Nữ thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (thứ ba trái sang) nói chuyện với các thành viên đảng Puea Thai trước lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội, Bangkok 1/8/2011.
REUTERS/Chaiwat Subprasom
Như vậy là, gần 5 năm sau khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào tháng 9 năm 2006, ông Thaksin coi như đã « phục thù » qua thắng lợi của em gái. Bà Yingluck, năm nay 44 tuổi, nguyên là một nhà doanh nghiệp, chưa hề có kinh nghiệm chính trị, nên một số người cho rằng bà chỉ là con rối trong tay ông Thakisn.
Nhưng theo nhận định của ông Pavin Chachavalpongpun, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, bà Yingluck đã chứng tỏ là một nhân vật có sức thu hút mạnh và sẽ là một thủ tướng rất có năng lực. Tuy nhiên, theo nhà phân tích này, có nhiều thách thức rất to lớn đang chờ đón bà.
Trước hết, tân thủ tướng Thái phải làm sao hòa giải thành phần dân nông thôn và dân nghèo thành thị ở miền Bắc và Đông Bắc, vốn ủng hộ ông Thaksin, với thành phần trung lưu và giới tinh hoa, trung thành với Hoàng gia Thái, vốn rất ghét ông Thaksin. Kể từ sau cuộc đảo chính năm 2006, xã hội Thái Lan đã bị phân hóa trầm trọng giữa hai thành phần nói trên. Đường phố Bangkok trong 5 năm qua đã liên tục rung chuyển vì những cuộc biểu tình rầm rộ của phe chống và ủng hộ Thaksin.
Vào mùa xuân 2010, phe chống chính quyền, mệnh danh là phe Áo Đỏ (mà trong đó có nhiều người ủng hộ Thaksin), đã chiếm khu trung tâm Bangkok trong suốt hai tháng, trước khi bị quân đội giải tán, khiến hơn 90 người chết và 1.900 người bị thương. Phe Áo Đỏ nay đang đòi trừng trị những kẻ đã đàn áp biểu tình, tức là các lãnh đạo quân sự. Nhưng làm sao thi hành công lý mà không gây thù hằn với quân đội ? Đó là thách thức rất gay go đối với bà Yingluck.
Theo lời ông Sean Boopracong, nguyên là một phát ngôn viên của phe Áo Đỏ, bà Yingluck đã thấy đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, nên đã tuyên bố là sẽ giữ nguyên Uỷ ban Hòa giải, do cựu thủ tướng Vejjajiva bổ nhiệm trước đây, để giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng hơn. Nhưng Tòa có dám kết án các lãnh đạo quân đội hay không ? Tương lai sẽ trả lời điều này.
Một vấn đề tế nhị khác, đó là trong thời gian tranh cử, đảng Puea Thai, trên thực tế do ông Thaksin lãnh đạo từ nước ngoài, đã nhắc đến khả năng ban hành lệnh ân xá cho toàn bộ các chính khách bị kết án, mở đường cho cựu thủ tướng Thái hồi hương. Nhưng ai cũng sợ rằng, sự trở về của ông Thaksin, bị kết án khiếm diện 2 năm tù, sẽ gây những rối loạn mới ở Thái Lan. Bên cạnh đó, bà Yingluck cũng chịu áp lực từ phía các lãnh đạo phe Áo Đỏ, đòi chia các ghế lãnh đạo cao cấp trong chính phủ mới.
Về mặt kinh tế, những lời hứa của đảng Puea Thai khi tranh cử, đặc biệt là hứa tăng luơng tối thiểu, khiến giới doanh nghiệp lo ngại, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương Thái Lan sợ lạm phát sẽ tăng cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét