Tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ ở Rạch Giá (Kiên Giang) hôm 09/06/2010, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định là dự trữ ngoại tệ của Việt Nam trong cả năm 2010 có thể đạt 12 tuần nhập khẩu, tức là vẫn ở mức an toàn. Nhưng trên trang web của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, tổ chức này lại báo động là dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tuy đã tăng thêm 1 tỷ đôla trong quý hai, nhưng cũng chỉ tương đương 7 tuần nhập khẩu.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế không đưa ra con số nào về dự trữ ngoại tệ của Việt Nam, mà chỉ cho biết là trong quý một, dự trữ ngoại tệ này đã chịu áp lực rất mạnh. Vào tháng 12 năm ngoái, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đưa ra con số 16 tỷ đôla, mà theo ông, chỉ đủ cho hơn ba tháng nhập khẩu. Vào lúc đó, Ngân hàng Thế giới cũng cho biết dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tính đến cuối năm 2009 chỉ còn 15,2 tỷ đôla, tức là đã giảm đi rất nhiều so với năm mức 23 tỷ đôla của năm 2008.
Nói chung, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam vào năm ngoái sụt giảm mạnh là do thâm hụt thương mại tăng cao và cam kết đầu tư của nước ngoài thấp hơn so với năm 2008. Tháng tư vừa qua, Ngân hàng Thế giới dự báo là dự trữ ngoại của Việt Nam trong năm nay có thể tăng lên thành 17,5 tỷ đôla, nhưng như vậy thì cũng vẫn còn thấp hơn nhiều so với 2008.
Trong một báo cáo công bố hôm qua, Ngân hàng Thế giới nhận định là tình trạng nói trên không phải là do thiếu đôla ở Việt Nam, mà là do thiếu đôla dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới, ngoại tệ được tích trữ vì ai cũng nghĩ đồng bạc Việt Nam sẽ bị phá giá, nên đã đua nhau mua đôla và vàng.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cho rằng Việt Nam có thể tạo được một lượng dự trữ ngoại tệ khiêm tốn cho năm 2010 nếu duy trì được sự tin tưởng đối với tiền đồng. Theo tổ chức này, « Ngân hàng Nhà nước phải tỏ rõ cho mọi người thấy là chính sách tiền tệ sẽ không được nới lỏng cho đến khi nào lạm phát đi theo hướng suy giảm, lòng tin vào tiền đồng được củng cố vững chắc và dự trữ ngoại tệ được gầy dựng lại ở một mức bảo đảm hơn. »
Từ tháng 12 cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 8% và cho biết đang khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm chi phí cho vay bởi vì các lãi suất hiện nay đang ở mức gây phương hại cho lợi nhuận của các công ty.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cảnh báo rằng : « Nguy cơ chính trong ngắn hạ là việc nới lỏng quá sớm chính sách tiền tệ sẽ dẫn đến những rối loạn mới trên thị trường hối đoái và thị trường tiền tệ liên ngân hàng ». Theo tổ chức này, viễn cảnh ngắn hạn của Việt Nam không được rõ ràng là do những « tín hiệu không không nhất quán về chính sách tiền tệ ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét