13/8/11

Nghĩa địa Père-Lachaise, nơi yên nhất ngàn thu của nhiều danh nhân

Mộ của Chopin trong nghĩa địa Père Lachaise. Photo: Thanh Phương

Nếu có dịp đến Paris, quý vị nên bỏ chút thời giờ ghé thăm nghĩa địa Père Lachaise, một trong những nghĩa địa nổi tiếng nhất thế giới, nằm ở quận 20 và nay đã trở thành một trong những di tích lịch sử của thủ đô nước Pháp.

Vào giữa thế kỹ 18, các nghĩa địa trong nội đô Paris đã quá tải, gây nhiều vấn đề về vệ sinh môi trường, cho nên chính quyền địa phương đã quyết định không xây nghĩa địa nữa và chuyển các thi hài xuống các hầm mộ. Nhưng để có nơi tiếp nhận những người chết sau này, chính quyền Paris thời ấy quyết định xây thêm những nghĩa địa mới, nằm cách xa thủ đô nhiều km. ( Paris thời xưa chỉ bao gồm khu trung tâm thủ đô Pháp bây giờ).

Ba nghĩa địa hình thành, một ở phía Bắc, tức là khu Montmartre, một ở phía Nam, tức là khu Montparnasse và một ở phía Đông, tức là nghĩa địa Père Lachaise. Nghĩa địa này nằm tại đồi Louis, trên một khu đất trước đây thuộc quyền sở hữu của các tu sĩ dòng Tên. Nghĩa địa được đặt tên là Père Lachaise, tức là Cha Lachaise, vị linh mục dòng Tên, mà Vua Louis vẫn xưng tội.

Khánh thành từ ngày 21/5/1804, nhưng nghĩa địa có diện tích rộng đến 11 hectare này lại chẳng thu hút được bao nhiêu « khách hàng », bởi lẻ dân Paris lúc ấy đâu có thích chôn người thân ở một nơi « xa xôi hẻo lánh » như vậy. Thành ra, 3 năm sau khi nghĩa địa Père Lachaise được khánh thành, chỉ mới có 106 mảnh đất được mua nhượng quyền.

Thấy vậy, vua Napoléon Bonaparte bèn tung ra một chiến dịch « quảng cáo » rầm rộ cho nghĩa địa Père Lachaise, bằng cách chuyển về đây mộ phần của nhà thơ, tác giả các truyện ngụ ngôn La Fontaine và nhà viết kịch Molière, cùng một số danh nhân khác. Từ đó, dân Paris mới tranh nhau mua quyền chôn cất tại Père Lachaise để vĩnh viễn được làm « bà con hàng xóm » với những danh nhân nước Pháp.

Đến năm 1830, có đến 33 ngàn mảnh đất nhượng quyền được bán ra. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, nghĩa địa Père Lachaise đã được mở rộng 6 lần và nay có diện tích lên tới 44 hectare với tổng cộng 77 ngàn mảnh đất nhượng quyền vĩnh viễn. Nhanh tay thì còn, chậm tay thì hết, từ cách đây sáu năm, nghĩa địa Père Lachaise không còn đất để bán nữa.

Thi hài của nhà soạn nhạc Ý Rossini đã được chuyển về Florence từ lâu, nhưng mộ của ông vẫn còn ở Père Lachaise. Photo:Thah Phương

Hai thế kỹ sau khi được khánh thành, nghĩa địa Père Lachaise nay đã trở thành một trong địa điểm du lịch không thể bỏ qua đối với du khách, không thua gì tháp Eiffel hay Khải Hoàn Môn. Mỗi năm, có đến khoảng 2 triệu du khách đến tham quan nghĩa địa này.

Cũng như nhiều thắng cảnh khác của Paris, nghĩa địa Père La Chaise nằm kế bên trạm métro ( trạm Père Lachaise ) nên rất tiện lợi về giao thông công cộng. Bước vào nghĩa địa, ta có cảm giác như lạc vào thế giới khác, bỏ lại đằng sau đuờng phố Paris náo nhiệt, để đắm mình vào chốn tĩnh lặng vĩnh hằng. Cho dù không có từng đoàn du khách lũ lượt kéo nhau đi, ta cũng không cảm thấy bầu khí u ám cố hữu của các nghĩa địa, mà tưởng mình như đang đi trong một công viên, được trang điểm bằng những công trình kiến trúc độc đáo.

Được thiết kế như là một công viên và được coi là một trong những khu vực cây xanh rộng và đẹp nhất Paris, nghĩa địa Père Lachaise được chia thành 97 khu ( division ) và xen kẽ vào đó là nhiều đài tưởng niệm. Vào đây tham quan, tốt hơn là quý vị nên mua một bản đồ, được bán ngoài cổng, cầm theo tay, để khỏi phải đi lòng vòng mất thời giờ, vì nghĩa địa Père Lachaise giống như là một khu phố lớn.

Phần lớn các ngôi mộ nằm ở « mặt tiền » là mộ của các gia đình dân Paris, nhiều mộ được xây rất đẹp và vẫn còn được bảo quản tốt, nhưng khá nhiều ngôi mộ có vẻ hoang phế. Xen lẫn vào những ngôi mộ « thường dân », là nơi an nghĩ của một nhân vật nổi tiếng nào đó, như mộ của nhà soạn nhạc vĩ đại người Ba Lan Frédéric Chopin. Ông được chôn cất ở Père Lachaise đúng theo ý nguyện của ông trước khi mất. ( Trái tim của ông thì được đem về đặt trong một nhà thờ ở Vacxava ).

Một trong những ngôi mộ gây sự chú ý của khách tham quan, dù chưa biết đó là của ai, đó là mộ tổng thống Pháp Felix Faure, vì trên mộ có một bức tượng được điêu khắc đúng dáng nằm của ông khi ông chết đột ngột vào năm 1899, lúc còn trong nhiệm kỳ. Mộ của tổng thống Felix Faure nằm bên cạnh Đài tưởng niệm những người đã khuất ( Monument aux morts ). Ngôi mộ của nhà thơ La Fontaine, khá đơn giản, thì nằm kế bên nhà soạn kịch Molière. Nhà văn Honoré de Balzac thì tốt số hơn, vì ông được chôn cất cùng với người tình là nữ bá tước Ewelina Hanska.

Nhưng có lẽ ngôi mộ thu hút nhiều người nhất đó là mộ của thần tượng nhạc rock Jim Morrison, ca sĩ chính của ban nhạc The Doors. Mộ của Jim Morrison cũng rất đơn giản, nằm lọt giữa những mộ lớn khác. Trên mộ của anh lúc nào cũng đầy hoa và không bao giờ thiếu những lon bia, chai rượu.

Mộ của Jim Morrison trong nghĩa địa Père Lachaise.
Photo: Thanh Phương 

Jim Morrison đã qua đời ( dường như là do dùng ma túy quá liều ) tại Paris ngày 3/7/1971, tức là cách đây đúng 40 năm, nhưng cho đến bây giờ, những người ái mộ chàng ca sĩ này mỗi năm vẫn đến tận nơi an nghĩ cuối cùng của anh để tưởng niệm. Trong những người kéo đến mộ của Morrison tại nghĩa địa Père Lachaise ngày 3/7 vừa qua, nhân ngày giỗ thứ 40, đa số lại là những người mà khi Morrison trút hơi thở cuối cùng vẫn chưa sinh ra đời, tức là những người còn trẻ, nhưng vẫn xem anh là thần tượng.

Cách đây 10 năm, ngày giỗ thứ 30 của Jim Morrison đã từng xảy ra bạo động tại đây, nhân viên bảo vệ nghĩa địa đã phải canh giữ ngôi mộ suốt ngày đêm. Thậm chí người ta đã gắn một camera để giám sát chặt chẽ khu vực này. Và nay một hàng rào bao quanh ngôi mộ, ngăn chận mọi hành động quá khích của những fan cuồng nhiệt. Cũng như đối những nhân vật huyền thoại khác, một số người vẫn còn tin rằng Jim Morrison thật ra chưa chết, mà chỉ biến mất khỏi đời sống xã hội, hoặc có tin đồn rằng, thật ra thi hài của Jim Morrison đã được chuyển về Mỹ từ lâu rồi.

Giống như đối với Jim Morrison, có không biết bao nhiêu người đã đến nghĩa địa Père Lachaise chỉ để nghiêng mình trước ngôi mộ của thần tượng Edith Piaf. Nữ danh ca này qua đời ngày 10/10/1963 tại vùng Alpes-Maritimes và xác của bà được bí mật chuyển về Paris để có thể khai tử chính thức ngày 11/10, cùng ngày chết của người bạn thân, nhà thơ Jean Cocteau. ( Đúng hơn là khi nghe tin Edith Piaf qua đời, ông Jean Cocteau đã đau buồn đến mức lên cơn đau tim vài giờ sau đó. )

Mộ của Edith Piaf trong nghĩa điạ Père Lachaise

Trong lễ mai táng Edith Piaf ngày 14/10 năm đó, 40 ngàn người đã kéo đến nghĩa địa Père Lachaise để tiễn đưa bà sang thế giới bên kia. Lực lượng cảnh sát đã cố sức ngăn cản, nhưng đám đông vẫn tràn vào bên trong, ồ ạt chạy vội đến tận nơi, đến mức một số người suýt nữa là rơi xuống hố, thế chỗ cho bà Edith Piaf!
Bà được chôn cùng với cha, người chồng cuối cùng Théo Sarapo và con gái Marcelle, chết yễu vào năm 1933 lúc mới vừa 2 tuổi. Mộ của bà Edith Piaf lúc nào cũng đầy hoa, nhất là hoa hồng và nơi đây khách tham quan tưởng như nghe văng vẳng đâu đây bài hát bất hủ La vie en rose mà bà đã trình bày lần đầu tiên từ năm 1946.

Mộ của Victor Noir

Là nơi yên nghĩ vĩnh viễn của nhiều danh nhân, nghĩa địa Père Lachaise cũng chứa đựng nhiều huyền thoại và một trong những huyền thoại đó là Victor Noir, phóng viên trẻ bị bắn chết trong một cuộc đấu súng khi vừa 22 tuổi vào tháng 1/1870, một cái chết đã gây nên làn sóng phẩn nộ vào thời ấy, làm rung chuyển Đế chế Napoléon đệ tam. Ngôi mộ của Victor Noir là một trong những « địa chi » được nhiều người viếng thăm nhất. Dưới chân bức tượng của anh, có một cái nón lúc nào cũng chứa đầy những mẫu giấy, mà trên đó người ta ghi những lời ước. Một số người còn sờ tay vào hạ bộ của Victor Noir, vì tin rằng làm như thế, phụ nữ thì sẽ dễ có con và đàn ông thì sẽ được cường dương !

Danh sách ngôi mộ của những gương mặt đầy huyền thoại trong nghĩa điạ Père Lachaise còn rất dài : các nhà thơ Guillaume Apollinaire, Alfred Musset, giải Nobel Văn học đầu tiên, nhà văn Pháp Sully Prudhomme, nhà văn và nhà biên kịch Ireland Oscar Wilde, ca sĩ opéra người Hy Lạp Maria Calas, ngôi sao điện ảnh Yves Montand..., thôi thì quý vị cứ tùy theo ý thích mỗi người mà khám phá Père Lachaise, nay đã trở thành một trong những di tích lịch sử của Paris.

Không có nhận xét nào: