21/7/11

Dưới áp lực của dư luận, chính quyền phải giải thích về công hàm Phạm Văn Đồng

Công hàm 1958 của thủ tướng Việt Nam Dân  Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng
Công hàm 1958 của thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng
Thanh Phương 21/7/2011
 
Lần đầu tiên, một tờ báo chính thức ở Việt Nam đã đề cập đến công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, để chứng minh rằng không hề có chuyện tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bài báo được đăng tải trên tờ Đại Đoàn Kết hôm qua, 20/07/2011, trong bối cảnh dư luận trong nước, đặc biệt là giới nhân sĩ, trí thức, đòi chính quyền phải công khai hóa các vấn đề liên quan đến quan hệ Việt – Trung, đặc biệt là về công hàm Phạm Văn Đồng.

Nhờ bài báo của Đại Đoàn Kết, tờ báo của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, một tổ chức ngoại vi của đảng Cộng sản, mà độc giả Việt Nam biết được cụ thể nội dung, cũng như bối cảnh của bức công hàm nói trên:

Ngày 4/9/1958, thủ tướng Chu Ân Lai đã tuyên bố với quốc tế quyết định của chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam).


Sau đó, ngày 14/9/1958, thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng đã gởi cho thủ tướng Chu Ân Lai bức công hàm ghi rõ: “Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành” tuyên bố nói trên của chính phủ Trung Quốc và “sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”.

Trong suốt mấy chục năm qua, giới lãnh đạo Hà Nội đã hoàn toàn im hơi lặng tiếng về bức công hàm Phạm Văn Đồng. Nhưng trong bản tin ngày 28/06/2011, Tân Hoa Xã, khi tường thuật về cuộc gặp gỡ giữa hai thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam -Trung Quốc tại Bắc Kinh, đã nhắc lại bức công hàm này như là một bằng chứng cho thấy Hà Nội thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa- Hoàng Sa. Thông tin nói trên càng khiến dư luận Việt Nam xôn xao, nhất là vì nhiều người chẳng biết mặt mũi bức công hàm Phạm Văn Đồng ra sao.

Thật ra, từ lâu, nhiều chuyên gia đã phân tích rõ là công hàm Phạm Văn Đồng chẳng có giá trị nào về mặt pháp lý trên vấn đề chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, bởi một lý do đơn giàn là hai quần đảo này, vào thời đó, thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Người ta không thể từ bỏ những gì không nắm trong tay.

Trong bài báo hôm qua, tờ Đại Đoàn Kết cũng phải công nhận rằng vào thời điểm năm 1958, Hoàng Sa và Trường Sa “tạm thời thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa” và chính phủ này “đã liên tục thực thi” chủ quyền trên hai quần đảo đó và đặc biệt đã quyết liệt chống trả sự xâm lược của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.

Vào thời điểm đó, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền trên hai quần đảo này. Theo tờ Đại Đoàn Kết, công hàm Phạm Văn Đồng không hề tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa và cách diễn giải của phía Trung Quốc về bức công hàm là “xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý”.

Bài báo biện minh rằng, công hàm Phạm Văn Đồng được đưa ra trong bối cảnh “phức tạp và cấp bách” đối với Trung Quốc, cũng như trong bối cảnh quan hệ đặc thù giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Trung Quốc lúc đó “vừa là đồng chí vừa là anh em”, và nhất là vào lúc mà miền Bắc Việt Nam rất cần sự chi viện của Trung Quốc.

Vấn đề là bối cảnh thế giới nay đã thay đổi, nhưng quan hệ Việt-Trung vẫn bị ràng buộc bởi 4 chữ “tốt” và 16 chữ vàng, và giới lãnh đạo Hà Nội vẫn bị nghi là quá nhân nhượng Bắc Kinh trên vấn đề lãnh thổ. Mối nghi ngờ này càng tăng thêm sau chuyến đi Trung Quốc của thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Son với tư cách đặc phái viên của các lãnh đạo Việt Nam.

Với việc giải thích rõ công hàm Phạm Văn Đồng, chính quyền Việt Nam hy vọng sẽ xoa dịu phần nào dư luận trong nước, mà nay không chỉ phẫn nộ về những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, mà còn đang rất bất bình trước hành động đàn áp người biểu tình phản đối Trung Quốc.

1 nhận xét:

obamalyson nói...

Pham Van Dong va dong bon tap doan Viet gian da ban nuoc. Chung ta phai dung len to cao cho nhan dan xet xu nhung ke pham toi Thien Co.