Theo Bảng xếp hạng nợ công của nhiều tổ chức tài chính quốc tế thì năm 2008, nợ công của Việt Nam tương đương 52,6% GDP, đứng vị trí thứ 44 về nợ công trong tổng số gần 200 nền kinh tế được xếp hạng và thấp hơn mức bình quân của thế giới là 56% GDP. So với nhiều nước khác, kể cả so với những nền kinh tế hàng đầu thế giới, như Mỹ (nợ công tương đương 53% GDP), Nhật Bản (192% GDP, năm 2010 đã lên 227% GDP), Ý (115% GDP), Pháp (80% GDP), Đức (77% GDP)…, nợ công của Việt Nam có vẻ như là khá an toàn.
Để phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, cũng như nhiều quốc gia khác, năm 2010 Việt Nam phải tiếp tục vay nợ để đầu tư, cho nên nợ công tiếp tục tăng mạnh lên mức 56,7% GDP. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thì nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong giới hạn an toàn và Bộ Tài chính hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Trên 60% số nợ công của Việt Nam là nợ nước ngoài, trong đó 75% nợ nước ngoài là vay ODA với lãi suất rất thấp, thời gian đủ dài (30 - 40 năm) để Việt Nam có thể trả nợ đúng hạn như đã từng làm được từ trước đến nay.
Nhưng đó là nói về lý thuyết, vì những khoản vay dài hạn này chưa chắc đã an toàn. Một khi đánh mất lòng tin của chủ nợ do sử dụng vốn vay kém hiệu quả, lúc đó, nợ dài hạn có thể bị biến thành nợ ngắn hạn, theo như lời Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, được báo Đầu tư Điện tử trích dẫn vào đầu năm nay.
Tình trạng nợ công nói chung và nợ nước ngoài nói riêng của Việt Nam là như thế nào, do thiếu minh bạch tài chính cho nên khó mà biết chắc được. Nhưng có lẽ lần đầu tiên đã có một đánh giá khách quan sơ bộ về thực trạng của những khoản nợ này.
Vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Cephas Lumina, chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc về tác động của nợ nước ngoài và nghĩa vụ tài chính quốc tế liên quan của Nhà nước đối với việc thụ hưởng nhân quyền, đã đến công tác ở Việt Nam trong nhiều ngày. Là Tiến sĩ về Luật Nhân quyền quốc tế, ông Lumina đến Việt Nam với nhiệm vụ đánh giá về ảnh hưởng của nợ nước ngoài đến việc thực hiện các quyền con người và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhìn nhận là đã đạt được tiến bộ, nhưng chuyên gia của Liên Hiệp Quốc nhận định là Việt Nam còn gặp một số khó khăn, trong đó có khó khăn liên quan đến việc Việt Nam nay đã trở thành « quốc gia có thu nhập trung bình thấp ». Với tư cách này, kể từ nay, Việt Nam sẽ không còn được hưởng nhiều khoản vay ưu đãi và các khoản viện trợ, thông qua viện trợ phát triển chính thức ODA. Do viện trợ ODA giảm, Việt Nam sẽ càng khó duy trì tăng trưởng dựa vào đầu tư.
Ông Cephas Lumina kêu gọi Việt Nam phải nhanh chóng giải quyết hai vấn đề quan trọng đó là thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại. Ông phân tích rằng, nợ nước ngoài và thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách nếu không được giải quyết thấu đáo có thể đẩy chính phủ vào thế phải tiếp tục đi vay với lãi suất cao hơn.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng khiến người Việt ở nước ngoài làm ăn khó khăn, lượng kiều hối đưa về trong nước không còn dồi dào. Gánh nặng vay nợ gia tăng cộng với thiếu sự bù đắp từ ngoại hối có thể dẫn đến các biện pháp như tăng thuế, tăng vay nợ và giảm đầu tư cho các chương trình phát triển xã hội.
Chuyên gia độc lập của Liên hiệp quốc đặc biệt yêu cầu Việt Nam phải dỡ bỏ những rào cản quyền tiếp cận thông tin, nâng cao tính minh bạch và tính trách nhiệm trong quản lý và sử dụng các nguồn tài chính công, bảo đảm các thông tin chính xác về nợ và viện trợ phát triển chính thức ODA.
Về điểm này, ông Lumina cho rằng các số liệu, thống kê chính thức đã có trên các phương tiện thông tin và từ các cơ quan chính thống, nhưng vấn đề cần lưu tâm là liệu công chúng đã có khả năng tiếp cận các thông tin ấy, và chất lượng thông tin đã được đảm bảo chưa. Theo ông, chính phủ có thể làm nhiều hơn nữa, « để thông tin về nợ công, nợ nước ngoài và ODA có thể đến với cả những người dân ở vùng sâu vùng xa, đồng thời được truyền tải một cách dễ hiểu, dễ tiếp nhận hơn ».
Cũng theo ông Lumina, “các chương trình và chính sách kinh tế xã hội quốc gia cần thấm nhuần các nguyên tắc nhân quyền, trong đó đặt cao sự tham gia của người dân, tính minh bạch và tính trách nhiệm ». Ông nhấn mạnh : « Người dân Việt Nam không chỉ là những đối tượng hưởng lợi chính của các chương trình phát triển kinh tế xã hội, mà còn là những đối tượng liên quan quan trọng nhất trong sự phát triển của quốc gia. Do vậy, cần nỗ lực hết sức để tăng cường sự tham gia toàn diện của người dân trong quá trình thiết kế, thực hiện và đánh giá các chương trình và chính sách phát triển ».
Cho nên, chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc đề nghị chính phủ Việt Nam xem xét thông qua một Kế hoạch Hành động về Quyền Con người theo như Tuyên bố Vienna và Chương trình Hành động Vienna. Nói cách khác, Việt Nam cần phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc nhân quyền được quy định trong Hiến Pháp và các Công ước Nhân quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét