3/3/11

Mỹ can dự ngày càng nhiều vào vấn đề sông Mekong

Đoạn sông Mekong ở vùng Kandal, thuộc Cam Bốt (REUTERS/Chor Sokunthea)
Đoạn sông Mekong ở vùng Kandal, thuộc Cam Bốt (REUTERS/Chor Sokunthea)
Thanh Phương 14/8/2010
Theo tin của nhật báo Thái Lan The Nation, Trung tâm Stimson tại Washington, một cơ quan tham vấn của Mỹ về các vấn đề an ninh toàn cầu, vừa lên tiếng báo động là với những kế hoạch xây đập thủy điện trên thượng nguồn, sông Mekong có nguy cơ trở thành “sông Trung Quốc”, nếu 6 nước trong vùng không ngồi lại bàn cách giải quyết vấn đề.

Cho tới giờ, Bắc Kinh đã có bốn đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong ở khu vực tỉnh Vân Nam và dự trù sẽ xây bốn đập nữa, mặc dù chưa rõ là chúng sẽ có tác động như thế nào đến các nước hạ nguồn Thái Lan, Cam Bốt, Lào, Miến Điện và Việt Nam. Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, ông Richard Cronin còn cảnh báo là các đập thủy điện xây ở hạ nguồn Mekong cũng sẽ có tác hại đến an ninh lương thực.

Ông Richard Cronin đã tuyên bố như trên trong một cuộc hội thảo tại trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok. Tại cuộc hội thảo, một giáo sư trường đại học này, ông Ukrit Pathmanand cũng cảnh báo là việc xây thêm các đập thủy điện trên sông Mekong có thể dẫn đến bất ổn xã hội do việc người dân ở lưu vực mất nguồn thu nhập từ đánh cá hoặc giảm diện tích đất canh tác.

Vì là quốc gia nằm ở cuối sông Mekong, Việt Nam đặc biệt quan ngại về những đập thủy điện không chỉ của Trung Quốc, mà còn của Cam Bốt và Lào. Nhưng theo tờ báo điện tử Asia Times Online, mối đe doạ đến an ninh và đời sống do vấn đề các đập thủy điện Mekong cũng thu hút sự quan tâm của các nước ngoài Đông Nam Á. Tờ báo nhắc lại là bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Hà Nội vào tháng trước, Nhật Bản đã mở một cuộc họp với các nước sông Mekong để thảo luận về sáng kiến “Mekong xanh” cho thập kỷ tới.

Trung Quốc không quan tâm đến các nước hạ lưu Mekong

Nhưng đáng nói hơn cả, theo Asia Times Online, là sự can dự ngày càng nhiều của Hoa Kỳ vào vấn đề sông Mekong, như lả một phần trong nỗ lực nhằm kềm chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Cũng bên lề Hội nghị ASEAN trong tháng bảy, Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã gặp các ngoại trưởng Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam trong khuôn khổ nhóm Sáng kiến hạ lưu Mekong, được thành lập tại Thái Lan năm 2009 theo sáng kiến của Mỹ. Trong cuộc họp này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã hứa sẽ giúp bốn nước nói trên đối phó với những tác động biến đổi khí hậu.

Nhưng trong bài báo của Asia Times Online, ông Richard Cronin cảnh báo rằng đưa những vấn đề hết sức phức tạp của sông Mekong vào cuộc tranh giành thế lực Mỹ-Trung có thể gây cản trở cho việc đề ra những biện pháp cần thiết để giải quyết một cách hiệu quả tương lai của con sông này. Tuy vậy, ông cho rằng sư quan tâm ngày càng lớn của Hoa Kỳ vào vấn đề sông Mekong ít ra sẽ buộc Trung Quốc phải lắng nghe nhiều hơn các nước khác trên lưu vực.

Có thể đó là lý do giải thích vì sao vào tháng sáu vừa qua, Bắc Kinh đã quyết định đưa các quan chức Đông Nam Á đi tham quan một số đập thủy điện ở miền Nam nước này, sau khi có nhiều lời chỉ trích là các đập của Trung Quốc trên thượng nguồn khiến cho hạn hán ở khu vực sông Mekong thêm trầm trọng.

Nhưng theo Asia Times Online, do đang cần ngày càng nhiều năng lượng cho phát triển kinh tế và do đang cảm thấy Mỹ và Đông Nam Á đang bắt tay ngăn chận quyền lợi của mình, Trung Quốc chắc là sẽ vẫn không quan tâm đến số phận của các nước hạ lưu Mekong.

Không có nhận xét nào: