3/8/11

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng củng cố thế lực qua việc thành lập chính phủ mới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (AFP)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (AFP)
Thanh Phương 3/8/2011
Hôm nay, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua danh sách thành phần chính phủ mới do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị. Theo giới phân tích, nội các mới này cho thấy quyền lực của ông Nguyễn Tấn Dũng đã được củng cố thêm và chính sách của Hà Nội trong 5 năm tới sẽ không có nhiều thay đổi.

Theo hãng tin Reuters hôm nay 3/8/2011, các nhà phân tích đều nhận thấy là cả bốn phó thủ tướng đều là những người thuộc phe của ông Nguyễn Tấn Dũng. Cụ thể, trong số bốn phó thủ tướng, có hai người cũ là Hoàng Trung Hải và Nguyễn Thiện Nhân. Còn hai phó thủ tướng kia là gương mặt mới : Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh.

Hôm nay, Quốc hội Việt Nam cũng thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Bình làm tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ông Bình được đào tạo ở Nga và từng làm việc chung với ông Nguyễn Tấn Dũng ở Ngân hàng Nhà nước thời kỳ 1997-1998. Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, tức Ngân hàng trung ương, hoàn toàn không độc lập với chính phủ và thống đốc ngân hàng này là một thành viên của chính phủ. Như vậy, coi như là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm soát chặt chẽ Ngân hàng Nhà nước thông qua một nhân vật thân cận.

Hãng tin Reuters trích lời giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Đại học New South Wales, nhận định rằng : « Ông Nguyễn Tấn Dũng là một lãnh đạo đã thành công trong việc biến chiếc ghế thủ tướng thành vị trí có thế lực nhất ở Việt Nam hiện nay ». Theo giáo sư Carl Thayer, trong nhiệm kỳ hai này, ông Dũng sẽ kiểm soát toàn bộ chính phủ với việc đặt những người thuộc phe ông làm phó thủ tướng. Ông Thayer cho rằng, bốn tân phó thủ tướng này sẽ « gắn kết hơn và nhất quán hơn ». Xin nhắc lại là trong chính phủ trước, có đến 5 phó thủ tướng.

Báo chí Việt Nam hôm nay loan tin là trong số 22 bộ trưởng của chính phủ mới, có đến 15 gương mặt mới. Nhưng thật ra, ngoài 7 người được giữ lại là các ông Phùng Quang Thanh ( Quốc phòng ), Vũ Huy Hoàng ( Công thương ), Cao Đức Phát ( Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ), Hoàng Tuấn Anh ( Văn hóa Thể thao Du lịch ), Phạm Vũ Luận ( Giáo dục Đào tạo ), Hà Hùng Cường ( Tư Pháp ), Giàng Seo Phử ( Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc ), nhiều ghế Bộ trưởng được chuyển giao cho các thứ trưởng, như trường hợp của các ông Trần Đại Quang ( Công an ), Phạm Bình Minh ( Ngoại giao ), Bùi Quang Vinh ( Kế Hoạch và Đầu tư ) ... . Chỉ có 7 người là lần đầu tiên có mặt trong chính phủ, đáng chú ý là Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, nguyên là Tổng kiểm toán Nhà nước.

Hãng tin Reuters trích lời ông Alan Pham, kinh tế gia tại công ty VinaSecurities, nhận định là việc bổ nhiệm ông Vương Đình Huệ làm Bộ trưởng Tài chính cho thấy là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn giám sát các tập đoàn Nhà nước, để tránh một vụ Vinashin thứ hai.

Nhưng nói chung, do đa số bộ trưởng chính phủ mới vẫn là những gương mặt cũ, cho nên các nhà phân tích và các nhà ngoại giao không chờ đợi là sẽ có những thay đổi lớn trong chính sách của Việt Nam. Tuy vậy, ông Matt Hildebrandt, kinh tế gia thuộc công ty JP Morgan Chase, hy vọng là nội các mới sẽ vạch một chính sách kinh tế rõ ràng hơn và nhất quán hơn và phục hồi ổn định kinh tế vĩ mô trong trung hạn.

Thách thức lớn nhất đối với chính phủ mới là kềm chế lạm phát, mà trong tháng 7 vừa qua đã tăng lên 22,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiền đồng Việt Nam thì đã mất giá 22% so với đôla kể từ đầu năm 2008, tuy đã ổn định lại trong những tháng gần đây.

Thật ra, theo một nhà ngoại giao ngoại quốc được Reuters trích dẫn, kềm chế lạm phát và ổn định kinh tế chỉ là một phần trọng trách của ông Nguyễn Tấn Dũng và chính phủ của ông. Điều quan trọng là chính phủ này phải có nhiều bước chuẩn bị cho giai đoạn phát triển kế tiếp cho Việt Nam. Vấn đề lớn vẫn là quyết tâm chính trị.

Không có nhận xét nào: