27/4/11

Không loại trừ khả năng xảy ra tai nạn hạt nhân nghiêm trọng tại Pháp

Nhà máy điện nguyên tử Fessenheim ở gần Colmar, nhà máy cũ nhất đang còn hoạt động của Tập đoàn Điện lực Pháp.
Nhà máy điện nguyên tử Fessenheim ở gần Colmar, nhà máy cũ nhất đang còn hoạt động của Tập đoàn Điện lực Pháp.
Reuters
Thanh Phương 26/4/2011
 
Hôm nay 26/4, cả thế giới kỷ niệm 25 năm thảm họa hạt nhân Tchernobyl, trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực khắc phục hậu quả của tai nạn Fukushima, với tâm trạng lo ngại về nguy cơ xảy ra những sự cố tương tự trong tương lai.Những gì xảy ra tại Fukushima cho thấy trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, không hề có sự an toàn tuyệt đối, và càng có nhiều nhà máy hạt nhân thì nguy cơ tai nạn càng lớn. Đó là trường hợp của Pháp, quốc gia đứng hàng thứ hai thế giới với 58 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp hơn 75% nguồn điện cho nước này.

Ngay từ cuối tháng 3, Cơ quan An toàn Hạt nhân (ASN), một cơ quan độc lập chuyên giám sát lĩnh vực hạt nhân dân sự tại Pháp, đã cảnh báo rằng Pháp cần rút ra những bài học từ tai nạn Fukushima; và bảo đảm làm sao cho các nhà máy điện nguyên tử của nước này có thể chống lại được nhiều thiên tai, sự cố, xảy ra cùng một lúc. Chủ tịch của ASN, ông André-Claude Lacoste đã nhắc lại rằng, ngay cả trước khi xảy ra tai nạn ở Fukushima, cơ quan này đã từng nói rằng : « Không ai có thể bảo đảm là sẽ không bao giờ có tai nạn hạt nhân ở Pháp ».

Thật ra thì khi xây dựng các nhà máy hạt nhân tại Pháp, người ta cũng đã tính đến những nguy cơ, nhưng không ai dự trù đến việc nhiều thiên tai cùng một lúc tàn phá một cơ sở hạt nhân như ở Fukushima. Trận động đất ở Nhật cho thấy là không thể loại trừ một thiên tai với tầm mức chưa từng có.

Chính vì vậy mà Thủ tướng François Fillon đã giao cho Cơ quan An toàn Hạt nhân tiến hành kiểm tra toàn bộ các cơ sở hạt nhân của Pháp, không chỉ tính đến những thiên tai, mà cả những hệ quả kèm theo, như nguồn cung cấp điện bị cắt, hệ thống làm nguội bị hỏng. Một ví dụ đơn giản: rút kinh nghiệm của Fukushima, Pháp cần phải xây dựng một hệ thống các máy điện diesel dự phòng, và đối với những nhà máy nằm dọc theo bờ biển thì các máy phát điện diesel phải được đặt trên sườn núi hơn là ở bên dưới, để tránh nguy cơ bị ngập nước. Kết quả cuộc thẩm tra nói trên sẽ được công bố vào cuối năm nay.

Trước mắt, nhân cuộc họp thượng đỉnh tại Bruxelles vào cuối tháng trước, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã tuyên bố là toàn bộ các nhà máy hạt nhân của Pháp sắp tới đây sẽ được trắc nghiệm sức chịu đựng cùng với các nhà máy hạt nhân trên toàn lục địa châu Âu. Ông Sarkozy cam kết là nhà máy nào không đủ sức chịu đựng thì sẽ bị đóng cửa ngay lập tức.

Nhưng theo lời ông Yves Marignac, Giám đốc Cơ quan Thông tin Thế giới về Năng lượng, đặt tại Paris (Wise-Paris), nước Pháp chuẩn bị kéo dài thêm tuổi thọ của các nhà máy hạt nhân, cho nên nước này đang trở thành « ứng viên » rất tốt cho tai nạn hạt nhân nghiêm trọng tiếp theo sau Fukushima. Một lời cảnh báo khiến ai cũng lạnh xương sống, và càng khiến cho phong trào chống hạt nhân tăng thêm tại Pháp.

Hôm qua, một ngày trước kỷ niệm 25 năm Tchernobyl, hàng ngàn người đã biểu tình ở nhiều vùng tại Pháp để đòi chấm dứt việc sử dụng năng lượng hạt nhân, đặc biệt là tại vùng Alsace, ở biên giới Pháp-Đức. Trước mắt, họ yêu cầu phải đóng cửa ngay nhà máy điện nguyên tử Fassenheim, ở vùng Alsace. Bắt đầu vận hành từ năm 1977, Fassenheim là nhà máy cũ nhất còn hoạt động tại Pháp, cho nên đang là nơi bị các nhóm chống hạt nhân đả kích dữ dội nhất, không chỉ ở Pháp mà ở cả Đức và Thụy Sĩ, vì hai nước này cũng có phần vốn trong nhà máy nguyên tử Fassenheim.

Không có nhận xét nào: