26/7/11

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối đầu với nhiều thách thức về kinh tế

Ông Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh chụp ngày 21/07/201, sau buổi lễ khai mạc khoá họp Quốc hội.
Ông Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh chụp ngày 21/07/201, sau buổi lễ khai mạc khoá họp Quốc hội.
Reuters
Thanh Phương 26/7/2011
 
Hôm nay, 26/07/2011, ông Nguyễn Tấn Dũng đã được Quốc hội Việt Nam bầu lại vào chức thủ tướng. Cầm quyền thêm 5 năm nữa, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đối đầu với những thách thức to lớn về kinh tế, vốn đã gặp nhiều xáo trộn trong nhiệm kỳ đầu của ông.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, kinh tế Việt Nam đang bị mất cân đối ở nhiều mặt : lạm phát tăng vọt, thâm thủng mậu dịch ngày càng lớn, thâm hụt ngân sách và cán cân vãng lai ở mức cao, đầu tư công thiếu hiệu quả và nợ nước ngoài gia tăng. Cũng theo ông Lê Đăng Doanh, nhiều xí nghiệp cỡ nhỏ và vừa đang bên bờ phá sản.

Lạm phát ở Việt Nam trong tháng 7 đã lên tới 22% so với cùng kỳ năm ngoái, thuộc loại cao nhất thế giới hiện nay. Vật giá leo thang, đời sống dân nghèo càng thêm khốn đốn. Theo báo chí chính thức, con số các vụ đình công đang gia tăng cũng là do tác động của lạm phát.

Hãng tin AFP trích lời ông Vương Quân Hoàng , chủ tịch công ty tư vấn và nghiên cứu DHVP, hôm nay cho rằng dân chúng ngày càng không chấp nhận tình trạng lạm phát tăng cao. Như vậy, áp lực lên chính phủ mới về mặt này sẽ rất lớn. Theo ông Vương Quân Hoàng, kinh tế Việt Nam đang gặp khủng hoảng, « một cuộc khủng hoảng lớn ».

Phòng Thương mại châu Âu ở Việt Nam hôm qua cũng vừa công bố kết quả điều tra cho thấy là sư tin tưởng của các doanh nghiệp thành viên đã sụt giảm thêm 7 điểm, cho thấy giới doanh nghiệp ngoại quốc ngày càng thận trọng khi đầu tư vào Việt Nam, vì họ thấy là không có cải thiện gì trong các chính sách kinh tế vĩ mô.
Theo chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu ở Việt Nam, Alain Cany, nếu không có cải thiện rõ rệt, Việt Nam có thể sẽ mất sự thu hút do với các nước khác trong ASEAN. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam sẽ khó mà đạt mục tiêu 20 tỷ đôla đầu tư nước ngoài trực tiếp FDI cho năm nay.

Chưa biết là trong nhiệm kỳ mới ban lãnh đạo mới làm cách nào để đưa kinh tế Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, nhưng điều chắc chắn là về mặt chính trị, họ sẽ tiếp tục duy trì chế độ độc đảng, không chấp nhận bất cứ hình thức đối lập nào. Thậm chí, giới hoạt động nhân quyền sợ rằng, với việc ông Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử thủ tướng, chính sách đàn áp các quyền tự do sẽ còn ác liệt hơn.

Hiện giờ, theo Ân Xá Quốc Tế, hàng chục nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động chính trị đang bị giam cầm ở Việt Nam. Ngay trước ngày ông Nguyễn Tấn Dũng tái đắc cử thủ tướng, hôm qua, linh mục Nguyễn Văn Lý, một trong những nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng ở Việt Nam, đã bị đưa trở lại nhà tù, mặc dù tình trạng sức khoẻ còn rất kém.

Trong vài ngày nữa, ngày 10/8, chính quyền Việt Nam sẽ đem ra xét xử giáo sư Phạm Minh Hoàng, một blogger mang hai quốc tịch Việt Pháp, với tội danh « Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền », một tội danh vẫn thường được dùng để kết án các nhà bất đồng chính kiến. Trước đó, ngày 2/8, tòa án Hà Nội sẽ xử phúc thẩm tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, bị kết án 7 năm tù trong phiên xử sơ thẩm đầu tháng 4 vừa qua với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam ».

Hai nhà hoạt động này đều có điểm chung là đã phản đối dự án bauxite ở Tây Nguyên, dự án mà ông Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định cho thực hiện, bất chấp những nguy cơ về môi trường, kinh tế và an ninh quốc gia. Vốn rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trưòng ở Việt Nam, giáo sư Phạm Minh Hoàng đã tham gia ký kiến nghị yêu cầu dừng dự án bauxite Tây Nguyên. Còn tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ thì đã kiện ông Nguyễn Tấn Dũng vì đã cho phép tiến hành dự án này.

Ban lãnh đạo mới của Việt Nam cũng đang phải đối đầu với phong trào phản đối Trung Quốc đang ngày càng lan rộng trong nước. Hôm qua, tân chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và trước đó vào đầu tháng 6, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh hải trước chính sách bành trướng trên Biển Đông của Trung Quốc. Nhưng mặt khác, chính quyền Việt Nam lại thẳng tay đàn áp những người biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn, gây phẫn nộ dư luận.

Phong trào phản đối Trung Quốc đang dần dần trở thành một phong trào đòi các quyền tự do căn bản, mà trước hết là quyền tự do biểu tình. Đi tiên phong là giới nhân sĩ trí thức, những người mà ông Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần bịt miệng, vì không muốn nghe những lời « phản biện » của họ.

Không có nhận xét nào: