8/2/12

Quốc tế không dám gây áp lực mạnh lên Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng

Những người Tây Tạng lưu vong biểu tình tại New Delhi ngày 29/01/2012 với chân dung và quan tài giả của những người Tây Tạng mà họ cho rằng đã bị giết chết tại Tứ Xuyên.
Những người Tây Tạng lưu vong biểu tình tại New Delhi ngày 29/01/2012 với chân dung và quan tài giả của những người Tây Tạng mà họ cho rằng đã bị giết chết tại Tứ Xuyên.
REUTERS/Parivartan Sharma

Thanh Phương 03/02/2012
 
Vì không muốn làm phật lòng Trung Quốc, cường quốc kinh tế và ngoại giao ngày càng hùng mạnh, cộng đồng quốc tế cho tới nay vẫn tỏ ra rất thận trọng trên vấn đề Tây Tạng, không dám gây áp lực mạnh lên Bắc Kinh.

Khác với những sắc tộc nổi dậy chống chế độ Cộng sản Bắc Kinh, chẳng hạn như người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo, người Tây Tạng từ lâu vẫn được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Đức Đại Lạt Lạt Ma đi đến đâu cũng được đón tiếp như thượng khách. Báo chí phương Tây lúc nào cũng bênh vực cho cuộc đấu tranh của người Tây Tạng.

Sau những cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu ở các vùng Tây Tạng ở Tứ Xuyên, Thủ tướng của chính phủ Tây Tạng lưu vong, Lobsang Sangay, vào tuần trước đã kêu gọi quốc tế can thiệp. Ông cũng yêu cầu Liên Hiệp Quốc gởi một phái đoàn đến điều tra về những vụ công an Trung Quốc nổ súng giết chết người biểu tình Tây Tạng.

Thế nhưng, các nhà quan sát cho rằng lời kêu gọi của lãnh đạo chính phủ Tây Tạng lưu vong sẽ chẳng được ai hưởng ứng. Như nhận định của bà Katia Buffetrille, một nhà dân tộc học và Tây Tạng học ở Paris, cộng đồng quốc tế vẫn tỏ ra rất « kín đáo và dè dặt », do sự trỗi dậy ngày càng mạnh của cường quốc kinh tế Trung Quốc, và do mối quan tâm hàng đầu của các nước vẫn là giành thị phần ở Trung Quốc.

Toàn bộ 172 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh đều mặc nhiên công nhận Tây Tạng là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Ngay cả Anh Quốc, mà từ năm 1914 đã có một hiệp ước với Tây Tạng, vào năm 2008 cũng đã lần đầu tiên công nhận Tây Tạng là một bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc.

Cho nên, thay vì dọa trừng phạt Bắc Kinh hay tẩy chay hàng Trung Quốc, cộng đồng quốc tế cho tới nay chỉ kêu gọi đối thoại và hòa dịu. Ngay cả Hoa Kỳ, nơi mà giới vận động hành lang cho Tây Tạng hoạt động rất mạnh, cũng chỉ yêu cầu chính quyền Trung Quốc giữ thái độ « chừng mực » sau vụ đàn áp biểu tình ở Tứ Xuyên.

Theo giải thích của ông Barry Sautman, nhà Tây Tạng học thuộc trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, các chính phủ phương Tây thấy rằng chỉ trích Bắc Kinh cũng chẳng có tác dụng gì, cho nên họ kêu gọi đàm phán giữa người Tây Tạng với chính phủ Trung Quốc. Ông Sautman cho rằng : « Đây là phương cách duy nhất để tìm ra một giải pháp dài hạn ».

Dưới áp lực của quốc tế, vào năm 2002, Bắc Kinh đã mở các cuộc thương lượng với các đặc sứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng chín lần đàm phán kéo dài đến năm 2010 đã không mang lại kết quả gì.

Nhà Tây Tạng học Robbie Barnett, thuộc Đại học Columbia ( New York ), đề nghị cộng đồng quốc tế nên khuyến khích Trung Quốc ngừng đả kích Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngưng ép buộc các tu sĩ Phật giáo tố cáo Ngài và hạn chế việc di dân sắc tộc Hán đến các vùng Tây Tạng. Nhưng vấn đề là phải nói làm sao cho thuận lỗ tai của Bắc Kinh.

Liên hiệp châu Âu và Liên Hiệp Quốc thật ra đã có những cuộc thảo luận kín đáo và thường xuyên với Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng, nhưng từ năm 2006 đến nay, Bắc Kinh không chấp nhận bất cứ phái đoàn nào của Liên Hiệp Quốc đến Tây Tạng. Lý do là vào năm đó, báo cáo viên về tra tấn của Liên Hiệp Quốc đã đến tìm hiểu tình hình ở Tây Tạng, và sau đó đã ra một báo cáo lên án Trung Quốc.

Không chỉ phản ứng yếu ớt, các nước Tây phương còn không có một tiếng nói đồng nhất trên vấn đề Tây Tạng, không chỉ giữa Hoa Kỳ với châu Âu, mà còn giữa các nước châu Âu với nhau.

Không có nhận xét nào: