6/4/11

Cù Huy Hà Vũ : "Việt Nam không thể có tam quyền phân lập khi còn chế độ độc đảng." ( Phỏng vấn với RFI ngày 14/6/2010 )


Thanh Phương 14/6/2010
 
Khái niệm tam quyền phân lập, tức là hành pháp, lập pháp và tư pháp phải độc lập với nhau là nền tảng của một thể chế cộng hòa. Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, với Đảng Cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo, tam quyền phân lập không thể trở thành hiện thực.

Vào đầu tháng 6 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã đề nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 kể từ năm tới. Trong các cuộc thảo luận ở Quốc hội trong kỳ họp hiện đang diễn ra, đa số các đại biểu tỏ ý tán đồng đề nghị nói trên. Việc sửa đổi Hiến pháp suy cho cùng chính là nhằm bảo đảm thật sự tam quyền phân lập, tức là hành pháp, lập pháp và tư pháp phải độc lập với nhau, như bất cứ một thể chế cộng hòa nào. Thế nhưng, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, với Đảng Cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo, tam quyền phân lập không thể trở thành hiện thực.

Vấn đề sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được đưa ra từ nhiều năm nay và đang trở nên ngày càng cấp thiết bởi vì có rất nhiều luật cần phải được thông qua, nhưng cứ vấp phải rào cản Hiến pháp, chẳng hạn như các luật liên quan đến tổ chức bộ máy Nhà nước, luật về bầu cử Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Theo chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, phải sửa đổi Hiến pháp trước tháng 5 năm 2011, tức là thời điểm bầu cử nhiệm kỳ mới. Trong khuôn khổ sửa đổi Hiến pháp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam dự trù cải cách tư pháp, lấy tòa án làm trọng tâm, tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; nghiên cứu chuyển viện kiểm sát thành viện công tố, v. v ....

Nhưng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được thực hiện sau khi có chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Chi tiết này nhắc cho chúng ta thấy rằng, ở Việt Nam, tuy Quốc hội được định nghĩa là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, nhưng trên Quốc hội còn có Đảng. Trong một thể chế độc đảng như vậy, không thể có tam quyền phân lập, tức là ngành tư pháp sẽ không bao giờ được độc lập, nếu không sửa đổi Hiến pháp hiện hành, trong đó có điều khoản về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đây chính là điều mà tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ ( người đã dám kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì đã ra quyết định khai thác bauxite Tây Nguyên ) nhấn mạnh trong bài phỏng vấn với RFI Việt ngữ, được thực hiện vào tuần trước:

« Nền Cộng hòa, được đặc trưng bởi tam quyền phân lập, hành pháp, lập pháp và tư pháp độc lập với nhau, lẽ ra phải được vận dụng và người dân phải được quyền sử dụng ba quyền đó để được phục vụ. Nhưng trên thực tế, ở Việt Nam, hành pháp là cha, là mẹ của tư pháp. Ví dụ như ngành tòa án, mà người ta coi là đại diện cho công lý và người dân có quyền đưa ra tòa người gây thiệt hại cho mình, nhưng trên thực tế, tòa không hoàn thành một chút nào nhiệm vụ của mình trong các vụ kiện cùa dân đối với cơ quan hành chính.

Tại sao ? Thứ nhất là chế độ độc đảng đã xóa hết ranh giới, cái độc lập giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp, bởi vì tất cả cơ quan nào càng cao, từ thẩm phán trở lên đều do đảng viên nắm. Cho nên khi định xử chính quyền, thì chính quyền lại có cấp bậc đảng cao hơn hoặc họ gây sức ép lên ngành tòa án, cho nên tòa án không xử được chính quyền.

Như chính phủ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng vậy, trên nguyên tắc, tòa án phải xử được thủ tướng, đúng sai chưa biết. Theo đơn của Cù Huy Hà Vũ ngày 11/6, tòa cứ theo đó mà trát thủ tướng ra tòa. Thế nhưng, tòa án đã không làm nổi điều đó, không thụ lý đơn của tôi, mà cũng không trả lại đơn của tôi, tức là lúng túng như gà mắc tóc. Là bởi vì sao ? Là bởi vì về cấp bậc thì thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là ủy viên Bộ Chính trị, còn anh Trương Hòa Bình là Chánh án Tòa án Tối cao, nghe có vẻ to lắm, nhưng thật ra chì là ủy viên trung ương. Trong hệ thống quyền lực của Đảng, Bộ Chinh trị đè bẹp ủy viên trung ương, là cha là mẹ của ủy viên trung ương, thế thì làm sao con có thể xử được bố. Đấy là mâu thuẩn lớn nhất : quyền lực do Đảng nắm.

Thứ hai, trong tổ chức cụ thể, các thẩm phán, từ cấp huyện cho đến cấp tỉnh đều được phải được Hội đồng nhân dân bổ nhiệm hàng năm. Một thẩm phán nào đó lôi chính quyền ra xử. Tôi chưa nói là đúng hay sai, nhưng là xử theo đơn kiện của dân, thì vị thẩm phán đó sẽ bị trả thù ngay lập tức. Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thường là do bí thư huyện ủy, tỉnh ủy, thành uỷ kiêm luôn, thành ra họ sẽ bảo rằng : Đấy, nhân vật này xử cái vụ dân kiện chính quyền tức là đồng lõa với dân để chống lại chính quyền. Mục tiêu của họ là các nhóm lợi ích trong Đảng, chứ không phải cho dân. 

Tôi chưa nói đến sự tham nhũng có thể làm tha hóa đến cao độ. Tôi có thể nói là 100 phần trăm, 1000 phần trăm thẩm phán ở Việt Nam là tham nhũng, thối nát. Có thể trên 1000 người, may ra có vài người còn lương tri, không làm những chuyện đó.


Cho nên với tư cách người làm công tác pháp luật, đã bảo vệ dân trong rất nhiều vụ kiện chính quyền, tôi đã nhận thức rằng, một thể chế mà chỉ có một Đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại và hơn thế nữa, nắm quyền lãnh đạo vĩnh cửu, cái gọi là tam quyền phân lập đó không bao giờ có. »

Khi đề cập đến việc sửa đổi Hiến pháp Việt Nam, người ta thường so sánh với bản Hiến pháp 1946, được ban hành sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đây là một bản Hiến pháp đã được thiết kế theo tư tưởng pháp quyền, như nhận định của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng trong một bài viết được đăng trên tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh năm 2005 và được VietnamNet đăng lại cách đây vài ngày.

Trong bài viết « Hiến pháp 1946 với tư tưởng pháp quyền », ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, « để lạm quyền không xảy ra thì Hiến pháp đã được đặt cao hơn Nhà nước. » Theo tác giả bài viết, về mặt lý thuyết thì điều này có thể đạt được bằng hai cách hoặc là Hiến pháp do Quốc hội thông qua, hoặc Hiến pháp do toàn dân thông qua. Nhưng hiện nay, rõ ràng là Quốc hội, cũng như nhân dân chẳng có quyền quyết định gì về đạo luật cơ bản đó cả.


Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ
Thành ra, theo ông Cù Huy Hà Vũ, vấn đề mấu chốt hiện nay của Việt Nam đó là độc đảng. Ông đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này với sự giám sát của Liên hiệp quốc:

« Quốc hội hiện nay với cơ cấu là đảng viên chiếm 90% trở lên và bộ máy cao nhất của Đảng Cộng sản là Bộ Chính trị. Thế thì, một khi Bộ Chính trị đã không cho cải cách tư pháp, hay nói cách khác, không cho sửa đổi cái gì có lợi cho dân, có hại cho mình, thì làm thế nào mà các đảng viên có thể tự tiện đặt ra vấn đề sửa đổi Hiến pháp được ?

Vậy thì không cải thiện được chăng ? Không. Tôi nghĩ rằng có thể cải thiện được, vì thứ nhất, trong Hiến pháp có một quy định rất quan trọng đó là trưng cầu dân ý. Cái đầu tiên của mọi cái đầu tiên là độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng CS Việt Nam có xứng đáng để lãnh đạo hay không, Đảng CS Việt Nam có tốt hay không ? Muốn biết rõ ràng thì phải hỏi ý kiến dân thông qua trưng cầu dân ý.

Tuy nhiên, như các cuộc bầu cử đã diễn ra và bản thân tôi cũng từng ra tự ứng cử đại biểu Quốc hội, tôi đã được thực tế cho thấy rằng cái Đảng Cộng sản này, bằng mọi biện pháp, đè bẹp mọi ứng cử viên không phải là ứng cử viên ngoài đảng do họ lựa chọn. Vậy thì tiến hành trưng cầu dân ý, nếu vẫn do Đảng tổ chức, kết quả cũng sẽ không khác gì bầu cử Quốc hội do Đảng CS tổ chức và kiểm soát.

Cho nên, tôi mong rằng , tổ chức trưng cầu dân ý phải có sự kiểm soát khách quan và trong trường hợp này, tôi đề nghị sự trợ giúp của Liên hiệp quốc và kết quả chỉ cần 50% số phiếu hợp lệ, cộng thêm một phiếu nữa, khẳng định rằng Đảng CS Việt Nam xứng đáng tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo. Tôi cũng nói ngay rằng ban lãnh đạo Đảng CS Việt Nam không việc gì phải sợ cả. Liên hiệp quốc là gì ? Là một tổ chức mà Việt Nam đã tham gia, tức là đã đặt trọn niềm tin vào tổ chức đó, thì không có lý do gì nghi ngờ, thậm chí hoảng sợ về vai trò của Liên hiệp quốc trong một cuộc trưng cầu dân ý tương lai ở Việt Nam.

Tóm lại, tôi cho rằng bước đi đầu tiên của cải cách tư pháp ( cải cách một cách cơ bản, chứ không phải nhỏ nhỏ, mang tính chất kéo dài thời gian, « câu giờ », để cho ban lãnh đạo Đảng Cộng sản tồn tại càng lâu càng tốt ), cần phải đến lúc này đây, đứng trước hiểm hoạ xâm lăng của Trung Quốc, đứng trước những nguy cơ như thế, người dân Việt Nam và bản thân tôi, Cù Huy Hà Vũ, quyết định có thái độ dứt khoát, quyết liệt, mạnh mẽ, yêu cầu ban lãnh đạo Việt Nam phải thay đổi, thực hiện sớm nhất có thể tiến trình dân chủ, bằng cách trong năm sau tiến hành trưng cầu dân ý về vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam, được quy định tại điều 4.

Nếu trong cuộc trưng cầu dân ý, có sự giám sát của Liên hiệp quốc, mà Đảng Cộng sản Việt Nam được 50%+1 lá phiếu ủng hộ mình thì tôi cho rằng không một thế lực nào, từ trong nước ra ngoài nước có thể chê bai hoặc phá hoại nỗ lực. Trong trường hợp đó, tôi là người, tuy có thể có quan điểm khác biệt với Đảng CS Việt Nam, sẽ kêu gọi mọi người ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam, đã được đa số công dân Việt Nam trong nước bỏ phiếu tín nhiệm."

Nhưng chắc chắn là ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý như thế và Đại hội Đảng, mà theo dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm tới, cũng sẽ chẳng mang lại thay đổi gì đáng kể về mặt thể chế. Có điều, cùng với đà hội nhập thế giới, hệ thống luật pháp Việt Nam ngày càng bộc lộ những mâu thuẩn, những đòi hỏi cải cách, mà nếu không sửa đổi Hiến pháp thì đến một lúc nào đó, Việt Nam sẽ ở vào thế vi phạm các cam kết quốc tế và sự vận hành của quốc gia sẽ gặp bế tắc, hay ít ra là không còn hiệu quả nữa.

Không có nhận xét nào: