ chế nào là thỏa đáng: bằng biện pháp hành chính hay qua tòa án, bằng cưỡng chế theo quyết định hành chính hay thi hành án?"

Đây cũng chính là vấn đề mà luật sư Hà Huy Sơn, thuộc Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải, Hà Nội, đặt ra trong bản kiến nghị gởi Quốc hội về việc hũy khoản 3, điều 39 Luật Đất đai, quy định về cưỡng chế thu hồi đất đai. Trả lời RFI Việt ngữ, luật sư Hà Huy Sơn giải thích :

« Kiến nghị của tôi xuất phát từ nghiên cứu luật và từ thực tế nghề nghiệp của tôi. Nhân dp này, khi xã hội đang chú ý đến, nên tôi có kiến nghị cho rằng, nguồn gốc của chuyện cưỡng chế thu hồi đất sai pháp luật là do ngay từ Luật đất đai 2003 đã phân quyền cho cơ quan hành pháp không hợp lý, dẫn đến nhiều sai phạm phổ biến trong xã hội. Nhiều cơ quan Nhà nước cũng đã thừa nhận rằng có đến từ 70% tới 80% các đơn khiếu kiện là đều liên quan đến cưỡng chế thu hồi đất đai. 

Điều 2 của Hiến pháp 1992 và sửa đổi năm 2001 quy định quyền lực của Nhà nước là thống nhất, có sự phân công của quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp, nhưng Hiến pháp lại không nói rõ là sự phân công này là sự cân bằng quyền lực của ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong thực tế, tôi thấy là ngành hành pháp nhiều quyền hơn là lập pháp và tư pháp và có nhiều điều lần sang cả tư pháp, như trong chuyện cưỡng chế thu hồi đất.

Ngoài ra, cần phải quy định ai có quyền sử dụng lực lượng công an và và bộ đội trong việc cưỡng chế thu hồi đất. Tôi cho rằng chính cái khoản 3, điều 39 cho phép uỷ ban nhân dân cấp huyện, uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền được ra quyết định cưỡng chế nên mới có chuyện sử dụng lực lượng vũ trang và việc hành xử không đúng pháp luật như vụ Tiên Lãng vừa rồi. 

RFI : Nhưng theo nhiều chuyên gia thì mấu chốt của vấn đề vẫn là quyền sở hữu ruộng đất. Theo luật sư thì Luật đất đai của Việt Nam có nên được sửa đổi theo hướng công nhận quyền tư hữu ?

LS Hà Huy Sơn : Tôi nghĩ là Nhà nước nên thừa nhận quyền tư hữu về đất đai. Trong đợt dự kiến sửa đổi Luật đất đai kỳ tới, tôi không biết là Nhà nước sẽ đứng về lợi ích của ai. Nếu mà đứng về lợi ích của ai. Nếu mà đứng về phía lợi ích của người dân thì nên thừa nhận quyền tư hữu đất đai, đồng thời phải quy định là các uỷ ban nhân dân không được quyền cưỡng chế thu hồi đất đai, khi chưa có quyết định của cơ quan tòa án, tức là của ngành tư pháp. 

Theo tôi, khi vẫn chưa thừa nhận quyền tư hữu đất đai của người dân thì Luật đất đai nên được sửa đổi : không cho phép các ủy ban nhân dân cấp thẩm quyền, vừa có quyền ra quyết định thu hồi đất, vừa có quyền ra quyết định cưỡng chế, khi chưa có bản án của tòa án. 

Luật đất đai cũng thể hiện nghị định 69, quy định là anh khiếu nại thì cứ khiếu nại, còn cơ quan cưỡng chế thì cứ thực hiện cưỡng chế. Nhưng thực tế thì người dân đã bị cưỡng chế thu hồi đất, bị phá nhà cửa rồi, thì cũng không đủ điều kiện về hiểu biết, về tài chính, về khả năng để theo tiếp các vụ khiếu nại, khiếu kiện, và thưòng là thua vì đất của họ đã được giao cho các doanh nghiệp đầu tư, thu lợi nhuận. »

Về phần nhà sử học kiêm đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc thì cho rằng với vụ Tiên Lãng, đã đến lúc phải sửa Luật Đất đai 2003, đồng thời với việc sửa đổi Hiến pháp 1992, mà theo ông là « Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam không chấp nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai ». Trả lời RFI Việt ngữ, ông Dương Trung Quốc nhắc lại :


« Năm 2002, với tư cách đại biểu QH khoá 11, tôi đã được mời tham gia thảo luận về Luật đất đai 2003. Nội dung thảo luận là điều chỉnh những bất hợp lý của Luật đất đai 1993, quan trọng nhất là tăng thêm quyền cho người sử dụng đất. Tôi thấy là những nội hàm của quyền sử dụng đất đã gần đạt tới quyền sở hữu đất đai, vì người đó có quyền chuyển nhượng, bán, hiến, tặng, thừa kế, góp cổ phần…

Nhưng ngay từ hồi đó tôi đã phát biểu rằng đây là một vấn đề cực kỳ hệ trọng, vì đụng chạm đến điều cốt lõi là ruộng đất của người nông dân. Cho dù thời đại đã thay đổi rất nhiều, nhưng về căn bản ruộng đất vẫn là vấn đề hết sức quan trọng của Việt Nam. Ít người chú ý đến một đặc điểm của Luật đất đai 1993, đó là lần đầu tiên trong lịch sử của Việt Nam, quyền sở hữu tư nhân hoàn toàn bị triệt tiêu. Trước kia ta cứ tưởng rằng đất của vua là chuyện đương nhiên, nhưng nên nhớ rằng trong xã hội truyền thống Việt Nam trải qua hàng ngàn năm, đất là của vua, nhưng quyền định đoạt nó là thuộc về làng xã. 

Đất công ấy được điều chỉnh theo những quy định có tính chất truyền thống của bộ máy ít nhiều mang tính chất dân chủ. Nó dân chủ ở chỗ là điều chỉnh các quan hệ xã hội, những mâu thuẫn xã hội. Người giàu quá thì bớt đi, người nghèo quá thì tăng thêm. Nhưng ngay trong xã hội truyền thống, vẫn có một bộ phận là sở hữu tư nhân. Mà sở hữu tư nhân thì luôn có khuynh hưóng phát triển và nó xung đột với sở hữu công, trong đó có sở hữu Nhà nưóc và sở hữu làng xã.
Mặc dù vậy, đọc sử ta vẫn thấy mỗi lần có phong trào nông dân nổi dậy, khởi nghĩa đều là dấu hiệu của một biến cố, của sự sa sút và các Nhà nước phải luôn điều chỉnh cái đó, nếu không chế độ sẽ sụp đổ.

Vì thế, mặc dù Luật đất đai 2003 đã tăng thêm quyền của người sử dụng đất, nhưng lúc đó tôi vẫn cảm thấy là chưa ổn. Khi đó tôi đã phát biểu rằng quyền « sở hữu toàn dân » chỉ là một hư quyền, vì nó không xác định cụ thể là như thế nào cả. Quyền sử dụng đã gần đạt đến sở hữu tư nhân, đó là một tiến bộ thúc đẩy nỗ lực của người dân khi sử dụng đất. Nhưng quan trọng nhất là cái quyền định đoạt, tức là cái quyền đại diện cho cái sở hữu ấy là bộ máy công quyền, từ cấp xã trở lên.

Nếu bộ máy công quyền ấy làm sai đi thì sẽ gây nguy hiểm. Với cái tư duy nhiệm kỳ và với tư duy về các dự án, nó gây đảo lộn rất lớn. Chỉ cần ông chủ tịch xã vạch một con đường và bảo rằng đó là đường làng, hoặc khoanh thành một khu chợ hoặc khu công nghiệp, thì tự nhiên giá đất ở những đó tăng lên. Chỉ cần bộ máy công quyền không thực hiện một cách nghiêm chỉnh, khi mà có những lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thì nó sẽ gây tác hại rất ghê gớm. Việc sử dụng đất một cách tùy tiện đã tạo nên bất bình đẳng xã hội, mâu thuẫn xã hội.

Tiên Lãng chỉ là một giọt nước làm tràn ly. Tôi quan niệm thế này không biết có lạc quan không : đây là một « bi kịch lạc quan ». Bi kịch vì nó đã gây thiệt hại nhiều cho người dân và những thành phần trong cuộc. Nhưng quan trọng hơn là ta phải giải quyết những vấn đề liên quan đến nhiều trường hợp khác tương tự. Cho nên tôi rất tán thành ý kiến của bà Đoàn Văn Vươn sau khi nghe kết luận của thủ tướng, nói rằng bà mong muốn thủ tướng quan tâm đến những số phận, những hoàn cảnh tương tự đang diễn ra ở rất nhiều nơi. 

Muốn giải quyết căn bản thì phải điều chỉnh lại luật đất đai và đặc biệt tăng cường bộ máy công quyền, nếu như chúng ta chưa thay đổi một cách căn bản, đặt câu hỏi : có nên tiếp tục giao đất có thời hạn hay không và có nên công nhận sở hữu tư nhân hay không, vào thời điểm mà Luật đất đai năm 1993 và 2003 sắp tới giới hạn của 20 năm giao đất, và vào thời điểm là Quốc hội đang bàn về sửa đổi Hiến pháp. » 

Là một người từ lâu vẫn gắn bó với ruộng đất ở Việt Nam nói chung và ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng Giáo sư Võ Tòng Xuân, trong một bài viết đăng trên trang web Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 9/2 với tựa đề « Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào vấn đề đất đai » cũng viết rằng « Khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” trong Luật Đất đai 1987-2009 đã tạo kẽ hở cho tham nhũng, lạm dụng chiếm hữu đất đai của dân. ». Ông nêu lên một thực tế là : « Những người “chủ trang trại” cũng như những người “chủ ruộng vườn” vẫn chưa hết lòng đầu tư cho phần đất được Nhà nước giao vì họ vẫn thấp thỏm sợ một ngày không ngờ sẽ bị tước đi mọi đầu tư của mình trên khu đất này. Họ sợ khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. »

Giáo sư Võ Tòng Xuân dự báo là : « Chắc chắn nếu Luật Đất đai sửa đổi tới đây không đá động gì đến hạn điền và sở hữu tư nhân về đất đai, Nhà nước đến hạn thu hồi lại đất vào năm 2013 sẽ có một sự khủng hoảng lớn sẽ xảy ra, sản xuất lúa chắc chắn sẽ bị chựng lại! » Ông đề nghị : « Hai vấn đề mấu chốt của Luật Đất đai cần sửa đổi ngay: bỏ “hạn điền 3 héc ta” và công nhận “sở hữu tư nhân” về đất đai."

Theo ông Võ Tòng Xuân, làm như vậy, "các viên chức địa phương và trung ương sẽ ít có cơ hội tham nhũng, lạm dụng chức quyền đối với vấn đề đất đai của nhân dân. Nhà nước vẫn có thể sòng phẳng với nhân dân khi cần trưng dụng đất đai cho các mục tiêu quốc phòng, làm đường xá, xây công trình công cộng, xây dựng đô thị, xây khu công nghiệp... »

Rõ ràng là việc công nhận quyền tư hữu đất đai không chỉ là vấn đề công bằng xã hội, mà còn là vấn đề kinh tế, bởi vì một khi thật sự sở hữu ruộng đất của họ, người nông dân mới yên tâm sản xuất lâu dài, chủ trọng cải tiến năng suất và như vậy góp phần làm tăng sản lượng nông nghiệp.

19/2/12

Một số thành viên muốn hạ thấp tầm mức bản Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN

Các ngoại trưởng Asean nhân hội nghị Jakarta 2/2011 (Reuters)
Các ngoại trưởng Asean nhân hội nghị Jakarta 2/2011 (Reuters)

Thanh Phương 18/02/2012
 
Trang mạng Mizzima, chuyên về những thông tin liên quan đến Miến Điện, hôm qua, đã tiết lộ một số chi tiết chung quanh bản Tuyên ngôn Nhân quyền của ASEAN, cho thấy là một số quốc gia thành viên của tổ chức tìm cách hạ thấp tầm mức của bản Tuyên ngôn này.

Vào tháng Giêng vừa qua, Uỷ hội Nhân quyền liên chính phủ ASEAN đã họp phiên đầu tiên tại Seam Reap, Cam Bốt và đã soạn ra bản dự thảo Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN.

Những bình luận của các giới chức từ các nước ASEAN cho thấy là một số quốc gia thành viên, nhất là Lào, đang tìm cách giảm nhẹ tầm mức của bản Tuyên ngôn này, trong khi các thành viên khác như Thái Lan, Indonesia và Philippines, thì đề nghị một văn bản tiến bộ hơn.

Lào là quốc gia có lập trường cứng rắn hơn hết, đặt điều kiện cho một số điều khoản trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền. Cụ thể, khi bình luận về nghĩa vụ và trách nhiệm của các thành viên ASEAN, đại diện của Lào đòi phải viết rằng, việc thực hiện các quyền phổ quát của con người phải được lồng trong bối cảnh « các nét đặc thù của quốc gia và khu vực » về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử và tôn giáo.

Lập trường của Lào như vậy là trái ngược hoàn toàn với dự thảo Tuyên ngôn do Ban Thư ký của ASEAN đề nghị, tức là « bất kể hệ thống chính trị, kinh tế và văn hóa, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền của con người và các quyền tự do căn bản ».

Lào cũng đề nghị đưa vào khái niệm « an ninh quốc gia » và « đạo lý xã hội », đặt những khái niệm này lên trên các quyền phổ quát của con người và các quyền tự do. Lập luận của Lào là : « Việc chỉ nhấn mạnh đến nhân quyền có thể dẫn đến xung đột, chia rẽ và tranh cãi triền miên và có thể dẫn đến tình trạng vô pháp luật và hỗn loạn ».

Đề nghị của Lào nếu được chấp nhận sẽ cho phép một quốc gia thành viên có thể viện cớ « an ninh quốc gia » và « đạo lý xã hội » để đòi quyền miễn thực hiện Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN.

Theo trang mạng Mizzima, cả Lào lẫn Việt Nam đều giữ nguyên những quan điểm dè dặt về quyền tự do ngôn luận và tự do tiếp nhận thông tin. Riêng Lào thì đề nghị thêm : « Quyền tự do ngôn luận phải đi kèm với nghĩa vụ không được vu khống người khác và kích động hận thù, kỳ thị, chiến tranh, chia rẽ và bạo lực ». Nói chung, Lào là quốc gia lên tiếng mạnh mẽ nhất đòi đặt các quyền của quốc gia lên trên các quyền và quyền tự do cơ bản của con người. Lập trường này được Việt Nam và Malaysia ủng hộ.

Riêng Việt Nam thì đặt câu hỏi về cụm từ « một cách tự do » trong khái niệm « quyền của công dân được tham gia một cách tự do vào chính quyền ». Đồng thời đại diện của Hà Nội đề nghị là trong danh sách những vi phạm ngăn cấm một quốc gia dẫn độ một người xin tỵ nạn, nên bỏ các vi phạm « tra tấn, mất tích và các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác ».

Vào tháng trước, tổ chức Ân xá Quốc tế đã chỉ trích ban soạn thảo Tuyên ngôn Nhân quyền, vì họ làm việc phần lớn là trong vòng bí mật và không hề tham khảo các tổ chức phi chính phủ chuyên về nhân quyền. Nói chung, các tổ chức xã hội dân sự lo ngại rằng, nhân danh những nét « đặc thù », ASEAN sẽ thông qua một bản Tuyên ngôn Nhân quyền với tầm mức thấp hơn nhiều so với những chuẩn mực của quốc tế.

18/2/12

Ngành tư pháp Việt Nam yêu cầu xét xử lại vụ Tiên Lãng

Những gì còn lại của ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn sau khi bị chính quyền huyện Tiên Lãng đập phá. Ảnh chụp ngày 10/01/2012.
Những gì còn lại của ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn sau khi bị chính quyền huyện Tiên Lãng đập phá. Ảnh chụp ngày 10/01/2012.
REUTERS/Stringer

Thanh Phương 17/02/2012
 
Theo tin từ báo chí trong nước hôm nay 17/02/2012, Tòa án Nhân dân tối cao của Việt Nam ngày 15/2 vừa qua đã đề nghị Hội đồng xét xử quyết định hủy các bản án để xét xử sơ thẩm lại vụ ông Đoàn Văn Vươn kiện Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng. Cụ thể, Tòa án Nhân dân tối cao hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm ngày 22/04/2010 của Tòa án Nhân dân Hải Phòng và Bản án hành chính sơ thẩm ngày 27/01/2010 của Tòa án Nhân dân huyện Tiên Lãng.

Nói chung, theo Tòa án Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân của thành phố Hải Phòng cũng như của huyện Tiên Lãng đều đã không làm đúng theo thủ tục pháp luật tố tụng và Luật Đất đai.

Gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã làm đơn kiện chính quyền địa phương vào năm 2009 vì không chấp nhận quyết định thu hồi đất. Nhưng ngày 5/1 vừa qua, Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng đã huy động một lực lượng hùng hậu công an và quân đội để thi hành lệnh cưỡng chế. Ông Vươn và những người khác trong gia đình đã chống trả bằng mìn tự tạo và súng bắn đạn hoa cải, làm bị thương 4 công an và hai bộ đội.

Vụ việc gây phản ứng mạnh trong dư luận đến mức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng buộc phải can thiệp. Vào tuần trước, ông Dũng đã phải nhìn nhận rằng vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng là « sai pháp luật » và hứa trừng trị những quan chức tham nhũng ở địa phương, đồng thời yêu cầu ngành tư pháp xem xét những tình tiết giảm nhẹ đối với các bị can, trong đó có ông Vươn, hiện đang bị tạm giam với tội danh « giết người » và « chống người thi hành công vụ ».

Theo bình luận của hãng tin AFP hôm nay, đây là bằng chứng cho thấy chính quyền Hà Nội rất lo ngại trước tính chất gây bùng nổ của vụ những vụ như ở Tiên Lãng, cũng như đã và đang xảy ra ở nhiều nơi khác ở Việt Nam, hậu quả của nạn tham nhũng và lạm quyền tại các địa phương.

Như nhận định của ông David Brown, nhà ngoại giao về hưu và là một chuyên gia về khu vực Đông Nam Á, vụ Tiên Lãng là biểu hiện của tất cả những bất cập trong hệ thống đất đai Việt Nam.

Hơn 70% các vụ khiếu kiện các chính quyền địa phương đều liên quan đến đất đai và tình hình này sẽ trầm trọng hơn vào năm 2013, khi hàng triệu hợp đồng thuê đất nông nghiệp hết hạn. Theo ông David Brown, về cơ bản, đây là vấn đề « có tính chất sống còn » đối với chế độ.

Vấn đề là theo chuyên gia Carl Thayer, thuộc đại học New South Wales của Úc, trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ chưa cải tổ Hiến pháp để công nhận quyền tư hữu đất đai, và cũng sẽ chưa cải tổ sâu rộng Luật đất đai.

Ông Carl Thayer nhắc lại vụ Thái Bình năm 2007, khi hàng chục ngàn người đã biểu tình ở tỉnh này, tấn công vào trụ sở công an, đốt cháy nhiều công thự. Trong những năm gần đây, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở các thành phố lớn ở Việt Nam cũng do khiếu kiện về đất đai.

Theo hãng tin AFP, trong vụ Tiên Lãng, hai quan chức địa phương đã bị đình chỉ chức vụ, nhưng dân làng vẫn bất mãn. Như lời một phụ nữ 50, xin được miễn nêu tên, « chính quyền làm sai, nhưng gia đình ông Vươn lại bị kết tội ». Một người hàng xóm của bà thì hy vọng là tòa sẽ biết rõ ra khoan dung. Ông nói : « Ông Vươn không có gì để mất. Mà thật ra tất cả chúng tôi đều trong cùng hoàn cảnh. Vì sao họ lại đối xử với ông ta như vậy ? ».

15/2/12

Việt Nam: Hàng trăm người ký tên vào kiến nghị đòi trả tự do cho những bị can ở Tiên Lãng

Người dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng ở gần khu đầm bị cưỡng chế của ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh chụp ngày 10/01/2012.
Người dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng ở gần khu đầm bị cưỡng chế của ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh chụp ngày 10/01/2012.
REUTERS/Stringer

Thanh Phương 15/02/2012
 
Hôm nay, 15/02/2012, luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội vừa cho công bố trên các trang blog một bản kiến nghị gửi Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hải Phòng đề nghị « xem xét thay đổi tội danh và biện pháp ngăn chặn » đối với các bị can bị tạm giam trong vụ án chống lại cưỡng chế tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Trong bản kiến nghị, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng quyết định thu hồi đất cũng như việc cưỡng chế thu hồi đất ngày 05/01/2012 đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng là « trái pháp luật ».

Cho nên, ông kiến nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Hải Phòng, trước hết, xem xét lại các tội danh « giết người » và « chống người thi hành công vụ » đối với các bị can đang bị tạm giam, gồm các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ. Đối với luật sư Trần Vũ Hải, « chống trả một hành vi trái pháp luật phải được coi là hành vi phòng vệ chính đáng ».

Đồng thời, luật sư Hải kiến nghị là trong thời gian chờ đợi xét xử, phải thay đổi biện pháp ngăn chận đối với 4 bị can, để họ có thể trở về khai thác, quản lý khu đất sẽ được chính quyền địa phương giao trả lại cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Nói cách khác, luật sư yêu cầu cho họ được tại ngoại hầu tra.

Luật sư Trần Vũ Hải kêu gọi tham gia ký tên vào bản kiến nghị, từ đây đến cuối tháng 2. Đầu tháng 3, ông sẽ trao bản kiến nghị và danh sách những người ký tên cho ông Lương Văn Thành, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Hải Phòng.

Tới nay, bản kiến nghị của luật sư Trần Vũ Hải đã nhận được chữ ký ủng hộ của hơn 200 người, trong đó có nhiều nhân sĩ trí thức hàng đầu của Việt Nam.

Putin tìm cách kiểm soát những truyền thông độc lập ở Nga

Ông Putin và biểu hiệu đài "Tiếng Vọng Matxcơva"
Ông Putin và biểu hiệu đài "Tiếng Vọng Matxcơva"

Thanh Phương 15/02/2012
 
Đài phát thanh « Tiếng vọng Matxcơva », vốn có lập trường chỉ trích điện Kremlin, sắp sửa thay đổi nhân sự lãnh đạo. Sự kiện này cho thấy là thủ tướng Vladimir Putin, ứng cử viên tổng thống tháng Ba tới, đang tìm cách kiểm soát những truyền thông độc lập tại Nga.

Gazprom-media, công ty thuộc tập đoàn dầu khí quốc doanh Gazprom, cổ đông chiếm đa số ( 66% ) của đài « Tiếng vọng Matxcơva », đã yêu cầu thay đổi nhân sự lãnh đạo để giành quyền kiểm soát trên các quyết định của Hội đồng quản trị. Vào cuối tháng Ba tới, hai giám đốc độc lập của đài này sẽ buộc phải rời khỏi chức vụ. Đài này sẽ có thêm một chức giám đốc điều hành mới. Như vậy là tổng cộng Gazprom-media sẽ có ít nhất 5 phiếu bầu trong Hội đồng quản trị chỉ bao gồm 9 thành viên.

Phát ngôn viên Gazprom-media khẳng định đây chỉ là thay đổi nhân sự thuần túy mang tính hành chính, chứ không ảnh hưởng gì đến đường lối biên tập. Nhưng đối với tổng biên tập đài « Tiếng vọng Matxcơva », ông Alxei Venediktov, thay đổi nhân sự này rõ ràng là do những áp lực chính trị từ cấp lãnh đạo cao nhất của nước Nga, nói thẳng ra là có bàn tay của ông Putin đằng sau.

« Tiếng vọng Matxcơva » là đài phát thanh độc lập đầu tiên ra đời năm 1990 với sự sụp đổ của Liên Xô. Một năm sau khi ông Putin lên cầm quyền, đài này, cùng với đài truyền hình tư nhân NTV, nằm dưới quyền kiểm soát của tập đoàn Gazprom.

Nhưng cho tới nay, đài « Tiếng vọng Matxcơva » vẫn thường xuyên phát những bài bình luận chỉ trích chính quyền Putin và để cho những người tổ chức phong trào biểu tình phản kháng lên tiếng. Cách đây một tháng, thủ tướng Nga đã công khai tỏ thái độ bực tức với tổng biên tập của đài này, cho là « Tiếng vọng Matxcơva » chuyên bôi bẩn ông ta « từ sáng tới tối » và chỉ tuyên truyền cho quan điểm của Mỹ.

Bản thân ông Venediktov hôm qua cố tỏ vẻ lạc quan, cho rằng tình hình chưa đến nổi bi thảm lắm và ông sẽ vẫn là tổng tập của đài, mà hiện các phóng viên còn nắm 34% cổ phần.

Nhưng sự kiện nói trên càng làm tăng thêm mối lo ngại của những người vẫn sợ là điện Kremlin sẽ bịt miệng toàn bộ những tiếng nói đối lập với ông Putin, nhân vật mà từ tháng 12 năm ngoái đến nay phải đối phó với một phong trào biểu tình phản kháng với tầm mức chưa từng có, kể từ khi ông lên cầm quyền vào năm 2000.

Theo lời ông Evgueni Iassine, cựu bộ trưởng Kinh tế, một trong hai thành viên độc lập của Hội đồng quản trị đài « Tiếng vọng Matxcơva », quyết định nói trên là nhằm mục đích để Nhà nước kiểm soát các truyền thông độc lập. Còn đối với bà Elena Zelinskaia, phó chủ tịch một nghiệp đoàn truyền thông độc lập, việc thay đổi nhân sự này là nhằm « nhắc nhở » tổng biên tập Venediktov rằng không phải ông muốn làm gì thì làm.

Nhà tỷ phú Mikhail Prokhorov, ứng cử viên tổng thống Nga, đã đề nghị hỗ trợ các phóng viên « Tiếng vọng Matxcơva » để họ có thể mua lại các cổ phần của Gazprom, nhưng theo lời tổng biên tập Venediktov, tập đoàn này vẫn từ chối nhượng cổ phần của họ.

Aung San Suu Kyi bắt đầu chiến dịch tranh cử

Aung San Suu Kyi đến đơn vị bầu cử Kawhnu (Reuters)
Aung San Suu Kyi đến đơn vị bầu cử Kawhnu (Reuters)

Thanh Phương 11/02/2012
 
Hôm nay 11/02/2012, hàng ngàn người dân Miến Điện đã đứng chật hai bên đường để đón chào nhà đối lập Aung San Suu Kyi, khi bà đến đơn vị bầu cử Kawhnu, cách Rangun khoảng 30 cây số. Đây là nơi mà bà sẽ tranh chức dân biểu Quốc hội trong cuộc bầu cử bổ sung ngày 01/04/2012 tới.

Trong những tuần qua, lãnh đạo đối lập Miến Điện đã tiếp xúc với dân chúng ở nhiều tỉnh thành, nhưng đây là lần đầu tiên bà đến Kawhmu với tư cách ứng cử viên.

Bầu cử ngày 01/04 tới được các nước Tây phương xem là một cuộc trắc nghiệm về thực tâm cải tổ dân chủ của chính quyền mới ở Miến Điện. Trên danh nghĩa là « dân sự », nhưng chính quyền này vẫn do các cựu tướng lãnh kiểm soát.

Tuyên bố với hãng tin AFP hôm qua, bà Aung San Suu Kyi hy vọng là cuộc bầu cử sắp tới sẽ được « tự do và công bằng » và xác nhận là đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ, tranh toàn bộ 48 ghế được bầu lần này.

Hiện giờ, đảng do tập đoàn quân sự lập ra vào năm 2010 vẫn chiếm đa số áp đảo ở Quốc hội Miến Điện và một phần tư số ghế là dành cho các sĩ quan quân đội đang tại ngũ. Cho dù đảng của nhà đối lập Aung san Suu Kyi có giành thắng lợi lớn, điều đó cũng không đe doạ gì đến phe đa số.

Qua sự đón tiếp cuồng nhiệt của dân chúng ở mỗi nơi bà đặt chân đến, chắc chắn là Aung San Suu Kyi sẽ đắc cử dân biểu. Theo các nhà phân tích, việc bà vào Quốc hội sẽ tạo thêm tính chính đáng cho chế độ Miến Điện, vào lúc mà giới lãnh đạo nước này đang tìm cách phá vỡ thế cô lập và được phương Tây bãi bỏ cấm vận.

Cũng về Miến Điện, vài giờ sau khi bị Hoa Kỳ phản đối kịch liệt, chính quyền đã trả tự do cho nhà sư nổi tiếng Gambira, một trong những lãnh đạo của phong trào biểu tình 2007 do các tăng ni phát động.
Nhà sư Bambira đã bị câu lưu đêm thứ năm vừa qua tại một tu viện ở Rangun để thẩm vấn . Theo một quan chức Miến Điện, vị tu sĩ này đã phá cửa vào ba tu viện bị chính quyền niêm phong từ năm 2007.

Biển Đông căng thẳng : Việt Nam tìm mua vũ khí từ Tây phương

Singapore Airshow : Triển lãm hàng không thuộc vào hàng lớn nhất châu Á (Reuters)
Singapore Airshow : Triển lãm hàng không thuộc vào hàng lớn nhất châu Á (Reuters)

Thanh Phương 11/02/2012
 
Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông, Việt Nam đang tìm mua vũ khí từ các công ty Tây phương, mặc dù ngày càng có nhiều cảnh báo về nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực. Đó là nhận định của giới công nghiệp quốc phòng và giới phân tích an ninh được Reuters loan tin vào hôm qua, nhân cuộc Triển lãm hàng không Singapore 14/02 - 19/02/2012.

Việt Nam là một trong số các nước Đông Nam Á đang tìm cách phát triển khả năng giám sát và tuần tra biển, làm dấy lên cuộc cạnh tranh gay gắt giành các hợp đồng vũ khí được thẩm định lên tới hàng trăm triệu đôla.
Như ghi nhận của bà Marie-Laure Bourgeois, phó chủ tịch đặc trách Nam và Đông Nam Á của công ty Thales, Pháp, công ty cung cấp thiết bị điện tử quốc phòng hàng đầu châu Âu, do tình hình Biển Đông gần đây căng thẳng trở lại, nhu cầu về các hệ thống giám sát gia tăng. Nước nào cũng muốn có đủ phương tiện để biết rõ những gì đang diễn ra trên biển và trên không.

Ông James Hardy, ban biên tập tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly, nhắc lại là cho tới nay, Việt Nam vẫn thường mua vũ khí của Nga, trong đó có hợp đồng gần đây mua 6 tàu ngầm hạng Kilo, nhưng nay Hà Nội đang mở cửa thị trường cho các nguồn cung cấp khác, để có thể đối đầu với Trung Quốc.

Việt Nam kể từ nay không chỉ mua vũ khí của Nga nữa. Israel hiện được xem là quốc gia có nhiều triển vọng nhất ký với Việt Nam một hợp đồng mà công ty Thales cũng đang tranh giành. Nhưng sẽ còn nhiều hợp đồng vũ khí khác. Theo lời bà Bourgeois, phó chủ tịch Thales, công ty này đã tham gia vào các cuộc thảo luận về hợp đồng mua radar với Việt Nam.

Theo một nguồn tin từ giới công nghiệp hàng không không gian Israel, Israel và Việt Nam đã gia tăng các cuộc tiếp xúc song phương, nhưng còn nhiều tháng nữa mới có thể ký các hợp đồng trong lĩnh vực quốc phòng.

Việt Nam hiện cũng rất muốn mua vũ khí của Mỹ, nhưng trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell vào tuần trước tuyên bố là Hà Nội cần phải cải thiện tình trạng nhân quyền để có thể thắt chặt quan hệ quân sự với Washington.

Vào cuối tháng 12 vừa qua, phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhân vật sẽ nắm chức lãnh đạo tối cao của chế độ Bắc Kinh trong năm nay, khi viếng thăm Hà Nội, đã nói rằng, Trung Quốc và Việt Nam cần giải quyết những bất đồng Biển Đông thông qua đàm phán hoà bình và nỗ lực hơn nữa để tạo tin cậy lẫn nhau.
Nhưng các nhà ngoại giao Tây phương và giới công nghiệp quốc phòng lưu ý rằng, do những tranh chấp lãnh thổ và do tình hình không có gì là chắc chắn, các nước trong khu vực đã tăng ngân sách quốc phòng và tìm mua thêm vũ khí.

10/2/12

Thủ tướng Việt Nam nhìn nhận vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng là trái luật

Đóng gạch vụn còn lại của nhà ông Vươn, sau khi bị chính quyền địa phương phá. Ảnh  ngày 10/01/2012
Đóng gạch vụn còn lại của nhà ông Vươn, sau khi bị chính quyền địa phương phá. Ảnh ngày 10/01/2012
Reuters

Thanh Phương 10/02/2012
 
Hôm nay 10/02/2012, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp với các bộ, ngành và lãnh đạo thành phố Hải Phòng về vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng. Theo báo chí trong nước, sau cuộc họp nói trên, ông Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận đây là một vụ việc « đáng tiếc, có vấn đề yếu kém của chính quyền huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang trong quản lý đất đai ».

Cụ thể, theo lời chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, thủ tướng Việt Nam cho rằng, quyết định thu hồi đất của ông Vươn đều trái quy định pháp luật, cho nên quyết định cưỡng chế thu hồi là cũng là trái luật. Mặt khác, việc thực hiện quyết định « cũng có nhiều sai phạm, gây thương vong cho lực lượng tham gia ».

Đặc biệt, thủ tướng Dũng khẳng định việc phá nhà của ông Đoàn Văn Vươn là « có sự chỉ đạo của một số lãnh đạo địa phương » và ông yêu cầu khởi tố điều tra vụ này để « làm rõ, xét xử nghiêm minh ».
Ngày 8/2 vừa qua, Công an Hải Phòng đã khởi tố vụ án « hủy hoại tài sản ». Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và nhiều cán bộ đã bị đình chỉ chức vụ.

Về phần gia đình ông Đoàn Văn Vươn, ngày 10/1, ông cùng với ba người khác đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội « giết người ». Hai phụ nữ, trong đó có bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) thì bị khởi tố về tội « chống người thi hành công vụ », nhưng được tại ngoại.

Sau cuộc họp hôm nay, ông Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo Hải Phòng phải chỉ đạo « xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo trong vụ án », do quyết định sai của huyện Tiên Lãng. Nói cách khác, vụ xử các bị cáo về tội giết người sẽ không phải do tòa án quyết định, mà là tùy thuộc vào lãnh đạo thành phố.

Thủ tướng Việt Nam không có biện pháp gì đối với các lãnh đạo Hải Phòng, mà chỉ yêu cầu họ « kiểm điểm », vì đã chấp thuận cho huyện Tiên Lãng thu hồi đất và đã « xử lý chậm, báo cáo thủ tướng chưa đầy đủ ».
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội cho rằng kết luận của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ là tạm thời, vì còn nhiều điểm khác cần phải bàn thêm :
 « Về kết luận của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tôi cho rằng có nhiều điểm tích cực, tuy nhiên còn nhiều điều cần phải bàn thêm. Song có thể coi đây là một kết luận tạm thời, bởi vì thời hạn để các cơ quan, từ địa phương, cũng như các bộ, báo lên trên cũng rất là ngắn. Vụ việc này, tuy chỉ liên quan đến ông Đoàn Văn Vươn, nhưng lại được xét đến ở rất nhiều khía cạnh, về mặt luật pháp, về mặt điển hình và về mặt dư luận. 
 
Cho nên, cần phải bàn bạc kỹ hơn nữa thì mới có kết luận hoàn hảo, nhưng tôi cho rằng trong thời điểm hiện nay cần phải có một chính kiến nào đó của thủ tướng. Tôi nghĩ rằng chính kiến hôm nay của thủ tướng là có thể chấp nhận được, mặc dù cần phải bàn thêm để làm rõ một số vấn đề.
 
Điểm tích cực nhất của thủ tướng là khẳng định rằng quyết định thu hồi đất đối với gia đình Đoàn Văn Vươn là trái pháp luật, bởi vì Luật Đất đai không quy định như vậy. Gia đình ông đang sử dụng đúng mục đích, tức là nuôi trồng thủy sản và làm nông nghiệp. Quan trọng hơn nữa, đó là ông ( Nguyễn Tấn Dũng ) cho rằng việc phá nhà là có thật và các lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. 

Tôi hy vọng rằng, với kết luận của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chính quyền Hải Phòng cũng cần phải thức tỉnh và các cơ quan pháp luật của Hải Phòng cũng phải cần xem xét lại. Tôi cho rằng, nếu quyết định thu hồi đất phải được hũy bỏ, thì khu đất đầm này cần phải được trả lại cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Nhưng những người lao động chính của gia đình này, ví dụ như ông Đoàn Văn Quý và ông Đoàn Văn Vươn hiện đang trong tù, ở nhà chỉ còn phụ nữ và trẻ em.

Trong khi chờ đợi xét xử, ít nhất phải cho những người đó được tại ngoại, vì qua kết luận của thủ tướng, đây chỉ là những người bức xúc thôi, chứ không phải là những người gây nguy hiểm cho xã hội. Những người đó cần được xã hội khuyến khích để họ có điều kiện tiếp tục sản xuất nuôi sống gia đình họ. 

Hàng chục hectare này nếu giao lại cho những phụ nữ này, thì rõ ràng cũng chẳng giải quyết được gì, mà chỉ làm phức tạp thêm, vì họ làm sao có thể quản lý nổi. Nếu làm cho đến tận cùng thì chính quyền địa phương phải nhận thức được điều đó. Đó là mong muốn không chỉ của riêng tôi, mà của các cư dân mạng, khi mà thủ tướng nói rằng các cơ quan pháp luật cần phải « giảm nhẹ » đối với trường hợp này. 

Tôi cũng nghĩ rằng vụ Đoàn Văn Vươn sẽ còn được lịch sử đánh giá lại. Vụ này vừa nghiêm trọng, nhưng vừa là một trang mới đối với lịch sử Việt Nam, đặc biệt liên quan đến việc quản lý đất đai và đến chính sách nông thôn, nông dân, nông nghiệp, mà Việt Nam gọi là tam nông. 

Sẽ còn nhiều người nhớ đến sự kiện này. Sẽ còn những vụ việc khác cần giải quyết. Người ta sẽ đánh giá không chỉ sự kiện hôm nay, mà còn xem những vụ việc ngày mai, những vụ việc những ngày tới sẽ được giải quyết như thế nào để đánh giá sự tích cực hoặc tiêu cực của những cá nhân, những cơ quan, những đơn vị và thậm chí của chế độ trong tương lai, khi người ta nhìn nhận ảnh hưởng của những vụ việc này. »

8/2/12

Kiến nghị Bộ Công an trực tiếp điều tra vụ Tiên Lãng

Lực lượng vũ trang được huy động để cưỡng chế khu đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (DR)
Lực lượng vũ trang được huy động để cưỡng chế khu đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (DR)

Thanh Phương 08/02/2012
 
Tại Hà Nội, đại tá công an về hưu Nguyễn Đăng Quang và luật sư Trần Vũ Hải vừa cho công bố một kiến nghị đề ngày hôm nay, 08/02/2012 gởi Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề nghị để cho Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an trực tiếp điều tra vụ Tiên Lãng.

Bản kiến nghị nhắc lại là ông Đoàn Văn Vươn cùng với ba bị can khác đang bị tạm giam và khởi tố với các tội danh « giết người » và « chống người thi hành công vụ », vì đã dùng súng chống trả lực lượng thi hành lệnh cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vưon ở xã Vĩnh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Bà Nguyễn Thị Thương, vợ của ông Vươn và bà Nguyễn Thị Hiền, vợ của ông Đoàn Văn Quý cũng bị khởi tố vì tội chống người thi hành công vụ.


Theo đại tá Nguyễn Đăng Quang và luật sư Trần Vũ Hải, do Cơ quan Điều tra Công an Hải Phòng đã có nhiều vi phạm Luật tố tụng hình sự và như vậy sẽ không điều tra một cách đúng đắn, khách quan, cho nên họ đề nghị Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an trực tiếp điều tra vụ này. Trả lời RFI Việt ngữ hôm nay, đại tá Nguyễn Đăng Quang giải thích :

Nghe (02:42)

Hôm qua 07/02/2012, trong một cuộc họp báo, Thành ủy Hải Phòng thông báo Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng vừa quyết định tạm đình chỉ công tác Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền và phó Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Khanh, đồng thời kiểm điểm Trưởng Công an huyện, Bí thư và chủ tịch xã Vĩnh Quang.

Còn Ban thường vụ TP Hải Phòng thì « nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm » vì đã để xảy ra sự việc « gây dư luận không tốt trong nhân dân ». Chính quyền Thành phố Hải Phòng yêu cầu công an thành phố « khẩn trương điều tra » để khởi tố vụ án phá nhà của ông Đoàn Văn Vươn.

Theo báo chí trong nước, sau cuộc họp báo của Thành uỷ Hải Phòng, Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng đêm qua cũng đã có văn bản đề nghị kỷ luật thêm 7 cán bộ huyện Tiên Lãng và xã Vĩnh Quang có liên quan đến vụ cưỡng chế.

Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng : Chủ tịch huyện bị đình chỉ công tác

Những gì còn lại của ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn sau khi bị chính quyền địa phương đập phá. Ảnh chụp ngày 10/01/2012.
Những gì còn lại của ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn sau khi bị chính quyền địa phương đập phá. Ảnh chụp ngày 10/01/2012.
REUTERS/Stringer

Thanh Phương 07/02/2012
 
Dưới áp lực của công luận, chính quyền Việt Nam cuối cùng đã phải có biện pháp mạnh đối với các lãnh đạo huyện Tiên Lãng, Hải Phòng trong vụ cưỡng chế đất của ông Đoàn Văn Vươn. Theo báo chí trong nước, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng hôm nay 07/02/2012, vừa quyết định tạm đình chỉ công tác Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền và phó Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Khanh.

Trong cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Thành uỷ cho biết là chính quyền TP Hải Phòng cũng quyết định kiểm điểm Trưởng Công an huyện, Bí thư và chủ tịch xã Vĩnh Quang. Còn Ban thường vụ TP Hải Phòng thì « nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm » vì đã để xảy ra sự việc « gây dư luận không tốt trong nhân dân »

Đặc biệt, Thành phố Hải Phòng yêu cầu công an thành phố « khẩn trương điều tra » để khởi tố vụ án phá nhà trong đầm của ông Đoàn Văn Vươn.

Trong vụ cưỡng chế ngày 5/1 vừa qua, nhà của ông Đoàn Văn Vươn đã bị phá sập, khiến vợ con ông nay phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, mà không không hề có sự giúp đỡ nào từ chính quyền địa phương.

Về phần ông Đoàn Văn Vươn hiện đang bị tạm giam với các tội danh « chống người thi hành công vụ, tàng trữ vũ khí, giết người », vì đã cùng với người nhà chống lại lực lượng thi hành lệnh cưỡng chế, cụ thể là đã dùng súng hoa cải bắn làm bị thương 6 cán bộ, công an và bộ đội.

Tuy nhiên, đa số dư luận Việt Nam và kể cả một số tờ báo chính thức từ nhiều ngày qua đã bênh vực cho ông Đoàn Văn Vươn, cho rằng ông đã hành động như vậy vì quá uất ức trước quyết định cưỡng chế khu đất mà ông đã bỏ biết bao công sức và tiền của để tạo dựng.

Trong buổi giao lưu trực tuyến do báo Giáo dục Việt Nam tổ chức hôm qua, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Đặng Hùng Võ đã cho rằng việc thu hồi đất ở Tiên Lãng « có nhiều điểm sai luật ». Về phần tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, thì tuyên bố rằng việc đưa hàng chục bộ đội, công an để cưỡng chế với vài người dân là một « vụ trấn áp không thể chấp nhận được ».

Chính quyền Hải Phòng đã ra những quyết định tạm đình chỉ công tác và kiểm điểm các lãnh đạo huyện Tiên Lãng sau khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng can thiệp vào vụ này, cụ thể là ngày 4/2 vừa qua ông đã yêu cầu Hải Phòng phải làm rõ ba điểm : Việc thu hồi đất đúng, sai ở điểm nào ? Việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định của pháp luật không ? Nhà của ông Đoàn Văn Vươn do ai phá hủy ?

Vụ Tiên Lãng càng làm nỗi rõ những vấn đề liên quan đến Luật đất đai ở Việt Nam, mà theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân căn bản của các tranh chấp đất đai vẫn là do luật không công nhận quyền tư hữu ở Việt Nam, tạo điều kiện cho tham nhũng và lạm quyền ở các cấp chính quyền địa phương.

Tác động của đập thủy điện hạ lưu Mekong lên đồng bằng Cửu Long

 
Một đoạn sông Mêkông ở khu vực Tam Giác Vàng ( biên giới Thái Lan, Lào và Miến Điện ).
Một đoạn sông Mêkông ở khu vực Tam Giác Vàng ( biên giới Thái Lan, Lào và Miến Điện ).
Reuters
Thanh Phương 06/02/2012
 
Làm thế nào để dung hòa giữa nhu cầu phát triển thủy điện với bảo vệ môi sinh và an ninh lương thực, đó là bài toán ngày càng nan giải đối với các quốc gia lưu vực sông Mekong. Đây còn là nguồn gốc gây mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là giữa Lào và hai nước Cam Bốt, Việt Nam, nhất là vì đối với Việt Nam, tác động của những đập như Xayaburi lên đồng bằng sông Cửu Long sẽ rất nghiêm trọng.

Trong hội nghị lần thứ 18 của Ủy hội Sông Mekong ( MRC ) tổ chức vào ngày 7-8/12/2011 tại Siem Reap, Hội đồng Bộ trưởng bốn nước Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã quyết định hoãn việc xây dựng đập Xayaburi. Thế nhưng, chính phủ Lào có vẻ như vẫn quyết tâm theo đuổi dự án này tới cùng và sẽ tiếp tục vận động.

Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long tại Úc, tuy là một tổ chức có mục đích biên khảo về văn hoá và lịch sử nhưng rất quan tâm đến sự phát triển bền vững của vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Trước những nguy cơ tiềm tàng của các dự án đập thủy điện trên sông Mekong, nhóm này đang vận động với các tổ chức quốc tế và giới chính trị của những quốc gia tài trợ Uỷ hội Sông Mekong để kêu gọi hủy bỏ dự án Xayaburi.

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân của Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long vừa hoàn tất một bài nghiên cứu tựa đề : “Tác động của đập thủy điện Xayaburi và chuỗi các đập bậc thang xây trên dòng chính sông Mekong: Số phận của vùng hạ lưu và châu thổ ĐBCLVN”.

Trả lời phỏng vấn RFI hôm nay, tiến sĩ Huỳnh Long Vân nêu lên một số điểm chính trong bài nghiên cứu này:

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân

 
 
Sông Mekong là một dòng sông quốc tế quan trọng, bắt nguồn từ Tây Tạng và chảy qua tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, trước khi đến Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam. Nếu tính về lưu lượng của dòng chảy thì sông Mekong đứng hàng thứ 8 trên thế giới, nhưng là con sông có khối lượng thủy sản nội địa dồi dào nhứt trên toàn cầu; thuộc loại vĩ đại, nhưng chưa được khai thác có quy củ, mặc dù có một lịch sử hợp tác quốc tế hơn 50 năm.

Lưu vực Mekong là một trong những khu vực nghèo nhất thế giới, bị tàn phá bởi bom đạn. Vì thế nên sau khi chiến tranh Đông Dương chấm dứt, các cơ quan tài chánh thế giới và một số cường quốc như Hoa Kỳ, Úc châu, Nhựt Bản, Liên hiệp các Quốc gia Âu châu, Liên hiệp Quốc, đã tập trung những nỗ lực để giúp tái thiết và phát triển khu vực qua các chương trình xóa đói giảm nghèo. Trong nhiều thập niên vừa qua, nền kinh tế của khu vực Mekong được tăng trưởng, tuy nhiên điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt điện năng.

Các dự án Đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong

Nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng điện năng trên, các quốc gia trong lưu vực Mekong, được sự hỗ trợ của các tổ chức tài chánh quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu đã phác họa các kế hoạch khai thác nguồn nước sông Mekong trong đó có việc xây dựng các đập thủy điện.

Trung Quốc là nước đầu tiên khai thác quy mô tiềm năng thủy điện của sông Mekong và đã đi được nửa đoạn đường trong công trình xây một chuỗi những đập thủy điện khổng lồ trên dòng chính thượng nguồn sông Mekong, với 4 đập lớn đã được đưa vào xử dụng và 4 đập khác trong dự trù. Trong khi đó thì ở vùng hạ lưu sông Mekong các đập thủy điện chỉ được xây dựng trên các phụ lưu như Pak Mun ở Thái Lan, Nam Theun ở Lào và Sesan, Seprok ở Cao nguyên Trung phần Việt Nam.

Tuy nhiên gần đây Cam Bốt và Lào đã thiết lập những kế hoạch xây đập thủy điện trên dòng chính ở hạ lưu sông Mekong với tất cả 11 dự án: 9 nằm trong lãnh thổ Lào và 2 trong phần đất của Cambốt. Trong số 9 dự án thủy điện ở Lào (6 ở Bắc Lào, 2 ở Trung Lào và 1 ở Nam Lào) Xayaburi là đập thủy điện thứ 3 trong chuỗi 6 đập bực thang được dự định xây dựng ở Bắc Lào. Xayaburi là đề án đầu tiên được đem ra cứu xét và gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian hơn 1 năm qua.

Đập Xayaburi nằm cách Luang Prabang 150km về phía Nam, thuộc loại “đập tràn”, xử dụng dòng chảy cơ bản để vận hành các động cơ phát điện, có công xuất 1.285MW, được 4 ngân hàng Thái Lan: Kasikorn Bank, Bangkok Bank, Krung Thai Bank và Siam Commercial Bank tài trợ; đầu tư công trình là công ty SEAN và Ch. Karnchang của Thái Lan và phần lớn điện lượng sản xuất sẽ bán cho công ty EGAT-Thailand.

Theo thỏa ước Mekong năm 1995, thì các quốc gia thành viên của MRC, Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam ngoài việc cam kết hợp tác để đảm bảo sự phát triển bền vững sông Mekong, còn đồng ý về quy trình tham vấn liên chính phủ “Thông Báo-Tiền Tham Khảo-Đồng thuận” (Procedures for Notification, Prior Consultation and Agreement- PNPCA); đây là một quá trình mà các thành viên của Ủy hội phải tuân theo, khi có ý định khai thác dòng chính sông Mekong thí dụ như xây đập thủy điện.

Vì thế, đối với đề án Xayaburi chánh phủ Lào phải tuân thủ tiến trình PNPCA này và ngày 21/09/2010 thông báo với MRC ý định xây đập thủy điện Xayaburi. Tiếp đến MRC chuyển hồ sơ của đề án đến các quốc gia thành viên Cam Bốt, Thái Lan, và Việt Nam cứu xét. Ủy ban hỗn hợp MRC đã lần lượt nhóm họp nhiều lần để thảo luận về đề án thủy điện này.

Trong lần họp sau cùng tại Vientiane vào ngày 19/04/2011 kết thúc thời gian ấn định 6 tháng của quy trình PNPCA, Ủy ban Hổn hợp đã không đạt được sự đồng thuận và phải đệ trình lên Hội đồng Bộ trưởng MRC để lấy quyết định. Đại diện của phía Cam Bốt và Việt Nam cho rằng báo cáo EIA (Environmental Impact Assessment) của Lào về những tác động của đập thủy điện Xayaburi trên Môi trường của hạ lưu Mekong thiếu trung thực và có nhiều thiếu sót.

Tác động của 11 đập thủy điện trên hạ lưu sông Mekong và châu thổ ĐBCL VN

Qua các tài liệu tham khảo, chúng ta có thể nhận ra những ảnh hưởng tiêu cực rất trầm trọng mà các đập thủy điện xây trên dòng chính hạ lưu sông Mekong có thể gây ra đối với môi trường, cũng như trên các mặt kinh tế và xã hội.

Môi trường

Nếu dự án xây đập Xayaburi được chấp thuận sẽ tạo ra một tiền lệ để 10 đập thủy điện khác được xây tiếp trên dòng chính của hạ nguồn sông Mekong.

Bảng “Đánh giá Môi trường Chiến lược” (Strategic Environmental Assessment-SEA) của Ủy hội Sông Mekong MRC cho thấy nếu tất cả 11 đập thủy điện này được xây thì 90% khối lượng phù sa sẽ bị giữ lại, ảnh hưởng đến đặc tính phì nhiêu và khả năng bành trướng của châu thổ ĐBCLVN.

Sự sút giảm phù sa vận chuyển xuống hạ lưu còn ảnh hưởng đến cấu trúc của dòng sông và trạng thái cân bằng của nguồn dinh dưỡng: khiến bờ sông bị sạt lở, lòng sông bị bào mòn, các thảm thực vật và các vùng đất trũng bị hủy hoại; nguồn dinh dưỡng N và P bị xáo trộn, tạo điều kiện cho các loài rong, tảo bộc phát, làm tắc nghẽn dòng sông, với hậu quả hệ thủy sinh học bị hủy diệt.

Di trú theo mùa là đặc tính sinh học mang tính sinh tồn của các loài cá và hầu hết khoảng 1700 loài cá của sông Mekong cần phải thay đổi nơi sống, lội xuôi ngược dòng sông hoặc di chuyển đến những vùng đất trũng, vùng ngập nước tìm những nơi thích nghi để sinh sản và tăng trưởng. Vì dòng sông là hành lang hoán trú của loài cá, nên xây các đập thủy điện trên dòng chính sẽ làm gián đoạn chu trình sinh lý thiết yếu của cá, như đẻ trứng, gây giống và tăng trưởng. Đập Xayaburi ngăn cản lộ trình hoán trú của ít nhất 23 loài cá đến vùng thượng nguồn Luang Prabang ở Lào, Chiang Khong và Chiang Saen ở Thái Lan và tối thiểu 41 loài cá có thể bị diệt chủng.

Những ảnh hưởng tiêu cực này sẽ rõ rệt hơn khi tất cả 11 đập được xây và hơn nữa chiều dài của dòng sông sẽ trở thành một chuỗi những hồ nước đọng. Nếu tất cả các đề án được thực hiện, sẽ có đến 40% khối lượng thủy sản trong hạ lưu bị thất thoát, tương đương với khoảng trên 1 triệu tấn cá và trị giá mất mát có thể lên đến 4-5 tỉ Mỹ kim mỗi năm.Ấy là chưa kể đến khối lượng cá sống gần các cửa sông đổ ra biển của châu thổ ĐBCLVN.

Tương tự như thế, đối với Cam Bốt, những tác động của 11 đập thủy điện cũng rất nghiêm trọng.
Các quốc gia trong lưu vực hạ nguồn sông Mekong cùng chia xẻ các trận lũ hằng năm. Lũ là món quà thiên nhiên ban cho cư dân lưu vực Mekong. Lũ mang lại sự sống cho hệ sinh thái phức tạp của lưu vực, làm sạch đồng ruộng và đem đến thủy sản cho người dân địa phương. Nếu tất cả 11 đề án thủy điện trên hạ lưu Mekong được xây, thì vào mùa khô các ”đập tràn” phải tích lũy nước để vận hành và như thế miền Tây Nam phần VN sẽ bị cạn kiệt, nước biển tràn sâu hơn vào nội địa làm trầm trọng thêm tình trạng ruộng vườn vốn bị nhiễm mặn vào mùa khô, giảm diện tích canh tác và ngành nuôi trồng thủy sản vùng ven biển cũng gặp khó khăn.

Kinh tế và xã hội

Tất cả 11 đập thủy điện nếu được xây sẽ làm thay đổi vĩnh viễn lối sống có từ ngàn đời của người dân trong vùng, tăng thêm khoảng cách giàu nghèo, làm đổ vỡ cho kế hoạch giảm nghèo trong khu vực, ấy là chưa kể đến những mất mát về mặt kinh tế nông-ngư nghiệp. Như thế, thử hỏi thủy điện có phải là kế hoạch phát triển hợp lý để đánh đổi tiềm năng phong phú và hệ sinh thái đa dạng của hạ lưu sông Mekong mà trong nhiều thế kỷ qua đã nuôi sống khoảng 60 triệu cư dân trong lưu vực?

Những vận động của nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long tại  Úc châu

Do tầm vốc quốc tế của các dự án xây đập thủy điện trên sông Mekong nên trong thời gian qua nhóm đã nỗ lực kết hợp với các tổ chức quốc tế và giới chính trị của các quốc gia tài trợ MRC kêu gọi sự hỗ trợ và tìm cách tạo dựng một kênh pháp lý thích hợp để những nhận định khách quan của Nhóm được chuyển đạt đến các giới chức có thẩm quyền quyết định về đề án Xayaburi.

Hợp tác với The Australian Mekong Resource Centre (AMRC), Sydney University

Tác động của các đập thủy điện xây trên dòng chính hạ lưu Mekong gây ra những biến đổi phức tạp liên quan đến các lãnh vực khoa học, kinh tế, xã hội, nhân sinh.... Học viện Nghiên cứu Tài nguyên Sông Mekong (AMRC) thuộc Đại học Sydney, Australia là một trung tâm nghiên cứu khoa học quốc tế về khu vực Mekong, ngoài công tác nghiên cứu giảng dạy còn là một tổ chức khoa học có mục đích hỗ trợ chiều hướng phát triển hợp lý duy trì sự toàn vẹn, đa dạng của hệ sinh thái khu vực Mekong và tính cộng sinh giữa cuộc sống, những nét văn hoá đặc thù của khu vực, vì thế Nhóm NCVHĐNCL Úc châu đã kết hợp chặt chẽ với AMRC để trao đổi và tiếp thu những kiến thức mới liên quan đến sự phát triển của khu vực Mekong và châu thổ ĐBCLVN.

Kết giao với Tổ chức International Rivers

Nhóm đã kết giao với Tổ chức International Rivers, qua Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Bà Ame Trandem ở Bangkok , cùng với 263 tổ chức phi chánh quyền (NGOs) và trên 22 ngàn người dân của hơn 100 quốc gia trên thế giới kêu gọi hai chánh phủ Lào và Thái Lan hủy bỏ đề án xây đập thủy điện Xayaburi và 10 đập khác trên dòng chính sông Mekong vì những đập này gây ra những tác hại nghiêm trọng đến tương lai vùng hạ nguồn.

Tham khảo với giới chức ngoại giao

Những tranh chấp trước đây trong việc sử dụng nguồn nước và chia sẻ quyền lợi riêng lẻ của từng quốc gia trong các lưu vực sông Nile thuộc vùng đông bắc Phi châu (giữa Ai Cập, Sudan, Tanzania, Ethiopa, Congo, Tanzania, Kenya…..), sông Zambezi ở Phi châu (giữa Zambia, Angola, Zimbawe, Malawi, Tanzania, Botswana, Mozambique và Nambia), sông Jordan ở Trung Đông (giữa Israel, Jordan, Syria và Lebanon), hệ thống sông Ganges-Brahmaputra-Meghna (giữa Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc và Bangladesh) hay chính trong hệ thống sông Murray-Darling-Murrumbidgee (giữa các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc châu) khiến chúng ta không khỏi băn khoăn nghĩ rằng địa chính trị và lợi ích phe nhóm sẽ đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến những quyết định về các đề án thủy điện Mekong. Vì thế Nhóm NCVH ĐNCL Úc châu đã ra sức tranh thủ sự ủng hộ của giới chánh trị ở Úc và Hoa Kỳ.

Úc là quốc gia có những chương trình viện trợ cho Việt Nam với mục đích xóa nghèo và đồng thời cũng là một trong số các quốc gia cốt yếu tài trợ cho MRC, nên nhóm NCVHĐNCL đã viết văn thư gởi đến chánh phủ liên bang Úc, Ngoại trưởng Kevin Rudd, trình bày quan điểm của nhóm về những ảnh hưởng tiêu cực không thể đảo ngược của 11 đập thủy điện trên cuộc sống của người dân vùng hạ lưu và châu thổ ĐBCLVN. Cùng lúc Nhóm cũng gởi văn thư đến bà Dân biểu Julie Bishop, Phó chủ tịch đảng Tự do và phát ngôn viên ngoại giao của Liên đảng Tự do-Quốc gia, đối lập ở Quốc hội, nêu lên mối quan ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của đập Xayaburi. Ngoài ra, chúng tôi đã gởi văn thư đến Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ Tịch Tiểu bang Đông Á và Thái Bình Dương tại Thượng viện Hoa Kỳ.

Đối với chúng tôi, việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, theo đề nghị của Thượng nghị sĩ Jim Webb, vào ngày 29/11/2011 đã nhất trí thông qua một nghị quyết kêu gọi bảo vệ lưu vực sông Mekong và đình hoãn việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chảy chính của con sông này cùng những lời tuyên bố tại Bali vào tháng 11/2011 của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton trước Diễn đàn Khu vực Đông Nam Á rằng Washington đang hợp tác với Ngân hàng Phát triền Á châu và Liên hiệp các quốc gia Âu châu để cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường ở hạ nguồn sông Mekong cùng kêu gọi ngưng tất cả mọi việc xây thêm đập cho đến khi nào đánh giá toàn bộ các tác động đối với môi trường là những tin tức rất khích lệ, cho thấy sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới dành cho công trình bảo vệ sông và khu vực Mekong.

Lào vẫn kiên quyết thực hiện dự án Xayaburi

Trong hội nghị lần thứ 18 của MRC tổ chức vào ngày 7-8/12/2011, tại Siem Reap, Hội đồng Bộ trưởng bốn nước Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam quyết định hoãn việc xây dựng đập Xayaburi. Bản thông cáo được Ủy hội Sông Mekong công bố sau cuộc họp, cho biết các nước thành viên đã đồng ý là cần phải “ nghiên cứu bổ sung về sự phát triển bền vững và quản lý dòng sông Mekong, kể cả đối với tất cả các dự án thủy điện”. Thông cáo còn cho biết chính quyền Nhật Bản sẽ được tiếp cận để giúp thực hiện việc nghiên cứu bổ sung và những công trình nghiên cứu mới sẽ cung cấp “một bức tranh hoàn chỉnh hơn” về các vấn đề nẩy sinh từ việc xây đập.

Các nhà bảo vệ môi trường, trong đó có Nhóm NCVHĐNCL Úc châu và chánh phủ hai quốc gia Cam Bốt và Việt Nam tỏ ra phấn khởi với kết quả trên. Tuy nhiên kết quả này không có nghĩa là đề án thủy điện Xayaburi đã được khai tử, vì Lào cho thấy sẽ kiên trì vận động.

Đồng ý “nghiên cứu bổ sung” có thể là một chiến thuật để các bên có thêm thời gian thương lượng. Tối thiểu, Lào không lo ngại về phía Thái Lan, vì đầu tư công trình là một tổng công ty của Thái Lan, đề án được 4 ngân hàng Thái Lan đồng ý tài trợ và hầu hết nguồn điện sản xuất sẽ được bán cho Thái Lan; thêm vào đó Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên & Môi trường, Ông Preecha Reongsomboonsuk khẳng định là Thái Lan không phản đối đề án.

Điều mà nhiều người đang chờ xem là bằng cách nào chính phủ Lào thuyết phục được Cam Bốt và Việt Nam. Xayaburi không phải là con đập duy nhất được dự định xây trên dòng chính hạ lưu Mekong. Các tổ chức kinh doanh, các tổng công ty của Cam Bốt, Thái Lan và Việt Nam đã có những kế hoạch tham gia xây thêm 10 đập khác. Cả 4 quốc gia hạ lưu Mekong tuy đều có những lo ngại về các tác động tiêu cực đến môi trường, nhưng đồng thời cũng có những lợi ích trong việc xây dựng các con đập. Vì thế, kế tiếp là những màn vận động chánh trị bên trong hậu trường với những mặt cả cũng như đánh đổi, để Phnom Penh và Hà Nội chấp nhận đề án Xayaburi của Lào.

Hơn thế nữa, vấn đề của 11 đập thuỷ điện cần được tìm hiểu trên một phạm vi rộng lớn hơn, qua khuôn khổ hợp tác của tổ chức Tiểu vùng Mekong mở rộng (Greater Mekong Subregion- GMS), vì trong tổ chức này Trung Quốc là một đối tác rất quan trọng và lại có mối quan hệ song phương mạnh mẽ ảnh hưởng đến các chính sách, chủ trương và đường lối của chánh phủ Lào. Thế thì, liệu mối bang giao chặt chẽ này cùng sự kiện Trung Quốc đã từng đơn phương xây đập ở thượng nguồn, bất chấp những phản đối của các quốc gia khác trong lưu vực, đủ khuyến khích Lào theo đuổi con đường cứng rắn đối đầu với Việt Nam trong vấn đề đập Xayaburi không?

Chúng ta ghi nhận sự đóng góp của Nhật Bản trong kế hoạch “nghiên cứu bổ sung”, nhưng qua hai tổ chức MRC và GMS, Nhật Bản đã hợp tác, hỗ trợ mạnh mẽ các chương trình phát triển khu vực Mekong, xem đây là “thị trường thương mại rộng lớn đông người tiêu thụ và có nhiều cơ hội kinh doanh”. Tuy nhiên, để có thể duy trì được vị thế là một điểm đến thực sự hấp dẫn đầu tư, các quốc gia trong khu vực Mekong phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong các lãnh vực như điện, giao thông và thể hiện được tinh thần hợp tác.
Có thể do nhận thức được những ràng buộc trên, nên Lào đồng ý về vai trò của Nhật Bản trong kế hoạch “nghiên cứu bổ sung” và xem đây như một giải pháp giữ thể diện cho mọi bên, trong khi tìm kiếm một mẫu số chung cho 4 quốc gia hạ lưu về đập thủy điện.

Kết quả của phiên họp Hội đồng Bộ trưởng MRC ở Siem Reap không có nghĩa là sứ mệnh cứu sống dòng sông Mekong đã hoàn tất. Khối đoàn kết gồm những nhà bảo vệ môi trường, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các xã hội dân sự, với thành phần quan tâm đến sự sống còn của vùng hạ lưu Mekong và châu thổ ĐBCLVN sẽ phải tiếp tục tích cực vận động để giữ cho dòng sông được xuôi chảy, nhằm bảo đảm cuộc sống của hơn 60 triệu cư dân trong lưu vực.

Khác với Việt Nam, Philippines có thể dựa vào Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc

Lính Mỹ huấn luyện cho lính tuần duyên Philippines (Reuters)
Lính Mỹ huấn luyện cho lính tuần duyên Philippines (Reuters)

Thanh Phương 04/02/2012
 
Ngày 27/01/2012 vừa qua, chính phủ Philippines tuyên bố là Manila sẽ chấp nhận sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ để giúp nước này bảo vệ quyền lợi và bảo đảm hòa bình trong khu vực, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng do tranh chấp chủ quyền Biển Đông.


 

 
 
Sở dĩ Manila có thể dựa hẳn vào Washington để đối đầu với Trung Quốc, đó là do những yếu tố địa dư, lịch sử, địa chiến lược và thể chế chính trị. Từ Sydney, nhà báo Lưu Tường Quang phân tích:



Luật sư Lê Quốc Quân phản đối quyết định "giáo dục tại cấp xã"

Luật sư Lê Quốc Quân.
Luật sư Lê Quốc Quân.
Nguồn: facebook

Thanh Phương 03/02/2012
 
Ngày 30/01/2012 vừa qua, luật sư Lê Quốc Quân, một trong những nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, đã công bố bản lên tiếng phản đối quyết định của Ủy ban Nhân dân phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, về việc áp dụng biện pháp "giáo dục 6 tháng tại cấp xã" đối với ông.

 
 
Trả lời RFI Việt ngữ hôm nay, luật sư Lê Quốc Quân giải thích :

 « Quyết định về giáo dục tại cấp xã của Ủy ban Nhân dân phường Yên Hòa đối với tôi là căn cứ vào hai quyết định trước đó của công an quận Hoàn Kiếm. Quyết định thứ nhất đưa ra ngày 13/04/2011, phạt cảnh cáo tôi, vì tôi đã đến xem phiên xử tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ và bị bắt giữ trong chín ngày. Tôi rất ngạc nhiên là từ một người bị giam trái phép trong chín ngày, tôi lại trở thành một đối tượng bị phạt vi cảnh. Thứ hai là quyết định ngày 27/11/2011, là ngày tôi đang đi dạo bên Bờ Hồ thì cũng bị công an quận Hoàn Kiếm bắt giam hai ngày.

Tôi không hề biết hai quyết định nói trên, nhưng Ủy ban Nhân dân phường Yên Hòa nói rằng họ căn cứ vào hai quyết định đó để ra quyết định giáo dục tôi ở phường Yên Hòa. 

Rõ ràng đó là một quyết định hoàn toàn trái pháp luật, vì nó căn cứ vào những quyết định trái pháp luật trước đó của công an quận Hoàn Kiếm. Thứ hai, nguy hiểm hơn, là nó vi phạm pháp luật và Hiến pháp của Việt Nam, vì có thể tước đoạt tự do của cá nhân tôi hay các cá nhân khác nói chung, mà không thông qua bất cứ thủ tục tư pháp nào. 

Điều này hoàn toàn trái pháp luật, đồng thời, nghiêm trọng hơn, còn vi phạm nhiều công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là công ước về quyền dân sự và chính trị, hay các quyền khác liên quan đến nhân phẩm, nhân quyền của công dân.

Dù có những căn cứ có vẻ như đúng pháp luật, những căn cứ đó cũng là sai pháp luật. Cho nên, quyết định đó là hoàn toàn vô hiệu đối với cá nhân tôi và đối với luật pháp của nước CHXHCN Việt Nam. »

Công an Trung Quốc ngăn không cho một luật sư nổi tiếng gặp Thủ tướng Đức

Một nhân viên an ninh Trung Quốc (trái) quan sát một phóng viên ảnh trong lúc hai Thủ tướng Đức và Trung Quốc đang chuẩn bị họp báo tại Bắc Kinh ngày 02/02/2012.
Một nhân viên an ninh Trung Quốc (trái) quan sát một phóng viên ảnh trong lúc hai Thủ tướng Đức và Trung Quốc đang chuẩn bị họp báo tại Bắc Kinh ngày 02/02/2012.
REUTERS/David Gray

Thanh Phương 03/02/2012
 
Một luật sư nổi tiếng vì đã bênh vực các nhà đối lập hàng đầu của Trung Quốc hôm nay 03/02/2012 cho biết ông đã bị công an ngăn không cho gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Ông Mạc Thiếu Bình, luật sư của các nhà đối lập Lưu Hiểu Ba và Cao Trí Thịnh, kể với hãng tin AFP rằng, hôm qua công an đã ngăn không cho ông đến dự một buổi tiếp tân tại đại sứ quán Đức ở Bắc Kinh chào đón Thủ tướng Angela Merkel. Luật sư Mạc Thiếu Bình cho biết ông đã được mời hôm thứ Hai để nói chuyện với Thủ tướng Đức về tình hình pháp luật ở Trung Quốc, và về tình trạng của các luật sư Trung Quốc.

Luật sư Mạc Thiếu Bình nói thêm là công an bảo ông không có quyền đến dự tiếp tân ở đại sứ quán Đức, do những mối quan ngại về ổn định xã hội trước kỳ Đại hội Đảng Cộng sản vào mùa thu năm nay. Đại hội này sẽ thông qua thành phần ban lãnh đạo mới của Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên luật sư Mạc Thiếu Bình bị ngăn không cho gặp các quan chức nước ngoài. Năm ngoái, ông đã không thể gặp Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé, cũng như các nhà ngoại giao Đức, Hà Lan và phái đoàn Liên hiệp châu Âu.

Đến Trung Quốc từ hôm qua trong chuyến viếng thăm ba ngày, Thủ tướng Angela Merkel đã tuyên bố là bà sẽ không tránh né vấn đề nhân quyền trong chuyến viếng thăm này. Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ôn Gia Bảo hôm qua, bà Merkel đã nhấn mạnh đến quyền tự do ngôn luận và quyền tự do trên Internet.

Hôm nay, Thủ tướng Đức đã gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh và sau đó đã đi Quảng Đông để dự một diễn đàn kinh tế cùng với Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Trong các cuộc gặp với các lãnh đạo Trung Quốc, bà Merkel đều cố trấn an về sự vững chắc của đồng euro, và về khả năng của châu Âu vượt qua khủng hoảng. Về phần Thủ tướng Ôn Gia Bảo thì cho biết là Trung Quốc sẽ tham gia nhiều để giúp châu Âu đối phó với khủng hoảng nợ công.

Quốc tế không dám gây áp lực mạnh lên Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng

Những người Tây Tạng lưu vong biểu tình tại New Delhi ngày 29/01/2012 với chân dung và quan tài giả của những người Tây Tạng mà họ cho rằng đã bị giết chết tại Tứ Xuyên.
Những người Tây Tạng lưu vong biểu tình tại New Delhi ngày 29/01/2012 với chân dung và quan tài giả của những người Tây Tạng mà họ cho rằng đã bị giết chết tại Tứ Xuyên.
REUTERS/Parivartan Sharma

Thanh Phương 03/02/2012
 
Vì không muốn làm phật lòng Trung Quốc, cường quốc kinh tế và ngoại giao ngày càng hùng mạnh, cộng đồng quốc tế cho tới nay vẫn tỏ ra rất thận trọng trên vấn đề Tây Tạng, không dám gây áp lực mạnh lên Bắc Kinh.

Khác với những sắc tộc nổi dậy chống chế độ Cộng sản Bắc Kinh, chẳng hạn như người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo, người Tây Tạng từ lâu vẫn được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Đức Đại Lạt Lạt Ma đi đến đâu cũng được đón tiếp như thượng khách. Báo chí phương Tây lúc nào cũng bênh vực cho cuộc đấu tranh của người Tây Tạng.

Sau những cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu ở các vùng Tây Tạng ở Tứ Xuyên, Thủ tướng của chính phủ Tây Tạng lưu vong, Lobsang Sangay, vào tuần trước đã kêu gọi quốc tế can thiệp. Ông cũng yêu cầu Liên Hiệp Quốc gởi một phái đoàn đến điều tra về những vụ công an Trung Quốc nổ súng giết chết người biểu tình Tây Tạng.

Thế nhưng, các nhà quan sát cho rằng lời kêu gọi của lãnh đạo chính phủ Tây Tạng lưu vong sẽ chẳng được ai hưởng ứng. Như nhận định của bà Katia Buffetrille, một nhà dân tộc học và Tây Tạng học ở Paris, cộng đồng quốc tế vẫn tỏ ra rất « kín đáo và dè dặt », do sự trỗi dậy ngày càng mạnh của cường quốc kinh tế Trung Quốc, và do mối quan tâm hàng đầu của các nước vẫn là giành thị phần ở Trung Quốc.

Toàn bộ 172 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh đều mặc nhiên công nhận Tây Tạng là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Ngay cả Anh Quốc, mà từ năm 1914 đã có một hiệp ước với Tây Tạng, vào năm 2008 cũng đã lần đầu tiên công nhận Tây Tạng là một bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc.

Cho nên, thay vì dọa trừng phạt Bắc Kinh hay tẩy chay hàng Trung Quốc, cộng đồng quốc tế cho tới nay chỉ kêu gọi đối thoại và hòa dịu. Ngay cả Hoa Kỳ, nơi mà giới vận động hành lang cho Tây Tạng hoạt động rất mạnh, cũng chỉ yêu cầu chính quyền Trung Quốc giữ thái độ « chừng mực » sau vụ đàn áp biểu tình ở Tứ Xuyên.

Theo giải thích của ông Barry Sautman, nhà Tây Tạng học thuộc trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, các chính phủ phương Tây thấy rằng chỉ trích Bắc Kinh cũng chẳng có tác dụng gì, cho nên họ kêu gọi đàm phán giữa người Tây Tạng với chính phủ Trung Quốc. Ông Sautman cho rằng : « Đây là phương cách duy nhất để tìm ra một giải pháp dài hạn ».

Dưới áp lực của quốc tế, vào năm 2002, Bắc Kinh đã mở các cuộc thương lượng với các đặc sứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng chín lần đàm phán kéo dài đến năm 2010 đã không mang lại kết quả gì.

Nhà Tây Tạng học Robbie Barnett, thuộc Đại học Columbia ( New York ), đề nghị cộng đồng quốc tế nên khuyến khích Trung Quốc ngừng đả kích Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngưng ép buộc các tu sĩ Phật giáo tố cáo Ngài và hạn chế việc di dân sắc tộc Hán đến các vùng Tây Tạng. Nhưng vấn đề là phải nói làm sao cho thuận lỗ tai của Bắc Kinh.

Liên hiệp châu Âu và Liên Hiệp Quốc thật ra đã có những cuộc thảo luận kín đáo và thường xuyên với Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng, nhưng từ năm 2006 đến nay, Bắc Kinh không chấp nhận bất cứ phái đoàn nào của Liên Hiệp Quốc đến Tây Tạng. Lý do là vào năm đó, báo cáo viên về tra tấn của Liên Hiệp Quốc đã đến tìm hiểu tình hình ở Tây Tạng, và sau đó đã ra một báo cáo lên án Trung Quốc.

Không chỉ phản ứng yếu ớt, các nước Tây phương còn không có một tiếng nói đồng nhất trên vấn đề Tây Tạng, không chỉ giữa Hoa Kỳ với châu Âu, mà còn giữa các nước châu Âu với nhau.

Hải Phòng buộc phải xem xét lại toàn bộ vụ Đoàn Văn Vươn

Lực lượng cưỡng chế rà mìn trên lối vào khu đầm của ông Đoàn Văn Vươn (DR)
Lực lượng cưỡng chế rà mìn trên lối vào khu đầm của ông Đoàn Văn Vươn (DR)

Thanh Phương 01/02/2012
 
Theo báo chí trong nước, chính quyền thành phố Hải phòng hiện đang rà soát lại toàn bộ vụ cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, huyện Tiên Lãng, một vụ đã gây bất bình lớn trong dư luận Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 30/01/2012, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng “xử lý thỏa đáng” vụ Đoàn Văn Vươn, nhấn mạnh rằng gia đình ông Vươn đã bỏ ra nhiều công sức để khai hoang lấn biển, phát triển nuôi trồng thủy sản ở địa phương.

Trong bối cảnh đó, Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng vừa cho phổ biến một tài liệu đề ngày 20/01/2012, tố cáo những sai trái của các lãnh đạo huyện trong vụ cưỡng chế này.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thương, vợ của ông Đoàn Văn Vươn, hiện vẫn sống tạm bợ sau khi ngôi nhà của gia đình bà đã bị phá hủy, nhưng vẫn quyết tâm đòi phục hồi công lý và sự thật trong vụ cưỡng chế này. Mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn ngắn sau đây.Bà Nguyễn Thị Thương, Tiên Lãng

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam : nhân quyền là trọng tâm

Ông Kurt Campbell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương (Reuters)
Ông Kurt Campbell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương (Reuters)

Thanh Phương 01/02/2012
 
Trong khuôn khổ chuyến công du châu Á, ông Kurt Campbell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương, hôm nay 01/02/2012 đến Việt Nam. Đây là chặng thứ hai trong chuyến công du này. Ông Campbell đến từ Hàn Quốc và ngày thứ sáu, 03/02, sẽ đi thăm Cam Bốt.

Chuyến viếng thăm Việt Nam lần này của ông Campbell diễn ra hai tuần sau khi trợ lý Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Hà Nội phải cải thiện tình trạng nhân quyền nếu muốn nhận được thêm sự ủng hộ ở Washington cho việc mở rộng quan hệ Mỹ-Việt.

Ngày 20/01/2012 vừa qua, nhân chuyến viếng thăm Việt Nam, một phái đoàn thượng nghị sĩ Mỹ, trong đó có thượng nghị sĩ John McCain đã gặp ba nhân vật đấu tranh dân chủ và nhân quyền tại Hà Nội là bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Quốc Quân.

Sau khi kết thúc chuyến viếng thăm Việt Nam, tại Bangkok ngày 21/01/2012, phái đoàn thượng nghị sĩ Mỹ đã tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ không bán các vũ khí sát thương cho Việt Nam cho tới khi nào nước này có những tiến bộ về nhân quyền.

Theo tổ chức Human Rights Watch, ít nhất 33 nhà bất đồng chính kiến, blogger và các nhà hoạt động nhân quyền đã bị cầm tù vào năm ngoái và 27 người khác bị giam giữ mà không hề được xét xử, chỉ vì quan điểm chính trị và tôn giáo của họ.

Trong bản báo cáo về nhân quyền thế giới công bố ngày 22/01/2012, Human Rights Watch tố cáo rằng trong năm 2011, chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp giới ly khai, bỏ tù hàng loạt những người tranh đấu một cách ôn hòa cho nhân quyền, bóp nghẹp quyền tự do ngôn luận.

Philippines chấp nhận sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ

Tầu sân bay Mỹ USS Carl Vinson trong vịnh Manila hôm  15/05/2011.
Tầu sân bay Mỹ USS Carl Vinson trong vịnh Manila hôm 15/05/2011.
REUTERS/Romeo Ranoco

Thanh Phương 27/01/2012
 
Ngoại trưởng Philippines hôm nay, 27/101/2012, tuyên bố Manila sẽ chấp nhận sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ để giúp nước này bảo vệ quyền lợi và bảo đảm hòa bình trong khu vực, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng. Theo lời ông Albert del Rosario, Philippines muốn có thêm nhiều cuộc tập trận với Hoa Kỳ, cũng như đón nhận một lực lượng Mỹ luân phiên trú đóng đông hơn.

Tuy không nêu tên Trung Quốc, nhưng Ngoại trưởng Philippines cho biết sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ là cần thiết trong bối cảnh có những tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.

Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm qua, tại Washington, các giới chức Quốc phòng Hoa Kỳ và Philipines đã thảo luận về khả năng tăng cường hợp tác quân sự. Theo các giới chức Mỹ, các cuộc thảo luận này dựa trên những đề nghị mà Ngoại trưởng Mỹ đưa ra nhân chuyến viếng thăm Manila vào tháng 11/2011.

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, bà Victoria Nuland hôm qua nhắc lại rằng trong chuyến viếng thăm đó, Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton đã nhấn mạnh đến việc tăng cường hợp tác quân sự Mỹ-Philippines, nhưng nói rõ là Hoa Kỳ không tìm cách tái lập các căn cứ quân sự, cũng như không triển khai lực lượng một cách thường trực ở nước này.

Cho đến năm 1992, Hoa Kỳ vẫn có nhiều căn cứ quân sự lớn ở Philippines, nhưng Washington đã buộc phải bỏ các căn cứ quân sự theo quyết định được thông qua ở Thượng viện Philippines. Tuy nhiên, vẫn có một lực lượng khoảng 600 lính Mỹ luân phiên trú đóng ở miền Nam Philippines trong thập niên qua để huấn luyện quân lính Philippines chiến đấu chống các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Những định hướng mới về ngân sách quốc phòng của Mỹ, do Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta trình bày hôm qua, dành rất nhiều phương tiện hành động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực mà chính quyền Obama xem là ưu tiên chiến lược hàng đầu, trước thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc.

Đối lập Cuba đòi điều tra về cái chết của tù chính trị

Các 'Phụ Nữ Áo Trắng', hiệp hội thân nhân tù chinh trị, tuần hành ngày 22/01/2012, tố cáo chính quyền Cuba  'ám sát'  Wilman Villar Mendoza.
Các 'Phụ Nữ Áo Trắng', hiệp hội thân nhân tù chinh trị, tuần hành ngày 22/01/2012, tố cáo chính quyền Cuba 'ám sát' Wilman Villar Mendoza.
Reuters

Thanh Phương 24/01/2012
 
Trong một bức thư gởi Bộ Nội vụ Cuba hôm qua, 23/01/2012, Uỷ hội Nhân quyền và Hòa giải dân tộc Cuba đã yêu cầu chính phủ điều tra về cái chết trong tù của nhà đối lập Wilman Villar, sau một cuộc tuyệt thực kéo dài 50 ngày. Ủy hội cũng cho rằng cần phải làm rõ những sai trái liên quan đến vụ bắt giữ ông Villar ngày 24/11/2011, cũng như phiên xử, cuộc tuyệt thực, và việc mai táng tù chính trị này.

Ông Villar, một công nhân ngành dệt may 31 tuổi , thành viên của nhóm đối lập bất hợp pháp Liên minh Ái quốc Cuba, đã qua đời ngày 19/01 sau cuộc tuyệt thực nhằm phản đối bản án 4 năm tù đối với ông. Cái chết của Villar đã dấy lên làn sóng phản đối của quốc tế.

Về phần chính quyền, La Habana khẳng định họ có những bằng cớ và nhân chứng cho thấy ông Villar không phải là một nhà đối lập và ông đã không hề tuyệt thực. Theo chính quyền Raoul Castro, Villar bị kết án tù vì đã « đánh đập vợ tàn nhẫn trước công chúng, tấn công cảnh sát và kháng cự dữ dội khi bị bắt giữ ».

Tờ nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, trong số ra ngày 23/01 cho rằng đây chỉ là một sự « thao túng thông tin » nhằm « bêu xấu Cuba » do những báo chí và đại diện các chính phủ vốn có truyền thống ủng hộ các lực lượng chống phá Cuba.