2/4/11

Miến Điện có tổng thống dân sự, nhưng tập đoàn quân sự chưa bị giải thể

Tổng thống Thein Sein (chính giữa) cùng với các thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia tại nhà Quốc hội, thủ đô Naypyitaw, 31/3.
Tổng thống Thein Sein (chính giữa) cùng với các thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia tại nhà Quốc hội, thủ đô Naypyitaw, 31/3.
REUTERS/Myanmar News Agency/Handout
Thanh Phương 2/4/2011
 
Hôm thứ tư vừa qua 30/3, thủ tướng mãn nhiệm và cũng là một viên tướng về hưu, Thein Sein, đã chính thức nhậm chức tổng thống Miến Điện và một chính phủ đã được bổ nhiệm. Nhưng nói chung, sự chuyển đổi có tính chất hình thức sang chế độ dân sự ở Miến Điện đã không thuyết phục được mọi người, trong cũng như ngoài nước.
Về mặt hình thức, Hội đồng Nhà nước vì Hòa bình và Phát triển (tên chính thức của tập đoàn quân sự Miến Điện) như vậy đã chính thức bị giải thể, trao quyền cho các định chế “dân sự”, được thiết lập từ cuộc tuyển cử tháng 11 năm ngoái, một cuộc bầu cử vốn vẫn bị các nước phương Tây xem là giả hiệu.

Sự kiện này trên nguyên tắc đánh dấu việc tướng Than Shwe từ bỏ quyền hành sau gần 20 năm cai trị Miến Điện với bàn tay sắt. Người thay thế ông ở chức vụ tổng tư lệnh quân đội là tướng Min Aung Hlaing, 54 tuổi. Nhưng thật ra, tương lai của tướng Than Shwe vẫn chưa rõ ràng và không ai tin rằng ông sẽ thật sự rút lui hoàn toàn khỏi sân khấu chính trị Miến Điện.

Nói chung, sự chuyển đổi có tính chất hình thức sang chế độ dân sự ở Miến Điện đã không thuyết phục được mọi người, trong cũng như ngoài nước.

Trong cuộc họp báo ngày hôm qua 1/4 tại Paris, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp, Bernard Valero đã tuyên bố rằng, “tập đoàn quân phiệt chưa bị giải thể, mà chỉ thay đổi bản chấtt”. Theo ông Valero, nước Pháp vẫn kêu gọi chính phủ mới ở Miến Điện nên thực sự đi theo tiến trình hòa giải dân tộc và chỉ trích việc tiếp tục loại ra khỏi đời sống chính trị nhà đối lập Aung San Suu Kyi và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Ông Valero cho biết, Paris vẫn trông chờ chính quyền Miến Điện trả tự do cho các tù chính trị, mà con số được ước lượng là hơn 2.000 người.

Hôm thứ tư 30/3 vừa qua, sau khi tổng thống Miến Điện nhậm chức, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cũng cho biết : Washington vẫn rất quan ngại trước “bầu không khí áp bức chính trị” ở Miến Điện. Ông Mark Toner nhắc lại, Hoa Kỳ tiếp tục đòi Miến Điện trả tự do cho các tù chính trị và công nhận Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ.

Chỉ có Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của chế độ quân phiệt, là khen ngợi Miến Điện về “những nỗ lực thúc đẩy dân chủ”. Bắc Kinh còn gián tiếp kêu gọi phương Tây bãi bỏ lệnh cấm vận đối với tập đoàn quân phiệt, khi thúc giục cộng đồng quốc tế “tạo một môi trường vững chắc” cho tăng trưởng kinh tế của Miến Điện.

Về dư luận trong nước, một chủ doanh nghiệp hôm thứ năm vừa qua nói với hãng tin AFP rằng: “Không ai nghĩ là sẽ có những thay đổi vì họ chỉ thay đổi quân phục. Chúng tôi chờ đợi rất nhiều, nhưng có rất ít hy vọng”.

Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, vốn đã tẩy chay cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái,"ghi nhận việc thành lập chính phủ mới” và tỏ ý muốn “khởi động một cuộc đối thoại”. Nhưng tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Miến Điện, đang diễn ra, cũng đào sâu thêm bất đồng trong nội bộ phe đối lập Miến Điện, giữa một bên là những người chống chính quyền đến cùng và bên kia là những người muốn thỏa hiệp với phe quân sự, chấp nhận những luật chơi của phe này và mở rộng hoạt động trong khuôn khổ của hệ thống.

Nhưng một số nhà phân tích tỏ ra lạc quan hơn. Họ cho rằng, thay thế cho chế độ toàn trị của tướng Than Shwe là một chế độ toàn trị mới gồm nhiều nhân vật. Những người lãnh đạo mới sẽ kiểm soát lẫn nhau. Từ đó, có thể sẽ có những biến chuyển, tuy chậm, nhưng khác hẳn với với thời kỳ đóng băng 20 năm vừa qua.

Không có nhận xét nào: