Ảnh minh họa. Chồng đốt vợ, thậm chí đốt cả con: bạo hành gia đình ở Việt Nam lên đến mức báo động?
Nhưng có những người chồng còn dã man hơn cả, tức là dùng xăng đốt cả vợ và con, như vụ xảy ra trong đêm 23/7 rạng sáng ngày 24/7 vừa qua tại Đà Nẳng. Đêm hôm đó, người chồng đã rưới xăng lên giường, đốt vợ và ba con nhỏ nằm chung, hậu quả là đứa con gái út tử vong, người mẹ và hai đứa con kia, mới 10 tuổi và 11 tuổi, bị bỏng nặng phải đưa vào bệnh viện. Gã chồng điên rồ cũng bị bỏng hai cánh tay. Được biết người chồng thường uống rượu, cho nên hay có lời qua tiếng lại với vợ.
Chỉ mới đây thôi, tại Đắc Lắc, ngày 3/8, một người chồng đã đổ xăng ôm vợ và đứa con 5 tuổi rồi châm lửa. Hậu quả là chính ông này tử vong, vợ và con thì bị bỏng nặng. Trước đó, vì khăng khăng đòi về quê, người vợ đã bị chồng đánh đập, nhốt trong nhà nhiều ngày.
Ở xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa ngày 27/4 năm nay, một người chồng, chỉ vì giận vợ đã bế con bỏ về nhà mẹ, đã đốt con trai 3 tuổi bị bỏng rất nặng. Thấy con quằn quại trong đống lửa, người cha vẫn lên xe máy thản nhiên bỏ đi. Vụ giận vợ, đốt con cũng đã từng xảy ra ở quận Gò Vấp, Sài Gòn, ngày 20/11 năm ngoái. Do có xích mích với người mẹ, người cha đã nhốt con gái trong phòng, rồi tưới xăng, châm lửa đốt. Mặc cho con kêu la thảm thiết trong căn phòng ngập chìm khói lửa, người cha vẫn thản nhiên ngồi nhìn.
Trong tháng 7 vừa qua, Tòa án Hà Nội cũng đã vừa tuyên án 18 năm tù ông Nguyễn Hữu Thành về tội giết người vì đã rưới xăng đốt vợ, khiến bà này bị tổn hại đến 77% sức khoẻ. Nguyên nhân của hành động này cũng là vì ông chồng này cứ ghen tuông, nghi ngờ vợ ngoại tình khiến bà đã phải ly dị về nhà bố mẹ ở. Ông ta đã đốt vợ cho hả cơn giận.
Vì sao những vụ bạo hành gia đình ở Việt Nam lại lên đến mức như vậy? Đây là câu hỏi mà không dễ gì có được lời giải đáp đầy đủ. Theo một nghiên cứu của chính phủ Việt Nam và Liên hiệp quốc, công bố vào tháng 11 năm ngoái, bạo lực gia đình ở Việt Nam đang gia tăng một cách đáng ngại: cứ trong ba người vợ, thì có một người cho biết đã từng là nạn nhân bạo lực về thể xác và tinh thần từ người chồng.
Như vậy là những luật lệ về phòng chống bạo lực gia đình đã không ngăn chận được tệ nạn này. Chính quyền bị chê trách là đã thất bại trong việc bảo vệ phụ nữ. Phụ nữ ở Việt Nam vẫn thường bị đối xử như công dân hạng hai, như là một tài sản. Cộng thêm truyền thống Khổng giáo, tam tòng tứ đức, khiến nhiều người phụ nữ nạn nhân bạo hành của chồng vẫn không dám hé răng, không dám bỏ chồng.
Theo hãng tin DPA của Đức ( 1/8/2011 ), một số chuyên gia về giới cho rằng, những cách làm theo kiểu phương Tây, chẳng hạn giúp phụ nữ tạm lánh đi nơi khác, không có hiệu quả trong một xã hội như Việt Nam, nơi mà tin tức lan truyền nhanh chóng và các mối liên hệ xã hội còn quá chặt chẽ, bất lợi cho các nạn nhân. Theo các chuyên gia này, để chống nạn bạo hành gia đình, cần phải làm sao cho các nhân chứng và luật sư có thể can thiệp giúp phụ nữ nạn nhân.
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã hướng dẫn cho người vợ nào muốn ly dị làm các bước hòa giải với chồng, với sự giám sát của công an và nhân viên xã hội. Sau ba lần hòa giải bất thành thì sẽ ly dị. Nhưng các thủ tục này quá phức tạp và nhiều người vợ sau khi tỏ ý định ly dị lại càng bị chồng đánh đập tàn tệ hơn. Mặt khác, dù bị đánh đập, hành hạ, nhưng nhiều người vợ lại không muốn chồng vào tù, bởi lẽ họ sợ con cái buồn khổ và sợ mất đi lao động chính trong gia đình. Một số người còn sợ khi chồng ra tù sẽ còn hung bạo hơn nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét