Mục tiêu đầu tiên của chiến dịch là ngăn không cho không quân Libya oanh kích vào các vùng hiện do phe nổi dậy kiểm soát, đặc biệt là khu vực Benghazi ở miền Đông. Như vậy phải tấn công trước hết vào những hệ thống phòng không của Libya : các căn cứ, các dàn phóng tên lửa, các trung tâm chỉ huy, các dàn đại bác và các xe thiết giáp.
Về mặt quân sự thì rõ ràng là phương Tây chiếm ưu thế áp đảo. Liên minh do Pháp và Anh dẫn đầu, với sự yểm trợ của Hoa Kỳ và các nước Ả rập, có thể huy động những phương tiện như chiến đấu cơ Mirage 2000 và Rafale của Pháp, Typhoon và Tornado của Anh. Trong khi đó, quân đội Libya được trang bị rất kém.
Theo lời ông Douglas Barrie, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ( IISS ), được hãng tin Reuters trích dẫn hôm nay, lực lượng không quân của Kadhafi trên lý thuyết có hơn 200 chiến đấu cơ, nhưng trên thực tế mỗi lần chỉ có thể sử dụng khoảng 40 chiếc.
Máy bay của liên quân tham gia tấn công vào Libya có thể xuất phát từ nhiều căn cứ ở Ý, Chypre, Gibraltar và ở miền Nam nước Pháp, cũng như ở đảo Corse. Thậm chí tên lửa có thể được bắn từ các chiến hạm của Hải quân Pháp ở vùng Địa Trung Hải.
Theo lời ông Barak Seener, chuyên gia về Trung Đông tại Luân Đôn, cũng do Reuters trích dẫn, trước một lực lượng hùng hậu như vậy, quân đội Libya không thể cầm cự quá một tháng. Ông nói thêm rằng, sau khi tấn công quân đội Libya, liên quân quốc tế có thể cung cấp thiết bị quân sự cho quân nổi dậy, thậm chí gởi các sĩ quan huấn luyện đến tận nơi.
Với những áp lực quân sự như vậy, một số chuyên gia hy vọng sẽ xảy ra đảo chính lật đổ Kadhafi, hoặc chế độ này sẽ tan rã từ thượng tầng. Nhưng ông Richard Danton, cựu đại sứ Anh quốc tại Tripoli, lại không tin vào những kịch bản đó, bởi vì theo ông, « dân Libya từ lâu vẫn chống lại mọi áp lực của ngoại bang và Kadhafi sẽ khai thác tinh thần này để siết chặt hàng ngũ ».
Mặt khác, một số nhà phân tích nghĩ rằng, cho dù quốc tế mở các cuộc tấn công ngay từ hôm nay, có lẽ đã quá trễ để tránh một sự chia cắt đất nước Libya. Kadhafi chắc là sẽ còn bám trụ một thời gian dài ở Libya và như vậy, quốc gia này có nguy cơ sẽ bị phân thành hai vùng Đông và Tây.
Một nguy cơ nữa là nếu chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya kéo dài hàng tháng, dư luận các nước Ả rập sẽ quay sang phản đối phương Tây và phe đồng minh sẽ bị chia rẽ. Một số nhà phân tích cũng lưu ý là chiến dịch này nếu kéo dài sẽ rất tốn kém, trong khi nhiều nước phương Tây đang gặp khủng hoảng kinh tế hoặc đang phải thắt lưng buộc bụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét