30/4/11

Thêm một blogger bị câu lưu ở Việt Nam

Anh Ngô Thanh Tú, tức blogger Thiên Sầu (DR)
Anh Ngô Thanh Tú, tức blogger Thiên Sầu (DR)
Thanh Phương 30/40/2011)
Sáng nay, theo nguồn tin từ gia đình, anh Ngô Thanh Tú, tức blogger Thiên Sầu, vừa được trả tự do sau 6 ngày bị tạm giam ở Sài Gòn. Anh đã bị bắt giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 25/4 khi chuẩn bị lấy máy bay đi Thái Lan du lịch.

Hiện nay chưa ai biết rõ lý do vì sao công an đã tạm giữ blogger Thiên Sầu suốt mấy ngày như vậy. Theo lời em trai của blogger Thiên Sầu, anh Ngô Thanh Hận Trường, sau mấy ngày bị tạm giam, blogger này đã gầy đi rất nhiều, mặt mày hốc hác. Trong thời gian bị tạm giam, công an chủ yếu đã tra hỏi blogger Thiên Sầu về mối liên hệ với nhà thơ Bùi Chát, người vừa được trao giải thưởng tự do xuất bản của Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế vào đầu tuần này tại Buenos Aires.

Có tin nói rằng blogger Thiên Sầu là thành viên của Câu lạc bộ nhà báo tự do ở Việt Nam. Tuy nhiên, từ nhiều tháng qua, anh đã không còn viết blog, bởi vì như anh đã viết trên trang blog Thiên Sầu vào cuối năm ngoái : « Dạo này, ngoài việc đi chơi và chụp hình, mình chỉ còn cái thú là đọc sách, báo. Chẳng muốn viết gì cho dù chỉ là viết trên facebook, trên blog cho bạn bè đọc và bình luận. Việc viết lách ở Việt Nam dường như là một việc nguy hiểm. Với mình, độ nguy hiểm có khi được xếp ngang bằng với các công nhân mỏ. » Anh nêu lên trường hợp của nhiều blogger đang bị giam hoặc đã bị câu lưu như Điếu Cày, Mẹ Nấm, Người Buôn Gió, Anhbasg, Cô Gái Đồ Long. Tuy nhiên, blogger Thiên Sầuvẫn khẳng định : « Một xã hội muốn phát triển, trở nên văn minh thì xã hội đó đòi hỏi phải cho công dân được tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. »

Trước đây, khi còn là sinh viên, blogger Thiên Sầu cũng đã từng tham gia các cuộc biểu tình chống chính sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa

Bắc Kinh tiếp tục truy bức các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền

Thanh Phương
 
Luật sư này được thả ra, luật sư kia lại mất tích. Đó là những gì đang xảy ra tại Trung Quốc và tình trạng này đang bị các tổ chức phi chính phủ lên án.

Theo hai tổ chức nhân quyền đặt ở nước ngoài, luật sư Lý Phương Bình (Li Fangping) đã bị những kẻ lạ mặt dẫn đi chiều hôm qua, khi vừa ra khỏi văn phòng của một tổ chức chuyên bảo vệ các nạn nhân SIDA ở Trung Quốc. Trước khi bị dẫn đi đến một nơi bí mật, ông chỉ kịp nói với vợ : « Có thể anh sẽ vắng mặt một thời gian dài. »

Luật sư Lý Phương Bình là người đã đứng ra bào chữa cho nhà hoạt động Trần Quang Thành, nổi tiếng vì chống các vụ cưỡng bức triệt sản. Ông Lý Phương Bình cũng là người thường đảm nhận những hồ sơ nhạy cảm, như vụ xử các tín đồ Thiên chúa giáo bị truy bức.

Theo các tổ chức nhân quyền, chuyện xảy ra đối với luật sư Lý Phương Bình hôm qua rõ ràng là một trong những những vụ « mất tích cưỡng bức », giống như đối với hàng chục nhà đối lập từ đầu mùa xuân năm nay.
Nhưng vài tiếng trước khi luật sư Lý Phương Bình bị bắt đi, một luật sư khác là Đằng Bưu (Teng Biao), mất tích từ 70 ngày qua, đã được trả tự do mà không có một lời giải thích nào. Đằng Bưu là một luật sư chuyên cố vấn cho những nạn nhân của những hành vi bất công và ông chỉ dựa trên những luật lệ hiện hành của Trung Quốc để đòi công lý.

Trả lời qua điện thoại hôm nay với hãng tin AFP, vợ của luật sư Đằng Bưu xác nhận chồng bà đã về nhà từ chiều hôm qua. Khi được hỏi về điều kiện giam giữ ông Đằng Bưu, bà nói là « không tiện » đề cập đến.

Theo một đại diện của Trung tâm Thông tin về Nhân quyền và Dân chủ, đặt tại Hồng Kông, việc luật sư Đằng Bưu chưa thể phát biểu công khai sau khi được trả tự do cho thấy là ông đang chịu áp lực nặng nề. Một nhà nghiên cứu thuộc tổ chức nhân quyền Human Rights Watch thì nhận định : « Vụ mất tích của Đằng Bưu và việc trả tự do cho ông một cách đột ngột không rõ lý do là biểu hiện của cách hành xử ngày càng man rợ và vượt ra mọi khuôn khổ pháp luật của lực lượng an ninh trung Quốc nhằm bịt miệng đối lập.» Về phần chủ tịch tổ chức China Aid thì tuyên bố : « Nếu Trung Quốc muốn được xem như một đối tác có trách nhiệm, họ không thể tiếp tục chơi trò thả người này để bắt người kia. »

Vụ bắt giữ luật sư Lý Phương Bình và thả luật sư Đằng Bưu diễn ra sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc vừa kết thúc cuộc đối thoại về nhân quyền. Sau cuộc đối thoại này, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Michael Posner đã chỉ trích « một sự thụt lùi nghiêm trọng » về nhân quyền của Trung Quốc.

Trong những tuần qua, hàng chục luật gia, văn sĩ, phóng viên, nghệ sĩ, blogger đã bị bắt giữ trái pháp luật, bị quản thúc tại gia hoặc những hình thức xách nhiễu khác. Lý do là vì chính quyền Bắc Kinh muốn diệt ngay từ trong trứng nước mọi phong trào phản kháng kiểu Cách Mạng Hoa Lài.

Trong tháng Hai vừa qua, ông Đằng Bưu và khoảng một chục luật gia khác có tham gia vào việc bào chữa cho nhà hoạt động Trần Quang Thành, đã bị công an câu lưu, thẩm vấn và đánh đập sau khi họ họp với nhau ở Bắc Kinh.

29/4/11

Chuyên mục: Thấy mà ngán ngẩm 4/2011

Nhổ răng chưa xong, bác sĩ vẫn đi nghỉ vì hết giờ ( TT Online 29/4/11 )
Lương y như từ ... từ.

Vợ nghi can chết tại trụ sở công an tố bị gạ 'đi khách sạn' ( VnExpress 29/4/11 )
Chẳng qua là để "an ủi " góa phụ thôi.

Hai giáo viên ẩu đả khi đang coi thi ( VietnamNet 28/4/11 )
Cười hổng nổi..

Lịch học tối tăm mặt mũi của bé 4 tuổi ( VietnamNet 28/4/11 )
Chuyện chỉ ở Việt Nam mới có.

Xả rác thải xuống vịnh Nha Trang  ( TT Online 27/4/11 )
 Khỏi bình luận.

 Nam quản lý kho chết tại trụ sở công an ( VnExpress 26/4/11 )
 Hai chú cháu nhập viện sau khi vào trụ sở công an xã ( Dân Trí 23/4/11 )
Lại thêm hai thành tích của lực lượng " Còn Đảng,còn mình".

Kết nạp doanh nhân ưu tú sẽ giúp Đảng mạnh hơn ( TT Online 24/4/11 )
Có như thế Đảng mới khấm  khá lên chứ, làm đội tiên phong cho công nông chẳng được sơ múi gì.

Người dân TP.Hồ Chí Minh: Khốn đốn vì lô cốt ( Lao Động ( 22/4/11 )
 Cứ yên tâm, đang có đợt thanh tra mới.
 
Nhậu say, đem dầu hỏa đòi thiêu vợ ( VietnamNet 22/4/11 )
Chuyện thường ngày ở huyện.

Sau mưa, “hố tử thần” lộ diện hàng loạt ( Tuoi Tre Online 19/4/201)
Khỏi bình luận.

Lạc trong hầm đường bộ Ngã Tư Sở ( Thanh Niên Online 20/4/2011 )
“Hồi mới ở quê ra, đi xuống hầm sang chợ Ngã Tư Sở lạc mãi không lên được, thấy biển báo nhưng toàn chỉ chiều ngược lại, đi mãi không biết lên cửa nào để về nhà”. Coi bộ hơi bị giống cái hầm chủ nghĩa xã hội.

Thủ tướng: Tạo điều kiện để trí thức góp ý cho Chính phủ ( VienamNet 16/4/11)
Góp ý thì được, chứ đừng có kiện cáo linh tinh nhé!

Truy sát náo loạn tại Bệnh viện Củ Chi ( VnExpress 15/4/11 )
Một cái "nhìn đểu", là đủ rút dao. Có ai truy nguồn gốc: bạo lực từ đâu ra?

Không xây ngân hàng cạnh Trường Lê Quý Đôn ( TT Online )
Chỉ mới là "đề nghị" của Hội Đồng Nhân Dân. Nguy cơ vẫn còn đó.

'Bẫy chết người' trên đại lộ đẹp nhất TP HCM ( VnExpress 15/4/11 )
Chắc sẽ lại có một đợt " tổng thanh tra". Cho đến khi báo chí lên tiếng lần nữa.

TP HCM kêu gọi người dân tố giác thực phẩm 'bẩn' ( VnExpress 14/4/11 )
Lại thêm một "phong trào". Bà bán cơm tấm đầu hẽm coi chừng đấy nhé.
 
Đình chỉ 3 công an vì đương sự chết sau buổi ghi lời khai ( VnExpress 10/4/11 )
Thêm một thành tích của lực lượng "còn Đảng còn mình"

Vụ sập mỏ đá kinh hoàng: 'Đá' trách nhiệm? ( VietnamNet 8/4/11 )
"Hòn đá mà biết nói năng....."

Thẩm phán ra 2 bản án trong một vụ kiện ( VnExpress 8/4/11 )
Khỏi bình luận.

Chủ tịch thị trấn vào khách sạn với phụ nữ? ( VietnamNet 8/4/11 )
Chuyện bình thường, có gì mà ầm ĩ? Nhất là so với chuyện chủ tịch tỉnh mua dâm nữ sinh.

Khu tập thể nghiêng nửa mét ở thủ đô ( VnExpress 7/4/11)  :
Khỏi binh luận.

Sập nhịp cầu sắp hoàn thành, 3 người bị thương ( VnExpress 7:4/11 ):
Khỏi binh luận.

Thủ tướng chỉ đạo điều tra dấu hiệu tham nhũng tại Vinashin ( VnExpress 7/4/11):
Mới có " dấu hiệu " thôi, chưa có gì cụ thể.

Thủ tướng: Cải cách để bảo đảm quyền làm chủ của dân (VietnamNet 7/411):
Nhưng phải chiu khó đợi thêm 10 năm nữa.


Lấn trộm đất của dân làm nhà: Vẫn được toà xử cho thắng kiện ( Lao Động 7/4/11 )
Thôi, thủ tướng đã nói rồi, ráng đợi thêm 10 năm nữa.


Người gốc Việt trở thành ngôi sao chính trường Đức ( Vnexpress 7/4/2011 )
Coi chừng, tuyên truyền cho "thế lực thù địch" đấy. Đảng FDP vừa lên tiếng phản đối vụ xử Cù Huy Hà Vũ.

28/4/11

Áp lực gia tăng lên chế độ Syria

Biểu tình chống chính phủ tại Douma, Syria.
Biểu tình chống chính phủ tại Douma, Syria.
Reuters
Thanh Phương 28/4/2011
 
Sau các vụ đàn áp biểu tình đẫm máu, chế độ của Tổng thống Syria Bachar al-Assad đang bị áp lực ngày càng mạnh từ quốc tế cũng như từ trong nước.

Hơn 150 nhà đối lập Syria hôm qua đã kêu gọi chế độ Damas tiến hành « một thay đổi dân chủ thật sự », nếu không sẽ bị nhân dân làm cách mạng lật đổ. Các nhà đối lập này đề nghị là trước hết, phải thảo ra một Hiến pháp mới bảo đảm các quyền thiết yếu của công dân và bảo đảm tam quyền phân lập một cách toàn diện. Họ cũng yêu cầu phải cải tổ triệt để hệ thống tư pháp tham nhũng thối nát của Syria. Các nhà đối lập Syria còn đòi chính quyền trả tự do cho toàn bộ các tù chính trị và thông qua các luật về các chính đảng, về báo chí và về bầu cử.


Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC

Thanh Phương 28/4/2011
 
Hôm nay 28/4, Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế ( USCIRF ) công bố báo cáo thường niên về tự do tôn giáo thế giới 2011 . Nhân đây, Ủy hội đề nghị Ngoại trưởng Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt, gọi tắt là CPC, do những vi phạm về tự do tôn giáo.

Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế nhận định, các sinh hoạt tôn giáo tiếp tục phát triển ở Việt Nam và trong thập niên qua, chính phủ đã có một số thay đổi quan trọng do có sự quan tâm của quốc tế, đặc biệt là do việc nước này bị xếp vào danh sách CPC.

Tuy nhiên, theo Ủy hội, ở Việt Nam các cá nhân tiếp tục bị bắt bớ, giam cầm vì những lý do liên quan đến hoạt động tôn giáo hoặc đến việc vận động cho tự do tôn giáo; các viên chức của công an và chính quyền vẫn chưa bị trừng trị vì những vụ vi phạm, hoạt động của các tổ chức tôn giáo độc lập vẫn bị xem là bất hợp pháp.

Cũng theo Ủy hội này, khuôn khổ pháp lý cho những tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận vẫn rất mơ hồ, dễ bị diễn giải một cách độc đoán hoặc phân biệt đối xử tùy theo những yếu tố chính trị. Ngoài ra, những tín đồ mới của một số cộng đồng Phật Giáo và Tin Lành bị phân biệt đối xử, hù dọa và bị áp lực nặng nề buộc phải bỏ đạo.

Từ năm 2001, năm nào Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế cũng đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Trong hai năm 2004 và năm 2005, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách CPC, nhưng đã gạch tên nước này khỏi danh sách vào năm 2006 cho đến nay.

27/4/11

Không loại trừ khả năng xảy ra tai nạn hạt nhân nghiêm trọng tại Pháp

Nhà máy điện nguyên tử Fessenheim ở gần Colmar, nhà máy cũ nhất đang còn hoạt động của Tập đoàn Điện lực Pháp.
Nhà máy điện nguyên tử Fessenheim ở gần Colmar, nhà máy cũ nhất đang còn hoạt động của Tập đoàn Điện lực Pháp.
Reuters
Thanh Phương 26/4/2011
 
Hôm nay 26/4, cả thế giới kỷ niệm 25 năm thảm họa hạt nhân Tchernobyl, trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực khắc phục hậu quả của tai nạn Fukushima, với tâm trạng lo ngại về nguy cơ xảy ra những sự cố tương tự trong tương lai.Những gì xảy ra tại Fukushima cho thấy trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, không hề có sự an toàn tuyệt đối, và càng có nhiều nhà máy hạt nhân thì nguy cơ tai nạn càng lớn. Đó là trường hợp của Pháp, quốc gia đứng hàng thứ hai thế giới với 58 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp hơn 75% nguồn điện cho nước này.

Ngay từ cuối tháng 3, Cơ quan An toàn Hạt nhân (ASN), một cơ quan độc lập chuyên giám sát lĩnh vực hạt nhân dân sự tại Pháp, đã cảnh báo rằng Pháp cần rút ra những bài học từ tai nạn Fukushima; và bảo đảm làm sao cho các nhà máy điện nguyên tử của nước này có thể chống lại được nhiều thiên tai, sự cố, xảy ra cùng một lúc. Chủ tịch của ASN, ông André-Claude Lacoste đã nhắc lại rằng, ngay cả trước khi xảy ra tai nạn ở Fukushima, cơ quan này đã từng nói rằng : « Không ai có thể bảo đảm là sẽ không bao giờ có tai nạn hạt nhân ở Pháp ».

Thật ra thì khi xây dựng các nhà máy hạt nhân tại Pháp, người ta cũng đã tính đến những nguy cơ, nhưng không ai dự trù đến việc nhiều thiên tai cùng một lúc tàn phá một cơ sở hạt nhân như ở Fukushima. Trận động đất ở Nhật cho thấy là không thể loại trừ một thiên tai với tầm mức chưa từng có.

Chính vì vậy mà Thủ tướng François Fillon đã giao cho Cơ quan An toàn Hạt nhân tiến hành kiểm tra toàn bộ các cơ sở hạt nhân của Pháp, không chỉ tính đến những thiên tai, mà cả những hệ quả kèm theo, như nguồn cung cấp điện bị cắt, hệ thống làm nguội bị hỏng. Một ví dụ đơn giản: rút kinh nghiệm của Fukushima, Pháp cần phải xây dựng một hệ thống các máy điện diesel dự phòng, và đối với những nhà máy nằm dọc theo bờ biển thì các máy phát điện diesel phải được đặt trên sườn núi hơn là ở bên dưới, để tránh nguy cơ bị ngập nước. Kết quả cuộc thẩm tra nói trên sẽ được công bố vào cuối năm nay.

Trước mắt, nhân cuộc họp thượng đỉnh tại Bruxelles vào cuối tháng trước, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã tuyên bố là toàn bộ các nhà máy hạt nhân của Pháp sắp tới đây sẽ được trắc nghiệm sức chịu đựng cùng với các nhà máy hạt nhân trên toàn lục địa châu Âu. Ông Sarkozy cam kết là nhà máy nào không đủ sức chịu đựng thì sẽ bị đóng cửa ngay lập tức.

Nhưng theo lời ông Yves Marignac, Giám đốc Cơ quan Thông tin Thế giới về Năng lượng, đặt tại Paris (Wise-Paris), nước Pháp chuẩn bị kéo dài thêm tuổi thọ của các nhà máy hạt nhân, cho nên nước này đang trở thành « ứng viên » rất tốt cho tai nạn hạt nhân nghiêm trọng tiếp theo sau Fukushima. Một lời cảnh báo khiến ai cũng lạnh xương sống, và càng khiến cho phong trào chống hạt nhân tăng thêm tại Pháp.

Hôm qua, một ngày trước kỷ niệm 25 năm Tchernobyl, hàng ngàn người đã biểu tình ở nhiều vùng tại Pháp để đòi chấm dứt việc sử dụng năng lượng hạt nhân, đặc biệt là tại vùng Alsace, ở biên giới Pháp-Đức. Trước mắt, họ yêu cầu phải đóng cửa ngay nhà máy điện nguyên tử Fassenheim, ở vùng Alsace. Bắt đầu vận hành từ năm 1977, Fassenheim là nhà máy cũ nhất còn hoạt động tại Pháp, cho nên đang là nơi bị các nhóm chống hạt nhân đả kích dữ dội nhất, không chỉ ở Pháp mà ở cả Đức và Thụy Sĩ, vì hai nước này cũng có phần vốn trong nhà máy nguyên tử Fassenheim.

26/4/11

Nhà thơ Bùi Chát được giải thưởng quốc tế về tự do xuất bản

Nhà thơ Bùi Chát.
Nhà thơ Bùi Chát.
DR
Thanh Phương 26/4/2011
 
Nhà thơ Bùi Chát, người sáng lập Nhà xuất bản Giấy Vụn tại Việt Nam, hôm qua 25/4 đã được Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế, IPA, trao giải Tự do Xuất bản 2011. Giải này được trao tại Buenos Aires, trong khuôn khổ Hội chợ sách quốc tế lần thứ 37 đang diễn ra tại thành phố này.

Nhà thơ Bùi Chát đã lập ra Nhà xuất bản Giấy Vụn, để in các tác phẩm của những nhà thơ gọi là « vỉa hè», tức là thường sử dụng những ngôn từ bình dân của đường phố để sáng tác những bài thơ vượt ra khỏi những khuôn mẫu định sẵn. Nói là « Nhà xuất bản Giấy Vụn », nhưng thật ra nhóm này tự in các tác phẩm từ máy vi tính và chỉ phổ biến bằng cách chuyền tay nhau chứ không bán.

Theo tờ báo Publisher Weekly của Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Tự do Xuất bản của IPA, Bjorn Smith-Simonsenn, cho biết : « Dù trong những điều kiện khó khăn cùng cực, Nhà xuất bản Giấy Vụn cũng đã khởi xướng được một phong trào mới của những người tư duy độc lập, những văn sĩ, nghệ sĩ tự do không tuân thủ những quy định của Nhà Nước trong sáng tác.»

Về phần nhà thơ Bùi Chát thì tỏ ý hy vọng là giải thưởng này sẽ thúc đẩy phong trào xuất bản độc lập và xã hội dân sự ở Việt Nam. Ông nói : « Sách có quyền lực làm cho thế giới được tự do, tự do cho những người xuất bản sách, cho những người đọc sách và cho những người thảo luận về những gì mà sách mang lại cho họ ».

Ông Vi Đức Hồi chỉ được giảm án tù trong phiên xử phúc thẩm

Thanh Phương 26/4/2011
 
Hôm nay 26/4, Tòa án Nhân dân Lạng Sơn đã mở phiên xử phúc thẩm nhà bất đồng chính kiến Vi Đức Hồi. Nguyên là một đảng viên Cộng sản, ông Vi Đức Hồi đã bị tuyên án 8 năm tù và 5 năm quản chế trong phiên xử sơ thẩm vào tháng Giêng năm nay với tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam", do những bài viết của ông đăng trên mạng, về những đề tài dân chủ, đa đảng và nhân quyền.

Theo những nhà bảo vệ nhân quyền, tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước » thường được sử dụng để hình sự hóa quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Trong phiên xử hôm nay, tòa chỉ giảm án cho ông Vi Đức Hồi, từ 8 năm tù xuống còn 5 năm và từ 5 năm quản chế xuống còn 3 năm. Trả lời AFP về kết quả phiên xử này, ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức Human Rights Watch, cho rằng đây vẫn là một bản án nặng nề đối với một người « đã không làm gì khác ngoài việc bày tỏ những ý kiến đối lập với chính phủ Việt Nam. »

Trước phiên xử phúc thẩm này, tổ chức Human Rights Watch đã ra thông cáo kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Vi Đức Hồi. Theo Human Rights Watch, « Khi hình sự hoá việc bày tỏ bất đồng chính kiến một cách ôn hòa, Việt Nam đã vi phạm các nghĩa vụ của một quốc gia thành viên Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như vi phạm chính Hiến pháp của Việt Nam, vì cả hai văn bản này đều đảm bảo quyền tự do ngôn luận.»

Năm 2009, tổ chức Human Rights Watch đã từng trao tặng ông Vi Đức Hồi giải Hellman/Hammett dành cho những cây bút bị đàn áp trên thế giới.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, vừa gởi bức thư đề ngày 23/4 gởi Chánh án Tòa án Nhân dân Hà Nội Nguyễn Sơn để xin bản sao bản án 7 năm tù đã tuyên ngày 4/4, bởi vì cho tới nay, gia đình bà vẫn chưa được gặp ông Cù Huy Hà Vũ. Trong thư, bà Dương Hà cũng yêu cầu trao cho bà lá thư mà theo lãnh đạo trại giam, ông Cù Huy Hà Vũ đã gởi qua đường bưu điện, nhưng cho tới nay bà vẫn không nhận được. Luật sư Dương Hà cũng đã gởi đơn đề ngày 24/4, yêu cầu được vào thăm chồng.

Cần bảo tồn Nghĩa trang quân đội Biên Hoà trong tinh thần hòa giải dân tộc

Một thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đến viếng mộ đồng đội cũ
Một thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đến viếng mộ đồng đội cũ
Thanh Phương 25/4/2011
 
Chiến tranh Việt Nam, kết thúc gần 36 năm nay, dù có được gọi là chiến tranh giải phóng, nội chiến hay chiến tranh bảo vệ tự do, thì hậu quả cũng đã là hàng triệu thường dân và binh lính của cả hai bên bỏ mạng và rất nhiều người chết mất xác.

Cho tới nay, thỉnh thoảng lại có tin tìm thấy hố chôn tập thể các bộ đội ở nơi này, nơi khác. Chẳng hạn như ngày 30/3 vừa qua, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đăk Lăk, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tiến hành khai quật một ngôi mộ tập thể mới được phát hiện, nghi là của lính đặc công hy sinh vào Tết Mậu Thân năm 1968. Hố chôn tập thể này do một người dân phát hiện trong khuôn viên Bến xe khách phía Nam thành phố Buôn Ma Thuột. Toàn bộ 12 hài cốt được đưa về Nhà tang lễ Nghĩa trang liệt sỹ Đăk Lăk.

Nhưng trong khi đó, bên phía những người thua trận, những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, cũng có nhiều hố chôn tập thể, nhưng không biết bao giờ mới được khai quật. Thậm chí nhiều nghĩa trang quân đội chế độ cũ bị phá hủy sau năm 1975. Chỉ còn lại duy nhất Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa.

Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, mà nay được gọi là Nghĩa trang Bình An, nằm ở xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, là nơi chôn cất hàng chục ngàn binh sĩ của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Được xây dựng từ năm 1965, Nghĩa trang Quân đội được dự trù chỗ cho 30 ngàn mộ phần. Tính đến năm 1975, đã có 16000 tử sĩ được chôn cất ở đây. Công trình này dự trù hoàn tất để khánh thành đợt đầu vào ngày 19/6/175, tức Ngày Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng chưa kịp thì xảy ra biến cố 30/4. Sau thời điểm đó, Nghĩa trang Quân Đội cũng bị phá hoại dưới nhiều hình thức, nhưng nói chung vẫn tồn tại, dầu là trong cảnh tiêu điều.

Kể từ sau chiến tranh, nghĩa trang này nằm dưới sự quản lý của Quân khu 7, thuộc Bộ Quốc Phòng, cho nên trong một thời gian dài không ai được vào trong “khu vực quân sự” này. Đến tháng 11 năm 2006, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra quyết định “ đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 hécta đất khu nghĩa địa sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế-xã hội” và “ chỉ đạo việc quản lý khu nghĩa điạ Bình An bình thường như các nghĩa địa khác theo quy định của pháp luật”.

Khi nghe quyết định nói trên, những người quan tâm tâm đến số phận của Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa đã vừa mừng vừa lo. Mừng là vì kể từ nay có thể vào trong nghĩa trang này dể dàng hơn để thăm viếng, tu sửa mộ phần của người thân hay đồng đội; nhưng lo là vì không biết nghĩa trang này rồi có sẽ bị giải tỏa để lấy đất xây các khu công nghiệp hay khu nhà ở hay không.

Hiện nay, mối lo đó tạm thời không còn nữa, nhưng những ai đặt chân đến Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa đều ngậm ngùi trước cảnh tượng vẫn hoang phế của nghĩa trang này, ngoại trừ một số mộ phần đã được tu sửa và tiếp tục được chăm sóc.
Là một trong những người mà những năm gần đây vẫn tham gia vào việc thăm viếng, chăm sóc, tu sửa các mộ phần tử sĩ VNCH trong Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, ông Nguyễn Quang Hạnh, chủ tịch Hội Bạn của Thương binh Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp, mong muốn là chính quyền Việt Nam, trong tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc, nên bảo tồn nghĩa trang này như một di tích lịch sử. Sau đây mời quý vị nghe bài phỏng vấn ông Nguyễn Quang Hạnh:

RFI: Thưa ông Nguyễn Quang Hạnh, trước hết xin ông cho biết về hiện trạng của Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa hiện nay?

Nguyễn Quang Hạnh: Sau khi có sự bàn giao giữa quân đội với tỉnh Bình Dương về việc quản lý nghĩa trang này, việc ra vào thăm viếng dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho thân nhân vào tu sửa một số mộ phần và cho bà con Việt kiều có thể vào đây thăm thân nhân và chiến hữu. Từ đó đến giờ, nghĩa trang có khá hơn trước, nhưng vẫn chưa được tu sửa. Đa số mộ phần, mà thân nhân đã đi xa hoặc không ai biết, thì chỉ được đắp bằng đất và qua thời gian đã bị sụp, lở. Nhiều mộ bia sau 75 đã bị phá vỡ. Nói chung, tình hình đến bây giờ cũng chưa được khả quan mấy như sự trông chờ của người Việt trong và ngoài nước.

RFI: Chính quyền có tạo điều kiện dễ dàng khi có những gia đình muốn đến tìm hoặc chăm sóc mộ phần cho những người được chôn ở đấy?

Nguyễn Quang Hạnh: Tôi đã về nhiều lần, thời điểm gần nhất là tháng 10 năm ngoái. Lần đó, khi tôi vào, trên tỉnh có cho xe xuống cắt cỏ trong nghĩa trang, cho nên các mộ phần thấy sáng sủa hơn vì không còn bị cây che phủ. Nhưng cắt cỏ xong thì lộ ra nhiều mộ, nên cảnh sụp đổ càng thấy rõ ràng hơn.
Nghĩa trang này có diện tích theo tôi ước lượng là gần khoảng 30 hectare, trong đó có gần 29 ngàn mộ phần. Có một ban quản lý ở đó, khi mình vào thì họ cũng hỏi sơ sơ là vào làm gì, thì mình cũng bảo là vào thăm mộ. Vào trong đó thì mình thắp nhang, đi lại cũng dễ hơn là thời gian mà quân đội quản lý.

Nghĩa trang bây giờ, tôi ước lượng, rộng khoảng gần 30 hecta, trong đó có 29.000 mộ phần. Có một ban quản lý ở đó, khi mình đi vào cổng họ cũng hỏi sơ sơ, đi vào làm gì. Mình trình bày là đi vào thăm viếng mộ. Vào trong đó, mình thắp nhang, đi lại cũng dễ hơn hồi quân đội quản lý.

Trong đó, có những người không công ăn việc làm. Nếu mình muốn đắp mộ, sửa mộ gì đó, thì có thể trả tiền nhờ họ làm. Ngoài ra, tôi cũng thấy một số thân nhân vào sửa lại mộ của người thân. Những những mộ đó rất tốt, có đá rửa, xây rất kiên cố.

Tới bây giờ, trong đó còn hai mộ của hai vị tướng, tức là tướng Phước và tướng Ánh. Về cấp tá, có 6 mộ và 44 mộ cấp úy. Danh sách các mộ phần trong đó tôi có lưu giữ.

Gần đây, nếu mình vô làm mộ, thì có các giá cả sau đây : Hai triệu đồng, tiền Việt Nam thì xây theo kiểu mộ phần nghĩa trang thời Việt Nam Cộng Hòa, nghĩa là có một tấm đanh (trên bia mộ). Tám triệu thì xây vòng quanh mộ, đắp đất, ở trên có tấm đanh. Ngoài ra còn có cả giá 12 triệu và 24 triệu.

Theo tôi, tình hình cũng dễ dàng hơn hồi trước, nhưng số người chú ý đến việc làm trong nghĩa trang thì không được nhiều. Những mộ không có thân nhân còn quá nhiều.

RFI : Như ông nói lúc nãy, có một danh sách các vị sĩ quan cấp tướng, cấp tá, cấp úy, nhưng liệu chúng ta có một danh sách đầy đủ hơn của các binh sĩ chôn trong nghĩa trang này hay không, để từ đó các bạn bè, người quen, người thân có thể nhận ra, để đến đây chăm sóc mộ phần cho những người đó ?

Nguyễn Quang Hạnh : Danh sách thì tôi có đầy đủ, nhưng nhiều mộ không có bia hoặc sau 1975 bị đập phá. Có mộ chỉ có tên mà không có họ, hoặc có họ mà không có tên. Về danh sách, nếu cho tôi biết là mộ trong dãy mấy, hàng mấy, thì tôi cũng có thể tìm ra được.

RFI : Như vậy hiện nay, còn ít người quan tâm đến công việc như ông đang làm. Vào những ngày sắp kỷ niệm biến cố 30/4, ông có lời nhắn gởi gì, đặc biệt là đến người Việt ở hải ngoại, để góp phần vào việc tu bổ, chăm sóc và bảo vệ nghĩa trang quân đội này ?

Nguyễn Quang Hạnh : Tôi quan niệm rằng cuộc chiến đã đi qua 36 năm rồi. Nhà cầm quyền Việt Nam thì cũng đã nói hòa hợp hòa giải. Bên ngoài cũng có các hội đoàn, tổ chức kêu gọi tu sửa mộ phần. Chỉ có tranh luận về việc sửa thế này, sửa thế kia.

Tôi vẫn mong người Việt ở hải ngoại về thăm Việt Nam nên dành một thời gian ngắn năm ba tiếng đồng hồ vào thăm, thắp cho anh em một nén nhang, sửa một vài ngôi mộ. Tuy nhiên, số người làm như vậy chưa được nhiều. Thứ nhất, theo tôi, đây là chương trình lớn. Di tích này, theo tôi, là một di tích lịch sử. Tôi mong rằng nhà cầm quyền Việt Nam cởi mở hơn, tạo điều kiện cho bà con đến thăm viếng, tu sửa. Đây là việc thiêng liêng.

Trong cuộc chiến Trung Quốc đánh Việt Nam tại những tỉnh biên giới, tàn sát người dân, tàn sát bộ đội, sau khi họ rút, lính họ chết, họ làm nghĩa trang ở trong đất mình, mà nhà cầm quyền bây giờ vẫn cứ tu sửa đẹp đẽ. Đến ngày lễ, chính quyền địa phương ở tỉnh đó đến dâng hương, dâng hoa. Trong khi đó, ở miền Nam, trước năm 1975, mỗi tỉnh đều có một nghĩa trang quân đội, nhưng bây giờ tôi nghĩ nghĩa trang ở các tỉnh không còn nữa. Chỉ còn duy nhất Nghĩa trang quân đội Biên Hòa.

Đó là nơi duy nhất, nên những người dân trong, ngoài nước, nhà cầm quyền phải có trách nhiệm. Cần phải để ý rằng đối với đồng bào ta, đó là chuyện linh thiêng, không thể để những mộ phần không có người chăm sóc bị phá hủy. Tôi chỉ muốn nói là, trong dịp 30-4, có nhiều người vui, nhiều người buồn, cái buồn đó tự do mình tạo nên. Ba mươi sáu năm rồi mà mình không hóa giải được chuyện đó, thì tôi nghĩ rằng, đó là trách nhiệm chung của mọi người.

RFI : Xin cám ơn ông Nguyễn Quang Hạnh.

Về việc tìm mộ các tử sĩ VNCH, không chỉ có những người lớn, mà tại Hoa Kỳ và một số nước khác ở hải ngoại, nay cũng có một số em là học sinh, sinh viên, trong tinh thần “ Uống nước nhớ nguồn”, đã tự động đứng ra thành lập một Văn Phòng Liên Lạc Tìm Mộ vào tháng 12 năm 2010, địa chỉ liên lạc:

Văn Phòng Liên Lạc Tìm Mộ
625 wool Creek Dr ,Suite # E
San Jose . CA 95112
Tel . 559 273 1782
E- mail: lienlactimmo@att.net


Hoạt động của Văn Phòng Liên Lạc Tìm Mộ cũng giống như một hộp thư, tức là để những người tìm mộ và những người biết về nơi chôn cất các tử sĩ có thể trao đổi thông tin với nhau, để từ đó có thể tìm ra nơi chôn cất các binh sĩ đã hy sinh trong chiến trận, cải táng và tổ chức cầu siêu cho các tử sĩ này. Với phương tiện Internet, việc trao đổi thông tin nay dễ dàng hơn rất nhiều và nhờ vậy mà qua Văn Phòng Liên Lạc Tìm Mộ, một số người đã tìm được chồng, cha hoặc anh, đã bị vùi thây trong đất lạnh từ gần 40 năm qua, mà vẫn chưa được một nén hương.

23/4/11

Vợ blogger Điếu Cày kêu cứu

Blogger Điếu cày biểu tình tại TPHCM năm 2007, phản đối Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền biển Đông (rsf.org)
Blogger Điếu cày biểu tình tại TPHCM năm 2007, phản đối Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền biển Đông (rsf.org)
Thanh Phương 23/4/2011 )
 
Bà Dương Thị Tân, vợ của blogger Điếu Cày, vừa công bố một bức thư đề ngày 20/04/2011 kêu cứu với dư luận trong và ngoài nước về tình trạng "không rõ sống chết" của chồng bà. Trong thư, bà cho biết là chồng bà đã bị tạm giam từ 6 tháng nay, trong đó có 2 tháng tạm giam trái pháp luật ( vì không có lệnh tạm giam).

Ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, trên nguyên tắc phải được trả tự do từ ngày 19/10 năm ngoái, sau khi thọ án tù 30 tháng, với tội danh gọi là « trốn thuế ». Thế nhưng, đến ngày 20/10, blogger Điếu Cày lại bị tiếp tục giam giữ với lý do « tuyên truyền chống Nhà nước », phạm vào điều 88 bộ Luật Hình sự. Bản thân bà Dương Thị Tân cũng bị câu lưu ngày hôm đó. Công an còn khám xét nhà, thu giữ một số đồ đạc, thiết bị.

Trong thư, bà Dương Thị Tân cho biết là ông Nguyễn Văn Hải đã bị tạm giam từ 6 tháng nay, trong đó có hai tháng tạm giam trái pháp luật ( vì không có lệnh tạm giam ), nhưng gia đình bà cho tới nay vẫn không được thăm nuôi, hay được biết bất cứ thông tin nào về ông, thậm chí đã 13 lần đến cơ quan An ninh điều tra để gởi quà thăm nuôi nhưng đều bị trả về mà không có một lời giải thích nào. Cho nên, bà Dương Thị Tân rất lo ngại cho tình trạng của chồng mà hiện không biết sống chết ra sao.

Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà bất đồng chính kiến Vi Đức Hồi

Ông Vi Đức Hồi đã bị kết án 8 năm tù hồi tháng giêng 2011 (DR)
Ông Vi Đức Hồi đã bị kết án 8 năm tù hồi tháng giêng 2011 (DR)
Thanh Phương 23/4/2011
 
Vào ngày 26/4 tới, Tòa án tỉnh Lạng Sơn sẽ mở phiên xử phúc thẩm nhà bất đồng chính kiến Vi Đức Hồi. Ông Vi Đức Hồi, nguyên đảng viên Đảng Cộng sản, đã bị kết án 8 năm tù trong phiên xử sơ thẩm vào tháng Giêng vừa qua với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước », chiếu theo điều 88 bộ Luật hình sự Việt Nam.

Hôm qua 22/04/2011, tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch đã ra thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Vi Đức Hồi. Trong bản thông cáo, ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức này, tuyên bố : « Việc ông Vi Đức Hồi hiện đang bị cầm tù chỉ vì công khai bày tỏ quan điểm của mình về nhân quyền và dân chủ thật là quá đáng. Chính quyền Việt Nam đã xem thường nền pháp trị khi bỏ tù các cựu cán bộ và đảng viên chỉ vì họ đã lên tiếng phê bình trên tinh thần xây dựng. »

Theo Human Rights Watch, « khi hình sự hoá việc bày tỏ bất đồng chính kiến một cách ôn hòa, Việt Nam đã vi phạm các nghĩa vụ của một quốc gia thành viên Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như vi phạm chính Hiến pháp của Việt Nam, vì cả hai văn bản này đều đảm bảo quyền tự do ngôn luận. »

Tổ chức Human Rights Watch còn cho rằng, phán quyết của tòa án trong phiên xử ông Vi Đức Hồi vào tháng Giêng năm 2011 bắt ông phải nộp 56 triệu đồng Việt Nam (tương đương 2.800 đô la Mỹ), mà tòa tuyên bố ông đã “nhận trái phép” từ các tổ chức và các nhà hoạt động nhân quyền từ nước ngoài là « không có cơ sở pháp lý ». Số tiền trên bao gồm giải thưởng Hellman/Hammett 2009, một giải thưởng hàng năm mà Human Rights Watch trao cho các văn sĩ bị trù dập trên toàn thế giới. Điều đáng nói là trong điều 88 của bộ Luật hình sự Việt Nam không hề có quy định về phạt tiền.

Bản thông cáo nhắc lại ông Vi Đức Hồi là một cây bút và blogger từ tỉnh Lạng Sơn. Các bài viết của ông về dân chủ, đa nguyên và nhân quyền, cùng với cuối hồi ký « Đối mặt : Đường đi đến với phong trào dân chủ », đã được lưu truyền rộng rãi trên mạng.

Nhật muốn tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ trước đà bành trướng của Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Kitazawa và đồng nhiệm Hoa Kỳ Robert Gates (Reuters)
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Kitazawa và đồng nhiệm
Hoa Kỳ Robert Gates (Reuters)
Thanh Phương 23/4/2011
 
Trả lời phỏng vấn nhật báo The Wall Street Journal số ra ngày hôm qua (22/04/2011), bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa cho rằng Nhật Bản cần tăng cường quan hệ quân sự với hai nước Hoa Kỳ và Hàn Quốc để kềm chế đà bành trướng của Trung Quốc.

Theo lời ông Toshimi Kitazawa, Nhật Bản vẫn cố thiết lập một « quan hệ đôi bên cùng có lợi trên cơ sở các lợi ích chiến lược chung » với Trung Quốc, nhưng Tokyo vẫn rất quan ngại trước sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, đặc biệt là về hải quân. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật tuyên bố ưu tiên của Tokyo là làm sao cho quan hệ Mỹ - Nhật trở nên « vững như đá ».

Vào tháng 12 năm ngoái, Bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã công bố chiến lược mới về an ninh quốc gia, tập trung tiềm lực quân sự cho hải phận và không phận ở miền Nam và miền Tây, để đối phó với việc Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội.

Đặc biệt, theo lời bộ trưởng Kitazawa, Nhật Bản đã thảo luận với Hoa Kỳ cũng như với Hàn Quốc và Úc để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chống các cuộc tấn công tin học.

Nói chung, mặc dù đang lo tái thiết sau trận động đất và sóng thần vừa qua, nhưng Tokyo sẽ không thay đổi các ưu tiên về an ninh quốc phòng. Hơn nữa, theo Bộ trưởng Quốc phòng Kitazawa, quan hệ giữa hai nước đã càng được củng cố hơn với sự trợ giúp của quân đội Mỹ để Nhật khắc phục hậu quả động đất và tai nạn hạt nhân Fukushima.

Thông qua một chương trình hợp tác mang tên « Tomodachi » ( Hữu nghị ), hải quân Mỹ đã gởi hơn 13 ngàn quân và 16 chiến hạm, trong đó có cả hàng không mẫu hạm Ronald Reagan. Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ thì đã gởi một đơn vị chuyên trách đối phó tai nạn sinh hóa, bao gồm 155 người, được huấn luyện đặc biệt để hoạt động trong những vùng nhiễm phóng xạ và xử lý các sự cố hạt nhân. Sự tham gia của quân đội Mỹ vào công tác cứu trợ nạn nhân động đất đã được báo chí Nhật loan tải rộng rãi.

Theo nhận định của tờ The Wall Street Journal, việc ông Kitazawa khen ngợi hết lời sự trợ giúp của quân đội Mỹ thể hiện một sự thay đổi trong nội bộ Đảng Dân chủ Nhật Bản đang cầm quyền. Cựu thủ tướng của đảng này, Yukio Hatoyama trước đây đã đòi phải có một quan hệ bình đẳng hơn với đồng minh Hoa Kỳ, vào lúc mà căng thẳng giữa hai nước gia tăng trên vấn đề căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa, nơi đồn trú của hơn phân nữa trên tổng số 47 ngàn quân Mỹ đóng tại Nhật.

Kể từ khi ông Naoto Kan lên làm thủ tướng cho đến nay, quan hệ Tokyo - Washington đã được cải thiện đáng kể, nhưng hai bên vẫn chưa tìm ra được giải pháp cho vấn đề căn cứ Okinawa, do sự chống đối quyết liệt của người dân địa phương.

Đến thăm Nhật tháng Giêng vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã tuyên bố là lực lượng Mỹ cần phải tiếp tục được duy trì tại Nhật để đối phó với một chế độ Bắc Triều Tiên rất khó lường trước và với một nước Trung Quốc có thái độ ngày càng cứng rắn trên chủ quyền lãnh thổ khu vực.

Theo báo chí Nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Kitazawa sẽ đến Okinawa vào tháng tới để bàn về vấn đề căn cứ Okinawa với các quan chức điạ phương. Ông Kitazawa cũng sẽ đi thăm Washington vào tháng 6 để thảo luận về các vấn đề song phương, trong đó có việc củng cố liên minh an ninh quân sự Mỹ - Nhật.

21/4/11

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã có đơn kháng cáo

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên xử (ảnh Reuters)
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên xử (ảnh Reuters)
Thanh Phương 21/4/2011
 
Hôm nay là đúng 15 ngày kể từ sau phiên xử sơ thẩm tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ ngày 4/4. Theo luật định, trong thời hạn 15 ngày này, bị cáo có quyền làm đơn kháng cáo. Theo lời của luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, đơn kháng cáo này ông đã gởi từ trại giam cách đây ít nhất 10 ngày và tòa án đã nhận được.

Trong phiên xử sơ thẩm ngày 4/4 vừa qua, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã tuyên phạt ông Cù Huy Hà Vũ 7 năm tù và 3 năm quản chế với tội danh « truyền truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam », do ông đã có những bài viết, bài trả lời phỏng vấn các đài nước ngoài về dân chủ và nhân quyền, bị coi là có nội dung « xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, phỉ báng chính quyền và thể chế Nhà nước ».

Cũng theo lời luật sư Dương Hà, cho đến nay bà vẫn chưa được vào thăm hoặc liên lạc trực tiếp với chồng, thậm chí đã được trại giam thông báo là ông Cù Huy Hà Vũ có gởi một bức thư cho gia đình, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được. Trả lời báo chí trong nước, bà Dương Hà cho biết sẽ tiếp tục mời bốn luật sư Trần Đình Triển, Trần Vũ Hải, Hà Huy Sơn và Vương Thị Thanh bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ trong phiên xử phúc thẩm.

Báo điện tử VnExpress hôm nay khi loan tin về việc ông Cù Huy Hà Vũ kháng cáo, đã nhắc lại lời của chủ tọa phiên xử ngày 4/4 Nguyễn Hữu Chính rằng việc truy tố ông Cù Huy Hà Vũ là « đúng pháp luật, đúng người, đúng tội ». Nhưng sau đó, không hiểu vì lý do gì, bản tin này đã bị gỡ xuống. Trong khi đó, báo Dân Trí vẫn giữ trên mạng bản tin nói về vụ kháng cáo này.

Ngày càng có nhiều người tham gia ký kiến nghị kêu gọi trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ. Theo lời luật sư Dương Hà, chỉ riêng thỉnh nguyện thư của gia đình bà đã nhận được hơn 860 chữ ký. Còn bản kiến nghị do ban điều hành trang mạng Bauxite Việt Nam chủ xướng đã nhận được sự ủng hộ của hơn 1.000 người, theo như hai danh sách đợt đầu đã được công bố trên mạng. Trong số những người ký tên, có rất nhiều lão thành cách mạng, cựu chiến binh, trí thức văn nghệ sĩ tên tuổi trong nước. Ngay cả Giáo hội Công giáo cũng đã nhập cuộc với chữ ký của Giám mục Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Luật lao động Việt Nam phải sửa đổi để bảo đảm quyền đình công của người lao động

Thanh Phương 21/4/2011
 
Việt Nam cần sửa đổi luật lao động hiện hành để bảo vệ người lao động, bởi vì cơ chế hiện nay không thể giúp giải quyết các tranh chấp, tránh dẫn đến đình công. Đó là tuyên bố của thứ trưởng Lao động Phạm Minh Huân hôm qua 20/4/2011, trong cuộc hội thảo tại Hà Nội.

Tờ Lao Động số ra ngày hôm qua cho biết là theo thống kê, từ năm 2009-2010, cả nước đã xảy ra 3.620 cuộc ngừng việc tập thể, đình công tự phát của người lao động. Trong đó, năm 2010, có 424 cuộc và riêng 3 tháng đầu năm 2011 đã có tới 220 cuộc.

Nguyên nhân chính của các vụ đình công ở Việt Nam là do vấn đề lương bổng, phúc lợi xã hội và tiền đền bù, khen thưởng. Vào tháng trước, 3000 công nhân ở nhà máy lắp ráp xe gắn máy Yamaha gần Hà Nội đã đình công để đòi tăng lương. Trước đó, trong nhiều ngày từ cuối tháng Giêng đến đầu tháng 2 năm nay, 10 ngàn công nhân công ty giày da Mỹ Phong ở Trà Vinh cũng đã đình công do bức xúc về việc công ty không công bố quy chế khen thưởng ngay từ đầu năm.

Việt Nam cần sửa đổi luật lao động hiện hành để bảo vệ người lao động, bởi vì cơ chế hiện nay không thể giúp giải quyết các tranh chấp, tránh dẫn đến đình công. Đó là tuyên bố của thứ trưởng Lao động Phạm Minh Huân hôm qua, trong cuộc hội thảo tại Hà Nội, do Bộ Lao động phối hợp tổ chức cùng với một cơ quan có tên là « Dự án Hỗ trợ thực hiện pháp luật và thúc đẩy quan hệ hài hòa ở Việt Nam ». Theo tờ Vietnam News, cuộc hội thảo này là nhằm thảo luận các biện pháp giảm bớt số vụ đình công ở Việt Nam.

Theo lời ông Phạm Minh Huân, luật lao động Việt Nam hiện còn thiếu nhất quán và minh bạch, cho nên, « cần phải điều chỉnh các quy định theo hướng đơn giản hơn. Các quy định này phải tôn trọng các quyền của người lao động và phải hướng các quyền ấy vào trong một khuôn khổ pháp lý ».

Trên nguyên tắc, các tranh chấp lao động ở Việt Nam trước hết phải được giải quyết bởi những ủy ban hòa giải trực thuộc các công đoàn chính thức. Nhưng trên thực tế, phần lớn các cuộc đình công là tự phát, hơn là thông qua các công đoàn, vốn có quan hệ chặt chẽ với Nhà nước và thường bị coi là bảo vệ quyền lợi của chủ hơn là của người lao động. Do nhiều cuộc đình công bị coi là bất hợp pháp nên hiếm khi nào được giải quyết thành công, theo như lời ông Hồ Xuân Dũng, Thư ký Hội đồng Trọng tài Lao động Thành phố Hồ Chí Minh nói tại cuộc hội thảo hôm qua.

Luật lao động có ghi là người lao động có « quyền đình công theo quy định của pháp luật », nhưng theo những quy định hiện nay thì hầu như không thể đình công hợp pháp được. Đa số các cuộc đình công ở Việt Nam cho tới nay đều là tự phát, nên bị xem là trái luật, mà đã bị coi là trái luật thì các yêu sách của công nhân khó được thỏa mãn, thậm chí có nơi công nhân đình công còn bị sa thải, như trường hợp của gần 1.000 công nhân của công ty Bando Vina ở Tây Ninh vào tháng trước.

Trên tờ Lao Động vào tháng trước, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết là « Bộ luật Lao động đã tồn tại 15 năm và đã qua 3 lần sửa đổi, nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp đột phá nào để giải quyết vướng mắc » liên quan đến quyền đình công. Thậm chí, theo lời một cán bộ của Bộ Lao động nói với tờ báo VnEconomy ( 19/3/2011 ), dự thảo Luật lao động sửa đổi đã đưa ra nhiều điều kiện có lợi cho doanh nghiệp trong vấn đề đình công.

Thật ra, vấn đề mấu chốt nhất vẫn là vai trò của các công đoàn. Theo lời ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nói với tờ VnEconomy « hầu hết tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp là người của doanh nghiệp. Vì thế người lao động không hy vọng gì nhiều ở tổ chức gọi là đại diện bảo vệ lợi ích cho họ. »

Khi nào mà người lao động Việt Nam chưa có quyền tự do thành lập công đoàn thì quyền lợi của họ sẽ khó mà được bảo vệ và việc đình công sẽ gặp nhiều trở ngại cho dù luật lao động có được sửa đổi như thế nào. Vì đã tự động đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong các cuộc đình công, mà ba người trẻ tuổi Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh đã lãnh án từ 7 đến 9 năm tù, với tội danh « phá rối trật tự nhằm chống chính quyền nhân dân », trong phiên xử sơ thẩm vào tháng 10 năm ngoái. Bản án này đã được giữ nguyên trong phiên xử phúc thẩm ngày 18/3 vừa qua, mặc dù tổ chức nhân quyền Human Rights Watch của Mỹ đã kêu gọi Việt Nam trả tự do cho họ.

Việt Nam qua báo chí nước ngoài 4/2011 ( tiếng Anh )

Moody's: Negative Outlook on Vietnam Reflects Uncertainty (Wall Street Journal 20/4/11)

"Moody's Investors Service Inc. said Wednesday its negative outlook on Vietnam reflects balance of payments uncertainty, with any change contingent on recent tightening measures arresting inflationary pressures and containing the volatile exchange rate."

Vietnam Backs Human Traffickers and Forced Labor in US, Suit Says Courthouse News Service 15/4/11 )

Fifty-five Vietnamese workers say they were charged exhorbitant fees for jobs in America, then forced into indentured servitude and finally abandoned eight months later, "penniless and facing possible deportation."  

Workers buried alive in Vietnamese quarry disaster (World Socialist Web Site 12/4/11 )


 "The regime’s actual indifference toward workers’ safety can be gauged from the paltry compensation of $239 paid to each victim’s family, with even less, $144, for each injured miner. Such is the worth of a worker’s life in the misnamed “Socialist Republic of Vietnam,” which has become a cheap labour platform for transnational corporations."

Vietnam the most affordable destination for Australian tourists ( The Australian 12/4/11 )

"Vietnam rocketed to the top of the latest Expedia HiFX Foreign Exchange Index, which measures currency fluctuations against the Australian dollar to find the best-value destinations for travellers".

 Vietnam's economy: growing too fast ( F.T. 7/4/2011 )

 "Vietnam, which has been battling regular bouts of economic instability, is one of the few fast-growing countries in the world where investors want to see growth slow down."

 Not a prayer for US-Vietnam diplomacy ( Asia Times Online 6/4/2011 )

"For years, human-rights groups and concerned US Congressmen have complained about Vietnam's abysmal freedom of religion record. The US State Department, keen to foster ties with Hanoi in a bid to counterbalance China's regional rise, has through its silence effectively validated Vietnam's consistent denials about committing human-rights abuses, including its persecution of the Montagnards."

Two Vietnamese to Stand Trial for Broadcasts Into China ( Epoch 5/4/2011 )

"The Epoch Times obtained a copy of the indictment against them. It makes clear that the Vietnamese government arrested the men in response to pressure from Beijing, applied through a March 5, 2010, diplomatic memo sent by the Chinese Embassy to the Vietnam Ministry of Public Security."

 

Vietnamese Activist's Call for Democracy Draws Unusually Wide Public Support ( New York Times 3/4/2011 )

" His arrest appeared to be part of a tightening of controls throughout 2010 on freedom of expression, including the harassment and arrest of writers, political activists, lawyers and bloggers. Dissident Web sites were disabled by digital attacks, and new regulations restricted the use of public Internet cafes. Public protests over evictions and the confiscation of church property were put down by force."

Vietnamese Communists' Fear Factor is Rising ( American Thinker 3/4/2011 )

"Vietnam's pucker factor must have ratcheted up several notches when the UN approved a No-Fly Zone over Libya, a strong show of international support of the democracy advocates there.  Libya's brutal dictatorship and the communist regime in Vietnam have a lot in common.  Could it be that the Vietnamese peoples' "wall of fear" might also crumble? " 

 

 Vietnam: Pham Tuan ( Financial Times 1/4/2011 )

" During his eight-day sojourn at the Salyut 6 space station, Tuan beamed back messages hailing Vietnam’s long struggle for independence and thanking the Communist party “for having trained me and given me wings to fly into space”.
Back on planet Earth, the hungry Vietnamese people were not so easily taken in. A popular rhyme at the time pondered: “We have no rice, we have no noodles, so why are you going into space Mr Tuan?”" ( " Nhân dân thiếu gạo, thiếu mì. Mày vào vũ trụ làm gì hở Tuân?" )


Việt Nam qua báo chí nước ngoài 3/2011 ( tiếng Anh )

20/4/11

Lào tuyên bố hoãn quyết định xây đập thủy điện Xayaburi

Thanh Phương 19/4/2011
 
Lào tuyên bố sẽ hoãn quyết định xây đập thủy điện Xayaburi trên sông Mêkông, một công trình mà tác động đến môi trường gây nhiều quan ngại. Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc họp hôm nay 19/4 tại Viêng Chăn giữa các giới chức từ Thái Lan, Cam Bốt, Lào và Việt Nam, tức là bốn nước thuộc Ủy hội sông Mêkông, để thảo luận về đập thủy điện Xayaburi ở miền Bắc nước Lào.

Dự án này có chi phí 3,8 tỷ đôla và theo dự trù sẽ có công suất 1.620 megawatt. Đây là đập đầu tiên trong tổng cộng 11 đập sẽ được xây trên hạ lưu sông Mêkông.

19/4/11

Việt Nam và Trung Quốc tăng cường hợp tác để chống « các thế lực thù địch »

Thanh Phương 19/4/2011

Ngày 8/4 vừa qua, trên nguyên tắc, hai thành viên giáo phái Pháp Luân Công ở Việt Nam Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành  bị đem ra xử vì tội lắp đặt hệ thống máy phát sóng radio trái phép tại nhà để «  tuyên truyền chống lại nước khác ». Báo chí chính thức không nói rõ «  nước khác » là nước nào, nhưng ai cũng biết đó là Trung Quốc, nơi mà chính quyền đàn áp thẳng tay giáo phái Pháp Luân Công. Theo nguồn tin của tờ Đại Kỷ Nguyên Thời Báo, một tờ báo chuyên về thời sự Trung Quốc, ấn hành tại New York, chính phủ Việt Nam đã bắt giữ Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành vào tháng 6 năm ngoái, sau khi nhận được một công văn từ Đại sứ quán Trung Quốc ngày 5/3/2010 gởi cho Bộ Công an Việt Nam. .

Nhưng bất ngờ vào giờ chót, phiên xử nói trên đã được hoãn lại. Theo nhận định của Đại Kỷ Nguyên Thời Báo, khi truy tố hai thành viên Pháp Luân Công nói trên, Việt Nam bị kẹt giữa một bên là yêu cầu của Trung Quốc, đòi phải trừng trị hai kẻ dám tuyên truyền chống Bắc Kinh, và bên kia là phản ứng của cộng đồng quốc tế, xem vụ xử này là một hành động vi phạm quyền tự do báo chí và tự do tín ngưỡng. Hơn nữa, phiên xử hai thành viên Pháp Luân Công nếu đúng theo dự trù thì đã diễn ra ngày 8/4, tức là chỉ vài ngày sau phiên xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ 4/4, một phiên xử đã bị dư luận Việt Nam và quốc tế phản đối kịch liệt.  Chính quyền Hà Nội hoãn phiên tòa sang một thời điểm khác có lẽ để tránh bớt áp lực quốc tế.

Điều đáng nói là vụ truy tố hai thành viên giáo phái Pháp Luân Công xảy ra trong bối cảnh mà Việt Nam đang tăng cường hợp tác với Trung Quốc về mặt an ninh, quốc phòng cũng như tư pháp. Từ ngày 12 đến 15/4 vừa qua, một phái đoàn của Quân ủy trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đứng đầu là phó chủ tịch Quách Bá Hùng, đã đến thăm Việt Nam. Đây là phái đoàn quân sự cao cấp nhất của Trung Quốc đến Việt Nam trong thời gian gần đây.  Tuy chỉ là Phó chủ tịch Quân ủy trung ương, nhưng tướng Quách Bá Hùng đã được cả Tổng bí thư kiêm chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, lẫn thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đón long trọng.

Cũng trong thời gian đó, ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Công an Việt Nam Lê Hồng Anh đến thăm Trung Quốc. Chuyến đi này dường như không được báo chí trong nước loan tải, nhưng được Tân Hoa Xã tường thuật. Khi tiếp ông Lê Hồng Anh, ông Chu Vĩnh Khang, uỷ viên thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã kêu gọi hợp tác thiết thực với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh và thi hành luật pháp. Theo Tân Hoa xã, đáp lời ông Chu Vĩnh Khang, Bộ trưởng Lê Hồng Anh cho biết, « Đảng và Chính phủ Việt Nam coi trọng cao hợp tác giữa cơ quan hành pháp và an ninh hai nước, sẵn sàng cùng với Trung Quốc bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa của hai nước. »

Bên cạnh an ninh và quốc phòng, Việt Nam và Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh hợp tác về tư pháp, qua chuyến đi Việt Nam của  Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Trung Quốc Vương Thắng Tuấn từ ngày 16 đến 20/4. Khi tiếp ông Vương Thắng Tuấn hôm qua, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố là ngành tòa án hai nước « cần tăng cường hợp tác đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong việc xét xử tội phạm của mỗi nước », cũng như «  đấu tranh chống các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.

 « Thế lực thù địch » là nhóm từ cũng đã được sử dụng trong cuộc hội đàm giữa thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó chủ tịch Quân uỷ trung ương Quách Bá Hùng, ngay cả khi nói về vấn đề lãnh thổ. Theo báo điện tử của chính phủ Việt Nam,  Thượng tướng Quách Bá Hùng, tuy đồng với quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong  việc xem xét, giải quyết vấn đề về Biển Đông, nhưng cũng yêu cầu Hà Nội «  cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc.»

Chưa biết là hai nước vừa giải quyết vấn đề Biển Đông mà lại phải lo chống các « thế lực thù địch » như thế nào, nhưng trước mắt, theo tin báo chí trong nước, Việt Nam và Trung Quốc sẽ sớm thỏa huận về việc khai thác du lịch Thác Bản Giốc, ở biên giới hai nước, theo kết quả cuộc thoả luận giữa thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn với người đồng nhiệm Trung Quốc Trương Chí Quân hôm qua.

16/4/11

Hai công ty của chính phủ Việt Nam bị kiện tại Hoa Kỳ vì tội buôn người

Tòa án liên bang Galveston, Hoa Kỳ.
Tòa án liên bang Galveston, Hoa Kỳ.
DR
Thanh Phương 16/4/0011 )
 
Một nhóm người lao động ngày thứ Tư vừa qua đã đệ đơn lên toà án liên bang Galveston, tại bang Texas, Hoa Kỳ, để kiện hai công ty, mà một phần là thuộc quyền sở hữu của chính phủ Việt Nam. Đó là Công ty Đầu tư Thương mại Dịch vụ Quốc tế Interserco và Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam Vinamotors.
Hai công ty này bị cáo buộc vi phạm luật của Hoa Kỳ về chống buôn người.

Cụ thể, theo đơn kiện mà 13 người lao động đứng tên, khoảng 50 người trong nhóm của họ đã nghe quảng cáo trên đài truyền hình Việt Nam, hứa hẹn những việc làm lương cao tại Houston, Texas. Để được tuyển chọn, họ đã phải trả từ 7 ngàn đến 15 ngàn đôla lệ phí. Hợp đồng làm việc trên nguyên tắc là 30 tháng, với mức lương tổng cộng được hứa hẹn là 100 ngàn đôla, nhưng chỉ sau 8 tháng, họ đã bị sa thải và được lệnh phải trở về Việt Nam, mà không được trả lại những khoản tiền đã đóng.

Cũng theo đơn kiện, những người lao động nói trên phải làm việc như nô lệ vả phải sống chật chội trong những điều kiện rất tồi tệ như là súc vật. Họ lại còn bị dọa sẽ bị đánh đập hoặc bắt giữ nếu nói chuyện với người bên ngoài.

Những người đứng đơn kiện yêu cầu tòa phạt hai công ty Việt Nam bồi thường trên 200 triệu đôla cho họ. Đứng ra bảo vệ quyền lợi cho nhóm người lao động này là hai luật sư Tony Buzbee và Tammy Tran. Theo lời luật sư Buzbee, những người lao động nói trên « Lo sợ cho cuộc sống của họ và cuộc sống của gia đình họ ở Việt Nam. Vì họ không kiếm được tiền như đã hứa, họ còn có nguy cơ bị mất nhà cửa và các tài sản khác ở Việt Nam. » Luật sư Buzbee cũng tố cáo là hai công ty Việt Nam đã thay thế nhóm người lao động nói trên bằng một nhóm khác, cũng được tuyển dụng sau khi trả những món lệ phí tương tự, hình thành một được dây buôn người quốc tế.

Trong khi chờ kết quả vụ kiện, nhóm người lao động này đang làm thủ tục di trú để được ở lại Hoa Kỳ, với sự trợ giúp của các sinh viên Đại học Luật khoa Texas và một luật sư chuyên giúp các nạn nhân đường dây buôn người.

Hai công ty cung cấp nhân dụng của Mỹ có liên quan đến đường dây buôn người này gần đây đã bị một toà án tại Houston ra phán quyết buộc phải bồi thường 60 triệu đôla cho nhóm người lao động mà hiện đang kiện hai công ty Việt Nam.

Trong báo cáo năm 2010 về nạn buôn người trên thế giới, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ trích chính phủ Việt Nam là: « Không có tiến bộ trong việc truy tố hình sự và trừng phạt những kẻ buôn bán người vì mục đích lao động và bảo vệ các nạn nhân của tất cả các hình thức buôn người khác, đặc biệt là nạn nhân của nạn buôn người vì mục đích lao động và buôn người trong nước. Do đó, Việt Nam bị xếp vào danh sách Loại 2 cần theo dõi. »

Đại hội Đảng Cộng sản Cuba sẽ đề ra những cải cách kinh tế

Dòng khẩu hiệu được sơn trên một bức tường ở thủ đô La Habana: "Chủ nghĩa xã hội, hôm nay, ngày mai và mãi mãi". Ảnh chụp ngày 15/4/11.
Dòng khẩu hiệu được sơn trên một bức tường ở thủ đô La Habana: "Chủ nghĩa xã hội, hôm nay, ngày mai và mãi mãi". Ảnh chụp ngày 15/4/11.
Reuters
Thanh Phương 16/4/2011 )
 
Hôm nay, Đảng Cộng sản Cuba khai mạc Đại hội Đảng, một sự kiện có thể khai mở một trang mới trong lịch sử của đảo quốc này, với những cải cách kinh tế và với một thế hệ lãnh đạo mới. Đại hội này được xem là sự kiện quan trọng nhất kể từ Đại hội Đảng năm 1975, chính thức hóa việc áp dụng mô hình Liên Xô vào Cuba, một mô hình mà nay đã phá sản hoàn toàn.

Trong nỗ lực nhằm đưa Cuba thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và và sửa chữa những sai lầm của quá khứ, Chủ tịch Raoul Castro đã đề ra gần 300 biện pháp cải tổ, trong đó nhiều biện pháp đã được thi hành như : tinh giản biên chế Nhà nước, cắt giảm nhiều khoản trợ cấp và chi tiêu, mở cửa dần dần khu vực tư nhân.

Trong kỳ Đại hội lần này, chủ đề duy nhất được chính thức ghi vào trong chương trình nghị sự là hiện đại hóa mô hình kinh tế Cuba, một nền kinh tế do Nhà nước chỉ đạo, năng suất rất kém và khiến nước này đi đến cảnh nợ nần chồng chất. Chính ông Raoul Castro cũng đã thừa nhận rằng mô hình đó đã đưa Cuba đến bờ vực thẳm. Thế nhưng, giới lãnh đạo ở La Habana vẫn không từ bỏ kế hoạch hóa, vì trong bản cương lĩnh sẽ được thông qua tại Đại hội có ghi rằng : « Trong việc hiện đại hóa mô hình kinh tế, kế hoạch hóa sẽ nắm vai trò hàng đầu, chứ không phải là thị trường ».

Có nhiều biện pháp được đưa ra trong kỳ Đại hội Đảng lần này, chẳng hạn như sẽ bãi bỏ dần dần chế độ tem phiếu ( libreta ) vẫn được áp dụng từ năm 1963 đến nay, hoặc tăng số nghề tư nhân được phép làm lên 178.

Đa số các chuyên gia nghĩ rằng Cuba phải tiến hành những cải cách triệt để hơn nữa mới có thể giải quyết hết những khó khăn. Dầu sao, theo lời ông Paolo Spadoni, hiện giảng dạy môn khoa học chính trị ở trường Đại học Augusta, bang Georgia, Hoa Kỳ, những cải cách được đề tại Đại hội Đảng đã là một sửa đổi rõ ràng và cần thiết, so với phương pháp quản lý kinh tế Cuba trong quá khứ.

Theo nhận định của hãng tin Reuters, trong đầu các các lãnh đạo Cuba, vẫn còn suy nghĩ rằng chủ nghĩa Cộng sản, tuy thất bại ở những nơi khác, nhưng nếu áp dụng đúng đắn thì có thể thành công ở Cuba. Các cải tổ ở Cuba nhìn chung giống những cải tổ mà Trung Quốc và Việt Nam đã thi hành cách đây nhiều năm. Nhưng giới lãnh đạo chế độ Castro vẫn tự hào Cuba là độc đáo, không bắt chước một ai cả.

Dầu sao phải công nhận Cuba độc đáo ở chỗ là từ 50 năm qua, những người nắm quyền ở nước này hầu như không có thay đổi. Cho tới khi từ chức mới gần đây, Fidel Castro vẫn là bí thư thứ nhất của Đảng, còn Raul Castro là bí thư thứ hai, tức là hai ông liên tục nắm quyền từ khi thành lập Đảng Cộng sản Cuba năm 1965.

Nhưng Đại hội Đảng lần này có thể mở đường cho một thế hệ lãnh đạo mới. Ông Raul Castro trên nguyên tắc sẽ được bầu làm bí thư thứ nhất, thay thế Fidel Castro. Nhưng Raoul Castro cũng sắp đến tuổi 80 rồi, và bản thân ông cũng đã từng nói trước Quốc hội Cuba tháng 12 năm ngoái, rằng Đại hội kỳ tới "Sẽ là Đại hội cuối cùng có sự tham gia của nhiều người trong chúng tôi, những người thuộc thế hệ lịch sử của Cách mạng. Thời gian còn lại đối với chúng tôi rất ít ".

Cho nên các nhà quan sát đang ngóng xem ai sẽ là bí thư thứ hai, tức là nhân vật trên nguyên tắc sẽ là lãnh đạo tương lai của Cuba. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng là thành phần thủ cựu vẫn còn nắm bộ máy cầm quyền một thời gian nữa, vì ông Castro cũng đã nói rằng ông sẽ phải hoàn thành nhiệm vụ « sửa chữa những sai lầm của quá khứ ».

12/4/11

Vợ bác sĩ Phạm Hồng Sơn tố cáo vụ bắt giữ và yêu cầu trả tự do cho ông

Tin giờ chót: Tối nay, 13/4, bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Lê Quốc Quân đã được thả ra.

Thanh Phương 12/4/2011
 
Ngày 4/4 vừa qua, nhiều người đã bị công an đánh đập bắt giữ khi đến xem phiên tòa xét xử Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, trong số này có hai nhà bất đồng chính kiến là bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Lê Quốc Quân. Cả hai người cho tới nay vẫn bị tạm giam với lý do chính thức là gây rối trật tự công cộng và có nguy cơ bị truy tố.

Riêng về bác sĩ Phạm Hồng Sơn, vợ của ông là bà Vũ Thúy Hà, ngày 7/4 vừa qua đã viết đơn gởi lãnh đạo công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), cũng như các lãnh đạo Bộ Công An, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc, tố cáo vụ đánh đập và bắt giữ bắt giữ chồng bà, yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông. Trả lời RFI qua điện thoại hôm nay từ Hà Nội, bà Vũ Thúy Hà trước hết kể lại sự việc ngày 4/4 :

Đài Loan tập trận đối phó với một cuộc tấn công bất ngờ của Trung Quốc

Binh sĩ Đài Loan làm sạch đường băng cho máy bay tiêm kích hạ cánh khẩn cấp, trong cuộc tập trận "Han Kuang" (Hán Quang), miền nam Đài Loan (12/4/2001).
Binh sĩ Đài Loan làm sạch đường băng cho máy bay tiêm kích hạ cánh khẩn cấp, trong cuộc tập trận "Han Kuang" (Hán Quang), miền nam Đài Loan (12/4/2001).
REUTERS/Nicky Loh
Thanh Phương 12/4/2011
 
Trung Quốc tấn công bất ngờ, oanh kích bằng tên lửa, làm tê liệt các sân bay quân sự lớn, cho nên không quân Đài Loan phải dùng xa lộ như phi đạo khẩn cấp cho các chiến đấu cơ. Đó là kịch bản cuộc tập trận của không quân Đài Loan ngày hôm nay.


11/4/11

Hơn 400 người ký kiến nghị đòi hũy vụ án và trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên xử (Reuters)
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên xử (Reuters)
Thanh Phương 11/4/2011
 
Trang Bauxite Việt Nam hôm nay vừa công bố bản kiến nghị gởi các lãnh đạo Việt Nam, có chữ ký của tổng cộng 456 người đầu tiên, đòi hũy vụ án và trả tự do cho Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, vừa bị Tòa tuyên án 7 năm tù ngày 4/4 vừa qua với tội danh "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam".

Theo bản kiến nghị « Trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ », phiên tòa xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ « đã gây ra một làn sóng phê phán và phản đối mạnh mẽ trong nước và trên thế giới, vì cách thức điều hành của Thẩm phán đã vi phạm luật tố tụng hình sự; vì cách thức các lực lượng an ninh ngăn cấm thô bạo người dân tham dự hoặc theo dõi phiên tòa ; và bản án quá nặng nề được tuyên một cách vội vã khiến dư luận nghĩ rằng nó đã được quyết định từ trước khi xét xử. ».

Bản kiến nghị cho rằng « những ý kiến của ông Cù Huy Hà Vũ, dù đúng hay chưa đúng, đều thể hiện thiện chí của một công dân muốn góp phần xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, phát triển, bảo vệ được độc lập và chủ quyền, là những ý kiến nên được xem xét, thảo luận hơn là dập tắt hay trừng trị. »

Nói chung, theo bản kiến nghị, phiên tòa ngày 4/4 đã « bị dư luận chê trách nặng nề, bôi xấu hình ảnh của một nền tư pháp, của một nhà Nước đang xây dựng nền pháp quyền của dân, do dân, vì dân. ». Cho nên, bản kiến nghị yêu cầu chính quyền Việt Nam hũy kết quả phiên xử sơ thẩm ngày 4/4, xóa bỏ vụ án Cù Huy Hà Vũ và trả tự do cho ông.

Trong số những người ký tên vào kiến nghị, ngoài ba người chủ trương trang mạng Bauxite là Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo Phạm Toàn và Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, còn có các cựu quân nhân, nhà cách mạng lão thành, trí thức, chuyên gia tên tuổi trong và ngoài nước, như Giáo sư Hoàng Tụy, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Hoàng Hưng, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, v.v. .., nhưng cũng có nhiều người dân bình thường hoặc sinh viên ủng hộ kiến nghị.

Báo chí chính thức của Việt Nam, cụ thể là tờ Quân đội Nhân dân, hôm qua đăng trên mạng một bài viết tựa đề « Phiên toà nghiêm minh, đúng pháp luật » phản bác những lời chỉ trích vụ xử Cù Huy Hà Vũ. Tác giả bài báo, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Tuấn khẳng định rằng ông Cù Huy Hà Vũ « đã có những hành vi phạm pháp luật Việt Nam, phải bị xử theo đúng các quy định pháp luật và Việt Nam và các quy định đó hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế ». Luật sư Nguyễn Minh Tuấn còn kết luận : « Dư luận quần chúng nhân dân đều cho rằng mức án 7 năm tù, 3 năm quản chế sau mãn hạn tù đối với Cù Huy Hà Vũ là thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật ».

Theo tin của Thông tấn xã Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga ngày 9/4 vừa qua cũng đã bác bỏ những lời chỉ trích của quốc tế về vụ xử Cù Huy Hà Vũ khi tuyên bố rằng : « Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Anh, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và một vài tổ chức đã có những nhận xét thiếu khách quan, dựa trên những thông tin sai lệch, không phản ánh chính xác tình hình và có những ý kiến can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. »

Trong khi đó, tối hôm qua, tại nhà thờ Thái Hà, Hà Nội, cộng đồng Doanh nhân-Trí thức Công giáo đã tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho luật sư Lê Quốc Quân, một trong những người đã bị bắt giữ khi đến dự phiên xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Theo tin của nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh, có khoảng hơn 4000 người đã đến dự thánh lễ này.

9/4/11

Nhân quyền thế giới 2010: Mỹ lên án Việt Nam gia tăng đàn áp đối lập

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trình bày báo cáo nhân quyền thế giới 2010, Washington, 08/04/2011 (ảnh: www.state.gov)
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trình bày báo cáo nhân quyền thế giới 2010, Washington, 08/04/2011 (ảnh: www.state.gov)
Thanh Phương 9/4/2011
 
Hôm qua, 08/04/2011, bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố bản báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền trên toàn thế giới trong năm 2010. Riêng trong phần nói về Việt Nam, nhận xét chung của bản báo cáo là trong năm qua, chính quyền Hà Nội tiếp tục đàn áp đối lập, gia tăng kiểm soát báo chí và hạn chế các quyền tự do ngôn luận, tự do tập hợp, di chuyển và lập hội.

Theo bộ Ngoại giao Mỹ, tại Việt Nam, công dân còn bị giam giữ một cách tùy tiện vì những hoạt động chính trị và không được xét xử một cách công bằng. Chính quyền Hà Nội đã bắt giữ ít nhất 25 nhà hoạt động chính trị, truy tố 14 nhà bất đồng chính kiến bị bắt trong những năm 2008, 2009 và 2010.

Cũng theo báo cáo của bộ Ngoại giao Mỹ, ở Việt Nam, quyền tự do tôn giáo tiếp tục được diễn giải và bảo vệ một cách không đồng đều. Mặc dù có một số tiến bộ, nhưng còn rất nhiều vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là ở cấp tỉnh và cấp làng xã.

Trong khi đó, quyền tự do trên Internet thì bị hạn chế thêm nữa. Theo bộ Ngoại giao Mỹ, trong năm qua, chính quyền tiếp tục bắt giữ và cầm tù những nhà bất đồng chính kiến sử dụng Internet để chỉ trích chế độ hoặc quảng bá những tư tưởng về nhân quyền và đa nguyên chính trị.

Vào tháng Giêng, ông Trần Huỳnh Duy Thức, một blogger, đã bị kết án 16 năm tù. Tháng 10, chính quyền bắt giữ blogger Anh Ba Sài Gòn, tức luật sư Phan Thanh Hải, và truy tố ông với tội danh tuyên truyền chống Nhà nước, chiếu theo điều 88 Luật Hình sự. Còn blogger Điếu Cày, tức nhà báo Nguyễn Văn Hải, mãn hạn tù vào tháng 10, nhưng lại bị đưa ngay đến trại giam mới, vì cũng bị cho là vi phạm điều 88 Luật Hình sự.
Blogger Cô Gái Đồ Long thì bị bắt vào tháng 10, vì bị cho là vi phạm điều 258 Luật hình sự, tức là tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, do đã đăng bài nói về con trai của thứ trưởng Công an Nguyễn Khánh Toàn. (Theo tin mới nhất, Cô Gái Đồ Long đã được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, với điều kiện không tiếp tục viết blog). Trong tháng 10, ông Vi Đức Hồi, một cựu đảng viên và tác giả nhiều bài viết phổ biến trên mạng chỉ trích đảng Cộng sản cũng bị bắt và bị truy tố chiếu theo điều 88.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ít nhất 50 trang web có nội dung chỉ trích chính phủ và đặt ở hải ngoại đã bị tấn công dưới hình thức « từ chối dịch vụ » DDos, một số trang đã bị tin tặc phá hủy hoàn toàn. Còn người điều hành trang Bauxite Việt Nam, giáo sư Nguyễn Huệ Chi thì đã bị công an thẩm vấn liên tục từ giữa tháng Giêng đến tháng Hai.

Bản báo cáo năm nay đặc biệt lưu ý đến nạn bạo hành của lực lượng công an Việt Nam, với 9 trường hợp tử vong trong lúc bị tạm giam, như vụ xảy ra ở Bắc Giang vào tháng 7 năm ngoái. Trong phần lớn các trường hợp, công an khẳng định là các nạn nhân đã tự tử. Chưa kể vụ công an Thanh Hóa bắn chết hai người, trong đó có một trẻ em 12 tuổi, trong vụ biểu tình phản đối trưng thu đất đai.

8/4/11

Hoa Kỳ huấn luyện các nhà hoạt động nhân quyền trên mạng

Thanh Phương 8/4/2011
 
Hôm nay 8/4/2011, Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ công bố báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới. Trong bản báo cáo này, chủ đề về các quyền tự do trên mạng sẽ được đề cập nhiều hơn những năm trước.

Tuy thú thật là bản thân bà không hiểu gì về các mạng xã hội, nhưng Ngoại trưởng Clinton cũng đã nhận thấy là vai trò của Facebook, Twitter và You Tube trong các phong trào biểu tình vừa qua ở Ai Cập hay Iran phản ánh « sức mạnh của những công nghệ kết nối mọi người với nhau, như là nhân tố thúc đẩy thay đổi chính trị, kinh tế và xã hội ».

Chính vì nhận thấy tác động to lớn của Internet như vậy cho nên từ hai năm nay, chính phủ Mỹ đã dành ra 50 triệu đôla để phát triển các công nghệ, nhằm bảo vệ những nhà hoạt động dân chủ khỏi nguy cơ bị chính phủ nước họ bắt giữ và truy tố. Hoa Kỳ cũng đã tổ chức các khóa huấn luyện cho khoảng 5.000 nhà hoạt động từ nhiều nước trên thế giới.

Cách đây sáu tuần, các nhà hoạt động nhân quyền từ Tunisia, Ai Cập, Syria và Liban đã tham gia một trong những khóa huấn luyện của Mỹ và họ đã hứa, khi trở về nước sẽ truyền bá lại những kiến thức đó cho những người khác.

Theo giải thích của các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, một trong những công nghệ đang được phát triển, được đặt tên là « tín hiệu báo động », giúp cho các nhà hoạt động, trong trường hợp bị bắt giữ, có thể xóa ngay khỏi điện thoại di động danh sách tên tuổi địa chỉ những người có liên hệ. Như vậy, cơ quan an ninh sẽ không thể truy bắt luôn những người khác.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã tài trợ cho các công ty tư nhân, đa số là công ty Mỹ, để phát triển hàng chục công cụ nhằm vượt qua màng lưới kiểm duyệt do một số chính phủ lập ra. Theo lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, một trong những công cụ này đã tỏ ra rất hữu ích tại Iran và đã trở nên phổ biến khắp vùng Trung Đông, nhưng ông từ chối tiết lộ tên của các công cụ đó, để không gây nguy hiểm cho những người có liên hệ.

Nói chung, Hoa Kỳ trang bị cho các nhà hoạt động nhân quyền những công nghệ giúp họ vượt qua những bức tường lửa trên mạng, bảo mật những tin nhắn qua điện thoại di động và chống lại những vụ tấn công tin học vào những trang web, trang blog của họ.

Theo lời thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách nhân quyền, Michael Posner, « đây cũng giống như trò đuổi bắt, các chính phủ liên tục sử dụng những công nghệ mới để bịt miệng những nhà bất đồng chính kiến. Chúng tôi thì cố đi trước một bước bằng cách hỗ trợ về mặt công nghệ, đào tạo và ngoại giao để người dân những nước đó được tự do bày tỏ quan điểm của mình. »

HRW kêu gọi Việt Nam thả các tù nhân tôn giáo và chính trị

Thanh Phương  8/4/2011
 
Nhân kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Khối 8406, một tổ chức đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch của Mỹ hôm qua đã ra thông cáo nhắc lại rằng, nhiều nhà hoạt động ôn hòa cho cải cách dân chủ, Nhà nước pháp quyền, tự do tôn giáo và nhân quyền tiếp tục bị chính quyền Việt Nam bắt giữ tùy tiện và bị kết án tù nặng nề.

Theo Human Rights Watch, kể từ tháng 6/2010, chính quyền Việt Nam đã bắt tạm giam ít nhất là 24 người, gồm các nhà bất đồng chính kiến, các blogger và những người điều hành các hội thánh Tin Lành tại gia. Tòa cũng vừa kết án 7 năm tù nhà hoạt động pháp lý, tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ ngày 4/4, giữ nguyên án tù nặng nề đối với ba nhà hoạt động trẻ bảo vệ quyền lợi công nhân vào ngày 18/3 và, vào ngày 31/3, đã kết án 2 năm tù giam ông Chau Hêng, nhà đấu tranh cho quyền sở hữu đất đai và là người sắc tộc Khơme. Hôm nay, chính quyền cũng đem ra xử hai thành viên Giáo phái Pháp luân công vì tội phát sóng từ đài lắp đặt trái phép tại nhà.

Cũng theo Human Rights Watch, trong nỗ lực nhằm ngăn chận sự ủng hộ của dân chúng đối với tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, trong ngày 4/4, công an đã bắt giữ bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Lê Quốc Quân tại khu vực tòa án.

Tổ chức nhân quyền của Mỹ cho biết thêm là từ tháng Giêng, công an đã giam giữ một số nhà hoạt động có liên quan đến Khối 8406 để điều tra, như chị Hồ Thị Bích Khương, người vẫn khiếu kiện về đất đai và mục sư Tin Lành Nguyễn Trung Tôn. Cũng theo Human Rights Watch, một số người khác ủng hộ khối 8406 đã bị kết án tù nặng nề, như Phạm Bá Hải, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Anh Kim, Trần Khải Thanh Thủy, Trần Quốc Hiền, Trương Minh Đức, Trương Quốc Huy và Vi Đức Hồi. Ngoài ra, một số thành viên của Khối 8406 vẫn đang bị quản chế tại gia, sau khi mãn hạn tù như Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài. Còn linh mục Nguyễn Văn Lý hiện đang tạm hoãn thi hành án để chữa bệnh tại Huế.

Nhà báo Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, đã bị biệt giam không có tin tức gì từ ngày 20/10 năm ngoái sau khi đã mãn án 30 tháng tù, với một tội danh được ngụy tạo là «trốn thuế». Một blogger khác là Phan Thanh Hải, tức blogger Anhbasg, cũng bị giam từ sáu tháng nay. Cả hai ông đều là sáng lập viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, với mục tiêu thúc đẩy tự do ngôn luận và nhân quyền.

Trong bản thông cáo, Phó giám đốc đặc trách châu Á của Human Rights Watch, Phil Robertson, tuyên bố : « Không thể bắt và giam giữ các blogger và các nhà hoạt động ôn hòa cho tự do ngôn luận và nhân quyền. Giam giữ họ hàng tháng trời mà không xét xử hoặc không cho họ được trợ giúp pháp lý là vi phạm nghiêm trọng các quyền dân sự cơ bản của họ. Họ phải được phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện. ». Ông Robertson kêu gọi : « Các nhà tài trợ và đối tác phát triển của Việt Nam cần kiên quyết bày tỏ sự ủng hộ công khai đối với những nhà hoạt động dũng cảm ở trong nước và kêu gọi chính quyền  thả ngay lập tức tất cả những người đã bị bắt và giam giữ một cách tùy tiện. »

7/4/11

Việt Nam: Nợ nước ngoài cao ảnh hưởng đến dịch vụ xã hội

Thanh Phương 4/4/2011
 
Gánh nặng vay nợ gia tăng cộng với thiếu sự bù đắp từ ngoại hối có thể dẫn đến các biện pháp như tăng thuế, tăng vay nợ và giảm đầu tư cho các chương trình phát triển xã hội. Đó là một trong những lời cảnh báo của ông Cephas Lumina, chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc, khi đến công tác ở Việt Nam vào cuối tháng 3/2011.
Trong khi Bộ Tài chính vẫn bảo đảm là nợ công của Việt Nam hiện rất an toàn thì nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia kinh tế tiếp tục bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này.
Theo Bảng xếp hạng nợ công của nhiều tổ chức tài chính quốc tế thì năm 2008, nợ công của Việt Nam tương đương 52,6% GDP, đứng vị trí thứ 44 về nợ công trong tổng số gần 200 nền kinh tế được xếp hạng và thấp hơn mức bình quân của thế giới là 56% GDP. So với nhiều nước khác, kể cả so với những nền kinh tế hàng đầu thế giới, như Mỹ (nợ công tương đương 53% GDP), Nhật Bản (192% GDP, năm 2010 đã lên 227% GDP), Ý (115% GDP), Pháp (80% GDP), Đức (77% GDP)…, nợ công của Việt Nam có vẻ như là khá an toàn.

Để phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, cũng như nhiều quốc gia khác, năm 2010 Việt Nam phải tiếp tục vay nợ để đầu tư, cho nên nợ công tiếp tục tăng mạnh lên mức 56,7% GDP. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thì nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong giới hạn an toàn và Bộ Tài chính hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Trên 60% số nợ công của Việt Nam là nợ nước ngoài, trong đó 75% nợ nước ngoài là vay ODA với lãi suất rất thấp, thời gian đủ dài (30 - 40 năm) để Việt Nam có thể trả nợ đúng hạn như đã từng làm được từ trước đến nay.

Nhưng đó là nói về lý thuyết, vì những khoản vay dài hạn này chưa chắc đã an toàn. Một khi đánh mất lòng tin của chủ nợ do sử dụng vốn vay kém hiệu quả, lúc đó, nợ dài hạn có thể bị biến thành nợ ngắn hạn, theo như lời Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, được báo Đầu tư Điện tử trích dẫn vào đầu năm nay.

Tình trạng nợ công nói chung và nợ nước ngoài nói riêng của Việt Nam là như thế nào, do thiếu minh bạch tài chính cho nên khó mà biết chắc được. Nhưng có lẽ lần đầu tiên đã có một đánh giá khách quan sơ bộ về thực trạng của những khoản nợ này.

Vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Cephas Lumina, chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc về tác động của nợ nước ngoài và nghĩa vụ tài chính quốc tế liên quan của Nhà nước đối với việc thụ hưởng nhân quyền, đã đến công tác ở Việt Nam trong nhiều ngày. Là Tiến sĩ về Luật Nhân quyền quốc tế, ông Lumina đến Việt Nam với nhiệm vụ đánh giá về ảnh hưởng của nợ nước ngoài đến việc thực hiện các quyền con người và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhìn nhận là đã đạt được tiến bộ, nhưng chuyên gia của Liên Hiệp Quốc nhận định là Việt Nam còn gặp một số khó khăn, trong đó có khó khăn liên quan đến việc Việt Nam nay đã trở thành « quốc gia có thu nhập trung bình thấp ». Với tư cách này, kể từ nay, Việt Nam sẽ không còn được hưởng nhiều khoản vay ưu đãi và các khoản viện trợ, thông qua viện trợ phát triển chính thức ODA. Do viện trợ ODA giảm, Việt Nam sẽ càng khó duy trì tăng trưởng dựa vào đầu tư.

Ông Cephas Lumina kêu gọi Việt Nam phải nhanh chóng giải quyết hai vấn đề quan trọng đó là thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại. Ông phân tích rằng, nợ nước ngoài và thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách nếu không được giải quyết thấu đáo có thể đẩy chính phủ vào thế phải tiếp tục đi vay với lãi suất cao hơn.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng khiến người Việt ở nước ngoài làm ăn khó khăn, lượng kiều hối đưa về trong nước không còn dồi dào. Gánh nặng vay nợ gia tăng cộng với thiếu sự bù đắp từ ngoại hối có thể dẫn đến các biện pháp như tăng thuế, tăng vay nợ và giảm đầu tư cho các chương trình phát triển xã hội.
Chuyên gia độc lập của Liên hiệp quốc đặc biệt yêu cầu Việt Nam phải dỡ bỏ những rào cản quyền tiếp cận thông tin, nâng cao tính minh bạch và tính trách nhiệm trong quản lý và sử dụng các nguồn tài chính công, bảo đảm các thông tin chính xác về nợ và viện trợ phát triển chính thức ODA.

Về điểm này, ông Lumina cho rằng các số liệu, thống kê chính thức đã có trên các phương tiện thông tin và từ các cơ quan chính thống, nhưng vấn đề cần lưu tâm là liệu công chúng đã có khả năng tiếp cận các thông tin ấy, và chất lượng thông tin đã được đảm bảo chưa. Theo ông, chính phủ có thể làm nhiều hơn nữa, « để thông tin về nợ công, nợ nước ngoài và ODA có thể đến với cả những người dân ở vùng sâu vùng xa, đồng thời được truyền tải một cách dễ hiểu, dễ tiếp nhận hơn ».

Cũng theo ông Lumina, “các chương trình và chính sách kinh tế xã hội quốc gia cần thấm nhuần các nguyên tắc nhân quyền, trong đó đặt cao sự tham gia của người dân, tính minh bạch và tính trách nhiệm ». Ông nhấn mạnh : « Người dân Việt Nam không chỉ là những đối tượng hưởng lợi chính của các chương trình phát triển kinh tế xã hội, mà còn là những đối tượng liên quan quan trọng nhất trong sự phát triển của quốc gia. Do vậy, cần nỗ lực hết sức để tăng cường sự tham gia toàn diện của người dân trong quá trình thiết kế, thực hiện và đánh giá các chương trình và chính sách phát triển ».

Cho nên, chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc đề nghị chính phủ Việt Nam xem xét thông qua một Kế hoạch Hành động về Quyền Con người theo như Tuyên bố Vienna và Chương trình Hành động Vienna. Nói cách khác, Việt Nam cần phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc nhân quyền được quy định trong Hiến Pháp và các Công ước Nhân quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn.