Hôm qua, khoảng 100 người lại xuống đường ở Hà Nội để biểu tình phản đối những hành động gây hấn và xâm phạm lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc. Trong cuộc biểu tình, có sự tham gia một số nhân sĩ trí thức tên tuổi. Cũng như ngày Chủ nhật tuần trước, lực lượng an ninh đông đảo hơn gấp bội đã nhanh chóng giải tán đoàn biểu tình, nhưng lần này họ đã đàn áp thẳng tay, bắt giữ rất thô bạo khoảng một chục người, tống lên xe bus đưa đi; đồng thời quát tháo, nhục mạ những người khác, dù đó là những người lớn tuổi.
Hành động của lực lượng an ninh đã khiến những người tham gia biểu tình hôm qua, như giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt, rất bất bình. Đây là lần thứ hai giáo sư Phạm Duy Hiển xuống đường phản đối Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn RFI hôm nay, giáo sư Phạm Duy Hiển trước hết nêu lên những cảm nhận của ông khi tham gia biểu tình hôm qua:
GS Phạm Duy Hiển : Tôi là một người bình thường, một nhà khoa học. Công việc chính của tôi là làm khoa học và bây giờ tôi vẫn phải mất rất nhiều thời giờ vào chuyện này. Nhưng khi đất nước có những vấn đề, đang có những sự gây hấn đối với đất nước mình, bất cứ người nào cũng phải nghĩ là mình phải làm gì ?
Tôi không thể làm gì được, ngoài việc xuống đường để thể hiện thái độ bất bình đối với hành động gây hấn của nước ngoài. Tôi cho là tình yêu nước chỉ có ý nghĩa khi ta chịu hy sinh cho đất nước. Ta học tình yêu nước từ thuở tuổi thơ, nhưng suốt cuộc đời ta không làm được gì để thể hiện tình yêu nước đó. Đất nước cần ta một sự hy sinh, dù đó là sự hy sinh rất nhỏ, mà ta không làm, thì làm sao gọi là yêu nước được ?
Trong những ngày vừa qua, dân đánh cá ở quê tôi bị đàn áp. Tại sao họ phải ra đó để đánh cá ? Đấy là nơi họ đánh cá từ bao đời cha ông rồi. Họ ra đó đánh cá không chỉ vì kế sinh nhai, mà còn để thể hiện đấy là vùng đất, vùng nước của Việt Nam. Họ giương cao chính nghĩa của người Việt Nam. Họ mới chính là những người anh hùng, mới chính là những người hy sinh nhất và ta phải làm gì cho họ. Còn việc xuống đường biểu tình chỉ là việc rất nhỏ so với việc kia của họ.
Tôi suy nghĩ như thế nên thấy là mình chẳng làm được bao nhiêu. Có điều tôi không hiểu là tại sao trong hoàn cảnh như vậy, mặc dù báo chí chính thống không đưa những chuyện ấy lên, nhưng thông tin thì có rất nhiều, thế mà cũng không có mấy người tham gia.
Khi đoàn chúng tôi đi, cứ bị đuổi hết chỗ này đến chỗ khác, rồi không thể đi được nữa. Xung quanh là rất nhiều người, những người đi đường, những người uống cà phê bên đường. Nhưng họ cũng chỉ xem đoàn biểu tình như là một gánh hát rong. Họ suy nghĩ gì trong đầu ? Tôi không hiểu.
Đây là vấn đề nhức nhối nhất đối với tôi, chứ không phải là vấn đề chính sách này, chính sách kia, hay là có những người đi đêm với Trung Quốc. Những chuyện đó không khó hiểu. Chuyện tôi không hiểu nổi là tại sao giới thanh niên, nhiều người Việt Nam vẫn thờ ơ. Cái đó mới là mối họa.
Cũng có thể có người nghĩ rằng ta phải giữ quan hệ tốt với Trung Quốc, như cách nói của một số công an dẹp biểu tình. Họ nói là : Không có vấn đề gì đâu, mọi việc đều tốt đẹp. Ngoài Biển Đông không có chuyện gì, mọi người cứ về đi.
Dù như thế như cái giai điệu của 16 chữ vàng và bốn nốt nhạc « tốt » ấy đang ru ngũ khá nhiều người Việt Nam và đấy là cái thành công của Trung Quốc.
RFI : Thưa Giáo sư, hôm qua, lực lượng an ninh đối phó với những người biểu tinh như thế nào ?
GS Phạm Dưy Hiển : Tôi không thuộc những người quyết định chính sách ngoại giao, nên tôi không rõ, nhưng tôi rất hiểu điều này. Có những việc đàm phán với TQ thuộc về bí mật quốc gia, chúng tôi không đòi hỏi phải biết những chuyện đó. Đất nước nào cũng vậy, có chuyện mà người dân không thể biết, mà chỉ có thể trông chờ vào sự anh minh của những người lãnh đạo.
Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, dù có muốn giữ quan hệ tốt với người mình đang đàm phán, cũng không thể làm cái việc như sáng hôm qua. Không gì có thể biện minh cho hành động đáng xấu hổ như vậy. Người dân thể hiện nguyện vọng rất ôn hòa, chưa làm gì cả, thậm chí chưa hô khẩu hiệu nào, mà đã tống người ta lên xe đưa đi nơi khác. Hoặc họ đẩy chúng tôi đi, khoảng 20 người, có cả phụ nữ, ông già. La hét, quát tháo và làm những chuyện, không còn chút gì là lễ độ, văn hóa. Một chính quyền như vậy là một chính quyền như thế nào ? Rất khó hiểu.
Thật ra, trong số những công an trẻ mặc sắc phục, chúng tôi thấy có những người rất ngây thơ. Có một cháu rất đẹp trai, da trắng, hồng hào. Tôi nói với cháu ấy : « Thôi cháu ơi, đẹp trai như cháu lẽ ra nên đi đóng phim, chứ làm việc này phí của giời ». Nó cũng chỉ cười thôi.
Nhưng đáng trách nhất là những người không mặc sắc phục. Họ lấy quyền gì để quát tháo, để nói chúng tôi những điều chả ra gì cả ? Có những người tỏ vẻ thiện chí, muốn mời chúng tôi đi, nhưng cũng có người quát tháo những người đáng tuổi ông, tuổi cha của họ. Văn hóa của đất nước này đã xuống đến mức tàn tệ như vậy. Người ta yêu nước, chứ người ta có làm gì bậy đâu ? Người ta yêu nước với một cách khác với cách yêu nước của những người đi qua đi lại Trung Quốc để đàm phán. Người ta yêu nước một cách đơn giản, tức là xuống đường để bảo rằng : không được gây hấn đối với đồng bào của tôi, không được đánh đập đồng bào của tôi. Nhưng chưa kịp nói gì thì đã bị bắt ! Hành động của một cơ quan công quyền như thế khiến tôi rất bi quan về văn hóa của đất nước này.
Tôi nhắc lại là những người có trách nhiệm cứ đi đàm phán với Trung Quốc, miễn là làm cho rõ ràng mọi thứ. Nhưng còn người dân, họ chưa động chạm gì đến TQ, chưa nói câu gì xúc phạm đến TQ, chỉ mới tụ tập là bị bắt lên xe. Thế là thế nào ?
Đất nước ta có ngàn năm văn hiến, có truyền thống chống giặc ngoại xâm. Văn hiến, truyền thống ấy có được bảo tồn sau hàng ngàn năm như thế này, chính là nhờ tinh thần yêu nước. Không cho phép biểu lộ tinh thần yêu nước, thì đất nước này làm sao tồn vong được !
RFI : Giáo sư có định sẽ tiếp tục biểu tình phản đối TQ Chủ nhật tới ?
GS Phạm Dưy Hiển: Tôi sẽ tiếp tục. Trước đây tôi không định như vậy, nhưng bây giờ thì tôi sẽ tiếp tục và thậm chí tôi chờ đợi khả năng là mình bị bắt . Tôi không làm gì chống lại đất nước, tôi không sợ gì cả. Tôi sẽ vẫn xuống đường cho đến khi nào người ta đối xử một cách văn minh, lịch s ựvới những người biểu lộ tình yêu nước.
RFI : Xin cám ơn Giáo sư Phạm Duy Hiển.