19/2/12

Một số thành viên muốn hạ thấp tầm mức bản Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN

Các ngoại trưởng Asean nhân hội nghị Jakarta 2/2011 (Reuters)
Các ngoại trưởng Asean nhân hội nghị Jakarta 2/2011 (Reuters)

Thanh Phương 18/02/2012
 
Trang mạng Mizzima, chuyên về những thông tin liên quan đến Miến Điện, hôm qua, đã tiết lộ một số chi tiết chung quanh bản Tuyên ngôn Nhân quyền của ASEAN, cho thấy là một số quốc gia thành viên của tổ chức tìm cách hạ thấp tầm mức của bản Tuyên ngôn này.

Vào tháng Giêng vừa qua, Uỷ hội Nhân quyền liên chính phủ ASEAN đã họp phiên đầu tiên tại Seam Reap, Cam Bốt và đã soạn ra bản dự thảo Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN.

Những bình luận của các giới chức từ các nước ASEAN cho thấy là một số quốc gia thành viên, nhất là Lào, đang tìm cách giảm nhẹ tầm mức của bản Tuyên ngôn này, trong khi các thành viên khác như Thái Lan, Indonesia và Philippines, thì đề nghị một văn bản tiến bộ hơn.

Lào là quốc gia có lập trường cứng rắn hơn hết, đặt điều kiện cho một số điều khoản trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền. Cụ thể, khi bình luận về nghĩa vụ và trách nhiệm của các thành viên ASEAN, đại diện của Lào đòi phải viết rằng, việc thực hiện các quyền phổ quát của con người phải được lồng trong bối cảnh « các nét đặc thù của quốc gia và khu vực » về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử và tôn giáo.

Lập trường của Lào như vậy là trái ngược hoàn toàn với dự thảo Tuyên ngôn do Ban Thư ký của ASEAN đề nghị, tức là « bất kể hệ thống chính trị, kinh tế và văn hóa, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền của con người và các quyền tự do căn bản ».

Lào cũng đề nghị đưa vào khái niệm « an ninh quốc gia » và « đạo lý xã hội », đặt những khái niệm này lên trên các quyền phổ quát của con người và các quyền tự do. Lập luận của Lào là : « Việc chỉ nhấn mạnh đến nhân quyền có thể dẫn đến xung đột, chia rẽ và tranh cãi triền miên và có thể dẫn đến tình trạng vô pháp luật và hỗn loạn ».

Đề nghị của Lào nếu được chấp nhận sẽ cho phép một quốc gia thành viên có thể viện cớ « an ninh quốc gia » và « đạo lý xã hội » để đòi quyền miễn thực hiện Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN.

Theo trang mạng Mizzima, cả Lào lẫn Việt Nam đều giữ nguyên những quan điểm dè dặt về quyền tự do ngôn luận và tự do tiếp nhận thông tin. Riêng Lào thì đề nghị thêm : « Quyền tự do ngôn luận phải đi kèm với nghĩa vụ không được vu khống người khác và kích động hận thù, kỳ thị, chiến tranh, chia rẽ và bạo lực ». Nói chung, Lào là quốc gia lên tiếng mạnh mẽ nhất đòi đặt các quyền của quốc gia lên trên các quyền và quyền tự do cơ bản của con người. Lập trường này được Việt Nam và Malaysia ủng hộ.

Riêng Việt Nam thì đặt câu hỏi về cụm từ « một cách tự do » trong khái niệm « quyền của công dân được tham gia một cách tự do vào chính quyền ». Đồng thời đại diện của Hà Nội đề nghị là trong danh sách những vi phạm ngăn cấm một quốc gia dẫn độ một người xin tỵ nạn, nên bỏ các vi phạm « tra tấn, mất tích và các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác ».

Vào tháng trước, tổ chức Ân xá Quốc tế đã chỉ trích ban soạn thảo Tuyên ngôn Nhân quyền, vì họ làm việc phần lớn là trong vòng bí mật và không hề tham khảo các tổ chức phi chính phủ chuyên về nhân quyền. Nói chung, các tổ chức xã hội dân sự lo ngại rằng, nhân danh những nét « đặc thù », ASEAN sẽ thông qua một bản Tuyên ngôn Nhân quyền với tầm mức thấp hơn nhiều so với những chuẩn mực của quốc tế.

Không có nhận xét nào: