13/7/11

Khu vực đồng euro lo ngại trước nguy cơ khủng hoảng Hy Lạp lan rộng

Jean-Claude Juncker (trái), Chủ tịch khối sử dụng đồng euro và Jean-Claude Trichet, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu tại cuộc họp ngày 11/07/2011.
Jean-Claude Juncker (trái), Chủ tịch khối sử dụng đồng euro và Jean-Claude Trichet, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu tại cuộc họp ngày 11/07/2011.
REUTERS/Thierry Roge
Thanh Phương 13/7/2011
 
Lãnh đạo các nước khu vực đồng euro sẽ lại phải họp vào cuối tuần này. ,Khả năng triệu tập cuộc họp thượng đỉnh bất thường vừa kể cho thấy là các lãnh đạo châu Âu rất lo ngại trước nguy cơ khủng hoảng Hy Lạp lan rộng, làm sụp đổ dự án thống nhất tiền tệ, 12 năm sau khi khối euro ra đời.
Chủ tịch Liên hiệp châu Âu Herman Van Rompuy dự trù triệu tập cuộc họp giữa lãnh đạo các nước khu vực đồng euro vào cuối tuần này, để tìm cách tránh cho khủng hoảng nợ của Hy Lạp lan sang Ý và Tây Ban Nha, làm tan rã khối tiền tệ châu Âu.

Sau cuộc họp dài tối hôm qua tại Bruxelles, 17 bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro đã đồng ý với nhau về những biện pháp để hổ trợ Hy Lạp, cũng như củng cố các cơ chế chống khủng hoảng của khối này.

Nhưng cuộc họp tại Bruxelles đã không giải quyết được vấn đề hóc búa nhất hiện nay, đó là điều kiện tham gia của các ngân hàng vào kế hoạch thứ hai hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp. Theo các nước Đức, Hà Lan và Phần Lan, phải có sự đóng góp của các ngân hàng chủ nợ của Hy Lạp, nhưng Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Pháp và các nước đang gặp khó khăn sợ rằng làm như vậy sẽ khiến khủng hoảng lan rộng thêm.

Khả năng triệu tập cuộc họp thượng đỉnh bất thường vào cuối tuần cho thấy các nhà lãnh đạo châu Âu ngày càng lo ngại trước nguy cơ khủng hoảng Hy Lạp lan rộng, làm sụp đổ dự án thống nhất tiền tệ, 12 năm sau khi khối euro ra đời. Bản thân thủ tướng Berlusconi hôm qua đã thừa nhận là tình hình của nước Ý hiện nay rất khó khăn và ông kêu gọi người dân hãy «đoàn kết » và chấp nhận thắt lưng buộc bụng.

Lãi suất cho vay theo đòi hỏi của các thị trường tài chính đối với Ý và Tây Ban Nha đã tăng vọt hôm thứ 2 vừa qua. Nếu tình hình này kéo dài, tài chính công của hai nước nói trên sẽ không thể đứng vững.

Cuộc khủng hoảng tài chính càng trầm trọng, áp lực càng gia tăng lên các lãnh đạo châu Âu, buộc họ phải vượt qua những bất đồng để tìm ra phương cách đối phó và nhất là thông qua kế hoạch thứ hai hỗ trợ Hy Lạp. Trước mắt để giảm gánh nặng nợ nần cho Hy lạp, các bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro đang nghiên cứu khả năng cho phép Quỹ hỗ trợ tài chính mua lại nợ công của Hy Lạp từ các nhà đầu tư.

Làm như vậy coi như sẽ phá bỏ một điều cấm kỵ trong khu vực đồng euro, giải pháp mà Đức và Hà Lan cho tới nay vẫn không chấp nhận. Hai nước này vẫn chủ trương Ngân hàng Trung ương châu Âu là cơ chế duy nhất có quyền can thiệp vào thị trường nợ bằng cách thức nói trên.

Một điều cấm kỵ khác có thể cũng sẽ bị phá bỏ, vì bộ trưởng Tài chính Hà Lan hôm qua không loại trừ khả năng là để cho Hy Lạp bị vỡ nợ một phần. Nhưng bộ trưởng Hy Lạp đã bác bỏ ngay khả năng đó, đòi là châu Âu phải đáp ứng toàn bộ nhu cầu về tài chính của nước này vì hệ thống tài chnh Hy Lạp là một phần của hệ thống tài chính châu Âu.

Nhưng bây giờ không còn là lúc để tranh cãi dằng dai nữa, nhất là vì tối hôm qua, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa hạ thấp thêm một nấc điểm tín nhiệm về nợ công của Ireland. Kể từ nay, quốc gia này bị xem là một nơi đầu tư có tính chất « đầu cơ », tức là có mức độ rủi ro rất cao. Như vậy là trong danh sách các « ứng viên » khủng hoảng tài chính, bây giờ có thêm Ireland.

Không có nhận xét nào: